ĐIỂM DỐI LỪA Dan Brown Mã số: VNTT411-VHTT Tác giả: Dan Brown Dịch giả: Văn Thị Thanh Bình Nhà xuất bản: Văn hóa - Thông tin Ngày xuất bản: quý 4/2006 Số trang: 512 Kích thước: 16 x 24cm Trọng lương: 900g Số quyển / 1 bộ: 1 Hình thức bìa: bìa cứng Giá bìa: 100.000 VNĐ BẢNG MỤC LỤC Đội Delta. Văn phòng tình báo Quốc gia (NRO) Hiệp hội Vũ trụ là những tổ chức có thật. Tất cả những công nghệ được mô tả trong sách này tồn tại trên thực tế. *** "Nếu khám phá này được chứng thực là đúng thì chắc chắn đây sẽ là một trong những phát kiến quan trọng nhất về vũ trụ của khoa học hiện đại. Có thể thấy rằng ảnh hưởng của nó là vô cùng rộng rãi và sâu sắc. Nó còn tạo điều kiện thuận lợi đối với việc tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc cổ xưa nhất của loài người, và đặt ra nhiều câu hỏi khác vô cùng có ý nghĩa". (Tổng thống Bill Clinton, trong cuộc họp báo sau phát kiến có số hiệu ALH84001) Mở đầu Ở vùng đất bị quên lãng này, cái chết có thể xảy đến dưới vô vàn hình dạng khác nhau. Sau bao năm dày dạn với vùng đất hùng vĩ và hoang dã này, nhà địa chất học Charles Brophy không hề ngờ rằng số phận của ông sắp chấm dứt một cách tàn bạo và nghiệt ngã đến thế. Đang kéo chiếc xe trượt chất đầy dụng cụ đo đạc qua vùng lãnh nguyên, bốn con chó Husky của ông bỗng chạy chậm lại và ngầng lên nhìn trời. - Cái gì thế hả cưng? - Brophy xuống khỏi xe. Trên nền trời giông bão mây vần vũ bỗng hiện ra một chiếc trực thăng vận tải. Nó hạ độ cao rồi hạ cánh xuống mỏm băng trước mặt một cách chính xác và khéo léo. Thật kỳ lạ, ông thầm nghĩ. Chưa bao giờ có máy bay trực thăng ở vùng đất xa xôi này. Chiếc máy bay hạ cánh xuống cách ông khoảng 50 mét, làm bụi tuyết bắn lên tung toé. Lũ chó khụt khịt ngửi hít, tỏ ra lo lắng. Cánh cửa máy bay mở ra, hai tên lính bước xuống. Chúng mặc quan áo bảo hộ màu trắng kín mít từ đầu đến chân, vai khoác súng trường, và vội vã tiến về phía ông. - Có phải tiến sĩ Brophy đấy không ạ? - Một tên gọi to. Nhà địa chất học bối rối: - Làm sao các anh biết tên tôi? Các anh là ai? - Ông hãy lấy máy phát sóng vô tuyến ra. - Cái gì? - Mau lên. Bối rối, Brophy rút máy liên lạc từ trong túi áo khoác ra. - Chúng tôi nhờ ông phát bản tin cấp cứu này ngay. Hãy hạ tần số xuống một trăm kilô herzt. Một trăm kilô herzt? Brophy càng không hiểu thế nào. Tần số thấp như thế thì ai bắt được cơ chứ? - Có tai nạn hay sao? Tên lính thứ hai giương súng lên chĩa thẳng vào đâu Brophy… - Không có thời gian để giải thích. Làm mau! Run run, Brophy điều chỉnh tần số phát sóng. Tên lính thứ nhất đưa cho ông một mảnh giấy nhỏ có mấy dòng chữ được đánh máy từ trước. - Hãy phát đi thông điệp này. Ngay lập tức! Brophy nhìn mảnh giấy. - Tôi không hiểu. Thông tin này có chính xác đâu? Tỏi đâu có bị… Tên lính kia thúc mũi súng vào thái dương ông. Brophy phát đi thông điệp cấp cứu kỳ lạ ấy, giọng run run. - Được rồi. - Tên lính thứ nhất nói. - Bây giờ thì cả ông và lũ chó lên hết trên máy bay. Bị chĩa súng vào lưng, Brophy phải ép lũ chó đang tỏ ra hết sức miễn cưỡng lên trên máy bay. Họ vừa lên xong thì chiếc trực thăng lập tức cất cánh rồi bay về hướng tây. - Các anh là ai? - Brophy chất vấn, người ông giờ đã đầm đìa mồ hôi. Và thông điệp kỳ lạ kia nghĩa là sao? Không gã nào hé môi. Máy bay tăng độ cao, và gió thốc vào từ cánh cửa khoang không đóng. Vẫn bị buộc vào chiếc xe kéo, bốn con chó của ông lúc này bắt đầu rên lên ư ử. - Ít ra thì hãy đóng cửa lại. - Brophy yêu cầu. - Các anh không thấy là lũ chó của tôi đang sợ hay sao? Vẫn không một lời đáp. Khi lên đến độ cao hơn một ngàn mét, chiếc máy bay liệng qua mấy khe nứt sâu hoác dưới mặt đất. Một tên lính bất thần đứng dậy. Không nói không rằng, hắn ra sức lôi lũ chó vẫn bị buộc vào xe kéo ra phía cửa. Brophy sợ hãi nhìn những con chó vùng vẫy vô vọng. Sau thoáng chốc, cả chiếc xe kéo lẫn lũ chó đều biến mất. Brophy đứng phắt dậy, miệng la lối. Đó cũng là lúc hai gã kia xông vào túm lấy ông. Chúng lôi ông ra cửa khoang máy bay. Mụ đi vì sợ hãi, Brophy đấm túi bụi, cố gạt những cánh tay lực lưỡng đang đẩy ông ra ngoài. Vô ích. Vài tích tắc sau, ông cũng bị đẩy nốt xuống vực. Chương 1 Nhà hàng Toulos, nằm ngay dưới chân đồi Capitol, với thực đơn đặc biệt gồm những món ăn đầy hàm ý chính trị như thịt bê non và ngựa non, là một địa điểm mà giới chính khách cấp cao thường tới dùng bữa sáng. Sáng nay, Toulos đầy chặt thực khách - tiếng cốc chén bằng bạc chạm vào nhau, tiếng máy pha cà phê, và tiếng mọi người nói chuyện điện thoại di động hoà vào nhau thành một hợp âm hỗn loạn. Người phục vụ đang lén lút nhấp một ngụm rượu Mary khát máu, thì một thiếu phụ bước vào. Anh ta quay ra, mỉm một nụ cười rất chuyên nghiệp: - Xin chào. Anh nói, - Tôi giúp gì được quý khách ạ? Người phụ nữ này có vẻ ngoài khá hấp dẫn, trạc ba lăm, mặc chiếc quần flanen màu xám có là li, đi giày đế bằng, áo khoác màu ngà hiệu Laura Ashley. Lưng cô vươn thẳng, cằm hơi hất lên toát lên vẻ mạnh mẽ chứ không hợm hĩnh. Mái tóc màu nâu được uốn theo mốt mới nhất ở Washington - kiểu "thiếu phụ buông neo bong benh ôm lấy bờ vai" vừa đủ dài để tôn vẻ nữ tính, nhưng cũng vừa đủ độ ngắn để khẳng định rằng bộ óc nằm bên trong mái đầu ấy không hề kém cỏi. - Hơi muộn mất rồi. - Thiếu phụ nói. - Tôi có hẹn ăn sáng với Thượng nghị sĩ Sexton. Anh bồi bàn hơi giật mình. "Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton". Ông là khách quen của nhà hàng, và là một trong những chính khách tên tuổi nhất trên toàn nước Mỹ. Tuần trước, sau khi đánh bại tất cả 12 ứng cử viên trong kỳ đại hội Ngày thứ ba đặc biệt, ông đã chắc chắn trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng. Nhiều người tin rằng mùa thu tới ông hoàn toàn có khả năng đoạt được vị trí chủ nhân Nhà Trắng từ tay ngài Tổng thống đường nhiệm đã gây nhiều tai tiếng. Gần đây, ảnh ông đã xuất hiện trên rất nhiều mặt báo, và các khẩu hiệu tranh cử của ông cũng được dán khắp nơi: "Chặn đứng thâm hụt, khởi đầu tái thiết". - Thượng nghị sĩ đang ở trong phòng dành riêng. Người phục vụ nói. - Và cô là… - Rachel Sexton, con gái ông ấy. Mình đúng là đồ bờm. Anh ta nghĩ. Cô gái trông rất giống bố. Cô có đôi mắt sắc sảo và phong cách đầy học thức - một dáng vẻ vô cùng thanh cao. Rõ ràng cô gái đã thừa hưởng khuôn mặt ưa nhìn của cha mình, nhưng cô còn có thái độ khiêm tốn và vẻ duyên dáng, những cái đó thì Thượng nghị sĩ không có. - Rất hânh hạnh được gặp cô, thưa cô Sexton. Dẫn cô gái đi ngang qua phòng ăn lớn, người phục vụ được chứng kiến cả một hàng ánh mắt nhìn theo Rachel, một số người thì dè dặt, một số thì không. Rất ít phụ nữ đến ăn sáng ở Toulos, và những người đẹp đến nhường này thì lại càng ít. Trông xinh đấy! - Một người thì thào - Sexton mới lấy vợ đấy à? - Đồ bờm, con gái ông ta đấy! - Một người khác đáp lời. Người kia cười khùng khục. - Tôi hiểu Sexton, thế nào ông ta chả lên giường với con bé. Khi Rachel đến bàn cha cô đang ngồi, ông đang lớn tiếng nói chuyện trên điện thoại với ai đó về một thành công mới của mình. Ông ta ngước lên nhìn con gái vừa đủ lâu để chỉ ngón tay vào chiếc đồng hồ đeo tay Cartier, ra ý cô đã đến muộn. - Con cũng nhớ bố đấy, bố ạ. - Rachel nghĩ. Tên riêng của cha cô là Thomas, dù ông đã từ lâu tự thêm cho mình một cái tên đệm dài dòng. Rachel ngờ rằng ông chọn cái tên đó vì muốn tạo ra hiệu ứng điệp âm. Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton. ông có mái tóc màu bạch kim, còn miệng lưỡi chính trị gia linh hoạt của ông thì luôn song hành với vẻ ngoài của một ông bác sĩ tử tế trong các bộ phim mì ăn liền, một vẻ bề ngoài rất thích hợp với tài gây ấn tượng của ông. - Rachel! - Cha cô tắt điện thoại và đứng lên hôn má con gái. - Chào cha. - Cô không hôn ông. - Trông con mệt mỏi quá đấy! Con bắt đầu thấy mệt thật rồi đây. - Cô nghĩ. - Con nhận được tin nhắn của cha. Có chuyện gì thế ạ? Bố không thể ăn sáng với con gái mình hay sao? Từ lâu Rachel đã biết rằng cha không bao giờ cần đến sự có mặt của cô, trừ khi có một lý do sâu kín nào đó. Sexton nhấp một ngụm cà phê. - Dạo này con sống thế nào? - Con khá bận. Chiến dịch tranh cử của bố có vẻ suôn sẻ đấy. - Thôi, đừng nói chuyện công việc làm gì. - Sexton nhoài người qua bàn, hạ thấp giọng. - Cái anh chàng ở văn phòng Chính phủ mà cha giới thiệu với con dạo nọ thế nào rồi? Rachel thở dài, ngay lập tức muốn nhìn đồng hồ xem giờ. - Bố ạ, con chưa có lúc nào rảnh rỗi nên vẫn chưa gọi cho anh chàng đó đâu. Giá mà bố thôi không… - Con phải biết bớt chút thời gian cho những việc quan trọng chứ, Rachel, so với tình yêu thì tất cả mọi thứ khác đều vô nghĩa. Rất nhiều lời đối đáp vang lên trong tâm trí Rachel, nhưng rồi cô lặng im không nói gì nữa. Trước mặt cha cô, thật là khó mà mau mồm mau miệng được. - Bố bảo muốn gặp con vì có chuyện gì quan trọng phải không? - Ừ có đấy! - Thượng nghị sĩ chăm chú nhìn con gái. Rachel cảm thấy khả năng tự vệ của mình đã bị ánh mắt của cha làm cho tan chảy, và cô thầm nguyền rủa điều đó. Ánh mắt của ông là món quà của Chúa, và cô đoán rằng chính ánh mắt ấy sẽ đưa ông vào Nhà Trắng. Tuỳ từng tình huống, chúng có thể ngấn lệ, và rồi, chỉ một thoáng sau, đã có thể trở nên trong sáng, mở ra truớc mắt mọi người cánh cửa sổ của một tâm hồn nhiệt huyết và đầy tin cậy. Niềm tin làm nên tất cả, ông vẫn thường nói vậy. Từ nhiều năm nay ông đã đánh mất niềm tin của Rachel, nhưng lại nhanh chóng giành được niềm tin của cả nước Mỹ. - Bố muốn đề nghị con một điều? - Thượng nghị sĩ Sexton nói. - Để con đoán thử nhé. - Cô đáp, cố gắng lấy lại sự tự tin. - Có kẻ goá vợ quyền thế nào đang muốn có một cô vợ trẻ trung phải không ạ? - Đừng tự huyễn mình thế, con yêu. Con có còn trẻ trung gì nữa đâu. Cảm giác chông chênh bất an thường có mỗi khi gặp cha lại quay lại với Rachel. - Bố muốn ném cho con một cái phao cứu sinh. - ông nói. - Con tưởng con chưa bao giờ bị chìm mà. - Con thì không, nhưng Tổng thống thì sắp rồi. Con phải nhảy ra khỏi con thuyền đó ngay đi. - Chẳng phải bố đã nói với con chuyện này một lần rồi sao? - Hãy nghĩ về tương lai của con, Rachel, con có thể sang làm cho bố. - Hi vọng đó không phải là lí do khiến hôm nay bố muốn ăn sáng cùng với con. Vẻ mặt điềm tĩnh của ngài nghị sĩ thoáng biến sắc, - Rachel, con không thể biết việc con làm việc cho ông ta ảnh hưởng xấu thế nào đến bố và chiến dịch của bố đâu. Rachel thở dài. Hai cha con cô đã từng một lần nói chuyện này. - Bố này, con có làm việc cho Tổng thống đâu, con còn chưa bao giờ gặp mặt ông ấy kia mà. Lạy Chúa, con làm việc cho Fairfax đấy chứ. - Trong chính trị, cảm tưởng rất quan trọng, Rachel, người ta sẽ có cảm tưởng là con làm việc cho Tổng thống. Rachel thở hắt ra, nhưng vẫn cố bình tĩnh: - Con phải mất bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới có được vị trí đó, bố ạ. Con không thể từ bỏ được. Thượng nghị sĩ nheo mày: - Con biết không, thái độ ích kỷ của con đôi khi thật là… - Ngài chính là Thượng nghị sĩ Sexton? - Một nhà báo bất thần xuất hiện bên bàn ăn. Thái độ của Sexton lập tức thay đổi. Rachel với lấy một chiếc bánh sừng bò trong giỏ đồ ăn, thầm rên rỉ. - Tôi là Ralph Sneeden, - anh phóng viên giới thiệu, báo Bưu điện Washington. - Tôi có thế phỏng vấn ngài vài câu không ạ? Thượng nghị sĩ mỉm cười, dùng khăn ăn chấm nhẹ môi. - Rất hân hạnh, Ralph ạ. Nhưng phải nhanh nhanh lên, tôi không muốn để ly cà phê nguội hết. Đến lượt anh chàng phóng viên mỉm cười. - Dĩ nhiên, thưa ngài. - Anh ta lôi ra một chiếc máy ghi âm cỡ nhỏ và bật lên. - Thưa Thượng nghị sĩ, trong các chương trình vận động tranh cử trên tivi, ngài kêu gọi đưa ra những bộ luật nhằm đảm bảo phụ nữ được trả lương bình đẳng như nam giới và giảm thuế cho các cặp vợ chồng mới cưới. Xin ngài hãy bình luận về động cơ của mình. - Dĩ nhiên rồi. Tôi luôn hâm mộ những phụ nữ mạnh mẽ và những gia đình bền vững. Rachel suýt nữa bị nghẹn. - Liên quan đến đề tài gia đình, ngài nói rất nhiều về giáo dục. - Anh phóng viên hỏi tiếp - Ngài đã đưa ra một kế hoạch gây rất nhiều tranh cãi về cắt giảm mạnh ngân sách để chi cho các trường phổ thông. - Tôi tin rằng bọn trẻ chính là tương lai của nước Mỹ. Rachel không thể ngờ cha mình lại có thể phát ngôn những lời sáo rỗng đến thế. - Câu hỏi cuối cùng, thưa ngài. - Anh phóng viên hỏi - Ngài đã có một bước tiến ngoạn mục trong kỳ thăm dò tín nhiệm cách đây vài tuần. Và Tổng thống chắc không thể không lo lắng. Ngài nghĩ gì về thành công của mình ạ? - Tôi nghĩ niềm tin làm nên tất cả. Người Mỹ đã bắt đầu nhận thấy rằng Tổng thống không đủ khả năng đưa ra những quyết định cứng rắn để giải quyết một số vấn đề của đất nước. Sự chi tiêu dễ dãi của Chính phủ làm cho quốc gia mỗi ngày một lún sâu hơn vào cảnh nợ nần, nên người Mỹ rũng đã bắt đầu nhận ra đã đến lúc phải thắt chặt chi tiêu và bắt đầu tái thiết. Dường như muốn phản đối những lời hùng hồn vừa rồi, chiếc máy nhắn tin trong túi Rachel bắt đầu đổ chuông. Tiếng chuông điện tử dồn dập đáng ghét mọi khi hôm nay đối với cô bỗng trở nên du dương lạ kỳ. Thượng nghị sĩ giận dữ liếc nhìn sang. Rachel lục túi tìm chiếc máy và bấm năm nút theo một trình tự cài đặt sẵn để khẳng định rằng cô chính là người đang sử dụng chiếc máy. Màn hình LCD bắt đầu nháy. Mười lăm giây nữa cô sẽ nhận được toàn bộ tin nhắn. Sneeden toe toét cười với ngài nghị sĩ: - Con gái ngài chắc chắn là người luôn bận rộn công việc. Thật vui được thấy hai cha con ngài vẫn dành thời gian để dùng bữa cùng nhau. - Như tôi đã nói, gia đình luôn là ưu tiên số một. Sneeden gật đầu, rồi nhìn chăm chú. - Xin được hỏi Thượng nghị sĩ, ngài và con gái mình làm thế nào đế dung hoà sự xung đột về lợi ích giữa hai cha con ạ? - Xung đột? - Thượng nghị sĩ ngẩng lên với cái nhìn bối rối không hiểu. - Anh muốn nói đến sự xung đột nào? Rachel ngẩng lên, làm bộ nhăn mặt với bố. Cô biết rất rõ câu hỏi này nhằm vào đâu. Cánh phóng viên chết dẫm. Cô thầm nghĩ. Phần nửa bọn họ là tay chân của các chính trị gia. Câu hỏi này thuộc loại cánh phóng viên gọi là quả nho - bề ngoài có vẻ rất hóc búa nhưng thực ra đã được chuẩn bị sẵn để có lợi cho ngài Thượng nghị sĩ, một cú tạt bóng tầm thấp mà cha cô có thể dễ dàng đỡ được và qua đó làm rõ một số điều. - Dạ… thưa ngài… - Anh chàng phóng viên hắng giọng, tiếp tục làm ra vẻ đang hỏi một câu hóc búa. - Xung đột ở đây là con gái ngài đang làm việc cho đối thủ của chính ngài đấy ạ. Thượng nghị sĩ Sexton phá lên cười, lập tức xoá tan bầu không khí căng thẳng. - Ralph này, trước hết, Tổng thống và tôi không bao giờ là đối thủ của nhau. Chúng tôi là hai nhà yêu nước có quan điểm khác nhau về phương thức quản lý Tổ quốc của chứng ta mà thôi. Anh chàng phóng viên cười sung sướng. Anh ta đã thấy trước thành công của mình. - Thế thứ hai là gì ạ? - Thứ hai, con gái tôi không làm việc cho Tổng thống, nó làm việc cho ngành tình báo. Công việc của nó là soạn thảo báo cáo tình báo và gửi cho Nhà Trắng. Đó là một việc làm rất giản dị. - Ông ngừng lời và quay sang Rachel. - Con yêu, hình như con còn chưa bao giờ gặp mặt Tổng thống phải không? Rachel cố nén sự giận giữ trong lòng. Chiếc máy nhắn tin kêu một tiếng "chít" - cô liếc xuống màn hình LCD. - RPRT DINRO STAT Cô nhanh chóng luận ra nghĩa của dòng chữ viết tắt và nhắn này. Tin nhắn này thật bất ngờ, và chắc chắn không phải là tin tốt. Ít nhất thì cô cũng có cớ để rút lui. - Lạy Chúa, - cô nói - con rất lấy làm tiếc, nhưng đã muộn giờ làm mất rồi, con phải đi đây. - Thưa cô Sexton, - anh chàng phóng viên mau mắn nói, - Trước khi đi, xin cô cho đôi lời bình luận về tin đồn rằng cô đã hẹn ăn sáng với ngài Thượng nghị sĩ để bàn về khả năng cô bỏ công việc hiện thời của cô để chuyển sang tham gia vào chiến dịch của cha mình? Rachel cảm thấy như thế vừa bị hắt một ly cà phê nóng vào giữa mặt. Cô không hề lường trước điều này. Nhìn vẻ mặt tự mãn của cha mình, cô đoán ngay ra rằng câu hỏi này đã được chuẩn bị từ trước. Rachel chỉ muốn nhoài sang bên kia bàn và đâm thẳng vào tim ông bằng chiếc dĩa cô đang cầm trên tay. Anh chàng phóng viên giơ chiếc máy ghi âm vào sát mặt cô. - Cô nghĩ thế nào, thưa cô? Rachel trừng mắt nhìn anh ta. - Này Ralph, anh nghe cho rõ đây: Tôi không hề có ý định từ bỏ công việc của mình để làm việc cho Thượng nghị sĩ Sexton, nếu anh không viết đúng sự thật, tôi sẽ cho cái máy ghi âm này bay thẳng vào mông anh đấy. Anh chàng phóng viên nhìn trân trối. Anh ta tắt máy ghi âm, cố nhịn cười: - Xin cảm ơn ngài và cô. - Anh ta biến mất. Ngay lập tức, Rachel cảm thấy ân hận về sự thái quá của mình. Cô đã thừa hưởng của cha mình tính nóng nảy ấy, và rất hận ông về điều đó. Bình tĩnh. Rachel. Phải bình tĩnh. - Ngài Thượng nghị sĩ nhìn cô vẻ không bằng lòng. - Con phải biết tự chủ chứ. Rachel với tay lấy chiếc xắc. - Hết giờ mất rồi bố ạ. Dù sao thì ngài Thượng nghị sĩ cũng đã đạt được mục đích của mình. Ông lại lôi điện thoại cầm tay ra và chuẩn bị gọi. - Tạm biệt con yêu. Thỉnh thoảng nhớ qua văn phòng thăm bố nhé. Và vì Chúa, lấy chồng đi thôi. Con ba mươi ba tuổi rồi đấy. - Ba mươi tư chứ? - Cô đáp. - Thư ký của bố gửi thiệp mừng sinh nhật con rồi. Ông cười khùng khục. - Những ba mươi tư. Sắp thành bà cô đến nơi rồi con ạ. Hồi bố ba mươi tư tuổi… - Bố đã cưới mẹ và bắt nạt hàng xóm rồi chứ gì? - Cô vô tình lên giọng hơi cao. Một số người ở bàn bên cạnh quay lại nhìn. Thượng nghị sĩ Sexton không hài lòng, ông nhìn con gái một cách lạnh lùng. - Cô phải liệu mà cư xử cho phải phép, thưa quí cô. Rachel tiến ra cửa. Không phải đâu, chính bố mới là người phải liệu cư xử, ngài Thượng nghị sĩ ạ. Chương 2 Ba người lặng lẽ ngồi trong lều Chống Bão. Bên ngoài, một cơn gió buốt giá đang giảt mạnh chiếc lều, tưởng như tất cả các dây néo đều sắp bị nhổ tung lên khỏi mặt đất. Cả ba người đều không hề để tâm đến điều đó, tất cả bọn họ đều đã trải qua những tình huống nguy hiểm hơn nhiều. Chiếc lều trắng ảm đạm của họ được dựng ở một khu đất hơi trũng và kín đáo. Thiết bị thông tin, vũ khí và phương tiện đi lại của họ đều vô cùng hiện đại. Chỉ huy của nhóm có biệt danh là Delta-Một. Anh là một người vạm vỡ nhưng lại rất uyển chuyển, và đôi mắt buồn mênh mang y như khung cảnh phía bên ngoài căn lều. Chiếc đồng hồ quân dụng trên tay Delta-Một kêu lên một tiếng bíp chói tai, cùng lúc với những tiếng bíp phát ra từ hai chiếc máy trên cổ tay của hai người còn lại. Ba mươi phút nữa đã trôi qua. Lại một lần nữa đến giờ hành động. Một mình. Delta-Một bước ra ngoài đêm đen và gió giật. Anh dương chiếc ống nhòm hồng ngoại lên quan sát đường chân trời mờ ánh trăng. Như mọi khi, anh tập trung vào kiến trúc đó. Nó nằm cách họ một ngàn mét, một công trình to lớn và đơn độc trên vùng đất cằn cỗi này. Anh và đồng đội đã quan sát công trình suốt mười ngày nay, kể từ khi nó bắt đầu được xây dựng. Delta-Một tin chắc chắn rằng những thông tin chứa trong kiến trúc đó sẽ làm thay đổi cả thế giới. Đã bao người đã phải bỏ mạng để bảo vệ nó. Lúc này, mọi thứ bên ngoài kiến trúc đều có vẻ yên ắng. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm thực sự lại là những gì diễn ra bên trong. Delta-Một quay vào lều và nói với hai đồng đội: - Đã đến giờ bay thử. Cả hai gật đầu. Người cao lớn hơn, Delta-Hai, mở chiếc máy tính xách tay ra và bấm nút khởi động. Ngồi trước màn hình, Delta-Hai cầm chiếc cần điều khiển kỹ thuật và giật mạnh. Cách đó một ngàn mét, từ dưới chân toà nhà, một robot do thám nhỏ bằng một con muỗi lập tức được kích hoạt. Chương 3 Rachel vẫn giận điên người khi lái chiếc xe Interga của mình dọc theo con đường Leesburg Pike. Những cây thích trơ trụi ảm đạm vươn lên giữa nền trời tháng ba khô lạnh trên đồi Falls Church, nhưng khung cảnh thanh bình đó không thể khiến cô bình tĩnh trở lại. Cha cô lại vừa ghi thêm điểm trong đợt thăm đò dư luận vừa rồi. Điều đó sẽ khiến ông trở nên tự tin hơn, và ông sẽ càng tin tưởng hơn nữa vào tầm quan trọng cá nhân của mình. Trò dối trá của ông khiến cô cảm thấy thực sự đau lòng, vì Rachel chỉ còn mình ông là người thân trên cõi đời này. Mẹ cô đã mất từ mấy năm trước, để lại sự trống vắng và một nỗi đau đến giờ vẫn chưa lành sẹo trong trái tim Rachel. Niềm an ủi duy nhất của Rachel là, với lòng trắc ẩn đầy mỉa mai của mình, thần chết đã giải thoát cho mẹ cô khỏi tai tiếng và tủi hổ vì đã kết hôn với ngài Thượng nghị sĩ. Máy nhắn tin lại đổ chuông, kéo cô ra khỏi dòng suy nghĩ miên man. Vẫn là tin nhắn lúc nãy. "RPRT DINRO STAT" - Báo cáo ngay với Giám đốc sở NRO- Cô thở dài. – Lạy Chúa, tôi đang đến đây mà. Lòng băn khoăn, Rachel lái xe đến lối ra quen thuộc, rẽ vào con đường dành riêng, rồi dừng lại trước bốt gạc có mấy anh lính đầy đủ vũ khí đang đứng cảnh giới. Đây là số nhà 14225 đường Leesburg Pike, một trong những địa chỉ bí mật nhất trên toàn nước Mỹ. Trong khi những người lính gác đang kiểm tra xe của cô để dò tìm thiết bị nghe lén, Rachel đưa mắt nhìn toà nhà đồ sộ phía xa. Khu liên hợp có diện tích mặt sàn một ngàn mét vuông toạ lạc giữa khu rừng rộng sáu mươi tám héc ta nằm ngay ở ngoại vi thủ đô, ở Fairfax, bang Virginia. Mặt tiền của toà nhà được lắp toàn kính phản quang, phản chiếu một rừng chảo tín hiệu vệ tinh, cần ăng ten, và những mái vòm của những toà nhà xung quanh, làm tăng gấp đôi số lượng của những toà nhà trùng điệp đó. Hai phút sau, Rachel đã đỗ xe xong và sải bước qua khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng bên lối vào chính. Một tấm biến đá granit có khắc dòng chữ: CƠ QUAN AN NINH QUỐC GIA (NRO) Hai người lính thuỷ quân lục chiến đứng gác hai bên cánh cửa quay bằng kính chống đạn nhìn thẳng về phía trước khi Rachel bước qua. Cô lại một lần nữa cảm thấy y như mọi lần bước qua cánh cửa này để vào cơ quan An ninh quốc gia, cảm thấy như mình đang bước vào trong bụng một gã khồng lồ đang say ngủ. Sải bước trên hành lang mái vòm. Rachel nghe thấy tiếng vọng của hàng ngàn cuộc hội thoại khe khẽ, như thể những âm thanh ấy đang vọng xuống từ những phòng làm việc ở các tầng trên Một tấm biến lớn ghi tôn chỉ hành động của NRO: "Đảm bảo thông tin toàn cầu thông suốt cho Chính phủ Hoa Kỳ, trong thời bình và trong thời chiến". Các bức tường trong đại sảnh này treo đầy những bức ảnh cỡ lớn - những cuộc phóng tên lửa, lễ đặt tên cho tàu ngầm, và những trạm thám không - những chiến công lừng lẫy chỉ có thể được kỷ niệm ở giữa bốn bức tường này thôi. Lúc này, cũng giống như bao lần khác, Rachel cảm thấy những lo lắng của đời sống thường nhật dần bỉến mất phía sau lưng. Cô đang bước vào một thế giới bí mật. Một thế giới mà những vấn đề phát sinh sầm sập lao vào họ như một đoàn tàu cao tốc, còn các giải pháp thì luôn được đưa ra bằng những lời thì thào. Đi đến trạm gác trong cùng, Rachel băn khoăn không biết vì vấn đề trầm trọng gì mà máy nhắn tin của cô lại phải đổ chuông những hai lần trong vòng có nửa giờ đồng hồ. - Xin chào cô Sexton! - Anh lính gác mỉm cười khi cô bước đến cánh cửa bằng thép. Rachel mỉm cười đáp lại khi anh ta chìa cho cô miếng gạc bông nhỏ xíu. Chỉ là thủ tục thông thường thôi ạ! Rachel cầm miếng gạc phủ bông ẩm và gỡ bỏ lớp nilông phủ ngoài, rồi đặt vào miệng giống hệt như một cô y tá đang kẹp nhiệt độ cho bệnh nhân. Cô dùng lưỡi giữ chặt miếng gạc trong hai phút. Rồi nhoài người về phía trước, đưa trả anh lính gác miếng gạc bông đó. Miếng gạc ngay lập tức được thả vào chiếc máy ngay cạnh cửa. Sau bốn giây, chiếc máy khẳng định mẫu nước bọt có chứa cấu trúc AND của Rachel, bảng điều khiển trên đầu họ bắt đầu hoạt động, màn hình nhấp nháy rồi hiện lên ảnh của Rachel và chứng nhận quyền được tiếp cận thông tin mật của cô. Anh lính gác nháy mắt tinh nghịch. - Có vẻ vẫn là cô như mọi khi thì phải. - Anh ta thả miếng gạc vừa được chiếc máy nhả ra vào một khe máy khác, ngay lập tức miếng gạc ấm đã bị tiêu huỷ. - Chúc cô một ngày tốt lành! - anh ta ấn nút, cánh cửa thép nặng nề mở ra. Sải bước dọc dãy hành lang đông người, Rachel tự thấy ngạc nhiên vì sau sáu năm ròng, cô vẫn giữ nguyên trong lòng cảm giác choáng ngợp trước quy mô đồ sộ của to hợp này. Tổ hợp này bao gồm những sáu cơ quan chính phủ khác nhau, với tổng số nhân viên lên đến mười ngàn người, và tổng chi phí lên tớì mười tỉ đô la mỗi năm. NRO đã bí mật chế tạo và duy trì một kho vũ khí tối tân khổng lồ: các thiết bị nghe lén điện tử phủ sóng toàn cầu, các vệ tinh do thám, các con chíp tiếp âm bí mật trong từng thiết bị viễn thông trên thị trường, thậm chí cả một hệ thống do thám trên biển toàn cầu được đặt tên là Thầy phù thuỷ Kinh điển - một mạng lưới bí mật gồm 1456 ống nghe bí mật dưới nước được đặt ở các khu vực đáy biển khác nhau, cho phép Chính phủ Mỹ giám sát hoạt động của tàu thuyền trên các đại dương của Trái đất. Các công nghệ của NRO không chỉ giúp ích cho Chính phủ Hoa Kỳ trong điều kiện chiến tranh. Chúng còn là một nguồn thông tin vô tận trong thời bình của các cơ quan chính phủ như CIA, NSA, Bộ Quốc phòng; trợ giúp những cơ quan này trong việc ngăn chặn bọn khủng bố, ngăn chặn sư xâm phạm môi trường, và cung cấp những số liệu cần thiết, để các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những chính sách mới trong hàng loạt lĩnh vưc khác nhau. Công việc của Rachel trong tổ hợp này là tổng hợp tin. Tổng hợp tin, hay nói cách khác là giảm số lượng dữ liệu, là công việc đòi hỏi kỹ năng phân tích các báo cáo phức tạp và rút ngắn chúng lại thành những bản tóm tắt chỉ dài một trang. Rachel đã chứng tỏ được năng khiếu thiên bẩm của mình trong lĩnh vực này. Nhờ có bao năm luyện cách đoán ý nghĩ thật của cha từ những câu nói tràng giang đại hải, cô thầm nghĩ. Giờ đây, Rachel nắm giữ vị trí cao nhất trong đội ngũ tổng hợp tin và chuyển những báo cáo hậu hĩnh báo lên Nhà Trắng. Nhiệm vụ của cô là sàng lọc hàng loạt thông tin tình báo trong ngày của NRO, xét xem thông tin nào cần được trình lên Tổng thống, rút gọn báo cáo lại thành những bản tổng hợp dài chỉ một trang, rồi chuyển sang cho Cố vấn An ninh của Tổng thống. Theo cách nói của dân trong ngành, Rachel làm ra các sản phẩm tinh lọc để phục vụ khách hàng. Dù đây là công việc khó khăn và đòi hỏi sự miệt mài, Rachel coi nó như huân chương công trạng của mình, một cách để khẳng định sự độc lập của cô đối với cha. Thượng nghị sĩ Sexton đã nhiều lần hứa hẹn sẽ giúp đỡ con gái nếu cô chịu từ bỏ vị trí hiện thời của mình, nhưng Rachel không hề có ý định phụ thuộc về tài chính vào một người như Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton. Mẹ cô hồi còn sống đã từng là một minh chứng hùng hồn cho những hậu quả xảy ra khi một người như ông nắm giữ tất cả các quân chủ bài trong tay. Tiếng chuông phát ra từ chiếc máy nhắn tin vọng vào những bức tường lát đá cẩm thạch. Lại một lần nữa ư? Cô chẳng buồn mở tin nhắn ra đọc. Thầm băn khoăn không biết có chuyện gì, cô sải bước đến buồng thang máy, bỏ qua tầng của mình, lên thẳng tầng cao nhất. Chương 4 Nếu nói rằng Giám đốc của NRO là người giản dị thì vẫn còn là quá lời. William Pickering, Giám đốc NRO, là người nhỏ bé, nước da nhợt nhạt, đầu hói, đôi mắt mầu nâu nhạt, dù đã từng nhìn thấy những bí mật sâu kín nhất của nước Mỹ, vẫn chỉ có hình bóng của hai vũng nước nông. Tuy nhiên, đối với những người làm việc dưới quyền ông, Pickering gần như một vị thánh. Tính cách ôn hoà và triết lý sống giản dị của ông đã trở thành huyền thoại ở NRO. Thói quen làm việc rất chuyên cần và lặng lẽ, cộng thêm tủ quần áo chỉ duy nhất một màu đen đã khiến ông có biệt danh là "Tín đồ Quây-cơ". Với những chiến lược tài ba và hiệu quả công việc cực cao - Tín đồ Quây-cơ điều hành giang sơn của riêng mình với sự minh bạch vô song. Ông có một câu thần chú: "Hãy tìm ra sự thật, và hành động trên cơ sở sự thật". Khi Rachel đến văn phòng của ông, ngài Giám đốc đang nói chuyện điện thoại. Phong thái của ông luôn khiến Rachel phải ngỡ ngàng: Trông Pickering không hề giống người có đủ quyền lực để đánh thức Tổng thống vào bất kỳ giờ nào. Ông gác máy và vẫy cô vào phòng. - Điệp vụ Sexton, mời cô ngồi. - Giọng ông lạnh lùng. - Cảm ơn Giám đốc. - Rachel đáp. Rất nhiều người không thích cung cách quá thẳng thắn của Pickering, nhưng Rachel lại luôn thấy yêu mến con người này. Ông hoàn toàn trái ngược với người cha Thượng nghị sĩ của cô, không có vẻ ngoài ưa nhìn, không có gì nổi bật trừ tài năng thiên bẩm, luôn thi hành phận sự của mình với tình yêu Tổ quốc thuần tuý, và luôn muốn tránh xa vinh hoa phú quí, thứ mà cha cô luôn khao khát. Pickering tháo kính mắt ra và nhìn Rachel. - Điệp vụ Sexton, nửa giờ trước Tổng thống đã điện cho tôi. Trực tiếp là vì cô. Rachel ngồi thẳng lên. Pickering luôn đi thẳng vào vấn đề. Một khởi đầu quái quỷ, cô nghĩ. - Hi vọng không phải vì những tổng hợp tin do tôi làm có sai sót gì. - Hoàn toàn ngược lại, ông ấy nói rằng Nhà Trắng có ấn tượng rất tốt về hiệu quả làm việc của cô. Rachel khẽ thở dài; - Thế ông ấy muốn gì ạ? - Gặp cô. Trực tiếp. Ngay bây giờ. Rachel chợt cảm thấy bất an. - Gặp riêng tôi à? Có chuyện gì nhỉ? - Câu hỏi hay đấy. Ông ta nhất định không chịu nói với tôi. Lúc này Rachel bắt đầu thấy khó hiểu. Giấu không chịu cho Giám đốc của NRO biết tin thì thật chẳng khác nào không cho Giáo hoàng biết những bí mật của Vatican. Giới tình báo vẫn thường đùa nhau rằng nếu có chuyện gì William Pickering chưa biết thì chắc chắn là chuyện đó chưa xảy ra. Lúc này Pickering đang đi đi lại lại trước cửa sổ. - Ông ấy yêu cầu tôi liên lạc trực tiếp và đưa cô tới gặp ông ấy ngay lập tức. - Ngay bây giờ à? - Ông ấy còn điều cả phương tiện đến đón. Ngoài kia kìa. Rachel nhíu mày. Bản thân yêu cầu của Tổng thống đã là kỳ quặc, nhưng nét mặt lo lắng của Pickering mới chính là điều khiến cô lo ngại. Chắc chắn còn điều gì Giám đốc chưa nói ra hết. Còn cái quái gì nữa chứ? Rất hiếm khi Pickering bộc lộ cảm xúc kiểu này. - Tổng thống tỏ ra cực kỳ sành sỏi khi chọn thời điểm này. Cô là con gái của người đang thắng ông ta trong các cuộc điều tra thăm dò, và thế là ông ta muốn gặp riêng cô. Tôi thấy điều này cực kỳ không thích hợp, còn cha cô thì chắc chắn sẽ không đồng ý. Rachel biết Pickering nói đúng - không phải chỉ vì cô nguyền rủa những ý nghĩ của cha mình. - Giám đốc cho rằng động cơ của Tổng thống là không minh bạch. - Tôi chỉ cam kết cung cấp thông tin tình báo cho Nhà Trắng đương nhiệm, và không đưa ra những nhận xét có khuynh hướng chính trị. Câu trả lờí điển hình của Pickering, Rachel thầm nhận xét. Pickering vẫn luôn công khai quan điểm của mình rằng những chính trị gia tên tuổi chẳng qua chỉ là những bung xung sẽ nhanh chóng hết thời, và về lâu về dài, bàn cờ chính trị luôn thuộc tầm chi phối của những người như ông, những người đã sống đủ lâu để trở nên dày dạn và có thể cảm nhận được xu hướng tiến triển trong tương lai, của những trò chơi chính trị. Ông vẫn thường nói rằng dù có giữ chiếc ghế Tổng thống đầy đủ cả hai nhiệm kỳ thì cũng còn lâu mới hiểu hết những phức tạp thực sự trong đời sống chính trị thế giới… - Biết đâu đây chỉ là một lời để nghị vô tư. Rachel nói, thầm hi vọng Tổng thống không phải là loại người sẽ sử dụng cô làm chiêu bài tranh cử. - Có thể chỉ vì ông ấy muốn tôi tổng hợp cô đọng hơn nữa bản báo cáo quan trọng nào đó? - Tôi không muốn tỏ ra bất kính, Rachel ạ, nhưng Nhà Trắng có thể tiếp cận hàng loạt chuyên viên tổng hợp tin có tay nghề khác. Đó là chuyện nội bộ của Nhà Trắng, và lẽ ra Tổng thống phải đủ hiểu biết để không liên lạc trực tiếp vớỉ cô. Và dù có không biết điều đó thì ông ta cũng phải biết là không nên đòi gặp một báu vật của NRO mà không chịu nói rõ lí do. Pickering luôn gọi các nhân viên của mình là báu vật, cách gọi này trong nhiều trường hợp nghe có vẻ rất lạnh lùng. - Cha cô đang liên tiếp ghi điểm trong các kỳ thăm dò tín nhiệm. - Pickering nói. - Rất nhiều điểm. Nhà Trắng có lí do để mà lo lắng. - ông thở dài. - Chính trị chẳng phải là một môn thể thao mã thượng. Khi Tổng thống muốn bí mật gặp mặt con gái của ứng cử viên đối lập thì không thể chỉ vì chuyện tổng hợp vài tin tình báo. Rachel thoáng cảm thấy ớn lạnh. Những linh cảm của Pickering thường rất đúng. - Và Giám đốc e rằng vì không mã thượng nên Nhà Trắng muốn biến tôi thành một phần trong trò bung xung chính trị sắp tới ư? Pickering yên lặng một lát. - Đôi khi cô đã bộc lộ những suy nghĩ rất cá nhân về người cha của mình. Đội ngũ nhân viên vận động tranh cử của Tổng thống không thể không biết đến điều đó. Tôi có cảm giác là bọn họ muốn dùng cô để đặt ông ấy vào một tình thế bất lợi nào đó. - Thế thì tôi nên gia nhập đội quân nào đây? - Rachel nửa đùa nửa thật hỏi. Pickering không hề để ý đến câu nói đó. Ông ta nhìn cô nghiêm khắc. - Tôi muốn cảnh báo cô trước, Sexton ạ. Nếu cảm thấy là những vấn đề cá nhân giữa cô và cha cô có thể ảnh hưởng đến những suy nghĩ của cô khi cư xử với Tổng thống, tôi khuyên cô nên từ chối cuộc gặp này. - Từ chối? - Rachel cười. - Dĩ nhiên là không thể khước từ Tổng thống được. - Cô thì không, - Pickering đáp - nhưng tôi thì có đấy. Giọng nói quả quyết của Pickering khiến Rachel nhớ đến một nguyên nhân nữa khiến ông có cái tên "Người theo đạo Quây-cơ". Dù có vẻ ngoài bé nhỏ, Pickering có thể gây ra cả một cơn chấn động về chính trị mỗi khi trở nên tức giận. - Những lo lắng của tôi thực ra rất dễ hiểu. - Pickering nói. - Tôi phải chịu trách nhiệm về sự an nguy của tất cả nhân viên ở đây. Và tôi không hề muốn để bất kỳ ai trong số đó bị biến thành con tốt phải thí trong trò chơi chính trị. - Theo Giám đốc thì tôi nên làm gì bây giờ? Pickering thở dài. - Theo tôi thì cô nên gặp ông ta, nhưng đừng hứa hẹn bất cứ điều gì. Và nếu thấy ông ấy có bất kỳ ý đồ sâu xa nào thì phải báo ngay cho tôi biết. Nếu cảm thấy ông ta định biến cô thành vật tế thần thì hãy tin ở tôi. Tôi sẽ lôi cô ra khỏi đám bùng nhùng ấy mau lẹ đến nỗi ông ta sẽ không bao giờ biết ai đã chơi lại ông ta. - Xin cảm ơn Giám đốc. - Rachel cảm nhận được thái độ chở che của ông ta, điều mà cô đã bao lâu mong chờ tử chính cha đẻ của mình. - Và Giám đốc nói rằng Tổng thống đã điều xe đến đón tôi à? - Không hẳn thế. - Pickering nhíu mày, chỉ tay ra ngoài cửa sổ. Phân vân, Rachel tiến đến bên cửa sổ và nhìn theo hướng tay chỉ của Pickering… Chiếc trực thăng loại Chim ưng Mở đường đầu tù loại MH-60G đang đậu trên thảm cỏ. Đây là loại trực thăng bay nhanh nhất hiện nay. Trên thân máy bay là biểu tượng của Nhà Trắng, và viên phi công đang đứng gần đó, có vẻ nôn nóng nhìn đồng hồ. Kinh ngạc, Rachel quay lại nhìn Pickering. - Nhà Trắng điều máy bay trực thăng để chở tôi đến Tổng hành dinh cách đây có mười lăm dặm hay sao? - Rõ ràng là Tổng thống đang muốn gây ấn tượng mạnh hoặc hù doạ cô đấy. - Pickering nhìn cô. - Tôi khuyên cô đừng nên để ý đến chuyện này. Rachel gật đầu. Tổng thống đã gây ấn tượng mạnh, và cô cũng bắt đầu thấy sợ hãi. Bốn phút sau, Rachel Sexton ra khỏi trụ sở NRO và leo lên chiếc trục thăng đang đợi sẵn. Cô chưa kịp thắt xong dây an toàn thì chiếc phi cơ đã cất cánh, xé gió bay lướt qua những cánh rừng của bang Virginia. Chăm chú nhìn những cánh rừng mờ mờ hiện ra tít phía dưới. Rachel bỗng cảm thấy mạch đập dồn. Nếu biết rằng chiếc máy bay này không bao giờ hạ cánh xuống Nhà Trắng, mạch của cô sẽ còn đập dữ dội hơn nữa. Chương 5 Gió lạnh vẫn tiếp tực giằng xé tấm bạt họ dùng để căng lều, nhưng Delta-Một không hề để ý. Cả anh lẫn Delta-Ba đều chăm chú nhìn đồng đội của họ; Delta-Ba, đang điều khiển chiếc cần máy với sự khéo léo và chính xác của bác sĩ phẫu thuật. Màn hình máy tính trước mặt họ hiển thị những hình ảnh được truyền trực tiếp từ một chiếc camera nhỏ bằng đầu kim gắn trên con robot siêu nhỏ đang bay. Đúng là thiết bị do thám tối tân! Delta-Một nghĩ. Mỗi lần kích hoạt con robot là mỗi lần anh lại thấy kinh ngạc. Gần đây, trong lĩnh vực công nghệ siêu nhỏ, thực tế đã vượt xa tưởng tượng của con người. Những Hệ thống Robot siêu nhỏ (HRS) - vi robot - là thành quả mới nhất trong công nghệ do thám hiện đại. Họ đặt cho nó cái tên là "Công nghệ bay xuyên tường". Một cái tên chính xác. Với kích cỡ rất nhỏ bé, những con robot điều khiển từ xa kiểu này chẳng khác gì chuyện khoa học viễn tưởng. Chúng bắt đầu được chế tạo từ những năm 1990. Tháng 5 năm 1997, kênh truyền hình Discovery đã phát một loạt chương trình về những vi robot biết bay và biết bơi. Loại biết bơi, những chiếc tàu ngầm bé bằng hạt muối chế tạo bằng công nghệ nanô có thể được đưa vào mạch máu người, y như trong bộ phim Chuyến viễn du kỳ thú. Giờ đây công nghệ này đã được áp dụng để giúp các bác sĩ kiểm tra hệ thống tim mạch bằng thiết bị điều khiển từ xa, quan sát thực trạng bệnh nhân nhờ một camera truyền hình trực tiếp, xác định vị trí bị tắc nghẽn mà không cần dùng đến bất kỳ con dao mổ nào. Khác với những gì ta tưởng, chế tạo một con vi robot biết bay còn dễ dàng hơn nhiều. Những công nghệ khí động học cần thiết để chế tạo máy bay đã được phát minh từ thời Kitty Hawk, vấn đề còn lại giờ đây chỉ là thu nhỏ kích cỡ của chúng lại. Vi robot biết bay đầu hên do NASA chế tạo để đưa lên thăm dò sao Hoả chỉ dài có vài inch. Đến thời điểm hiện nay, những tiến bộ trong công nghệ nano, những chất liệu có khả năng tích luỹ năng lượng, và công nghệ siêù nhỏ đã cho phép vi-robot-bay trở thành hiện thực. Mô phỏng thiên nhiên mới chính là bước đột phá quan trọng nhất. Những con chuồn chuồn kim hoá ra lại là những mô hình lý tưởng nhất cho vi-robot-bay. Con robot PH2 mà Delta-Hai đang điều khiển có chiều dài chỉ một xăng ti mét, bằng một con muỗi. Hai đôi cánh màng silicon có khớp nối giúp nó trở nên cực kỳ nhanh nhạy và hiệu quả trong khi bay. Bước đột phá thứ hai nằm trong cơ chế tái nạp năng lượng. Thế hệ vi-robot-bay đầu tiên chỉ có thể tái nạp năng lượng khi bay lượn giữa một luồng sáng cực mạnh, một đặc điểm không hề phù hợp với nhiệm vụ do thám ở những địa điểm có nguồn sáng yếu. Thế hệ thứ hai này có thể nạp năng lượng bằng cách đậu cách một vật phát ra từ trường khoảng vài inch. Và trong đời sống hiện đại, những vật phát ra từ trường luôn có mặt nhan nhản khắp mọi nơi - cầu dao điện, máy vi tính, mô tơ điện, điện thoại di động, đài thu thanh - chuyện tìm một địa điểm kín đáo để nạp năng lượng chẳng có gì là khó. Một khi vi-robot-bay được đưa vào một khu vực nào đó, nó sẽ liên tục truyền về những tín hiệu hình ảnh và âm thanh. Vi-robot-bay PH2 của lực lượng Delta đã hoạt động hơn một tuần nay mà chưa hề gặp bất kỳ trục trặc nào. Lúc này, vi-robot-bay đang lặng lẽ bay lượn trong căn phòng chính của ngôi nhà, y hệt như lũ côn trùng bay lượn trong các hang hốc tự nhiên. Với tầm quan sát rộng như của loài chim, nó đang lặng lẽ lượn trên đầu những người làm việc trong căn phòng – các kỹ thuật viên, các nhà khoa học, các chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau. PH2 đã lượn thêm một vòng nữa, và Delta-Một chỉ vào hai người với khuôn mặt quen thuộc đang hào hứng nói chuyện. Giả sử đây là một cuộc nói chuyện bí mật. Anh bảo Delta-Hai cho máy sà thấp xuống để nghe câu chuyện của họ. Dùng cần điều khiển. Delta-Hai bật bộ cảm biến âm của robot, điều chỉnh cái chảo thu hình parabol trên đầu nó, rồi ra lệnh cho nó hạ độ cao xuống còn cách đỉnh đầu hai nhà khoa học khoảng hơn một mét, âm thanh khá yếu, nhưng họ vẫn có thể nhận ra từng lời nói của hai người kia. - Tôi vẫn chưa thể tin nổi điều đó. - Một nhà khoa học nói. Giọng nói cho thấy niềm phấn khích trong lòng ông ta chưa hề giảm chút nào mặc dù nhà khoa học này đã ở căn cứ được hai ngày trời. Người đang nói chuyện với ông ta cũng thể hiện sự phấn khích không kém. - Ông đã bao giờ nghĩ rằng sẽ được chứng kiến một sự kiện kiểu này không? - Không bao giờ. - Nhà khoa học hào hứng đáp lời. - Quả là một giấc mơ kỳ diệu. Delta-Một không cần nghe thêm nữa. Rõ ràng là bên trong toà nhà đó, tất cả đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Delta- Hai điều khiển con robot về vị trí ẩn nấp. Anh lệnh cho nó hạ cánh xuống một cái ống khá kín đáo sau máy phát điện. Pin nhiên liệu của PH2 lập tức tái nạp năng lượng để sẵn sàng cho điệp vụ thứ hai. Chương 6 Đầu óc Rachel Sexton như mụ đi vì những sự kiện dồn dập sáng hôm nay. Chiếc trực thăng đang xé đôi bầu trời, lao thẳng về phía vịnh Chesapeake, cô chợt nhận thấy mình đang bị đưa về một hướng hoàn toàn khác. Cảm giác mụ mị ngay lập tức nhường chỗ cho sự hoang mang lo lắng. - Này! - Cô kêu lên thật to để gọi anh chàng phi công, - Anh đang làm cái gì thế hả? - Tiếng cánh quạt quay phần phật gần như át hẳn tiếng nói của Rachel. - Đáng nhẽ anh phải đưa tôi đến Nhà Trắng cơ mà! Viên phi công lắc đầu. - Xin lỗi quý cô, sáng nay Tổng thống không có mặt tại Nhà Trắng. Rachel cố nhớ lại xem Pickering có trực tiếp nhắc đến Nhà Trắng không, hay đấy chỉ là do cô tự suy diễn ra thế. - Thế Tổng thống đang ở đâu? - Cô sẽ gặp ông ấy ở nơi khác ạ. Quái quỉ. - Ở đâu? - Sắp đến rồi đấy ạ. - Tôi không hỏi anh chuyện ấy. - Còn có 16 dặm nữa thôi,, thưa cô. Rachel giận dữ nhìn anh ta. Gã này đáng ra phải làm chính trị gia mới đúng. - Chắc anh tránh đạn cũng tài tình như tảng lờ câu hỏi của người khác đấy nhỉ! Viên phi công không nói gì. Sau không đầy bảy phút, chiếc phi cơ đã vượt qua vịnh Chesapheake. Đến gần bờ biển, viên phi công cho máy bay nghiêng cánh và men theo bờ một bán đảo nhỏ. Rachel thấy ở đó có khá nhiều đường băng và những toà nhà của quân đội. Viên phi công bắt đầu hạ độ cao, và cô bắt đầu nhận ra đó là nơi nào. Có tới sáu bệ phóng tên lửa, những quả rốc két cháy đen, và trên một mái nhà bằng tôn có sơn hàng chữ lớn: ĐẢO WALLOP. Đảo Wallop là một trong nhiều bãi phóng tên lửa đầu tiên của NASA. Căn cứ này ít bị báo chí để mắt tới, và hiện được dùng làm bãi phóng vệ tinh nhân tạo, và làm nơi kiểm tra những mô hình phi cơ mới. Tổng thống đang ở đảo Wallop? Thật khó hiểu. Viên phi công cho máy bay lượn một vòng quanh ba đường băng chạy suốt chiều dài của bán đảo. Có lẽ họ sắp hạ cánh xuống cuối đường băng giữa. Anh ta bắt đầu giảm tốc độ. - Cô sẽ gặp Tổng thống trong văn phòng! Rachel quay lại, băn khoăn không biết anh chàng này đùa hay thật. - Tổng thống Mỹ có một phòng làm việc trên đảo Wallop hay sao? Trông anh ta rất nghiêm túc. - Tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có văn phòng ở bất cứ nơi nào ông ấy muốn, thưa quý cô. Anh ta chỉ về phía cuối đường băng. Hình thù to lớn của thân chiếc máy bay khiến tim Rachel gần như ngừng đập. Từ cách xa ba trăm thước, cô đã nhận ra chiếc phi cơ 747 màu lam nhạt được thiết kế riêng cho Tổng thống. - Tôi sẽ gặp ông ấy ở… - Vâng, thưa cô… ở trong ngôi nhà biết bay của ông ấy. Rachel nhìn như bị hút hồn. Chiếc máy bay danh giá này đã được các công ty của Bộ Quốc phòng thiết kế. Số hiệu của nó là VC-25-A, và công chúng thường chỉ được biết cái tên thông thường của nó: Chuyên cơ số Một. - Có vẻ như hôm nay cô sẽ lên chiếc phi cơ mới đấy. - Viên phi công chỉ tay về phía đuôi máy bay. Rachel lơ đãng gật đầu. Rất ít người biết rằng Tổng thống Mỹ có hai Chuyên cơ số Một chứ không phải là một - giống hệt nhau, đều cùng loại 747-200-BS, một chiếc có số hiệu 28000, chiếc kia mang số 29000. Cả hai đều có tốc độ bay tối đa 600 dặm một giờ, đều có cơ chế tiếp xăng trên không, và đều có tầm bay không hạn chế. Chiếc máy bay trực thăng của họ dừng bánh trên đường băng ngay cạnh Chuyên cơ số Một, và tầm vóc đồ sộ đáng kinh ngạc của nó khiến Rachel hiểu vì sao người ta vẫn ví chiếc máy bay này là ngôi nhà di động của Tổng thống. Khi ra nước ngoài đàm phán với các nguyên thủ quốc gia, Tổng thống thường viện lí do an ninh để yêu cầu tố chức buổi gặp mặt ngay trên chiếc máy bay này. Dĩ nhiên lí do an ninh là có thật, nhưng chắc chắn động cơ chính của yêu sách ấy là để giành thế chủ động trước đối phương bằng cách gây ấn tượng mạnh. Chuyên cơ số Một rõ ràng là gây ấn tượng mạnh hơn Nhà Trắng. Hàng chữ lớn, nối bật dọc theo thân máy bay: "HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ". Một nữ thành viên nội các đã từng cáo buộc Tổng thống Nixon vì đã phô phang cái đàn ông của mình trước mặt bà ta khi ông mời bà lên chiếc chuyên cơ này để họp. Và về sau, phi hành đoàn đã tếu táo đặt cho chiếc chuyên cơ này biệt danh "Của quý to". - Chào cô Sexton! - Một nhân viên mật vụ xuất hiện bên ngoài chiếc máy bay và mở cửa cho cô. - Tổng thống đang đợi cô. Rachel bước xuống khỏi trực thăng và nhìn những bậc cầu thang dẫn lên chiếc phi cơ đồ sộ. Trông như tượng "Linga" của những người thco chủ nghĩa phồn thực. Cô đã từng nghe người ta nói rằng Phòng Bầu dục bay có tổng diện tích lên tới những bốn ngàn foot vuông, có bốn phòng ngủ riêng, chỗ nghỉ cho đội bay hai mươi sáu người, và hai phòng bếp trên chuyên cơ có thể phục vụ tới 50 người. Nhân viên mật vụ theo sát gót Rachel khi cô lên cầu thang, như thể muốn thúc giục cô đi nhanh hơn nữa. Phía trên, cánh cửa ca bin mở sẵn trông chẳng khác gì một vết xước bé nhỏ trên thân máy bay khổng lồ màu xám bạc. Gần đến lối vào mờ tối đó, Rachel cảm thấy sự tự tin trong cô bắt đầu tan dần. - Bình tĩnh nào, Rachel, chỉ là một chiếc phi cơ thôi mà. Lên đến nơi, nhân viên mật vụ lịch sự khoác tay Rachel và dẫn cô vào một hành lang rất hẹp. Họ rẽ phải, đi một đoạn ngắn, rồi bước vào căn phòng rộng rãi sang trọng. Rachel lập tức nhận ra căn phòng, nó đã được chụp ảnh rất nhiều lần. - Cô hãy đợi ở đây. Nhân viên mật vụ biến mất. Còn lại mình Rachel trong ca bin lát gỗ phía trước của Chuyên cơ số Một. Căn phòng này vốn được dùng để hội họp tiếp đãi những nhân vật quan trọng, và rõ ràng là để khiến cho những người chưa vào đây bao giờ phải cảm thấy choáng ngợp. Bề dài của căn phòng chiếm toàn bộ chiều ngang thân máy bay, và tấm thảm da màu nâu nhạt trải trên sàn cũng vậy. Đồ đạc bày trong phòng đều rất đẹp và đắt tiền - những chiếc ghế bành bọc da thuộc mềm được xếp quanh một chiếc bàn lớn hình bầu dục, những chiếc đèn sàn bằng đồng bóng loáng đặt sát một đi văng lớn, và những cái li có hoa văn chạm khắc thủ công được xếp ngăn nắp trên một quầy bar bằng gỗ gụ. Rõ ràng là người thiết kế chiếc máy bay đã bài trí phòng ca bin trước một cách kỹ lưỡng để tạo ra cảm giác về sự ngăn nắp hài hoà với sự yên tĩnh. Tuy nhiên, yên tĩnh là cảm giác mà Rachel không tài nào cảm thấy vào giờ phút này. Ý nghĩ duy nhất có thể lọt vào đầu cô lúc này là không biết bao nhiêu nguyên thủ quốc gia đã từng ngồi trong chính căn phòng này, và đã đưa ra những quyết sách làm thay đổi cả thế giới. Mọi thứ trong phòng đều toả ánh hào quang của quyền lực, từ chiếc hộp đựng thuốc lá thoảng hương trên bàn đến biểu tượng của Tổng thống trên tất cả đồ đạc. Hình Chú Chim đại bàng quắp những mũi tên bên cành liễu được thêu trên những chiếc gối dựa, khắc trên những chiếc khay đựng đá, thậm chí trên cả những tấm lót cốc bày trên quầy bar. Rachel nhấc một tấm lên xem. - Đã bắt đầu ăn trộm đồ lưu niệm rồi? - Một giọng nói trầm trầm vang lên ngay cạnh Rachel. Giật mình, cô quay lại, làm rơi tấm lót cốc xuống sàn, rồi vụng về cúi xuống nhặt lên. Chạm tay vào tấm lót cốc trên mặt sàn, cô quay lại nhìn, và thấy ngài Tổng thống đang cúi xuống nhìn mình với nụ cười láu lỉnh. - Tôi không phải là thành viên Hoàng gia, thưa cô Sexton. Không cần phải quỳ gối đâu. Chương 7 Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton thư thái ngả người trên lớp đệm ghế bọc da sang trọng khi chiếc xe Lincoln rất dài nhẹ nhàng lướt đi giữa dòng xe cộ buổi sáng ở Washington, đưa ông đến văn phòng. Cùng ngồi trong xe là Gabrriel Ashe, cô thư ký riêng mới 24 tuổi, đang đọc cho ông nghe lịch làm việc trong ngày. Sexton nghe một cách lơ đễnh. Wasshington thật đáng yêu. Ông thầm nghĩ, mắt ngắm nhìn thân hình hoàn hảo của cô thư ký sau làn áo lụa cashmire. Chính trị là loại thuốc tình yêu công hiệu nhất… và nó đã kéo biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp nhường này đến thủ đô. Là thành viên của Hội Những người trồng thường xuân New York, Gabrielle ôm mộng trở thành Thượng nghị sĩ. Cô bé sẽ đạt được điều đó, ông nghĩ. Gabrielle có vẻ đẹp hiếm có và trí óc sắc sảo của một nghị sĩ. Quan trọng hơn cả là cô rất biết luật chơi. Gabrielle mang dòng máu lai da đen, nhưng nước da nâu sáng cho thấy sự vượt trội của dòng máu da trắng trong huyết quản cô gái lai này. Thượng nghị sĩ Sexton biết những người đàn ông da trắng có thể thoả thuê yêu đường làn da màu gỗ quế kia mà không sợ mang tội phản bội giống nòi. Ông đã kể với một người bạn của mình rằng Gabrielle có vẻ đẹp của Halle Berry, cùng với bộ óc và tham vọng của Hillary Clinton. Nhưng đôi khi Thượng nghị sĩ cho rằng nói như vậy vẫn là quá khiêm tốn. Kể từ khi được giao vị trí thư ký riêng của ông cách đây ba tháng. Gabrielle đã tỏ ra là món quà trời cho của Thượng nghị sĩ. Một chi tiết cũng không kém phần quan trọng là cô làm không lấy công. Đổi lại mười sáu giờ làm việc cật lực một ngày, cô được học hỏi kinh nghiệm về luật chơi của một nghị sĩ dày dạn. Dĩ nhiên, ông thầm nghĩ, mình đã thuyết phục để cô bé không chỉ giúp mình trong công việc đơn thuần. Sau khi bổ nhiệm Gabrielle làm thư ký, ông đã báo cô đến dự một cuộc họp định hướng rất khuya trong văn phòng. Y như phỏng đoán của ông, cô bé hăm hở đến, sốt sắng muốn làm hài lòng ngài Thượng nghị sĩ. Với sự kiên trì rèn luyện được sau nhiều thập niên, Sexton thể hiện vai diễn một cách điêu luyện…, chậm rãi gây dựng lòng tin đối với cô bé, gỡ bỏ từng chút một sự dè dặt trong lòng cô gái trẻ, dần dần chế ngự, rồi cuối cùng chiếm đoạt Gabrielle ngay trong văn phòng của ông. Sexton tin chắc rằng đó là đêm ân ái tràn trề hoan lạc nhất trong đời cô bé, ấy thế mà ngay sáng hôm sau, Gabrielle đã tỏ ra rất hối hận về sự thiếu chín chắn của mình. Quá bối rối, cô bé thậm chí còn định xin bỏ việc. Sexton không đồng ý. Thế là Gabrielle vẫn giữ nguyên vị trí của mình, nhưng từ đó đến nay cô luôn thể hiện rõ quan điểm: mối quan hệ của họ thuần tuý chỉ là công việc. Đôi môi gợi cảm của Gabrielle vẫn đang nói. - Thượng nghị sĩ không nên tỏ ra đa cảm trong buổi phỏng vấn trên đài CNN chiều nay. Đến giờ, chúng ta vẫn chưa biết Nhà Trắng cử ai tới để tranh luận với ngài. Ngài hãy xem qua những điểm quan trọng tôi đã chuẩn bị sẵn ra đây. - Cô bé đưa cho ông một tập tài liệu. Sexton với lấy tập tài liệu, nhân thể tận hưởng mùi nước hoa toả ra từ cô bé quyền lẫn với mùi da bọc của những chiếc ghế sang trọng. - Hình như ngài không đế ý nghe thì phải? - Cô gái nói. - Tôi đang nghe đây mà. - ông ta cười nhăn nhở. - Không cần phải lo lắng về cuộc tranh luận trên đài CNN. Trường hợp xấu nhất là Nhà Trắng chơi tôi bằng cách phái một nhân vật tầm thấp đến. Tình huống đẹp nhất là họ cử một nhân vật quan trọng đến, và dĩ nhiên tôi sẽ xẻ thịt ông ta để nấu bữa trưa. Gabrielle nhíu mày: - Thế thì tốt. Tôi đã liệt kê ra đây những đề tài gai góc nhất rồi. - Vẫn như mọi khi chứ gì? - Thêm một đề tài mới ạ. Tôi cho là ngài có thể bị soi mói vì câu nói sơ hở về cộng đồng người đồng tính trong lần phỏng vấn của Larry King. - Sexton nhún vai lơ đễnh. - Đúng rồi, vẫn đề tài hôn nhân đồng tính. Gabrielle nhìn ông vẻ không đồng tình. - Thượng nghị sĩ đã công kích họ khá gay gắt đấy ạ. Hôn nhân đồng tính, Sexton chợt cảm thấy kinh tởm. Nếu mình mà có quyền quyết định thì lũ quỷ đồng dâm đó còn không được quyền đi bầu cử ấy chứ. - Được rồi, tôi sẽ cố mềm mỏng hơn. - Thế thì tốt. Dạo này ngài đã thành công trong việc thu hút sự chú ý vào một số vấn đề nóng. Nhưng không được tỏ ra tự phụ. Công chúng có thể thay đổi ý kiến bất kỳ lúc nào. Ngài đang thắng thế, và đang trên đà thuận lợi. Nên cố gắng duy trì. Hôm nay nên cố gắng tập trung vào điểm đó. Phải sứ dụng triệt để những vấn đề này. - Có tin gì từ Nhà Trắng không? Gabrielle có vẻ hơi bối rối. - Vẫn im hơi lặng tlếng. Tình hình đã rõ. Đối thủ của ngài đã trở thành Người Vô Hình rồi. Sexton không thể tưởng tượng là mình lại may mắn đến thế. Suốt nhiều tháng ròng, Tổng thống đã đầu tư công sức cho chiến dịch tranh cử. Thế rồi cách đây một tuần, ông ta bắt đầu tự giam mình trong phòng bầu dục, và suốt từ đó không ai nghe tin hay nhìn thấy ông ta đâu cả. Như thế Tổng thống không thể chịu đựng được khi thấy số phiếu dành cho Sexton tăng lên từng ngày. Gabrielle đưa tay vuốt mái tóc đen mượt mà: - Nghe nói uỷ ban tranh cử của Nhà Trắng cũng sững sờ chẳng khác gì chúng ta. Tổng thống không chịu giải thích vì sao ông ta lại xử sự như vậy, và tất cả đều đang rất tức tối. - Cô có giả thuyết gì không? Gabrielle ngước cặp kính rất trí thức lên nhìn ông. - Sáng nay tôi được một người quen trong Nhà Trắng thông báo một tin rất thú vị, thưa Thượng nghị sĩ. Sexton hiểu ánh mắt ấy. Gabrielle Ashe lại moi được tin từ một nguồn trong Nhà Trắng. Không hiểu cô gái này có quan hệ kiểu trăng gió với một gã nào đó trong đội quân vận động tranh cử của Tổng thống không. Ông không can biết, miễn là có được thông tin. - Có tin đồn rằng - trợ lý của ông hạ giọng - Tổng thống bắt đầu xử sự kỳ quặc kiểu đó sau một cuộc nói chuyện riêng chớp nhoáng với một quan chức cao cấp của NASA. Sau cuộc gặp đó trông ông ấy có vẻ hơi choáng váng. Ngay sau đó ông ta huỷ bỏ mọi cuộc gặp khác và từ hôm ấy chỉ tiếp xúc với mỗi NASA thôi. Sexton dĩ nhiên là rất thích điều này. - Liệu có phải NASA lại có thêm tin xấu gì không nhỉ? Đó là cách giải thích hợp lí nhất. - Gabrielle nói đầy hi vọng. - Tin tức đó phải quan trọng lắm thì Tổng thống mới vứt bỏ mọi thứ khác như thế. Sexton cân nhắc. Hiển nhiên là mọi thứ liên quan đến NASA đều là tin xấu. Nếu không thì Tổng thống đã ném thẳng tin tốt đầu tiên ông ấy nhận được vào giữa mặt mình. Gần đây ông đã công kích Tổng thống một cách gay gắt vì vấn đề ngân sách cho NASA. Rất có khả năng những thất bại liên tiếp cùng với những khoản bội chi của cơ quan này sẽ trở thành điểm then chốt trong chiến dịch tuyên truyền của ông về hiệu quả làm việc thấp và quản lý ngân sách yếu kém của Chính phủ. Phải thừa nhận rằng không ai dám tin là việc chĩa mũi dùi vào NASA, niềm tự hào của người Mỹ, lại có thể giúp bất kỳ chính trị gia nào ghi điểm. Nhưng Sexton có một thứ vũ khí mà không một chính trị gia nào khác có được, đó chính là Gabrielle Ashe với những linh cảm tuyệt vời. Cô gái hiểu biết này đã thu hút sự chú ý của Sexton khi đang làm cộng tác viên cho văn phòng vận động tranh cử của Sexton ở Washington. Đúng vào lúc Sexton đang ì ạch nhích từng điểm một trong các kỳ thăm dò tín nhiệm, khi chẳng ai buồn để ý đến luận điểm của ông về thâm hụt ngân sách, Gabrielle đã gửi thư cho ông và đề xuất một ý tưởng rất mới cho chiến dịch tranh cử của ông. Cô thuyết phục Thượng nghị sĩ rằng ông nên công kích vào những khoản bội chi khổng lồ của NASA và coi những duyệt chi bổ sung của Chính phủ như một bằng chứng cho cung cách chi tiêu luộm thuộm của Tổng thống Herney. "NASA ngốn một khoản tiền khổng lồ" - Gabrielle đã viết như vậy và cô gửi kèm trong thư một danh sách, những khoản chi, những thất bại và những khoản duyệt chi bổ sung. – "Các cử tri không hề biết. Và họ sẽ cảm thấy kinh hãi. Tôi cho rằng Thượng nghị sĩ nên biến NASA thành một vấn đề chính trị". Thượng nghị sĩ Sexton rên lên khi đọc ý tưởng đó. "Làm thế thì có khác gì công kích người ta chỉ vì họ hát Quốc ca trước khi chơi bóng chày cơ chứ". Trong những tuần tiếp theo, Gabrielle tiếp tục gửi cho ông những tài liệu liên quan đến NASA. Càng đọc nhiều tài liệu, ông càng nhận thấy Gabrielle có lí. Dù có dựa trên tiêu chuẩn của một cơ quan chính phủ đi nữa thì NASA vẫn là một cỗ máy ngốn tiền khổng lồ: tốn kém, không hiệu quả, và trong những năm gần đây thì lãng phí tràn lan. Một hôm, trong buổi phỏng vấn truyền hình, ông bị phóng viên gạn hỏi về việc sẽ lấy tiền đâu ra để để trang trải cho việc sửa chữa các trường học theo như lời ông hứa. Ông quyết định dùng lý lẽ của Gabrielle về NASA để đáp lại nửa đùa nửa thật. - Tiền cho giáo dục à? - ông nói. - Có thể tôi sẽ cắt giảm một nửa số chương trình vũ trụ của NASA. Tôi tính rằng nếu NASA có thể chi mười lăm tỉ đô la một năm trong vũ trụ thì tôi cũng có thể chi bảy tỉ rưỡi vào những khoản phục vụ lũ trẻ ngay trên mặt đất này. Trong trường quay, người phụ trách chiến dịch tranh cử của Sexton thở dốc khi nghe thấy lời nhận xét bất cẩn đó. Toàn bộ chiến dịch có thể thành xôi hỏng bỏng không chỉ vì một phát đạn bắn bừa vào NASA. Ngay lập tức, các đường dây nóng của chương trình bắt đầu đổ chuông. Các trợ lí tranh cử của ông co rúm lại, tưởng những kẻ say mê vũ trụ bắt đầu bủa vây. Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra. - Mười lăm tỉ một năm cơ à? - Người đầu tiên gọi đến có vẻ rất ngạc nhiên. - Đúng là tiền tỉ chứ? Có phải Thượng nghị sĩ vừa nói rằng lớp học toán của con trai tôi bị lèn chặt cứng vì nhà trường không đủ tiền thuê giáo viên giỏi, trong khi NASA chi mười lăm tỉ một năm chỉ để chụp ảnh mấy đám bụi trong vũ trụ không? - Sự thật, đúng là như vậy! - Sexton thận trọng đáp. - Thật ngớ ngẩn! Thế Tổng thống có quyền can thiệp vào chuyện đó không? - Dĩ nhiên là có. - Ông đáp, lấy lại vẻ tự tin. - Tổng thống có quyền không thông qua dự toán ngân sách cho những cơ quan chính phủ mà ông ấy cho là chi tiêu quá mức cần thiết. - Thưa Thượng nghị sĩ Sexton, tôi sẽ bỏ phiếu cho ngài. Mười lăm tỉ để nghiên cứu vũ trụ, trong khi con cái chúng ta không có đủ giáo viên. Thật phi lí. Xin chúc Thượng nghị sĩ may mắn. Hi vọng ngài sẽ là người chiến thắng. Người thứ hai gọi đến. - Thưa Thượng nghị sĩ, tôi nghe nói sân bay Vũ trụ quốc tế NASA đang chi nhiều hơn ngân sách được cấp, và Tổng thống đang xem xét duyệt chi bổ sung khẩn cấp để duy trì dự án đó. Có đúng thế không ạ? Sexton chớp ngay lấy cơ hội. - Hoàn toàn đúng! - Ông giải thích rằng dự án này lúc đầu là một liên doanh trong đó 12 chính phủ sẽ cùng nhau chi tiền. Nhưng khi bắt đầu triển khai xây dựng, các khoản chi tăng vọt không kiểm soát được, và nhiều quốc gia đã phải bỏ cuộc. Thay vì huỷ bỏ dự án, Tổng thống quyết định chi nốt phần của những quốc gia khác ông tuyên bố: "Từ mức dự tính ban đầu là tám tỉ đô la, chi phí cho dự án ISS đã lên đến một trăm tỉ!" Người đang đối thoại với ông có vẻ tức giận. - Thế tại sao Tổng thống không huỷ bỏ dự án đó? Sexton ao ước được ôm hôn anh ta. - Câu hỏi cực hay. Chẳng may là một phần ba lượng vật liệu cần thiết đã được chở lên vũ trụ rồi, và Tổng thống đã dùng tiền thuế của quý vị để chuyên chở chúng lên đó, nên việc huỷ bỏ dự án cũng có nghĩa là ông ấy đã sai lầm một cách ngớ ngẩn và lãng phí tiền thuế của quý vị. Thêm nhiều người nữa gọi đến. Lần đầu tiên người Mỹ nhận ra rằng NASA không phải là cái nghiễm nhiên buộc phải tồn tại, rằng chính họ có quyền lựa chọn. Ngoại trừ một số cuộc gọi cá biệt muốn bảo vệ NASA nêu lên những ý tưởng lãng mạn về nhu cầu hiểu biết vô hạn của loài người, còn đa số mọi người đều thống nhất quan điểm. Đến cuối chương trình thì chiến dịch tranh cử của Sexton đã bước vào một giai đoạn mới đầy thuận lợi với một điểm nhấn mới nóng hổi - một vấn đề chưa có ai nhắc đến bao giờ, một vấn đề gây ấn tượng mạnh với cử tri. Trong những tuần tiếp theo, Sexton thắng đậm các đối thủ của mình trong cả năm hội nghị tuyển lựa ứng cử viên của đảng. Ông tuyên bố Gabrielle Ashe là trợ lý riêng của mình trong chiến dịch tranh cử, và ngợi khen cô vì đã có công đưa vấn để NASA đến với cử tri. Chỉ một cử chỉ đơn giản đó của ngài Thượng nghị sĩ đã biến cô gái gốc Phi trẻ trung thành một ngôi sao mới trên chính trường, và quá khứ phân biệt chủng tộc cũng như kỳ thị giới tính của ông biến mất trong chốc lát. Giờ đây, đi cùng cô gái trên một chiếc xe, Sexton biết rằng Gabrielle lại một lần nữa chứng tỏ giá trị của mình. Thông tin mà cô thu thập được về cuộc gặp bí mật giữa Giám đốc NASA và Tổng thống dĩ nhiên cho thấy NASA lại đang có vấn đề - biết đâu một quốc gia nữa lại vừa tỏ ý muốn rút khỏi dự án sân bay vũ trụ. Chiếc xe lướt qua tượng đài Washington, và Thượng nghị sĩ Sexton cảm thấy chiếc ghế Tổng thống chắc chắn không thể vuột khỏi tay ông. Chương 8 Dù đã trở thành chủ nhân của chiếc ghế quyền lực cao nhất, Tổng thống Zachary Herney vẫn chỉ là một người đàn ông mảnh khảnh, vai hẹp và cao trung bình. Khuôn mặt lốm đốm tàn nhang, tóc đen rậm, và đeo kính hai tròng. Tuy nhiên, vóc dáng chẳng có gì nổi trội của ông lại đối lập hoàn toàn với tình cảm nồng nhiệt mà con người này có thể gợi lên trong lòng bất kỳ ai có quan hệ với ông. Người ta nói rằng chỉ cần được gặp Zach Herney một lần là bạn sẽ lập tức sẵn sàng đi cùng trời cuối đất với ông. - Tôi rất vui vì cô đã đến đây. - Tổng thống Herney nói, bắt tay Rachel. Bàn tay ông ấm áp và chân thành. Giọng Rachel tự nhiên khản đặc. - Vâng, xin chào Tổng thống, rất hân hạnh được gặp ngài. Tổng thống mỉm cười thân thiện, và Rachel nhận ra ngay tác phong hoà nhã đã trở thành huyền thoại rủa Tổng thống Herney. Vẻ mặt dễ chịu của ông thì tất cả các hoạ sĩ làm phim hoạt hình đều yêu mến - dù có co kéo các đường nét của ông theo kiểu gì thì tất cả mọi người vẫn nhận ra ngay nụ cười ấm áp và thân thiện của Tổng thống. Đôi mắt ông luôn ánh lên sự chân thành và đức độ. - Mời cô đi theo tôi, - ông vui vẻ nói - tôi muốn mời cô một ly cà phê đặc biệt. - Cảm ơn Tổng thống. Ngài Tổng thống ấn nút gọi người phục vụ và yêu cầu mang cà phê vào văn phòng riêng của ông. Theo chân ngài Tổng thống suốt dọc thân chuyên cơ, Rachel nhận thấy con người này trông hoàn toàn viên mãn và thư thái dù đang mất điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông ăn vận xuề xoà: quần bò xanh. Áo phông polo, và ủng đi bộ L.L.Bean. Cô tìm cách bắt chuyện. - Chúng ta đang đi bách bộ sao, thưa Tổng thống? - Không hề. Các cố vấn cho chiến dịch tranh cử đã quyết định là tôi phải có một diện mạo mới. Cô thấy thế nào? Rachel chân thành hi vọng rằng ông chỉ đang nói đùa. - Dạ.. trông rất… mạnh mẽ, thưa Tổng thống. Herney vui vẻ. - Tốt lắm. Chúng tôi đang hi vọng điều này sẽ giúp tôi giành lại một số lá phiếu của các cử tri nữ từ tay cha cô đấy! - Một tích tắc sau, ông mỉm cười thật tươi - Cô Sexton, tôi chỉ đùa thôi. Chúng ta đều biết là để giành thắng lợi trong chiến dịch tranh cử này thì còn cần nhiều thứ khác nữa. Thái độ vui vẻ và cởi mở của ngài Tổng thống đã mau chóng xua tan cảm giác căng thẳng trong lòng Rachel khi mới đặt chân đến nơi này. Bù lại cho những cơ bắp nhỏ bé, Tổng thống thật khéo giao tiếp. Làm ngoại giao thì cần có kỹ năng, mà Tổng thống thì có năng khiếu bẩm sinh về lĩnh vực này. Rachel đi theo ngài Tổng thống xuống phía đuôi máy bay. Càng đi sâu xuống, càng mất dần cảm giác họ đang có mặt trên một chuyên cơ - những lối đi mái vòm, tường dán giấy, thậm chí còn có cả một phòng tập thể dục với đầy đủ cả mái chèo thuyền hiệu Stair Master. Điều kỳ lạ là trên máy bay không có một người nào. - Tổng thống đi một mình hay sao? Ông lắc đầu. - Thực ra chúng tôi vừa hạ cánh xong. Rachel ngạc nhiên. Bay đi đâu về nhỉ? Trong tổng hợp tin tình báo tuần này không thấy có chuyến đi nào của Tổng thống. Rõ ràng là Tổng thống đã bí mật cất cánh từ đảo Wallop. - Các nhân viên của tôi rời máy bay ngay trước khi cô đến. - Tổng thống nói. - Tôi sắp quay về Nhà Trắng để gặp họ ngay bây giờ, nhưng tôi muốn gặp cô ở đây chứ không phải trong văn phòng của tôi. - Để làm tôi thấy choáng ngợp ư? - Trái lại, để thể hiện sự tôn trọng, thưa cô Sexton. Không có gì trong Nhà Trắng là bí mật cả, và tin tức về cuộc gặp giữa chúng ta sẽ đặt cô vào tình thế khó xử với cha mình. - Tôi đánh giá cao điều đó, thưa Tổng thống. - Có vẻ như cô đã duy trì thế cân bằng một cách thành công và duyên dáng - Tôi không thấy có lí do gì để cản trở điều đó. Rachel nhớ lại bữa sáng của hai cha con cô và tự hỏi liệu mình có thực sự "duyên dáng" hay không. Tuy nhiên, Zach Herney đang tỏ ra đặc biệt tử tế với cô, dù ông ấy có quyền không làm như vậy. - Tôi gọi cô là Rachel có được không? - Herney hỏi. - Dĩ nhiên ạ. - Tôi có thể gọi Tổng thống là Zach được không? - Văn phòng của tôi đây. - Tổng thống dẫn cô qua một khung cửa mái vòm bằng gỗ thích. Văn phòng của Tổng thống trên Chuyên cơ số Một ấm cúng hơn văn phòng trong Nhà Trắng, nhưng cách bài trí đơn giản hơn. Bàn làm việc chất đầy tài liệu, phía sau chiếc bàn là bức tranh sơn dầu lớn vẽ chiếc thuyền buồm dọc ba cột kiểu cồ đang dương buồm vượt qua giông bão. Bức tranh lột tả thật hoàn hảo tình huống của Zach Herney lúc này. Tổng thống mời cô ngồi xuống một trong ba chiếc ghế đặt đối diện với bàn làm việc của ông. Rachel ngồi xuống. Cô tưởng ông sẽ ngồi vào chiếc ghế dành riêng cho Tổng thống sau chiếc bàn, nhưng thay vào đó, Herney kéo ghế ngồi cạnh cô. "Vị thế bình đẳng", Rachel thầm nhận xét. Quả là một tài năng trong giao tiếp. - Rachel này. - Ngài Tổng thống ngả người trên ghế và nói. - Tôi đoán là cô đang không hiểu vì sao lúc này mình lại có mặt ở đây, đúng thế không nào? Vẻ chân thành trong giọng nói của ông đã xua tan chút e dè cuối cùng còn sót lại trong lòng Rachel. - Thưa Tổng thống, quả thật là tôi hơi bối rối. Herney cười lớn. - Hay thật, không phải ngày nào tôi cũng có thể khiến một nhân viên của NRO phải bối rối đâu. - Có phải ngày nào nhân viên của NRO cũng được ngài Tổng thống mang ủng đi bộ mời trèo lên Chuyên cơ số Một đâu. Ngài Tổng thống lại cười lớn. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, cà phê được mang vào. Nhân viên phục vụ bưng vào một cái khay đựng ấm thiếc nghi ngút hơi và hai chiếc ca thiếc. Theo yêu cầu của Tổng thống, cô ta đặt khay lên bàn và ra ngoài. - Cô dùng kem và đường nhé. - Ngài Tổng thống đứng dậy rót cà phê. - Cho tôi kem ạ. - Rachel hít hà mùi cà phê thơm ngào ngạt. Chẳng phải đích thân ngài Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang rót cà phê mời mình đây sao? Zach Herney đưa cho cô một ca đầy. - Cà phê Paul Ravere thứ thiệt ông nói - sự xa xỉ hiếm hoi đấy. Rachel nhấp một ngụm. Ly cà phê ngon nhất trong đời cô. - Dù sao thì… - Tổng thống rót cho mình một li và ngồi xuống - tôi có rất ít thì giờ, nên chúng ta hãy nói thẳng vào vấn để. - ông thả một viên đường vào li cà phê và ngước lên nhìn cô. - Tôi đoán Bill Pickering đã nói với cô rằng lí do duy nhất khiến tôi muốn gặp cô là để lợi dụng cô vì động cơ chính trị cá nhân. - Vâng, thưa Tổng thống, ông ấy có nói với tôi như thế. Tổng thống cười thành tiếng. - Anh chàng này đa nghi thật. - Nói thế không đúng sao? - Cô đùa đấy à? - Ngài Tổng thống cười lớn. - Bill Pickering có sai bao giờ đâu. Ông ta vẫn đúng, như thường lệ. 9. Chiếc xe Limusine đang lướt nhanh giữa dòng xe cộ để đến văn phòng của Thượng nghị sĩ Sexton và Gabrielle lơ đãng nhìn ra ngoài. Cô băn khoăn tự hỏi vì sao đời mình lại rẽ theo ngả này. Trợ lý riêng của Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton, chẳng phải đây chính là vị trí cô hằng ao ước sao? Mình đang ngồi chung một xe với Tổng thống tương lai củtl nước Mỹ. Gabrielle chăm chú nhìn Thượng nghị sĩ đang ngồi trong cùng chiếc xe sang trọng với mình, dường như ông đang đắm chìm trong những suy nghĩ riêng tư. Cô ngưỡng mộ khuôn mặt điển trai và bộ quần áo hoàn hảo của ông. Đúng là phong cách của vị Tổng thống. Lần đầu tiên cô được nghe Sexton nói chuyện trực tiếp là cách đây ba năm, khi còn theo học chính trị học ở Đại học Cornell. Gabrielle không thể nào quên ánh mắt ông chân thành nhìn thính giả như muốn chuyển đến riêng cô thông điệp trực tiếp "hãy tin tôi". Buổi nói chuyện kết thúc, cô đợi ở ngoài để gặp riêng ông. - Gabrielle Ashe. - Thượng nghị sĩ đọc tên cô trên tấm thẻ đeo ở ngực. - Cái tên đẹp thật thích hợp với một quý cô xinh xắn. - Ánh mắt ông đầy khích lệ. - Cảm ơn Thượng nghị sĩ. - Gabrielle đáp, cảm nhận thấy sức mạnh của ông trong bàn tay xiết chặt. - Bài nói chuyện của ngài đã thực sự gây ấn tượng đối với tôi. - Rất vui được nhận lời khen ngợi của cô! - Ông dúi vào tay cô một tấm danh thiếp. - Tôi luôn muốn tìm kiếm những khối óc trẻ trung sắc sảo cùng quan điểm với mình. Khi nào tốt nghiệp, cô hãy tìm gặp tôi, rất có thể chúng tôi có một chỗ nào đó dành cho cô đấy. Gabrielle hé môi định nói lời cảm ơn, nhưng ngài Thượng nghị sĩ đã quay sang nói chuyện với người khác. Tuy nhiên, suốt những tháng sau đó, qua ti vi, Gabrielle luôn dõi theo bước đường sự nghiệp của ngài Thượng nghị sĩ. Cô ngưỡng mộ quan điểm của ông về cách khắc phục những yếu kém của Chính phủ trong quản lý ngân sách - cương quyết cắt giảm ngân sách, sắp xếp lại IRS để tăng hiệu quả làm việc, xoá bỏ lãng phí ở DEA, và thậm chí loại bỏ những chương trình dân sự không thật sự cần thiết. Rồi vợ Thượng nghị sĩ bất ngờ gặp tai nạn và qua đời. Gabrielle lại có dịp khâm phục và kính nể cách ông biến sự mất mát thành lợi thế. Sexton vượt qua nỗi đau riêng tư và tuyên bố với cả thế giới rằng ông sẽ ra tranh cử Tổng thống và cống hiến phần đời còn lại cho hoạt động xã hội để tưởng nhớ người vợ quá cố của mình. Ngay giây phút đó, Gabrielle đã quyết sẽ sát cánh trong chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Sexton. Giờ đây, cô đã được gần ông hơn bất kỳ ai khác. Chợt nhớ lại đêm yêu đương giữa hai người trong văn phòng, Gabrielle co rúm lại, cố gạt những hình ảnh ấy ra khỏi đầu. A, mình đang suy nghĩ lung tung gì thế này? Đáng ra cô phải khước từ ông, nhưng cô đã không làm điều đó. Sedgewick Sexton đã là một thần tượng trong cô từ quá lâu… Chỉ cần nghĩ rằng ông ấy thèm muốn cô thôi cũng đã đủ… Chiếc xe chợt xóc nảy lên, kéo những ý nghĩ của Gabrielle về với thực tại - Cô không sao chứ? - Lúc này Sexton đang nhìn cô. Gabrielle luống cuống mỉm cười trả lời. - Không ạ. - Cô vẫn còn nghĩ đến khổ nhục kế đó à? Gabrielle nhún vai. - Đúng là tôi vẫn còn thấy hơi lo ngại. - Quên chuyện đó đi. Khổ nhục kế đó là cú hích tuyệt vời nhất cho chiến dịch tranh cử của tôi đấy. Gabrielle đã học được một cách không dễ dàng gì, rằng khổ nhục kế là một tiểu xảo trên chính trường, đại loại như tung tin rằng đối thủ bị thiểu năng sinh lí, hoặc đang đặt mua dài hạn tạp chí Stud Muffin. Đây không phải là một chiến lược mã hiệp, nhưng một khi đã thành công, nó đem lại kết quả không ngờ. Dĩ nhiên, nếu nó lại phản tác dụng thì… Và nó đã phản tác dụng. Đối với Nhà Trắng. Cách đây một tháng, cảm thấy lo ngại về kết quả của Tổng thống trong các cuộc điều tra thăm dò, đội quân tổ chức chiến dịch tranh cử của ông ta đã quyết định phá vỡ thế thủ và xì thông tin rằng Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton có quan hệ tình dục với trợ lý riêng Gabrielle Ashe. Chẳng may, họ không hề có chứng cứ. Tin chắc rằng cách tự vệ tốt nhất là phản công, Thượng nghị sĩ chớp ngay thời cơ để hành động. Ông tổ chức một cuộc họp báo, tuyên bố mình vô tội và cực lực phản đối. Tôi không ngờ, mắt ông hướng thẳng vào ống kính camera đầy đau đớn, rằng ngài Tổng thống có thể đang xúc phạm vong linh người vợ đã cố của tôi bằng những lời dối trá đó. Dáng điệu của ông trên tivi đầy thuyết phục đến nỗi chính Gabrielle cũng tin rằng cô chưa một lần âu yếm ngài Thượng nghị sĩ. Vì ông nói dối quá tài tình, cô bắt đầu ngờ rằng Thượng nghị sĩ Sexton thực ra là người rất nguy hiểm. Gần đây, Gabrielle ngày càng thấy rõ rằng mình đang giúp sức cho con ngựa đua khoẻ nhất trên đường đua, nhưng cô không dám chắc mình đang phò tá cho chú ngựa tốt nhất. Làm việc trực tiếp với Sexton đã cho cô cơ hội nhận ra nhiều điều - cũng tựa như khi được dẫn đi xem hậu trường các trường quay của hãng Universal, lũ trẻ nhận ra rằng Holliwood thực ra chẳng có gì kỳ diệu, thế là niềm ngưỡng mộ thành kính trẻ thơ của chúng đối với các bộ phim ngay lập tức bị sự thật làm cho thui chột. Dù Gabrielle vẫn giữ nguyên niềm tin với những thông điệp trong chiến dịch tranh cử của Sexton, cô bắt đầu đặt câu hỏi về người đưa ra những thông điệp ấy. Chương 10 - Những gì mà tôi sắp nói với cô, - ngài Tổng thống nói - được xếp loại tối mật đấy, Rachel ạ. Mức độ bảo mật cao nhất. - kể cả giấy phép sử dụng thông tin mật cũng không cho phép cô có quyền tiếp cận thông tin loại này đâu. Rachel cảm thấy như những bức tường quanh cô đều đang khép dần lại. Tổng thống điều máy bay chở cô đến đảo Wallop, mời cô lên chuyên cơ, tự tay rót cà phê, nói trắng ra rằng ông ta sẽ sử dụng cô như một lá bài trong cuộc chạy đua với cha cô, và bây giờ lại còn định nói với cô những thông tin mật mà cô không được phép tiếp cận. Dù vẻ bề ngoài của Zach Herney có hoà nhã đến đâu thì Rachel cũng đã hiểu được một điều về con người này. Ông ta rất nôn nóng muốn làm chủ tình thế. - Cách đây hai tuần, - Tổng thống nói, mắt nhìn xoáy vào Rachel – NASA đã có một phát kiến quan trọng. Mất mấy giây, Rachel mới hiểu được những lời Tổng thống vừa thốt ra. Phát kiến của NASA? Các tổng hợp tin tình báo dạo này cho thấy mọi hoạt động của cơ quan này đều không suôn sẻ. Trong tình thế này, phát kiến mới của NASA chỉ có thể là một dự án nào đó lại thiếu tiền. - Trước khi nói sâu hơn về phát kiến này, tôi muốn biết cô có cùng quan điểm với cha cô trong việc phê phán các chương trình thám hiểm vũ trụ không? - Tổng thống nói. Rachel cảm thấy không bằng lòng. - Tôi hi vọng Tổng thống cho mời tôi đến đây không phải là để yêu cầu tôi kiểm soát những luận điểm không có lợi cho NASA của cha tôi. Ông ta cười. - Không hề. Tôi đã biết Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton lâu rồi, và hiểu rằng không một ai có thể kiểm soát được ông ấy. - Cha tôi là người cơ hội, thưa Tổng thống, và hầu hết các chính trị gia thành công đều thế cả. Rủi thay NASA đã tự tạo cơ hội cho ông ấy. - Những thất bại của NASA gần đây trầm trọng đến mức những người không muốn cười nhạo cơ quan này cũng sẽ phải phát khóc lên vì nó - những vệ tinh nhân tạo bị văng mất bộ phận khi bay trong quỹ đạo; những tàu thăm dò vũ trụ chẳng thấy gửi tín hiệu về, ngân sách cho sân bay Vũ trụ quốc tế tăng lên gấp mười lần và các nước tham gia dự án lẩn như trạch. NASA đã tiêu phí hàng tỉ đô la, và Thượng nghị sĩ Sexton đang tạo nên một làn sóng - làn sóng rất có thể sẽ đẩy con thuyền của ông đến số nhà 1600 đại lộ Pénsylvania. - Tôi thừa nhận rằng - ngài Tổng thống nói tiếp - gần đây NASA quả thực bí bét. Hết lần này đến lần khác, cơ quan này tự nó đã khiến tôi thực sự muốn cắt giảm ngân sách của nó. Rachel tìm được một lí lẽ chắc chắn. - Thưa Tổng thống, ấy thế mà vừa tuần trước ngài duyệt chi khẩn cấp cho họ ba tỉ đô la đấy thôi. Ngài Tổng thống cười thành tiếng. - Được tin đó cha cô hẳn mừng lắm nhỉ? - Ngài làm như thế có khác nào nối giáo cho giặc đâu. - Cô có nghe ông ấy nói trong chương trình Nightline không? "Zach Herney là kẻ nghiện vũ trụ, và tiền thuế của dân đang được dùng để thoả mãn cơn nghiện đó". - Thưa Tổng thống, ngài đang chứng minh rằng cha tôi đúng. Herney gật đầu. - Tôi không hề giấu diếm rằng tôi là một người hâm mộ NASA. Từ xưa đến nay. Tôi đã chứng kiến cuộc chạy đua vũ trụ trong thời thơ ấu của mình - Putnick, John Glenn, Apollo 11 - và tôi luôn hào hứng thể hiện sự ngưỡng mộ và tự hào về các chương trình của họ. Trong tâm trí của tôi, những nhân viên của NASA chính là những người đi tiên phong trong thời kỳ hiện đại. Họ biết nỗ lực vượt qua trở ngại, chấp nhận thất bại và nghiên cứu lại bản vẽ thiết kế trong khi những kẻ khác chỉ biết đứng nhìn và lên giọng chê bai. Rachel im lặng. Đằng sau vẻ ngoài nhã nhặn rủa Tổng thống là thái độ phẫn nộ trước những lời công kích hùng hồn liên tiếp của cha cô. Cô băn khoăn không hiểu NASA đã phát hiện được điều gì. Chắc chắn Tổng thống mời cô đến đây không phải để nói chuyện phiếm. - Hôm nay - Herney nói - tôi sẽ khiến cô phải thay đổi thái độ đối với NASA. Rachel nhìn ông vẻ ngờ vực. - Lá phiếu của tôi chắc chắn là dành cho ngài rồi, thưa Tổng thống. Ngài hãy tập trung vào những người khác. - Tôi cũng định thế! - Ông ta nhấp một ngụm cà phê và mỉm cười. - Và tôi muốn nhờ cô giúp một tay. - ông ngừng một lát, nhoài người về phía cô, rồi nói tiếp. - Một cách rất đặc biệt. Rachel cảm thấy ngài Tổng thống đang quan sát từng cử chỉ của cô, y như người thợ săn đang quan sát kỹ con mồi để phán đoán xem nó định bỏ chạy hay quay lại phản công. Rủi thay, cô chẳng biết chạy đường nào. Ông ta rót thêm cà phê vào ca của Rachel. - Tôi đoán cô đã biết một dự án của NASA có tên là EOS. Rachel gật đầu. - Hệ thống quan trắc trái đất. Hình như cha tôi đã vài lần nhắc đến nó thì phải. Tổng thống nhăn mặt, dù vẫn cố tỏ ra hài hước. Thực ra cha của Rachel liên tục nhắc đến dự án này mỗi khi tìm được cơ hội. Đó là một trong những dự án tham vọng nhất của NASA - Một chùm năm vệ tinh nhân tạo sẽ quan sát trái đất từ vũ trụ và phân tích tình hình môi trường toàn cầu: sự thoái hoá của tầng ozon, hiện tượng băng tan ở hai địa cực, hiện tượng trái đất ấm dần lên, nạn chặt phá rừng. Ý tưởng của họ là sẽ mang lại cho các nhà môi trường học một nguồn thông tin dồi dào chưa từng thấy để hoạch định tương lai cho trái đất. Khổ nỗi, EOS chỉ gặp toàn thất bại. Cùng cảnh ngộ với nhiều dự án khác của NASA, ngay từ đầu nó đã ngập trong những khoản chi ngoài dự kiến, và Zach Herney là người giơ đầu chịu báng. Ông đã vận động hành lang để Nghị viện phê chuẩn một khoản chi bổ sung trị giá 1,4 tỉ đô la. Thế nhưng, thay vì mang lại nguồn thông tin vô tận như đã hứa, dự án EOS nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng với những lần phóng vệ tinh thất bại, những máy tính không hoạt động, và những buổi họp báo buồn thê thảm. Gần đây. người duy nhất tươi tỉnh mỗi khi nhắc đến EOS là Thượng nghị sĩ Sexton. Với vẻ mặt tự mãn, ông thường nhắc mọi người nhớ đến số tiền khổng lồ mà ngài Tổng thống đã chi cho EOS và kết quả thảm hại của chương trình này. Tổng thống thả một viên đường vào ca của mình. - Có thể mọi người sẽ cảm thấy ngạc nhiên, phát kiến lần này của NASA là kết quả của EOS. Rachel không hiểu. Nếu EOS có bất kỳ thành công nào thì chắc chắn họ đã thông báo rồi. Cha cô đang sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để công kích họ, nên nếu EOS có tin tức gì tốt lành thì chắc chắn họ sẽ lập tức công bố ngay. - Tôi chưa nghe ai nói đến phát kiến nào của EOS cả. - Cô đáp. - Tôi biết là NASA thích giữ kín tin tốt lành này một thời gian. Rachel không tin. - Theo kinh nghiệm của tôi, nếu NASA không thông báo gì thì nghĩa là không có tin tốt nào hết. Sự kiềm chế chưa bao giờ là sở trường của ban quan hệ công chúng của NASA. Nhân viên NRO vẫn thường đùa nhau rằng chỉ cần một nhà khoa học của NASA lên cơn đau bụng là lập tức sẽ có họp báo. Tổng thống nhíu mày. - À, tôi quên mất là đang nói chuyện với nhân viên của Pickering. Ông ta vẫn còn than vãn về những cái mồm hay chuyện của NASA đấy à? - Bảo vệ an ninh là việc của ông ấy, thưa Tổng thống. Và ông ấy coi đó là chuyện nghiêm túc. - Đúng thật là… Không thể tin nổi hai cơ quan có nhiều điểm tương đồng như vậy lại suốt ngày hục hặc với nhau. Trong thời gian làm việc dưới quyền William Pickering, Rachel hiểu rằng dù cả NRO lẫn NASA đều liên quan đến vũ trụ, phương châm của hai cơ quan này hoàn toàn đối lập nhau. NRO là một cơ quan an ninh, luôn giữ kín tất cả những hoạt động liên quan đến vũ trụ của mình. Trong khi NASA lại là một cơ quan nghiên cứu, và luôn sốt sắng công bố tất cả những phát kiến của họ cho cả thế giới - và thường xuyên, theo cách nói của Pickering, gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Một số công nghệ tối tân của NASA - kính có độ phân giải lớn dùng trong quan sát vũ trụ, những hệ thống liên lạc tầm xa, những thiết bị chụp ảnh bằng sóng radio - thường thấy xuất hiện trong kho vũ khí của các nước thù địch và được dùng để do thám chính nước Mỹ. Bill Pickering vẫn càu nhàu rằng bộ óc các nhà khoa học của NASA rất vĩ đại, nhưng vẫn không thể sánh bằng những cái mồm của họ. Vấn đề lấn cấn nhất giữa hai cơ quan này là NASA phụ trách việc phóng các vệ tinh của NRO vào quỹ đạo, và những lần phóng vệ tinh bị thất bại của họ gần đây ảnh hưởng trực tiếp đến NRO. Thất bại ê chề nhất là vào ngày 12 tháng 8 năm 1988. Tên lửa Titan 4 của NASA nổ tung sau khi rời bệ phóng được 40 phút, phá huỷ hoàn toàn các thiết bị mang theo - một vệ tinh của NRO trị giá 1,2 tỉ đô la mang tên Vortex 2. Và Pickering không thể quên được vố đó. - Tại sao NASA không công bố ngay phát kiến mới này? - Rachel chất vấn. - Họ nên công bố ngay lập tức. - Việc họ giữ im lặng - Tổng thống trả lời - là theo lệnh của tôi. Rachel băn khoăn không hiểu mình có nghe nhầm không. Nếu thế thật thì Tổng thống đang tự tay chặt đứt sự nghiệp chính trị của mình một cách kỳ quặc. - Phát kiến mới này - Tổng thống nói tiếp - tôi nên dùng từ thế nào nhỉ - Sẽ khiến mọi người đều phải sửng sốt. Rachel cảm thấy khó chịu. Trong giới tình báo "khiến mọi người đều phải sửng sốt" thường có nghĩa là tin xấu. Rất có thể bí mật của EOS chính là một thảm hoạ môi trường mà hệ thống vệ tinh phát hiện được. - Có vấn đề gì không ạ? - Không có vấn đề nào hết. EOS phát hiện ra một thứ vô cùng tuyệt vời! Rachel lặng phắc. - Rachel này, giả sử tôi sẽ nói với cô rằng NASA vừa có một phát kiến khoa học quan trọng đến mức… đến mức sống còn đối với toàn bộ trái đất…, một phát kiến đáng đồng tiền bát gạo, đáng từng xu lẻ mà nước Mỹ đã chi cho chương trình tìm hiểu vũ trụ… thì sao nào? Rachel không tin nổi. Tổng thống đứng dậy. - Chúng ta đi dạo một chút nào. Chương 11 Rachel bước theo Tổng thống Herney ra cầu thang của Chuyên cơ số Một. Bước xuống những bậc thang sáng bóng, cô cảm thấy đầu óc minh mẫn hơn nhờ bầu không khí tháng ba lạnh giá. Càng minh mẫn, cô càng thấy tuyên bố của Tổng thống thật khó hiểu. NASA vừa có một phát kiến khoa học quan trọng đáng đồng tiền bát gạo, đáng từng xu lẻ mà nước Mỹ đã chi cho chương trình tìm hiểu vũ trụ bao lâu nay. Rachel đoán rằng phát kiến quan trọng đến nhường ấy chắc phải liên quan đến thứ duy nhất - chén thánh của NASA - tiếp xúc với người ngoài trái đất. Tuy nhiên, cô hiểu về vấn đề này đủ để biết rằng đó là điều không thể. Là nhân viên phân tích tin tình báo, Rachel thường nhận được những câu hỏi từ bạn bè liên quan đến những cáo buộc rằng Chính phủ tìm cách che đậy thông tin về những tiếp xúc với người ngoài trái đất. Và cô vẫn thường cảm thấy kinh hãi về những giả thuyết mà những người bạn "có học" của cô nêu ra - những đĩa bay gặp tai nạn được giấu kín trong các boongke của Chính phủ, xác người ngoài hành tinh được bảo quản trong đá, thậm chí cả những công dân bình thường cũng có thể bị điều tra, thậm chí giải phẫu để nghiên cứu. Đó chỉ là những giả thuyết ngớ ngẩn. Dĩ nhiên là chẳng hề có người ngoài hành tinh, cũng chẳng ai cố tình che đậy gì cả. Tất cả những ai trong giới tình báo đều biết rằng đại đa số những lần người ta thông báo về sự tiếp xúc với người ngoài hành tinh chẳng qua chỉ là trò viễn tưởng, những bức ảnh chụp người ngoài hành tinh bị giải phẫu chẳng qua chỉ là những mánh chơi khăm tầm thường. Khi những chiếc đĩa bay tồn tại, chúng có thói quen kỳ lạ là hay xuất hiện gần những căn cứ không quân của Hoa Kỳ, nơi người ta đang thử nghiệm những loại máy bay tân tiến nhất. Khi Lockheed tiến hành bay thử một loại trực thăng mới có tên là Thần sấm tàng hình, số lượng đĩa bay được phát hiện gần căn cứ sân bay Edward tăng gấp 15 lần. Vẻ mặt cô đầy hồ nghi. Tổng thống ngờ vực nhìn cô. Lời nhận xét khiến Rachel giật mình. Cô nhìn ông ta, không biết phải trả lời thế nào. Rachel lưỡng lự. - Tôi cho rằng Tổng thống không nói đến những đĩa bay của người ngoài hành tinh với những người da màu xanh chứ ạ? Mặt ông ta có vẻ khoái trá. - Rachel này, tôi tin là cô sẽ thấy phát kiến này còn gợi trí tò mò hơn cả những chuyện khoa học viễn tưởng đấy. Rachel thở phào khi nghe nói NASA vẫn chưa tuyệt vọng đến nỗi phải bày ra trò lừa về người ngoài hành tinh để cứu giúp Tổng thống. Tuy nhiên, lời nhận xét của ông ta càng làm cô tò mò hơn. Cô nói: - Dù NASA tìm thấy gì đi nữa thì thời điểm này cũng cực kỳ, thích hợp đấy, thưa Tổng thống. Herney dừng lại giữa cầu thang máy bay. - Thuận tiện à? Sao lại thế? Sao lại thế? Rachel nhìn ông ta chằm chằm. - Thưa Tổng thống, NASA đang trong một cuộc chiến sinh tử để chứng minh rằng họ có lý do chính đáng để tồn tại, và ngài đang bị chỉ trích vì tiếp tục cung cấp tài chính cho họ. Một bước đột phá quan trọng của NASA vào thời điểm này sẽ là liều thuốc tiên đối với cả họ lẫn chiến dịch tranh cử của ngài. Nhiều người sẽ cảm nhận rằng đây là thời điểm đáng ngờ. Thế thì…cô cho tôi là kẻ khờ hay thằng ngốc? Rachel thấy nghẹn cổ họng: - Tôi không có ý tỏ ra bất kính, thưa Tổng thống, tôi chỉ… - Bình tĩnh nào. - Môi ngài Tổng thống thoáng một nụ cười, và ông ta lại tiếp tục bước xuống cầu thang - Khi Giám đốc NASA báo cáo tin đó tôi đã phản đối thẳng thừng, cho đó là trò ngớ ngẩn. Tôi đã buộc tội ông ta là định làm một trò hề chính trị ngây ngô nhất trong lịch sử. Rachel thấy cục nghẹn trong cổ họng tan đi đôi chút. Đến chân cầu thang, Herney quay lại nhìn cô. - Một trong những lí do khiến tôi ra lệnh cho NASA giữ im lặng là để bảo vệ họ. Tầm quan trọng của phát kien này vượt xa tất cả những gì họ đã công bố từ trước đến nay. So với nó, cả việc con người đặt chân lên Mặt trăng cũng chỉ là vô nghĩa. Với tất cả mọi người, kể cả tôi, có quá nhiều thứ để được - và để mất - tôi cho là cần phải kiểm tra lại thông tin của họ thật cẩn thận trước khi công bố chính thức và trở thành tâm điểm chú ý của công chúng. Rachel giật mình: - Chắc chắn người đó không phải là tôi chứ ạ? Ông ta cười lớn. - Không. Đây không phải chuyên môn của cô. Bên cạnh đó, tôi đã cho thẩm tra thông tin bằng các kênh ngoài Chính phủ rồi. Cảm giác nhẹ nhõm trong Rachel lại nhường chỗ cho sự tò mò. - Ngoài Chính phủ Tổng thống giao cho các công ty tư nhân à? Trong vấn đề quan trọng đến thế này sao? Tổng thống gật đầu xác nhận. - Tôi đã cho thành lập một đội điều tra - bốn nhà khoa học bên ngoài NASA có tên tuổi và uy tín. Họ sử dụng thiết bị quan sát của chính họ và tự rút ra kết luận. Trong vòng bốn mươi tám giờ qua, các nhà khoa học dân sự này đã xác minh là không còn nghi ngờ gì về phát kiến của NASA nữa. Giờ đến lượt Rachel bị ấn tượng. Tổng thống đã tự bảo vệ bản thân với một phong thái tự tin rất Herney. Bằng cách thuê những người ngoài hay hoài nghi, những người sẽ chẳng được thêm lợi lộc gì từ việc xác minh phát kiến của NASA, Herney đã dựng cho mình bức tường chắn để chống lại những hoài nghi rằng đây có thể là một mưu đồ của NASA để biện hộ cho ngân sách kếch sù của họ, để cứu nguy cho ngài Tổng thống xưa nay vốn rất hào phóng với họ, và để chống đỡ những đòn tấn công của Thượng nghị sĩ Sexton. - Tám giờ tối nay, - ngài Tổng thống nói. - Tôi sẽ tổ chức họp báo ở Nhà Trắng để công bố phát hiện mới này cho toàn thế giới được biết. Rachel cáu kỉnh. Rốt cuộc thì Herney vẫn chưa cho cô biết điều gì cụ thể cả. - Cụ thể là phát kiến gì vậy? - Tổng thống mỉm cười. Hôm nay cô sẽ thấy kiên trì là một phẩm chất tốt. Cô phải được tận mắt thấy phát kiến đó. Cô sẽ có cơ hội hiểu rõ về việc này trước khi chúng tôi có những động thái tiếp theo. Người của NASA đang đợi để thông báo vắn tắt cho cô toàn bộ sự việc. Cô có thể hỏi họ bất kỳ điều gì cô muốn. Sau đó, chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về vai trò của cô. Nhìn ánh mắt Tổng thống, Rachel lờ mờ e sợ một mưu đồ nào đó, và nhớ lại linh cảm của Pickering rằng Nhà Trắng đang giấu diếm điều gì đó. Dường như Pickering lại đúng, như thường lệ. Herney giơ tay chỉ một nhà che máy bay gần đó: - Theo tôi nào. Ông ta nói và tiến về phía đó. Rachel đi theo, lòng bối rối. Toà nhà này không có cửa sổ, và cánh cửa lớn đóng im ỉm. Lối vào duy nhất có vẻ là một cánh cửa nhỏ khép hờ bên chái nhà. Tổng thống dẫn Rachel đến cách cánh cửa vài bước và dừng lại. - Tôi chỉ đến đây thôi. - ông ta nói. - Cô vào đi. Rachel lưỡng lự: - Ngài không vào sao? Tôi phải về Nhà Trắng ngay. Lát nữa chúng ta sẽ nói chuyện với nhau. Cô có điện thoại cầm tay không? - Dĩ nhiên là có ạ. - Đưa cho tôi nào? Rachel lấy điện thoại và đưa cho ông, tưởng rằng Tổng thống định cài đặt một đường dây liên lạc bí mật với cô. Nhưng không, ông ta thả chiếc điện thoại vào túi quần. - Lúc này cô không liên lạc với ai nữa cả. - Ông ta nói. - Tôi đã nói rõ với cô những việc cần làm rồi. Hôm nay cô không được phép liên lạc với bất kỳ ai nếu không có sự cho phép của tôi hoặc Giám đốc NASA. Cô rõ chưa? Rachel sững sờ. Tổng thống vừa tịch thu điện thoại của mình sao? - Sau khi thông báo sơ qua về phát kiến mới cho cô nghe, Giám đốc NASA sẽ nối một đường dây liên lạc kín để cô nói chuyện với tôi. Chỉ lát nữa chúng ta sẽ lại nói chuyện với nhau. Chúc cô may mắn! Rachel nhìn cánh cửa và cảm thấy mỗi lúc một không thoải mái. Tổng thống Herney vỗ vai cô khích lệ rồi gật đầu về phía cánh cửa. - Rachel, tôi đảm bảo rằng cô sẽ không cảm thấy tiếc vì đã giúp tôi trong việc này. Không nói thêm một lời. Tổng thống sải bước về phía chiếc trực thăng vừa đưa Rachel đến đây. Ông ta lên máy bay, cất cánh, không một lần quay đầu nhìn lại. Chương 12 Một mình Rachel đứng trước cửa nhà che máy bay mờ tối trên đảo Wallop và cố nhìn xuyên qua bóng tối bên trong. Tưởng như cô đang ở ngưỡng cửa một thế giới khác. Luồng gió mát phả ra từ vùng tối sâu hun hút bên trong ngôi nhà, như thế ngôi nhà to lớn này đang hít thở vậy. - Có ai không? - Cô hỏi to, giọng hơi run run. Im lặng. Càng bối rối hơn, Rachel bước qua cánh cửa. Mắt chưa thể quen ngay với bóng tối, và trong chốc lát Rachel không nhìn thấy gì hết. - Cô Sexton phải không ạ? - Một giọng nam giới vang lên, chỉ cách cô có vài mét. Rachel giật mình, quay về phía giọng nói. - Vâng, tôi đây. Lờ mờ hỉện ra bóng một người đàn ông. Dần quen với bóng tối, Rachel thấy mình đang đứng trước mặt một anh chàng trẻ trung, quai hàm bạnh, mặc bộ đồ bay của NASA. Cơ thể anh ta săn chắc và vạm vỡ, ngực nở. - Tôi là cơ trưởng Wayne Loosigian - Anh ta nói - Tôi xin lỗi đã làm cô giật mình. Trong này hơi tối. Tôi chưa kịp mở cửa chính. Rachel chưa kịp nói gì, anh ta đã tiếp lời: - Tôi rất hân hạnh được làm phi công cho cô sáng hôm nay. - Phi công à? - Nãy có người đã làm phi công cho tôi rồi. Tôi cần gặp Giám đốc. - Vâng, thưa cô, tôi được lệnh đưa cô đến gặp ông ấy ngay bây giờ. Tưởng như những lời ấy lơ lửng trong không trung một lúc rồi mới lọt vào tai Rachel. Cô cảm thấy mình bị lừa. Hoá ra cô vẫn còn phải đi nữa. - Ông Giám đốc đâu? - Rachel hỏi, thầm lo lắng. - Cái đó thì tôi không được biết. - Viên phi công trả lời. - Sau khi chúng ta cất cánh, tôi mới được thông báo toạ độ của ông ấy. Rachel cảm thấy anh ta nói thật. Rõ ràng cô và Giám đốc Pickering không phải là hai kẻ duy nhất làm việc trong vòng bí mật. Tổng thống đã nói về vấn đề an ninh hết sức nghiêm túc. Cô thấy hổ thẹn vì đã để ông ta tước mất điện thoại dễ dàng đến thế. Chỉ trong vòng nửa giờ, mình đã bị tước mất phương tiện liên lạc, và Giám đốc không hề biết mình đang ở chỗ nào. Đứng trước viên phi công vạm vỡ, Rachel biết tất cà những kế hoạch của cô sáng nay đều đã tan theo mây khói. Dù muốn hay không thì Rachel vẫn phải lên chiếc máy bay này. Vấn đề duy nhất bây giờ là nó sẽ đưa cô đến đâu. Viên phi công tiến đến bên bức tường và bấm nút. Cả một mảng tường bên hông căn nhà ầm ầm chuyển động sang một bên. Ánh sáng từ bên ngoài ùa vào, chiếu sáng một vật to lớn ở giữa ngôi nhà. Rachel há hốc miệng. Lạy Chúa tôi! Chính giữa ngôi nhà rộng thênh thang là chiếc trực thăng chiến đấu sơn đen đầy hăm doạ. Rachel chưa bao giờ thấy chiếc máy bay nào có dáng thuôn đến như vậy. - Trời đất ơi! - Cô nói. - Lúc đầu ai cũng phản ứng như vây, thưa cô, nhưng những chiếc trực thăng F14 đuôi dựng này đã vượt qua tất cả các cuộc bay thử nghiệm một cách an toàn. Cũng không khác gì một quả tên lửa có cánh. Viên phi công dẫn Rachel tới bên chiếc phi cơ. Anh ta giơ tay chỉ buồng lái. - Mời cô ngồi ghế sau - Thế à? - Rachel mỉm cười khó nhọc. Hi vọng anh không yêu cầu tôi tự lái lấy! Trùm xong bộ đồ bay ra ngoài quan áo đang mặc, Rachel leo lên buồng lái, cô lóng ngóng len người vào chiếc ghế hẹp. - Có vẻ như NASA không có viên phi công mông to nào. - Rachel nhận xét. Anh chàng phi công cười nhăn nhở và giúp Rachel cài dây an toàn. Sau đó anh ta đội mũ bảo hiểm cho cô. - Chúng ta sẽ bay cao, - anh ta nói, và cô sẽ cần oxy để thở. - Anh ta lôi từ vách buồng lái xuống một mặt nạ oxy và định cài vào mũ bảo hiểm của Rachel. - Để tôi tự đeo lấy, - Rachel đưa tay với chiếc mặt nạ khí. - Vâng, thưa cô. Rachel vật lộn với đầu vòi khí được đúc liền và cuối cùng cũng gài được vào mũ bảo hiểm của cô. Chiếc mặt nạ áp sát đến mức khó chịu. Anh chàng phi công nhìn cô hồi lâu, dường như có vẻ cố nhịn cười. - Có chuyện gì không? - Cô hỏi. - Không, thưa cô. - Rõ ràng anh ta đang cố giấu nụ cười. - Túi nôn ở bên dưới ghế đấy ạ. Lần đầu đi máy bay phản lực, đa số mọi người đều bị say. - Tôi không sao đâu! - Rachel đáp, giọng cô bị nghẹt đi bởi chiếc mặt nạ chật kinh khủng. - Tôi không dễ bị say đâu. Anh ta nhún vai. - Rất nhiều người đã nói như thế, nhưng rồi tôi thường phải đi dọn đống nôn của họ. Rachel yếu ớt gật đầu. Hay ho thật. - Cô còn muốn hỏi gì trước khi cất cánh không ạ? Rachel lưỡng lự giây lát và đưa tay chỉ miệng vòi khí đang chọc vào cằm cô. - Thế này thì máu không lưu thông được mất. Chật thế này mà các anh cũng đeo được suốt chuyến bay à? Viên phi công mỉm cười nhẫn nại. - Thưa cô, thường thì chúng tôi không đeo mặt nạ ngược thế đâu ạ. Ngồi trên ghế chiếc máy bay phản lực đã nổ máy sẵn sàng, Rachel cảm tướng như mình là viên đạn rốc két đang đợi người ta kéo cò súng. Khi viên phi công kéo cần ga, chiếc phản lực Lockheed 135 rùng mình chuyển động, trời đất lập tức chao đảo. Anh ta nhả phanh, và Rachel bị hất mạnh vào lưng ghế. Sau chỉ vài giây, chiếc máy bay đã chạy hết đường băng và bắt đầu cất cánh. Ngoài cửa sổ mặt đất sụt xuống thấp với tốc độ chóng mặt. Trong khi chiếc máy bay lao thẳng lên trời, Rachel nhắm mắt lại. Cô phân vân không biết hôm nay mình xử sự như vậy có đúng không. Nhiệm vụ thường nhật của Rachel là ngồi sau chiếc bàn giấy, tổng hợp tin. Vậy mà giờ đây cô ngồi trên chiếc phi cơ đầy mãnh lực và hít khí oxy từ chiếc mặt nạ bay. Máy bay lên đến độ cao 45 ngàn foot, Rachel cảm thấy buồn nôn. Cố gắng nghĩ đến chuyện khác, cô nhoài người nhìn ra ngoài cửa sổ, và bất chợt thấy mình đang ở xa nhà biết chừng nào. Trước mặt cô, viên phi công đang nói chuyện trên điện đàm. Kết thúc cuộc trò chuyện, anh ta treo máy lên và lập tức bẻ lái ngọặt sang trái. Chiếc máy bay gần như dựng đứng hẳn lên, Rachel thấy bụng dạ như bị đảo tung lên; cuối cùng thì chiếc máyr bay cũng trở lại thế thăng bằng. Rachel rên rỉ: - Cảm ơn anh đã báo trước. - Xin lỗi cô. Tôi vừa nhận được chỉ thị về địa điểm mà cô sẽ gặp chỉ huy. - Để tôi đoán thử nhé, hướng bắc phải không? - Sao cô biết? - Viên phi công có vẻ ngạc nhiên. Rachel thở dài. Anh chàng phi công ngờ nghệch này mới đáng yêu làm sao! - Bây giờ là đúng chín giờ, Mặt trời đang ở bên tay trái, chúng ta đang bay về hướng bắc. Khoang máy bay chợt chìm trong yên lặng. - Vâng, thưa cô, sáng nay chúng ta đang bay về hướng bắc. - Chúng ta sẽ bay bao xa? Viên phi công kiểm tra lại màn hình điều khiển. - Khoảng ba ngàn dặm. Rachel bật dậy: - Cái gì? - Cô cố nhớ lại kiến thức địa lí của mình, nhưng không thể nhớ ra được địa điểm nào xa đến thế. - Những bốn giờ bay cơ à? - Với tốc độ hiện giờ thì đúng thế đấy ạ. - Anh ta trả lời. - Cô ngồi cho chắc nhé. Rachel chưa kịp nói câu gì thì anh ta đã bấm nút gạt ngay cánh máy bay đến vị trí bay tầm thấp. Sau một tích tắc, Rachel lại bị ấn mạnh vào lưng ghế một lần nữa khi chiếc máy bay lao vụt về phía trước. Sau một phút, chiếc phản lực đã đạt đến tốc độ 1500 dặm một giờ. Lúc này cô bắt đau thấy chóng mặt. Bầu trời vùn vụt lao ngược về phía sau, và Rachel thấy buồn nôn. Lời nói của ngài Tổng thống lại vang lên trong tâm trí. "Rachel, tôi xin đảm bảo là cô sẽ không hối tiếc vì đã giúp đỡ tôi". Rachel rên rỉ với tay lục túi xách. Đừng bao giờ tin lời một chính trị gia cả. Chương 13 Dù không ưa thích sự xấu xí và bất tiện khi đi tắc xi, Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton đã học được cách chịu đựng những khoảnh khắc thiếu tiện nghi này để dọn đường đến vinh quang cho bản thân. Đưa ông đến điểm đỗ xe dưới tầng hầm của khách sạn Purdue, chiếc tắc xi Mayflower ọc ạch này mang lại một thứ mà chiếc Limusine sang trọng của ông không bao giờ đảm bảo được sự kín đáo… Thượng nghị sĩ vui mừng nhận thấy bãi đỗ xe này khá vắng vẻ, chỉ vài chiếc xe bụi bặm đỗ giữa rừng cột bê tông. Đi bộ ngang qua bãi đỗ xe, Sexton liếc nhìn đồng hồ. 11 giờ 15. Tuyệt hảo. Người mà Sexton sắp gặp rất coi trọng giờ giấc. Dĩ nhiên, vì những người mà ông ta đại diện, ông ta có thể coi trọng bất cứ chi tiết nhỏ chết tiệt nào mà chẳng được, Thượng nghị sĩ nhủ thầm. Sexton trông thấy chiếc xe thùng Ford Winstar màu trắng đỗ đúng chỗ y như trong những lần gặp trước - phía đông bãi đỗ xe, sau những thùng rác lớn. Dù muốn tiến hành cuộc gặp này trong dãy phòng của ông ở khách sạn, nhưng Sexton hiểu sự cẩn trọng của con người này. Những người bạn của ông ta không muốn đặt chân đến những nơi không đảm bảo. Tiến về phía chiếc xe thùng, Sexton cảm thấy bứt rứt khó chịu y như trong những lần gặp gỡ trước. Cố tạo cảm giác thư thái trong lòng, Sexton leo lên xe với vẻ mặt hồ hởi. Người đàn ông tóc đen ngồi sau tay lái không buồn mỉm cười. - ông ta trạc tuổi 70, và nước da săn chắc toát ra vẻ cứng rắn tàn bạo rất tương xứng với địa vị của ông ta: người cầm đầu một đạo quân gồm những doanh nhân nhìn xa trông rộng và tàn bạo. - Đóng cửa lại. - ông ta nói, giọng hiểm ác. Sexton làm theo một cách hoà nhã, cố bỏ qua thái độ cục cằn đó. Suy cho cùng thì ông ta là đại diện của những người đã đóng những khoản tiền khổng lồ vào quỹ tranh cử của Sexton, đã đưa ông đến ngưỡng của cơ quan quyền lực nhất thế giới. Sexton đã hiểu ra rằng nhưng cuộc gặp này chẳng mang nhiều tính chiến lược chúng chỉ nhằm để nhắc cho ngài Thượng nghị sĩ nhớ rằng ngài phải chịu ơn họ mà thôi. Những người này muốn đảm bảo chắc chắn sẽ được đền đáp từ những khoản mà họ đã đầu tư. Ông buộc phải thừa nhận rằng khoản "đền đáp" mà họ yêu cầu quả là táo bạo; tuy nhiên, điều đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của Sexton một khi ông ta đã đặt được chân vào Phòng bầu dục. Vốn biết ông già này thích đi thẳng vào vấn đề ngay, Sexton nói: - Tôi đoán là lại có người góp quỹ, đúng không? - Đúng thế. Và như thường lệ, anh chỉ được dùng khoản tiền này cho chiến dịch tranh cử mà thôi. Chúng tôi vui mừng nhận thấy anh liên tục được điểm trong các lần thăm dò dư luận, và những trợ lí của anh đã sử dụng đồng tiền của chúng tôi hiệu quả. - Uy tín của tôi đang tăng nhanh. - Như đã nói trên điện thoại, tôi đã thuyết phục thêm được sáu người đến gặp anh. - Tốt lắm. Tôi đã dành sẵn thời gian trống cho họ rồi. Ông ta đưa cho Sexton cặp tài liệu. - Đây là thông tin về họ. Nghiên cứu đi. Họ muốn đảm bảo rằng anh hoàn toàn thông cảm với họ và hiểu những mối quan tâm của họ. Theo tôi, anh nên gặp họ ở nhà riêng. - Nhà riêng à? Nhưng tôi thường tiếp khách ở… - Thượng nghị sĩ này, nhưng người này sở hữu những công ty lớn hơn những người anh đã gặp rất nhiều. Họ là những con cá lớn, và rất thận trọng. Họ có thể được rất nhiều và cũng có nhiều cái để mất. Tôi đã phải kỳ công mới thuyết phục được họ. Họ đòi hỏi phải được đối xử đặc biệt. Phải tạo mối quan hệ gần gũi. Sexton gật đầu ngay. - Dĩ nhiên, tôi có thể thu xếp gặp họ ở nhà riêng cũng được. - Tốt lắm, họ muốn được hoàn toàn kín đáo. - Tôi cũng thế. - Chúc may mắn. Nếu suôn sẻ thì đây sẽ là cuộc gặp cuối cùng. Chỉ cần sáu người này là đủ để đưa chiến dịch tranh cử của ông đến thắng lợi. Sexton thích nghe thấy điều đó. Ông tự tin mỉm cười với ông già. - Nếu may mắn, chúng ta sẽ giành thắng lợi giòn gĩa trong kỳ bầu cử. - Thắng lợi à? - ông ta cau có nhoài người về phía Sexton với đôi mắt hiểm ác. Đưa anh vào trong Nhà Trắng mới chỉ là bước đi đầu tiên thôi, Thượng nghị sĩ ạ! Tôi hi vọng anh không quên điều đó. Chương 14 Có lẽ Nhà Trắng chính là phủ Tổng thống nhỏ nhất trên thế giới với bề ngoài 170 foot, bề dọc 85 foot, và toạ lạc trên khu đất chỉ có 85 hecta. Các thẩm phán đã ca ngợi bản thiết kế của toà nhà này là "hấp dẫn, bề thế, linh hoạt" - và trong số tất cả những bản thiết kế được gửi đến dự thi, họ lựa chọn ý tưởng chẳng lấy gì làm độc đáo này của kiến trúc sư James Horban - mái nhà tầm thường, lan can nhàm chán, lại còn cả lối vào với hai hàng cột hai bên. Dù đã ở trong toà nhà này được ba năm rưỡi. Tổng thống Zach Herney rất hiếm khi cảm thấy khu mê cung với những đồ cổ, đèn chùm và lính thuỷ đánh bộ có vũ trang đứng gác này thực sự là ngôi nhà của mình. Lúc này ông đang sải bước về cánh trái của toà nhà trong tâm trạng vô cùng phấn khích, chân ông lướt nhẹ trên những tấm thảm trải sàn sang trọng. Một số nhân viên của Nhà Trắng ngẩng lên nhìn khi Herney đến gần. Ông gọi tên và chào từng người. Phản ứng của họ, dù vẫn lịch sự, không được nhiệt thành cho lắm, và những nụ cười đáp lễ đều có vẻ gượng gạo. - Chào Tổng thống ạ. - Rất vui được gặp Tổng thống. - Chúc Tổng thống một ngày tốt lành. Quay về Nhà Trắng, Tổng thống có thể cảm thấy những lời xì xào của họ. Bên trong Nhà Trắng đang có cuộc đảo chính ngầm. Mấy tuần nay sự thất vọng ở số nhà 1600 đại lộ Pensilvania đã lên cao đến mức Herney bắt đầu cảm thấy tình cảnh của mình chẳng khác gì tình cảnh của thuyền trưởng Bligh - chỉ huy một con tàu đang tham chiến trong khi thuỷ thủ trên tàu chuẩn bị nổi loạn chống lại chính thuyền trưởng của họ. Tổng thống không trách họ. Nhân viên của ông đã làm việc cật lực để hỗ trợ cho ông trong chiến dịch tranh cử này, và lúc này, đột nhiên ông tỏ ra muốn buông xuôi. Họ sẽ hiểu ra ngay thôi, ông thầm nghĩ, chẳng mấy chốc mình sẽ lại là người hùng. Ông không muốn giấu nhân viên của mình lâu như vậy, nhưng điều này cần phải tuyệt đối bí mật. Về chuyện giữ bí mật thì ai cũng biết rằng Nhà Trắng là con tàu có nhiều lỗ rò nhất Washington. Herney đến sảnh đợi ngoài phòng bầu dục và xởi lởi chào cô thư ký riêng. - Hôm nay trông cô đẹp lắm, Dolores ạ. - Sếp cũng thế ạ. - Cô ta nhìn bộ quần áo dân dã của Tổng thống với vẻ không vừa ý ra mặt. Herney hạ giọng: - Cô hãy thu xếp cho tôi một cuộc họp. - Với ai ạ? - Toàn bộ nhân viên Nhà Trắng. Cô thư ký ngước lên: - Tất cả ạ? Toàn bộ 145 người ạ? - Chính xác. - Ngay bây giờ ạ? - Sao lại không? Báo họ 4 giờ chiều nhé. Cô thư ký gật đầu, cố giữ điềm tĩnh. - Vâng, thưa Tổng thống, và nội dung của cuộc họp là… - Tối nay tôi có tin quan trọng để báo cho toàn nước Mỹ, và tôi muốn nhân viên của mình được biết trước điều đó. Vẻ thất vọng hiện rõ trên gương mặt của cô thư ký, như thế cô ta đã e sợ giây phút này từ lâu. Dolores hạ giọng: - Tổng thống định không tranh cử nữa sao? Herney phá lên cười: - Không đâu, Dolores ạ, tôi còn định tăng tốc lên ấy chứ. Cô vẫn chưa tin ngay. Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đều cho rằng Tổng thống đang có ý định rút lui. Ngài Tổng thống nháy mắt nhìn Dolores khích lệ: - Dolores này, cô đã làm việc rất tốt cho tôi trong bốn năm qua, và cô sẽ tlếp tục làm việc cho tôi thêm bốn năm nữa. Tôi thề đấy. Cô thư ký có vẻ chưa tin hẳn. - Được ạ, thưa Tổng thống, tôi sẽ báo cho toàn bộ nhân viên có mặt vào bốn giờ chiều nay. Bước vào phòng bầu dục, Herney không thể nhịn được cười khi nghĩ đến cảnh tất cả nhân viên sẽ phải chen chúc trong căn phòng chật chội quái quỷ này. Trong số những tên tục của căn phòng này - nhà vệ sinh, hang ổ của Dick, phòng ngủ của Clinton - Herney thích nhất cái tên "bẫy bạch tuộc". Cái tên này có vẻ hợp hơn cả. Khi bước vào căn phòng này, người lạ sẽ ngay lập tức bị mất phương hướng. Đồ đạc được xếp đặt đối xứng nhau, những bức tường cong, những cửa phụ được bố trí kín đáo, tất cả dường như mang lại cho những người lạ cảm giác bị bịt mắt dẫn đi vòng tròn. Rất nhiều lần, sau khi tiếp kiến xong, các vị quyền cao chức trọng đứng lên, bắt tay Tổng thống và tiến thẳng đến chỗ tủ để đồ. Tuỳ thuộc vào kết quả cuộc hội kiến, Herney sẽ bảo người khách ấy dừng lại ngay, hoặc là khoái chá quan sát khách của mình lâm vào tình thế sượng sùng khó xử. Herney luôn luôn tin rằng chính phù điêu đại bàng đầy màu sắc được dệt trên tấm thảm hình bầu dục mới là vật có ảnh hưởng và quyền uy nhất trong căn phòng bầu dục này. Chân trái con đại bàng quắp nhành ôliu, chân phải quắp một nắm cung tên. Rất ít người ngoài biết rằng trong thời bình, con chim đại bàng quay đầu về bên trái, về phía cành ôliu. Nhưng trong thời chiến, nó quay mặt sang bên phải một cách đầy bí ẩn - quay về phía những mũi tên. Nhân viên trong Nhà Trắng vẫn thì thầm bàn tán về nguyên nhân của sự thay đổi đặc biệt này, vì theo truyền thống, bí mật này chỉ có hai người được biết - Tổng thống và tạp vụ trưởng. Tổng thống đã khá thất vọng khi biết rằng bí mật này hoá ra rất tầm thường và trần tục: Trong nhà kho bên dưới tầng hầm có tấm thảm thứ hai, và người ta chỉ thay thảm vào lúc đêm khuya khi tất cả mọi người đều đã ngủ. Lúc này, ngắm chú chim đại bàng thời bình đang quay đầu sang trái, Herney mỉm cười nghĩ có lẽ nên cho thay thảm để công bố cuộc chiến mà ông sắp phát động chống lại Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton. Chương 15 Delta là đơn vị lính chiến đấu duy nhất của Hoa Kỳ được miễn trừ mọi trách nhiệm hình sự. Chỉ thị số 25 của Tổng thống (PDD 25) đã đặc cách cho binh lính thuộc đội Delta quyền miễn trừ tất cả các trách nhiệm trước pháp luật, kể cả Luật về các hoạt động đặc nhiệm - một đạo luật quy định trách nhiệm hình sự đối với những ai lợi dụng quân đội nhằm tư lợi cá nhân, để tiến hành các hoạt động hành pháp trong nội địa nước Mỹ, và để tiến hành các chiến dịch bí mật chưa được phê chuẩn. Các thành viên của Delta được lựa chọn từ đội Lính tinh nhuệ, một biệt đội đặc biệt thuộc cơ số của Đơn vị các chiến dịch đặc biệt có đại bản doanh ở pháo đài Bragg, bắc Carolina. Những thành viên của Delta đều là những sát thủ được đào tạo bài bản - họ là những chuyên gia trong các chiến dịch SWAT, giải cứu con tin, tấn công chớp nhoáng và tiêu diệt các thế lực thù địch giấu mặt. Do những điệp vụ họ mà tham gia đều được liệt vào danh sách tối mật, thông lệ nhiều tầng chỉ huy đã được giản lược thành một đầu mối duy nhất - chỉ có một quan chức duy nhất chỉ huy mọi hoạt động của toàn đội. Vị chỉ huy đó thường là một sĩ quan cao cấp trong quân đội hoặc một nhân vật quyền thế nào đó trong nội các có đủ thẩm quyền điều khiến chiến dịch. Bất kể vị chỉ huy đó là ai thì các điệp vụ của đội Delta luôn được xếp vào loại tối quan trọng, và các đội viên của Delta không bao giờ kể lại những nhiệm vụ mà họ được giao và đã hoàn thành, với những thành viên khác của đội, cả với chỉ huy của đội lính tinh nhuệ. Bay đến. Chiến đấu. Quên hết. Đội lính Delta đang đóng quân phía trên vĩ tuyến 81 không hề bay, cũng chẳng phải chiến đấu. Họ đang quan sát. Delta-Một phải thừa nhận rằng đây là điệp vụ kỳ lạ nhất trong đời lính của mình, nhưng anh đã được huấn luyện để không bị ngạc nhiên trước bất kỳ nhiệm vụ nào. Trong vòng năm năm trở lại đây anh đã tham gia giải cứu con tin ở Trung Đông, theo dõi và tiêu diệt các nhóm khủng bố hoạt động trên đất Mỹ, và cả bí mật thủ tiêu một số phần tử nguy hiểm ở nước ngoài. Tháng trước, đội Delta của anh vừa dùng một robot bay siêu nhỏ để làm cho một trùm ma tuý khét tiếng ở Nam Mỹ bị nhồi máu cơ tim. Sử dụng vi robot được gắn một cây kim titan chỉ nhỏ bằng một sợi tóc, bên trong chứa loại hoá chất tạo cơn co mạch máu, Delta-Hai đã điều khiển cho con vi robot bay vào nhà qua cửa sổ để ngỏ trên tầng hai, tìm phòng ngủ của hắn, và châm kim vào vai khi hắn đang ngủ say. Vi robot thoát ra ngoài qua cửa sổ và trở thành "vô can" trước khi cơn đau trong lồng ngực khiến gã thức giấc. Khi vợ gã thức dậy gọi xe cấp cứu thì Delta-Hai đã điều khiển vi robot rút về căn cứ. Không cần đào tường khoét ngạch và đột nhập. Cái chết có lí do tự nhiên. Một điệp vụ hoàn mỹ. Mới đây, một vi robot được cài vào trong văn phòng của một Thượng nghị sĩ tên tuổi đã truyền về những hình ảnh của cuộc truy hoan thác loạn. Đội Delta vẫn gọi đùa điệp vụ đó là "thọc sâu vào sau lòng địch". Giờ đây, sau mười ngày nằm tại chiếc lều này để làm nhiệm vụ do thám, Delta-Một cảm thấy điệp vụ này sắp kết thúc. Nguỵ trang và giữ bí mật. Điều khiển thiết bị bay vào trong và ra ngoài. Báo cáo chỉ huy nếu thấy có dấu hiệu bất thường. Delta-Một đã được tôi luyện để không cho tình cảm xen vào chuyện công việc. Tuy nhiên, khi nghe thông báo vắn tắt nhiệm vụ lần này, tim anh đã thoáng loạn nhịp. Người ra lệnh cho họ hoàn toàn "nặc danh" - mọi liên lạc đều diễn ra thông qua những kênh điện tử an toàn. Delta-Một chưa một lần giáp mặt chỉ huy điệp vụ này. Delta-Một đang chuẩn bị bữa ăn gồm những loại thực phẩm sấy khô cho cả đội thì chiếc đồng hồ trên tay anh và cả của hai người kia cùng kêu bíp bíp. Sau chốc lát, thiết bị liên lạc điện tử cạnh anh nhấp nháy đèn. Anh bỏ túi lương khô xuống và nhấc thiết bị liên lạc lên. Hai người kia im lặng quan sát. - Delta-Một đây. - Anh nói vào chiếc micro điện tử. Ba âm tiết ấy lập tức được phần mềm nhận dạng giọng nói cài đặt trong hệ thống xử lý. Từng từ một được đánh số, rồi được mã hoá và truyền đến người nghe qua vệ tinh nhân tạo. Tại đầu máy của người gọi, với thiết bị y chang, những con số được giải mã, rồi được chuyển qua từ điển phát âm điện tử. Những từ này được phát ra với chất giọng điện tử. Tổng thời gian của toàn bộ chu trình này là 80 phần ngàn của một giây đồng hồ. - Chỉ huy đây - người điều khiển điệp vụ nói. Giọng nói từ CrypTalk phát ra nghe lạ lùng, khác thường và phi giới tính. - Tình hình thế nào? - Tất cả diễn ra đúng kế hoạch. - Delta-Một trả lời. - Tuyệt. Có thay đổi trong chương trình hoạt động. Tám giờ tối nay, giờ miền Đông, dân chúng sẽ được thông báo toàn bộ sự việc. Delta-Một xem lại thời gian biểu. Chỉ còn tám giờ nữa. Nhiệm vụ của anh ở nơi này sẽ sớm kết thúc. Thật dễ chịu. - Thêm một thay đổi nữa. - Vị chỉ huy nói tiếp. - Thêm một đấu thủ nữa lên sới. - Đấu thủ nào vậy? Delta-Một chăm chú lắng nghe. Trò đỏ đen này hay đây. Lúc nào chả có một đấu thủ đợi sẵn bên ngoài sới, - Chúng ta có thể tin tưởng cô ta không? - Cần phải theo dõi sát người này. - Nếu có sự cố thì sao ạ? Giọng người chỉ huy không chút do dự: - Thì làm theo đúng phận sự của các anh. Chương 16 Rachel Sexton đã bay theo hướng bắc được hơn một giờ đồng hồ. Trong suốt hành trình, thay vì thấy quang cảnh của New Foundland, cô chỉ nhìn thấy duy nhất một thứ dưới cánh chiếc máy bay F14: nước. Tại sao lại phải là nước nhỉ? Rachel nhăn nhó thầm hỏi. Hồi lên bảy, Rachel đã bị ngã nhào xuống hồ nước đóng băng trong khi chơi trượt băng. Bị làn nước giá buốt bao trùm, cô nghĩ mình chắc chắn sẽ phải chết. Nhưng rồi nhờ đôi cánh tay mạnh mẽ của mẹ cô, thân thể ướt mèm của Rachel đã được kéo lên bờ. Kể từ sự kiện hãi hùng đó, Rachel luôn phải đấu tranh với cảm giác sợ hãi vô cớ - sợ những vùng nước rộng, đặc biệt là nước lạnh. Hôm nay, khi trong tầm mắt không có gì ngoài cực bắc tít tận cuối chân trời, nỗi sự ấy đang bủa vây cô. Đến khi viên phi công kiểm tra lại vị trí của chiếc máy bay bằng liên lạc với sân bay Thule thì Rachel mới biết mình đã đi xa đến mức nào. Qua cả vòng chí tuyến rồi cơ ư? Biết sự thật, cô càng cảm thấy bất an hơn. Họ đưa mình đi đâu thế nhỉ? NASA đã tìm thấy cái gì? Một lúc sau, trên mặt nước màu xanh xám bên dưới đã thấy có muôn vàn chấm trắng ảm đạm. Lần duy nhất trong đời Rachel trông thấy núi băng là sáu năm trước, khi mẹ cô ra sức thuyết phục cô cùng bà tham gia chuyến thám hiểm Alaska. Rachel đã lựa chọn không biết bao nhiêu khu nghỉ mát trên đất liền, nhưng mẹ cô vẫn nhất mực không đổi ý. Bà nói: "Rachel, con yêu của mẹ, hai phần ba hành tinh này là nước, cho nên sớm hay muộn gì con sẽ phải tập đối mặt với nó". Bà Sexton vốn là một thiếu phụ kiên định của vùng New Engiand, thuộc kiểu người luôn muốn con cái họ lớn lên phải kiên cường và mạnh mẽ. Chuyến thám hiểm ấy là dịp cuối cùng hai mẹ con được ở bên nhau. Catherine Wenworth Sexton. Rachel chợt cảm thấy mình đơn côi biết mấy. Bao ký ức chợt ào ạt ùa về, như những cơn gió quất bên ngoài ca bin máy bay, như bao lần trước, lại một lần nữa kỷ niệm đay ắp trong tâm trí Rachel. Lần cuối cùng hai mẹ con cô nói chuyện với nhau là trên điện thoại. Sáng sớm ngày lễ Tạ ơn. - Con xin lỗi mẹ, - cô gọi về từ sân bay O Hare tuyết phủ - con biết gia đình mình bao giờ cũng sum họp vào ngày lễ Tạ ơn, nhưng hôm nay chắc sẽ là lần đầu tiên không được như vậy. Giọng mẹ cô đầy đau khổ: - Mẹ mong được gặp con biết chừng nào. Rachel của mẹ. - Con cũng thế mẹ ạ. Mẹ hãy tưởng tượng con phải ăn đồ ăn liền ở sân bay trong khi mẹ và bố đang thưởng thức món gà tây. Mẹ cô lặng đi một lúc trên điện thoại. - Rachel, mẹ định đợi con về nhà mới nói, nhưng cha con nói rằng ông ấy bận quá nên năm nay không về nghỉ ở nhà được. Ông ấy sẽ ở lại khách sạn của mình ở D.C, trong suốt kỳ nghỉ. - Sao cơ? - Sự ngạc nhiên của Rachel ngay lập tức chuyển thành phẫn nộ. - Nhưng hôm nay là ngày lễ Tạ ơn, Thượng nghị viện có họp đâu! Bố chỉ cách nhà có hai giờ lái xe thôi mà. Bố phải về với mẹ mới đúng chứ! - Mẹ biết. Nhưng ông ấy nói là mệt lắm nên không thể lái xe được ông ấy đã quyết định sẽ dành kỳ nghỉ để giải quyết những công việc tồn đọng. Công việc ư? Rachel thấy nghi ngờ. Rất có thể là ngài Thượng nghị sĩ đang hú hí với người đàn bà nào đó. Sự không chung thuỷ của ông ta, dù kín đáo, vẫn kéo dài từ nhiều năm nay. Bà Sexton không phải là người không biết gì, nhưng tất cả những vụ tình ái của ông ta đều được sắp xếp với những chứng cứ ngoại phạm và thái độ phẫn nộ sâu sắc khi có ai đả động đến chuyện ông ta là người chồng không chung thuỷ. Cuối cùng, bà Sexton chẳng còn bỉết làm gì khác ngoài việc nhắm mắt làm ngơ và gắng chôn chặt nỗi đau của mình. Dù Rachel vẫn khuyến khích mẹ cô tiến hành thủ tục li dị, nhưng Katherin Wenworth Sexton là người đã nói là làm. Bà nói với Rachel: "Chỉ cái chết mới chia lìa được mẹ và ông ấy. Nhờ ông ấy mẹ mới có được con - cô con gái vô cùng kiều diễm - mẹ chịu ơn ông ấy. Sẽ có ngày ông ấy phải sám hối trước Đấng tối cao về điều đó". Lúc ấy, tại sân bay, Rachel giận sôi lên. - Nhưng thế thì mẹ sẽ phải cô đơn trong ngày lễ Tạ ơn! Cô cảm thấy kinh tởm. Việc Thượng nghị sĩ bỏ bê gia đình trong ngày lễ Tạ ơn là một bước suy đồi so với sự tồi tệ trước đó của ông ta. - Không sao. - Giọng mẹ cô buồn nhưng cương quyết. - Không thể để những đồ ăn này bị hỏng được. Mẹ sẽ lái xe đến nhà dì Ann. Năm nào dì ấy cũng mời nhà mình đến dự lễ Tạ ơn Mẹ gọi cho dì ấy ngay đây. Rachel vẫn chẳng cảm thấy bớt áy náy được là bao. - Thôi được. Con sẽ về nhà ngay lập tức đây. Con yêu mẹ lắm. - Chúc con yêu bay an toàn. Mười giờ rưỡi đêm hôm ấy, cuối cùng thì chiếc tắc xi cũng đưa Rachel ngoặt lên, con đường rải sỏi và tiến vào ngôi biệt thự sang trọng của nhà Sexton. Rachel biết ngay đã có chuyện chẳng lành. Xe cảnh sát đỗ trên lối vào. Có cả xe hòm của báo chí. Cả ngôi nhà sáng trưng. Rachel lao vào nhà, lòng đau như xé. Một nhân viên cảnh sát bang Virginia gặp cô ở ngưỡng cửa. Trông anh ta đầy vẻ hệ trọng. Nhưng chẳng cần anh ta phải nói gì hết. Rachel biết đã có một vụ tai nạn. - Do mưa và băng tuyết nên tuyến đường 25 trở nên rất trơn. - Anh ta nói. - Xe của mẹ cô bị văng vào khe núi. Bà mất ngay tại chỗ do va đập mạnh. Rachel thấy toàn thân tê dại. Cha cô đã về nhà ngay khi nhận được tin và giờ đang tổ chức cuộc họp báo nhỏ trong phòng khách. Với vẻ mặt đau khổ, ông ta tuyên bố rằng phu nhân của mình đã gặp tai nạn trên đường về nhà sau khi cùng gia đình đi dự tiệc nhân ngày lễ. Đứng ở một bên chái nhà, Rachel khóc ròng rã. - Ước nguyện duy nhất của tôi là - nước mắt lưng tròng, cha cô tuyên bố với các nhà báo - là tôi có thể về nhà với bà ấy trong kỳ nghỉ này. Đáng ra tôi đã không bao giờ được để điều này xảy ra. Đáng ra ông phải nghĩ được điều đó từ nhiều năm trước rồi kia. Rachel khóc nức lên, và mỗi lúc một thêm căm ghét cha mình. Từ đó trở đi, Rachel sống tách biệt hẳn. Nhưng ngài Thượng nghị sĩ dường như chẳng nhận ra điều đó. Ông mải bận rộn biến cái chết của vợ mình thành một cơ hội để trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng. Những lá phiếu giành được nhờ sự cảm thông hoá ra không hề ít. Tai ác thay, ba năm sau sự kiện ấy, dù ở cách rất xa, ngài Thượng nghị sĩ vẫn khiến cho con gái mình cảm thấy côi cút. Do chiến dịch tranh cử Tổng thống của cha cô, Rachel buộc phải gác lại giấc mơ tìm người đàn ông phù hợp và gây dựng mái ấm gia đình. Cô thà sống tách biệt hẳn khỏi xã hội còn hơn trở thành đối tượng săn đón của vô số những kẻ khát quyền lực đang săn lùng cơ hội trở thành vị hôn thê của cô con gái âu sầu của ngài Tổng thống tiềm năng. Bên ngoài cửa sổ chiếc phản lực F14, bóng đêm đang từ từ dâng lên. Giờ đang là cuối mùa đông ở vùng cực - mùa của đêm đen. Rachel nhận thấy chiếc phản lực đang bay vào vùng bóng đêm vĩnh cửu. Chỉ vài phút sau, Mặt trời đã biến mất hẳn phía sau đường chân trời. Họ tiếp tục bay về phương Bắc, và mảnh trăng lưỡi liềm vằng vặc hiện ra, lơ lửng trên bầu trời Bắc cực lạnh giá. Tít bên dưới, là những con sóng bạc đầu mờ ảo, những tảng băng trôi trông như những viên kim cương được đính trên tấm lưới mắt cáo màu sẫm. Cuối cùng thì Rachel cũng lờ mờ nhìn thấy đất liền. Nhưng nó rất khác những gì cô tưởng tượng. Xa xa dưới cánh máy bay là một dải núi tuyết phủ. Núi Rachel băn khoăn tự hỏi. - Phía bắc đảo Greenland có núi hay sao? - Dĩ nhiên rồi. - Viên phi công trả lời, anh ta cũng có vẻ ngạc nhiên chẳng kém gì cô. Khi chiếc F14 chúi đầu xuống đất, Rachel rơi vào cảm giác không trọng lượng vô cùng khó chịu. Dù hai tai gần như ù đặc, cô vẫn nghe thấy tiếng thiết bị điện tử kêu bíp bíp trong khoang lái. Rõ ràng là viên phi công đã bắt được liên lạc với thiết bị dẫn đường và đang làm theo chỉ dẫn từ mặt đất. Xuống đến dưới độ cao ba ngàn foot, Rachel chăm chú nhìn quang cảnh mặt đất dưới ánh trăng. Dưới chân rặng núi là một dải đất phẳng khá rộng. Dải đất này kéo dài khoảng mười dặm về phía biển. ở tận cùng của dải đất bằng ấy là mỏm băng dựng đứng nhô ra biển. Lần đầu tiên Rachel nhìn thấy kiểu địa hình này. Thật đặc biệt. Lúc đầu cô tưởng mình bị ảo giác do ánh trăng. Rachel nhìn những mỏm tuyết, không dám tin vào mắt mình. Càng xuống thấp, cảnh vật càng hiện ra rõ ràng hơn. Lạy Chúa, đây là đâu? Dải đất bằng bên dưới có những đường sọc, như thế người ta đã dùng sơn màu bạc để vẽ trên tuyết ba đường sọc thật lớn. Những vệt sáng lấp lánh này chạy song song với mỏm đá dọc theo bờ biến. Xuống đến độ cao năm trăm foot thì ảo giác ấy mới biến mất. Trong lòng ba con mương sâu với bề ngang rộng khoảng ba mươi mét, nước đóng băng. Chúng nằm vắt ngang dải đất bằng. Những dải màu trắng giữa những dòng kênh ấy trông chẳng khác gì những con đê bằng tuyết. Bay đến dải đất bằng đó, máy bay bắt đầu hạ độ cao và lắc. Rachel nghe thấy tiếng phanh rít nhưng chẳng nhìn thấy đường băng nào cả. Trong khi viên phi công đang tập trung điều khiển máy bay, Rachel nhòm ra ngoài và trông thấy hai dải sáng lấp lánh hai bên dòng kênh băng trong cùng. Cô kinh hãi khi hiểu ra ý định của viên phi công. - Chúng ta hạ cánh xuống băng à? - Cô hỏi. Viên phi công không trả lời. Anh ta còn mải vật lộn với những cơn gió giật. Rachel thấy bụng dạ bị lộn tung lên khi chiếc máy bay giảm tốc độ và hướng về phía con kênh băng. Hai dải đê tuyết hiện ra hai bên thân máy bay, Rachel nín thở. Cô hiểu rằng chỉ một nhầm lẫn nhỏ trong con kênh hẹp này cũng có thể gây ra sự cố chết người. Chiếc máy bay lắc lư hạ cánh xuống giữa hai dải đê bằng tuyết, và đột ngột ngừng rung lắc. Được dải đê chắn gió, nó tiếp đất êm ái. Chiếc phi cơ chạy chậm dần. Rachel thở phào. Máy bay chạy thêm khoảng một trăm mét nữa và dừng hẳn ngay trước vệt sơn đỏ chói trên mặt băng. Chẳng nhìn thấy gì ở bên phải ngoài bức tường tuyết dưới ánh trăng - sườn của con đê tuyết. Bên trái cũng y như vậy. Chỉ có thể nhìn qua cửa chắn gió ở phía trước… và thấy băng hà trải dài vô tận. Cảm tưởng như họ vừa hạ cánh xuống hành tinh chết. Trừ vệt sơn đỏ trên tuyết, không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống. Rồi Rachel nghe thấy từ đằng xa, một chiếc xe đang tiến lại. Tiếng động cơ inh ỏi. Tiếng ồn mỗi lúc một to dần cho đến khi chiếc xe xuất hiện. Đó là chiếc máy kéo lớn có nhiều bánh đang đi dọc theo con mương về phía họ. Cao và trần trụi, chiếc xe chẳng khác gì một côn trùng phàm ăn to lớn với những cái chân quay trong truyện khoa học viễn tưởng. Ca bin được bố trí cách khá xa khung gầm xe. Rất nhiều đèn pha dưới gầm xe rọi sáng mặt đất. Chiếc xe lắc mạnh rồi dừng lại ngay cạnh máy bay. Cửa ca bin mở ra, rồi một người bước xuống. Anh ta mặc bộ áo liền quần màu trắng phồng to tướng che kín từ đầu đến chân. Trông chẳng khác gì quả bóng. Max điên sắp sửa gặp Pillsbury Dough rồi đây, Rachel thầm nghĩ, nhẹ nhõm nhận thấy có người sống ở mảnh đất này. Anh ta ra hiệu cho viên phi công mở cửa sập. Viên phi công làm theo. Ngay khi cửa vừa mở, luồng gió buốt giá thốc vào trong ca bin. Rachel thấy lạnh thấu xương. - Đóng cửa lại cho tôi nhờ. Cô Sexton phải không ạ? - Người lái xe gọi với lên, giọng Mỹ. - Thay mặt cho NASA, xin chào đón cô. Rachel run lập cập. - Xin đa tạ. Cô tháo mặt nạ, mũ bay và dây an toàn ra. - Hãy bước xuống bậc thang bên hông máy bay. Cô có gì cần hỏi không ạ? - Có đấy. -Rachel gào lên trả lời. - Tôi đang ở chỗ quái quỉ nào đây? Chương 17 Marjorie Tench - cố vấn cao cấp của Tổng thống - có dáng người của một bộ khung xương bị khòm. Thân mình gầy guộc cao sáu foot của bà ta trông giống một kết cấu dựng đứng được lắp đủ cả tay và chân. Bên trên thân thể ọp ẹp ấy là khuôn mặt vàng ệch. Nước da của Marjorie trông như mảnh giấy da cừu bị chọc thửng bởi hai con mắt vô hồn. Mới năm mốt tuổi, trông bà ta như bẩy mươi. Ở Washington, người ta tôn sùng Tench như một nữ thần trên chính trường. Họ xì xào rằng bà ta có kỹ năng phân tích của chiếc máy tính đời mới nhất. Suốt mười năm phụ trách phòng phân tích tin tình báo của Chính phủ, bà ta đã tôi luyện được cho mình bộ óc cực kỳ sắc sảo và nhậy bén. Đáng tiếc, hiểu biết về chính trị của Tench lại đi kèm với tính cách lạnh lùng đến nỗi không ai có thể chịu đựng được bà ta quá dăm phút. Marjorie Tench được trời phú cho bộ não của một siêu máy tính - và cả sự hồn hậu cũng của một siêu máy tính. Tuy nhiên ngài Tổng thống Zach Herney thì có thể dễ dàng dung hoà được sự trái tính này; bộ óc sắc sảo và sự cần cù của người đàn bà này chính là hai thế lực chủ chốt dọn đường cho Herney vào Nhà Trắng. - Marjorie. - Tổng thống đứng dậy chào đón khi bà ta vào phòng bầu dục. - Tôi giúp gì được cho chị nào? - Ngài Tổng thống không mời bà ta ngồi. Những phép tắc xã giao thông thường đều là thừa đối với một người như Marjorie Tench. Nếu muốn ngồi, tự khắc bà ta sẽ ngồi. - Tôi thấy anh báo toàn bộ nhân viên bốn giờ chiều nay đi họp. Tench cất lên giọng khê đặc rin rít của người nghiện thuốc lá. - Tuyệt lắm. Tench đi đi lại trong phòng, và Herney có thể cảm nhận được những bánh răng và khớp nối bên trong bộ óc của bà ta đang lật đi lật lại vấn đề. Ngài Tổng thống thầm tạ ơn Chúa. Marjorie Tench là một trong số ít cộng sự của ông được phép biết đến phát minh của NASA. Và với tầm hiểu biết siêu việt của mình, bà ta đang giúp Tổng thống hoạch định những nước cờ chiến lược. Tench vừa nói vừa ho sù sụ: - Anh định cử ai đi đấu khẩu với Sexton một giờ chiều nay trên đài CNN? Herney mỉm cười: - Một phát ngôn viên làng nhàng của chiến dịch tranh cử. - Làm cho "kẻ săn mồi" cáu tiết bằng cách không bao giờ cho hắn có cơ hội tỉ thí với đối thủ ngang tầm là chiến thuật xưa như trái đất. - Tôi có một ý hay hơn. - Tench nói, cặp mắt vô hồn nhìn thẳng vào Tổng thống - - Để tôi đi cho. Zach Herney ngẩng phắt lên: - Chị á? - Bà ta đang nghĩ cái quái quỉ gì vậy? -Marjorie ơi, chị đâu có hợp với ánh đèn trường quay! Hơn nữa đây chỉ là chương trình truyền hình cáp buổi trưa mà thôi. Nếu chỉ phái một phát ngôn viên lèng mèng thì chúng ta sẽ chuyển tải được thông điệp gì nào? Cử tri có thể cho rằng chúng ta đang hoảng hốt. - Chính xác. Herney quan sát cố vấn của mình. Dù bà ta có diệu kế gì trong đầu đi nữa thì Tổng thống cũng không thể cho phép nhân vật này xuất hiện trên CNN. Bất kỳ ai đã từng gặp Marjorie Tench đều hiểu ngay vì sao bà ta chỉ hoạt động phía sau hậu trường. Trông Tench xấu xí kinh khủng - đây không phải là khuôn mặt mà Tổng thống có thể lựa chọn làm sứ giả cho Nhà Trắng. - Lần này tôi sẽ tranh luận trên CNN. - Tench nhắc lại - đây không còn là một câu hỏi nữa. - Chị Marjorie này. - Ngài Tổng thống ra sức chèo chống, bắt đầu cảm thấy khó chịu. - Đội quân tranh cử của Sexton sẽ rêu rao ầm lên rằng sự xuất hiện của chị trên CNN cho thấy chúng ta đang sợ hãi. Chưa chi đã mang đại đao đi giết gà sẽ khiến thiên hạ tưởng rằng chúng ta đã sớm lâm vào cảnh cùng đường. Bà ta lặng lẽ gật đầu rồi châm một điễu thuốc. - Chúng ta càng làm ra vẻ cùng quẫn thì càng có lợi đấy. Trong vòng sáu mươi giây tiếp theo, Marjorie Tench đã vạch ra những lí do vì sao Tổng thống nên phái bà ta đến đấu khẩu trên kênh CNN thay vì một nhân viên cà tàng nào khác. Tench nói xong, Tổng thống tròn mắt kinh ngạc. Lại một lần nữa, Marjorie Tench chứng tỏ tài năng chính trị thiên bẩm của mình. Chương 18 Milne Ice Shelf là tảng băng trôi lớn nhất trên toàn Bắc bán cầu. Nằm phía trên đường vĩ tuyến 82 bên bờ biển cực bắc của đảo Ellesmere thuộc Bắc cực, tảng băng trôi này có bề rộng ba dặm và chiều dày đến gần hai trăm mét. Lúc này, Rachel đang leo lên ca bin Plexiglas của chiếc máy kéo, và đầy cảm kích vì chiếc áo khoác kiểu exkimo, đôi găng tay để sẵn trên ghế cho cô và luồng hơi ấm phả ra từ những chiếc quạt thông gió trên đầu. Bên ngoài, trên con kênh tuyết, chiếc trực thăng F14 đã khởi động xong và bắt đầu lăn bánh. Rachel sửng sốt ngước nhìn lên: - Anh ta đi ngay à? Người đàn ông trèo lên ca bin và gật đầu: - Chỉ các nhà khoa học và nhân viên NASA trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ mới được phép có mặt ở đây. Chiếc F14 lao lên xé toạc bầu trời đêm, Rachel chợt cảm thấy như vừa bị bỏ rơi. - Chúng ta sẽ lập tức lên đường đến IceRover. - anh ta nói - chỉ huy đang đợi. Rachel trân trối nhìn con đường băng giá màu bạc trải dài trước tầm mắt và cố tưởng tượng xem Giám đốc NASA đang làm gì ở nơi này. - Ngồi cho chắc vào nhé. - Anh chàng nhân viên NASA nói to và gạt mấy cái cần. Chiếc máy kéo gầm gừ và quay một góc 90 độ tại chỗ y như xe tăng xích sắt. Giờ đây, cỗ máy đối diện với bức tường tuyết cao ngất. Rachel chột dạ nhìn bức tường dốc đứng. Không lẽ anh ta định… - Nhảy điệu Rock and Roll nhé! - Anh ta nhả côn, và chiếc máy chồm thẳng về phía con dốc. Rachel bám chặt thành ghế, kêu không thành tiếng. Khi chạm đến con dốc, xích sắt nghiến lên tuyết và chiếc máy kỳ quặc bắt đầu leo lên. Rachel tưởng họ sẽ bị hất ngược lại đằng sau, nhưng ca bin vẫn giữ nguyên phương thẳng đứng một cách thần kỳ trong khi chiếc máy leo lên dốc. Khi đã lên đến đỉnh gờ tuyết, người lái xe cho xe dừng lại một lúc và cười rất tươi với hành khách đang tròn mắt bái phục: - Cô thấy chiếc máy này thế nào? Chúng tôi đã lấy cơ chế giảm xóc của chiếc xe tự hành cho sao Hoả và lắp vào đây đấy! Thần kỳ không? Rachel yếu ớt gật đầu: - Quả là thần kỳ. Lúc này, ngồi trên đỉnh gờ tuyết, Rachel thấy quang cảnh phi thường trải ra trước mắt, ngay trước họ là gờ tuyết cao ngất, và phía sau nó không thấy một gợn nhấp nhô nào nữa. Trước mặt họ, băng tuyết trải rộng thành sườn dốc thoải vô cùng bằng phẳng. Dưới ánh trăng, dải băng trải dài vút ra cho đến khi nó thót lại và uốn lượn thành những mỏm núi. - Sông băng Milne đấy! - Người lái xe giơ tay chỉ rặng núi. - Nó bắt nguồn từ bên kia và chảy xuống dải đồng bằng rộng mà chúng ta đang đứng đây này. Người lái xe lại ấn nút một lần nữa và Rachel bám thật chặt thành ghế trong khi chiếc xe xuống dốc. Đến chân dốc, họ băng qua con sông băng nữa, rồi lại leo qua một gờ tuyết khác. Lên đến đỉnh rồi lạo, xạo đi xuống dọc sườn dốc thoải, họ trượt qua tảng băng rất phẳng và lại bắt đầu lạo xạo vượt qua một sông băng nữa. - Còn xa nữa không? - Ngoài tuyết, Rachel không nhìn thấy bất kỳ thứ gì ở phía trước. - Còn khoảng hai dặm nữa. Rachel có cảm giác chặng đường dài hơn thế. Ngoài trời, những cơn gió tàn nhẫn quất vào chiếc xe đi tuyết IceRover, đập phành phạch vào ca bin plexiglas như thế muốn thổi bật họ ra ngoài đại dương. - Gió từ đỉnh thổi xuống đấy. - Người lái xe gào vào tai Rachel. - Cô nên làm quen với nó đi! Anh ta giải thích rằng ở vùng này luôn luôn có loại gió thổi ra biển. Cơn gió tàn nhẫn này hẳn phải là sản phẩm của luồng khí lạnh buốt và rất nặng từ trên sông băng đố xuống y như dòng nước hung dữ của chính dòng sông này. Người lái xe cười lớn: - Đây là nơi duy nhất trên trái đất mà địa ngục cũng phải đông cứng lại đấy! Vài phút sau, Rachel lờ mờ trông thấy một hình khối xa xa phía trước - bóng của toà nhà mái vòm màu trắng khổng lồ nhô lên giữa băng tuyết. Rachel dụi mắt, cái gì thế này nhỉ…? - Lều lớn của người Exkimo phải không? Anh ta đùa. Rachel cố nhìn cho rõ hình khối ấy. Trông giống như nhà vòm Houston thu nhỏ. - NASA mới dựng lên cách đây một tuần rưỡi đấy. - Nhà được bơm hơi bằng chất tổng hợp. Bơm từng phần nhỏ lên, dán đính vào nhau rồi dùng pít-tông và dây thép cố định trên băng. Trông giống như lều cắm trại cỡ lớn, thực ra đó là hình mẫu cho một sinh quyển di động mà NASA hy vọong sẽ có ngày mang lên sao Hoả để sử dụng. Chúng tôi gọi nó là "bán sinh quyển". - Bán sinh quyển à? - Đúng vậy, cô hiểu không? Vì nó không phải là toàn bộ sinh quyển, nên chỉ là bán sinh quyển thôi. Rachel cười mỉm và đưa mắt nhìn toà nhà kỳ dị nhô lên trên dải băng hà. - Và bởi vì NASA chưa lên được sao Hoả nên các anh tổ chức cắm trại ở nơi này chứ gì? Người đàn ông cười lớn: - Thực ra thì tôi thích Tahiti hơn. Nhưng định mệnh đã chọn địa điểm này. Rachel chăm chú nhìn ngôi nhà. Vòm mái màu trắng của nó tạo thành những đường nét ma quái trên nền trời đêm. Chiếc xe IceRover đến gần hơn, rồi họ dừng lại trước cánh cửa nhỏ bên hông ngôi nhà, cửa không đóng. Ánh sáng từ trong nhà hắt ra ngoài nền tuyết. Một bóng người bước ra. Anh ta có vóc người rất to cao và lại mặc chiếc áo khoác lông cừu màu đen nên trông chẳng khác gì con gấu. Anh ta tiến lại bên chiếc xe IceRover. Rachel biết rất rõ người đàn ông to cao này: Lawrence Ekstrom, Giám đốc NASA. Người lái xe cười nhăn nhở: - Cô đừng sợ vóc người to lớn của ông ấy: ông ta chẳng khác gì mèo cảnh đâu. - Giống hổ thì đúng hơn, Rachel thầm nghĩ. Cô đã nghe nói Ekstrom có tiếng là tàn bạo với tất cả những ai dám ngăn cản không cho ông ta thực hiện những giấc mơ của mình. Khi Rachel xuống xe, gió mạnh như muốn đẩy bật cô về phía sau. Cô cuộn chặt chiếc áo khoác quanh người và tiến về phía ngôi nhà. Đi được nửa đường thì Rachel giáp mặt Giám đốc NASA. Ông ta chìa bàn tay đeo găng to xù: - Cô Sexton, cảm ơn cô đã đến đây. Rachel gật đầu chào lại và gào to để át tiếng gió hú: - Thưa ông, thật ra thì tôi đâu có cơ hội để lựa chọn. Xa hơn nữa về phía thượng nguồn dòng sông băng, cách đó một ngàn mét, Delta-Một đang dùng ống nhòm hồng ngoại để theo dõi ngài Giám đốc NASA dẫn Sexton vào trong ngôi nhà. Chương 19 Giám đốc NASA Lawrence Ekstrom có vóc người cao lớn, nước da đỏ au và giọng nói cộc cằn, y như một vị thần trong truyền thuyết Na Uy. Mái tóc vàng của ông được cắt ngắn theo kiểu nhà binh để lộ ra những nếp nhăn trên trán và trên sống mũi hình củ hành, mạch máu chạy ngoằn ngoèo. Lúc này, đôi mắt lạnh lùng của ông đang rũ xuống vì biết bao đêm không ngủ. Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí này ở NASA, ông đã từng là chuyên viên về chiến lược vũ trụ và cố vấn điều hành nặng ký ở Lầu Năm Góc; và rất nhiều người đã biết tiếng Ekstrom là người luôn cáu kỉnh nhưng hết sức tận tâm với bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Theo Lawrence Ekstrom vào trong bán sinh quyển, Rachel Sexton đi ngang qua một mê cung kỳ dị với những hành lang sáng mờ. Những mảng nhựa sáng mờ được treo trên những sợi dây căng ngang là phong cách thiết kế của kiến trúc lạ lùng này. Không có nền nhà - chỉ một tảng băng cứng lớn, bên trên được trải những dải cao su mỏng chống trơn. Họ băng qua khu sinh hoạt rất thô sơ gồm những chiếc võng và những toa lét hoá học. Thật may, bên trong bán sinh quyển khá ấm áp, mặc dù có một phức hợp những thứ mùi đặc trưng của những chỗ ở quá kín mà lại đông người. Đâu đó vẳng tới tiếng máy phát điện kêu vo vo, có vẻ như đó là nguồn điện dùng để thắp sáng những bóng đèn đỏ lơ lửng trên đầu họ trong hành lang. - Thưa cô Sexton. - Ekstrom vừa càu nhàu vừa nhanh nhẹn dẫn cô đến một nơi chỉ mình ông ta biết. - Cho phép tôi được nói thẳng với cô ngay từ đầu. - Giọng ông ta có vẻ hồ hởi khi có cơ hội được đón khách. - Cô có mặt ở đây bởi vì Tổng thống muốn thế. Zach Herney là bạn thân của tôi, đồng thời là người luôn ủng hộ NASA. Tôi kính trọng ông ấy. Tôi chịu ơn ông ấy. Và tôi tin ông ấy. Khi ông ấy đã ra lệnh thì tôi không bao giờ hỏi lại, dù trong lòng không đồng thuận. Vì thế tôi muốn nói rõ rằng tôỉ không có cùng quan điểm với Tổng thống frong việc để cô can dự vào chuyện này. Rachel trân trối nhìn ông ta. Tôi đã vượt ba ngàn dặm để được đón tiếp thế này sao? Gã này thật chẳng biết điều. - Với tất cả lòng kính trọng, thưa ngài, - cô trả miếng - tôi cũng làm theo lệnh Tổng thống mà thôi. Tôi còn chưa được biết sẽ phải làm gì. Tôi đã đến nơi này chỉ vì tin Tổng thống. - Tốt lắm. - Ekstrom nói. - Thế thì tôi sẽ nói thẳng. - Ngài bắt đầu như thế được đấy. Phản ứng rắn rỏi của Rachel hình như làm ông Giám đốc hơi choáng váng. Ông ta chợt đi chậm lại, chăm chú quan sát cô. Sau đó, như con rắn đang duỗi dài thân ra, ông ta thở dài một tiếng rồi lại rảo bước. Theo tôi hiểu thì… - Ông ta nói tiếp - cô đến đây là để đưa ra nhận xét khách quan về một dự án quan trọng của NASA. Cô không những là người của NRO, một cơ quan xưa nay vẫn dè bỉu người của tôi là không biết giữ mồm giữ miệng; cô còn là con gái của người đang tự đặt ra cho cá nhân mình mục tiêu xoá sổ cơ quan của tôi. Giờ vàng của NASA sắp đến. Nhân viên của tôi đã phải chịu nhiều lời công kích trong thời gian vừa qua, họ đáng được hưởng giây phút vinh quang này. Tuy nhiên, do hàng loạt những lời chỉ trích mà cha cô đã ném thẳng vào mặt chúng tôi. NASA đang lâm vào tình thế khá tế nhị về mặt chính trị. Vì thế cho nên chúng tôi buộc phải chia sẻ những giây phút vinh quang này cùng với một số nhà khoa học dân sự và con gái của chính kẻ đang muốn làm hại chúng tôi. "Tôi không phải là cha tôi", Rachel muốn hét vào mặt ông ta, nhưng đây không phải là lúc thảo luận những vấn đề chính trị với người đứng đầu NASA. - Tôi đến đây không phải vì thèm khát thứ vinh quang đó, thưa ngài. Ekstrom lừ mắt. - Rồi cô sẽ thấy là cô chẳng có lựa chọn nào khác đâu. Lời nhận xét khiến Rachel ngạc nhiên. Dù Tổng thống Herney không đả động gì đến việc cô sẽ hỗ trợ ông ta theo kiểu này thì William Pickering cũng đã lên tiếng trước rằng cô có thể bị biến thành một con tốt thí trên chính trường. - Tôi muốn biết rõ mình sẽ làm gì ở đây. - Rachel yêu cầu. - Cả tôi cũng thế. Ngay cả tôi cũng chẳng biết gì hơn. - Gì cơ? Tổng thống lệnh cho tôi thông báo vắn tắt với cô về phát hiện mới ngay khi cô đến đây. Còn việc cô sẽ đóng vai trò gì trong gánh xiếc rong chính trị thì là chuyện riêng giữa cô và ông ấy. Tổng thống nói rằng Hệ thống quan sát địa cầu của các ông đã phát hiện ra một thứ gì đó. Ekstrom lại nhìn Rachel: - Cô biết gì về Hệ thống quan sát địa cầu? - Đó là một chùm vệ tinh nhân tạo của NASA nhằm quan sát trái đất theo những cách khác nhau - vẽ bản đồ đại dương, phân tích địa tầng, quan sát hiện tượng băng tan ở địa cực, tìm nhiên liệu hoá thạch. - Tốt. - Ekstrom nói, mặt tỉnh bơ. - Chắc là cô cũng biết thiết bị mới được bổ sung vào hệ thống đó? Được gọi là PODS. Rachel gật đầu. - Thiết bị soi đáy địa cực (PODS) đã được chế tạo để đo đạc hậu quả của hiện tượng ấm lên của trái đất. - Theo tôi được biết thì PODS đo đạc kích thước và độ cứng của chỏm băng của hai địa cực. Nôm na là như thế. Thiết bị này sử dụng các dải quang phổ để quét và tìm hiểu phần ngầm dưới lớp băng ở những khu vực rộng nhằm phát hiện ra những dị thường - những điểm tuyết tan mềm, băng tan ngầm, những khe nứt lớn - những chỉ số của hiện tượng ấm lên trên toàn cầu. Rachel hiểu rõ về kỹ thuật soi đáy đậm đặc phức hợp. Kỹ thuật này cơ bản giống như siêu âm lòng đất. Các vệ tinh nhân tạo của NRO vẫn thường dùng một kỹ thuật tương tự để phát hiện những vùng có độ đậm đặc khác biệt ở Đông u và đã tìm ra những nấm mộ tập thể, nhằm chứng minh rằng hiện tượng thanh lọc sắc tộc hiện vẫn đang tiếp diễn. - Cách đây hai tuần, - Ekstrom nói, - PODS đã rà soát dải băng này và phát hiện ra một điểm có độ đậm đặc khác biệt. Ở độ sâu hai trăm foot dưới lòng đất, ngay giữa một vùng băng cứng, PODS đã phát hiện ra một vật thể giống như túi nước không định hình có đường kính khoảng mười foot. - Một túi nước? - Rachel hỏi. - Không phải chất lỏng. Kỳ lạ ờ chỗ vật thể này cứng hơn băng đá xung quanh nó. - Thế thì…là một tảng đá hay đại loại như thế phải không? - Rachel hỏi. Ekstrom gật đầu: - Về cơ bản là thế. Rachel đợi một kết luận hùng hồn. Nhưng chẳng thấy gì. - Chẳng lẽ tôi phải đến tận đây chỉ vì NASA tìm thấy hòn đá ư? Đến khi PODS tính toán xong độ đậm đặc của tảng đá này thì… - Chúng tôi thực sự thật phấn khích. Ngay lập tức, một đội đã được cử lên đây để phân tích thông tin. Hoá ra tảng đá nằm dưới lớp băng đó có độ đậm đặc lớn hơn bất cứ loại đá nào trên hòn đảo Ellesmere này. Và đậm đặc hơn các loại đá trong phạm vi bốn trăm dặm. Rachel chăm chú nhìn mặt băng dưới chân, cố mường tượng hòn đá đang nằm đâu đó dưới chân mình. - Ngài nói rằng có người mnng nó đến đây? Ekstrom có vẻ không nhịn được cười. - Hòn đá này nặng hơn tám tấn. Và nó nằm dướỉ những hai trăm foot băng đá, có nghĩa là nó đã nằm im ở đó được hơn ba trăm năm rồi. Đi theo ngài Giám đốc NASA vào sâu trong một hành lang dài và hẹp, đi qua hai nhân viên NASA đang đứng gác. Rachel chợt thấy mệt mỏi. Cô liếc nhìn Ekstrom: - Tôi đoán rằng có cách giải thích logic cho sự có mặt của hòn đá ở đây… Và đó chính là bí mật phải không? - Một điều rất chắc chắn,, ông ta nói tiếp - đó là một thiên thạch. Rachel đứng sững trong hành lang và nhìn chằm chằm ngài Giám đốc. - Một tảng thiên thạch ư? - Cô chợt cảm thấy tràn trề thất vọng. Một tảng thiên thạch quả không hề thích hợp chút nào với những lời úp mở vòng vo của ngài Tổng thống. "Chỉ riêng phát hiện này thôi cũng đủ để bù lại cho tất cả những chi phí của NASA trước đây và những sai lầm của cơ quan này". Không hiểu Herney đang nghĩ gì nhỉ? Thiên thạch dĩ nhiên là loại đá hiếm nhất, nhưng NASA vẫn thường xuyên tìm thấy thứ này từ bao lâu nay rồi. - Đây là tảng thiên thạch lớn nhất từ trước tới nay. - Ekstrom nói tiếp, ông ta đứng sừng sững ngay trước mặt Rachel. - Chúng tôi tin rằng đây là mảnh vỡ của một tảng thiên thạch được ghi nhận là rơi xuống Bắc Cực vào thế kỷ 17. Có thể là do tác động của đại dương, tảng đá này đã bị đẩy tới tận đây, tới sông băng Milne, và suốt ba trăm năm qua, nó đã bị chôn vùi trong băng tuyết. Rachel thấy cáu. Phát hiện này chẳng làm thay đổi bất kỳ thứ gì trên đời. Cô bắt đau ngờ rằng đây chỉ là động thái thổi phồng quá đáng của NASA lẫn Nhà Trắng trong cơn cùng quẫn mà thôi. Họ đang cố gắng tô vẽ một phát hiện tầm thường thành một thắng lợi vang dội và vĩ đạl. - Cô có vẻ chưa thấy có gì thuyết phục cho lắm thì phải. - Tôi cứ tưởng có điều gì… hơn thế nữa. Ekstrom lừ mắt. - Một tảng thiên thạch với kích cỡ thế này là hiếm lắm đấy, thưa cô Sexton. Trên khắp trái đất chỉ có một vài tảng lớn hơn thế này thôi. - Tôi nhận thấy là… - Nhưng kích cỡ của tảng đá này không phải là điều quan trọng nhất. Rachel ngước mắt lên. - Nếu cô cho phép tôi được nói nốt. - Ekstrom nói, - cô sẽ được biết rằng tảng thiên thạch này cho thấy có những đặc điểm chưa bao giờ được phát hiện ở bất kỳ một tảng thiên thạch nào khác. Bất kể thuộc cỡ nào. - ông ta đưa tay chỉ một lối nhỏ. - Mời cô theo tôi, tôi sẽ giới thiệu cô với một số nhà khoa học rất công tâm có đủ khả năng hơn tôi để thảo luận thêm về phát hiện này. Rachel không hiểu. "Liệu còn ai có thể có khả năng hơn cả Giám đốc NASA đây?" Đôi mắt điển hình của người Bắc u của Ekstrom nhìn xoáy vào Rachel. - Cô Rachel ạ, có khả năng hơn ở đây có nghĩa họ là những nhà bác học dân sự. Là chuyên viên phân tích tin, tôi đoán rằng cô muốn được thu nhận dữ liệu từ những người vô tư, không thiên kiến. Lâm ly thật. Rachel thầm nghĩ. Rachel theo ông ta vào lối đi hẹp, và cả hai đột ngột dừng ngay trước tấm mành đen rất dày. Từ đằng sau tấm rèm vọng ra những âm thanh của một nhóm người đang tranh cãi, tiếng rõ mồn một như thế họ đang tranh luận giữa thanh thiên bạch nhật. Không nói không rằng, ông Giám đốc bước tới và kéo rèm ra. Rachel bị chói mắt vì luồng ánh sáng chói loà. Cô ngập ngừng rồi tiến lên phía trước, hấp háy mắt nhìn căn phòng sáng loá. Khi đã quen với ánh sáng. Rachel ngỡ ngàng nhìn căn phòng rộng mênh mông trước mắt và cảm thấy ngộp thở. Lạy Chúa tôi! - Cô thì thầm. Đây là đâu thế này? Chương 20 Trường quay ở ngoại vi thủ đô Washington của CNN là một trong số 212 trường quay trên toàn thế giới được kết nối với đại bản doanh hệ thống truyền hình của Turner tại Atlanta. Đúng một giờ 45 phút, chiếc xe limousine của Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton vào đến bãi đỗ xe. Sải bước tới lối vào, Sexton cảm thấy đầy tự mãn. Một nhân viên CNN béo phệ với nụ cười rất tươi chào ông và Gabrielle. Nhân viên này nói: - Chào Thượng nghị sĩ. Có một tin hay lắm. - Chúng tôi vừa mới biết người được Nhà Trắng cử tôi đến đối thoại với ông. - Anh ta lại cười nhăn nhở - Tôi hy vọng ngài sẽ lại thắng lợi giòn gĩa. - Anh ta đưa tay chỉ về phía trường quay đằng sau lớp kính mờ. Sexton nhìn xuyên qua tấm kính và suýt té ngửa. Ngồl giữa đám khói thuốc lá mịt mù trong trường quay là người có khuôn mặt xấu xí nhất trên chính trường. - Marjorie Tench à? - Gabrielle thốt lên - Bà ta đến đây làm gì nhỉ? Sexton không biết, nhưng bất kể vì lý do gì, sự có măt của bà ta ở đây là tin hết sức tốt lành - dấu hiệu rõ ràng cho thấy Tổng thống đang tuyệt vọng. Nếu không thì tại sao ông ta lại phải đẩy cố vấn cao cấp của mình ra trước đường tên mũi đạn? Tổng thống Zach Herney đang phải dùng đến trọng pháo, và Sexton thấy đây quả là một dịp may… Càng là đối thủ ở tầm cao thì càng dễ bị ngã đau. Ngài Thượng nghị sĩ hiểu rất rõ rằng Tench là đốỉ thủ quỷ quyệt nhưng khi ngắm người đàn bà này, Sexton không thể không nghĩ rằng ngài Tổng thống đã phạm sai lầm. Marjorie Tench trông thật gớm guốc. Lúc này, bà ta đang ngả lưng trên ghế, miệng phì phèo điếu thuốc, cánh tay phải đang uề oải cầm điếu thuốc đặt lên môi rồi lại lấy ra, trông chẳng khác gì quái vật khổng lồ đang nhấm nháp con bọ ngựa. - Lạy Chúa tôi, Sexton thầm nghĩ, mặt mũi gớm ghiếc thế kia thì chỉ nên đăng đàn diễn thuyết trên đài phát thanh thôi. Đã vài lần Sedgewick Sexton nhìn thấy khuôn mặt nhăn nhúm, vàng ệch của bà cố vấn cấp cao này trên tạp chí, và ông không tài nào tin được rằng đó là diện mạo của người quyền thế nhất Washington. - Tôi không thích thế này chút nào. - Gabrielle thì thào. Sexton chẳng nghe thấy gì. Càng nghĩ, ông càng thấy khoái tình huống này. Thật tình cờ, khuôn mặt không ăn hình của Tench còn đi liền với những lời đồn về một vấn đề vô cùng quan trọng: Marjorie Tench luôn lớn tiếng rằng vai trò lãnh đạo của người Mỹ trong tương lai cần được khẳng định bằng sự vượt trội về khoa học kỹ thuật. Bà ta đã ra sức ủng hộ những chương trình số hoá Chính phủ, đặc biệt là NASA. Nhiều người cho rằng chính vì áp lực phía sau hậu trường của Tench mà Tổng thống mới hậu thuẫn cho cơ quan vũ trụ bí bét ấy. Sexton băn khoăn không hiểu có phải vì những lời khuyên tồi tệ của bà ta về NASA mà Tổng thống đẩy bà ta ra trước công luận hay không. Phải chăng Tổng thống muốn quẳng cố vấn cao cấp của mình vào giữa bầy sói? Gabrielle Ashe trân trối nhìn Marjorie Tench ngồi sau bức tường kính, càng nhìn càng thấy bất an. Người đàn bà này vô cùng thông minh và lại còn nhiều tiểu sảo. Chỉ hai điều ấy thôi cũng đủ khiến cho cô thấy mơ hồ e sợ. Xét đến quan điểm của bà ta về NASA, ngài Tổng thống thật không sáng suốt khi cử Tench đến cuộc khẩu chiến này với Thượng nghị sĩ Sexton. Nhưng Tổng thống không phải tay khờ. Bản năng mách bảo Gabrielle rằng có điều gì đó phải đề phòng. Gabrielle nhận thấy rằng Thượng nghị sĩ hơi quá tự tin, vì thế cô càng lo lắng. Sexton có thói quen trở nên nhiệt tình thái quá mỗi khi cảm thấy tự tin. Vấn đề NASA gần đây đã giúp ông tăng điểm tín nhiệm, nhưng dạo này Sexton đang công kích cơ quan này quá gay gắt. Rất nhiều ứng cử viên đã thất bại vì quá nôn nóng muốn hạ gục đối thủ ngay tức thì. Tay nhân viên đài CNN có vẻ nôn nóng muốn được xem trận quyết đấu: - Ta bắt đầu chứ, Thượng nghị sĩ? Sexton bắt đầu bước vào trường quay thì Gabrielle túm tay áo ông: - Tôi biết ngài đang nghĩ gì. - Cô thì thào. - Ngài hãy thận trọng, đừng để hở sườn nhé. - Hở sườn à? Tôi ấy à? - Sexton cười nhăn nhở. - Thượng nghị sĩ hãy nhớ rằng bà ta làm gì cũng giỏi lắm. Sexton cười mỉm khích lệ: - Tôi cũng thế chứ sao. Chương 21 Ngôi nhà kỳ dị nhiều ngóc ngách này của NASA sẽ là cảnh tượng kỳ lạ nếu nó được dựng lên ở bất kỳ nơi nào trên mặt đất, và sự hiện diện của nó trên băng hà Bắc cực càng khiến cho Rachel Sexton thấy khó hiểu. Nhìn mái vòm rất hiện đại gồm những mảnh hình tam giác dán lại với nhau, Rachel tưởng như đang đi vào viện điều dưỡng khổng lồ. Các bức tường của toà nhà được dựng lên ngay trên nền băng cứng; xung quanh gian phòng là hàng loạt cây đèn halogien hắt lên trần nhà thứ ánh sáng mờ ảo. Những dải trải sàn bằng bọt biển chạy ngang dọc khắp trụ sở nghiên cứu di động của NASA. Giữa những thiết bị điện tử ngồn ngang là khoảng ba, bốn chục nhân viên da trắng của NASA đang hăng say làm việc, sôi nổi bàn bạc, hào hứng trao đổi chuyên môn. Rachel lập tức cảm nhận thấy luồng điện của sự phấn khích tràn ngập căn phòng. Chỉ có thể có trạng thái phấn khích khi người ta có một phát kiến mới. Theo ông Giám đốc đi vòng quanh ngôi nhà, Rachel nhận ra những ánh mắt ngạc nhiên và khó chịu của những người nhận ra cô. Trong ngôi nhà này, tiếng thì thào của họ vang lên rõ mồn một. Có phải con gái của Thượng nghị sĩ Sexton đó sao? Cô ta làm cái quái gì ở đây nhỉ? Không thể tưởng tượng được! Giám đốc lại thèm nói chuyện với cô ta cơ đấy. Nếu thậm chí có nhìn thấy những hình nộm của cha cô treo lủng lẳng để yểm bùa ở đây thì Rachel cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên. Tuy thế, sự thù địch không phải là điều duy nhất cô cảm nhận được ở nơi này; Rachel cảm nhận rõ ràng tâm lí tự mãn - như thế NASA biết chắc chiến thắng chung cuộc sẽ thuộc về họ. Ông Giám đốc dẫn Rachel đến dãy bàn dài, ở đó có người đã một mình điều khiển cả dàn máy tính. Ông ta mặc chiếc áo cao cố bằng nhung kẻ, đi giày cao cổ, khác hẳn bộ đồng phục mà tất cả mọi người ở đây đang mặc. Ông ta đang quay lưng lại phía họ. Giám đốc NASA bảo cô chờ và tiến đến nói chuyện với người đàn ông. Vài giây sau, người mặc áo cao cổ gật đầu đồng ý và tắt máy tính. Ông Giám đốc quay trở lại. Từ bây giờ ông Tolland sẽ dẫn cô đi. - ông ta nói. - Ông ấy cũng là người mà Tổng thống mới tuyển mộ, chắc hai người sẽ hợp nhau. Tôi sẽ quay lại sau. - Cảm ơn ngài. - Tôi đoán là cô đã nghe nói đến Micheal Tolland rồi. Rachel nhún vai, tâm trí vẫn còn đang bận bịu với quang cảnh xung quanh. - Cái tên gọi này không tạo ra ấn tượng gì hết. Người đàn ông mặc áo cao cổ tiến lại, vừa đi vừa cười nhăn nhở. - Không tạo ra ấn tượng gì à? - Giọng ông ta vang và thân thiện. Tôi lại phải nghe tin xấu rồi đây. Có vẻ như tôi không còn khả năng gây ấn tượng mạnh nữa rồi. Ngước mắt lên nhìn người vừa tới cạnh mình, Rachel như chết sững. Cô nhận ra ngay khuôn mặt điển trai của ông ta. Cả nước Mỹ đều nhận ra. - Ồ, - cô nói trong khi bắt tay ông ta - hoá ra ông là ông Micheal Tolland đó. Nghe Tổng thống nói đã mời những nhà khoa học tiếng tăm bậc nhất xác minh lại phát minh của NASA. Rachel đã hình dung ra những ông già nhăn nheo cặm cụi bên máy tính. Micheal Tolland thì hoàn toàn ngược lại. Với tư cách là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, ông chủ biên tạp chí khoa học nổi tiếng phát hành hàng tuần có tên là "Đại dương ký thú" trong đó đề cập đến những hiện tượng rất đáng chú ý trong lòng đại dương - núi lửa ngầm dưới mặt nước, những con sâu biển dài mười foot, những đợt sóng thần chí tử. Giới truyền thông ca tụng Tolland là người cùng đẳng cấp với Lacques Cousteau và Carl Sagan, bởi ông có tầm hiểu biết vô song, nhiệt huyết cháy bỏng, và lòng ham mê các chuyến thám hiểm. Tất cả những cái đó hợp lại đã đưa "Đại dương ký thú" lên vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng. Dĩ nhiên, các nhà bình luận còn đồng ý với nhau rằng cặp mắt trìu mến và cung cách khiêm tốn của ông đã làm say lòng không ít phụ nữ. - Xin chào ông Tolland… - Rachel hơi líu lưỡi. - Tôi là Rachel Sexton. Tolland mỉm một nụ cười tinh nghịch và dễ chịu: - Chào Rachel, hãy gọi tôi là Mike. Rachel thấy mình bối rối một cách rất khác thường. Vô số các thiết bị cảm biến chất đầy bên trong bán sinh quyển, tảng thiên thạch, những bí mật, và rồi còn bất ngờ giáp mặt một ngôi sao truyền hình. - Tôi rất ngạc nhiên được gặp ông ở đây. - Rachel cố gắng lấy lại tự tin. - Khi nghe Tổng thống nói đã mời những chuyên gia hàng đầu đến xác minh phát kiến của NASA, tôi tưởng… Rachel ngập ngừng. - Là những nhà khoa học thứ thiệt chứ gì? - ông ta cười toe toét. Rachel ngượng đỏ mặt: - Tôi không có ý đó. - Đừng bận tâm làm gì. - Tolland nói. - Mấy ngày ở đây tôi đã nghe nói thế nhiều lắm rồi. Ông Giám đốc có việc phải đi, hẹn sẽ gặp lại họ sau. Lúc này Tolland tò mò quay sang hỏi Rachel: - Ngài Giám đốc nói cha cô chính là Thượng nghị sĩ Sexton. Rachel gật đầu. Đáng tiếc là đúng thế. - Một gián điệp của ngài Sexton ở bên kia chiến tuyến đấy? - Chiến tuyến đôi khi lại là những nơi ta không thể ngờ tới đâu. Im lặng gượng gạo. Rachel nhanh nhảu nói: - Xin ông hãy cho tôi biết vì lẽ gì mà một nhà hải dương học lừng danh như ông lại đến làm việc bên những nhà khoa học tên lửa của NASA thế này? Tolland cười khùng khục. - Thật ra thì có một gã trông rất giống ngài Tổng thống đã xin tôi một đặc ân. Tôi đã hé môi định bảo hắn ta: "Quên đi!" - Rồi chả biết thế nào lại nói thành "Vâng, thưa ngài". Rachel cười lớn, lần đầu tiên từ sáng sớm đến giờ. - Chào mừng cô đã đến nhập bọn với chúng tôi. Dù tất cả những người nổi tiếng dường như đều có vóc người bé nhỏ, Rachel thấy ông Tolland khá cao. Cặp mắt của ông ta nhiệt thành và thận trọng đúng như cô vẫn thấy trên tivi, chất giọng của ông ta thật ấm áp và sôi nổi. Ở tuổi 45, ông có vẻ dạn dày và cường tráng, với mái tóc đen, dày và cứng, những chỏm tóc bị gió thổi tung xoà xuống trán. Cái cằm mạnh mẽ và dáng vẻ vô lo của ông toát lên sự tự tin tràn trề. Khi Tolland bắt tay Rachel, đôi bàn tay chai sần của ông nhắc cô nhớ rằng đây không phải típ người ẻo lả vẫn thường trở nên nổi tiếng trên tivi, mà là nhà khoa học thực nghiệm và là một ngư ông hoàn thiện. - Thật ra mà nói thì, - Tolland thú thật, vẻ rất chân chất - tôi cho rằng mình được mời tới đây chủ yếu vì những mối quan hệ với công chúng trên tivi chứ không phải vì tôi là nhà khoa học thực thụ. Tổng thống nhờ tôi đến đây để làm phim tài liệu… - Phim tài liệu về… một tảng thiên thạch à? Ông là nhà hải dương học kia mà. - Tôi cũng đã nói với Tổng thống y như thế đấy! Nhưng ông ấy nói không biết một nhà làm phim nào chuyên các thiên thạch. Ông ấy nói sự tham gia của tôi sẽ mang lại uy tín khoa học cho phát kiến này. Chắc ông ấy có ý định cho chiếu bô phim của tôi ngay trong buổi họp báo quy mô tối nay khi công bố phát kiến này. Một phát ngôn viên nổi tiếng. Rachel cảm nhận được ngay tài thao lược về chính trị của Zach Herney. NASA vốn bị quy kết là nói những điều quá khó hiểu đối với công chúng. Lần này thì khác. Họ đã mời được một nhà truyền thông chuyên về khoa học, một gương mặt mà mọi người Mỹ đều quen thuộc và tin tưởng trong lĩnh vực khoa học. Tolland đưa tay chỉ góc xa của ngôi nhà, nơi người ta đang bố trí thành một trung tâm báo chí. Một tấm thảm xanh đã được trải trên nền băng đá, các camera truyền hình, đèn trường quay, chiếc bàn dài và mấy cái micro. Có người đang treo bức phông nền in hình lá cờ Mỹ. - Chuẩn bị cho tối nay đấy. - ông ta nói. - Giám đốc NASA và một số nhà khoa học chủ chốt sẽ nối cầu truyền hình với Nhà Trắng thông qua vệ tinh để tham gia vào chương trình truyền hình của Tổng thống lúc tám giờ. Hợp lý, Rachel thầm nghĩ, hài lòng khi thấy Tổng thống không định tách hẳn NASA khỏi buổi công bố. Cô thở dài nói: - Không biết ai sẽ nói cho tôi biết tảng thiên thạch đó có gì đặc biệt nào? Tolland nhướn đôi lông mày và cười với Rachel đầy vẻ bí hiểm. - Thật ra điều đặc biệt về tảng thiên thạch này nên được xem, không nên giải thích gì hết. - ông ta ra hiệu bảo Rachel đi sang khu phòng bên cạnh. - Anh chàng đang làm ở đây có vô số mẫu để cô có thể xem được đấy. - Mẫu à? Các vị có mẫu của tảng thiên thạch đó à? Dĩ nhiên. Chúng tôi đã khoan thăm dò. Chính những mẫu đá đầu tiên đã khiến cho NASA hiểu được tầm quan trọng của phát kiến này. Không biết sẽ được thấy điều gì. Rachel theo Tolland sang phòng làm việc kề bên. Có vẻ không có người. Có một li cà phê trên tấm bàn la liệt mẫu đá, com-pa và các dụng cụ khác. Li cà phê bốc hơi nghi ngút. - Marlinson! - Tolland gọi to và tìm xung quanh. Không ai trả lời ông ta thở dài cáu kỉnh và quay lại Rachel - Chắc ông ta đang bận đi tìm kem để cho vào cà phê. Nói thật với cô, ngày xưa tôi đã cùng học khoá sau đại học với gã này; gã có thói quen biến mất trong phòng ngủ của mình. - Này, có huân chương quốc gia về vật lí học thiên thể đây, ra mà nhận nào. Rachel hỏi: - Marlinson? Ông không nhắc đến ông Corky Marlinson nổi tiếng đấy chứ? Tolland cười vang. - Chính ông ta chứ còn ai? Rachel sững sờ: - Corky Marlinson cũng đến đây sao? Những quan điểm của Marlinson về trường hấp dẫn vốn được các kỹ sư của NRO hết lời ca tụng. - Marlinson là một trong những nhà khoa học mà Tổng thống đã mời tới đây sao? - Phải, một trong những nhà khoa học thứ thiệt! Đúng là thứ thiệt, Rachel thầm nghĩ. Corky Marlinson quả là kiệt xuất và được kính trọng. Corky có một đặc điểm hết sức ngược đời. Anh ta có thể tức thời đọc ra chính xác đến từng milimet khoảng cách đến hành tinh Alpha Centauri, nhưng lại không tự thắt được cà vạt. - Tôi đeo nơ cổ đấy chứ! - Giọng nói nghèn nghẹt của Corky - một người tốt tính - vang lên ngay gần họ. - Tiện lợi hơn cà vạt nhiều, Mike. Những ngôi sao Hollywood nhà anh làm sao mà hiểu nổi điều đó! Rachel và Tolland quay sang người đàn ông vừa xuất hiện từ sau một đống to những dụng cụ. Người này thấp lùn, béo tròn quay, trông giống loài chó pug mặt ngắn tũn với đôi mắt long sòng sọc và mái tóc mỏng húi sát đầu. Thấy Tolland đang đứng cùng với Rachell ông ta hơi sững lại. - Lạy Chúa tôi. Mike! Ở tận cực Bắc khỉ ho cò gáy này mà anh vẫn kiếm được những cô gái chân dài. Biết thế này tôi cũng sang làm bên truyền hình cho xong. Micheal Tolland ngượng: - Cô Sexton, đừng chấp tiến sĩ Marlinson. Ông ấy không giỏi xã giao, nhưng bù lại, lại có khối kiến thức đồ sộ vô bờ về vũ trụ đấy. Corky tiến lại gần. - Rất hân hạnh, tôi chưa được biết tên cô. - Rachel, - cô đáp - Rachel Sexton. - Sexton à? - Corky ranh mãnh thở gấp - Hi vọng cô không có quan hệ gì với cái ông Sexton cận thị truỵ lạc đó! Tolland nháy mắt: - Thật ra thì Thượng nghị sĩ Sexton là cha của Rachel đấy, Corky ạ. Corky thôi cười, ngồi thụp xuống ghế. - Cậu biết không, Mike, chả trách tôi chẳng bao giờ gặp may với cánh phụ nữ cả. Chương 22 Nhà thiên thạch học Corky Marlinson được giải Nobel kéo Tolland và Rachel vào phòng làm việc của ông ta và bắt đầu lúi húi bên những mẫu đá và dụng cụ. Ông ta tíu tít đi lại y như cái lò xo bị nén chặt lại sắp sửa bung ra đến nơi. - Xong rồi. - ông ta run run người phấn khích. - Thưa cô Sexton, cô sắp được chứng kiến màn siêu biểu diễn thiên thạch kéo dài ba mươi giây đấy. Tolland nháy mắt ra hiệu bảo Rachel kiên nhẫn đợi. - Đợi ông ta một chút, anh chàng này thực sự muốn được làm diễn viên đấy. - Đúng thế, cũng như Mike thèm khát được trở thành nhà khoa học được kính nể ấy mà. Corky cúi xuống chiếc hộp đựng giầy của ông và lôi ra ba mẫu đá. Cả thảy đều là những vật hình cầu xấu xí to bằng quả bóng gôn, và đều được cưa ngang, lộ ra mặt trong của chúng. - Mọi thiên thạch, - Corky nói. - đều chứa một hàm lượng hợp kim niken - sắt, silicat, và sulfide. Người ta phân loại chúng đựa trên những tỉ lệ sắt trên silicat. Rachel bắt đầu cảm thấy màn biểu diễn thiên thạch của Corky không thể chỉ có ba mươi giây. - Mẫu đá đầu tiên này, - ông ta nói, tay chỉ một hòn đá đen bóng, là loại thiên thạch gốc sắt, rất nặng. Anh chàng nhỏ con này đã rơi xuống Atlanta cách đây mấy năm. Rachel xem xét hòn thiên thạch. Hiển nhiên là trông nó có vẻ khác thường - đó là viên đá hình tròn, vỏ ngoài bị nung thành màu đen. - Lớp ngoài bị cháy đó có tên là vỏ bị nung chảy. - Corky nói. - Đó là kết quả cửa nhiệt độ siêu cao khi tảng thiên thạch rơi vào tầng khí quyển của chúng ta. Thiên thạch nào cũng có vỏ ngoài bị nung cháy như thế cả. - ông ta nhanh nhẹn chuyển sang mẫu đá thứ hai. - Mẫu này người ta gọi là thiên thạch đá-sắt. Rachel xem xét mẫu đá, thấy hòn này cũng có lớp vò bị nung cháy. Tuy nhiên, mẫu đá này có ánh xanh nhạt và lát cắt ngang trông như tác phẩm cắt dán ảnh với những mảnh góc cạnh nhỏ sặc sỡ tương tự kính vạn hoa. - Hay thật. - Cô nhận xét. - Cô nói đùa đấy à? Tuyệt diệu chứ! - Corky nói một hơi về hàm lượng chất olivin cao trong đó đã tạo ra sắc xanh đẹp lộng lẫy của hòn đá, rồi ông ta với tay lấy mẫu đá thứ ba, mẫu cuối cùng, đưa cho Rachel. Rachel cầm mẫu đá trong tay. Hòn này có màu nâu xám, hơi giống đá granit. Có vẻ hơi nặng hơn đá trên mặt đất một chút, chỉ một chút xíu. Dấu hiệu duy nhất cho thấy nó không phải là hòn đá thông thường, ngoài lớp vỏ bị nung cháy là bề mặt có những cấu trúc hình kim. - Mẫu này! - Corky quả quyết nói - được đặt tên là thiên thạch. Đây là loại thiên thạch phố biến nhất. Khoảng hơn 90% thiên thạch trên trái đất thuộc loại này" Rachel ngạc nhiên. Cô vẫn tưởng thiên thạch phải giống với mẫu đá thứ nhất hơn - những vật tròn có kết cấu kim loại kì dị. Mẫu đá trên tay cô trông chẳng có gì khác thường. Không kể lớp vỏ bị cháy, trông nó cũng như hòn đá ai cũng có thể bắt gặp trên bãi biển. Lúc này, mắt của Corky mở to đầy phấn khích. - Tảng thiên thạch bị chôn vùi trong băng hà ở Milne thuộc loại thiên thạch đá - khá giống mẫu cô đang cầm trên tay. Thiên thạch đá gần như giống hệt các loại đá do lửa tạo thành trên trái đất, nên rất khó phát hiện. Thường chúng có kết cấu gồm chất feldspar, olivine và pyroxyne. Không có gì đặc biệt. Mình sẽ nói, Rachel thầm nghĩ, trả lại ông ta mẫu đá. - Hòn này trông như bị cho vào lò nung. Corky phá lên cười. - Lò quái nào cơ chứ? Lò hiện đại và tối tân nhất cho đến thời điểm này cũng không thể đạt được đến nhiệt độ mà một tảng thiên thạch đạt tới khi rơi vào tầng khí quyển của trái đất. Nóng hơn nhiều! Tolland mỉn cười nhìn Rachel đầy hứng khởi: - Phần này mới hay đây. - Tưởng tượng thế này nhé. - Corky nói, cầm lấy mẫu thiên thạch trên tay Rachel. - Chúng ta hãy tưởng tượng chú bé này có kích cỡ bằng ngôi nhà. - ông ta giơ mẫu đá lên cao quá đầu. - Thế này nhé… nó đang ở trong không trung… trôi dạt ngang qua hệ Mặt trời của chúng ta… nó có nhiệt độ ngang bằng với nhiệt độ ở ngoài vũ trụ âm 100 độ C. Tolland đang cười thầm, rõ ràng đã hiểu rằng Corky đang định nhập vai tảng thiên thạch đã rơi xuống đảo Ellesmere. Corky bắt đầu hạ thấp mẫu đá xuống. - Tảng thiên thạch của chúng ta đang chuyển động về phía trái đất… và nó đang đến mỗi lúc một gần hơn, lực hút của trái đất bắt đầu tác động lên nó… Nó tăng tốc… tiếp tục tăng tốc… Rachel quan sát Corky di chuyển mẫu đá theo đường vòng cung, mô phỏng sự tăng dần của lực hấp dẫn. Lúc này nó đang bay rất nhanh. - Corky giảng giải, - Hơn mười dặm một giây. - ba mươi sáu ngàn dặm một giờ! Ở độ cao 135 km so với bề mặt trái đất, nó bắt đầu cọ sát với bầu khí quyển. - Corky lắc mạnh mẫu đá khi hạ nó thấp xuống đến nền băng. - Xuống đến độ cao dưới 100km, nó bắt đầu toả sáng! Lúc này độ đậm đặc của bầu khí quyển đang tăng lên, và mức độ cọ sát cũng tăng lên rất cao! Vùng không khí bao quanh mảng thiên thạch sáng rực lên vì bề mặt của tảng thiên thạch trở nên nóng vô cùng. - Corky bắt đầu bắt chước tiếng lửa cháy sèo sèo. - Nó bay qua độ cao 80 km, và bề mặt của nó nóng đến 800 độ C? Rachel ngỡ ngàng quan sát nhà thiên thạch học danh tiếng lắc mẫu đá mạnh hơn nữa, miệng phun phì phì như đứa trẻ. - 60 km! - Lúc này Corky hét lên. - Anh chàng thiên thạch này đâm đầu vào bầu khí quyển. Không khí quá đậm đặc! Anh ta lập tức giảm tốc độ rất nhanh, nhanh gấp 300 lần lực hấp dẫn! - Corky bắt chước tiếng phanh rít ken két, tay hạ hòn đá xuống thấp và chậm hơn hẳn. - Ngay lập tức, tảng thiên thch nguội đi và không phát sáng nữa. Nó lặng lẽ bay! Bề mặt của tảng thiên thạch lúc trước nớng chảy ra bây giờ đông cứng lại thành một lớp bề mặt cháy đen thô ráp. Rachel nghe tiếng Tolland rên lên khi Corky quỳ hẳn xuống đất để mô phỏng cú tiếp đất của tảng thiên thạch. - Lúc này - Corky nói - tảng thiên thạch của chúng ta đang trượt trong tầng khí quyển thấp… - Tay ông ta đưa hòn đá theo một đường xiên. - Nó đang bay về phía Đại Tây Dương… Rơi… rơi.., cảm tưởng như nó sắp bay qua đại dương này.. rơi…và… - ông ta cho tảng đá chạm mặt băng. - Bùm! Rachel giật mình. Kết quả là đã xảy ra một trận lụt lớn. Tảng thiên thạch nổ tung. Các mảnh vỡ của nó bắn tung toé, bay ra khắp đại dương. Lúc này, điệu bộ của ông ta chậm hẳn lại, vừa rung, lắc vừa chầm chậm di chuyển hòn đá nhỏ trong đại dương tưởng tượng, về phía chân Rachel. - Một mảnh vỡ cứ trôi, trôi mãi về phía đảo Ellesmere… - ông ta di chuyển hòn đá lên ngón chân của Rachel. Nó văng khỏi mặt nước, lên trên bờ… - Corky di chuyển hòn đá qua mũi giầy, gần đến mắt cá chân của Rachel - Và cuối cùng nó nằm im tại sông băng Milne, băng và tuyết nhanh chóng phủ kín hòn đá, bảo vệ nó trước tác động ăn mòn của thời tiết.. - ông ta đứng dậy và mỉm cười. Rachel há hốc miệng. Cô cười đằy thán phục: - Thưa tiến sĩ Marlinson. Ông giải thích thật là… - Dễ hiểu đúng không? - ông ta đưa đẩy. Rachel mỉm cười. - Có thể nói như vậy. Corky đưa cho cô hòn đá: - Hãy quan sát mặt cắt của nó đi. Rachel quan sát một lúc, nhưng chẳng nhìn thấy gì. - Hãy nghiêng nó về phía ánh sáng. - Tolland gợi ý, giọng ấm áp và đôn hậu. - Nhìn gần vào. Rachel đưa hòn đá lên sát tận mắt và nghiêng nó về phía ngọn đèn halogien đang toả sáng trên trần nhà. Và cô thấy những giọt kim loại nhỏ xíu đang ánh lên dưới ánh đèn. Trên mặt cắt có khoảng vài chục giọt trông như thuỷ ngân, mỗi giọt có kích cỡ khoảng một milimét. Những giọt nhỏ xíu đó có tên là chrondrule, Corky nói - và những giọt như vậy chỉ có ở những tảng thiên thạch mà thôi. Rachel nheo mắt quan sát: - Công nhận, tôi chưa thấy hòn đá nào trên trái đất có cấu trúc thế này cả. - Sẽ không bao giờ thấy! - ông ta tuyên bố. - chrondrule là một loại cấu trúc địa lí không hề có mặt trên trái đất. Một số chrondrule có tuổi đời cự kỳ dài - có lẽ đây là kết cấu địa lý được hình thành đầu tiên trong vũ trụ. Những chrondrule khác thì ít tuổi hơn nhiều, ví dụ như hòn đá trong tay cô. Những chrondrule của hòn đá này chỉ có 190 triệu năm thôi. - 190 triệu năm vẫn coi là trẻ ư? - Hoàn toàn đúng. Theo quan niệm của địa lí học, thời điểm đó chỉ như ngày hôm qua mà thôi. Vấn đề quan trọng, là hòn đá này có các chrondrule, bằng chứng thuyết phục chứng tỏ rằng đây là một tảng thiên thạch. - Được rồi! - Rachel nói. - chrondrule là bằng chứng thuyết phục. Tôi hiểu rồi. Cuối cùng, nếu bề mặt cháy xém và các chrondrule vẫn chưa thuyết phục được cô thì các thiên thạch gia chúng tôi còn có các phương pháp khác rất kinh điển để chứng minh nguồn gốc của một tảng thiên thạch. - Đó là…? Corky lơ đễnh nhún vai. - Chúng tôi chỉ dùng những thứ đơn giản như kính hiển vi phân cực thạch học, quang phổ kế tia X, máy phân tích hoạt hoá nơ-trôn, hoặc một quang phổ kế giảm plasma kép để đo tỉ lệ sắt từ. Tolland rên lên. - Ông ta bắt đầu khoe mẽ rồi đấy. Ý ông ta là người ta chỉ cần phân tích thành phần hoá học của nó là xong. - Này anh chàng đại dương học kia, - Corky la rầy ông ta, chuyện khoa học thì để yên cho các nhà khoa học nói chứ. - Rồi ông ta quay ngay về phía Rachel. - Ở một tảng đá thuộc trái đất, tỉ lệ khoáng chất nikel luôn rất cao hoặc rất thấp, không bao giờ ở mức trung bình cả. Ở các thiên thạch thì hàm lượng nikel luôn rơi vào mức trung bình. Dó đó, nếu kết quả phân tích cho thấy hàm lượng nikel ở mức độ trung bình thì có thể đảm bảo hoàn toàn chắc chắn rằng tảng đá ấy có nguồn gốc vũ trụ. Rachel phát cáu: - Thôi được rồi, thưa các nhà khoa học đáng kính, vỏ ngoài cháy xém, các chrondrule, hàm lượng nikel trung bình, tất cả đều chứng minh một tảng đá nào đó là thiên thạch. Tôi hiểu cả rồi. - Cô đặt hòn đá trước mặt Corky. - Nhưng vì sao tôi lại phải đến đây nào? Ông ta thở dài một cách trang trọng. - Cô muốn xem mẫu của tảng đá mà NASA tìm thấy dưới dòng sông băng này hả? - Xem ngay không thì tôi mỏi mòn vì đợi rồi. Lần này Corky thò tay vào túi áo ngực và lôi ra một mảnh đá nhỏ hình tròn dẹt. Mảnh đá này có hình thù giống cái đĩa CD, dày khoảng một inch, có vẻ giống như mẩu thiên thạch mà cô vừa xem. - Đây là mẫu đá chúng tôi vừa khoan lên hôm qua. - ông ta đưa cho Rachel. Vẻ bề ngoài của mẫu đá, đó chẳng có gì đáng gây chấn động cả thế giới cả. Đây là một loại đá khá nặng màu trắng ánh da cam, một phần viền ngoài bị cháy xém, rõ ràng là mẫu đá này được lấy ngay bên ngoài rìa của tảng đá. - Tôi trông thấy bề mặt bị cháy xém. - Cô nói. Corky gật đầu: - Đúng là mảnh đá này được lấy ở ngoài rìa tảng đá, nên vẫn còn nguyên lớp vỏ bị cháy xém. Rachel nghiêng mẫu đá ra trước ánh đèn và nhìn thấy nhưng giọt kim loại tí xíu. - Tôi cũng nhìn thấy các chrondrule. - Tốt rồi. - Giọng Corky đấy phấn khích. - Xin nói thêm là khi đem phân tích thành phần hoá học thì được kết quả hàm lượng nikel đạt mức trung bình - đây không thể là đá của trái đất. Xin chúc mừng, cô đã khẳng định chắc chắn rằng mẫu đá này là của một tảng thiên thạch. Rachel bối rối ngước nhìn lên. - Thưa tiến sĩ Marlinson, đây là một tảng thiên thạch. Chắc chắn là từ trên trời rơi xuống. Tôi có quên mất chi tiết nào không vậy? Corky và Tolland đưa mắt nhìn nhau đầy vẻ đồng loã. Tolland đặt tay lên vai Rachel: - Cô hãy lật mặt kia lên đi. Rachel lật mảnh đá lên, và chỉ sau một giây, cô nhận ra thứ mình đang nhìn thấy. Sự thật tác động đến tâm trí cô cực mạnh. Không thể nào! Rachel thở dốc khi nhìn mẫu đá và đồng thời nhận ra rằng "không thể nào", là một tính từ không hề thích hợp chút nào. Trên mẫu đá có một hình thù hoàn toàn bình thường đối với một mẫu đá của trái đất, nhưng ở một thiên thạch thì khó mà tin nổi. Đây là Rachel lắp bắp, gần như không thốt nên lời. - Đây là một con bọ! Tàng thiên thạch này có một con bọ hoá thạch ở trong! Cả Tolland và Corky đều cười rạng rỡ. - Thế là cô đã hiểu rồi nhé, Corky nói. Xúc động sâu sắc, Rachel gần như nói không ra hơi; dù thế, trong cơn bàng hoàng, cô vẫn nhận ra rằng mẫu hoá thạch này, không còn nghi ngờ gì nữa, đã từng là một sinh vật sống. Mẫu hoá thạch này có chiều dài khoảng ba inch, và nhìn từ dưới bụng trông giống như con bọ cánh cứng hay con bọ gì đó rất lớn. Bảy cặp chân sau của nó co vào trong lớp vỏ bảo vệ gì đó, trên mẫu đá hình đĩa dẹt này, trông nó giống con ta-tu. Rachel choáng váng. - Trong vũ trụ có giống bọ này… - Đây là loài động vật đẳng túc. - Corky nói. - Côn trùng thường chỉ có ba cặp chân chứ không phải là bẩy. Rachel gần như không nghe thấy. Đầu óc cô còn đang chao đảo khi quan sát mẫu đá. Có thể thấy là… - Corky nói - lớp vỏ cứng trên sống lưng trông rất giống của loại côn trùng trên trái đất. Tuy nhiên, phần phụ hai nhánh của nó lại khác với cấu trúc của loài rận. Rachel không đồng tình với ông ta. Không thể tìm cách ghép nó với bất kỳ giống côn trùng thời hiện đại nào. Các mảnh của bức tranh ghép hình giờ đã nằm đúng chỗ của chúng - bí mật của Tổng thống, sự phấn khích của NASA… Có một sinh vật hoá thạch trong tảng thiên thạch này. Không phải chỉ là hạt bụi chứa loài vi sinh vật nào đó, mà là một dạng sự sống tiến hoá cao! Bằng chứng của sự sống tồn tại trên vũ trụ. Chương 23 Tranh luận được 10 phút trên CNN, Thượng nghị sĩ Sexton không hiểu nổi vì sao lúc đầu ông lại lo lắng đến thế. Marjorie Tench không phải là đối thủ đáng gờm như ông tưởng. Dù có tiếng là người sắc sảo, bà ta giống vật tế thần hơn là đối thủ nặng ký. Đúng là ngay đầu buổi tranh luận, bà ta đã công kích theo logic rằng cương lĩnh tranh cử của ông là định kiến với phụ nữ, nhưng rồi khi xiết chặt vòng vây, bà ta lại phạm phải một số sai lầm khá hớ hênh. Khi hỏi ông sẽ lấy tiền đâu đề tăng chi cho giáo dục nếu không tăng thuế, Tench đã bóng gió đề cập đến cái bung xung NASA. Dù Sexton định dành đề tài NASA đến cuối cuộc thảo luận, Marjorie Tench đã đề cập sớm đến đề tài này. Đồ thộn! - Nói đến chuyện NASA - Sexton làm ra vẻ lơ đễnh - chị có bình luận gì về tin đồn là NASA lại mới có thêm một thất bại nữa không? Bà ta không nao núng. - Tôi e rằng chưa bao giờ nghe nói tới tin đồn đó. - Giọng nói khê nồng của bà ta nghe chẳng êm tai chút nào. - Tức là chị không có bình luận gì? - Tôi e là không. Sexton thấy hả hê. Trên bình diện truyền thông. – "không bình luận gì" tức là "lời buộc tội là đúng". Tôi hiểu. - ông nói. - Thế còn về tin đồn là Tổng thống đã bí mật gặp Giám đốc NASA thì sao? - Lần này trông Tench có vẻ ngạc nhiên. - Tôi không hiểu anh nói về cuộc gặp nào. Tổng thống có rất nhiều cuộc gặp. - Dĩ nhiên là thế. - Sexton quyết định sẽ tấn công bà ta trực diện. - Chị Tench này, có phải là chị cũng nhiệt thành ủng hộ cho cơ quan vũ trụ của chúng ta không? Tench thở dài, có vẻ mệt mỏi vì liên tiếp bị ông o ép. - Tôi tin là chúng ta cần phải duy trì thế thượng phong của Hoa Kỳ về khoa học kỹ thuật - bất kể đó là về mặt quân sự, công nghiệp, tình báo, hay viễn thông. Dĩ nhiên phải kể cả NASA. Tôi ủng hộ. Sexton thấy Gabrielle nháy mắt bảo ông hãy lùi một bước, nhưng ông đã ngửi thấy mùi máu rất gần. - Không biết có phải do ảnh hưởng của chị mà Tổng thống nhiệt tình ủng hộ NASA đến như thế không? Bà ta lắc đầu. - Không hề. Tổng thống cũng hoàn toàn tin tưởng vào vai trò quan trọng của NASA ông ấy tự đưa ra quyết định của chính mình. Sexton không dám tin vào tai mình. Ông vừa cho Tench một cơ hội đó gỡ tội cho Tổng thống bằng cách nhận bớt tội nuông chiều NASA về mình. Nhưng không, bà ta đã đổ hết tội cho Tổng thống. Tổng thống tự đưa ra quyết định của chính mình. Có vẻ như Tench đang cố tình nhấn vào sự khác biệt giữa mình với Tổng thống. chẳng có gì quá ngạc nhiên. Rốt cuộc thì, sau khi đâu đã vào đấy. Marjorie Tench cũng cần phải tìm công việc mới cho mình. Tench và Sexton còn tiếp tục tranh luận thêm hồi lâu nữa. Bà ta đã thử thay đổi đề tài, nhưng ông khăng khăng nói về mỗi đề tài ngân sách của NASA mà thôi. - Thưa Thượng nghị sĩ. - bà ta lí luận - ngài định cắt giảm ngân sách của NASA, thế thì rất nhiều chuyên gia sẽ mất việc. Sexton gần như cười thẳng vào mặt bà ta. Thế mà cũng đòi là bộ óc sắc sảo nhất ở Washington! Bà ta cần phải học thêm rất nhiều về nhân khoa học của Hoa Kỳ. Các chuyên gia chỉ là cái mắt muỗi so với biết bao nhiêu người lao động chân tay. Ông chộp ngay cơ hội. - Chúng ta đang nói đến những khoản tiền hàng tỉ đô la, Marjorie ạ, cho nên nếu một vài nhà khoa học rất dễ tìm việc của NASA mất việc thì cứ đề họ tự lái những chiếc xe hơi sang trọng của họ đi kiếm việc ở chỗ khác. Tôi cam kết sẽ rất chặt chẽ trong các khoản chi tiêu. Marjorie lặng ngắt, như thế chưa hết choáng váng sau đòn tấn công này. Người dẫn chương trình CNN nhắc khéo: - Thưa bà Tench, bà thấy thế nào? Cuối cùng thì bà ta cũng hắng giọng và lên tiếng. - Có vẻ như tôi hơi ngạc nhiên thấy Thượng nghị sĩ Sexton sẵn lòng lựa chọn tư thế cương quyết chống lại NASA. Sexton nheo mắt. Đánh đẹp đấy, thưa quý bà. - Tôi không chống lại NASA, tôi không thích bị buộc tội kiểu đó chút nào. Tôi chỉ nóỉ rằng NASA là bằng chứng cho cung cách ném tiền qua cửa sổ của Tổng thống. NASA tuyên bố là họ có thể chế tạo được tên lửa với giá năm tỉ đô la, nhưng thực tế lại ngốn tới mười hai tỉ. Họ nói rằng chỉ cần tám tỉ đô la là đủ đề xây một trạm vũ trụ, nhưng bây giờ chi phí đã lên tới một trăm tỉ rồi. - Hoa Kỳ là quốc gia đi tiên phong,, Tench phản kích, - Vì chúng ta luôn tự đặt ra những mục tiêu rất cao cả và dù gặp khó khăn vẫn không lùi bước. - Tôi chẳng thấy kiểu tự hào dân tộc đó có gì thuyết phục cả, Margie ạ. Trong hai năm qua NASA đã lạm chi những ba lần, để rồi lại cun cút bám đít Tổng thống hòng xin thêm tiền để sửa chữa những sai lầm của chính mình. Thế mà là tự hào dân tộc à? Nếu muốn nói đến tự hào dân tộc thì hãy nhìn các trường học của chúng ta kia kìa. Nhìn hệ thống chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ấy. Hãy bàn cách làm sao để những đứa trẻ thông minh của chúng ta được lớn lên trên một đất nước có nhiều cơ hội cho chúng. Đó mới chính là tự hào dân tộc! Mắt bà ta mở to: - Tôi có thể hỏi ngài một cách thẳng thắn không, thưa Thượng nghị sĩ? Sexton không buồn trả lời, chỉ ngồi im chờ bà ta hỏi. Bà ta hỏi hết sức từ tốn, với vẻ tự tin lạ thường: - Thưa Thượng nghị sĩ, nếu NASA không thể tiếp tục nghiên cứu vũ trụ với ngân quỹ ít hơn mức hiện nay, ngài có ý định giải tán cơ quan này không? Câu hỏi chả hơn gì hòn đá ném xuống ao bèo. Có lẽ Tench chỉ là ả gái già ngu si. Bà ta vừa đưa ra cái bẫy tầm thường - câu hỏi "có-hoặc-không" được chuẩn bị sẵn để buộc người ta phải thể hiện thật rõ lập trường của mình. Theo bản năng, ông né tránh: - Tôi tin chắc rằng nếu được quản lí hiệu quả. NASA có thể cắt giảm chi tiêu mà vẫn tiếp tục hoạt động hiệu quả. - Thượng nghị sĩ Sexton, hãy trả lời câu hỏi của tôi. Thám hiểm vũ trụ là công cuộc mạo hiểm và tốn kém. Chúng ta chỉ có thể chọn hoặc là xốc tới - hoặc là bỏ cuộc. Có quá nhiều rủi ro. Tôi xin hỏi lại: nếu ngài trở thành Tổng thống, và buộc phải đưa ra quyết định hoặc là tiếp tục cấp cho NASA khoản ngân sách kếch xù y như hiện nay, hoặc là giải tán nó đi, ngài sẽ chọn cách nào? Rác rưởi. Sexton ngước mắt nhìn Gabrielle bên kia bức tường kính. Đôi mắt của cô mang thông điệp mà ông đã biết trước. - Ngài đã tuyên bố rõ ràng. Cứ thẳng thắn. Đừng dông dài làm gì. Ông ngẩng cao đầu: - Vâng. Tôi sẽ chuyển thẳng ngân sách của NASA cho các trường học nếu cần. Nếu buộc phải chọn giữa giáo dục và vũ trụ, tôi chọn trường học. Marjorie làm ra vẻ vô cùng ngạc nhiên: - Quả là gây sốc. Tôi có nghe nhầm không đây? Nếu là Tổng thống, ngài sẽ ra tay loại bỏ mọi chương trình nghiên cứu vũ trụ à? Sexton giận sôi lên. Bây giờ thì Tench đã mớm tận miệng ông, ông chưa kịp phản kích thì bà ta đã nói tiếp. - Thưa Thượng nghị sĩ, có đúng là ngài sẽ giải tán chính cơ quan đã đưa con người lên Mặt trăng hay không? - Tôi nói rằng cuộc chạy đua vũ trụ đã kết thúc! Thời thế đã đổi khác rồi. NASA giờ không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của dân Mỹ nữa, nhưng vẫn tiếp tục ngốn những khoản tiền khổng lồ y như ngày xưa! - Thế ngài không nghĩ rằng nghiên cứu vũ trụ sẽ có lợi cho tương lai hay sao? Dĩ nhiên là có chứ, nhưng mà NASA là con khủng long! Để cho các công ty tư nhân làm việc đó. Không nên để những người dân cứ phải dốc hầu bao ra mà đóng thuế mỗi khi NASA muốn chi vài tỉ để chụp một bức ảnh sao Hoả. Người dân Mỹ đã chán ngán cảnh bán rẻ tương lai con em họ để chi trả cho một tổ chức đã từ lâu chẳng làm nên cơm nên cháo gì nhưng lại ngốn những khoản tiền khủng khiếp! Tench thở dài rất kịch: - Không làm nên cơm nên cháo gì? Chỉ trừ chương trình SETI, NASA đã đạt biết bao nhiêu thành quả. Sexton kinh ngạc nghe thấy từ SETI từ chính miệng Tench. Marjorie ngờ nghệch. Cảm ơn đã nhắc tôi khỏi quên. Chương trình tìm kiếm những sinh vật ngoài vũ trụ là cái máy đốt tiền khủng khiếp nhất từ trước đến nay. Dù NASA đã cố tình che đậy điều đó bằng cách đặt cái tên khác cho xuất xứ và sửa đổi một số mục tiêu của chương trình, đây vẫn là ván bài đại bại. - Marjorie, tôi bàn đến SETI chỉ vì chị đã nhắc đến thôi đấy. Thật kỳ lạ, Tench có vẻ rất hào hứng muốn nghe. Sexton hắng giọng: - Hầu hết dân Mỹ không biết rằng suốt 30 năm nay, NASA vẫn đang tìm kiếm những dạng sống thông minh ngoài trái đất. Và đó là cuộc săn lùng vô cùng đắt đỏ - vô số các vệ tinh nhân tạo, biết bao nhiêu máy thu phát vô tuyến khổng lồ, hàng triệu đô la để trả lương cho những nhà khoa học ngồi mọc rễ trong phòng tối để nghe những đoạn băng câm lặng. Đó là sự phí phạm đáng xấu hố. - Thượng nghị sĩ cho rằng không có dạng sống thông minh nào tồn tại trong vũ trụ ư? - Ý tôi là nếu một cơ quan Chính phủ nào khác chi những bốn lăm tỷ đô la ròng rã suốt ba lăm năm mà không thu được bất kỳ thành quả nào, cơ quan ấy hẳn đã bị giải tán từ lâu rồi. - Sexton gượng một lúc để nhận định vừa rồi có thêm trọng lượng. - Ba mươi lăm năm đủ để chúng ta thấy rõ rằng chẳng hề có sự sống bên ngoài trái đất. - Nhỡ ngài sai thì sao? Sexton mở mắt trừng trừng. - Ồ lạy Chúa, thưa chị Tench, nếu sai thì tôi sẽ ăn cái mũ của mình. Cách đó sáu dặm, trong phòng bầu dục, Tổng thống Zach Herney tắt ti vi và tự rót cho mình một ly. Đúng như Marjorie Tench đã hứa, Thượng nghị sĩ Sexton đã cắn câu - cả lưỡi câu, dây câu lẫn chì lưới. Chương 24 Micheal Tolland cười rạng rỡ trong khi Rachel Sexton chết sững nhìn mảnh thiên thạch có hoá thạch đang cầm trên tay. Với vẻ đẹp vô cùng tao nhã, cô gái này là biểu tượng của trạng thái phân vân rất đỗi ngây thơ - một em bé gái lần đầu tiên trong đời nhìn thấy ông già tuyết. "Tôi hiểu rất rõ cô đang cảm thấy gì", Tolland thầm nghĩ… Chỉ mới cách đây hai hôm. Tolland cũng đã cảm thấy y hệt như vậy. Cả ông ta cũng đã chết điếng vì kinh ngạc. Đến tận lúc này, ý nghĩa khoa học và triết học của phát hiện này vẫn còn khiến ông thấy choáng váng, khiến ông phải suy nghĩ lại về tất cả những gì trước đây mình vẫn tin tưởng. Tolland đã từng phát hiện ra một số sinh vật biển chưa ai từng thấy, nhưng phát kiến này mới thực sự là bước đột phá. Dù Hollywood vẫn có xu hướng sáng tạo ra hình tượng những người ngoài hành tinh xanh lè, các nhà sinh vật học vũ trụ và những người ham mê khoa học vẫn luôn đồng ý với nhau rằng nếu có được phát hiện, dạng sống bên ngoài trái đất sẽ có ngoại hình của loài bọ. Côn trùng là một bộ phận của những loài thuộc hệ chân khớp với lớp vỏ ngoài cứng và chân có đốt. Với 1.25 triệu loài đã được biết và khoảng năm trăm loài còn chưa được phát hiện, bọ vượt xa về số lượng so với tất cả các dạng sống khác trên trái đất cộng lại. Chúng chiếm 45% tổng số sinh vật trên hành tinh, và 40% tổng số sinh-thực vật. Nhưng số lượng của các loài bọ không khiến người ta kinh ngạc bằng sự dẻo dai của chúng. Từ những con bọ cánh cứng Bắc cực cho đến loài bọ cạp mặt trời ở thung lũng chết, các loài bọ ung dung sinh sống ở những nhiệt độ, mức độ khô hạn, và cả áp suất chết người. Chúng cũng chịu được sự tiếp xúc với thứ đáng sợ nhất ngày nay: bức xạ. Khi lần theo dấu vết vụ thử hạt nhân từ năm 1945, các chuyên viên hàng không đã phải mặc quần áo chống xạ để tiến vào khu vực số không, để rồi nhìn thấy dán và kiến sống rất ung dung ở đó cứ như thế chưa từng có gì xảy ra. Các nhà thiên văn học nhận ra rằng lớp vỏ cứng bảo vệ bên ngoài các loài động vật chân đốt đã ban tặng cho chúng khả năng thích nghi tuyệt vời ở những hành tinh nhiễm xạ nặng, nơi không một loài sinh vật nào khác có thể tồn tại nổi. Có vẻ như các nhà sinh vật học vũ trụ đã đúng, Tolland thầm nghĩ. Sự sống thông minh bên ngoài vũ trụ mang dáng dấp của loài bọ. Rachel cảm tưởng như không thể đứng vững. - Tôi không… tôi không thể tin nổi điều này. - Cô nói, lật đi lật lại mẫu hoá thạch trên tay. - Tôi không thể nào tưởng tượng… - Phải có thời gian mới trấn tĩnh được. - Tolland nhăn nhở nói. - Phải mất đúng hai mươi tư giờ tôi mới đứng vững lại được đấy. - Tôi thấy là mới có thêm một người nữa, - một người châu Á cao kều nói, giọng bèn bẹt. Ngay khi ông này xuất hiện, cả Tolland và Corky dường như đều bị cụt hứng. Rõ ràng là giây phút thần diệu đã tan biễn mất rồi. - Tiến sĩ Wailee Ming. - ông ta tự giới thiệu. - Giám đốc Viện cổ sinh học ở UCLA. Người đàn ông này có điệu bộ bảnh choẹ cứng ngắc của nhà quý tộc thời Phục hưng, liên tục đưa tay lên vuốt vuốt chiếc nơ cài trên cổ cái áo lông lạc đà dài đến gối. Wailee Ming rõ ràng thuộc kiểu người không bao giờ chịu để bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào làm hỏng mất vẻ bề ngoài trang trọng của mình. - Tôi là Rachel Sexton. - Cô vẫn còn chưa hết run rấy khi bắt tay tiến sĩ Ming. Hiển nhiên ông ta cũng là người mà Tổng thống đã mời tới. - Tôỉ rất lấy làm vinh hạnh, - ông ta nói - được giảng giải bất kỳ điều gì, cô muốn biết có liên quan đến những động vật hoá thạch này. - Và tất cả những gì cô không muốn biết nữa đấy. - Corky làu bàu. Ông Ming lại tiếp tục vuốt ve chiếc nơ gài áo: - Chuyên môn sâu của tôi trong ngành cổ sinh học là các động vật chân đốt đã tuyệt chủng. Dĩ nhiên, đặc điểm nổi bật nhất của loài này là… - Là chúng phát sinh từ trên một hành tinh chết tiệt nào đó! - Corky ngắt lời. Ming nhăn mặt và hắng giọng. - Đặc điểm quan trọng nhất của loài này là nó hoàn toàn khớp với những nguyên tắc phân loại của Darwin. Rachel ngước nhìn lên. Họ còn có thể phân loại con bọ này sao? - Ý ông là các giới, bộ và loài chứ gì? - Chính xác. - ông ta nói. - Nếu được tìm thấy trên trái đất, loài này sẽ được xếp vào nhóm động vật đẳng túc cổ và được xếp vào một họ gồm có hai ngàn loài chấy rận. - Chấy rận à? - Cô hỏi. - Nhưng to thế này cơ mà. - Khi phân loại, người ta không quan tâm đến kích thước. Mèo nhà và hổ có họ với nhau. Con bọ hoá thạch này cũng có thân mình dạng dẹt, bảy đôi chân, và một cái túi sinh sản giống hệt của loài một gỗ, bọ tròn, bọ chét bờ biển, và bọ tuyết. Các mãu hoá thạch khác còn cho thấy những đặc điểm.. - Những mẫu hoá thạch khác? Ming liếc sang Corky và Tolland: - Cô ấy không biết à? Tolland lắc đầu. Ngay lập tức khuôn mặt ông Ming sáng bừng lên: - Cô Sexton ạ cô chưa được nghe kể phần hay nhất của câu chuyện đâu. - Còn có nhiều mẫu hoá thạch khác nữa. - Corky nói chen vào, cố góp phần quan trọng về mình, - Nhiều lắm. - ông ta hối hả mở một phong bì lớn và lấy ra tờ giấy khổ lớn. Rồi ông trải tờ giấy lên bà,. trước mặt Rachel - Sau khi khoan vài mũi, chúng tôi đã thả xuống đó một camera X quang. Đây là anh chụp X quang tảng đá đó. Rachel nhìn tấm ảnh X quang trước mắt, và phải ngồi thụp xuống ghế. Bức ảnh ba chiều cho thấy trong tảng đá ấy còn có khoảng vài chục sinh vật hoá thạch nữa. - Những chứng tích của thời kỳ đồ đá cũ, - ông Ming nói, thường được tìm thấy rất tập trung. Trong đa số các trường hợp, bùn kẹp chặt cả một cộng đồng sinh vật. Corky cười toe toét: - Chúng tôi cho rằng tảng đá này là hoá thạch của cả một ổ. - Ông ta đưa tay chỉ một con bọ - Đây chắc là con mẹ. Rachel nhìn con bọ mà ông ta chỉ, và há hốc miệng. Con bọ đó phải dài đến hai foot. Chấy rận khổng lồ đúrng không nào? - ông ta hỏi. Rachel sững sờ gật gật khi cô hình dung con rận to bằng lát bánh mì lượn vè vè trên hành tình xa xôi nào đó. - Trên hành tinh chúng ta, - ông Ming nói, - Các loài bọ có kích thước nhỏ bé do tác động của trọnh lực, chúng không thể phát triển to hơn lớp vỏ cứng bên ngoài được. Tuy nhiên, trên một hành tinh có trọng lực yếu hơn, chúng có thể phát triển những kích thước to lớn hơn nhiều. - Hãy tưởng tượng chúng ta phải đập những con muỗi to bằng con kền kền. - Corky bông đùa, cầm lấy mẫu đá trên tay Rachel và bỏ tõm vào túi áo. Ông Ming quắc mắt: - Ông không được phép lấy trộm thứ đó! - Ông bình tĩnh, khi nào đưa được tảng đá lên thì có những tám tấn cơ mà. Thói quen phân tích của Rachel bắt đầu quay trở lại. - Nhưng làm sao mà sinh vật vũ trụ lại giống trên trái đất đến thế? Ý tôi là làm sao, mà loài vật này lại trùng khớp với cách phân loài theo quan điểm của Darwin? - Hay lắm, - Corky nói, - cô có tin hay không thì tuỳ, nhưng các nhà thiên văn học đều dự đoán là sinh vật trong vũ trụ sẽ giống trên trái đất này. - Tại sao lại thế? - Cô hỏi. - Sinh vật này xuất xứ từ môi trường hoàn toàn xa lạ cơ mà. - Thuyết đa sinh. - Corky cười hết cỡ. - Ông nói cái gì cơ? - Thuyết đa sinh nói rằng sự sống trên trái đất xuất xứ từ một hành tinh khác. Rachel đứng dậy. - Ông đang phung phí thời gian đấy. Corky quay sang Tolland: - Mike này, cậu chuyên về các biển nguyên thuỷ đấy. Tolland có vẻ sung sướng được góp chuyện. - Trước đây đã có thời trái đất không hề có sự sống, Rachel ạ. Thế rồi chỉ qua một đêm, các dạng sự sống phát triển ào ạt. Nhiều nhà sinh vật học cho rằng sự sống là kết quả của quá trình kết hợp kỳ diệu giữa một số yếu tố trong lòng biển nguyên thuỷ. Nhưng người ta chưa bao giờ tái tạo được giả thuyết đó trong phòng thí nghiệm, nên các nhà thần học đã chớp lấy cơ hội đó để khẳng định vai trò của Chúa, rằng không có sự sống nếu Chúa không thối sự sống vào biển nguyên thuỷ. - Nhưng chúng ta nghiên cứu thiên văn học, - Corky tuyên bố, và đi đến kết luận về một cách giải thích khác hẳn cho sự phát triển có tính bùng nổ của sự sống trên trái đất. - Thuyết đa sinh. - Rachel nhắc lại, lúc này cô đã hiểu họ đang nói về cái gì. Trước đây cô đã từng nghe nói về nội dung của thuyết này nhưng không biết tên của nó. - Thuyết cho rằng một tảng thiên thạch đã rơi xuống biển nguyên thuỷ, mang những mầm vi khuẩn xuống trái đất. - Bing gô! - Corky nói. - Rồi chúng kết hợp với nhau và tạo ra sự sống. - Và nếu thuyết đó đúng, - Rachel nói, - thì tổ tiên của sự sống trên trái đất và ngoài vũ trụ là một. - Bing gô đúp! Thuyết đa sinh, Rachel thầm nghĩ, không lột tả hết được ý nghĩa của nó. - Nghĩa là mẫu hoá thạch này không chỉ cho thấy có sự sống bên ngoài trái đất, mà nó còn chứng minh rằng thuyết đa sinh là đúng… Là sự sống bắt nguồn từ vũ trụ. - Bing gô! - Corky hồ hởi gật đầu. - Về mặt kỹ thuật thì tất cả chúng ta đều là người ngoài hành tinh!. Ông ta đặt hai tay lên trán giả làm ăng ten, mắt nheo lại, lưỡi tắc tắc y như giôdng côn trùng. Tolland nhìn Rachel cười đầy hàm ý: - Và anh chàng này là sinh vật tiến hoá cao nhất đấy. Chương 25 Bước đi trong bán sinh quyển với Michael Tolland, Rachel Sexton cảm tưởng như có lớp sương mù hư ảo đang bao vây lấy mình. Corky và Ming đi sát đằng sau cô. - Cô không sao chứ? Tolland nhìn cô và hỏi. Rachel ngước lên nhìn ông ta, nở nụ cười yếu ớt. - Cảm ơn ông. Chắc chỉ vì có quá nhiều sự kiện. Cô nhớ lại một phát kiến của NASA vào năm 1996 – ALH 84001 - một thiên thạch từ sao Thuỷ mà NASA tuyên bố rằng có chứa các vi khuẩn hoá thạch. Buồn thay, chỉ vài tuần sau buổi họp báo ầm ĩ của NASA, một số nhà khoa học dân sự lên tiếng chứng minh rằng dấu vết của sự sống thực ra chỉ là cặn bã của dầu lửa tạo ra bởi sự ô nhiễm trên trái đất. Sai lầm đó đã khiến uy tín của NASA bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tờ New York Time đã nhân cơ hội này châm biếm NASA và đặt cho nó cái tên mới: NASA - không phải lúc nào cũng chuẩn xác (NASA - NOT ALWAYS SCIENATFICALLY ACCURATE). Cũng trong cùng số báo ấy, nhà cổ sinh học Steephn Jay Gould đã đúc kết lại toàn bộ vấn đề của phát kiến mang ký hiệu ALH84001 bằng cách chỉ ra rằng bằng chứng trên hòn đá chỉ là những hoá chất đã được dùng để suy diễn thái quá, chẳng phải là xương hay vỏ ngoài của sinh vật xa lạ nào hết. Tuy nhiên, lần này NASA đã tìm ra những chứng cứ không thể chối cãi. Không một nhà khoa học đa nghi nào có thể lên tiếng để chất vấn những mẫu hoá thạch này. NASA lần này không trưng ra bức ảnh lờ mờ về hình dạng được cho là của một con vi khuẩn nữa họ đưa ra hẳn những mẫu đá mà trên đó người ta có thể dùng mắt thường quan sát những cấu trúc sinh học hiện lồ lộ trước mắt. Con chấy dài bằng bàn chân! Rachel bật cười nhớ lại mình đã từng say mê bài hát Những con nhện sao Thuỷ của ca sĩ David Bowie đến mức nào. Chắc không từ ngữ nào có thể lột tả được niềm vui sướng vô bờ của chàng ca sĩ đồng tính người Anh đó khi anh ta được biết đến phát kiến này. Trong khi lời và giai điệu của bài hát vẫn đang văng vẳng trong tâm trí Rachel thì Corky vượt lên đi bên cạnh cô. - Mike đã khoe với cô về bộ phim tài liệu chưa? - Chưa, - cô đáp, - nhưng tôi rất muốn được nghe. Ông ta vỗ lưng Tolland: - Kể đi. anh bạn. Hãy cho cô ấy biết vì sao Tổng thống Hoa Kỳ lại quyết định mời một chuyên gia bơi bằng ống thở làm bộ phửn tài liệu về thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử khoa học tự nhiên đi. Tolland hét lên: - Thôi đi Corky, tôi xin anh đấy. - Thôi được để tôi nói vậy. - Corky nói và len vào giữa hai người. - Có thể cô đã biết rằng tối nay Tổng thống sẽ tổ chức cuộc họp báo để công bố cho cả thế giới biết sự kiện trọng đại này. Và bởi vì phân nửa dân số thế giới chỉ là những kẻ thông minh nửa vời nên ông ấy đã yêu cầu Mike diễn giải câu chuyện này một cách đơn giản cho phù hợp với họ. - Cảm ơn anh. Corky. Hay ho lắm. - Ông ta nói rồi quay sang nhìn Rachel - ý anh ấy là có quá nhiều dữ liệu khoa học khô khan thuần tuý cho nên Tổng thống tin, là một bộ phim tài liệu với những hình ảnh phong phú sẽ khiến cho đại đa số người Mỹ thấy dễ hiểu hơn, vì không phải ai cũng có bằng thạc sĩ và tiến sĩ về vật lý học. - Cô biết không - Corky nói với Rachel. - Tôi còn nghe kể rằng Tổng thống Hoa Kỳ là fan hâm mộ ruột của Đại dương kỳ thú nữa kia. - Ông ta vừa nói vừa giả vờ lúc lắc cái đầu ra vẻ kinh ngạc - Zach Herney - kẻ thống trị cả thế giới - vẫn thường yêu cầu thư ký ghi lại các chương trình của Mike để xem cho thư gĩan sau những ngày làm việc căng thẳng cơ đấy. Tolland nhún vai: - Phải nói ông ta là người có gu đấy. Lúc này Rachel càng thấy rõ kế hoạch của Tổng thống tỉ mỉ và tài tình đến mức nâo. Chính trị là một trò chơi trên các phương tiện truyền thông. Rachel có thể tưởng tượng trước cử tri cả nước sẽ thấy hào hứng đến thế nào khi khuôn mặt đáng tin cậy như Michael Tolland xuất hiện trong buổi họp báo. Zach Herney đã chọn đúng người cần chọn để quảng cáo cho phát kiến phi thường của NASA Những kẻ hoài nghi sẽ chẳng có cơ hội lên tiếng chỉ trích những dữ liệu của Tổng thống một khi chúng đã được đích thân các nhà khoa học tiếng tăm xác thực. Corky nói tiếp: - Để hoàn thành bộ phim tài liệu này, Mike đã phỏng vấn tất cả các nhà khoa học dân sự cũng như các chuyên viên của NASA. Tôi xin thề có huân chương danh dự của tôi rằng cô sẽ là nhân vật tiếp theo được phỏng vấn đấy. Rachel quay sang ông ta: - Tôi á? Ông đang nói cái gì vậy? Tôi làm gì có chút kiến thức chuyên môn nào! Tôi chỉ là chuyên viên tổng hợp tin thôi mà. - Thế tại sao Tổng thống lại yêu cầu cô đến đây? - Ông ta vẫn chưa nói cho tôi biết lý do. Corky thoáng cười: - Cô là chuyên viên sẽ tổng hợp và xác minh tin này cho Nhà Trắng đúng không nào? - Đúng, nhưng không phải trên phương diện khoa học. - Và cô còn là con gái của chính người đang xây dựng cương lĩnh tranh cử dựa trên vấn đề chi tiêu của NASA, đúng không? Rachel bắt đầu hiểu ra vấn đề. - Thưa cô Sexton, phải thừa nhận rằng những lời do chính cô nói ra sẽ làm cho bộ phim tài liệu có thêm sức thuyết phục. Nếu Tổng thống đã mời cô đến đây thì chắc chắn ông ấy sẽ yêu cầu cô tham gia đấy. Rachel một lần nữa nhớ đến lời phỏng đoán của William Pickering rằng cô sẽ bị lợi dụng. Tolland nhìn đồng hồ đeo tay: - Chúng ta đi thôi, chắc sắp kéo được lên rồi đấy. - Kéo được lên cái gì cơ? - Rachel hỏi. - NASA đang cho kéo tảng thiên thạch đó lên. Chắc sắp lên đến mặt đất rồi. - Các ông cho kéo lên tảng đá nặng tám tấn đang bị chôn sâu dưới 200 foot băng đá ư? Corky trông đầy hào hứng: - Chẳng lẽ cô tưởng NASA định bỏ tàng đá hi hữu này nằm im ở chỗ mà họ đã phát hiện ra nó ư? - Không, nhưng… - Không có dấu hiệu nào cho thấy người ta đang tổ chức trục vớt tảng đá đó lên hết. - Thế NASA định kéo nó lên bằng cách nào? Ông ta liền đáp: - Chuyện nhỏ! Cô nên nhớ rằng quanh đây có vô số nhà khoa học chuyên về tên lửa đấy. - Bậy nào! - Ming mắng ông ta và quay sang nói với Rachel - Bác sĩ Marlinson rất thích trêu chọc mọi người. Sự thật là mọi người đã phải bàn cãi về chuyện làm thế nào để đưa được tảng đá đó lên. Và tiến sĩ Mangor đã đưa ra một biện pháp rất khả thi. - Tôi chưa được gặp tiến sĩ Mangor. - Nhà băng hà học tại Trường Đại học New Hampshire đấy. Tolland nói tiếp. - Đó là nhà khoa học dân sự thứ tư và là người bên ngoài cuối cùng được Tổng thống mời đến. Và ông Ming nói đúng đấy chính Mangor đã có phương pháp khả thi. - Thế à? - Rachel nói. Thế anh chàng đó đã đưa ra phương pháp gì vậy. - Anh chàng à? - Ông Ming cười thoảng - tiến sĩ Mangor là một phụ nữ đấy. - Cái đó còn phải bàn thêm đã. - Corky làu bàu và quay sang Rachel - Tiện thể xin báo trước là tiến sĩ Mangor sẽ ghét cô cho mà xem. Tolland nhìn Corky đầy bực bội. - Này, tôi đảm bảo thế đấy!. Ông ta vẫn khăng khăng. - Cô ta đâu có thích phải cạnh tranh. Rachel chẳng hiểu tí gì: - Tôi không hiểu, cạnh tranh gì cơ? Tolland bảo cô: - Cô đừng để ý làm gì cho mệt. Đáng tiếc là Hội đồng Khoa học Quốc gia quên không thẩm định một sự thật rằng Corky vẫn còn là một đứa trẻ vị thành niên. Cô và tiến sĩ Mangor sẽ hợp nhau ngay thôi. Cô ấy là người rất giỏi việc và được tôn vinh là một trong những chuyên gia băng hà học hàng đầu thế giới. Cách đây mấy năm, cô ấy còn đến tận Nam Cực để nghiên cứu sự trôi dạt của băng hà nữa cơ. - Lạ thật. - Corky nói, - tôi nghe nói bên Đại học New Hampshire đã đóng tiền để cử cô ta xuống đó để họ được yên ổn một thời gian đấy chứ. - Lại còn thế này nữa chứ, - tiến sĩ Ming nghiêm trang nói - tiến sĩ Mangor còn suýt nữa mất mạng ở đó nữa đấy! Cô ấy gặp bão, bị lạc và phải sống bằng mỡ cá voi những năm tuần liền rồi mới được tìm thấy. Corky thì thầm vào tai Rachel: - Nghe nói chẳng ai chịu đi tìm cô ta cả. Chương 26 Ngồi chung xe với ngài Thượng nghị sĩ, Gabrielle Ashe cảm tưởng con đường từ đài CNN trở về dài hơn hẳn lệ thường. Trên cùng hàng ghế với cô. Thượng nghị sĩ đang nhìn ra ngoài đường, rõ ràng rất hả hê về cuộc tranh luận vừa rồỉ. - Họ lại phái Tench đi tranh luận trên truyền hình chiều nay nữa. - Ông ta nở một nụ cười rất điển trai nhìn Gabrielle - Nhà Trắng sợ thật rồi. Gabrielle gật đầu, nhưng bụng không đồng tình. Khi Marjorie lên xe, cô thoáng nhìn thấy vẻ mặt thoả mãn của bà ta. Vẻ mặt ấy khiến Gabrielle lo lắng. Điện thoạỉ cầm tay của ngài Thượng nghị sĩ đổ chuông, ông vội lục túi. Giống như những chính trị gia khác, Sexton có vài số điện thoại khác nhau, tuỳ tầm quan trọng của đối tác mà ông chọn số để cho họ. Người đang gọi lúc này được xếp vào loại quan trọng bậc nhất; vì được ông cho số cá nhân, số mà đến cả Gabrielle cũng còn ngần ngại mỗi khi phải gọi. - Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton xin nghe. - Giọng ông du dương. Vì trong xe khá ầm ĩ nên Gabrielle không thể nghe thấy tiếng của người gọi, nhưng ngài Thượng nghị sĩ thì nghe rất chăm chú và hồ hởi trả lời. - Tuyệt lắm. Tôi rất hài lòng nhận được điện của anh. 6 giờ có được không? Tuyệt. Tôi có một căn hộ ở ngay thủ đô Washington. Kín đáo. Tiện nghi. Anh có địa chỉ rồi đúng không? - Thế thì hẹn gặp tối nay. Sexton tắt máy, đầy vẻ mãn nguyện. - Một fan hâm mộ mới của Thượng nghị sĩ à? - Gabrielle hỏi. - Số lượng fan đang tăng theo cấp số nhân. - Ông trả lời. - Đây là một gã rất nặng ký. - Hẳn rồi. Gặp ngài tại nhà riêng? Sexton vẫn thường bảo vệ sự riêng tư của mình chẳng khác nào một con sư tử bảo vệ nơi trú ẩn duy nhất của nó. Ông nhún vai: - Ừ. Tôi muốn tạo mối quan hệ thân tình. Một khoảng thời gian riêng tư sẽ rất có lợi. Thỉnh thoảng cũng rất cần những mối quan hệ cá nhân kiểu này, cô biết không. Để tạo dựng niềm tin ấy mà. Gabrielle gật đầu, lôi lịch trình làm việc của Thượng nghị sĩ ra xem. - Có xếp ông ta vào lịch làm việc không ạ? - Khỏi cần, đằng nào tối nay tôi cũng định chỉ ở nhà thôi. Gabrielle tìm thấy trang lịch ngày hôm nay và Thượng nghị sĩ đã viết tay hai chữ P.E. vào ô buổi tối, có thể là chữ viết tắt của việc riêng – "buổi tối riêng tư", hoặc "mặc xác thiên hạ" - không ai biết chắc từ chính xác trong đầu ông là gì. Thỉnh thoảng Thượng nghị sĩ vẫn dành cho mình một buổi tối P.E. - trong căn hộ riêng ấy tắt bỏ điện thoại và tận hưởng thú vui riêng của mình - nhấm nháp rượu Brandy cùng vài người bạn cũ và gạt hẳn chính trị ra khỏi đầu. Gabrielle nhìn ông ngạc nhiên: - Thế là Thượng nghị sĩ để cho công việc xen vào những buổi tối đặc biệt được đánh dấu P.E. - ấn tượng thật. Một hôm tôi đã tình cờ gặp gã này trong lúc rảnh rỗi. Và chúng tôi đã chuyện trò một lúc. Có vẻ rất hợp nhau. Gabrielle rất muốn hỏi xem người bí ẩn vừa gọi là ai, nhưng Thượng nghị sĩ tỏ ra không muốn tiết lộ. Cô đã học được thói quen không tọc mạch khi không phải lúc. Chiếc xe rẽ ra khỏi đường vành đai và hướng về phía văn phòng của Sexton. Gabrielle liếc nhìn tờ thời gian biểu lần nữa và chợt linh cảm rằng Thượng nghị sĩ đã biết trước sẽ có cuộc gọi này. Chương 27 Một giàn giáo ba chân cao khoảng 18 foot làm bằng vật liệu composit được dựng lên trên nền băng, bên trong bán sinh quyển, trông nửa giống tháp Effel, nửa giống giàn khoan dầu. Rachel quan sát và không thể tưởng tượng nổi làm thế nào mà giàn giáo này có thể kéo được tảng đá lên. Bên dưới giàn giáo, mấy chiếc tời đã được vít vào những đĩa thép gắn chặt vào nền băng bằng bu lông. Những sợi dây cáp lớn được lồng vào chiếc tời và một loạt ròng rọc phía trên cao. Từ những chiếc ròng rọc ấy, các sợi cáp buông thẳng xuống những lỗ khoan trên băng dưới chân giàn giáo. Mấy nhân viên lực lưỡng của NASA lần lượt kéo căng sợi dây cáp. Mỗi lần kéo, sợi dây lại nhích lên vài inch, chẳng khác gì những thuỷ thủ đang kéo dây neo. Chắc chắn mình đang bỏ sót một chi tiết nào đó rất quan trọng, Rachel thầm nghĩ khi cùng mọi người đến gần giàn giáo. Có vẻ như những anh chàng này đang kéo tảng đá lên xuyên qua băng. - Mẹ kiếp, đều tay vào! - Một giọng nữ thé thé cất lên. Rachel ngước mắt lên và thấy một phụ nữ mặc bộ quần áo ấm màu vàng dính đầy dầu mỡ. Dù chị ta đang quay lưng vê phía mình, Rachel đoán ra ngay đây là người đang chỉ đạo toàn bộ nhóm người này. Vừa ghi ghi chép chép, chị ta vừa oai vệ đi tới đi lui y như một huấn luyện viên đang cơn thịnh nộ. - Đồ đàn bà các anh chỉ được cái suốt ngày kêu mệt! Corky gọi lớn: - Norah ơi, đừng bắt nạt mấy anh chàng tội nghiệp đó nữa, ra đây vui vẻ với anh nào! Chị ta không thèm quay lại: - Lại Marlinson hả? Nghe giọng nói eo éo là nhận ra ngay! Về ăn no cho lớn đã rồi quay lại đây nói chuyện với chị nhé! Corky quay sang nói với Rachel: - Đấy, cô ta là thế đấy. - Tôi nghe thấy đấy nhá, anh chàng thiên văn học kia. - Tiến sĩ Mangor đốp lại, vẫn không ngừng ghi ghi chép chép - Nếu anh định sờ đít tôi thì nhớ là riêng cái quần đã nặng 30 pound rồi đấy. - Đừng nghĩ thế - Corky cũng nói lớn - anh không say mê cặp mông của em đâu, anh yêu tính đanh đá cá cầy của em cơ! - Thế à? Corky cười lớn: - Này Norah, tin buồn đây, em không phải là phụ nữ duy nhất được Tổng thống mời đến đây đâu. - Dĩ nhiên. Tổng thống mời cả anh nữa còn gì. Tolland giờ mới lên tiếng: - Norah, xuống đây một chút, anh giới thiệu với em một người nào. Nghe thấy giọng Tolland, Norah lập tức dừng tay và quay lại. Dáng vẻ đanh đá của chị ta cũng biến mất ngay tức khắc. - Mike! Mấy tiếng rồi em chưa nhìn thấy anh đấy! - Mặt cô ta sáng bừng lên. - Anh phải chỉnh sửa bộ phim. - Đoạn phỏng vấn em thế nào? - Trông em rất xinh đẹp. - Nhờ có các kỹ xảo đặc biệt đấy. - Corky nói chêm vào. Khuôn mặt nhăn nheo của Tolland hơi ửng đỏ lên khi ông ta giới thiệu: - Norah, anh xin giới thiệu với em: Rachel Sexton. Cô Sexton làm bên tình báo và đến đây theo lời mời của Tổng thống. Cha cô ấy chính là Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton. Lời giới thiệu làm Norah có vẻ hơi bất ngờ. - Tôi không có ý định giả vờ hiểu tất cả những gì ông ấy vừa nói đâu nhé. - Chị ta không buồn cởi găng tay ra khi chìa ra bắt tay Rachel một cách khá hờ hững. - Chào mừng cô đến nơi tận cùng của trái đất. Rachel mỉm cười. Cô ngạc nhiên thấy Norah Mangor có vẻ mặt khôn ngoan và đáng yêu, dù điệu bộ có hơi đanh đá. Mái tóc xám của chị ta được cắt ngắn trông khá sinh động, và hai con mắt thì rất sắc sảo và tinh tường - hai viên pha lê trong suốt. Rachel thích vẻ tự tin của người phụ nữ này. - Norah, - Tolland bảo chị ta - Em có thể bớt chút thì giờ để giải thích cho Rachel hiểu công việc em đang làm không? Norah nhướng lông mày: - Đã có hai ông anh đây làm việc đó rồi còn gì nữa? Anh ơi là anh! Corky rên lên: - Thấy chưa Mike? Tôi đã bảo cậu rồi mà. Norah dẫn Rachel đi quanh giàn giáo xem xét, còn Tolland và những người khác vừa đi vừa nói chuyện phía sau. - Cô có nhìn thấy những lỗ khoan bên dưới giàn giáo này không? - Norah giơ tay chỉ, giọng nói chát chúa vừa rồi giờ chuyển thành say sưa khi chị ta kể về công việc đang tiễn hành. Rachel gật đầu, nhìn sâu xuống bên dưới những lỗ khoan. Mỗi lỗ có đường kính khoảng một foot và đều có một sợi dây cáp được giòng qua. Đó là những lỗ khoan còn lại khi chúng tôi khoan lấy mẫu đá và chụp X quang tảng thiên thạch. Bây giờ chúng tôi tận dụng những lỗ khoan này để giòng móc sắt xuống và bắt vít vào tảng đá. Sau đó thả những sợi cáp sắt dài khoảng hai trăm foot xuống để khớp vào các móc sắt đó, và giờ đây chỉ cần kéo lên là xong. Mấy anh chàng ẻo lả kia sẽ phải kéo khoảng hai tiếng đồng hồ nữa thì tảng đá mới lên được. - Có một chỗ tôi chưa hiểu. - Rachel nói. - Tảng đá bị chôn sâu dưới lớp băng đá rất dày cơ mà. Làm sao mà kéo lên được? Norah đưa tay chỉ luồng sáng màu đỏ tươi chiếu thẳng từ đỉnh giàn giáo xuống một lỗ nhỏ. Rachel đã nhìn thấy luồng sáng đó từ trước nhưng lại ngỡ đó chỉ là chiếc đèn thông thường dùng để đánh dấu vị trí làm việc của họ, vị trí của viên đá. - Đó là chiếc đèn bán dẫn chiếu tia laze. - Norah nói. Rachel quan sát luồng sáng kỹ hơn và nhận thấy đúng là nó đã khiến cho băng chảy nước, tạo thành một lỗ thủng nhỏ xíu, và những tia sáng đỏ chiếu xuống tận tít bên dưới. - Luồng sáng đó rất nóng. - Chị ta nói. Chúng tôi vừa nung nóng tảng thiên thạch vừa kéo lên từng tí một. Rachel kinh ngạc hiểu ra kế hoạch của người phụ nữ này vừa đơn giản vừa thông minh đến mức nào. Norah chỉ cần chiếu luồng sáng ấy xuống băng cho đến khi nó khoan được một lỗ thủng xuyên qua lớp băng dày và nung nóng tảng thiên thạch. Tảng đá không thể bị chùm tia làm cho nóng chảy, nhưng nó hấp thu nhiệt lượng của tia laze, ấm lên, và làm cho băng bao quanh nó tan chảy ra. Trong khi các chàng trai của NASA kéo nó lên, cả sức ép lẫn nhiệt lượng của tảng đá sẽ khiến băng tan, tạo thành lối lên cho chính nó. Lượng băng tan thành nước sẽ chảy xuống lấp đầy lỗ hổng phía bên dưới tảng thiên thạch khổng lồ. - lấp đầy chỗ trống. Giống như dùng con dao nóng để cắt một khoanh bơ. Norah chỉ tay vào những chàng nhân viên của NASA: - Vì máy cũng không thể chịu được sức nặng của tảng đá này nên tôi phải dùng sức người. - Xạo đấy! - Một trong những anh chàng đang làm việc nói xen vào - Vì chị ta muốn chúng tôi phải nhễ nhại mồ hôi nên mới bịa ra thế này! - Làm gì mà nóng thế, - Norah không chịu kém cạnh - Mấy anh chàng ỏn ẻn nhà anh chả kêu lạnh suốt mấy hôm nên tôi mới phải ra tay cứu chữa cho chứ. Kéo tiếp đi. Tất cả bọn họ cười phá lên. - Những chóp nhọn kia dùng làm gì? - Rachel hỏi và chỉ vào những chiếc cọc hình chóp màu cam trông như cọc tiêu trên đường cao tốc xếp quanh chân giàn giáo chẳng theo một trật tự nào. Cô cũng đã nhìn thấy những chiếc cọc tương tự được xếp xung quanh toà nhà. Đó là loại dụng cụ điển hình của giới băng hà học. - Norah trả lời. Chúng tôi gọi là SHABA. Dùng để báo cho mọi người biết nguy hiểm. Cô nhấc một chiếc cọc lên, để lộ ra lỗ khoan hình tròn sâu hoắm xuống trên mặt băng. - Không nên dẫm chân vào đây. Rồi chị ta để lại chiếc cọc vào chỗ cũ. - Chúng tôi phải khoan băng để kiểm tra độ tiếp nối cấu trúc của nó. Tương tự như bên ngành khảo cố học, niên đại của một vật thường được quy định bởi độ dày của những lớp bao phủ bên trên nó. Càng ở dưới sâu thì niên đại của nó càng lớn. Do đó, chúng tôi tính toán lớp băng phủ lên trên một vật để tìm ra niên đại chính xác của vật đó. Cần phải tiến hành khoan những vị trí khác nhau trên cùng một bề mặt để đảm bảo rằng đây là một phiến băng liền, chưa một lần bị ảnh hưởng của động đất, khe nứt, tuyết lở, vân vân… - Thế các vị thấy dòng sông băng này thế nào? - Hoàn hảo. - Norah đáp. - Một phiến băng liền hoàn hảo. Không một dấu vết dị thường nào. Vì thế chúng tôi xếp tảng thiên thạch này vào loại "rơi êm". Nó đã nằm yên trong sông băng, không động cựa, không ai chạm đến suốt từ năm 1716. Rachel lại hỏi: - Làm thế nào mà biết được chính xác đến từng năm? Câu hỏi dường như khiến Norah ngạc nhiên. - À, đó chính là lí do người ta đã mời tôi đến đây đấy. Tôi biết đọc băng mà. - Chị ta chỉ tay vào một dãy những chiếc cọc hình nón trên băng. Cọc nào trông cũng giống như một trạm điện thoại công cộng, lại có cắm những lá cờ màu da cam ở trên. Những lỗ khoan kia chính là bảng ghi chép của băng đấy. - Rồi Norah dẫn Rachel đến bên một chiếc cọc - Nếu nhìn kỹ sẽ thấy có những lớp khác nhau. Rachel cúi xuống và bất ngờ nhìn thấy dường như có những lớp băng với độ dày mỏng, độ sáng và trong suốt khác nhau. Có tầng chỉ mỏng bằng tờ giấy, có tầng dày đến gần một inch. Cứ sau mỗi mùa đông thì phiến băng lại có thêm một lớp tuyết mới. - Norah nói. Và mỗi mùa xuân nó lại tan đi mất một lớp. Cho nên mỗi lớp là dấu vết của một năm. Người ta thường bắt đầu đếm tử lớp, trên cùng, tức là từ mùa đông sau cùng. - Giống như đếm những vòng tròn trong một thân cây phải không? - Không hoàn toàn đơn giản như vậy, cô Sexton ạ. Trong trường hợp này ta phải đo đạc những lớp chồng lên nhau dày tới cả trăm foot cần phải lấy các dấu hiệu khí hậu học làm chuẩn - lượng tuyết rơi, các chất ô nhiễm trong không khí, đại loại như thế. Lúc này thì Tolland và những người khác đến bên họ. Ông ta mỉm cười nói với Rachel: - Cô thấy hiểu biết của cô ấy về băng tuyết có đáng nể không? - Thật kỳ lạ! - Rachel cảm thấy vui sướng khi được gặp lại ông ta. - Đúng thế chị ấy vô cùng hiểu biết. - Và nhân tiện xin nói thêm, con số 1917 mà Norah đưa ra là hoàn toàn chính xác. NASA cũng đã tìm ra đúng con số đó trước khi chúng tôi đặt chân tới nơi này. Tiến sĩ Mangor đã tự khoan băng, tự tiến hành kiểm tra, và làm việc độc lập khi xác minh phát kiến của NASA. Điều này quả là ấn tượng. - Còn một sự trùng lặp ngẫu nhiên nữa. - Norah nói thêm - 1716 cũng chính là năm mà những nhà thám hiểm đầu tiên ghi nhận hiện tượng một quả cầu lửa lớn rơi xuống phía bắc Canada. Tảng thiên thạch này ngày ấy đã được đặt tên là "Jungersol Fall" - tên của người dẫn đầu đoàn thám hiểm đó. - Vì thế - Corky nói tiếp. - niên đại của tảng đá và các sự kiện lịch sử là những bằng chứng để chứng minh rằng chúng ta đang xem xét chính tảng thiên thạch mà Jungersol đã quan sát được năm 1716. - Tiến sĩ Mangor ơi! - Một trong những anh chàng đang kéo tời kêu lớn: - Nhìn thấy chiếc khoá yếm trên cùng rồi đây này! - Sắp xong việc rồi đây, các chàng trai. - Norah nói. - Giây phút lịch sử đây! Chị ta trèo lên chiếc ghế ngay cạnh đó và lấy hết sức nói thật to: - Năm phút nữa thôi, hỡi anh em! Từ khắp mọi ngóc ngách trong bán sinh quyển, y như bầy chó của Pavlov nghe thấy tiếng chuông báo giờ cho ăn, các nhà khoa học bỏ hết những việc đang làm và đổ về khu vực giàn giáo. Norah Mangor hai tay chống nạnh nói: - Nào, chúng ta cùng kéo Titanic lên nào. Chương 28 - Mọi người tránh ra nào? - Norah vừa nói lớn vừa đi đi lại lại giữa đám đông. Các anh chàng kéo tời đứng tản sang một bên. Norah kiểm tra độ căng và độ liên kết của dây tời thêm một lần cuối cùng. Kéo! - Một trong những chàng trai hô lên. Tất cả đồng loạt kéo dây tời lên thêm sáu inch nữa. Khi những sợi dây tời được tiếp tục kéo lên, Rachel cảm nhận thấy đám đông mỗi lúc một lớn thêm, thảy đều đang chờ đợi. Corky và Tolland đứng ngay gần cô, háo hức chẳng khác nào trẻ con mong nhìn thấy ông già Nôen. Đối diện họ, bên kia lỗ khoan lớn, Rachel thấy bóng dáng to lớn nặng nề của Lawrence Ekstrom, cũng đang đợi xem tảng đá xuất hiện. - Anh em ơi! - một chàng trai NASA hào hứng. - Sếp cũng đến rồi kìa! Những sợi cáp liên tục được kéo từ dưới hố khoan lên đã chuyển từ màu trắng bạc sang màu vàng. - Sáu foot nữa thôi! Đều tay vào! Tất cả những người đang đứng quanh giàn giáo lặng phắc. Ai cũng đang nóng lòng được nhìn thấy vật thiêng sắp xuất hiện trước mắt - ai cũng muốn được trông thấy hình ảnh đầu tiên của tảng đá. Và Rachel được nhìn thấy. Lớp băng phủ bên trên mỏng dần, và tảng thiên thạch bắt đầu lộ ra. Lúc đầu chỉ là một hình khối lồi lồi thuôn dài, nhưng mỗi lúc một gần bề mặt và hình dáng của nó càng rõ ràng hơn. - Mạnh nữa lên! - Một kỹ thuật viên hô to. Tất cả bọn họ kéo căng dây tời, và chiếc ròng rọc kêu ken két. Năm foot nữa thôi! Đều tay vào! Rachel thấy lớp băng đá bên trên tảng đá bắt đầu bị đội lên như thế một con quái vật đang trở dạ và sắp sửa sinh con. Trên mặt băng, quanh chùm tia sáng màu đỏ tươi, băng tan ra, để lộ ra một phần bề mặt của tảng đá lớn. - Tử cung mở rồi! - Có người hô to. - Mở chín trăm xăng ti mét rồi đây này. Tiếng cười giòn gĩa phá tan bầu không khí im lặng. Được rồi! Tắt đèn laze đi! Đèn tắt, chùm tia sáng biến mất. Và rồi giây phút trọng đại đã đến. Tảng đá phá vỡ lớp bề mặt băng với tiếng huýt trầm trầm, hơi bay lên nghi ngút, và hình khối khổng lồ của nó hiện ra, một cách thần bí. Cánh đàn ông tiếp tục kéo căng dây tời cho đến khi toàn bộ tảng đá nhô hẳn lên khỏi lỗ thủng lớn trên băng, nước rỏ tong tong xuống hố nước nóng đang bốc hơi nghi ngút. Rachel như bị thôi miên. Đung đưa trên dây tời, nước rỏ ròng ròng, hòn đá xù xì đang ánh lên dưới ánh điện nê ông, nó ánh lên những tia sáng màu đỏ tím. Một đầu của tảng đá khá nhẵn và thuôn, chắc chắn đó chính là phần đã bị bầu khí quyển nung cháy khi rơi xuống trái đất. Nhìn lớp vỏ ngoài cháy xém, Rachel mường tượng hình ảnh tảng đá rơi xuống bề mặt trái đất như một quả cầu lửa. Không thể tin nổi cuộc đó đã cách đây vài thế kỷ. Lúc này, con quái vật bị sa bẫy đang treo chung chiêng dưới xích sắt, nước rỏ tong tỏng. Cuộc săn lùng kết thúc. Đến lúc này Rachel mới thấy hết tính chất kịch tính của toàn bộ sự kiện này. Hòn đá ngay trước mắt cô được sinh ra trên một hành tinh khác cách xa vạn dặm. Và bên trong nó là những bằng chứng - chứng cứ thì đúng hơn - rằng nhân loại không hề đơn côi trong vũ trụ bao la. Hình như tất cả mọi người đều có cảm giác rất hân hoan, và tất cả cùng vỗ tay, huýt sáo vang dội. Thậm chí cả ngài Giám đốc dường như cũng không thể không bị ảnh hưởng của bầu không khí này. Ông ta vỗ vai những đồng nghiệp của mình, chúc mừng họ. Chứng kiến quang cảnh này, Rachel bất chợt cảm thấy mừng cho NASA. Họ đã từng có những thời kỳ khó khăn. Nhưng tất cả đã đổi thay, và họ xứng đáng được hưởng giây phút này. Lỗ thủng lớn giờ trông như một cái ao nhỏ bên trong bán sinh quyển. Mặt nước của chiếc ao có độ sâu hai trăm foot vỗ ì ọp vào bờ băng một lúc rồi cuối cùng mới chịu nằm yên. Mực nước bên trong thấp hơn mép băng bên ngoài khoảng bốn foot, hiển nhiên là do thể tích của hòn đá vừa được lấy ra khỏi lòng phiến băng, và còn do nước có tính chất gĩan nở khi đóng thành băng. Norah Mangor ngay lập tức xếp những chiếc cọc hình nón xung quanh lỗ băng lớn. Dù mép băng rất dễ nhìn thấy, nhưng bất kỳ ai sơ ý sảy chân xuống đây sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng. Thành băng xung quanh vừa cao vừa dựng đứng, và không ai có thể tự leo lên khỏi vực thẳm này. Lawrence Ekstrom ì ạch tiến về phía họ. Ông ta đến bên Norah Mangor và xiết chặt tay chị ta một cách nhiệt thành. - Chị cừ lắm, tiến sĩ Mangor ạ. - Tôi không thích những lời ngợi khen suông đâu nhé. - Norah đáp. - Dĩ nhiên rồi. - Rồi ông ta quay sang Rachel - Thưa cô Sexton, chuyên viên luôn hoài nghi của chúng ta đã tin chưa nào? Rachel không thể nén nổi nụ cười: - Phải nói là kinh ngạc sững sờ thì mới chính xác. - Tốt lắm, vậy mời cô đi theo tôi! Rachel theo ông Giám đốc đến bên chiếc hộp sắt lớn trông giống những chiếc công ten nơ người ta vẫn thường chất lên tàu thuỷ. Chiếc hộp sắt được sơn rằn ri và ba chữ viết tắt nổi bật: PSC. - Cô sẽ vào trong này để liên lạc với Tổng thống. - Ông ta nói. "Buồng thông tin mật di động đây", Rachel nghĩ thầm. Những buồng thông tin di động kiểu này vẫn được dùng trong quân sự, nhưng Rachel chưa thấy nó được dùng trong thám hiểm vũ trụ bao giờ. Nhưng tất nhiên, Ekstrom trước đây đã làm việc trong Nhà Trắng, nên không lạ gì ông ta có trong tay thiết bị hiện đại này. Vẻ mặt nghiêm trang của hai người lính đang cầm súng đứng gác khiến cho Rachel có một trực cảm vô cùng rõ ràng rằng nếu Giám đốc NASA không trực tiếp ra lệnh thì không ai được phép vào bên trong. - Có vẻ như mình không phải là người duy nhất bị bắt cóc kiểu này. Ekstrom vắn tắt ra lệnh với một trong hai người lính và quay sang nói với Rachel "Chúc cô may mắn" rồi ông ta đi. Một người lính gạt chốt trên cánh cửa, và cánh cửa mở ra. Một kỹ thuật viên xuất hiện và ra hiệu bảo Rachel vào trong. Cô theo chân anh ta. Bên trong PSC thật ngột ngạt và tối tăm. Nhờ ánh sáng xanh mờ ảo phát ra từ một màn hình vi tính duy nhất đang hoạt động, Rachel nhìn thấy những giá cao để điện thoại, radio và những thiết bị liên lạc vệ tinh. Rachel mơ hồ cảm thấy nỗi lo lắng vô cớ. Bầu không khí ở đây thật khó chịu, chẳng khác nào trong công sự dã chiến giữa mùa đông. - Mời ngồi, thưa cô Sexton. - Người kỹ thuật viên chỉ chiếc ghế đẩu xoay trước một màn hình phẳng. Anh ta điều chỉnh chiếc micro trước mặt cô, rồi để lên lòng Rachel một chiếc tai nghe hiệu AKG rất lớn. Sau khi kiểm tra lại lần nữa số mật khẩu lộ trình, anh ta đánh một dãy ký tự dài vào máy tính. Trên màn hình trước mặt Rachel xuất hiện chiếc đồng hồ đang đếm ngược 00:60 GIY Anh ta gật gù vẻ hài lòng khi chiếc đồng hồ bắt đầu đếm ngược: - Còn một phút nữa thì kết nối sẽ hoàn thành. - Rồi anh ta quay sang trái, bước ra ngoài, đóng cửa đánh sầm. Rachel nghe tiếng chốt cửa bị khoá lách cách. Hay thật. Ngồi trong bóng tối, chờ đợi, cô nhận ra đây là giây phút riêng tư duy nhất cô có được suốt từ sáng sớm tới giờ. Sáng sớm nay thức dậy, cô không hề biết trước một ngày mới đầy ắp sự kiện đến thế này đang chờ đón mình. Sự sống bên ngoài trái đất. Hôm nay, huyền thoại được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử loài người sẽ không còn là huyền thoại nữa. Lúc này cô bắt đầu nhận thức được tác động tiêu cực to lớn của tảng thiên thạch lên sự nghiệp của cha mình. Dù cho việc chi tiêu của NASA không thể nào là một vấn đề thực sự có tầm ảnh hưởng sâu rộng như quyền nạo thai, phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, thì chính cha cô đã chủ tâm biến nó thành một vấn đề. Giờ đây, chính nó sắp sửa giáng cho ông một đòn chí tử. Chỉ vài giờ nữa, người Mỹ sẽ tha hồ bàn tới bàn lui về phát kiến của NASA. Vô số nhà khoa học sẽ ngạc nhiên đến tròn xoe mắt, và xúc động chảy nước mắt. Lũ trẻ con thì sẽ được thả sức tưởng tượng. Trong giây phút lịch sử này, vấn đề những tờ đô la, những đồng xu tiết kiệm mà cha cô đề xướng sẽ bị bóng tối bao phủ. Ngài Tổng thống sẽ đạt được vị thế của vị anh hùng dân tộc, và cha cô với diện mạo của một doanh nhân thiển cận, đầu óc hẹp hòi, không hề mang trong mình chút dấu vết nào của dòng máu phiêu lưu mạo hiểm mà dân tộc này tôn thờ - sẽ len lỏi vào giữa quang cảnh hồ hởi rạng rỡ ấy. Máy tính phát một tiếng bíp, Rachel ngước nhìn lên. 00:05 giây. Đột nhiên màn hình máy tính trước mặt cô nhấp nháy, rồi biểu tuợng của Nhà Trắng bắt đầu xuất hiện. Sau thoáng chốc, biểu tượng ấy được thay bằng khuôn mặt của Tổng thống Herney. - Xin chào Rachel. - Ông ta nói, ánh mắt đầy vẻ tinh anh. Tôi đoán là cô vừa trải qua một buổi chiều đầy ắp những ấn tượng. Chương 29 Văn phòng của Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton nằm trong toà nhà Phillip A. Hart, phố C, phía đông bắc đồi Capitol. Đặc trưng của toà nhà là rất nhiều mảng khối hình tứ giác ghép lại với nhau, và nhiều nhà phê bình kiến trúc đã nói rằng trông nó giống nhà tù hơn là toà nhà văn phòng. Và nhiều người làm việc trong toà nhà này cũng có cảm giác y hệt như thế. Trên tầng ba, Gabrielle Ashe đang sải đôi chân dài kiều diễm trong phòng. Trên màn hình máy tính của cô vừa có thông điệp điện tử mới, và cô băn khoăn không biết nên ứng phó thế nào. Hai dòng đầu tiên như sau:… TRÊN CNN SEDGEWICK ĐÃ GY ẤN TƯỢNG TỐT. TÔI CÓ THÊM THÔNG TIN MỚI NỮA ĐY. Đã hai tuần nay, Gabrielle đều nhận được những bức thư kiểu này. Người gửi thư dùng địa chỉ nặc danh, mặc dù cô đã phát hiện được tên miền của Nhà Trắng. Có lẽ người cung cấp tin giấu mặt này là nhân viên của Nhà Trắng. Dù người đó là ai thì những tin được cung cấp theo kiểu này đã trở thành nguồn tin quý giá, kể cả tin về cuộc gặp bí mật giữa Giám đốc NASA và Tổng thống. Lúc đầu Gabrielle không tin ngay những tin tức được cung cấp, nhưng rồi cô kinh ngạc nhận thấy chúng luôn chính xác và rất có ích - từ những chi tiêu quá độ của NASA, những chương trình tìm kiếm sự sống ngoài trái đất của NASA vừa tốn kém vô cùng vừa không đem lại kết quả nào, thậm chí cả những đợt thăm dò dư luận nội bộ cho thấy NASA có thể trở thành một lí do khiến cử tri quay lưng lại với Nhà Trắng. Để làm ra vẻ quan trọng, Gabrielle không cho ngài Thượng nghị sĩ biết rằng họ đang nhận được sự trợ giúp tình nguyện của một nhân viên Nhà Trắng. Thay vào đó, cô thường báo tin cho ông theo kiểu đây là "nguồn tin riêng của cô". Sexton luôn tỏ ra là người nhạy cảm và đủ hiểu biết để không hỏi xem đó là người nào. Cô biết rằng ông tưởng Gabrielle có mối quan hệ tình ái với một nhân vật nào đó. Vấn đề là ông không hề cảm thấy chút lấn cấn nào về chuyện này. Gabrielle ngừng đi đi lại lại và đọc bức thư vừa được gửi đến. Hàm ý của nó rất rõ ràng: Ai đó bên trong Nhà Trắng muốn thấy Sedgewick Sexton thắng cử và đang ngấm ngầm giúp đỡ bằng cách trợ lực cho ông để tấn công vào NASA. Nhưng người này là ai? Tại sao lại thế? Một kẻ phản bội muốn nhảy khỏi con tàu sắp đắm. Gabrielle quả quyết. Chuyện một nhân viên nào đó của Nhà Trắng lo sợ Tổng thống đương nhiệm sắp bị thất cử và lén lút giúp đỡ đối thủ đang trên thế thắng của ông ta với hi vọng kiếm một chỗ làm trong nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo không phải là chuyện hiếm ở Wasshington. Có lẽ nhân vật nào đó đã đánh hơi được thế thắng của Sexton và quyết định hành động sớm. Những dòng chữ đang hiện trên màn hình khiến Gabrielle cảm thấy bồn chồn không yên. Bức thư này rất khác những bức thư cũ. Hai dòng đầu thì không có vấn đề gì, nhưng hai dòng sau thì lại không như vậy: CỔNG PHONG CHỨC PHÍA ĐÔNG, 4G 30 PHÚT ĐẾN MỘT MÌNH Người này chưa bao giờ yêu cầu gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, cô cho rằng có nhiều cách khác tế nhị hơn nhiều so với đi gặp nhau trực tiếp thế này. Cổng phong chức phía đông? Cả Washington này chỉ có một cổng phong chức. Bên trong Nhà Trắng sao? Liệu đây có phải là một trò đùa không nhỉ? Gabrielle biết chắc cô không thể trả lời qua đường thư điện tử, tất cả những thư cô gửi cho người này đều bị báo về là không tìm được địa chỉ. Đó là địa chỉ nặc danh. Lẽ dĩ nhiên. Có nên hỏi ý kiến Thượng nghị sĩ không nhỉ? Cô nhanh chóng cho rằng như thế là không nên. Ông ấy đang họp. Hơn nữa, nếu cho ông ấy biết về bức thư này thì có nghĩa là phải nói toàn bộ sự thật. Suy cho cùng, người này chọn chỗ gặp mặt giữa thanh thiên bạch nhật như thế cũng là để cho Gabrielle an tâm. Dù sao thì người này cũng đã giúp đỡ cô suốt hai tuần qua. Dĩ nhiên đây là một người bạn. Đọc lại bức thư điện tử lần cuối xong, Gabrielle xem đồng hồ. Cô còn một giờ đồng hồ nữa. Chương 30 Giờ đây, khi tảng thiên thạch đã được kéo lên khỏi sông băng, Giám đốc NASA cảm thấy đỡ hẳn cảm giác bực bội. Mọi thứ đều đã đâu vào đấy ông vừa tự nhủ vừa đi băng qua bán sinh quyển để tiến về phía phòng làm việc của Micheal Tolland. Từ giờ sẽ chẳng còn kẻ nào dám động đến mình nữa. - Thế nào rồi? - Ekstrom hỏi, chân sải bước đến ngay sau lưng nhà bác học làm truyền hình. Tolland nhìn màn hình vi tính trước mặt, trông ông rất mệt mỏi nhưng hồ hởi: - Phần hậu kỳ sắp xong rồi. Tôi đang dán nốt những cảnh do các chuyên gia của anh tự quay. Một loáng là xong ngay. - Tốt lắm. Tổng thống yêu cầu Ekstrom chuyển đoạn phim về Nhà Trắng càng sớm càng tốt. Ekstrom đã tỏ ra hoài nghi khi Tổng thống quyết định mời Tolland tham gia dự án này, nhưng sau khi xem qua những đoạn phim còn chưa hoàn thiện, Giám đốc NASA không còn nghĩ như trước nữa. Những lời giải thích sinh động của ngôi sao truyền hình này, xen kẽ với những lởi phát biểu của các nhà khoa học dân sự, đã được gói gọn một cách tài ba trong thời lượng 15 phút. Tolland đã dễ dàng đạt được cái mà các nhà khoa học của NASA thường không thể thực hiện nổi - miêu tả những phát kiến khoa học một cách dễ hiểu đối với những người Mỹ bình thường mà không hề có vẻ trịch thượng. Ekstrom bảo ông ta: - Khi nào xong thì anh hãy mang ngay phim tới khu báo chí nhé. Tôi sẽ cử người gửi ngay phiên bản số hoá của bộ phim cho Tổng thống. - Vâng, thưa ngài Giám đốc. Ekstrom ra khỏi phòng, và khi đi ngang qua "khu báo chí" giờ đã được bài trí đẹp đẽ, ông không thể không cảm thấy đầy hưng phấn. Một tấm thảm xanh lam lớn đã được trải trên sàn, chính giữa thảm là chiếc bàn kiếu hội nghị được bố trí mấy chiếc micro, một phù hiệu của NASA, và một lá cờ Hoa kỳ rất lớn được căng lên làm phông nền. Tảng thiên thạch đã được chuyển lên chiếc xe kéo trang trí lộng lẫy và được bày ở vị trí trang trọng ngay trước chiếc bàn. Ở chính giữa "khu báo chí". Ekstrom hài lòng nhận thấy một bầu không khí hội hè bao rùm gian phòng. Khá nhiều nhân viên của ông đang xúm xít quanh tảng đá, sờ tay vào mặt đá hãy còn ấm nóng, chẳng khác gì những người đi cắm trại đang vây quanh ngọn lửa trại. Ông quyết định đã đến lúc ăn mừng. Ekstrom tiến về phía mấy hộp giấy bày rải rác xung quanh căn phòng. Sáng hôm nay ông vừa lệnh đưa chúng từ Greenland tới. - Chúng ta cùng uống mừng nào? - ông nói lớn, tay phân phát bia lon cho đám nhân viên đang vui như tết. - Ôi! Cảm ơn sếp! - Có người hét ầm lên. - Cảm ơn sếp! Bia lạnh nghiêm đấy nhé! Ekstrom mỉm nụ cười hiếm hoi: - Bia ướp đá mà lại! Ai cũng cười. - Đợi chút! - Lại có người hét lên, giọng ra vẻ trách móc - Đây là bia Canada! Lòng yêu nước của sếp để đâu rồi? - Chúng ta phải tiết kiệm, các bạn ạ. Bia này rẻ nhất đấy. Lại những tiếng cười giòn gĩa. - Mọi người chú ý! - Một nhân viên truyền thông của NASA bắc loa, nói. - Chúng tôi sắp sửa bật đèn trường quay, quý vị có thể sẽ bị tối một lúc đấy ạ. - Cấm không ai được lợi dụng hôn hít gì đâu nhé! - Tiếng một nhân viên lanh lảnh. - Chương trình không cấm trẻ em đấy nhé! Ekstrom cười lớn, hoà vào niềm vui rạo rực của đội ngũ nhân viên khi những bóng đèn được chỉnh lại vị trí lần cuối. - Bật đèn trường quay nhé! Năm, bốn, ba, hai… Ngôi nhà tối dần đi khi những chiếc đèn halogien đồng loạt bị tắt. Trong vòng vài giây sau đó, tất cả chìm trong bóng tối mịt mùng. Có người giả bộ kêu thét lên. - Ai véo mông tôi thế này! - Mọi người vừa hét vừa cười như nắc nẻ. Chỉ sau một giây, bóng tối bị xé nát bởi những ngọn đèn trong trường quay đồng loạt sáng trưng. Loá mắt. Công đoạn chuyển nguồn sáng thế là hoàn tất; khu phía bắc của bán sinh quyển đã biến thành một trường quay truyền hình. Những khu khác trong ngôi nhà lớn trông chẳng khác gì nhà kho tăm tối. Ánh sáng từ trường quay này hắt lên mái nhà hình vòm, tạo thành những mảng tối dài khi những bức tường bơm hơi đổ bóng dài trên khu làm việc giờ không một bóng người. Ekstrom tiến vào vùng tối, hài lòng thấy tất cả mọi người đang vui vẻ bên tảng thiên thạch. Ông tưởng như mình là ông già Nôen đang nhìn ngắm lũ trẻ chơi đùa quanh cây thông. "Có Chúa biết họ đáng được như thế", ông thầm nghĩ, không hề biết tai hoạ lớn đang lơ lửng trên đầu. Chương 31 Trở trời. Luồng gió katabatic từ đỉnh thổi xuống giật mạnh trại của đội Delta, tạo ra tiếng hú ảm đạm như báo hiệu thời tiết sắp xấu. Delta-Một đã lót ván chống bão xong và bước vào trong lều cùng hai đồng đội của mình. Họ đã từng trải qua kiểu thời tiết này. Sẽ chẳng kéo dài bao lâu. Delta-Hai chăm chú quan sát những hình ảnh truyền về từ vi robot đang bay trong phòng phía bắc của ngôi nhà lớn. - Cậu xem đi! - Anh nói. Delta-Một tiến lại. Toàn bộ ngôi nhà chìm trong bóng tối, trừ vùng sáng trong căn phòng phía bắc. Phần còn lại của toà nhà chỉ hiện ra mờ mờ. - Có gì bất thường đâu, - anh nói - họ đang chỉnh lại ánh sáng để chuẩn bị cho buổi truyền hình đấy mà. - Không phải chuyện ánh sáng. - Delta-Hai chỉ hình tròn màu đen trên mặt băng - hố nước còn lại sau khi tảng đá đã được lấy lên. - Đấy mới là vấn đề kia. Delta-Một nhìn cái lỗ. Vẫn thấy có những chiếc cọc hình nón cắm xung quanh, và mặt nước có vẻ phẳng lặng. - Có thấy gì đâu. - Cậu nhìn lại đi! - Anh nói và dùng đũa điều chỉnh robot bay xuống sát mặt nước theo hình xoắn ốc. Trong khi Delta-Một quan sát kỹ cái ao nước nhỏ phẳng lặng ấy, anh phát hiện thấy điều gì đó và nhảy dựng lên - Cái gì? Delta-Ba đến bên họ. Cả anh cũng đầy vẻ hoảng hốt: - Lạy Chúa tôi, tại cái lỗ đó à? Nước sẽ gây ra chuyện ư? - Không, - Delta-Một trả lời - chắc chắn không phải là nước đâu. Chương 32 Dù đang ở trong một gian phòng bằng kim loại cách thủ đô Washington những ba ngàn dặm, Rachel vẫn cảm thấy căng thẳng chẳng khác gì được triệu hồi vào tận trong Nhà Trắng. Trên màn hình của chiếc máy điện đàm có hình ảnh trước mặt cô, gương mặt Tổng thống Zach Herney hiện lên vô cùng sắc nét, ông đang ngồi trong phòng thông tin của Nhà Trắng, ngay trước bức phù hiệu Tổng thống. Hệ thống viễn thông này hoạt động cực kỳ chuẩn xác, chỉ trừ sự chậm trễ hầu như không thể nhận thấy được, cảm tưởng như Tổng thống đang ở đâu đó quanh đây, cách vài bức tường. Cuộc nói chuyện giữa hai người diễn ra vui nhộn và thẳng thắn. Tổng thống có vẻ vui, mặc dù không hề ngạc nhiên, khi Rachel có những nhận xét rất tốt về phát kiến của NASA và việc ông đã mời Micheal Tolland làm phát ngôn viên. Tổng thống có vẻ rất vui, thậm chí còn tỏ ra hài hước. - Tôi tin chắc cô sẽ đồng ý với tôi rằng. - giọng nói của ông lúc này đã nghiêm túc hơn. - trong một thế giới lý tưởng, phát kiến này sẽ chỉ thuần tuý có tính chất khoa học mà thôi. - Ông ngừng một lát, vươn người về phía trước, khuôn mặt choán cả màn hình. - Buồn thay, chúng ta đang sống trong một thế giới không lý tưởng, và phát kiến này sẽ ngay lập tức biến thành một thứ bung xung trên chính trường, ngay thời điểm tôi công bố tin này. - Dựa trên những chứng cứ hết sức thuyết phục mà ngài đã có được tôi nghĩ cả công chúng lẫn đối thủ của ngài chỉ còn biết công nhận sự thật mà thôi. Herney cười buồn: - Đối thủ của tôi trên chính trường sẽ phải tin khi tận mắt chứng kiến, Rachel ạ. Điều tôi lo là họ sẽ không thấy thích những gì họ nhìn thấy đâu. Rachel nhận thấy Tổng thống tỏ ra rất thận trọng, không nhắc đến tên cha cô, chỉ dùng những cụm từ như "đối thủ" hay "phe đối lập trên chính trường". - Tổng thống cho rằng đối thủ của ông sẽ vì những động cơ chính trị mà cáo buộc đây là một xảo thuật hay sao? - Cô hỏi. - Bản chất của cuộc chơi là thế mà. Họ chỉ cần rêu rao lên rằng họ nghi ngờ, rằng phát kiến này chỉ là một tiểu xảo chính trị của NASA và Nhà Trắng, thế là lập tức phải đối diện với một cuộc điều tra. Báo chí sẽ nhanh chóng quên mất là NASA đã tìm thấy những bằng chứng của sự sống trong vũ trụ, và họ sẽ bu vào bất cứ dấu hiệu nào có thể dùng để làm bằng chứng rằng đây là âm mưu của Nhà Trắng. Và bất kỳ lời nói bóng gió nào đến một âm mưu mờ ám liên quan đến sự kiện này sẽ không có lợi cho khoa học, cho Nhà Trắng, cho NASA và thẳng thắn mà nói, cho toàn nước Mỹ. Phải chãng vì thế mà Tổng thống cho trì hoãn việc công bố sự kiện này cho đến khi ngài có đủ những lời xác thực của các nhà khoa học danh tiếng? - Mục tiêu của tôi là sẽ công bố tin này một cách khách quan đến nỗi bất kỳ ý tưởng hoài nghi nào sẽ bị chặn tận gốc, ngay khi nó còn chưa kịp phôi thai. Tôi muốn sự kiện này được công bố với tất cả sự trang trọng và vinh quang xứng tầm với nó. Với công trạng của mình, NASA đáng được như thế. Trực giác của Rachel bắt đầu rung chuông báo động. Ông ta muốn gì ở mình đây? - Dĩ nhiên, - Tổng thống nói tiếp - với vị thế có một không hai của mình, cô có thể giúp tôi. Với kinh nghiệm của một chuyên viên phân tích tin, với mối quan hệ ruột rà giữa cô và đối thủ của tôi, cô chính là người có tư cách để thông báo phát kiến này. Rachel cảm thấy mỗi lúc một thêm thất vọng. Ông ta muốn lợi dụng mình…Pickering đã nói trước rồi, y như rằng! - Tóm lại là, - Herney nói tiếp - Tôi đề nghị cô đứng ra thông báo tin này với tư cách cá nhân, với tư cách là một chuyên viên tình báo đang làm việc cho tôi… Và với tư cách con gái của chính đối thủ của tôi. Thế đấy! Ván bài đã lật ngửa hết. Herney yêu cầu mình đứng ra xác thực sự kiện này. Rachel tưởng Zach Herney cao hơn loại chính trị gia hiểm ác ấy cái đầu. Nếu công khai xác nhận tin này, cô sẽ biến câu chuyện về tảng thiên thạch kia thành một vấn đề mang tính chất cá nhân giữa hai cha con cô, và ngài Thượng nghị sĩ sẽ không thể công kích độ tin cậy của phát kiến này mà không công khai làm hại tư cách cá nhân của con gái mình - một bản án tử hình cho ngài ứng cử viên với cương lĩnh "gia đình là trên hết". - Thưa Tổng thống, thành thật mà nói thì tôi thấy choáng khi ngài yêu cầu tôi làm việc đó. Ngài Tổng thống có vẻ giật mình: - Tôi tưởng cô sẽ hào hứng nhận lời giúp tôi chứ. - Hào hứng ư? Thưa Tổng thống, chưa kể đến những sự khác biệt giữa hai cha con chúng tôi, chỉ riêng để nghị này đã là điều không tưởng. Chưa cần trận đấu chí tử trên các phương tiện truyền thông đó thì tôi cũng đã phải đương đầu với bao nhiêu vấn đề gia đình rồi. Đúng là tôi không yêu quý ông ấy, nhưng ông ta chính là cha của tôi. Và đưa tôi ra làm đối thủ của chính cha đẻ mình trên truyền hình quả là hành động dưới tầm của ngài. - Hượm đã nào! - Herney huơ huơ hai tay ra vẻ đầu hàng. - Nào đã ai nói gì đến chuyện công khai hay không đâu? Rachel im lặng một lát. - Tôi tưởng ngài định yêu cầu tôi xuất hiện trên chương trình truyền hình lúc tám giờ tối nay cùng với ông Giám đốc NASA? Herney cười ha hả trong máy. - Rachel, cô nghĩ tôi là loại người nào chứ? Chẳng lẽ cô tưởng tôi yêu cầu cô cầm dao đâm lén chính cha mình trên truyền hình sao? - Nhưng ngài đã nói là… - Và cô tưởng ông Giám đốc NASA chịu chia sẻ ánh đèn trường quay với con gái người đã kịch liệt công kích ông ấy sao? Tôi không muốn làm cô bị hẫng, nhưng Rachel ạ, cuộc họp báo tối nay sẽ chỉ bàn về khía cạnh khoa học mà thôi. Tôi không nghĩ là kiến thức của cô về thiên thạch, về hoá thạch, hay cấu trúc băng hà sẽ mang lại độ tin cậy về khoa học cho chương trình. Rachel đỏ mặt. - Thế ngài định thế nào? - Tôi có kế hoạch phù hợp với vị trí của cô hiện nay. - Thưa Tổng thống? - Vì cô là chuyên viên tổng hợp tin của Nhà Trắng, cô sẽ thông báo vắn tắt với nhân viên của tôi về sự kiện trọng đại này. - Ngài yêu cầu tôi xác thực tin này với nhân viên của ngài à? Herney có vẻ vẫn cảm thấy khoái trá về sự hiểu lầm vừa rồi: - Đúng thế đấy! Sự hoài nghi bên ngoài thực ra không có gì đáng sợ so với những gì tôi đang phải đương đầu ngay trong đội ngũ nhân viên của tôi lúc này. Uy tín của tôi trong lnnơ chính nội bộ của mình đang bị để doạ. Chính nhân viên của tôi đang yêu cầu tôi phải cắt bớt các khoản chi cho NASA, nhưng tôi đã bỏ ngoài tai. Đó là hành động tự sát về mặt chính trị. - Đến tận thời điểm này sao? Chính xác. Như chúng ta đã trao đổi sáng nay, thởi điểm của phát kiến này khiến cho bất kỳ chính trị gia hoài nghi nào cũng phải đặt dấu hỏi, và lúc này chính nhân viên của tôi lại là những kẻ hoài nghi nhất. Cho nên, khi họ được thông báo tin này, tôi muốn người nói cho họ biết sự thật sẽ là… - Tổng thống vẫn chưa cho cộng sự của ngài biết về tảng thiên thạch này ư? - Chỉ một vài cố vấn cấp cao mà thôi. Ưu tiên số một của tôi là giữ bí mật phát kiến này. Rachel sững sờ: Chả trách họ có thể nổi loạn chống lại ông ấy. - Nhưng đây không phải là lĩnh vực chuyên sâu của tôi. Làm sao có thể coi chuyện về một tảng thiên thạch là một tin tình báo được cơ chứ? Theo cách nghĩ truyền thống thì đúng là vậy, nhưng quả thực sự kiện này có đầy đủ các yếu tố của lĩnh vực chuyên sâu của cô đấy - khối lượng dữ liệu khổng lồ cần được giản lược, tầm quan trọng lớn về mặt chính trị… - Thưa Tổng thống, tôi không phải là chuyên gia về thiên thạch học. Sao không để cho ông Giám đốc NASA thông báo tin này cho các cộng sự của ngài? - Cô đùa đấy à? Ai cũng ghét ông ấy, trong con mắt đội ngũ nhân viên của tôi bây giờ. Ông ta chẳng khác gì nhà buôn xảo quyệt cứ dụ tôi dính vào hết phi vụ tồi tệ này đến hợp đồng thất bại khác. Điều này thì Rachel hiểu. - Thế còn Corky Marlinson thì sao? Ông ấy đã được huân chương về vật lý học. Uy tín của ông ấy chắc chắn lớn hơn tôi nhiều. Cộng sự của tôi toàn là những chính trị gia, Rachel ạ, không phải các nhà khoa học. Cô đã gặp ông Marlinson rồi đấy. Tôi cũng biết là ông ấy rất giỏi, nhưng nếu tôi đưa một nhà thiên thạch học tới nói chuyện với những kẻ có bộ não trái phát triển ở đây những trí thức chỉ chuyên về xã hội học, thì sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì. Tôi cần một người khác cơ. Và cô chính là người đó, Rachel ạ. Nhân viên của tôi biết công việc cô làm, và vì họ biết cô là ai, nên để trình bày vấn đề này một cách không thiên vị thì cô là người thích hợp nhất. Thái độ nhã nhặn của Tổng thống bắt đầu tác động đến tâm trí của Rachel. - Ít ra thì Tổng thống hãy thừa nhận rằng vì tôi là con của đối thủ hiện nay của ngài nên mới có lời đề nghị này. Tổng thống cười một cách vô tư. - Dĩ nhiên là như vậy. Nhưng mà Rachel này, dù cô có nghĩ thế nào đi nữa thì bằng cách này hay cách khác, nhân viên của tôi cũng sẽ được thông báo về sự kiện này. Cô là người thích hợp nhất. Cô vốn đã có sẵn kỹ năng tổng hợp tin, cô lại còn là con gái của chính người đang muốn đá đít tôi ra khỏi Nhà Trắng. Nên nhìn từ góc độ nào thì cô cũng là sự lựa chọn khôn ngoan nhất trong trường hợp này. - Ngài nên đi làm kinh doanh thì hợp hơn. - Trên thực tế thì tôi đang làm việc đó còn gì nữa. Cả cha cô cũng thế. Và thật thà mà nói thì tôi muốn có một thoả thuận có lợi cho cả đôi bên. - Tổng thống bỏ kính và nhìn thẳng vào mắt Rachel. Cô chợt nhận thấy một cái gì đó ở ông ta giống cha mình biết mấy. - Tôi đang để nghị cô vì thiện chí mà giúp tôi, Rachel ạ. Và hãy nhớ rằng đây cũng là nhiệm vụ của cô nữa đấy. Thế cuối cùng là thế nào nào? Có hay là không đây? Cô có đồng ý thông báo cho nhân viên của tôi không nào? Rachel cảm tưởng như đang bị sập trong chiếc bẫy có nhãn mác PSC. Thật khó mà từ chối được. Dù cách xa tới ba ngàn dặm, Rachel vẫn cảm nhận được sức mạnh ý chí của Tổng thống. Vả lại, cô hiểu rằng dù mình có ưng thuận hay không thì đây cũng là một đề nghị hợp lý hợp tình. - Tôi có một đề nghị. - Cô nói. Herney nhướng lông mày: - Đó là…? - Tôi sẽ gặp nhân viên của ngài một cách kín đáo. Không phóng viên. Đây sẽ là buổi thông báo trong nội bộ, không công khai trên báo chí. - Tôi hứa trên danh dự của Tổng thống. Tôi đã chọn lựa sẵn một địa điểm rất "nội bộ". Rachel thở dài: - Thế thì được ạ. Vẻ mặt ngài Tổng thống sáng bừng lên: - Tuyệt lắm. Rachel xem đồng hồ, ngạc nhiên thấy đã quá bốn rưỡi chiều. - Hượm đã nào, - cô nói, đầy băn khoăn - nếu truyền hình trực tiếp vào lúc tám giờ thì không kịp được. Dù có đi chiếc máy bay kinh tởm mà ngài nhét tôi vào như lúc sáng thì cũng phải mất hai giờ đồng hồ mới về đến Nhà Trắng. Tôi lại còn phải chuẩn bị và… Ngài Tổng thống lắc đầu: - E là tôi chưa kịp nói rõ điểm này. Cô sẽ thông báo từ chính địa điểm cô đang ngồi đó. - Ồ, - Rachel do dự - thế Tổng thống định lúc nào? - Sẵn sàng cả rồi, - Herney vừa nói vừa cười nhăn nhở - Ngay bây giờ có được không? Tất cả mọi người đều đã có mặt, và đang chăm chú ngắm nhìn một màn hình trắng tinh. Họ đang đợi cô đấy. Rachel sững sờ: - Thưa Tổng thống, tôi chưa có sự chuẩn bị nào hết, tôi chắc là không thể… - Cô cứ nói cho họ biết sự thật thôi, có gì khó khăn đâu? - Nhưng mà… - Rachel này, - Tổng thống nhoài người về phía trước và nói, nhớ là tất cả mọi quy trình cô đọng hay giải thích dữ liệu đều là để phục vụ cuộc sống. Chuyên môn của cô là thế mà. Hãy kể cho họ nghe những gì đang diễn ra ở đó. - Tổng thống giơ tay với nút điều khiển hệ thống sau lưng mình, nhưng chưa ấn nút ngay - Và tôi đã bố trí để cô được lên tiếng từ một vị trí đầy quyền lực, cô sẽ thấy thích cho mà xem. Rachel chưa hiểu Tổng thống định nói gì, nhưng không còn thời gian để hỏi nữa rồi. Ông đã ấn nút. Màn hình trước mặt Rachel trống không trong một tích tắc. Rồi khi hình ảnh bắt đầu xuất hiện trở lại, cô thấy mình bị đặt trong một tình thế khá gay cấn. Trước mặt cô là phòng bầu dục trong Phủ Tổng thống. Đầy chặt những người. Thảy đều phải đứng. Toàn bộ nhân viên Nhà Trắng dường như đã tập trung lại. Và tất cả đều đang chăm chú nhìn cô. Rachel nhận thấy cô đang được nhìn họ từ bàn làm việc của chính Tổng thống. Lên tiếng từ một vị trí đầy quyền lực. Rachel vã mồ hôi. Từ vẻ mặt của họ, có thể thấy là cả họ lẫn Rachel đều ngạc nhiên như nhau. - Cô Sexton đấy à? - Một thứ giọng chua như dấm cất lên. Rachel quan sát từng người và phát hiện ra người vừa nói. Đó chính là người phụ nữ cao kều ngồi ngay hàng ghế đầu tiên. Marjorie Tench. Vẻ ngoài đặc biệt của bà ta thật không lẫn vào đâu được. - Xin cảm ơn sự xuất hiện của cô, thưa cô Sexton. - Marjorie Tench nói, giọng đầy mãn nguyện. - Tổng thống vừa cho chúng tôi biết rằng cô muốn thông báo với chúng tôi một sự kiện nóng hổi. Chương 33 Nhà cổ sinh vật học Wailee Ming thích thú ngồi trong bóng tối, trầm tư suy nghĩ. Sự kiện sắp diễn ra tối nay đang khiến từng thớ thịt trong người ông rạo rực. Chẳng mấy chốc mình sẽ là nhà cổ sinh vât nổi tiếng nhất thế giới. Ông ta hi vọng Micheal Tolland sẽ hào phóng đưa phần phát biểu của ông vào bộ phim tài liệu của mình trong tương lai thì mặt băng dưới chân rung nhẹ khiến ông nhảy dựng lên. Sống lâu ngày ở vùng Los Angeles nhiều động đất nên ông trở nên cực kỳ nhạy bén với mọi rung động của mặt đất Tuy nhiên, lúc này ông ta cho rằng những rung động này là hoàn toàn bình thường. Chẳng qua là do băng nứt ra thôi mà, ông ta thở phào, tự trấn an. Nhưng Ming vẫn không thể quen hẳn với hiện tượng này. Đêm nào cũng có vài tiếng nỏ kèm theo rung động nhẹ do một tảng băng hà lớn đã đứt gãy ra ở đâu đó trên dòng sông băng rộng lớn để trôi ra biển. Norah đã miêu tả hiện tượng này với những ngôn từ thật hoa mỹ. Những núi băng mới đang chào đời… Ông Ming đứng lên và vươn vai. Ông đưa mắt nhìn bao quát bán sinh quyển, và dưới ánh đèn trường quay rực rỡ, ai nấy đang chuẩn bị cho chương trình phát sóng. Ông không phải là kiểu người hợp với hội hè đàn đúm nên đã một mình tìm chỗ kín đáo này. Khu làm việc vắng tanh trong bán sinh quyển lúc này như mang dáng dấp ma quái, thậm chí còn có vẻ khá thê lương. Một luồng hơi lạnh phả tới, và ông cài cúc áo khoác lên tận cằm. Xa xa trước mắt ông là lỗ hống trên băng, vết tích đường đi lên của tảng thiên thạch. Giàn giáo khổng lồ đã được dỡ đi, còn lại cái hố sâu nằm đơn độc, bao quanh bởi những chiếc cọc hình tháp. Ông Ming đi thơ thẩn đến bên cái hố, dừng lại ở khoảng cách an toàn, và quan sát hố nước sâu hai trăm foot đang nằm im lìm. Rồi nước sẽ mau chóng đông lại, và sẽ chẳng còn lại chút dấu vết nào của con người ở nơi này. - Cái ao con này quả là một cảnh đẹp, dù là trong đêm tối, ông ta thầm nghĩ. Trong bóng đêm trông càng đẹp. Ông ta hơi phân vân, rồi sau đó quả quyết. - Có vấn đề rồi. Chăm chú quan sát hố nước, ông ta bắt đầu cảm thấy băn khoăn. Ming dụi mắt, nhìn lại cái hố một lần nữa, rồi đưa mắt nhìn chăm chú toàn bộ toà nhà lớn…, nhìn đến khu báo chí đang rộn ràng cach đó 50 mét. Ông ta biết ở khoảng cách này trong bóng tối thì không ai có thể trông thấy mình. Không biết có nên nói cho ai đó biết chuyện này không? Rồi ông ta quay lại cái hố, băn khoăn không biết nên làm gì. Hay đây chỉ là ảo ảnh? Chỉ là sự phản chiếu kì lạ trên mặt nước thôi? Băn khoăn, ông ta bước qua những chiếc cọc hình tháp, ngồi xuống để quan sát cho rõ. Nước thấp hơn mặt băng bốn foot. Và ông ta rúi hẳn xuống để nhìn. Rõ ràng là có cái gì đó rất lạ. Ông ta vẫn chỉ lờ mờ cảm nhận được nó, nhưng phải đến khi đèn tắt hết thì cái đó mới rõ hẳn. Ông ta đứng phắt dậy. Chắc chắn phải thông báo chuyện này. Ông ta hối hả tiến về phía trung tâm báo chí. Đi mới được mấy bước thì ông ta lại đã đứng khựng lại. Lạy Chúa tôi. Ming quay lại cái hố, tròn mắt nhìn. Giờ thì ông ta đã hiểu ra vấn đề. - Không thể nào! - ông ta thốt lên. Tuy nhiên, ông biết đó là cách giải thích duy nhất hợp lý. Phải nghĩ cho kỹ, Ming tự dặn mình – Chắc chắn phải có một lý do khác hợp lý hơn. Nhưng càng nghĩ, ông ta càng tin chắc vào những gì mình vừa nhìn thấy. Không thể giải thích theo bất kỳ cách nào khác cả! Không tưởng tượng nổi rằng cả NASA lẫn Corky Marlinson có thể bỏ qua chi tiết quan trọng đến thế, nhưng ông ta không lấy thế làm điều. Bây giờ thì đó chính là phát minh của Ming! Sung sướng đến phát run lên, ông ta lao ngay vào khu làm việc gần đó để tìm một cái cốc. Lúc này ông ta cần một ít nước để làm thí nghiệm. Ai mà ngờ được chuyện này cơ chứ! Chương 34 - Với tư cách là chuyên viên tình báo của Chính phủ, - Rachel vừa nói vừa cố giữ cho giọng nói khỏi run rẩy khi phát biểu trước một màn hình đặc kín những mặt người. - công việc của tôi là đến những địa điểm nhạy cảm về chính trị trên khắp thế giới, phân tích tình hình, rồi báo cáo lại cho Nhà Trắng. Một giọt mồ hôi lăn xuống thái dương, Rachel chấm nhẹ. Cô thầm rủa Tổng thống đã giao cho mình nhiệm vụ khó khăn này mà không thèm báo trước lấy một lời. - Trong đời, tôi chưa bao giờ đến một nơi nào lạ lùng đến thế này. - Rachel khoát tay chỉ mọi vật xung quanh. - Chắc quý vị có thể cảm thấy khó tin, nhưng sự thật là tôi đang nói chuyện với quý vị từ một phiến băng hà dày 300 foot phía bắc vòng chí tuyến. Những khuôn mặt trên màn hình bắt đầu có vẻ kinh ngạc. Dĩ nhiên họ biết là phải có lí do thì mới có cuộc họp này trong phòng bầu dục, nhưng không ai tưởng tượng nổi đó lại là câu chuyện liên quan đến một sự kiện tận trên vòng chí tuyến. Mồ hôi lại tiếp tục lăn xuống, Rachel bực bội thầm. Không thể cho phép mình thế này được! Nếu mẹ cô ở trong tình huống này, chắc chắn bà sẽ nói: Khi nào cảm thấy có gì nghi ngờ thì phải nói ra! Câu ngạn ngữ này của người Ankie hoàn toàn đúng với một nguyên tắc sống cơ bản của bà - đó là nói hết sự thật ra rồi thì người ta có thể vượt qua mọi thử thách khó khăn, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Hít một hơi thật dài, Rachel ngồi thẳng dậy trước ống kính camera: - Xin lỗi, có thể quý vị đang tự hỏi vì sao tôi lại toát mồ hôi dù đang ở tận phía bắc vòng chí tuyến… Tôi đang run. Những khuôn mặt trên màn hình hơi có vẻ ngạc nhiên. Một số người cười một cách gượng gạo. - Thêm vào đó, sếp của các vị chỉ báo trước cho tôi có 10 giây đồng hồ, và rồi tôi phải đối thoại tnrc diện với toàn thể nhân viên của Nhà Trắng. Kiểu thử thách như thế này không phải là thứ mà tôi chờ đợi sẽ diễn ra trong chuyến thăm phòng bầu dục lần đầu trong đời. Lần này nhiều tiếng cười hơn. Không những thế, - cô nói tiếp, đưa mắt nhìn xuống tận phía cuối màn hình - tôi không ngờ là mình lại được ngồi bên bàn của Tổng thống, hay nói đúng ra là trên bàn! Câu nói này mang lại những tiếng cười vui vẻ thật lòng. Các cơ bắp Rachel bắt đầu gĩan ra, và cô thấy thư gĩan. Cứ việc nói thẳng hết với họ. - Tình hình là như sau. - Lúc này thì giọng nói của Rachel đã trở lại bình thường. Rõ ràng và thoải mái. Trong những tuần vừa qua, Tổng thống Herney không thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, không phải là vì ông không đoái hoài gì đến chiến dịch tranh cử, mà là vì còn bận bịu với một vấn đề khác mà ông tin rằng quan trọng hơn chuyện bầu cử nhiều. Rachel ngừng lời, đưa mắt nhìn thính giả. Tại phiến băng Milne ở Cực Bắc, người ta đã phát hiện thấy một thứ. Vào lúc tám giờ tối nay, Tổng thống sẽ công bố phát kiến này cho toàn thế giới được biết. Phát kiến này là của một nhóm công dân Hoa Kỳ gần đây đã phải trải qua những tình huống không lấy gì làm dễ chịu. Đã đến lúc vận rủi của họ chấm dứt. Tôi đang nói đến NASA. Các vị có thể tự hào vì Tổng thống của chúng ta, với một niềm tin sáng suốt, đã kiên định ủng hộ NASA ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Giờ đây, có lẽ sự kiên định của Tổng thống được đền đáp. Lúc này Rachel mới thực sự cảm nhận được tầm quan trọng lịch sử của giây phút này. Cổ họng cô như muốn nghẹn lại, Rachel nói một cách khó khăn. - Với tư cách là nhân viên ngành tình báo chuyên về tổng hợp và phân tích tin, tôi là một trong số ít người đã được Tổng thống mời đến để xác minh phát kiến của NASA Tôi đã đích thân xem xét đồng thời tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, cả những người làm việc cho NASA lẫn những người khác, những người có bản lĩnh khoa học vững vàng và không thể bị ảnh hưởng của các yếu tố chính trị. Theo nhận định của cá nhân tôi thì những gì tôi sắp trình bày là thật và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định kiến nào. Không những thế, cá nhân tôi nghĩ rằng, với niềm tin dành cho nhân viên của mình và nhân dân Mỹ, Tổng thống đã tỏ ra hết sức thận trọng. Dù rất vui mừng muốn thông báo tin này từ tuần trước, nhưng ông đã không làm thế. Rachel thấy những người trên màn hình ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Tất cả đều hướng về phía cô, ánh mắt chăm chú chờ đợi. Cô đã thu hút được sự chú ý của họ. - Thưa các quý ông, quý bà, tin là sau khi tôi trình bày xong, các vị sẽ đồng ý với tôi rằng đây là thông tin quý giá nhất được bàn đến trong toàn bộ lịch sử của phòng bầu dục này. Chương 35 Hình ảnh được robot truyền về trại của Đội Delta trông chẳng khác gì trích đoạn của một bộ phim mà người ta đem đến dự liên hoan phim - khung cảnh mờ tối, lỗ thủng trên băng lấp loá nước, một người châu Á ăn vận rất đàng hoàng đang nằm xoài trên mặt băng, chiếc áo khoác lông lạc đà to xù trông như hal cái cánh. Rõ ràng là ông ta đang cố lấy nước ở dưới hố lên. - Phải chặn ông ta lại. - Delta-Ba nói. Delta-Một gật đầu đồng ý. Phiến băng Milne mang trong nó bí mật mà họ được giao nhiệm vụ phải bảo vệ. - Chặn ông ta thế nào bây giờ? - Delta-Hai hỏi, tay vẫn cầm cần điều khiển. - Những robot này làm gì có vũ khí. Delta-Một nhíu mày. Chiếc vi robot đang bay trong bán sinh quyển thuộc loại hình thu nhỏ để thích hợp với những chuyến bay dài. Khả năng tấn công của nó chẳng hơn gì con muỗi. - Phải báo cáo với chỉ huy. - Delta-Ba nói. Delta-Một chăm chú nhìn nhà khoa học Wailee Ming đơn độc đang ngồi ngay trên mép hố nước. Xung quanh không một bóng người, và cái lạnh của Bắc Cực còn có tác dụng làm giảm độ vang của âm thanh. - Đưa gậy điều khiển cho tôi. - Anh định làm gì? - Người lính đang cầm cần điều khiển, hỏi. - Làm việc mà chúng ta đã được huấn luyện kỹ. - Delta-Một giật lấy cần - Phải tự ứng biến. Chương 36 Wailee Ming nằm sấp bên hồ nước, tay phải vươn qua mép hố, cố lấy nước lên làm mẫu. Ông không nhìn nhầm. Lúc này, cách mặt nước chỉ chừng một mét, mọi thứ rõ mồn một. Không thể tưởng tượng nổi! Vươn người thêm chút nữa, ông ta cố với xuống mép nước. Chỉ còn vài inch nữa là tới. Không thể vươn tay dài hơn nữa, ông ta nằm xuống gần mép hố hơn. Ming bấm mũi ủng xuống mặt băng, tay trái bám chặt mép hố. Ông ta lại cố vươn tay phải xuống thật sâu. Cần chạm. Ông ta nhích tới thêm một chút nữa. Được rồi! Miệng cốc đã chạm được đến mặt nước. Nước bắt đầu chảy vào cốc, và ông ta kinh ngạc quan sát. Rồi, thật bất ngờ, việc đó xảy ra. Một mảnh kim loại bé tí tẹo từ bóng tối lao thẳng ra như một hòn đạn, ông ta mới thoáng thấy nó được một tích tắc thì đã bị nó bay vào mắt phải. Bản năng bảo vệ mắt của loài người thật mạnh mẽ, cho nên mặc dù lí trí bảo Ming rằng bất kỳ cử động bất thình lình nào cũng sẽ khiến ông ta bị mất thăng bằng, ông ta co rúm người lại. Đó là một phản ứng vì ngạc nhiên chứ không phải vì bị đau. Tay trái của ông ta, vì ở gần mắt nhất, giơ lên để che bên mắt bị tấn công. Vừa đưa tay lên. Ming đã nhận ra ngay sai lầm rửa mình. Toàn bộ sức nặng của cơ thể vốn đã dồn về phía trước, giờ lại mất điểm tựa, ông ta lảo đảo. Nhà cổ sinh học phản ứng quá muộn. Ông ta vứt bỏ cái cốc bấu chặt vào bờ mép - nhưng không kịp - Ming ngã nhào xuống cái hố đen ngòm. Mặt nước chỉ cách bờ có bốn foot, nhưng vì ngã dúi đầu xuống nên ông ta tưởng như vừa đâm đầu xuống vỉa hè với vận tốc năm mươi dặm một giờ. Làn nước giá lạnh trùm kín mặt ông ta giá buốt đến mức tưởng như đó là axit bỏng. Cảm giác hãi hùng ngay lập tức ùa đến. Đầu chúc xuống, trong bóng tối mịt mùng, lúc đầu ông ta không biết phải lên hướng nào. Chiếc áo khoác lông lạc đà ngăn không cho nước lạnh tràn vào người, nhưng chỉ được một hai giây. Nổi được đầu lên. Ông ta thở gấp, và đó ung là lúc nước ùa vào đến ngực và lưng, cái lạnh bó lấy cơ thể như gọng kìm thép. - C… ứ… u…! Ông ta hổn hển, nhưng không đủ sức để hét to lên. Ming thấy cơ thể đã cạn hết sinh khí. "Cứ…u!" Ngay cả chính ông ta cũng không thể nghe thấy tiếng kêu của mình. Ông nhoài về phía mép lỗ băng và cố bò lên. Nhưng trước mặt là bức tường băng dựng đứng. Không bám được vào đâu, ông ta đạp mạnh chân vào băng, cố tìm một điểm tựa. Không được ông ta cố vươn lên mép hố, chỉ một foot nữa là chạm. Cơ bắp của ông ta bắt đầu phản xạ kém đi. Ming cố quẫy mạnh hai chân, vươn người lên để bấu vào miệng hố. Cơ thể nặng như đá đeo, hai buồng phổi co thắt lại như thể một con mãng xà lớn đang quấn chặt lấy ông ta. Sau vài giây, chiếc áo khoác sũng nước bắt đầu kéo ông ta chìm xuống. Ông ta tìm cách rũ bỏ chiếc áo, nhưng không thể. - Cứu tôi với…! Cảm giác hãi hùng bây giờ bủa vây tứ phía. Ông ta đã đọc ở đâu đó rằng chết đuối là cái chết đáng sợ nhất. Và nhà cổ sinh vật xấu số không thể tưởng tượng được ông ta sẽ có ngày trải qua cảm giác đó. Các cơ bắp lúc này không còn tưân theo chỉ đạo của não bộ nữa, và ông ta cố gắng vẫy vùng để giữ cho đầu khỏi bị chìm. Trong khi những ngón tay lạnh buốt cố bám vào thành của cái bẫy băng, bộ quần áo nặng trịch cứ lôi ông ta xuống. Lúc này những tiếng kêu thét chỉ còn là những tiếng vang trong tâm trí ông ta mà thôi. Và rồi điều đó đã xảy đến. Ông ta bị chìm. Người đàn ông châu Á này không bao giờ tưởng tượng sẽ có ngày mình phải trải qua cảm giác kinh hãi khi thấy cái chết đang ập đến, ấy thế mà chính nó đang hiện hữu… Ông ta chìm dần xuống đáy hố băng sâu hai trăm foot. Muôn vàn ý nghĩ vụt qua tâm trí. Những khoảnh khắc ấu thơ. Sự nghiệp. Nỗi băn khoăn không hiểu người ta có tìm thấy xác nình không, hay thân xác ông ta sẽ chìm sâu xuống đáy, và vĩnh viễn sẽ bị vùi lấp trong lăng mộ băng hà này. Hai lá phổi căng ra đòi khí ô xy. Nhưng Ming cố nhịn thở, đồng thời quẫy đạp để nhô lên mặt nước. Hít thở. - Cố chống lại bản năng ấy, ông mím chặt môi. Hít thở. - Những nỗ lực vô vọng để ngoi lên. Hít thở. - Trong thoáng chốc, ông không thể nào chống lại bản năng của mình được nữa, bản năng hít thở đã chiến thắng trong cuộc chiến sinh tử với nỗ lực của ý chí bắt đôi môi phải mím chặt lại. Wailee Ming hít thở. Nước ùa vào phổi, chẳng khác gì một loại dầu bỏng rát ập vào những mô cơ dễ tốn thương bên trong buồng phối. Như thế ông đang bị lửa đốt từ bên trong cơ thể. Tai ác thay, nước không làm người ta chết ngay tắp lự. Những giây khắc hít nước vào trong phổi mới khủng khiếp làm sao, càng thở càng đau đớn, càng thở càng không có được thứ mà cơ thể đang đòi hỏi khẩn thiết. Cuối cùng, ông Ming chìm sâu hẳn xuống khoảng tối tăm lạnh lẽo bất tỉnh. Ông thấy sung sướng được giải thoát. Trong màn nước đen thẳm xung quanh như có muôn vàn đốm sáng li ti. Đó là cảnh tượng đẹp nhất mà ông từng nhìn thấy trong đời. Chương 37 Cổng phía đông của Nhà Trắng toạ lạc trên đại lộ Hành Pháp, giữa Bộ Tài chính và bãi cỏ Đông. Hàng rào và những cọc bê tông mới được xây dựng thêm sau khi những doanh trại thuỷ quân lục chiến ở Beirut bị tấn công, khiến cho khu này mất hẳn vẻ hiểu khách vốn có của nó. Đứng ngoài cổng, Gabrielle Ashe xem đồng hồ tay, bắt đầu cảm thấy mỗi lúc một thêm bồn chồn. Đã 4g45, và vẫn chưa có ai đến. CỔNG PHÍA ĐÔNG, 4G30. ĐẾN MỘT MÌNH. Tôi đến rồi đây. Cô thầm nghĩ. Sao chẳng thtíy ai hết? Gabrielle quan sát những khách du lịch đi lướt qua, mong chờ có người sẽ đáp lại ánh mắt dò tìm rủa mình. Một số người đàn ông nhìn cô, nhưng rồi đi tiếp. Gabrielle bắt đầu nghĩ có lẽ cô đã sai lầm khi đến đây. Và lúc này, hình như người lính mật vụ đang đứng trong vọng gác bắt đầu để ý đến cô. Gabrielle bắt đầu nghĩ rằng người đưa tin đã đổi ý. Vì thế, ngước nhìn lần cuối cùng dinh Tổng thống bên trong hàng rào, cô thở dài và quay gót. - Cô Gabrielle Ashe phải không? - Người lính gác gọi với theo. Gabrielle quay lại, trả lời thất thần. - Sao cơ? Người đàn ông trong bốt gác vẫy vẫy tay. Người này có khuôn mặt khá nghiêm nghị, dáng hơi gầy. - Đối tác của cô đã sẵn sàng làm việc với cô. - Anh ta mở khoá cổng và ra hiệu bảo cô vào trong. Chân Gabrielle không muốn bước: - Tôi phải vào trong à? Người gác cổng gật đầu: - Người đó nhờ tôi xin lỗi giùm vì đã để cô phải đợi. Gabrielle nhìn cánh cổng đã mở sẵn, vẫn không muốn bước lên. Có chuyện gì thế này? Gabrielle không ngờ sự việc lại tiến triển theo hướng này. - Cô là Gabriell Ashe đúng không? - Người gác cổng hỏi lại, lần này có vẻ đã nôn nóng. - Vâng, đúng là tôi, nhưng mà… - Tôi khẩn thiết đề nghị cô hãy đi theo tôi. Gabrielle bước theo anh ta một cách miễn cưỡng. Cô vừa ngập ngừng bước thì hai cánh cổng đã đóng sập lại ngay sau lưng. Chương 38 Hai ngày ròng rã không có mặt trời đã khiến cho nhịp sinh học trong cơ thể Micheal Tolland bị xáo trộn. Dù theo đồng hồ mới là lúc chiều muộn, cơ thể ông cứ một mực đang là lúc nửa đêm. Ông vừa hoàn tất bộ phim tài liệu của mình, copy tất cả bộ phim sang một đĩa số hoá, và đang đi ngang qua khu nhà lờ mờ tối. Đến khu báo chí sáng rực rỡ, ông giao chiếc đĩa cho một nhân viên kỹ thuật truyền hình của NASA được giao nhiệm vụ phụ trách bộ phim. Anh ta giơ chiếc đĩa lên và nói: - Cảm ơn Mike. Đây chắc là thứ ai cũng muốn xem lấy một lần trong đời đây. Tolland cười mệt mỏi: - Tôi hi vọng Tổng thống hài lòng. - Dĩ nhiên ông ấy sẽ hài lòng. Xong việc rồi, ngồi đây thư gĩan với chúng tôi một chút nào. - Thôi cảm ơn cậu. Đứng giữa khu báo chí sáng trưng, Tolland đưa mắt quan sát đội ngũ nhân viên của NASA đang vui vẻ tiệc tùng. Dù rất muốn nhập bọn với họ, ông cảm thấy kiệt sức, đầu óc mụ mị. Ông đưa mắt tìm Rachel Sexton, nhưng có lẽ cô vẫn còn đang trao đổi với ngài Tổng thống. Ông ta muốn Rachel xuất hiện trên truyền hình, ông thầm nghĩ. Và cũng chẳng có gì đáng chê trách; Rachel là một điểm nhấn hoàn hảo cho đội ngũ phát ngôn viên về tảng thiên thạch. Bên cạnh dáng vẻ kiều diễm, Rachel có phong thái tự tin và đĩnh đạc mà rất ít phụ nữ có được. Dù sao thì hầu hết những phụ nữ mà ông thường tiếp xúc đều làm bên truyền hình - một là những người có quyền lực nhưng tàn nhẫn, hai là những "ngôi sao" cực kỳ ăn ảnh - và cái cô có chính là thứ họ luôn thiếu. Rút lui khỏi đám nhân viên NASA đang vui vẻ cười nói, ông băng qua những hành lang ngoằn ngoèo hệt như mê cung của toà nhà, và băn khoăn không biết các nhà khoa học dân sự khác đã biến đi đằng nào hết. Nếu chỉ can cảm thấy mệt bằng một nửa ông bây giờ, chắc họ đã đến khu phòng ngủ để tranh thủ chợp mắt trước khi buổi truyèn hình bắt đầu. Xa xa phía trước. Ông thấy những chiếc cọc hình nón SHABA xung quanh hố băng. Đứng dưới mái vòm trơ trọi của toà nhà, những ký ức xa xăm như vọng về một cách ma quái Tolland cố không để chúng tràn lấp tâm trí mình. Quên những bóng ma ấy đi, nhà hải dương học tự nhủ. Mỗi khi ông mệt mỏi hoặc thấy cô đơn như lúc này, chúng lại thường ùa về. Giá có nàng ở bên mình thì hạnh phúc biết bao, giọng nói trong tâm trí cứ rỉ rả. Trong bóng đêm, cô đơn, tâm trí ông chợt tìm về dĩ vãng. Celia Birch và ông yêu nhau hồi cả hai cùng học cao học. Vào một ngày Valentine, ông mời nàng đi ăn tối ở nhà hàng mà họ cùng yêu thích. Sau món chính, người bồi bàn bưng ra món tráng miệng bông hồng duy nhất và chiếc nhẫn kim cương. Celia hiểu ngay. Mắt ngấn lệ, nàng khẽ nói một lời mà thôi, và mang lại cho trái tim Tolland cảm giác ngất ngây hạnh phúc mà ông sẽ nhớ mãi đến lúc đau bạc răng long. - Vâng. Với bao ước vọng tươi đẹp, họ mua một ngôi nhà nhỏ gần Pasadena, và Celia trở thành giáo viên. Dù thu nhập chẳng đáng là bao, đó vẫn là bước khởi đầu tốt đẹp, và ngôi nhà cũng rất gần Viện Hải dương học San Diego, nơi Tolland đã được nhận vào làm. Vì công việc. Ông thường phải vắng nhà mỗi lần từ ba đến bốn ngày, nhưng mỗi giây phút họ được bên nhau đều tràn đầy hạnh phúc. Mỗi chuyến công tác, Tolland thường quay lại những chuyến thám hiểm của mình. Một lần, ông mang về nhà đoạn phim quay một chú cá mực lớn nhìn thấy từ cửa sổ tàu ngầm - một loài cá mực chưa ai nhìn thấy bao giờ. Vừa quay, ông vừa say sưa bình luận, từng lời nói bên máy quay trong chiếc tàu ngầm ấy đều toát lên niềm say mê. Có thể khẳng định rằng có tới hàng ngàn loài sinh vật ởđ ộ sâu này, giọng ông say sưa, chưa hề được con người biết đến! Chúng ta chỉ mới biết sơ qua về mặt biển mà thôi! Ở độ sâu này có biết bao điều kỳ thú đợi con người xuống khám phá! Những lời giải thích súc tích cùng với sự say mê của chồng đã khiến Celia bị mê hoặc. Cô chợt nảy ra ý định đem đoạn phim đến chiếu cho học sinh xem, và bọn trẻ cũng say mê không kém. Các giáo viên khác cũng mượn đoạn phim để chiếu cho học sinh của họ. Các bậc phụ huynh thì muốn sao lại chiếc đĩa. Dường như ai nấy đều háo hức đợi đoạn phim tiếp theo của Micheal. Thế là Celia lại nảy ra một ý mới. Cô liên lạc với người bạn học của hai người ở đài NBC và gửi đoạn phim đến đó. Sau đó hai tháng, một hôm Micheal Tolland rủ vợ đi dạo một vòng trên bờ biển Kingman. Đối với hai người, đó là bãi biển đặc biệt, nơi đã chứng kiến tất cả những hi vọng và mộng mơ của đôi uyên ương trẻ tuổi. - Anh có chuyện này muốn nói em nghe. - Tolland nói. Celia dừng bước để cho những con sóng nhẹ mặc sức mơn man đôi bàn chân xinh xắn, nắm chặt tay chồng: - Gì vậy anh? Tolland nói như reo: - Tuần trước, đài NBC đã gọi cho anh. Họ đề nghị anh đứng ra chủ biên một loạt phim tài liệu về đại dương. - Tuyệt quá! - Họ bảo muốn thử nghiệm chương trình đầu tiên ngay đầu năm sau! Em thấy thế nào? Khuôn mặt Celia bừng sáng, nàng hôn Tolland: - Anh giỏi lắm, anh yêu. Sau đó sáu tháng, một hôm, đang chèo thuyền cùng Tolland gần Catalina thì Celia thấy đau ở mạng sườn. Vài tuần sau đó cơn đau vẫn không hết, nhưng cả hai vẫn cố không chú ý đến nó. Nhưng rồi những cơn đau trở nên không thể chịu đựng nổi, và cô đi khám. Bao mộng mơ của Tolland về cuộc sống vợ chồng phút chốc tan thành mây khói. Nàng ốm, ốm nặng. - Bệnh lym-pho-ma ở dạng đã tiến triển. - Bác sĩ kết luận. - Bệnh rất hiếm gặp ở tuổi của nàng, nhưng đã có người bị rồi. Hai vợ chồng đến vô số bệnh viện, hỏi không biết bao nhiêu chuyên gia. Nhưng câu trả lời họ nhận được thì chỉ có một. Không thể chữa được. Anh quyết không đầu hàng đâu! Ngay lập tức, Tolland bỏ việc ở viện Hải dương học, quên phắt những bộ phim tài liệu cho đài NBC, dồn hết tâm lực để giúp đỡ Celia. Nàng cũng rất kiên cường chịu đựng mọi đau đớn, và chính vì thế mà ông càng yêu nàng gấp bội. Ông dắt vợ đi dạo trên bờ biển Kingman, tự tay nấu cho nàng những món ăn bổ dưỡng, chuyện trò với nàng về những gì hai người sẽ cùng thực hiện khi nàng khỏi bệnh. Nhưng sự việc không như họ ao ước. Chỉ sau bảy tháng, Micheal Tolland đã phải chứng kiến người vợ yêu dấu của mình hấp hối trong bệnh viện ông thậm chí không thể nhìn thấy những đường nét yêu dấu trên khuôn mặt nàng. Sức tàn phá của căn bệnh ung thư quái ác quả là khủng khiếp. Nàng chỉ còn da bọc xương. Những giờ khắc cuối cùng mới nghiệt ngã làm sao. - Micheal. - Nàng gọi anh, giọng yếu ớt. - Đến lúc em phải ra đi rồi. - Đừng em! - Hai mắt ông đẫm lệ. - Anh sẽ tiếp tục sống - Celia nói - anh phải sống tiếp. Hãy hứa với em là anh sẽ tìm cho mình một tình yêu mới. - Anh sẽ chẳng bao giờ yêu bất kỳ ai khác. - Và đó là sự thật. - Rồi anh sẽ học được cách quên em đi. Celia ra đi vào một ngày chủ nhật quang đãng giữa tháng sáu. Michael Tolland thấy mình chẳng khác nào một con tàu giữa biển khơi cuồng nộ, la bàn gãy nát, dây neo đứt tơi tả. Có những tuần ông như muốn phát điên lên. Bạn bè ai cũng muốn giúp, nhưng Tolland quá tự trọng, và không chịu để cho ai thương hại mình. Mình cần phải lựa chọn, cuối cùng ông cũng tự nhận ra, hoặc là làm việc, hoặc là chết. Dằn trái tim đau lại, ông lao vào Đại dương kỳ thú. Và chính chương trình ấy đã cứu vớt cuộc đời ông. Trong vòng bốn năm tiếp theo đó, những bộ phim của ông đã cất cánh: Dù bạn bè đã nhiều lần mai mối, ông chẳng duy trì nổi mối quan hệ nào cho ra hồn. Mỗi lần hẹn hò là một lần thêm thất vọng, cuối cùng ông thôi không hẹn hò nữa, và đổ tại lịch làm việc sít sao nên bản thân mình không thể duy trì được các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiện, những người bạn thân của ông thì hiểu; đơn giản là Michael Tolland vẫn chưa sẵn sàng. Lỗ thủng trên băng do tảng thiên thạch để lại giờ ở ngay trước mắt Tolland, bứt ông khỏi những suy nghĩ đau đớn. Ông gạt những ký ức giá buốt ấy ra khỏi tâm trí, đến bên cái hố sâu. Trong toà nhà mái vòm mờ tối, mặt nước bên trong miệng hố chợt ánh lên vẻ đẹp siêu thực và ma mị. Nước trong hố lấp loáng như cái ao trăng. Những gợn sáng lóng lánh trên bề mặt chợt thu hút sự chú ý của ông, như thế có người đã rắc lên đó thứ bột lóng lánh màu xanh lục. Ông chăm chăm nhìn mặt nước lấp loá… Có cái gì thật kỳ lạ. Thoạt nhìn ông tưởng những gợn lấp loá kia là do phản chiếu ánh sáng của những ngọn đèn bên trong bán sinh quyển. Nhưng giờ ông đã nhận ra không phải thế. Mặt nước này lung linh ánh sáng màu lục, và như thể nó đang hít thở một cách nhịp nhàng, như thế mặt nước là một cơ thể sống, và đang tự toả sáng. Băn khoăn, ông vượt qua những chiếc cọc hình nón để nhìn gần hơn. Từ chái nhà đối diện của bán sinh quyển, Rachel bước từ trong phòng PSC ra ngoài trời tối. Bị mất phương hướng trong bóng tối, cô dừng lại giây lát. Lúc này bán sinh quyển chẳng khác gì cái hang lớn và nguồn sáng duy nhất là những tia sáng rực rỡ hắt ra từ khu báo chí bên bức tường phía bắc. Cảm thấy bất an trong bóng tối, cô hành động theo bản năng, tiến về phía có ánh sáng. Rachel cảm thấy khá hài lòng về hiệu quả của báo cáo vừa rồi trước nhân viên Nhà Trắng. Lấy lại được bình tĩnh sau những tiểu xảo bất ngờ của Tổng thống, cô trình bày trôi chảy những gì mình biết về tảng thiên thạch. Vừa nói, cô vừa quan sát vẻ mặt những cộng sự của ngài Tổng thống chuyển dần từ kinh ngạc sang tin tưởng lạc quan, và cuối cùng là sự nể phục tuyệt đối. - Sự sống trên vũ trụ à? - Một người trong số họ thốt lên. - Nghĩa là gì thế? - Đơn giản thôi, - người khác đáp lời, - chúng ta sẽ thắng cử. Chân bước về phía khu báo chí, Rachel nghĩ đến giây phút sự kiện này được công bồ, không thể không tự hỏi liệu cha cô có đáng bị cỗ xe tranh cử của ngài Tổng thống đè bẹp chỉ bằng một cú ra đòn hay không. Dĩ nhiên, câu trả lời là có. Mỗi khi thấy mềm lòng trước cha mình, Rachel chỉ cần nhớ đến mẹ cô. Catherine Sexton. Những nỗi đau, những tủi nhục mà ông ta bắt mẹ cô phải chịu đựng thật là khủng khiếp… Đêm nào ông cũng về nhà muộn, say xỉn, người sặc sụa mùi nước hoa. Luôn mồm nói dối, tán gái liên tục, nhưng ông ta lại luôn tỏ ra vô cùng ngoan đạo, vì biết Catherine sẽ không bao giờ li dị. Có đấy, cô quả quyết, Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton bị như thế là đáng đời lắm. Đám người trưng khu báo chí thật vui nhộn. Ai nấy cũng hồ hởi cụng li. Rachel len qua đám đông, tưởng như mình lại trở thành cô nữ sinh năm thứ nhất lần đầu bước chân vào phòng ăn của trường đại học. Cô thắc mắc không biết Michael Tolland biến đâu mất. Corky Marlinson đột nhiên đứng lù lù ngay cạnh cô. - Cô đang tìm Mike phải không?. Rachel hơi giật mình: - À…, không…, không hẳn như thế. Corky lắc đầu không tin: - Tôi biết chứ. Mike vừa mới đi khỏi đây xong. Có khi anh ta tranh thủ chợp mắt một lát rồi cũng nên. Ông ta đưa mắt nhìn khắp ngôi nhà mái vòm mờ tối. - Mà biết đâu vẫn có thể tìm được anh ta cũng nên. - Rồi ông ta mỉm cười tinh quái và đưa tay chỉ - Lúc nào nhìn thấy nước mà anh chàng chả như bị thôi miên. Rachel nhìn theo hướng tay chỉ của ông ta, và thấy bóng Michael Tolland bên miệng hố sâu, đang chăm chăm nhìn mặt nước. - Anh ấy làm gì thế? - Cô hỏi. - Chỗ đó nguy hiểm lắm. Corky cười ngoác: - Có khi đang tìm xem có lỗ rò nào không đấy! Ta ra đấy đi. Hai người băng qua toà nhà tối, đến bên cái hố. Gần đến nơi, Corky gọi lớn: - Này, gã người nhái kia, quên bộ đồ lặn ở nhà à? Tolland quay lại. Dù trong bóng tối. Rachel ngay lập tức nhận thấy vẻ mặt của Mike rất đăm chiêu. Các đường nét trên khuôn mặt được chiếu sáng theo kiểu gì đó rất kỳ dị, như thế ánh sáng phát ra từ đâu đó dưới chân ông. - Ổn cả chứ anh Mike? - Cô hỏi. - Hình như có vấn đề. - Ông chỉ tay xuống mặt nước. Corky bước qua những chiếc cọc, đứng cạnh Micheal bên miệng hố. Nhìn xuống nước, ông ta chợt mất hẳn vẻ bông lơn cười cợt. Rachel cũng bước qua những chiếc cọc, đến bên họ. Nhìn xuống hố, cô ngạc nhiên thấy muôn vàn gợn nhỏ màu xanh lục lóng lánh. Y như bụi nê ông đang trôi nổi trên mặt nước. Một vẻ đẹp mê hồn. Tolland nhặt mảnh băng vỡ và quăng xuống nước. Những gợn sóng nước phát sáng như lân tinh, ánh những tia màu xanh bất chợt. - Mike này, - Corky nói, vẻ không thoải mái - anh biết đó là cái gì đúng không? Tolland, nhăn trán: - Dĩ nhiên tôi biết đó là cái gì, nhưng không thể hiểu thế nào mà nó lại ở đây. Chương 39 - Khuẩn hình roi đấy. - Tolland vừa đăm đắm nhìn xuống mặt nước sáng lóng lánh vừa nói. - Này anh chàng ngạo mạn kia, nói cho rõ xem nào. - Corky làu bàu. Theo trực cảm của Rachel thì hai người đàn ông này không nói đùa. - Không biết bằng cách nào, - Tolland nói, - nhưng chắc chắn trong nước có những khủng trùng hình roi phát sáng. - Thế có nghĩa là gì? - Rachel hỏi. Nói tiếng Anh đi các vị. - Đó là những sinh vật đơn bào phù du có khả năng oxi hoá một loại chất xúc tác phát quang tên là luceferin. - Đây mà là tiếng Anh sao? Tolland thở dài và quay sang ông bạn của mình: - Corky này, liệu có khả năng tảng thiên thạch chúng ta vừa lôi lên có chứa các sinh vật đang sống không nhỉ? Corky cười phá lên. - Này Mike, đừng có đùa nữa. - Tôi đâu có đùa. - Không thể nào, Mike ạ. Cậu cứ tin tôi đi, nếu NASA biết là có những sinh vật có xuất xứ vũ trụ sống trong tảng thiên thạch đó thì họ chẳng đời nào lại lôi nó lên làm gì. Tolland có vẻ chỉ thoả mãn phần nào, nhìn mặt ông thì thấy ông còn có những mối nghi ngờ trầm trọng hơn thế nhiều. - Chưa lấy kính hiển vi ra soi thì không thể chắc được, - ông nói, nhưng tôi thấy đây là một chủng khủng trùng phát quang thuộc họ pyrrophyta. Cái tên đó có nghĩa là gỗ lửa. Giống trùng này sống nhan nhản khắp biển Bắc Cực. Corky nhún vai: - Thế thì tại sao anh lại còn phải hỏi tôi chúng có xuất xứ từ vũ trụ hay không? - Bởi vì tảng thiên thạch này bị vùi lấp trong băng tuyết, tức là nước tinh khiết từ trên trời rơi xuống. Và nước trong cái hố này vừa tan ra từ một phiến băng có tuổi đời những ba thế kỷ. Làm cách nào mà những sinh vật biển này lại có mặt ở đây được? Lập luận của Tolland làm cả ba người im lặng hồi lâu. Rachel đứng bên mép hố và cố hiểu những gì nhìn thấy trên mặt nước. Sinh vật phù du phát sáng trong hố băng. Thế có nghĩa là sao? - Chắc chắn bên dưới phải có một vệt nứt. - Tolland nói. - Đó là cách giải thích duy nhất. Những con trùng phát sáng phù du này đã vào đây theo một đường nứt khiến cho nước biển xâm nhập được tới đây. Rachel không hiểu. - Thâm nhập vào à? Từ đâu? - Cô nhớ lại cuộc đi trên chiếc xe IceRover. - Chỗ này cách bờ biển phải đến hai dặm cơ mà? Cả hai người đàn ông quay sang nhìn Rachel với ánh mắt rất khác lạ. - Thực ra thì, - Corky nói – biển ở ngay dưới chân chúng ta đấy Phiến băng này đang nổi trên mặt nước. Rachel sững sờ nhìn họ, lòng bối rối. - Đang nổi bổng bềnh ư? Chẳng phải chúng ta đang ở trên sông băng hay sao? Đúng là chúng ta đang ở trên sông băng, - Tolland đáp, nhưng không ở trên đất liền. Nhiều khi sông băng chảy mạnh và kéo dài ra tận ngoài biển. Và bởi băng nhẹ hơn nước, nên nó cứ tiếp tục nở ra, nở xoè ra biển như một mảng băng khổng lồ. Đó chính là định nghĩa của phiến băng đấy…, phần nổi trên nước của một sông băng. - Ông ta ngừng một lát. - Thật ra thì chúng ta đang đứng cách đất liền khoảng một dặm. Bị sốc. Rachel ngay lập tức cảm thấy bất an. Điều chỉnh lại toàn cảnh bức tranh của những gì xung quanh, cô chợt có cảm giác lo sợ. Tolland dường như cảm nhận được sự sợ hãì của Rachel. Ông ta dậm mạnh chân lên mặt băng để trấn an cô. - Cô đừng sợ, phiến băng này dày những ba trăm foot, tức là có độ dày bằng hai trăm chiều dài một bàn chân, và nổi lềnh bềnh như cục đá trong cốc nước. Các phiến băng thường rất ổn định. Xây cả một toà nhà chọc trời ở đây còn được nữa là. Rachel gật đầu yếu ớt, vẫn không tin hẳn. Cùng với cảm giác hoảng hốt, cô bắt đầu hiểu giả thuyết của Tolland về sự xuất hiện của những sinh vật phù du này. Có nghĩa là ông ấy cho rằng có một vết nứt gãy chạy dài từ mặt biển lên tới tận đây, cho nên những sinh vật này mới xâm nhập được. Có lý, Rachel nghĩ, tuy nhiên vẫn còn một nghịch lý khiến cô băn khoăn. Norah Mangor quả quyết rằng phiến băng này rất hoàn hảo, chị ta đã khoan rất nhiều lỗ để kiểm tra cơ mà. Cô ngước nhìn Tolland. - Tôi nghĩ rằng sự toàn vẹn của phiến băng là dữ liệu căn bản nhất để tính niên đại của nó. Chẳng phải tiến sĩ Mangor đã khẳng định là không có vết nứt nào hay sao? Corky nheo mày: - Cũng có thể nữ hoàng băng tuyết có sai sót. Đừng có nói ầm lên thế, Rachel thầm nghĩ, nếu không ông lại bị người ta phi dao nhọn vào lưng bây giờ. Tolland vừa gãi gãi cằm vừa quan sát những con khủng trùng phát sáng. - Rõ ràng là không còn cách giải thích nào khác. Chắc chắn có một vết nứt. Do trọng lượng của phiến băng tạo ra áp suất đối với mặt biển nên những con trùng này đã bị đẩy lên đây. Vết nứt mắc dịch. Rachel thầm nghĩ. Nếu phiến băng này có độ dày ba trăm foot, và tảng thiên thạch được lấy lên từ độ sâu hai trăm, có nghĩa là vết nứt phải kéo dài suốt một trăm foot, xuyên qua băng đặc. Những lỗ khoan kiểm tra của Norah Mangor khẳng định là không có vết nứt nào. - Nhờ anh một việc nhé. - Tolland bảo Corky. - Tìm Norah lại đây! Cầu Chúa cho cô ấy biết điều gì đó về phiến băng này nhưng chưa nói cho chúng ta biết. Và nhớ tìm cả ông Ming nữa. Biết đâu ông ấy lại giải thích được hiện tượng này. Corky cất bước. - Cậu nhanh chân lên đấy. - Tolland nói với theo, mắt vẫn không rời cái hố. - Tôi thề với anh rằng những sinh vật này đang nhạt đi nhanh lắm. Rachel nhìn xuống. Quả vậy, màu xanh lúc này không còn sáng rõ như trước nữa. Tolland cởi chiếc áo da khoác trên người ra và nằm rạp xuống miệng hố. Rachel quan sát nhưng không hiểu. - Anh Mike? - Tôi muốn kiểm tra xem có nước mặn lọt vào đây không. - Bằng cách cởi áo ra rồi nằm rạp xuống thế à? - Đúng thế đấy. - Ông ta nằm hẳn xuống mép hố nước. Ông ta giữ một tay áo khoác, thả tay áo kia xuống sâu cho đến khi cổ tay áo bị ướt sũng. - Đây là một phép thử vô cùng chuẩn xác mà các nhà hải dương học tầm cỡ thế giới vẫn sử dụng. Gọi là phép "Liếm chiếc áo ướt". Bên ngoài, trên phiến băng, Delta-Một đang vật lộn với chiếc cần điều khiển, cố giữ cho chiếc robot đã bị hư hại nặng bay là là ngay trên đầu nhóm người đứng bên miệng hố. Nghe những gì họ nói với nhau, anh biết là sự thật sẽ sớm bị lòi ra. - Gọi chỉ huy đi. - Anh ra lệnh. - Có rắc rối lớn rồi đây. Chương 40 Từ khi còn ít tuổi, Gabrielle Ashe đã từng nhiều lần theo những tua du lịch vào thăm Nhà Trắng, lòng thầm ước ao sẽ có ngày được làm việc cùng đội ngũ những con người quyền thế, lập biểu đồ phát triển cho toàn bộ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lúc này cô chỉ ước sao mình đang có mặt tại bất kỳ một nơi nào khác trên hành tinh này. Người nhân viên mật vụ dẫn Gabrielle từ cổng phía đông lại đây đưa cô vào một phòng nghỉ trang hoàng lộng lẫy, và Gabrielle càng băn khoăn không biết người đưa tin cho mình quyền thế đến mức nào. Thật là điên khi đi mời Gabrielle vào tận trong Nhà Trắng. Nhỡ người ta nhìn thấy mình thì sao nhỉ? Gần đây cô rất hay xuất hiện với tư cách là trợ lý đắc lực của Thượng nghị sĩ Sexton. Thế nào cũng có người nhận ra cô. - Cô Ashe phải không ạ? Gabrielle ngước nhìn lên. Một người lính gác với khuôn mặt đôn hậu mỉm cười chào đón cô rất thân thiện. - Xin cô hãy nhìn vào đây! - Anh ta đưa tay chỉ. Gabrielle nhìn theo hướng tay anh ta, và bị luồng sáng loé lên làm loá mắt. - Cảm ơn cô. - Anh ta dẫn cô đến bên bàn và đưa cho Gabrielle cây bút. - Xin cô hãy ghi tên vào cuốn sổ ra vào này ạ. - Anh ta đẩy về phía cô cuốn sổ bìa da dày dặn. Gabrielle nhìn cuốn sổ. Trang giấy trắng tinh mở sẵn trước mặt cô. Cô nhớ đã từng nghe nói rằng những người vào thăm Nhà Trắng đều ký tên trên một trang giấy trắng tinh, để đảm bảo bí mật chuyến viếng thăm của họ. Gabrielle ký tên. Một cuộc hẹn bí mật mà thế này thì thật là quá lắm. Bước qua cửa kiểm tra kim loại, cô thấy chiếc máy chạm nhẹ vào đầu mình. Người lính gác mỉm cười: - Chúc cô một chuyến tham quan như ý thưa cô Ashe. Cô đi theo nhân viên mật vụ dọc theo hành lang khoảng 50 foot và đến bàn kiểm tra thứ hai. Tại đây, người lính gác khác đang ép plastic chiếc thẻ vừa mới được chiếc máy dèn dẹt in ra. Anh ta đục lỗ trên tấm thẻ, luồn dây vào, và lồng vào cổ Gabrielle. Chiếc thẻ vẫn còn ấm. Ẩnh in trên tấm thẻ vừa được chụp trước đó 15 giây ở cuối hành lang. Thật ấn tượng. Ai dám bảo là Chính phủ hoạt động không hiệu quả cơ chứ? Họ đi tiếp, nhân viên mật vụ tiếp tục dẫn Gabrielle đi sâu vào bên trong toà nhà. Càng vào sâu, cô càng cảm thấy không thoải mái. Người đã mời cô tới đây không hề có ý định giữ kín cuộc gặp này. Cô đã có thẻ ra vào, ký tên vào sổ ra vào, và giờ đang bước đi giữa thanh thiên bạch nhật ngay tầng trệt của Nhà Trắng, nơi luôn có rất nhiều khách tham quan lui tới. Và đây là phòng Trung Hoa, - một hướng dẫn viên đang thuyết minh với đoàn khách của mình - nơi bà Nancy Reagan đã để những món đồ sứ mạ vàng có giá tới 953 đô la mỗi bộ, và làm dấy lên cả một cuộc tranh luận về việc tiêu thụ những món đồ có giá trị vào năm 1981. Nhân viên mật vụ dẫn Gabrielle đi ngang qua nhóm khách đó, đến cầu thang hình vòng cung, lại thấy có một nhóm khách du lịch khác. - Các vị sắp lên đến phòng phía đông có diện tích ba ngàn hai trăm foot vuông, - một hướng dẫn viên du lịch khác lại đang thuyết minh - nơi bà Agibai Adams đã từng đem quần áo của ông John Adams tới đó phơi khô. Và chúng ta sẽ đi qua phòng Màu Đỏ, nơi Dolley Madison chuốc rượu các nguyên thủ quốc gia trước khi Tổng thống James Madison mời họ ngồi vào bàn thương lượng. Đám khách cười ầm ỹ. Gabrielle được dẫn lên hết cầu thang, vượt qua không biết bao nhiêu dây chắn và vật chắn đường, tiến sâu hơn nữa vào trong toà nhà. Rồi họ bước vào một căn phòng mà cô mới chỉ được nhìn thấy trên sách báo và ti vi. Gabrielle thớ giốc. Khách du lịch không được phép vào đây. Các bức tường của căn, phòng đều phồng lên tầng tầng lớp lớp những bản đồ thế giới treo chồng lên nhau. Đây chính là nơi Tổng thống Rooservelt ghi lại tiến trình của Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Và buồn thay, đây cũng chính là nơi Tổng thống Clinton giở thói trăng hoa với cô thực tập sinh Monica Lewinsky. Gabrielle gạt những suy nghĩ vẩn vơ ấy khỏi tâm trí. Cái chính là căn phòng này thông với chái bên tây, khu làm việc của những nhân vật thật sự quyền thế. Gabrielle không thể ngờ cô sẽ đặt chân đến nơi này. Cô tưởng những thông tin ấy là của một thực tập sinh vô danh nào đó làm việc ở một khu nào khác gần trần thế hơn kia. Điều đó hiển nhiên là không đúng. Mình đang sang đến chái nhà phía tây… Nhân viên mật vụ dẫn cô đi hết hành lang trải thảm và dừng lại trước căn phòng không có biển đề trên cánh cửa Anh ta gõ cửa. Tim Gabrielle đập thình thịch. - Cửa mở đấy. - Có người bên trong nói vọng ra. Anh ta mở cửa và ra hiệu bảo cô vào bên trong. Gabrielle bước vào. Rèm cửa được kéo hết xuống, căn phòng tối mờ mờ. Thấy có người đang ngồi trong bóng tối, bên bàn làm việc. - Cô Ashe đấy à? - Giọng nói như vọng ra từ sau đám mây khói thuốc lá - Mời cô vào. Khi mắt đã quen với bóng tối, Gabrielle bắt đầu nhìn rõ một khuôn mặt rất quen, cô cứng người lại. Đây chính là người đã gửi thư điện tử cho mình ư? - Xin cảm ơn cô đã đến. - Marjorie nói, giọng lạnh lùng. - Bà… Tench ạ? - Gabrielle nói lắp bắp, chợt cảm thấy hụt hơi. - Hãy gọi tôi là Marjorie. - Người đàn bà xấu xí ấy đứng dậy, mũi phà khói chẳng khác gì rồng lửa. - Chúng ta sẽ nhanh chóng trở thành bạn thân thiết của nhau đấy. Chương 41 Tolland lúc này trông tỉnh táo hẳn ra: - Điều này cũng giải thích vì sao mức nước trong hố không hề thay đổi. - Ông quay ra Norah - Cô vừa nói loài phù du có mặt trong mẫu nước tên là…. - Gabrielle. Polyhedra. - Norah công bố. - Và giờ chắc anh muốn hỏi tiếp xem loài này có thể ngủ đông trong băng đá được không chứ gì? Anh sẽ cảm thấy hài lòng đấy, vì câu trả lời là: Có. Chắc chắn đấy. Loài phù du này từng sống tập trung thành từng quần thể lớn quanh các phiến băng, chúng tự phát sáng, và có thể chuyển sang trạng thái trong băng đá. Anh còn muốn hỏi gì nữa nào? Mọi người nhìn nhau. Qua giọng nói của Norah, ai cũng cảm nhận rõ ràng rằng sẽ có câu "nhưng mà" nào đó - ấy thế mà dường như nhà khoa học này vừa khẳng định rằng giả thuyết của Rachel là đúng. - Như thế có nghĩa là… Tolland phá tan im lặng - cô nói rằng điều đó có thể là đúng không nào? Giả thuyết này có đúng không đây? - Đúng hoàn toàn, - Norah nói - nếu các vị chẳng có tí chất xám nào trong hộp sọ cả. Rachel trừng mắt: - Chị có thể nhắc lại câu đó được không? Norah Mangor cũng trừng mắt nhìn Rachel: - Tôi nghĩ rằng trong lĩnh vực chuyên sâu của cô, biết một ít còn nguy hiểm hơn cả không biết gì, đúng thế không? Thế thì, tin tôi đi, đối với ngành băng hà học cũng thế. - Norah thôi không đọ mắt với Rachel nữa, chị ta lần lượt nhìn bốn người đang đứng quanh mình. - Tôi xin được giải thích rõ ràng. Những túi nước biển đông cứng mà cô Sexton mường tượng ra quả có tồn tại. Các chuyên gia băng hà học gọi chúng là các khe hở. Tuy nhiên các khe này không có dạng cái túi như cô ấy tuởng tượng, chúng là một mạng lưới chằng chịt những tua đá mặn có bề ngang chỉ bằng sợi tóc. Tảng thiên thạch của chúng ta phải làm tan một mạng lưới dày đặc đến vô cùng thì mới có thể tạo ra được ba phần trăm nước biển trong hố với độ sâu ấy. Ekstroml quắc mắt: - Nói tóm lại là đúng hay sai? - Làm sao mà đúng được. - Norah lạnh lùng đáp. - Không thể có chuyện đó. Nếu thế thì lúc khoan thăm dò tôi phải tìm thấy chứ. - Người ta luôn luôn cho khoan thăm dò ở những vị trí tình cờ đúng không nào? - Rachel cật vấn. - Liệu có khả năng chỉ vì rủi ro mà không phát hiện được túi đá nước biển không? - Tôi đã khoan ngay bên trên tảng đá. Sau đó lại khoan rất nhiều lỗ trong phạm vi vài mét ở hai bên. Không thể khoan gần hơn thế được nữa. - Tôi chỉ hỏi thế. - Còn một điều nữa. - Norah nói. - Những khe nước biển này chỉ có mặt ở những vùng băng theo mùa - những vùng băng đá hình thành rồi lại tan hết theo từng mùa. Phiến băng Milne thuộc loại băng vĩnh cửu - loại băng hình thành trên các đỉnh núi và giữ nguyên trạng thái cho đến khi nó phát triển ra đến vùng dễ nứt và rơi xuống biển. Nếu các vị thấy giả thuyết về những sinh vật phù du bị đông cứng là có lý lắm rồi, thì tôi xin đảm bảo rằng không thể có loài phù du đóng băng nào trong dòng sông băng này. Lại im lặng. Mặc dù bị bác bỏ thẳng thừng, bộ não có khả năng phân tích nhạy bén của Rachel vẫn cứ ủng hộ giả thuyết về những sinh vật phù du đóng băng. Bằng trực quan của mình, cô biết đó là lời giải đơn giản nhất cho bài toán này.!uy luật tối giản, cô thầm nghĩ. Dưới sự dẫn dắt của những bậc đàn anh ở NRO, quy luật ấy đã thấm vào tận máu Rachel. Khi có nhiều phương án giải thích cùng một lúc được đưa ra, cách đơn giản nhất thường là đúng nhất. Hiển nhiên là Norah Mangor có nhiều thứ để mà mất nếu dữ liệu về phiến băng không chuẩn xác; biết đâu chị ta đã phát hiện ra sinh vật phù du, biết rằng mình đã sai lầm khi khẳng định tính chất đông đặc liền khối của sông băng, và giờ đây đang ra sức bưng bít. - Nói tóm lại, - Rachel nói - tôi vừa báo cáo với toàn bộ nhân viên Nhà Trắng rằng tảng thiên thạch này được phát hiện trong lòng một phiến băng toàn nguyên; kể từ khi nó văng ra từ một tảng thiên thạch nổi tiếng Jungersol năm 1716, băng hà đã bảo vệ nó trước mọi tác động ngoại lai. Nhưng giờ đây… dường như chúng ta đang phải lật lại vấn đề. Ông Giám đốc NASA yên lặng, vẻ mặt căng thẳng. Tolland hắng giọng rồi nói: - Tôi buộc phải đồng ý với Rachel. Trong hố nước này có nước biển và sinh vật phù du. Dù có giải thích cách nào đi nữa thì đây cũng không thể là một môi trường kín. Điều đó thì ta buộc phải thừa nhận. Corky có vẻ không được thoải mái cho lắm: - Thưa các vị, tôi không có ý định tỏ ra am hiểu về băng hà học ở đây, nhưng trong giới cổ sinh vật chúng tôi, cứ có một sai sót thì bước tiến bị kéo chậm lại hàng tỉ năm đấy. Liệu tỉ lệ nước biển và sinh vật phù du này có quan trọng đến thế không? Dù lớp băng hà bao xung quanh nó không được hoàn hảo cho lắm thì cũng chẳng ảnh hưởng đến tảng thiên thạch là mấy. Chúng ta vẫn có các mẫu hoá thạch. Chẳng ai đưa ra chất vấn nào về tính xác thực của chúng cả. Dù dữ liệu về phiến băng có sai sót chút đỉnh thì cũng chẳng làm sao. Điều cốt yếu vẫn là chúng ta đã phát hiện được bằng chứng về sự tồn tại của sự sống ngoài vũ trụ. - Tôi xin lỗi. - Rachel nói. - Thưa tiến sĩ Marlinson, với tư cách là chuyên viên phân tích tức, tôi không thể đồng tình với ý kiến của anh được. Bất kỳ một lỗi nhỏ nào trong những dữ liệu mà tối nay NASA công bố đều có thể trở thành cái cớ để người ta nghi ngờ toàn bộ phát kiến này. Kể cả tính xác thực của các hoá thạch. Corky há hốc mồm: - Cô nói cái gì thế? Những mẫu hoá thạch đó còn gì để bàn cãi nữa nào? - Tôi biết, tôi biết chứ. Nhưng nếu công chúng nghe phong thanh được rằng chính NASA cũng đang băn khoăn về dữ liệu của phiến băng, tôi đảm bảo họ sẽ ngay lập tức băn khoăn không hiểu NASA còn nói dối họ về những cái gì khác nữa. Norah bước dấn lên phía trước, mắt nảy lửa: - Dữ liệu về phiến băng của tôi không hề sai sót. - Chị ta quay sang ông Giám đốc - Tôi có thể chứng minh một cách khoa học là không hề có túi nước biển nào lẫn trong lòng phiến băng này. Ông Giám đốc nhìn Norah hồi lâu, mãi mới hỏi: - Bằng cách nào? Norah trình bày kế hoạch; nghe xong, Rachel phải thừa nhận rằng dự định đó nghe rất có lý. Ông Giám đốc thì có vẻ không tin tưởng lẳm: - Và kết quả sẽ rõ ràng đấy chứ? - Tôi đảm bảo trăm phần trăm. - Norah cam đoan. - Nếu có một chút xíu nước biển nào kẹt trong phiến băng này thì các vị sẽ được nhìn thấy ngay. Chỉ cần vài giọt tí xíu cũng sẽ làm thiết bị của tôi sáng rực lên y như quảng trường Times về đêm. Cặp lông mày bên dưới mái đầu ngắn kiểu quân sự của ông Giám đốc nhíu hẳn lại: - Không còn nhiều thời gian nữa. Một vài giờ nữa là đến lúc phải họp báo rồi. - Chỉ cần hai mươi phút là xong. - Cô vừa nói là sẽ phải đi ra xa đến đâu nhỉ? - Không xa. Chỉ cần hai trăm mét là đủ. Ekstrom gật đầu: - Cô đảm bảo như thế là an toàn chứ? Tôi sẽ đem theo pháo sáng. Và Mike cũng sẽ đi cùng tôi. Tolland ngẩng phắt lên: - Tôi ấy à? - Anh sẽ phải đi với tôi, Mike! Chúng ta sẽ dùng dây để buộc chung người vào. Tôi sẽ cần hai cánh tay khoẻ mạnh khi có gió lớn. - Nhưng mà… - Cô ấy nghĩ thế đúng đấy. - Ông Giám đốc nói. - Nếu đi thì không được đi một mình. Tôi sẽ cử mấy cậu bên tôi đi cùng cô ấy. - Nhưng thật lòng mà nói thì tôi không muốn có thêm bất kỳ ai biết chuyện này. Đợi đến khi mọi thứ rõ tàng đã. Tolland miễn cưỡng gật đầu. - Tôi cũng muốn đi. - Rachel nói… Norah nhảy dựng lên như con rắn chuông: - Cô đi để làm cái gì? - Thật ra thì, - Ông Giám đốc nôi thêm như thế vừa tự nghĩ ra ý đó tôi cảm thấy là nếu cử cả một đội đúng quy chuẩn đi thì an toàn hơn. Đi có hai người thì cô biết làm thế nào nhỡ Mike bị trượt? Bốn người cùng đi thì an toàn hơn hắn. - Ông ta ngừng lời, đưa mắt nhìn Corky: - Thế tức là hoặc anh, hoặc tiến sĩ Ming sẽ đi. Ekstrom đưa mắt nhìn khắp bán sinh quyển. - Không thấy ông Ming đâu cả nhỉ? Từ nãy đến giờ không thấy đâu cả. Có lẽ ông ta tranh thủ đi ngủ rồi. Ekstrom quay sang Corky: - Tiến sĩ Marlinson, tôi không có quyền đề nghị ông việc này, nhưng mà… - Sao nào? - Corky lên tiếng. - Ông thấy bốn người chúng tôi hợp nhau lắm phải không? - Không được! - Norah pbản đối. - Đi bốn người sẽ rất chậm. Tôi và Mike đi là đủ rồi. - Không được đi hai người. - Giọng ông Giám đốc nhất quyết. - Phải có lí do thì người ta mới quy định đội quy chuẩn phải gồm bốn thành viên chứ. An toàn là trên hết. Tôi không muốn để tai nạn xảy ra ngay trước buổi họp báo quan trọng nhất trong lịch sử NASA. Chương 42 Gabrielle Ashe cảm thấy mơ hồ lo lắng khi ngồi trong căn phòng ngột ngạt của Marjorie Tench. Bà ta có ý đồ gì đây? Ngồi sau chiếc bàn duy nhất trong phòng, Tench ngả người trên ghế, đầy vẻ khoan khoái trước sự lo lắng Gabrielle. - Tôi hút thuốc có được không? - Bà ta hỏi, lấy từ trong bao ra một điếu thuốc nữa. - Bà cứ tự nhiên. - Gabrielle nói dối. Trước khi cô trả lời, bà ta đã châm xong điếu thuốc. - Trong chiến dịch tranh cử này, cô và ngài ứng cử viên của cô quan tâm đến NASA nhiều đấy nhỉ. - Đúng thế thật. - Gabrielle bốp chát, không thèm kiềm chế cơn giận dữ của mình. - Nhờ có một số lời khích lệ đầy sáng tạo. Tôi muốn được nghe lời giải thích. Tench bĩu môi, giả bộ ngây thơ. - Cô muốn biết vì sao tôi gửi thư điện tử và vạch đường cho cô tấn công NASA chứ gì? - Những thông tin bà gửi cho tôi rất bất lợi cho ngài Tổng thống: - Trước mắt thì quả vậy. Giọng nói đầy ẩn ý của Tench khiến cô thấy bất an. - Thế tức là sao? - Bình tĩnh nào Gabrielle. Những bức thư của tôi có gì ghê gớm lắm đâu. Trước những bức thư ấy rất lâu thì Thượng nghị sĩ Sexton cũng đã chống lại NASA rồi. Đơn giản tôi chỉ giúp ông ta làm rõ thông điệp của mình. Khẳng định chắc chắn quan điểm của ông ấy. - Khẳng định dứt khoát quan điểm của ông ấy ư? - Chính xác. - Bà ta cười, phô ra hàm răng vàng xỉn. - Phải thừa nhận là chiều nay, trên CNN ông ấy đã làm việc đó rất hiệu quả. Gabrielle nhớ lại phản ứng của Thượng nghị sĩ lúc bị bà ta hỏi dồn. "Đúng vậy, tôi sẽ giải tán NASA". Bị dồn vào thế bí, ông đã tự tạo ra một đường thoát. Làm thế là đúng. Chẳng phải thế sao? Nhưng nhìn ánh mắt thoả mãn của Tench, Gabrielle cảm thấy vẫn còn chi tiết nào đó mà cô chưa biết hết. Bất chợt bà ta đứng dậy, dáng người lòng khòng làm xấu cả căn phòng. Điếu thuốc vẫn vắt vẻo trên môi, bà ta đến bên chiếc két chìm trong tường, lấy ra một phong bì dầy cộm, quay lại bên chiếc ghế rồi ngồi xuống. Gabrielle nhìn chiếc phong bì dầy cộp. Bà ta cười mỉm, mân mê chiếc phong bì trong lòng tay như thế một người đang chơi bài poker đang nâng niu con át chủ bài. Búng búng mấy móng tay vàng xỉn vào mép phong bì, làm cho giấy tờ bên trong kêu sột soạt rất khó chịu, bà ta có vẻ rất thích thú thấy Gabrielle đang dè chừng mình. Gabrielle biết mình đang thần hồn nát thần tính, nhưng thoạt đầu, cô kinh hãi nghĩ rằng trong phong bì có bằng chứng về buổi tối đầy ái ân với ngài Thượng nghị sĩ. Lố bịch, cô nghĩ thầm. Chuyện ấy diễn ra vào lúc rất khuya khoắt, và Sexton đã khoá trái cửa. Thêm nữa, nếu Nhà Trắng có bất kỳ bằng chứng nào, họ đã chẳng ngại ngần trưng ra trước bàn dân thiên hạ. Có thể họ chỉ nghi ngờ thôi, Gabrielle nhủ thầm, nhưng chắc chắn không có bằng chứng. Tench dụi tắt điếu thuốc lá. - Cô Ashe này, không biết cô có tự ý thức được điều này không, nhưng cô đang can dự vào một cuộc chiến âm ỷ ở Washington từ năm 1996 đến giờ đấy. Gabrielle không ngờ sẽ có đòn thí tốt này. - Bà vừa nói gì cơ? Tench châm một điều thuốc khác. Đôi môi mỏng quẹt và xám xịt uốn lượn: - Cô đã bao giờ nghe ai nhắc đến Dự luật Khuyến kích thương mại hoá vũ trụ chưa? Cô chưa bao giờ nghe nói tới. Gabrielle nhún vai, không hiểu. - Thật à? Tench nói. - Tôi ngạc nhiên đấy. Đặc biệt là khi ngài nghị sĩ của cô có cương lĩnh tranh cử như thế. Năm 1996, Thượng nghị sĩ Wanker đã soạn thảo dự luật này. Trong đó, ông ấy chứng minh rằng sau khi đưa được người lên Mặt trăng, NASA chẳng làm được gì đáng kể. Dự luật kêu gọi tư hữu hoá NASA bằng cách đem bán cơ quan này cho những công ty kinh doanh vũ trụ tư nhân áp dụng cơ chế thị trường để thám hiểm không gian hiệu quả hơn, nhờ đó cất bỏ gánh nặng NASA khỏi hầu bao những người đóng thuế. Gabrielle đã nghe nói rằng những người phản đối NASA đã đề nghị tư hữu hoá cơ quan này để giải quyết vấn đề, nhưng không ngờ đã có hẳn một dự luật chính thức về chuyện đó. - Dự luật thương mại hoá này, - Tench nói tiếp - đã được trình lên nghị viện cả thảy bốn lần. Về đại thể thì nó cũng giống những dự luật đã hỗ trợ pháp lý thành công cho công cuộc tư hữu hoá những ngành công nghiệp của Chính phủ, ví dụ như sản xuất Uranium. Cả bốn lần, nghị viện đã thông qua. May mắn là lần nào Nhà Trắng cũng phủ quyết. Zach Herney đã hai lần phủ quyết dự luật này. - Còn quan điểm của bà? - Tôi cho rằng Thượng nghị sĩ Sexton chắc chắn sẽ ửng hộ dự luật này nếu ông ta trở thành Tổng thống. Tôi có lý do để tin rằng ngay khi vớ được cơ hội đầu tiên, ông ta sẽ bán ngay NASA cho các nhà thầu. Nói tóm lại, ngài ứng cử viên của cô sẽ chọn giải pháp tư hữu hoá NASA thay vì dùng tiền đóng thuế của người dân Mỹ để nuôi cơ quan này. - Theo tôi được biết thì ngài Thượng nghị sĩ chưa bao giờ công khai bày tỏ quan điểm của mình về Dự luật Khuyến khích thương mại hoá vũ trụ. - Đúng thế. Nhưng tìm hiểu kỹ đường lối chính trị của ông ấy thì tôi sẽ chẳng hề ngạc nhiên nếu ông ta làm điều đó. - Cơ chế thị trường tự do luôn góp phần làm tăng hiệu quả Trong nhiều trường hợp khác thì là thế. - Bà ta trừng mắt. - Buồn thay, tư hữu hoá NASA thì lại là một ý tưởng kinh tởm, và phải có lý do thì tất cả những đời Tổng thống từ năm 1996 đến giờ đều chống lại dự luật này. - Tôi đã nghe nhiều ý kiến chống lại tư hữu hoá ngành vũ trụ, Gabrielle nói - và tôi hiểu những trăn trở của bà. - Thật thế à? - Tench nhoài hẳn người về phía Gabrielle - Cô đã nghe được lý lẽ gì của họ? Gabrielle ngọ ngoạy trên ghế một cách khó chịu: - Chủ yếu là những quan điểm của giới hàn lâm - thường gặp nhất là nếu tiến hành tư hữu hoá NASA thì cơ quan này sẽ nhanh chóng bị thương mại hoá và xa rời các mục tiêu khoa học thuần tuý. - Đúng thế ngành khoa học vũ trụ sẽ bị bóp chết trong nháy mắt. Thay vì chi tiền cho các công trình nghiên cứu vũ trụ, các công ty kinh doanh vũ trụ sẽ vắt kiệt những tiểu hành tinh có khoáng chất, xây các khách sạn trong không gian cho khách du lịch, và cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh nhân tạo. Các công ty tư nhân việc gì phải mất công nghiên cứu về nguồn gốc của vũ trụ, trong khi điều đó có thể tiêu tốn của họ hàng tỷ đô la, đã thế lại còn chẳng mang lại lợi lộc gì. - Dỉ nhiên là thế. - Gabrielle phản bác. - Nhưng dĩ nhiên người ta sẽ thành lập quỹ nghiên cứu vũ trụ quốc gia để bảo trợ cho những công trình nghiên cứu mang tính học thuật. - Chúng ta đã có sẵn một hệ thống như thế. Tên nó là NASA. Gabrielle lặng im. - Chuyện người ta từ bỏ khoa học cơ bản chạy theo lợi nhuận chỉ là khía cạnh nhỏ mà thôi. - Tench nói. Điều đó thật quá bé nhỏ so với tình trạng hỗn loạn kinh khủng nếu cho phép khu vực kinh tế tư nhân được quyền thao túng. Chúng ta sẽ có cả một miền tây hoang dã trên bầu trời. Sẽ có người nhận Mặt trăng và các tiểu hành tinh là thuộc sở hữu của họ, rồi dùng vũ lực để bảo vệ quyền sở hữu của mình. Nhiều công ty đã từng xin giấy phép để phóng lên quỹ đạo những bảng quảng cáo bằng đèn nê ông để đến khi đêm về, các tấm biển quảng cáo sẽ nhấp nháy đầy trời. Đã từng có những đơn xin cấp phép xây dựng các khách sạn vũ trụ và những tụ điểm du lịch với những độc chiêu như phóng ra ngoài vũ trụ và tạo thành những đống rác trong quỹ đạo. Nói thật nhé, hôm qua tôi còn được đọc dự án của một công ty định biến vũ trụ thành nghĩa trang bằng cách phóng xác chết vào quỹ đạo. Cô có chấp nhận được cảnh các vệ tinh của chúng ta đâm phải xác chết hay không? Tuần trước, một ông tỉ phú nài nỉ tôi cho phép kéo một tiểu hành tinh về gần trái đất để khai thác kim loại quý trên đó nữa cơ. Tôi đã phải nhắc ông ta nhớ rằng làm như thế rất rủi ro và có thể gây ra những thảm hoạ toàn cầu! Cô Ashe này, tôi xin cam đoan với cô, nếu dự luật này được thông qua, trong đội quân ô hợp những công ty lao vào vũ trụ sẽ không có các nhà khoa học tên lửa đâu. Đó sẽ chỉ là các nhà kinh doanh với những túi tiền kếch xù, nhưng đầu óc mông muội mà thôi. - Những lý lẽ rất thuyết phục. - Gabrielle đáp. - Và tôi đảm bảo Thượng nghị sĩ sẽ cân nhắc rất cẩn thận nếu ông ấy ở vị trí thông qua hay phủ quyết dự luật đó. Tôi xin hỏi tất cả những điều này thì liên quan gì đến cá nhân tôi đây? Tench nheo mắt nhìn điếu thuốc trên tay: - Rất nhiều người đang ao ước có cơ hội được kinh doanh trong vũ trụ và hiện đang ráo riết vận động hành lang để nhằm dỡ bỏ mọi rào cản. Quyền phủ quyết của Tổng thống là trở ngại duy nhất còn lại, cản trở ý đồ tư hữu hoá, cản trở tình trạng hỗn loạn kinh khủng trên vũ trụ, cho nên tôi đã cố vấn cho Zachary Herney phủ quyết dự luật ấy. Điều tôi e ngại là ngài ứng cử viên nhà cô sẽ chẳng cân nhắc tỷ mỉ được như thế đâu nếu như ông ta đắc cử. - Xin nhắc lại tôi tin rằng ngài Thượng nghị sĩ sẽ cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề một cách tỉ mỉ nếu như ở vào vị trí phải xem xét đạo luật ấy. Trong Tench có vẻ không tin: - Cô có biết Thượng nghị sĩ Sexton đã chi bao nhiêu tiền để đánh bóng tên tuổi của ông ấy trên các phương tiện thông tin đại chúng hay không? Câu hỏi này chẳng hề ăn nhập với đề tài mà họ đang bàn bạc. Những số liệu đó vẫn được công khai trước cử tri mà. - Mỗi tháng hơn ba triệu đô la đấy. Gabrielle nhún vai. Khoảng chừng đó. - Con số đó gần đứng. - Đó là một khoản tiền rất lớn. - Ngài Thượng nghị sĩ có rất nhiều tiền. - Đúng thế, ông ta giỏi vạch chiến lược. Hay đúng ra là đã chọn vợ một cách khôn ngoan. Tench dừng lại để nhả khói thuốc. - Chuyện về bà vợ ông ta, bà Catherinee, buồn thật. Cái chết của bà ấy quả là đau đớn đối với ông ta. - Tiếp sau câu nói ấy là tiếng thở dài rất kịch, rõ ràng là giả dối. - Mà bà ấy chết đã được lâu đâu, phải không nhỉ? Bà đi thẳng vào vấn đề đi, không thì tôi về đây. Bà ta ho như rút phổi, rồi với tay lấy chiếc phong bì dầy cộp. Sau đó lôi ra tập tài liệu kẹp ghim và đưa ra cho Gabrielle. - Số liệu tài chính của Sexton đấy. Gabrielle xem tập tài liệu, đầy kinh ngạc. Những con số này liên quan đến mấy năm gần đây. Dù Gabrielle không biết gì nhiều về chuyện tiền nong của ngài Thượng nghị sĩ, cô vẫn linh cảm được đây là những dữ liệu xác thực - những tài khoản ngân hàng, những khoản tín dụng, những khoản cho vay, lợi tức cố phiếu, bất động sản, các khoản nợ, những thắng lợi và thua thiệt về tài chính. Đây là những dữ liệu cá nhân. Làm sao bà có được? Chuyện đó cô không cần biết. Nhưng nếu cô xem kỹ những con số này, cô sẽ biết ngay những đồng đô la mà ông ấy đang chi tiêu là tiền gì. Sau khi Catherinee qua đời. Ông ấy đã tiêu tán gần hết những gì bà ấy để lại vào những khoản đầu tư dại dột, những hưởng thụ cá nhân, và dùng tiền để đổi lấy chút ít vinh quang trong những chặng đầu tiên của chiến dịch tranh cử, và cách đây sáu tháng, ngài ứng cử viên nhà cô đã khánh kiệt. Trực giác mách bảo Gabrielle rằng đây là sự thật. Nhưng nếu Sexton đã khánh kiệt thì ông ấy không thể chi tiêu kiểu đó. Tuần nào ông ấy cũng thuê thêm những chỗ rất đẹp để quảng cáo cho mình. - Ngài ứng cử viên nhà cô - Tench lại nói tiếp - đang tiêu nhiều tiền hơn Tổng thống những bốn lần, y thế mà lại chẳng còn lấy một xu tiền riêng. - Chúng tôi nhận được rất nhiều khoản hiến tặng. - Đúng thế, và cũng có vài khoản hợp pháp đấy. Gabrielle ngẩng phắt lên: - Bà vừa nói cái gì cơ? Tench nhoài hẳn người qua bàn, và cô ngửi thấy cả mùi nicôtin trong hơi thở của bà ta. - Gabrielle Ashe này, tôi sẽ hỏi cô một câu, và tôi khuyên cô nghĩ cho thật kỹ rồi hẵng trả lời. Lời cô nói ra sẽ quyết định liệu cô có phải ngồi tù vài năm hay không. Tôi hỏi cô, Thượng nghị sĩ Sextơn đang nhận những khoản tiền hiến tặng bất hợp pháp khổng lồ từ những công ty đang muốn làm ăn trên vũ trụ, những công ty sẽ hái ra tiền một khi NASA được đem ra tư hữu hoá, điều đó cô có biết hay không? Gabrielle trừng mắt: - Một lời buộc tội ngớ ngẩn! - Tức là cô không hề biết chứ gì? - Tôi tin rằng nếu ngài Thượng nghị sĩ nhận những khoản tiền lớn đến như vậy thì tôi phải biết chứ. Tench mỉm cười lạnh lẽo. - Gabrielle, tôi hiểu rằng Thượng nghị sĩ Sexton đã chia sẻ với cô nhiều thứ, nhưng tôi cam đoan rằng có rất nhiều điều cô chưa hề biết về con người này đâu. Gabrielle đứng dậy. - Cuộc gặp đến đây là kết thúc. - Ngược lại thì đúng hơn. - Bà ta nói, tay lấy những tập tài liệu còn lại trong phong bì ra và trải đầy bàn. - Cuộc gặp bây giờ mới bắt đầu. Chương 43 Trong bán sinh quyển, tại "phòng chuẩn bị", Rachel Sexton khoác lên người bộ quần áo bảo hộ vi khí hậu Mark IX của NASA, chợt thấy mình cũng giống phi hành gia. Bộ áo liền quần có mũ màu đen này giống hệt bộ đồ lặn bơm hơi. Bộ đồ gồm hai lớp vải không ngấm nước với những đường rãnh để bơm một loại gel đặc vào trong, giúp người mặc điều hoà thân nhiệt trong cả môi trường nóng lẫn môi trường lạnh. Lúc này, đang đội chiếc mũ may rất khít trên đầu, Gabrielle chợt nhìn thấy ông Giám đốc NASA ông ta lặng lẽ đứng cạnh cửa ra vào, chả khác gì một anh lính gác, rõ ràng là không thoải mái khi phải để cho họ tiến hành điệp vụ nho nhỏ này. Norah Mangor vừa giúp mọi người mặc quần áo bảo vệ vừa lầm bầm rủa xả. - Đây có một bộ vừa to vừa ngắn này. - Chị ta nói, tay liệng cho Corky. Tolland cũng đang mặc bộ quần áo bảo hộ. Rachel vừa kéo phéc mơ tuya lên xong, Norah tìm cái khoá vòi bên mạng sườn Rachel và lắp vào một ống chất lỏng nối với chiếc hộp nhỏ trông giống bình khí nén của thợ lặn. - Hít vào đi. - Norah bảo cô, tay mở van. Rachel nghe một tiếng xì và cảm thấy chất gel đang được bơm vào bộ quần áo. Bộ quần áo nở phồng ra, áp chặt quanh cơ thể cô, khiến cho bộ quần áo vải bên trong dính chặt vào người. Có cảm giác giống như giơ bàn tay có đeo găng cao su dưới vòi nước chảy, chiếc mũ trùm đầu cũng phồng lên ốp chặt vào tai, làm cho mọi âm thanh đều thành ra lùng bùng. Chẳng khác gì cái kén. - Ưu điểm của loại quần áo này, - Norah nói - Chính là lớp đệm. Có ngã cũng chẳng sợ đau. - Đúng thế thật. Rachel cảm tưởng như được cuốn trong một lớp thảm dầy. Norah đưa cho Rachel một lô dụng cụ - nào rìu đá, dây và khoá dây, súng bắn pháo sáng – rồi lần lượt giúp cô cài từng thứ một vào thắt lưng. - Nhiều thế này cơ à? - Rachel hỏi. - Chỉ ra ngoài có hai trăm mét thôi mà. Norah nhíu mày: - Cô có đi hay không nào? -. Tolland gật đầu nhìn Rachel động viên: - Cô ấy chỉ cẩn thận một chút thôi mà. Corky gài khoá van vào bình chất lỏng và tự bơm phồng bộ quần áo của mình, mặt đầy vẻ khoái trá: - Cảm tưởng như tôi đang đeo bao cao su loại cực đại. Norah rên lên, làm ra vẻ trịnh thượng: - Chỉ được cái phét lác, trai tân như anh biết cái gì mà cũng làm ra vẻ? Tolland ngồi xuống cạnh Rachel ông khẽ mỉm cười nhìn Rachel đi giầy, rồi cài bộ đế đinh vào. - Cô có thật sự muốn đi không? - Rachel nhận thấy ánh mắt ông đằy vẻ che chở. Rachel gật đầu ra vẻ tự tin, cố che giấu nỗi lo lắng đang tăng dần lên trong lòng. Chỉ hai trăm mét thôi… có gì đáng ngại đâu. - Anh thì lại thích đại dương phải không? Tolland cười thành tiếng, vừa đi giầy vừa nói: - Nhưng tôi vừa nhận ra là nước ở dạng lỏng thì đáng yêu hơn ở dạng rắn nhiều. Tôi chưa bao giờ thích nước, bất kể là dạng nào. - Rachel nói. - Hồi bé, có lần tôi đi trượt băng và ngã lộn cổ xuống hồ. Từ đó trở đi lúc nào tôi cũng sợ nước. Tolland nhìn cô, vẻ cảm thông: - Tôi rất lấy làm tiếc. Khi nào xong việc ở đây, cô hãy lên tàu Goya chơi một chuyến. Tôi sẽ khiến cô nghĩ về nước khác đi. Thật đấy. Lời mời khiến cô ngạc nhiên. Goya là con tàu nghiên cứu của Tolland, nổi tiếng vừa vì vai trò của nó đối với chương trình Đại dương kỳ thú, vừa vì hình dạng bên ngoài của nó rất lạ lùng. Rachel không thích lên con tàu đó, nhưng thật khó chối từ. - Lúc này, tàu của tôi đang thả neo cách bờ biển New Jersey mười hai dặm. - Tolland vừa nói vừa hì hục cài bộ đinh để giầy. - Ở đó chắc chẳng có gì đáng chú ý. - Sai rồi! Thềm lục địa Atlantique là một nơi vô cùng kỳ thú. Chúng tôi đang chuẩn bị quay bộ phim tài liệu thì bị Tổng thống tóm được rồi lôi xềnh xệch đến đây. Rachel cười lớn. - Phim tài liệu về cái gì? - "Sphyma mokarran". Rachel nhíu mày: - Nghe lạ tai quá. Tolland đã gắn xong bộ đinh đế giầy và ngước nhìn lên. - Thật đấy chúng tôi sẽ làm phim trong khoảng hai tuần. Từ Washington đến bờ biển Jersey đâu có xa xôi gì lắm. Khi nào rỗi hãy đến chỗ tôi chơi. Không lý gì lại sợ nước suốt đời. Thuỷ thủ đoàn của tôi sẽ trải thảm đỏ chào đón cô. Norah Mangor nói loé xoé: - Hai người có đi không đây? Hay để tôi mang nến và rượu sâm panh đến phục vụ? Chương 44 Gabrielle Ashe không biết nên làm gì với mớ tài liệu ngổn ngang trên bàn của Marjorie Tench. Nào là bản photocopy những bức thư, fax, những cuộc nói chuyện điện thoại, thảy đều chứng minh rằng Thượng nghị sỹ Sexton đang bí mật liên hệ với các công ty vũ trụ tư nhân. Tench đẩy về phía cô mấy tấm ảnh đen trắng: - Việc này chắc cô chưa biết. Gabrielle xem ảnh. Bức đầu tiên chụp cảnh Thượng nghị sỹ Sexton từ taxi bước xuống bãi đỗ xe ngầm dưới lòng đất. Ông ấy có bao giờ đi taxi đâu. Gabrielle xem bức ảnh thứ hai - chụp từ xa cảnh Sexton đang leo lên cabin chiếc xe tải mini màu trắng; có một ông già đang ngồi đợi sẵn bên trong. - Ai đây? - Gabrielle hỏi, ngờ rằng đây chỉ là ảnh ghép. - Một nhân vật to đầu của SFF (viết tắt của Space Frontier Foundation- ND) Gabrielle không tin vào tai mình. - Hiệp hội vũ trụ ư? SFF là nghiệp đoàn của những công ty vũ trụ tư nhân. Nó đại diện cho các nhà thầu khoán, các doanh nghiệp, các nhà tư bản - tất cả những tổ chức thuộc khu vực tư nhân muốn kinh doanh trong vũ trụ. Họ rất hay chỉ trích NASA, cho rằng chương trình nghiên cứu vũ trụ của Mỹ sử dụng những biện pháp thương mại không bình đẳng để ngăn không cho các công ty tư nhân tham gia phóng vệ tinh lên quỹ đạo. - SFF hiện nay đại diện cho khoảng một trăm công ty lớn, - Tench nói, - Một số có lượng vốn rất lớn, và đang háo hức đợi Dự luật Khuyến khích thương mại hoá vũ trụ được phê chuẩn. Gabrielle phân vân. Dĩ nhiên SFF có lý do để lớn tiếng ủng hộ Thượng nghị sỹ Sexton, mặc dù ông vẫn thận trọng không công khai ủng hộ họ, bởi những chiến thuật vận động hành lang của họ đang gây rất nhiều tranh cãi. Mới đây, SFF còn tung ra luận điệu rằng NASA thực ra là "công ty độc quyền bất hợp pháp - bởi lẽ dù lỗ nó vẫn cứ được phép hoạt động tiếp, như thế là bất công đối với các công ty tư nhân. Theo SFFl mỗi khi AT&T muốn phóng vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo, một số công ty tư nhân chào giá 50 triệu đô la, cái mức rất phải chăng. Tuy nhiên, NASA lần nào cũng chen ngang và đưa ra mức giá chỉ 25 triệu, mặc dù trên thực tế NASA tiêu tốn gấp năm lần số tiền ấy để đưa được vệ tinh lên quỹ đạo! Kinh doanh với mức giá thua lỗ vẫn là cách NASA thao túng thị trường vũ trụ, các luật sư của SFF cáo buộc. Và người đóng thuế phải nai lưng ra mà trả. - Những bức ảnh này cho thấy rằng, - Tench lại nói - ngài ứng cử viên nhà cô đang bí mật liên hệ với một tổ chức đại diện cho các công ty vũ trụ tư nhân. - Bà ta chỉ mấy tập tài liệu trên bàn. - Chúng tôi cũng có cả những biên bản ghi nhớ nội bộ của SFF kêu gọi các công ty thành viên đóng tiền - những khoản tiền tỉ lệ thuận với lượng vốn khổng lồ của họ - và chuyển vào tài khoản của Thượng nghị sĩ Sexton. Như thế có nghĩa là các công ty vũ trụ tư nhân đang tìm cách đẩy ông ta vào chiếc ghế Tổng thống. Và ai cũng có thể suy ra rằng ông ta đã ngầm thoả thuận với họ là sẽ tiến hành tư hữu hoá NASA nếu đắc cử. Gabrielle nhìn đống tài liệu trên bàn, bị thuyết phục hoàn toàn. - Liệu có phải bà đang muốn làm cho tôi tin rằng đối thủ của ngài Tổng thống đang dính líu đến chuyện tài chính bất hợp pháp hay không? Nếu thế thì sao các vị không cho công bố những tài liệu này đi? - Thế cô muốn tin vào điều nào hơn? Mắt Gabrielle toé lửa: - Thẳng thắn mà nói thì tôi thán phục tài thuyết phục của bà, nhưng tôi thấy một cách suy luận khác thuyết phục hơn nhiều, đó là các nhân viên Nhà Trắng đã nguỵ tạo những tài liệu này. - Điều đó có thể xảy ra, tôi thừa nhận. Nhưng sự thật không phải thế. - Thế ư? Thế thì làm sao mà các vị có được những tài liệu lưu hành nội bộ này? Việc ăn cắp tài liệu nội bộ của chừng này công ty chắc chắn không nằm trong khả năng của Nhà Trắng. - Cô nói đúng. Chúng tôi có được những thứ này vì có người tự nguyện hiến tặng. Gabrielle không hiểu. - Thật đấy, - bà ta khẳng định, - Chúng tôi nhận được rất nhiều tài liệu theo kiểu này. Rất nhiều đồng minh về chính trị của ông ấy không muốn để Tổng thống bị thất cử. Xin nhớ cho là ngài ứng cử viên nhà cô dự định cắt giảm chi phí ở mọi nơi - cả của những cơ quan ngay trong phạm vi Nhà Trắng. Chắc chắn ông ấy sẽ chẳng do dự gì cắt giảm ngay chi phí khổng lồ của FBI để giảm bớt chi phí của Chính phủ. Ông ấy còn nhắm đến cả IRS nữa. Rất có thể nhiều nhân viên của những cơ quan ấy cảm thấy bực mình. Gabrielle hiểu ngầm ý của bà ta. Những người đang làm ở IRS và FBI có thể tìm cách thu thập những thông tin này. Và rất có thể họ đã tự nguyện gửi những tài liệu này đến Nhà Trắng, như một hình thức trợ giúp cho ngài Tổng thống để bảo vệ chiếc ghế của mình. Nhưng điều mà cô không thể tin được là chuyện ngài Thượng nghị sĩ dính líu vào chuyện tài chính bất hợp pháp. - Nếu những con số này là chính xác, - Gabrielle chất vấn - mà nói thật tôi không tin là thế thì tại sao các vị không công khai cho cử tri được biết? - Theo cô thì tại sao? - Bởi vì chúng được thu thập bằng những biện pháp bất hợp pháp. - Thu thập được bằng cách nào mà chả như nhau. - Dĩ nhiên là khác chứ. Làm sao các vị dám thừa nhận những hành vi bất hợp pháp của mình cơ chứ? - Cần gì phải thế? Chúng tôi chỉ cần xì tin cho giới báo chí, thế là các báo sẽ tha hồ chạy những dòng tít lớn với đầy đủ cả hình ảnh đàng hoàng. Công chúng chỉ tin là ông ta vô tội khi nào ông ta tự chứng minh được điều đó. Cái cách ông ta ông ổng phản đối NASA là bằng chứng rành rành cho thấy ông ta ăn hối lộ. Gabrielle biết điều đó là đúng. - Được thôi, - cô lại căn vặn tiếp, thế sao các vị chưa xì tin ra? - Bởi vì làm thế thì tiêu cực quá. Ngài Tổng thống đã cam kết sẽ không tranh cử bằng những biện pháp tiêu cực, ông ấy đã nói là làm. - Phải lắm! Bà vừa nói rằng vì cao thượng nên Tổng thống từ chối công khai hoá những thứ này. Phải chăng ông ấy sợ bị quy kết là tiêu cực? - Làm như thế sẽ có tác động tiêu cực đến cả nước. Chuyện này dính líu đến hàng chục công ty tư nhân, mà không ít trong số đó là do những con người đáng kính gây dựng nên. Bôi nhọ Thượng nghị viện thì sẽ làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Vài chính trị gia tha hoá sẽ khiến các chính khách khác cảm thấy bị xúc phạm. Không được làm cho người Mỹ mất niềm tin vào Nhà nước. Đây sẽ là cuộc điều tra bẩn thỉu, có thể khiến một Thượng nghị sỹ và nhiều Giám đốc điều hành bị tống giam. Mặc dù những lập luận của bà ta quả là có lý, Gabrielle vẫn cảm thấy nghi nghi hoặc hoặc. - Tất cả những chuyện này thì liên quan gì đến tôi? - Nói một cách đơn giản nhé, cô Ashe ạ, nếu chúng tôi tiết lộ những tài liệu này, ngài ứng cử viên của cô sẽ bị kết tội nhận tiền hiến tặng bất hợp pháp, mất ghế Thượng nghị sỹ, và rất có thể phải ngồi tù. - Bà ta ngừng một lúc. - Trừ phi… Gabrielle thoáng thấy ánh nhìn nham hiểm sâu trong đôi mắt bà cố vấn. - Trừ phi làm sao? Bà ta rít thuốc. - Trừ phi cô giúp chúng tôi tránh tất cả những chuyện đó. Bầu không khí nặng nề bao trùm căn phòng. Tench ho khan. - Cô Gabrielle, nghe cho kỹ đây, tôi quyết định chia sẻ với cô những thông tin này vì ba lí do. Thứ nhất, để cô thấy rằng Zach Herney là người tử tế, luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân. Thứ hai, để thông báo cho cô biết rằng vị ứng cử viên mà cô đang phò tá không đáng tin cậy như cô tưởng. Và thứ ba, để thuyết phục cô lời đề nghị mà tôi sắp đưa ra. - Lời đề nghị đó là gì? - Tôi muốn cho cô một cơ hội để hành động đúng đắn, một hành động ái quốc. Có thể cô không biết, nhưng cô đang ở vị thế trọng yếu, có thể cứu Washington khỏi những vụ tai tiếng khó chịu. Nếu cô nhận làm những gì tôi sắp đề nghị, có lẽ cô còn có thể kiếm được một việc trong Nhà Trắng cơ đấy. Một việc làm trong Nhà Trắng ư? Gabrielle không tin vào tai mình. - Thưa bà, tôi không biết bà nghĩ thế nào, nhưng tôi không thích bị ép buộc, khống chế, hay bị người khác lên giọng dạy bảo. Tôi tham gia vào chiến dịch tranh cử rủa ngài Thượng nghị sỹ vì tôi tin tưởng đường lối chính trị của ông ấy. Và nếu thế này là cách Zach Herney vẫn thường sử dụng quyền lực chính trị của mình, thì tôi không muốn dính dáng gì đến ông ta nữa! Nếu bà thu thập được tin tức gì về Thượng nghị sỹ Sexton, thì xin mời bà cứ việc rỉ tai giới báo chí. Xin phép được nói thẳng, tôi cho rằng những thứ này đều là nguy tạo hết. Tench thở dài, trong thật đáng sợ. - Gabrielle này, chuyện tài chính bất hợp pháp của ông Thượng nghị sỹ là thật đấy. Rất tiếc, tôi biết cô rất tin ông ta. - Rồi bà ta hạ giọng: - Nghe kỹ nhé, vấn đề là thế này: Tôi và ngài Tổng thống sẽ công khai vấn đề này nếu cần, nhưng xét trên tầm vĩ mô thì điều đó chẳng hay ho gì. Vụ tai tiếng này liên quan đến nhiều công ty lớn của Mỹ. Nhiều người vô tội sẽ phải chịu hậu quả. - Bà ta rít hơi thuốc thật sâu, rồi nhả khói. - Tôi và ngài Tổng thống đều hy vọng rằng… sẽ có cách không gây hại đến thanh danh của ông Thượng nghị sỹ. Một cách mà… không người vô tội nào sẽ phải chịu hậu quả. - Bà ta đặt điếu thuốc lá xuống gạt tàn và khoanh tay trước ngực. - Nói một cách đơn giản là chúng tôi yêu cầu cô hãy công khai thừa nhận là đã dan díu với ngài Thượng nghị sỹ. Gabrielle thấy toàn thân đông cứng. Giọng bà ta nói nghe vô cùng chắc chắn. Không thể nào, cô biết thế. Không có bằng chứng. Họ chỉ ân ái với nhau một lần duy nhất, trong văn phòng ngài Thượng nghị sỹ, cửa thì khoá trái. Bà ta không có bằng chứng. Chỉ đoán mò thôi. Gabrielle cố giữ giọng nói điềm tĩnh. - Bà suy diễn hơi nhiều bà Tench ạ. - Chuyện gì? Chuyện hai người tằng tịu với nhau à? Hay chuyện cô sẽ cáo biệt ngài Thượng nghị sỹ? - Cả hai. Tench cười khẩy đứng dậy: - Được rồi, chúng ta cùng nói trắng hết ra nhé. - Bà ta đến bên cái két sắt chìm trong tường, lôi ra một phong bì màu đỏ, bên ngoài gắn xi niêm phong của Nhà Trắng. Bà ta mở phong bì rồi dốc tất cả những gì bên trong lên bàn trước mặt Gabrielle. Hàng chục bức ảnh màu nằm ngổn ngang trên bàn, Gabrielle chợt thấy toàn bộ sự nghiệp tan tành ngay trước mắt. Chương 45 Bên ngoài bán sinh quyển, gió Katabaac gầm rú, khác hẳn bất kỳ loại gió nào khác trên đại dương mà Tolland đã từng gặp. Trên biển sức năng của gió là tạo ra thuỷ triều và những dòng chảy. Tuy nhiên, gió katabatic chỉ có một tính năng vật lý duy nhất - là luồng khí lạnh rất nặng thổi dọc theo sông băng như một trận thuỷ triều. Tolland chưa bao giờ gặp phải loại gió nào mạnh đến thế này. Nếu thổi với tốc độ 20 hải lý, gió katabatic hẳn là giấc mơ của các thuỷ thủ, nhưng với tốc độ 80 hải lý như thế này, nó là cơn ác mộng với mọi người, kể cả khi ở trên đất liền. Tolland nhận thấy nếu ông dừng lại và ngả người về phía sau thì cơn gió hung dữ này sẽ lập tức đẩy ông trở về tư thế đứng thẳng. Chưa hết, bên cạnh gió katabatic là phiến băng dốc thoai thoải liên tục đến tận mép nước. Độ dốc không cao, nhưng liên tục cho đến khi băng và nước biển giao nhau, cách đó hai dặm. Dù đã đeo vào đế giầy bộ đinh đế hiệu Pitbull Rapido, ông vẫn cảm thấy không an lòng, dường như chỉ cần bước hụt một lần là sẽ bị gió cuốn dọc theo dốc băng thoai thoải dài vô tận này. Bài thuyết trình dài hai phút của Norah Mangor về các biện pháp an toàn trên băng giờ tỏ ra quá ít ỏi. - Rìu đá Piranha, - Norah vừa nói vừa cài một dụng cụ có vẻ nhẹ có chữ Tolland vào thắt lưng của họ sau khi mọi người đã mặc xong bộ quần áo bảo hiểm. - Lưỡi dao quy chuẩn, lưỡi dao hình chuối, lưỡi dao hình cung tròn, búa đinh, rìu lưỡi vòm. Tất cả các vị phải nhớ rằng nếu có ai trượt chân hoặc bị gió cuốn đi thì phải một tay túm chặt lấy đầu rìu, tay kia bám vào băng, đâm mạnh lưỡi dao hình chuối xuống mặt băng, dồn trọng lượng cơ thể lên đó, rồi dận mạnh đinh đế giầy xuống. Nói xong, Norah Mangor đeo cho mỗi người trong bọn họ một bộ dụng cụ như thế, sau đó cả nhóm ra khỏi ngôi nhà mái vòm, tiến vào bóng tối. Lúc này, cả bốn người đi xuôi theo dòng sông băng, cả nhóm buộc người chung vào một sợi dây, người trước cách người sau mười mét. Norah dẫn đầu, sau đó đến Corky, rồi đến Rachel, Tolland đi sau cùng… Càng đi xa, ông càng có cảm giác bất an. Dù đã có quần áo bảo hiểm, dù vẫn cảm thấy ấm, ông thấy mình giống như một phi hành gia cô độc một mình lang thang trên hành tinh xa xôi nào đó. Mây đen đang cuồn cuộn kéo đến, lấp kín Mặt trăng, cả phiến băng chìm trong bóng tối mịt mù. Gió katabatic mỗi lúc thối mạnh hơn, ép mạnh vào lưng ông. Ông căng mắt nhìn khoảng không bao la xung quanh, và bắt đầu nhận thức được hiểm hoạ thực sự đang rình rập. Dù mang theo rất nhiều thiết bị bảo hiểm của NASA, ông vẫn thấy ngạc nhiên là Giám đốc NASA sao có thể dễ dàng đến thế khi ném bốn sinh mạng vào nơi đầy hiểm nguy thế này, thay vì chỉ có hai; trong khi một người là con gái của một Thượng nghị sĩ, người kia là một nhà hải dương học nổi tiếng. Ông không ngạc nhiên khi nhận thấy mình đang lo lắng cho sự an toàn của Corky và Rachel. Là thuyền trưởng, ông có thói quen chịu trách nhiệm về những người xung quanh mình. - Đừng vượt lên trước. - Norah hét lên thật to, nhưng không thể át được tiếng gió gào. - Cứ để cho xe trượt dẫn đầu đoàn nhé. Chiếc xe trượt bằng nhôm mà Norah chất lên đó toàn bộ dụng cụ cần thiết trông khá giống chiếc tàu bay đa năng. Trên xe đầy những dụng cụ để thử nghiệm và những thiết bị an toàn mà mấy năm nay cô thường dùng. Tất cả mọi dụng cụ - bao gồm cả một bình ắc qui, đèn pháo sáng, mấy cái đèn pha đều được gói kỹ trong mảnh vải dầu. Dù chất nặng, chiếc xe vẫn nhẹ nhàng trượt thẳng về phía trước. Dù độ dốc hầu như không đáng kể, chiếc xe tự trượt xuống và Norah phải liên tục kìm bớt lại, như thế cho phép chiếc xe dẫn đường. Cảm thấy khoảng cách giữa họ và ngôi nhà lớn đang tăng dần lên, Tolland ngoái lại đằng sau. Cách họ năm mươi mét, mái vòm cong nhợt nhạt của ngôi nhà đã biến mất hẳn trong bóng đêm thăm thẳm. - Cô có biết cách tìm đường về không đấy? - Ông hét to. - Gần như chẳng nhìn thấy gì nữa rồi. - Ông chưa kịp dứt lời, đã nghe có tiếng xuỵt rất to, Norah vừa châm ngòi quả pháo sáng. Luồng ánh sáng hai màu đỏ và trắng tạo nên một vùng sáng có bán kính khoảng mười mét xung quanh họ. Sau khi lấy gót chân khoét một vệt lõm trên mặt băng, cô vun băng vụn thành ụ cạnh miệng hố, ở phía đầu ngọn gió. Xong xuôi, cô nện mạnh chiếc đèn pháo sáng xuống vết lõm ấy. - Đồ chơi kỹ thuật cao đấy. - Norah kêu to. Đồ chơi à? - Rachel hỏi, lấy tay che mắt trước luồng sáng bất ngờ. - Của hãng Hansel và Gretel đấy. - Norah hét to. - Những cái đèn này sáng được một giờ liên tục - tha hồ thời gian cho chúng ta quay về. Nói xong, Norah lại quay lên phía trước, dẫn đầu cả nhóm đi tiếp dọc dòng sông băng - lại một lần nữa đi vào đêm đen. Chương 46 Gabrielle Ashe từ văn phòng của Marjorie Tench lao vụt ra ngoài, đâm sầm vào một thư ký. Chết điếng, cô không còn nhìn thấy gì khác ngoài những bức ảnh - những thân thể - chân và tay quấn chặt vào nhau. Mặt đầy thoả mãn. Gabrielle không biết những bức ảnh đó được chụp bằng cách nào, nhưng cô biết rõ ràng chúng là những bức ảnh thật. Được chụp bên trong văn phòng của Thượng nghị sĩ Sexton, hình như từ trên cao, rất có thể từ một camera bí mật nào đó. Cầu Chúa phù hộ cho con. Trong một bức ảnh, Gabrielle và Sexton ăn nằm với nhau ngay trên bàn làm việc của ngài Thượng nghị sĩ, hai thân thể nằm loã lồ trên mặt bàn ngổn ngang tài liệu. Đến phòng bản đồ thì Marjorie Tench đuổi kịp cô. Tay bà ta vẫn cầm chiếc phong bì màu đỏ đựng ảnh. - Cô phản ứng mạnh như thế có nghĩa là những bức ảnh này là ảnh thật. - Bà cố vấn cao cấp của Tổng thống có vẻ đầy mãn nguyện. - Tôi hy vọng chúng làm cho cô tin rằng những tài liệu khác cũng đều xác thực. Cùng từ một nguồn đấy. Lao sầm sập xuống cầu thang, Gabrielle đỏ bừng và nóng ran đến từng chân tóc. Lối ra ở chỗ quái nào không biết? Chân dài, Tench dễ dàng theo kịp cô. "Thượng nghị sĩ Sexton đã thề với cả thế gian rằng mối quan hệ giữa cô và ông ta chỉ thuần tuý về mặt tinh thần". Lời ông ta phát biểu trên ti vi nghe thật lâm li. Mặt bà ta vẻ đầy tự mãn. - Trong phòng tôi vẫn còn đoạn băng ghi lại buổi ấy đấy. Cô có cần xem lại cho khỏi quên không? Chẳng cần ai phải nhắc. Gabrielle nhớ quá rõ buổi họp báo ấy. Những lời phủ nhận của ngài Thượng nghị sĩ thật là sắt đá, cũng thật cảm động. - Buồn thay, - bà ta nói tiếp, không hề tỏ ra thất vợng. - Thượng nghị sĩ Sexton đã nhìn thẳng vào mắt người dân Mỹ để nói dối một cách trắng trợn. Công chúng có quyền được biết. Và họ sẽ biết. Đích thân tôi sẽ làm việc này. Vấn đề bây giờ chỉ còn là bằng cách nào mà thôi. Tốt nhất là cô nên tự nói ra. Gabrielle kinh hãi. - Bà tưởng là tôi sẽ giúp bà làm nhục ngài Thượng nghị sĩ sao? Mặt Tench đanh lại. - Thế là tôi đã tử tế lắm rồi đấy, Gabrielle ạ. Tôi đã cho cô cơ hội để giữ lại chút thể diện bằng cách ngẩng cao đầu mà nói ra sự thận. Cô chỉ cần ký vào bản tuyên bố thừa nhận đã quan hệ tình ái. Gabrielle đứng phắt lại: - Cái gì? Dĩ nhiên, nếu có bản tuyên bố có chữ ký thì chúng tôi có thể giải quyết việc này với ông Thượng nghị sỹ một cách nhẹ nhàng, và nước Mỹ sẽ tránh được một vụ tai tiếng bẩn thỉu. Đề nghị của tôi rất đơn giản: Cô hãy ký vào một bản thông cáo, và sẽ chẳng một ai nhìn thấy những bức ảnh này nữa. - Bà muốn có một bản thông cáo à? - Về mặt kỹ thuật thì tôi cần có một bản khai có tuyên thệ, nhưng ngay ở đây có sẵn một công chứng viên để… - Bà điên rồi. - Gabrielle lại đi tiếp. - Bà ta vẫn theo sát bước cô, lúc này có vẻ rất tức tối. - Bằng cách này hay cách khác thì Thượng nghị sỹ Sexton cũng sẽ bị đổ, Gabrielle ạ. Và tôi đang cho cô cơ hội tự cứu mình để khỏi bị phơi trên mặt báo! Tổng thống là người tử tế nên ông ấy không muốn công khai những bức ảnh này. Nếu cô cho tôi bản khai đó, tất cả chúng ta sẽ giữ lại được một chút thể diện. - Tôi không phải là một món hàng. - Nhưng mà ngài ứng cử viên nhà cô thì là thế đấy. Ông ấy là người nguy hiểm, đã thế lại còn vi phạm pháp luật. - Ông ấy vi phạm pháp luật ư? Chính các người đang giở trò đột nhập vào văn phòng của người khác và chụp ảnh lén đấy thôi? Bà đã nghe nói đến vụ Watergate chưa hả? - Chúng tôi đâu có trực tiếp liên quan đến việc thu thập những thứ bẩn thỉu này. Nguồn gốc của những bức ảnh này cũng giống như những thông tin về khoản hiến tặng của SFF. Có người đang theo dõi sát sao nhất cử nhất động của hai thầy trò nhà cô đấy. Gabrielle lao vụt qua quầy trực ban nơi cấp thẻ ra vào. Cô lột phăng cái thẻ, ném thẳng vào mặt người lính gác đang tròn mắt ngạc nhiên. Tench vẫn lẵng nhẵng đằng sau. - Cô phải quyết định thật nhanh, cô Ashe ạ, - bà ta nói khi cả hai đã ra gần đến cổng chính - nếu cô không nộp cho tôi một bản khai trong đó thừa nhận đã ăn nằm với ông Thượng nghị sỹ, thì đúng tám giờ tối nay, Tổng thống sẽ công khai toàn bộ sự việc. Gabrielle nhìn thấy cánh cửa và lao vội ra ngoài. - Trên bàn của tôi, chậm nhất là tám giờ tối, Gabrielle ạ. Tỉnh táo mà suy nghĩ. - Bà ta tung cho cô cái phong bì đầy ảnh. - Cô giữ những cái này đi, bé yêu. Chúng tôi còn nhiều lắm. Chương 47 Đi xuôi dòng sông băng, dấn mình vào bóng đêm thăm thẳm, Rachel Sexton thấy một luồng gió buốt giá đang thổi. Rất nhiều hình ảnh cứ ám ảnh tâm trí, làm cô phải băn khoăn suy nghĩ - tảng thiên thạch, loài phù du phát sáng, những hậu quả của sai lầm rất có thể xảy ra khi Norah Mangor khoan thăm dò phiến băng. Một cái đệm đá nước ngọt đặc liền khối hoàn hảo, Norah đã khẳng định điều đó, đã nhắc cho họ nhớ rằng chị ta đã khoan thăm dò ngay bên trên và xung quanh vị trí của tảng thiên thạch. Nếu dòng sông băng này có lẫn những tua nước mặt chứa sinh vật phù du thì chị ta phải biết ngay. Chắc chắn thế. Tuy nhiên, linh tính mách bảo Rachel rằng giả thuyết đơn giản nhất là giả thuyết đúng. Có những sinh vật phù du đông cứng trong lòng dòng sông băng. Đi thêm mười phút nữa, cắm thêm bốn cái đèn pháo sáng nữa, Rachel và những người khác đã đi được khoảng hai trăm năm mươi mét. Bất thình lình. Norah dừng lại. - Chính là chỗ này. - Chị ta nói, giọng chắc nịch y như thầy phù thuỷ chuyên tìm nguồn nước, bằng những cách thức thần bí, đã chọn được địa điểm tuyệt vời để khoan giếng. Rachel quay lại đằng sau và nhìn ngược lên con dốc. Bán sinh quyển từ lâu đã chìm vào trong ánh trăng đêm mờ ảo, nhưng ánh sáng phát ra từ những cây đèn cắm trên tuyết thì rất rõ, ngọn đèn xa nhất đang lấp lánh như một ngôi sao ở phía xa. Tất cả những cây đèn cùng nằm trên một đường thẳng tuyệt đối, như thể đã được tính toán cẩn thận từ trước. Rachel thực sự thán phục kỹ năng của Norah. - Đó là một lý do nữa để không vượt lên trước xe trượt. - Norah nói khi thấy Rachel thán phục dãy đèn thẳng tắp. - Xe trượt luôn chạy theo đường thẳng. Nếu cứ để cho nó chịu tác động của lực hấp dẫn và tuyệt đối không can thiệp vào, chắc chắn chúng ta sẽ đi trên một đường thẳng. - Mẹo hay đấy, - Tolland từ phía sau nói lớn. - Ước gì chúng tôi cũng có nhiều mẹo nhỏ như thế để áp dụng mỗi khi ra khơi. "Đây chính là ngoài khơi rồi còn gì", Rachel nghĩ, mường tượng trong đầu mặt biển tít sâu dưới chân họ. Trong một tích tắc sau đó, cô chợt để ý đến ánh đèn xa nhất. Tự nhiên nó biến mất, như thể ánh sáng vừa bị một vật lớn lướt qua che mất. Chỉ sau một tíc tắc, nó lại sáng. Rachel chợt cảm thấy lo lắng. - Norah này, - cô gào thật to để át tiếng gió - ban nãy chị bảo là vùng này có gấu à? Nhà băng hà học đang chuẩn bị cắm cây đèn phát sáng cuối cùng lên - hoặc là không nghe thấy gì, hoặc là đã cố tình lờ đi. - Gấu Bắc Cực ăn thịt hải cẩu cơ. - Tolland nói thật to. - Chúng chỉ tấn công người khi con người xâm phạm lãnh địa của chúng thôi. - Đây là nơi chúng vẫn ở có phải không? - Rachel không bao giờ phân biệt được địa cực nào có gấu, địa cực nào có chim cánh cụt. - Đúng thế, - Tolland đáp. - Chính vì gấu nên người ta mới đặt tên đất này là Bắc Cực. Trong tiếng Hy Lạp, gấu có nghĩa là arktos. Kinh thật. Rachel sợ hãi cố nhìn sâu vào bóng tối mịt mùng xung quanh. - Nam Cực không có gấu. - Tolland nói. - Nên được đặt tên là anti-arktos - Cảm ơn Mike. - Rachel nói. - Nói về gấu thế là đủ rồi đấy. Ông cười lớn: - Phải rồi. Tôi xin lỗi. Norah đã cắm xong cây đèn pháo sáng cuối cùng. Như những lần trước, luồng ánh sáng đỏ rực lại ôm trùm lấy họ, người nào trông cũng béo phị ra vì bộ quần áo bảo hiểm. Bên ngoài vùng sáng của bóng đèn, cảnh vật hoàn toàn mù mịt, như tấm vải liệm lớn màu đen bao trùm lên tất cả. Rachel và những người khác cùng ngước nhìn lên, Norah đứng choãi chân, tay kéo chiếc xe trượt lùi lại vài mét, đến sát chỗ họ đang đứng, thận trọng trong từng thao tác. Sau đó vẫn giữ dây kéo thật căng, chị ta cúi xuống và lấy tay đẩy lưỡi phanh hình móng nhọn - những chiếc đinh bơn chĩa găm xuống mặt băng, giữ chiếc xe đứng im tại chỗ. Xong việc, chị ta đứng thẳng dậy, phủi quần áo sợi dây thừng quanh người Norah chùng hẳn xuống. - Xong rồi. - Norah kêu to. - Bắt đầu vào việc nào. Nhà tiến sỹ băng hà học đi vòng quanh chiếc xe trượt, đến cạnh mũi xe ở vị trí xuôi gió và bắt đầu tháo những chiếc khoá bướm cố định lớp vải bạt bảo vệ phủ kín dụng cụ. Cảm thấy từ đầu đến giờ mình hơi khắc nghiệt đối với Norah, Rachel tiến lên một bước, định giúp một tay bằng cách tháo những chiếc khoá ở đuôi xe. - Chúa ơi, đừng! - Norah thét lớn, ngẩng phắt lên. - Đừng bao giờ làm như thế. Rachel rụt tay lại, ngỡ ngàng. - Đừng bao giờ mở khoá ở ngay đầu ngọn gió! - Norah nói. - Gió thổi ập vào ngay đấy! Chiếc xe này sẽ bay lên trời như diều đấy! Rachel lùi lại. - Xin lỗi tôi chỉ… Norah lừ mắt. - Cả cô lẫn anh chàng cổ sinh vật kia đừng đi theo thì tốt! Chẳng ai nên đi cùng chị cả, Rachel nghĩ thầm. Mấy con gà mờ, Norah bực tức, thầm rủa ông Giám đốc cứ khăng khăng bắt Corky và Sexton cùng đi theo. Những kẻ khờ này có khi lại làm người khác chết oan không chừng. Chị ta thậm ghét phải lăng xăng chăm sóc những kẻ khác. - Mikel! - Norah nói - anh hãy giúp tôi nhấc GPR xuống cái nào. Tolland giúp Norah dỡ chiếc máy quét radar trong lòng đất (GPR) và đặt nó trên mặt băng. Chiếc máy này trông khá giống ba cái luỡi ủi tuyết nhỏ gắn song song trên khung nhôm. Toàn bộ chiếc máy dài không quá một mét, nó được nối với cái ổn áp và bình ắc quy để trên xe trượt. - Radar đấy à? - Corky hỏi, cố hét to để át tiếng gió. Norah lẳng lặng gật đầu. Máy quét radar trong lòng đất có độ phân giải cao hơn thiết bị PODS nhiều. Bộ phận phát của chiếc máy này sẽ truyền những làn sóng điện từ xuyên qua băng. Sóng này sẽ phản hồi với những tần số khác nhau khi gặp phải những chất liệu khác nhau. Nước tinh khiết khi đóng băng tạo thành những khối hình đá cuội. Tuy nhiên, nước biển đóng băng tạo thành những chùm tia vì nó có chứa natri. Đá nước muối làm cho sóng điện từ phản hồi không đều, và tần suất thấp hơn. Norah khởi động máy. - Tôi sẽ chụp ảnh cắt ngang toàn bộ phần băng xung quanh vị trí trục vớt tảng đá, - chị ta nói to - Phần mềm bên trong máy sẽ ghi lại hình ảnh và in ra. Đá nước biển sẽ là những đốm màu sẫm. - In à? - Tolland ngạc nhiên. - In được ngay tại đây à? Norah chỉ dây cáp nối từ máy GPR với chiếc máy khác được che phủ cẩn thận dưới vải tráng dầu. - Không còn cách nào khác. Màn hình vi tính tiêu thụ quá nhiều năng lượng điện, cho nên những người nghiên cứu băng hà học trên thực địa thường dùng máy in. Màu không được rõ lắm, vì mực màu laze thường vón cục ở âm hai mươi độ C. Thời tiết ở Alaska đã dậy chúng tôi điều đó. Norah yêu cầu mọi người đứng cạnh chiếc máy, nhưng xuôi theo hướng gió. Trong khi đó, chị ta chuẩn bị sắp xếp bộ phận phát để có thể quét chính xác vùng đã trục vớt tảng thiên thạch lên, cách xa khoảng ba sân vận động. Nhưng khi Norah nhìn về hướng mà họ vừa đi qua, chị ta không nhìn được gì. - Mike này, tôi phải để bộ phận phát của GPR xếp thẳng hàng với vị trí của tảng thiên thạch, nhưng mấy cái đèn này làm tôi loá mắt. Tôi sẽ leo ngược lên dốc một chút và giơ tay thẳng một đường với những cây đèn thắp sáng, còn anh chỉnh máy nhé. Tolland gật đầu, quỳ xuống bên cạnh chiếc máy. Norah dận mạnh đinh đế giầy xuống mặt băng, nhoài người về phía trước và di chuyển ngược hướng gió, ngược dốc, về phía bán sinh quyển. Gió katabatic hôm nay thổi mạnh không ngờ, và sắp có bão. Nhưng không sao. Vài phút là xong ngay. Rồi sẽ ổn ngay thôi. Norah leo ngược dốc khoảng 20 mét, và ra khỏi vùng sáng, chiếc dây buộc cả nhóm vào nhau bị kéo căng ra. Từ phía trên, Norah nhìn xuống. Khi mắt đã quen với bóng tối, thì thấy những cây đèn chiếu sáng đã nằm lệch về bên trái vài độ. Chị ta điều chỉnh vị trí cho đến khi mình đứng trên cùng một đường thẳng với bóng đèn. Sau đó, chị ta dang hai tay ra như thể chúng là chiếc compa xoay người, nhìn thẳng về đúng hướng sáng. - Tôi đứng thẳng hàng rồi đấy! - Chị ta hét to. Tolland chỉnh máy GPR, rồi vẫy tay. - Xong rồi! Norah nhìn lên đỉnh dốc lần cuối cùng, thấy yên tâm vì đường về đã được chiếu sáng. Tuy nhiên chị ta thoáng nhìn thấy cái gì đó rất kỳ quặc. Trong một tích tắc, cây đèn gần nhất hoàn toàn biến mất. Norah chưa kịp nghĩ đến khả năng chiếc đèn ấy bị tắt thì nó đã sáng trở lại. Nếu là người không biết gì, Norah hẳn đã nghĩ ngay đến chuyện có người vừa xuất hiện xen giữa chị và cây đèn. "Chắc chắn chẳng có ai ngoài này cả… Trừ khi ông Giám đốc NASA cảm thấy ân hận và đã cử một đội nhân viên đi hộ tống họ. Nhưng không thể có chuyện đó. Chắc chẳng có gì cả", Norah nhủ thầm. Đó chỉ là vì gió quá mạnh nên đèn bị bạt sáng một lúc mà thôi. Norah quay về bên chiếc máy GPR. - Để thật thẳng hàng rồi chứ? Tolland nhún vai. - Chắc là thẳng rồi. Norah đến bên bộ điều khiển gắn trên xe trượt và nhấn nút. Chiếc máy phát ra tiếng rè rè khó chịu rồi thôi ngay. - Được rồi, - chị ta nói - xong rồi đấy. - Đã xong rồi cơ à? - Corky hỏi. - Lâu ở khâu chuẩn bị thôi. Chụp ảnh thì một giây là xong. Trên xe trượt, máy in bắt đầu lạch xạch hoạt động. Từ sau một tấm mi ca để bảo vệ, nó nhả ra một tờ giấy dầy cuộn tròn. Norah đợi cho đến khi in xong hết, rồi lấy tờ giấy ra. Rồi mọi người sẽ thấy, chị ta nghĩ thầm, mang tờ giấy đến bên cây đèn để mọi người cùng nhìn cho rõ. Không thể lẫn nước biển vào đây được. Norah đứng bên cây đèn, tay giữ mép tờ giấy, mọi người xúm xung quanh. Chị ta hít thật sâu rồi mở tờ giấy ra xem. Những gì thấy trên tờ giấy làm cho Norah kinh hãi nhẩy dựng lên. - Lạy Chúa tôi! - Chị ta nhìn trừng trừng, như không tin vào chính mắt mình. Theo như dự kiến, bức ảnh chụp mặt cắt của cái hố sâu đầy nước còn lại sau khi trục vớt tảng thiên thạch. Nhưng Norah không thể ngờ rằng mình sẽ nhìn thấy mờ mờ hình một người lơ lửng trong hố. Máu trong huyết quản chị ta đông cứng lại. - Ôi Chúa ơi…! Có một xác chết trong hố nước. Những người khác cũng trân trối nhìn, kinh ngạc, im lặng. Cái xác ấy nằm chúc đầu xuống trong cái hố hẹp, trông thật ma quái. Xung quanh cái xác dường như có một lớp vải liệm rất kỳ quặc. Giờ thì Norah nhận ra. Máy GPR đã ghi lại lờ mờ hình ảnh chiếc áo khoác dầy của nạn nhân, chiếc áo khoác dài bằng lông cừu trông rất quen. - Đây chính là… ông Ming… - Norah thì thào. - Chắc ông ấy bị trượt chân.. Norah Mangor không ngờ rằng cú sốc khi thấy xác ông Ming trong hố nước chẳng thấm vào đâu so với một cú sốc nữa mà bức ảnh gây ra. Tiếp tục nhìn sâu xuống đáy hố nước, còn thấy một thứ nữa. Phần băng đá bên dướt cái hố… Norah nhìn chằm chằm. Đầu tiên chị nghĩ đến khả năng máy bị hỏng. Nhưng rồi, xem lại thật kỹ, chị lờ mờ nhận thấy, rồi hiểu ra vấn đề. Trong khi gió vẫn quất mạnh khiến mép giấy đập phần phật, Norah chăm chú nhìn bức ảnh. Nhưng mà… Không thể nào! Đột nhiên Norah hiểu ra sự thật, cảm tưởng như sự thật hãi hùng ấy vừa đào mồ chôn chính chị. Norah quên phắt tiến sĩ Ming. Bây giờ thì Norah hiểu. Nước biển lẫn trong hố nước! Chị quỳ xuống bên cạnh cây đèn. Gần như nghẹn thở. Norah run bắn, tay vẫn giữ chặt tờ giấy. - Lạy Chúa… tôi không thể ngờ. Thế rồi, đột nhiên trở nên vô cùng giận dữ, chị ta lao thẳng về phía bán sinh quyển của NASA. - Lũ súc sinh! - Chị ta gào lên, át cả tiếng gió hú. - Lũ súc sinh đáng nguyền rủa! Trong bóng đêm, chỉ cách đó 50 mét, Delta-Một đưa thiết bị bộ đàm lên sát miệng và chỉ nói vào máy có ba từ. - Họ biết rồi. Chương 48 Đến khi Michael Tolland giật tờ giấy khỏi tay chị ta, Norah Mangor vẫn còn quỳ nguyên trên mặt băng. Vẫn còn run rẩy sau khi nhìn thấy xác tiến sĩ Ming trong hố nước. Tolland cố trấn tĩnh và nắm bắt tình hình. Tolland thấy cái hố nước trong ảnh chạy từ mặt băng xuống độ sâu hai trăm foot. Rồi đến xác ông Ming. Ông đưa mắt nhìn xuống sâu hơn nữa, và thấy có cái gì đó rất bất thường. Thẳng cái hố xuống có một cột màu đen chạy suốt xuống đến tận mặt biển. Cột đá nước biển thẳng đứng đó rất to, to đúng bằng kích cỡ của tảng thiên thạch. Lạy Chúa, - Rachel nhìn qua vai ông và thốt lên - cảm tưởng như cái hố nước chạy thẳng một mạch xuống tận mặt biển! Tolland đứng lặng người, trí não ông vẫn phản kháng lại cách lý giải duy nhất hợp lý. Trông Corky cũng không kém phần kinh ngạc. Norah thét lên: - Có người đã khoan thủng phiến băng từ dưới lên! - Mắt chị ta long lên sòng sọc. - Có kẻ đã cố tình đặt tảng đá vào đó! Với tính cách cầu toàn, Tolland không muốn tin những gì Norah vừa nói, nhưng là nhà khoa học, ông thừa hiểu rằng những lời đó có thể rất chính xác. Phiến băng Milne nổi bồng bềnh trên mặt nước, và có rất nhiều cách để tiếp cận bằng tàu ngầm. Vì trong môi trường nước, trọng lượng của mọi vật đều giảm đi đáng kể, chỉ cần một chiếc tàu ngầm không lớn hơn chiếc tàu nghiên cứu dành cho một người của ông cũng có thể di chuyển tảng đá. Con tàu có thể xuất phát từ đại dương, tiếp cận phiến băng từ bên dưới, rồi từ đó khoan ngược lên trên. Sau đó, con tàu có thể dùng cánh tay trọng lực hoặc khinh khí cầu đưa tảng đá lên vị trí đó. Khi tảng đá đã được đặt vào vị trí, nước biển sẽ tràn vào lấp kín lỗ hổng rồi bắt đầu đông cứng lại. Khi lỗ khoan đã đông cứng và có thể giữ được tảng đá ở nguyên vị trí, người ta sẽ rút cánh tay trọng lực ra, để mặc cho mẹ Thiên nhiên hàn gắn nốt lỗ hổng còn lại và che lấp hết mọi dấu vết của sự lừa dối. - Nhưng tại sao? - Rachel hỏi, giằng tờ giấy từ tay Tolland để xem cho kỹ. - Tại sao người ta lại phải làm như thế? Máy GPR có trục trặc gì không? - Đó là chuyện dĩ nhiên, tôi đảm bảo! Và bức ảnh này giải thích rất thoả đáng cho sự có mặt của sinh vật phù du và nước biển trong hố nước! Tolland buộc phải thừa nhận, buồn thay, logic của Norah hoàn toàn thuyết phục. Loài khủng trùng hình roi phát sáng đã theo bản năng bơi ngược lên trên lỗ khoan, bị mắc kẹt ngay bên dưới tảng đá, rồi bị đông cứng lại. Sau đó, khi Norah nung nóng tảng đá, lớp băng ngay bên dưới mặt đá cũng tan theo, giải phóng những loài sinh vật phù du đó. Lần này, chúng lại theo bản năng tiếp tục bơi lên trên, đến tận mặt nước bên trong bán sinh quyển, và chết vì thiếu nước mặn. - Thật là điên rồ! - Corky kêu lên, - NASA có trong tay một tảng thiên thạch có hoá thạch động vật, còn tìm đâu ra tảng đá đó thì có gì quan trọng? Sao họ lại phải giở giói ra chôn nó vào giữa phiến băng để làm gì cơ chứ? - Ai mà biết được, - Norah đốp chát - nhưng thiết bị GPR không lừa dối đâu. Chúng ta đã bị lừa. Tảng thiên thạch đó không hề liên quan gì đến Jungersol Fall. Nó mới được ém vào đó gần đây thôi. Để lâu thì sinh vật phù du sẽ chết. Chị ta đã xếp xong thiết bị GPR lên xe trượt và cài khoá. Phải quay lại và nói cho mọi người biết! Tổng thống sắp cung cấp cho công chúng những dữ liệu láo toét! NASA lừa dối Tổng thống! - Đợi đã! - Rachel hét to. - Ít ra thì cũng phải chạy thử một lần nữa cho chắc đã. Thế này chưa kết luận ngay được. Ai sẽ tin chúng ta đây? - Ai cũng phải tin, - Norah vừa nói vừa sửa soạn - Khi về đến bán sinh quyển, tôi sẽ khoan thăm dò một mũi nữa đúng tại mặt đáy của hố nước. Nếu lấy lên được đá nước biển. tôi đảm bảo là mọi người đều phải tin! Norah nhả phanh trên bánh xe trượt, kéo xe về hướng bán sinh quyển, ngược lên dốc, dận mạnh đinh giầy xuống mặt băng và kéo xe nhẹ nhàng kỳ lạ. Chị ta quả là người rất sốt sắng với công việc. - Đi thôi! - Norah thét lớn, kéo cả đội về phía trước, đi theo hướng có những cây đèn phát sáng. - Tôi không biết NASA định làm gì ở đây, nhưng tôi nhất định không để cho người ta lừa… Cổ Norah Mangor đột nhiên ngửa gập về phía sau như thế bị cái gì đập rất mạnh vào trán. Chị ta thét lên đau đớn, loạng choạng, rồi ngã ngửa xuống băng. Hầu như tức thì, Corky cũng thét lên và loạng choạng như thể bị ai túm chặt lấy vai rồi đẩy mạnh về phía sau. Nhà cổ sinh vật học ngã vật xuống băng, quằn quại đau đớn. Ngay lập tức, Rachel quên bức ảnh, tiến sĩ Ming, tảng thiên thạch và đường ngầm kỳ quặc bên dưới phiến băng. Cô cảm thấy một viên đạn vừa bay sượt qua tai, suýt nữa thì trúng vào thái dương. Theo bản năng, Rachel quỳ mọp xuống, Tolland cũng làm theo. - Chuyện gì thế nhỉ? - Tolland thét lên. Rachel nghĩ đây hẳn phải là một cơn bão tuyết - những cục băng bay vèo vèo từ trên đỉnh sông băng xuống - trông kiểu Corky và Norah bị hạ gục, Rachel biết rằng những cục băng này phải bay với tốc độ hàng trăm dặm một giờ. Kỳ lạ hơn nữa, một trận mưa rào rào những cục băng to bằng quả bóng lúc này chỉ tập trung vào Rachel và Tolland, rơi chi chít quanh họ, làm cho mặt băng bị cầy lên và bắn tung toé. Rachel cuộn người nằm sấp xuống, thúc đinh ở mũi giầy cắm chặt xuống băng, nhoài người tới lá chắn duy nhất trong tầm tay. Chiếc xe trượt. Một tích tắc sau, Tolland cũng bò đến núp bên cạnh cô. Ông nhìn Norah và Corky nằm phơi mình trên băng. - Dùng dây kéo họ vào đây! - Miệng hét, tay ông túm sợi dây và bắt đầu kéo… Nhưng sợi dây đã bị quấn chặt quanh chiếc xe kéo. Rachel nhét bức ảnh vào túi bộ quần áo bảo hộ Mark IX, và trườn về phía chiếc xe kéo, cố gỡ sợi dây bị mắc vào gần xe Tolland theo sát đằng sau cô. Trận mưa đá đột nhiên tập trung vào chiếc xe kéo, như thế mẹ Thiên nhiên đã bỏ qua Corky và Norah, chỉ nhằm thẳng vào Rachel và Tolland. Một viên đá đâm mạnh vào tấm vải trên nóc xe kéo, bị mắc vào đó rời nẩy lên, và rơi đúng vào lòng Rachel. Nhìn viên đá, Rachel sợ cứng người. Chỉ trong chớp mắt, nỗi kinh ngạc đã nhường chỗ cho sự hãi hùng. Những hòn đá này là nhân tạo. Cục băng nằm trên lòng Rachel là một hình cầu tròn trịa to bằng quả dâu tây. Bề mặt mịn và bóng, chỉ có một đường viền chạy xung quanh chu vi của nó, giống như quả đạn đúc bằng chì kiểu cổ dùng cho súng hoả mai. Những cục băng tròn xoe này, không nghi ngờ gì nữa, là do con người làm ra. Đạn băng… Là người am hiểu quân sự, Rachel đã nghe nhiều về loại đạn mới được thử nghiệm - vũ khí ngẫu tác (IM) - những khẩu súng trường có thể nén tuyết thành đạn, súng trường sa mạc có thể nung chảy cát thành những viên đạn thuỷ tinh, súng bắn nước có thể phụt tia nước bắn ra với vận tốc có thể làm gẫy xương đối phương. Vũ khí ngẫu tác có những ưu điểm rất đáng kể so với vũ khí thông thường, bởi vì đạn được chế tạo ngay tại chỗ, cho phép binh lính tác chiến trong mọi địa hình mà không cần phải mang theo đạn. Những quả đạn băng đang bắn thẳng vào người họ lúc này, Rachel biết, được tạo ra "có chủ đích" bằng tuyết được tiếp vào báng súng. Như chuyện thông thường trong giới tình báo, càng biết nhiều thì người ta càng dễ nhận thấy tình hình đáng sợ trước mắt. Đây không phải trường hợp ngoại lệ. Lúc ấy, Rachel đã thầm ước giá cô không hề biết gì, nhưng những hiểu biết về vũ khí ngẫu tác ngay lập tức dẫn cô đến một kết luận đáng sợ: Họ đang bị một đội lính tinh nhuệ nào đó tấn công, bởi họ là lực lượng duy nhất ở Hoa Kỳ được sử dụng loại vũ khí ngẫu tác thử nghiệm này trên thực địa. Sự có mặt của một đơn vị vũ trang tinh nhuệ lại dẫn Rachel đến suy luận thứ hai, còn hãi hùng hơn thế nữa: Khả năng sống sót khi bị tấn công gần như không tồn tại. Dòng suy nghĩ loạn xạ của Rachel bị cắt ngang khi một viên đạn băng bay trúng vào lỗ hổng trên xe trượt, sượt qua một loạt dụng cụ trên nóc xe, văng vào bụng Rachel. Bất chấp lớp đệm dầy của bộ quần áo bảo hộ, Rachel tưởng như mình vừa bị võ sĩ hạng nặng thụi vào bụng. Đau nổ đom đóm mắt, cô ngã ra sau, phải túm chặt đuôi xe để giữ thăng bằng. Michael Tolland vội bỏ sợi dây buộc vào người Norah mà ông đang kéo để đỡ Rachel, nhưng không kịp. Rachel ngã ngửa, kéo theo cả một đống dụng cụ. Cả cô lẫn Tolland nằm lẫn vào giữa đống thiết bị điện tử ngổn ngang. - Đấy là, đạn đấy… - Cô hổn hển, nói không ra hơi. - Chạy đi! Chương 49 Đoàn tàu điện ngầm Washington Metrorail vừa rời ga Federal Triangie, Gabrielle thầm ước giá nó có thể chạy nhanh hơn nữa. Cô ngồi co cứng trong một góc, lơ đãng nhìn những bóng người lướt qua ngay sát bên. Chiếc phong bì lớn màu đỏ của Marjorie Tench nằm trên đùi cô, tưởng chừng nặng cả chục tấn. Mình phải nói chuyện với ngài Sexton! Lúc này đoàn tàu đang dần tăng tốc, hướng tới văn phòng ngài Thượng nghị sĩ. Phải nói ngay lập tức! Giờ đây, ngồi trong toa tầu mờ tối, nhìn những bóng sáng hắt qua cửa sổ tàu, Gabrielle tưởng như mình đang ngồi trên chuyễn tàu trong mơ. Những bóng sáng vụt qua rồi tắt lịm, hệt như những bóng đèn màu nhấp nháy trong sàn nhảy nào đó. Nhìn phía nào cũng thấy những đường hầm hun hút y như những hẻm núi sâu. Ước gì tất cả những chuyện đó đều không có thật. Thẫn thờ nhìn chiếc phong bì trong lòng, Gabrielle mở ra, rồi cầm một bức ảnh để xem. Trong một tích tắc, bóng đèn huỳnh quang trong toa chợt nhấp nháy, bức ảnh hiện lên như một ảo giác hãi hùng - Thượng nghị sĩ Sexton đang nằm trong văn phòng, trần như nhộng, hướng vẻ mặt đầy thoả mãn về camera, bên cạnh ông là Gabrielle, cũng không một mảnh vải che thân. Cô thở giốc, dúi ngay bức ảnh vào phong bì, tay lẩy bẩy đậy lại thật kỹ. Thế là hết. Khi đoàn tàu đã lên khỏi đường ray ngầm trong lòng đất và lăn bánh đến gần L Enfant Plaza, Gabrielle lục túi tìm điện thoại cầm tay và bấm số máy cá nhân của ngài Thượng nghị sĩ. Chỉ nghe thấy giọng thu sẵn trong hộp thư thoại của ông. Thất vọng, cô bấm số máy văn phòng của ông. Lần này thì cô thư ký nghe máy. - Gabrielle đây mà. Thượng nghị sĩ có ở đó không? Người thư ký có vẻ bực bội. - Cô biến mất đi đằng nào thế? Ông ấy tìm cô mãi. - Tôi có cuộc họp, không ngờ lại lâu thế. Cho tôi nói chuyện với ông ấy ngay. - Cô phải đợi đến sáng mai thôi. Ông ấy về Westhrook rồi. Khu căn hộ cao cấp Westbrook là nơi ở của Thượng nghị sĩ tại thủ đô. - Tôi gọi về nhà nhưng không thấy ông ấy nghe máy. - Gabrielle nói. Ông ấy đã lên lịch cho tối nay là dành cho việc riêng rồi. - Cô thư ký nói. - Thượng nghị sĩ ra về rất sớm. Gabrielle cau có. Việc riêng. Quá bồn chồn lo lắng, cô quên mất ngài Sextơn đã dự định dành buổi tối nay để ở nhà một mình. Và Thượng nghị sĩ cương quyết không để bất kỳ ai làm phiền mình trong những buổi tối việc riêng như thế. "Nếu toà nhà đó bốc cháy thì hãy đập cửa nhà tôi", ông vẫn thường nói vậy, "còn nếu là những việc khác thì hãy đợi đến sáng hôm sau". Gabrielle tự quyết định coi như nhà Thượng nghị sĩ đang cháy. - Chị hãy nối máy hộ tôi đi. - Không thể được. - Việc này nghiêm trọng lắm, tôi thực sự… - Không được mà, theo đúng nghĩa đen của từ đó đấy. Trước khi ra về, ông ấy còn để lại máy nhắn tin trên bàn và dặn kỹ là tối nay đừng làm phiền ông ấy. Giọng cương quyết lắm. - Cô ta hơi ngập ngừng. - Cứng rắn hơn lệ thường đấy. - Khỉ thật. Thôi được, cảm ơn cô! - Gabrielle gác máy. "L Enfant Plaza", - tiếng loa thông báo - dừng tại tất cả các ga. Nhắm mắt lại, Gabrielle cố thư giãn đầu óc, nhưng những hình ảnh kinh hãi cứ ùa vào tâm trí… Những bức ảnh hãi hùng chụp cô và ngài Thượng nghị sĩ… Đống tài liệu buộc tội ngài Thượng nghị sĩ ăn hối lộ. Tai cô vẫn còn văng vẳng giọng nói rin rít của Tench. "Cô hãy xử sự cho đúng đắn. Hãy ký vào bản khai đi. Thừa nhận vụ việc đi". Đoàn tàu vào đến sân ga, phanh kêu ken két, và Gabrielle cố mường tượng xem ngài Thượng nghị sĩ sẽ làm gì nếu những bức ảnh này đến tay cánh nhà báo. Ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu khiến cô thực sự bị sốc và thất vọng. Ngài Sexton sẽ nói dối. Chẳng lẽ đây là trực cảm đầu tiên của cô về ứng cử viên mà cô đang phò tá ư, Đúng thế. Ông ấy sẽ nói dối…, rất đạt: Trong trường hợp Gabrielle không chịu thú nhận mà những bức ảnh này vẫn đến tay cánh nhà báo, ngài Thượng nghị sĩ chỉ cần tuyên bố đây là những bức ảnh giả mạo. Đây là thời đại kỹ thuật số, và bất kỳ ai đã từng vào mạng đều có thể dễ dàng nhìn thấy những bức ảnh giả được tút lại rất kỹ, trong đó khuôn mặt của các ngôi sao điện ảnh được ghép vào thân mình của người khác, thường là của những kẻ chuyên nghề khiêu dâm trong những cảnh quay dâm dật. Gabrielle từng chứng kiến khả năng nói dối của ngài Thượng nghị sĩ khi ông nhìn thẳng vào ống kính camera mà nói dối một cách ngon lành về mối quan hệ của họ; chắc chắn ông sẽ khiến cho cả thế giới phải tin rằng những bức ảnh đó chỉ là thủ đoạn nhằm làm hại sự nghiệp của ông. Thượng nghị sĩ sẽ tỏ ra rất phẫn nộ, và có thể còn bóng gió nói rằng chính Tổng thống đã lệnh cho tay chân bày trò giả mạo này. Chả trách Nhà Trắng chưa dám công bố những bức ảnh này. Gabrielle ngẫm thấy rằng những bức ảnh cũng có thể phản lại họ y như khổ nhục kế lần trước. Dù trông rất sinh động và tự nhiên chăng nữa thì rất có thể chúng sẽ chẳng đi đến đâu cả. Gabrielle chợt thấy đầy hi vọng. Nhà Trắng không thể chứng minh đó là những bức ảnh thật. Đơn giản, nhưng đòn tấn công phủ đầu của bà Tench đối với cô quả là hiệu quả: Thừa nhận mối quan hệ của cô với ông ta đi, nếu không sẽ phải vào tù đấy. Nhà Trắng cần cô thừa nhận vụ việc đó, nếu không những bức ảnh sẽ chẳng có giá trị gì. Niềm tin chợt loé lên trong Gabrielle giữa những giờ khắc bấn loạn này. Khi đoàn tàu dừng trên sân ga, những cánh cửa lên xuống đã mở sẵn, cũng là lúc một cánh cửa xa xăm chợt hé ra trong tâm trí Gabrielle, mở ra lối đi triển vọng. Rất có thể tất cả những gì bà Tench nói với mình về vụ hối lộ đều là giả dối… suy cho cùng thì Gabrielle đã nhìn thấy những gì? Dù gì đi nữa thì cũng chẳng có gì xác thực cả - vài bản photocopy các chứng từ ngân hàng, một bức ảnh xám xịt chụp cảnh Thượng nghị sĩ trong một ga ra ô tô. Rất có thể bà ta đã xảo quyệt cho cô xem những chứng từ tài chính giả mạo đó cùng với những bức ảnh sex thật vì hi vọng rằng cô sẽ tin tất cả đều là sự thật. Mánh đó gọi là "xác thực bằng cách liên tưởng" mà các chính trị gia vẫn thường xuyên sử dụng cách này để khiến công chúng tin vào những ý tưởng không rõ ràng và dễ hiểu. Ngài Thượng nghị sĩ vô tội, Gabrielle tự bảo mình, Nhà Trắng đã lâm vào tình thế tuyệt vọng, và họ bày đặt ra canh bạc này để doạ cho cô sợ, hòng công khai vụ việc đó. Họ muốn Gabrielle từ bỏ ngài Thượng nghị sĩ một cách ầm ỹ và tai tiếng. "Hãy rút lui ngay khi vẫn cờn có cơ hội", bà Tench đã bảo cô thế. Cô có cơ hội đến muộn nhất là tám giờ tối nay. Trò lừa gạt bằng cách dùng tối hậu thư này quả là đáng sợ. A, mọi tình tiết đều ăn khớp, cô thầm nghĩ. Trừ một chi tiết… Miếng ghép duy nhất không khít trong trò ghép hình này là những bức thư chống phá NASA mà Tench gửi cho cô. Từ đó có thể suy ra là NASA muốn Thượng nghị sĩ bộc lộ rõ quan điểm chống NASA của ông, để lợi dụng điều đó mà làm hại ông. Hay chính chi tiết này cũng trùng khớp nốt? Gabrielle vừa nhận ra rằng chính những bức thư điện tử đó cũng có thể được lý giải một cách rất logic. Nhỡ những bức thư đó không phải do bà Tench gửi thì sao? Rất có thể bà ta đã khui ra kẻ phản bội, sa thải người đó, rồi can thiệp bằng cách dùng địa chỉ đó để gửi thư cho cô, dàn xếp cuộc gặp này. Rất có thể bà ta giả vờ cố ý gửi những bức thư đó cho cô, để đẩy cô lên vị trí này. Động cơ tàu đang phì hơi xì xì tại nhà ga L Enfant Plaza, cửa lên xuống sắp đóng. Gabrielle đưa mắt nhìn sân ga, đầu óc quay cuồng. Cô không biết những suy luận của mình là đúng hay chỉ là những mơ tưởng hão huyền, nhưng dù có chuyện gì đi nữa thì cô cũng phải cho Thượng nghị sĩ biết chuyện này ngay - bất kể tối nay ông có việc nêng hay không cũng mặc. Tay cầm chặt chiếc phong bì, Gabrielle vội bước xuống sân ga ngay trước khi cửa lên xuống đóng sập lại. Cô đã xác định được cái đích cần phải đến. Khu căn hộ Westbrooke. Chương 50 Hoặc phải chống trả, hoặc phải tháo chạy. Là nhà sinh vật học, Tolland biết rằng khi một sinh vật cảm nhận được hiểm hoạ, sẽ có rất nhiều thay đổi về sinh lý. Adrenaline dâng tràn lên vỏ não, nhịp tim tăng mạnh, thúc đẩy bộ óc phải đưa ra những quyết định có tính bản năng nhất - hoặc là chống trả, hoặc là tháo chạy. Bản năng trong Tolland bảo ông hãy tháo chạy, ấy thế nhưng lý trí nhắc nhở rằng ông và Norah Mangor cùng bị buộc vào một sợi dây. Và dù sao thì cũng chẳng biết chạy đi đường nào. Nơi trú ẩn duy nhất trong bán kính vài dặm chính là trong bán sinh quyển; và những kẻ tấn công này, bất kể chúng là ai, đã chiếm giữ vị trí trên đỉnh dốc băng, chặn mất lối thoát ấy. Phía sau ông, phiến băng nở rộng ra thành một dải đồng bằng dài hai dặm phủ lên trên mặt biển băng giá. Tháo chạy về hướng đó có nghĩa là đối mặt với cái chết. Tuy nhiên, cản trở chính lại là những người khác Tolland biết ông không thể bỏ mặc họ. Norah và Corky đang nằm phơi mình trên băng, được nối với Tolland và Rachel bằng một sợi dây. Tolland cúi rạp bên cạnh Rachel khi những hòn đạn băng tiếp tục nã như mưa xuống chiếc xe trượt đã bị lật sấp ông chộp lấy vài thứ dụng cụ, cố tìm một thứ vũ khí nào đó, súng bắn pháo sáng, radio, hay bất kỳ cái gì. - Chạy đi! - Rachel hét to, vẫn thở một cách khó nhọc. Sau đó, làn mưa đạn ngưng đột ngột. Dù gió vẫn đang giật, đêm đột nhiên trở nên yên tĩnh, như thể cơn bão đã bất ngờ tan hẳn. Lúc ấy, đang thận trọng nhòm qua khe xe trượt, Tolland chứng kiến cảnh tượng hãi hùng nhất trong đời. Trượt ra chỗ sáng một cách nhẹ nhàng từ bóng tối, ba hình bóng ma quái xuất hiện, chân đeo ván trượt tuyết. Những người này mặc áo liền quần bảo hộ màu trắng. Họ không dùng sào trượt tuyết mà cầm trên tay những khẩu súng trường lớn mà ông chưa từng thấy. Ván trượt của họ trông cũng rất lạ lùng, ngắn và hiện đại trông giống giầy Rollerblades kéo dài ra. Một cách điềm tĩnh như thể biết rằng đã nắm chắc phần thắng, những người này dừng lại bên nạn nhân gần nhất - Norah Mangor giờ đã bất tỉnh. Tolland run run nhổm người lên để nhòm cho rõ những người này. Họ quay những cặp kính bảo hộ điện tử kỳ lạ về phía ông, nhìn chằm chằm. Rõ ràng là chẳng quan tâm lắm. Ít nhất là lúc này. Delta-Một chăm chú nhìn người đàn bà nằm bất tỉnh trên băng, không chút ân hận. Anh đã được đào tạo để thi hành mệnh lệnh mà không cần biết lý do. Người đàn bà này mặc bộ quần áo giữ nhiệt màu đen dầy, một bên mặt bị sưng to. Chị ta thở gấp, khó nhọc. Một viên đạn từ những khẩu súng trường của họ đã bắn trúng vào má, khiến chị ta bất tỉnh. Giờ là lúc hoàn tất công việc. Khi Delta-Một quỳ xuống bên người đàn bà không quen biết, hai đồng đội của anh chĩa súng về những mục tiêu còn lại - một người đàn ông bé nhỏ nằm bất động trên băng ngay gần họ, và hai nạn nhân khác đang nấp sau chiếc xe trượt lật úp. Mặc dù họ có thể dễ dàng tiến tới để kết liễu tất cả, nhưng những nạn nhân kia không có vũ khí và cũng chẳng thể chạy đi đâu. Cố giết tất cả bọn họ ngay lúc này là hành động bất cẩn. Đừng bao giờ chút nhỏ trọng tâm chú ý nếu không thực sự cần thiết. Hãy thanh toán từng đối thủ một. Theo đứng bài bản, Đội Delta sẽ kết liễu từng đối tượng một. Tuy nhiên, điều đặc biệt chính là không một dấu vết nào có thể hé lộ những lý do khiến những người này phải chết. Cúi xuống bên người đàn bà, Delta-Một tháo găng tay giữ nhiệt và vốc một nắm tuyết. Anh ta gang miệng nạn nhân ra rồi nhét tuyết vào họng. Delta-Một nhét thật đầy, ấn tuyết xuống tận khí quản. Trong vòng ba phút chị ta sẽ chết. Phương pháp này có tên là "belaya smert" - cái chết trắng, do mafia Nga nghĩ ra. Nạn nhân sẽ bị chết ngạt trước khi tuyết trong miệng tan ra. Nhưng sau khi chết rất lâu, cơ thể người vẫn còn đủ ấm để làm đám tuyết ấy tan hết. Dù người ta có thể nghi ngờ, nhưng không ai tìm thấy được bất kỳ hung khí hay bằng chứng nào để chứng minh cho hành động giết người. Cuối cùng thì người ta cũng có thể nghĩ ra nguyên nhân thực sự, nhưng lúc ấy thì chúng đã có đủ thời gian. Những viên đạn băng sẽ hoà lẫn vào băng tuyết xung quanh, và vết sưng phồng trên mặt người đàn bà này sẽ trông giống như hậu quả của cú ngã chí mạng - chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi gió thổi mạnh đến mức này. Ba người còn lại cũng sẽ bị hạ sát theo kiểu này, sau đó Delta-Một sẽ chất họ lên xe, kéo đi xa vài trăm mét và lại buộc họ vào dây rồi bố trí hiện trường giả. Vài giờ nữa người ta sẽ tìm thấy những thi thể đã đông cứng, hiển nhiên giống hệt những nạn nhân của thời tiết xấu. Dĩ nhiên, những người đi tìm sẽ băn khoăn không hiểu những người này ra ngoài trời để làm gì Suy cho cùng thì những cây đèn báo sáng của họ đã tắt hết, thời tiết thì thật kinh khủng, bị lạc lối trên phiến băng Milne có nghĩa là cái chết sẽ ập đến tức thì. Lúc này, Delta-Một đã nhồi xong tuyết vào cổ họng người đàn bà. Trước khi chuyển sang những nạn nhân khác, anh tháo cái móc nối vào sợi dây của nhóm trên thắt lưng chị ta. Sau này có thể móc vào lại nhưng lúc này anh không muốn những nạn nhân kia nghĩ đến chuyện kéo chị ta ra chỗ khác. Hành động giết người này quả là dã man quá sức tưởng tượng của Tolland. Sau khi đã tháo sợi dây buộc vào Norah Mangor, cả ba bắt đầu quay sang Corky. Cần phải tìm cái gì đó! Corky lúc này đã tỉnh lại, đang rên rỉ, gắng sức ngồi dậy, nhưng một người lính ấn ông ta xuống, ngồi đè cả người lên rồi dùng tay và chân ghìm chặt chân tay Corky xuống tuyết. Corky kêu thét lên đau đớn, nhưng tiếng kêu lập tức bị cơn gió dữ át đi. Kinh hãi đến phát điên, Tolland lục lọi những đống dụng cụ đổ xuống từ chiếc xe trượt. Chắc chắn phải có thứ gì đó! Một thứ vũ khí nào đó! Chắc chắn phải có! Nhưng ông chỉ tìm thấy những dụng cụ phân tích băng, thảy đều bị trận mưa đạn băng vừa nãy phá tan tành. Cạnh ông. Rachel đang chới với cố thu người ngồi dậy bằng cách dựa người vào cây rìu đá. - Phải chạy đi… Mike… Tolland nhìn chiếc rìu mắc ở cổ tay Rachel. Có thể dùng làm vũ khí được. Đại loại vậy. Ông mường tượng cảnh dùng chiếc rìu tí xíu đó để tấn công ba người lính được vũ trang đến tận chân răng kia. Làm thế là tự sát. Rachel vừa ngồi hẳn dậy, Tolland chợt nhìn thấy một vật sau lưng cô. Cái túi dù rất to. Thầm cầu Chúa trong túi đó có khẩu súng bắn pháo sáng hay chiếc radio, ông bò qua người Rachel, tay lần cái túi. Trong túi có một tấm vải Mylar rất to, được gấp cẩn thận. Chẳng ích gì. Trong túi dụng cụ nghiên cứu biển của Tolland cũng có một cái gần giống thế này. Đây là quả khinh khí cầu loại nhỏ được chế tạo để vận chuyển những dụng cụ quan trắc khí hậu có trọng lượng chỉ bằng chiếc máy tính cá nhân. Cái khinh khí cầu của Norah chẳng làm được nên trò trống gì trong hoàn cảnh này, nhất là khi không có bình khí helium để gắn kèm vào. Nghe tiếng Corky đang vật vã, Tolland càng tuyệt vọng. Hoàn toàn tuyệt vọng. Thất bại thảm hại. Đúng như những gì ông thường nghe mọi người nói về chuyện người ta thường nhớ lại những khoảnh khắc quan trọng trong đời trước lúc lâm chung, những kỷ niệm ấu thơ chợt ùa về lấp đầy tâm trí Tolland. Trong vòng một tích tắc, ông nhớ lại thuở còn ở trên chiếc thuyền buồm tại cảng San Pedro, tập bay trên trục buồm lớn - một thú tiêu khiển ưa thích của các thuỷ thủ - bám tay vào dây tời, đu đưa ngay trên mặt biển, lúc như lao thẳng xuống mặt nước cuồn cuộn, lúc lại hả hê tung người lên cao hệt như một đứa trẻ đang đu trên xà đơn phó mặc sinh mạng cho sợi dây buồm và những ngẫu hứng của gió biển. Tolland lập tức nhìn như muốn nuốt chửng chiếc khinh khí cầu Mylar trong tay, hoá ra tâm trí ông đâu đã chịu đầu hàng, ông vừa nảy ra một giải pháp! Bay trên trục buồm lớn. Trong khi Corky vẫn đang đơn độc vật lộn với ba người lính kia, Tolland giật mạnh lớp vải bảo hộ bao quanh chiếc khinh khí cầu ông không ảo tưởng rằng đây là biện pháp hữu hiệu, nhưng ở lại đây có nghĩa là cả ba người sẽ phải chết. Ông lôi mạnh khinh khí cầu ra. Có một dòng chữ in trên móc gài hàng: CẨN TRỌNG: KHÔNG SỬ DỤNG KHI TỐC ĐỘ GIÓ QUÁ 10 HẢI LÍ. Cẩn trọng cái con khỉ. Cố giữ tay thật chặt để khinh khí cầu không nở phồng ra, Tolland bò đến bên Rachel lúc này đang nằm nghiêng một bên. Ông đọc thấy vẻ ngỡ ngàng trong mắt cô khi quỳ xuống sát Rachel và hét lớn: - Giữ lấy cái này! Ông đưa cho Rachel khinh khí cầu được gấp cẩn thận rồi dùng tay kia móc cái móc gài vào thắt lưng mình, sau đó ông lăn người và kéo chiếc móc ấy để gài vào thắt lưng Rachel. Lúc này hai người đã bị buộc làm một. Bị buộc chặt vào nhau ngang thắt lưng. Sợi dây buộc giữa hai người lòng thòng kéo dài trên tuyết đến chỗ Corky đang giãy giữa, rồi tiếp tục kéo dài thêm mười mét nữa đến tận chỗ cái móc nằm chỏng chơ bên cạnh Norah Mangor. Norah thì không cứu được nữa rồi, Tolland tự nhủ, mình cũng có thể làm gì cho cô ấy nữa. Ba kẻ kia đang xúm lại bên Corky, chúng đã vốc được một nắm tuyết sắp sửa nhồi vào cổ họng nhà cổ sinh vật. Tolland biết họ không còn thời gian để chần chừ nữa. Tolland giật mạnh chiếc khinh khí cầu trên tay Rachel. Chất vải dù này nhẹ như giấy, và rất chắc chắn. Đây rồi. - Bám chắc nhé! - Mike? - Rachel lên tiếng. - Cái gì… Tolland huơ huơ tấm vải trên đầu. Cơn gió dữ lập tức ùa vào giật tung các nếp xếp, tấm vải căng rộng ra như cánh dù giữa gió xoáy. Không khí lùa đầy vào, quả khinh khí cầu căng phồng lên đánh phựt, trên tay ông, tất cả chỉ trong tích tắc. Tolland cảm thấy bị kéo rất mạnh ở thắt lưng, và ngay tức thì. Ông biết mình đã đánh giá không hết sức mạnh của loại gió katabatic này. Chỉ trong chớp mắt, ông và Rachel đã bị kéo gần như lơ lửng trong không khí, xuôi xuống dưới dốc băng. Sau một tích tắc, ông thấy thắt lưng bị giật mạnh lần nữa khi sợi dây nối với Corky Marlinson bị kéo căng ra. Cách ông hai mươi mét, ông bạn khốn khổ đang khiếp hãi của ông bị giật mạnh khỏi tay lũ sát thủ, làm cho một tên chới với ngã lộn nhào. Corky kêu lên thất thanh khi bị kéo lê trên băng với tốc độ kinh hoàng, suýt va vào chiếc xe trượt bị lật úp bên cạnh đống dụng cụ ngổn ngang. Một sợ dây khác cũng bị lôi lượt sượt bên Corky… Sợi dây đáng ra được móc vào Norah Mangor. Mình đâu có thể làm được gì hơn, Tolland tự nhủ. Cả ba bị kéo lê trên băng chẳng khác gì những con rối bị buộc vào nhau. Đạn băng vãi như mưa quanh họ, nhưng Tolland biết những hung thủ kia chẳng thể làm gì được nữa. Sau lưng ông, bóng ba người lính mặc quần áo trắng đứng trong quầng sáng toả ra từ những cây đèn đang mờ dần đi. Lúc này, Tolland thấy băng tuyết đang sượt qua dưới bộ áo liền quần bảo hộ trên người ông với tốc độ mỗi lúc một cao hơn, và cảm giác nhẹ nhõm vì thoát chết nhanh chóng tan biến. Phía trước họ, ở khoảng cách không đầy hai dặm, điểm tận cùng dốc đứng như bờ vực của phiến băng Milne đang đợi sẵn, và tiếp đến…, cách mặt băng một trăm foot…, là những con sóng chết người của Biển Bắc. Chương 51 Tươi như hoa, Marjorie Tench xuống cầu thang, tiến về phòng thông tin của Nhà Trắng; căn phòng có gác xép với những thiết bị thu phát tự động được cài đặt sẵn. Cuộc gặp với Gabrielle đã diễn ra suôn sẻ. Bất kể Gabrielle có hoảng sợ đến nỗi phải, tự công khai vụ việc đó hay không thì thử một phen như thế chẳng phí công chút nào. Gabrielle đủ thông minh để tránh xa ông ta, bà ta thầm nghĩ. Cô bé tội nghiệp đó không thể biết Sexton sắp rớt đài thảm hại đến thế nào. Chỉ vài giờ đồng hồ nữa thôi, cuộc họp báo của Tổng thống về tảng thiên thạch sẽ khiến ông ta phải đổ gục. Chưa hết. Nếu Gabrielle chịu hợp tác thì ông ta sẽ bị giáng một đòn chí mạng và sẽ phải lê lết trong nhục nhã. Sáng sớm mai Tench sẽ tung ra bản khai của Gabrielle kèm theo cảnh Thượng nghị sĩ Sexton đang phủ định tin đồn về chuyện đó. Đòn đúp. Suy cho cùng, làm chính trị không có nghĩa là chỉ cần thắng cử mà phải là thắng một cách thuyết phục - phải có đủ thế lực để thực thi những dự định trong đầu. Xét trong lịch sử Hoa Kỳ, tất cả những vị Tổng thống đặt chân vào Nhà Trắng với một tỉ lệ phiếu bầu sít sao đều chẳng làm được gì đáng kể; thế của ông ta đã bị yếu đi nhiều ngay trước ngưỡng cửa Nhà Trắng, và Nghị viện sẽ không bao giờ quên chi tiết đó. Nếu đúng như dự kiến, chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Sexton sẽ bị phá sản toàn diện - đây sẽ là một đòn đúp giáng vào cả cương lĩnh chính trị lẫn tư cách đạo đức của ông ta. Chiến thuật này, vốn được chính giới Washington đặt tên là "trèo cao ngã đau", bắt nguồn từ nghệ thuật quân sự. Ép đối phương phải chiến đấu trên cả hai mặt trận. Khi vớ được một nguồn tin về điểm yếu của đối thủ, đa số các ứng cử viên thường đợi thêm cho đến khi có thêm một tin thứ hai, rồi cùng lúc công khai cả hai. Một cú đánh đúp thường có hiệu lực hơn hẳn so với những đòn đơn lẻ thông thường, nhất là khi đòn đúp đó được chĩa vào hai mục tiêu khác nhau trong chiến dịch tranh cử của đối phương - một nhằm vào đường lối chính trị, một vào tư cách cá nhân của đối phương. Dùng lí trí để đánh vào cương lĩnh chính trị, và dùng tình cảm để đánh vào nhân cách, cùng lúc ra đòn từ hai hướng như thế sẽ khiến đối phương không tài nào chống đỡ nổi. Đêm nay, Thượng nghị sĩ Sexton sẽ phải lê lết tìm cách thoát khỏi cơn ác mộng sau khi thắng lợi của NASA được công bố, và tình cảnh của ông ta sẽ cờn bi đát hơn nữa nếu phải bảo vệ quan điểm về NASA trong lúc bị chính nữ cộng sự thân cận của mình công khai buộc tội dối trá. Đến cửa phòng thông tin, Tench cảm thấy vô cùng hào hứng với viễn cảnh về cuộc đấu. Chính trị nghĩa là tranh đấu. Bà ta hít thật sâu rồi giơ tay xem đồng hồ. 6 giờ 15 phút chiều. Phát đạn đầu tiên sắp được khai hoả. Tench bước vào bên trong. Họ sẵn sàng cả rồi, bà ta đọc thấy điều đó trong ánh mắt chăm chú của những nhân viên phòng máy. Căn phòng nhỏ tí xíu này lần nào cũng khiến Tench thấy kinh ngạc. Chỉ cần được báo trước hai giờ, các nhân viên này có thể kết nối với một nửa số người văn minh trên trái đất. Được kết nối điện tử với hàng ngàn nguồn cung cấp tin trên toàn cầu - từ những tập đoàn phát thanh - truyền hình lớn cho tới những tờ báo địa phương - chỉ cần bấm vài cái nút là Nhà Trắng có thể vươn cánh tay tới mọi nơi trên khắp địa cầu. Máy tính có thể gửi nội dung các buổi họp báo đến thẳng các đài phát thanh, đài truyền hình, các toà báo và các địa chỉ intemet trải khắp từ vùng Maine đến tận Moscow. Mọi điểm kết nối intemet đều được cài đặt sẵn những phần mềm cho phép tự động nhận những thông tin số hoá loại này. Thiết bị quay số tự động sẽ thực hiện hàng ngàn cuộc gọi đến các nhà cung cấp dịch vụ mạng và chuyển đến họ những đoạn băng được thu sẵn. Một trang web nóng sẽ liên tục cập nhật những thông tin "mới nhất cùng với những thông báo được soạn thảo sẵn". Những hệ thống có khả năng "truyền tin tức thời" – CNN, NBC, ABC, CBS và các tập đoàn truyền thông nước ngoài - sẽ bị được tiếp cận từ mọi hướng, và sẽ nhận được lời hứa hẹn về một nguồn tin nóng miễn phí. Tất cả các chương trình đang lên sóng của họ sẽ phải ngưng lại để nhường chỗ cho bản tin nóng phát đi từ phủ Tổng thống. Một cuộc tấn công tổng lực. Hệt một viên tướng đi duyệt quân, Tench sải bước đến bên bàn photocopy và cầm lên tay một bản in đã được đặt sẵn trên máy fax, y như viên đạn súng ngắn đã lên nòng. Bà ta đọc, và khẽ cười một mình. Theo đúng thông lệ, lời lẽ của bản thông báo này khá "nặng đô" - nặng về quảng cáo hơn là thông báo - nhưng Tổng thống đã lệnh cho phòng thông tin phải lược hết các đấu chấm câu đi. Đây là kết quả họ có được. Văn bản này thật hoàn hảo - nhiều từ mạnh. Ít nghĩa ẩn. Một sự kết hợp chết người. Ngay cả các địa chỉ dùng chương trình lọc tin tự động để phân loại thư đến cũng sẽ nhận được vô số từ khoá khiến họ phải chú ý: Từ: Phòng thông tin Nhà Trắng Nội dung: Thông báo khẩn của Tổng thống. Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ tổ chức buổi họp báo khẩn lúc tám giờ tối nay, giờ chuẩn khu đông, tại phòng họp báo của Nhà Trắng. Nội dung buổi họp báo được xếp vào loại đặc biệt. Các nguồn cung cấp tin tức thời tại chỗ sẽ hoạt động như thường lệ. Để tờ giấy trên bàn như cũ, Marjorie Tench nhìn khắp phòng thông tin một lần nữa rồi gật đầu tán thưởng với mấy nhân viên trực ban. Người nào cũng có vẻ háo hức muốn vào việc ngay. Châm thuốc, bà ta rít một hơi, mơ màng với viễn cảnh tươi đẹp trước mắt. Cuối cùng, Tench cười rất tười: - Nào các vị, bấm máy bắt đầu thôi! Chương 52 Tất cả mọi lập luận logic đều đã biến mất khỏi tâm trí Rachel. Cô không hề nghĩ đến tảng thiên thạch, bức ảnh lạ lùng vừa nhét vào túi áo tiến sĩ Ming, hay vụ đụng độ sinh tử trên phiến băng mờ tối. Lúc này chỉ có một vấn đề thực sự có ý nghĩa. Sống sót. Mặt băng nhẵn lỳ như mặt đường cao tốc đang sượt qua dưới bộ áo liền quần của cô. Không biết vì cơ thể đã đờ ra do sợ hãi hay vì được bộ quần áo này che chở, Rachel không cảm thấy đau. Cô chẳng cảm thấy gì cả. Ấy thế mà… Nghiêng người, thắt lưng bị móc chặt vào thắt lưng của Tolland, cô nằm mặt-đối-mặt với ông trong một tư thế thật kỳ quặc. Đâu đó trên đầu họ, chiếc khinh khí cầu căng đầy gió y như chiếc dù buộc vào đuôi xe đua công thức một. Corky ở phía sau họ, bị lôi xềnh xệch chẳng khác gì cái rơ moóc bị hỏng phanh. Những vầng sáng đánh dấu địa điểm mà họ bị tấn công đã khuất dạng hẳn phía xa. m thanh tạo ra do mặt vải phủ nhựa của bộ áo liền quần Mark IX sượt trên mặt băng nghe thanh hơn, do tốc độ trượt cũng đang tăng lên nhanh chóng. Cô không biết họ đang trượt với vận tốc bao nhiêu nhưng sức gió này ít nhất cũng phải 60 dặm một giờ, và mặt băng trơn nhẫy đang sượt qua bên dưới họ với một vận tốc đang tăng lên từng giây một. Quả khinh khí cầu siêu bền Mylar không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ bị rách hay nhũn ra. Phải nới lỏng cái dù ra, cô thầm nghĩ. Cả nhóm đang chạy thoát khỏi hiểm hoạ chết người để lao thẳng vào hiểm hoạ khác chẳng kém cạnh gì. Chỉ còn cách mặt biển khoảng gần một dặm nữa thôi! Hình ảnh mặt biển băng giá một lần nữa gợi lại trong cô những ký ức hãi hùng. Gió tiếp tục giật mạnh hơn, tốc độ trượt của họ cũng tăng theo. Sau lưng họ. Corky vừa kêu thét lên kinh hãi. Rachel biết với tốc độ này thì chỉ vài phút nữa là họ sẽ bị văng ra khỏi mỏm băng và rơi xuống biển. Rõ ràng là Tolland cũng nghĩ như vậy nên ông đang vật lộn với mớ khoá móc trên thắt lưng của họ. - Tôi không tháo được móc, dây căng quá? Rachel hi vọng gió sẽ dịu đi trong chốc lát để sợi dây chùng lại một chút, nhưng gió katabatic vẫn đều đều thồi không thương xót. Để giúp Tolland, Rachel vặn người rồi dúi mạnh đinh mũi giày xuống mặt băng, làm vụn băng bay tung toé. Tốc độ trượt chỉ giảm chút xíu. - Nào! - Vừa nhấc chân lên, Rachel vừa hét lớn. Trong chốc lát, sợi dây néo của khinh khí cầu chùng lại đôi chút. Tolland cố hết sức tận dụng độ chùng của sợi dây để tháo những cái khoá móc trên lưng họ. Vẫn chưa được. - Lần nữa đi! - ông hét lên. Lần này cả hai cùng rướn người lên và dận mạnh mũi giày xuống băng, khiến bụi băng văng lên thành hai hình cung như hai cái đuôi công. - Nào! Cả hai cùng căng hết sức. Trong khi quả khinh khí cầu lại đang tăng tốc trở lại, Tolland ấn mạnh ngón tay cái vào khoá và cố tháo móc gài. Lần này thì gần được. Nhưng sợi dây vẫn phải chùng hơn nữa mới được. Norah đã tuyên bố một cách đầy tự hào rằng những cái móc cài này thuộc loại thượng hạng, chúng được gia cố thêm những rãnh xoắn trên bề mặt để giữ sợi dây thật chặt một khi vẫn còn dù chỉ chút ít sức kéo. Chết vì những cái móc an toàn, Rachel thầm nghĩ, cô chẳng thấy tình cảnh này có gì hài hước cả. - Lần nữa nào! - Tolland hét lớn. Thu hết sức bình sinh và hi vọng, Rachel uốn cong lưng lên, dận mạnh cả hai mũi giày xuống băng. Cong người, Rachel cố dồn hết trọng lượng vào hai bàn chân. Tolland cũng làm theo cô cho đến khi cả hai gần như đã gập đôi người ra sau, sợi dây buộc giữa thắt lưng của họ căng lên. Tolland dận chân xuống thật mạnh trong khi Rachel tiếp tục rướn người lên hết mức. Hai cẳng chân Rachel căng ra, như bị giằng rất mạnh. Cảm tưởng như mắt cá chân sắp vỡ tung ra đến nơi. - Cố lên…, cố lên… - Tolland vặn mạnh người, cố tháo chiếc móc gài ra trong khi tốc độ trượt giảm đi đáng kể - Gần được… Bộ đinh đế giày của Rachel gãy đánh rầm. Bàn đinh đế giày bằng sắt văng ra, nảy về phía sau, sượt qua người Corky. Ngay lập tức quả khinh khí cầu lại tăng tốc, kéo theo cả Tolland lẫn Rachel trong tư thế nằm nghiêng. Chiếc khoá gài tuột khỏi tay Tolland. Khỉ thật! Quả khinh khí cầu Mylar như thể đã nổi giận vì bị kéo chậm lại lúc này chồm lên, kéo mạnh ra phía biển. Rachel biết họ đang trượt đến rất gần mép phiến băng, và trước cửa tử cách mặt biển một trăm foot đó, họ còn phải đối mặt với một hiểm hoạ nữa. Những con mương tuyết khổng lồ nằm trên đường trượt của họ. Dù được bảo vệ bởi lớp đệm bằng gel của bộ quần áo, Rachel vẫn thấy kinh hãi khi tưởng tượng cảnh bị hất tung lên cao rồi rơi thẳng xuống mặt băng rắn chắc. Rachel vật lộn một cách tuyệt vọng với mớ khoá gài và móc ở thắt lưng, cố thoát khỏi quả khinh khí cầu. Đúng lúc ấy, cô chợt nghe thấy tiếng lách cách đều đều trên băng - tiếng một thứ kim loại nhẹ đang cọ mạnh vào mặt băng cứng. Cái rìu. Trong cơn hoảng loạn, Rachel đã quên hẳn chiếc rìu móc vào sợi dây thun được gài vào thắt lưng mình. Thứ dụng cụ bằng nhôm rất nhẹ ấy lúc này đang nẩy qua nẩy lại quanh chân Rachel. Cô ngước lên nhìn sợi dây néo của quả khinh khí cầu. Dây dù ni lông dầy và chắc. Nhổm người lên, cô quờ quạng với lấy chiếc rìu. Túm được cái cán, Rachel kéo rìu lên. Vẫn ở tư thế nằm nghiêng, cô giơ tay lên thật cao, hướng cạnh sắc răng cưa của nó về phía sợi dây dù. Một cách vụng về, cô bắt đầu cứa sợi dây. - Đúng đấy! - Tolland hét lớn, tay cũng quờ với lấy chiếc rìu của mình… Nghiêng người, Rachel hết sức vươn vai lên cao, cứa sợi dây. Sợi dây dù được bện rất chặt, từng lớp ni lông mỏng bị cứa đứt một cách chậm chạp. Tolland cầm chắc cái rìu của mình, vặn người, giơ tay lên cao quá đầu, gắng sức cứa cắt sợi dây ở đúng vị trí ấy nhưng ngược từ dưới lên. Hai lưỡi rìu hình quả chuối được kéo qua kéo lại như hai lưỡi cưa của những người thợ gỗ. Sợi dây dù bị cứa đứt dần từ cả hai phía. Sắp được rồi, Rachel thầm nghĩ. Sợi dây sắp đứt rồi! Đột nhiên quả khinh khí cầu Mylar màu bạc trên đầu họ nẩy dựng lên như thế nó vừa đâm vào một sườn dốc dựng đứng nào đó Rachel kinh hãi nhận ra rằng đó chính là do đặc điểm bề mặt của phiến băng. Họ đã đến đó. Những cái mương lớn. Bức tường trắng hiện ra trước mắt, và chỉ sau một giây họ đã ở trên đỉnh. Mạng sườn bị đập mạnh vào dốc băng dựng đứng, Rachel hụt hơi, chiếc rìu nhỏ văng mất. Như vận động viên trượt sóng vừa mất thăng bằng, ngã lộn nhào, bị sóng lớn kéo đi, Rachel thấy mình bị kéo ngược lên đỉnh ụ băng lớn rồi bị tung thẳng lên cao. Cô và Tolland bất thần bị phóng mạnh lên không trung với tốc độ chóng mặt. Con mương lớn chạy giữa hai ụ tuyết dài lấp loáng tít bên dưới, sợi dây néo vẫn giữ chặt lấy họ nhấc bổng họ lên, lôi cả hai người ngang qua con mương thứ nhất. Trong một tích tắc, Rachel thoáng thấy quang cảnh trước mặt. Hai ụ tuyết nữa - một dải băng phẳng hẹp - rồi đến vực sâu, bên dưới là biển. Như thể muốn giúp Rachel bộc lộ cảm giác kinh sợ tột độ trong lòng, Corky Marlinson thét lên thất thanh. Sau lưng họ, ông ta vừa bị hất lên từ ụ tuyết thứ nhất. Lúc này, cả ba đều lơ lửng trên không trung, trong khi quả khinh khí cầu vẫn tiếp tục rướn lên cao hơn nữa như một mãnh thú đang cố vùng vẫy để rứt tung những xiềng xích quanh chân nó. Đột nhiên, nghe như tiếng súng nổ giữa đêm đen, có một tiếng phựt trên đầu họ. Sợi dây dù bị đứt, đầu dây lởm chởm quật vào mặt Rachel. Ngay tức thì, cả ba bắt đầu rơi xuống. Đâu đó trên đầu họ, quả khinh khí cầu Mylar căng đầy gió lao thẳng ra biển khơi. Bị buộc vào những cái đai và móc sắt nhằng nhịt, Rachel và Tolland ngã xoài trên mặt đất. Khi ụ tuyết lớn thứ hai hiện ra trước mặt, Rachel cố căng người bám vào mặt băng. Trượt qua đỉnh, họ bị ném xuống mặt dốc bên kia, may mắn được che chở bởi lớp đệm dầy bơm giữa hai lớp vải của bộ quần áo và bởi độ thoải của sườn dốc. Cảnh vật xung quanh chốc lát bị thay bằng một mớ hỗn độn những chân, tay và băng tuyet, rồi Rachel thấy mình đang lao như tên bắn về ụ tuyết giữa. Theo bản năng, cô giang rộng cả hai chân hai tay để giảm tốc độ trước khi lên đến ụ tuyết thứ hai. Tốc độ có giảm đi, nhưng không đáng kể, và chỉ vài giây sau họ đã bắt đầu trượt lên dốc tuyết thứ hai. Lên đến đỉnh, có một tích tắc không trọng lượng trước khi bắt đầu trượt xuống. Tiếp đó, cô kinh hãi nhận thấy họ đang trượt nhanh xuống con dốc thứ hai và lao xuống dải băng phẳng hẹp… Những mét cuối cùng của phiến băng Milne. Trên đà trượt đến mép băng dựng đứng, Rachel cảm nhận được sức nặng của Corky đang bị kéo lệt sệt sau họ, và biết rằng tốc độ đang giảm dần. Nhưng cô biết quá muộn mất rồi. Bờ mép của sông băng đang lao thẳng về phía họ, Rachel kêu thét lên. Và rồi điều đó đã xảy đến. Mép phiến băng sượt qua dưới mạng sườn của họ. Sự kiện cuối cùng cô còn nhớ được là họ đang rơi tự do. Chương 53 Khu căn hộ Westbrooke toạ lạc ở số 2201 phố Đông, bắc Washington. Đây là một trong số hiếm hoi những địa chỉ không ai có thể nhầm được ở thủ đô. Gabrielle hối hả sải bước qua cánh cửa quay mạ kim loại và bước vào hành lang lát đá cẩm thạch có tiếng nước chảy róc rách. Người gác cổng ngồi bên bàn có vẻ ngạc nhiên khi trông thấy cô. - Cô Ashe đấy à? Tôi tưởng tối nay cô không tới. - Tôi bị muộn một chút. - Gabrielle nhanh chóng ký tên vào sổ ra vào. Đồng hồ treo tường chỉ đúng 6 giờ 22 phút. Người gác cổng gãi đầu: - Ngài Thượng nghị sĩ đưa cho tôi một danh sách, nhưng không thấy tên cô. Những người được việc nhất lại thường bị bỏ quên như thế đấy. Cô vội mỉm cười nhìn anh ta và sải bước đến thang máy. Lúc này, người gác cổng có vẻ rất băn khoăn. - Để tôi gọi lên trên đó. - Cảm ơn anh. - Gabrielle nói, chân bước vào buồng thang máy và bấm nút. - Hôm nay ngài Thượng nghị sĩ ngắt điện thoại rồi còn đâu. Lên đến tầng chín, Gabrielle ra khỏi thang máy và bước dọc hành lang lát đá sang trọng. Cuối hành lang, bên cánh cửa căn hộ của Sexton, cô trông thấy anh chàng vệ sĩ cao lớn đang ngồi trong sảnh. Có vẻ đang buồn chán. Gabrielle ngạc nhiên thấy anh chàng này hôm nay không được nghỉ, và anh ta còn ngạc nhiên hơn nhiều khi nhìn thấy cô. Thấy Gabrielle tiến lại, anh ta đứng phắt dậy. - Tôi biết rồi. - Chưa đến nơi cô đã lên tiếng. - Tối hôm nay được dành cho việc riêng. Thượng nghị sĩ không muốn bị ai quấy rầy cả. Anh chàng vệ sĩ gật đầu. - Ông ấy đã lệnh cho tôi là không cho phép ai… - Trường hợp này khẩn cấp lắm. Anh ta đứng chắn cửa ra vào. - Ông ấy đang có cuộc họp riêng. - Thế à? - Gabrielle rút phong bì màu đỏ kẹp bên mạng sườn ra. - Tôi vừa từ phòng bầu dục về. Và phải chuyển những thông tin này đến tận tay Thượng nghị sĩ. Bạn cũ thân đến mấy thì cũng có thể nói chuyện với nhau mà không có người ta vài phút. Nào, cho tôi vào. Anh chàng vệ sĩ tỏ vẻ khuất phục khi nhìn thấy biểu tượng của Nhà Trắng in trên phong bì… Đừng để tôi phải mở phong bì ra đấy, Gabrielle thầm nghĩ. - Để phong bì đó lại, tôi sẽ chuyển vào cho ông ấy. - Không thể được. Tôi được chỉ thị của Nhà Trắng là phải trực tiếp giao tận tay ông ấy. Nếu anh nhất định không chịu thì để ngày mai cả tôi và anh sẽ phải đi tìm việc ở chỗ khác đấy. Anh có hiểu không, hả? Anh chàng vệ sĩ có vẻ đang cân nhắc tình hình một cách khó nhọc, và Gabrielle cảm giác hôm nay Thượng nghị sĩ chắc đã tỏ ra dứt khoát hơn hẳn mọi ngày về chuyện không tiếp khách. Cô quyết định tung ngón đòn cuối cùng. Chìa phong bì ra ngay trước mũi anh ta, cô hạ giọng gần như thì thào những từ mà cánh vệ sĩ ở thủ đô ghét nhất. - Anh không hiểu tình hình đâu. Vệ sĩ của các chính trị gia không bao giờ nắm bắt được tình hình, và họ ghét điều đó. Họ là những tên lính đánh thuê, đứng trong bóng tối, không bao giờ biết chắc nên nghiêm túc thi hành mệnh lệnh hay đánh liều mất việc khi phớt lờ những vấn đề sờ sờ trước mắt. Người vệ sĩ nuốt khan, đưa mắt nhìn chiếc phong bì lần nữa. - Thôi được nhưng tôi sẽ báo với ngài Thượng nghị sĩ là cô nằng nặc đòi vào. Anh ta mở khoá, Gabrielle vào ngay đề phòng anh chàng đổi ý. Cô bước vào trong căn hộ, khẽ khàng khép cửa rồi khoá lại. Giờ đây, đứng trong sảnh, Gabrielle có thể loáng thoáng nghe thấy tiếng người nói trong phòng của Thượng nghị sĩ - toàn giọng đàn ông. Buổi tối dành cho việc riêng hôm nay rõ ràng không giống với những buổi tối khác được đánh dấu tương tự trong lịch làm việc của ngài nghị sĩ. Chậm rãi tiến về phía cuối sảnh, Gabrielle đi ngang qua một ngăn tủ không có nắp và trông thấy khoảng năm sáu chiếc áo khoác ngoài của đàn ông treo bên trong - toàn loại vải len và tuýt. Trên sàn nhà có mấy cái ca táp. Rõ ràng là hôm nay ông ấy đang làm việc. Gabrielle suýt nữa đã bước thẳng qua nếu không bị một chiếc ca táp thu hút sự chú ý. Tấm biển đề tên gắn trên đó in nổi bật lô gô của một công ty: quả tên lửa màu đỏ tươi. Cô dừng bước, quỳ xuống để đọc cho rõ: TẬP ĐOÀN VŨ TRỤ MỸ. Bối rối, cô xem những chiếc cặp khác. CÔNG TY VŨ TRỤ BEAL, CÔNG TY VĨ MÔ, CÔNG TY TÊN LỬA ROTARY, CÔNG TY VŨ TRỤ CHU U KISTLER. Chất giọng thế thé của Marjorie Tench vẳng lại trong tâm trí Gabrielle. Cô có biết là ông Thượng nghị sĩ đang nhận những khoản hối lộ bất hợp pháp của các công ty vũ trụ tư nhân không? Mạch Gabrielle đập liên hồi khi cô nhìn xuống cuối hành lang mờ tối dẫn vào phòng riêng của Thượng nghị sĩ. Trí não mách bảo cô nên lên tiếng để mọi người biết rằng cô đã ở đây, nhưng không hiểu sao đôi chân cứ lặng lẽ nhích lên từng bước một. Cô đến bên cánh cửa tối sẫm và im lìm đứng trong bóng tối, lắng nghe tiếng nói chuyện từ bên trong vọng ra. Chương 55 Trong khi Delta-Ba còn đang dừng lại để nhặt xác của Norah Mangor và gom chiếc xe trượt, hai người lính còn lại liền tăng tốc trượt xuôi dốc băng nhằm bám theo con mồi. Chân họ đi giày trượt hiệu Elektro Tread. Được chế tạo theo mô hình thanh trượt có động cơ Fast Trax, đây là loại giày trượt đặc dụng cho vùng băng tuyết có gắn xích loại nhỏ - loại xích của những chiếc xe chạy vùng băng tuyết vẫn được lắp bao quanh bánh xe. Tốc độ được điều chỉnh bằng cách ép ngón tay trỏ và tay cái vào nhau, tác động lên hai đĩa tốc độ được gắn trong găng tay bên phải. Một loại pin bằng gel lỏng được đúc trong giày, bao quanh chân, vừa làm tăng độ cách ly lại vừa cho phép người sử dụng có thể trượt cách rất êm. Đặc biệt là lượng điện sản ra bởi trọng lực của chân và bởi tốc độ quay của chiếc xích khi người trượt di chuyển xuôi dốc sẽ được tích lại trong pin để dùng cho lần leo dốc tiếp theo. Khom người, giữ thẳng hướng với gió katabatic, Delta-Một vừa di chuyển vừa quan sát địa thế sông băng. Cặp kính nhìn xuyên bóng tối mà anh đang đeo khác rất xa loại kính dùng ban đêm Patriot của cánh lính thuỷ quân lục chiến. Anh đang quan sát địa vật bằng chiếc kính không gọng có những thấu kính sáu phần tử cỡ 40 x 90 mm, thấu kính phóng đại ba phần tử Doubler. Cảnh vật bên ngoài hiện lên với tông màu lam đục lạnh lẽo thay vì màu xanh lá cây như thường lệ - tông màu này đã được chọn lựa kỹ càng cho những địa hình có độ phản chiếu ánh sáng cao như vùng Bắc Cực này. Đến gần ụ tuyết thứ nhất, kính xuyên đêm của Delta-Một cho thấy hình ảnh vài vệt xước mới nguyên trên mặt băng chạy dọc lên đỉnh ụ tuyết như những mũi tên bằng nê ông trong bóng đêm. Rõ ràng là ba kẻ trốn chạy kia đã không nghĩ đến chuyện tháo bỏ chiếc dù tạm thời của họ, hoặc là đã không thể làm được việc đó. Nếu vượt qua ụ tuyết thứ ba mà họ vẫn chưa tháo được dù ra thì chắc chắn lúc này họ đã ở đâu đó ngoài đại dương rồi. Delta-Một biết những bộ quần áo bảo hộ họ mặc trên người có thể kéo dài cuộc sống của họ trong môi trường nước, nhưng dòng hải lưu chảy xiết sẽ cuốn họ ra ngoài đại dương. Chết đuối là không thể tránh khỏi. Dù rất tự tin, Delta-Một đã được huấn luyện thói quen không dựa vào suy đoán của mình. Anh phải nhìn thấy xác chết. Cúi thấp người xuống, anh ấn chặt ngón trỏ và ngón cái phải vào nhau, trượt lên con dốc đầu tiên. Michael Tolland nằm im không nhúc nhích, mình mẩy đau ê ẩm. Dù bị quật lên quật xuống, ông tin là mình chưa bị gãy cái xương nào. Dĩ nhiên là nhờ có bộ quần áo Mark IX này ông mới tránh được những vết thương chí tử. Mở to mắt, phải mất một lúc ông mới tập trung được suy nghĩ của mình. Mọi thứ ở chỗ này có vẻ êm đềm hơn… yên tĩnh hơn Gió vẫn hú, nhưng mãnh lực thì kém hơn nhiều. Chẳng phải cả nhóm đã lao xuống vực rồi hay sao? Cố thu hết tinh lực, ông nhận thấy mình đang nằm trên mặt băng, mình vắt ngang qua người Rachel, gần như tạo thành một góc vuông, những chiếc khoá móc ở thắt lưng của cả hai người đều bị vặn xoắn. Cảm nhận được hơi thở của Rachel ngay bên dưới, nhưng ông không thể nhìn thấy mặt cô. Ông lăn người sang một bên, nhưng các cơ bắp không chịu nhúc nhích. - Rachel này… - Ông không biết chắc mình có nói được thành tiếng hay không nữa. Tolland nhớ lại những giây phút cuối cùng trong cuộc trượt băng chí tử của nhóm - quả khinh khí cầu kéo họ lên dốc, rồi dây néo đứt, cả ba rơi thẳng xuống con dốc thoải bên kia ụ tuyết, rồi trượt qua ụ tuyết cuối cùng, trượt tiếp đến mép sông băng - rồi không còn thấy mép băng đâu nữa. Rachel và Tolland rơi tự do, nhưng cú ngã của họ ngắn lạ thường. Thay vì rơi thẳng xuống biển, họ chỉ rơi xuống khoảng ba mét và ngã xuống một phiến băng thấp hơn, rồi do có trọng lượng của Corky làm lực cản nên mới dừng lại được. Lúc này, Tolland cố ngóc cổ lên để nhìn mặt biển. Cách đó không xa là một vách băng dựng đứng - điểm tận cùng của phiến băng, ông nghe thấy tiếng ào ạt của biển từ dưới vọng lên. Quay lại sau lưng, ông căng mắt nhìn trong bóng đêm, cố thu nhận vào đồng tử hình ảnh cửa dòng sông băng. Mắt ông bắt gặp hình ảnh một bức tường băng dựng đứng cách họ khoảng sáu, bảy mét. Đến lúc này thì Tolland nhận thức được những gì vừa xảy ra. Họ vừa trượt từ phiến băng chính xuống một mặt băng thấp hơn. Tảng băng này rất phẳng, to bằng sân chơi hockey, đã sụp một phần - và có thể trượt xuống biển khơi bất cứ lúc nào. Sự ra đời của những núi băng trôi, Tolland thầm nghĩ và quan sát mặt băng chênh vênh trước mắt. Đó là một phiến băng lớn và bằng phẳng hình tứ giác gắn vào sông băng như cái ban công khổng lồ, ba bề giáp với biển. Sau lưng họ, một cạnh của tảng băng gắn với sông băng, và Tolland thấy sự gắn kết này không hề bền vững chút nào. Ranh giới giữa tảng băng này với phiến băng Milne là một vết nứt rộng hoác với bề ngang khoảng hơn một mét. Trọng lực sắp sửa chiến thắng trong cuộc chơi này. Nhưng vết nứt kinh hãi đó vẫn chẳng là gì so với cảm giác hãi hùng khi thấy thân thể của Corky Marlinson bất động nằm co quắp trên băng. Corky nằm cách ông mười mét, vẫn được nối với ông bằng sợi dây như ban nãy. Tolland gượng đứng dậy, nhưng người ông vẫn còn bị buộc chặt vào Rachel. Xoay người, ông gắng sức tháo những chiếc móc gài đang buộc chặt thắt lưng của họ vào nhau. Rachel nhỏm người, cố ngồi dậy, trông rất yếu, giọng ngơ ngác: - Chúng ta không rơi xuống à? - Chúng ta ngã xuống một khối băng thấp hơn. - Tolland nói, cuối cùng thì cũng tháo được những cái móc gài ra. - Phải xem xem Corky thế nào. Nhức nhối khắp mình mẩy, Tolland cố đứng dậy, nhưng đôi chân quá yếu ớt ông túm sợi dây và ra sức kéo. Corky bắt đầu trượt về phía họ. Kéo được khoảng mươi nhịp thì Corky đã nằm trên băng, cách họ khoảng một mét. Trông Corky Marlinson thật thảm hại. Kính bảo hộ, đã văng mất, má rách toạc, mũi bê bết máu. Tolland sợ rằng nhà cổ sinh vật này đã chết, nhưng ngay lập tức ông thấy yên dạ khi ông ta lăn người và trợn ừng mắt giận dữ. - Lạy Chúa tôi. - Corky lắp bắp. - Thế này là thế nào? Tolland thấy nhẹ cả người. Lúc này Rachel đã ngồi được dậy, mặt nhăn nhó vì đau. Cô nhìn quanh. - Chúng ta phải thoát ra khỏi chỗ này. Trông khối băng này như sắp rơi xuống đến nơi… Tolland hoàn toàn đồng ý. Nhưng vấn để là bằng cách nào. Họ chẳng có thời gian mà lựa chọn giải pháp: Trên đầu họ, trên phiến băng cao, nghe có tiếng vo vo. Tolland ngẩng phắt lên, nhìn thấy hai bóng áo trắng nhẹ nhàng trượt đến sát mép băng rồi cùng dừng lại. Họ đứng đó một lúc, nhìn ba con mồi thảm bại bên dưới với ánh mắt của những đấu thủ cờ vua hau háu nhìn đối phương trước khi tung đòn tối hậu. Delta-Một ngạc nhiên thấy ba kẻ trốn chạy kia vẫn còn sống. Tuy nhiên, anh biết rằng đây chỉ là trong điều kiện tạm thời. Họ đã ngã xuống một khối băng sắp sửa tách ra rồi rơi xuống biển. Đội của anh có thể khống chế và giết những người này theo cùng một kiểu với người đàn bà kia, nhưng một giải pháp sạch sẽ hơn nhiều vừa nảy ra trong óc anh. Bằng cách đó thì xác của họ sẽ không bao giờ được tìm thấy. Quan sát khối băng thấp đó, Delta-Một nhận thấy một vết nứt rộng đang há ra như một cái nêm lớn được chêm vào giữa phiến băng chính và khối băng thấp. Tảng băng lớn mà ba kẻ kia vừa rơi xuống trông rất nguy hiểm… Nó có thể rơi xuống đại dương bất kỳ lúc nào. Thế thì sao không rơi luôn lúc này… Trên phiến băng vĩnh cửu Milne, chốc chốc lại có tiếng nổ đinh tai nhức óc xé tan màn đêm thanh vắng - tiếng những khối băng lớn nứt tách ra khỏi sông băng và rơi xuống biển. Ai mà để ý đến những tiếng nổ này cơ chứ? Cảm thấy lượng adrelanine trong máu lại tăng mạnh như những lần chuẩn bị ra tay hạ sát con mồi, Delta-Một thò tay vào túi dụng cụ và lấy ra một vật nặng hình quả chanh. Được chế tạo riêng cho các đội đặc nhiệm, vật này có tên là "Vụ nổ sáng loà" - loại lựu đạn gây chấn động mạnh "không sát thương" nhằm tạm thời đánh lạc hướng đối phương bằng cách tạo ra một luồng sáng chói loà đi kèm với những sóng chấn động đinh tai nhức óc. Tuy nhiên, đêm nay, Delta-Một biết chắc rằng "Vụ nổ chói loà" sẽ giết chết đối phương. Anh đứng sát mép vực và băn khoăn không hiểu vết nứt kia sâu đến đâu. Bảy mét ư? Điều đó không quan trọng. Vết nứt nông hay sâu thì kế hoạch của anh vẫn cứ thành công. Với sự điềm tĩnh có được sau vô số lần ra tay hạ sát đối tượng, Delta-Một chỉnh kim đồng hồ hẹn giờ đến mốc mười giây trên quả lựu đạn kéo chốt, rồi ném vào trong khe nứt. Quả lựu đạn rơi vào khe nứt tối sẫm rồi biến mất. Sau đó. Delta-Một và đồng đội của anh lui về tận ụ tuyết và đợi. Sắp có một cảnh rất đáng xem. Dù tâm trí rối bời. Rachel Sexton biết rất rõ hai kẻ kia vừa ném vật gì xuống khe nứt. Không biết Tolland cũng biết vật đó hay chỉ nhìn thấy ánh mắt sợ hãi của cô mà ông tái mặt, hoảng hốt nhìn tảng băng lớn dưới chân họ, rõ ràng đã nhận ra tình thế tuyệt vọng của cả nhóm. Giống như ánh chớp loé lên từ giữa đám mây trong đêm giông bão, một luồng sáng chới loé lên từ sâu trong lớp băng dưới chân Rachel. Những tia sáng trắng kỳ lạ toả ra tứ phía. Trong phạm vi một trăm mét quanh họ, con sông băng chợt sáng loà. Tiếp đến là cơn chấn động. Không phải thứ tiếng nổ ì ầm của động đất mà là luồng sức mạnh khiến người ta váng óc, buốt ruột. Đợt sóng chấn động từ sâu trong tảng băng ấy lan truyền khắp thân thể Rachel. Ngay lập tức, như thể có ai vừa chêm một cái nêm lớn vào giữa sơng băng và tảng băng lớn nơi họ đang ngồi, những tiếng nứt gãy hãi hùng vang lên. Rachel và Tolland nhìn nhau khiếp sợ. Corky kêu thét lên. Đáy khối băng vỡ toác ra. Trong một tích tắc, phiến băng nặng ngàn cân rơi xuống, Rachel thấy mình trong trạng thái không trọng lượng. Rồi sau đó, cả ba người rơi tõm xuống mặt biển lạnh giá cùng với khối băng. Chương 56 Băng cọ vào băng nghe lộng óc, khối băng khổng lồ từ phiến băng Milne đâm thẳng xuống biển, làm toé lên những cột nước lớn. Đập mạnh vào mặt nước, khối băng giảm tốc độ, cơ thể đang trong trạng thái không trọng lượng của Rachel bị đập mạnh vào mặt băng. Tolland và Corky cũng rơi xuống ngay gần đó. Theo đà, khối băng chìm sâu xuống nước. Rachel thấy trong mắt mình mặt biển ngầu bọt dâng ngược lên, giống như người ưa mạo hiểm buộc dây vào chân để nhảy từ trên cầu xuống, nhưng sợi dây lại quá dài. Dâng lên…, dâng lên nữa… và thế là… Cơn ác mộng thuở nhỏ bỗng chốc hiện ra. Băng tuyết…, nước…, bóng tối. Kinh hoàng tột độ. Mặt trên của khối băng bị nhấn chìm xuống dưới mực nước, và những luồng nước lạnh giá của Bắc Băng Dương chảy ùa vào từ mọi phía. Nước biển táp mạnh vào cơ thể Rachel, rồi bủa vây cô tứ phía. Vùng da mặt không được bộ quần áo bảo hộ che chở rát như bị bỏng. Khối băng tiếp tục chìm xuống thêm nữa, Rachel cố ngoi lên mặt nước, lớp đệm gel lúc này như một chiếc phao. Nước mặn xộc vào mồm, nhưng giờ cô đã nổi được trên mặt nước. Hai người kia cũng đang lóp ngóp quanh cô, sợi dây vẫn buộc họ vào nhau. Ngay khi Rachel vừa nổi hẳn lên trên mặt nước thì Tolland đã hét lớn. - Nó lại nổi lên đấy! Ông chưa dứt lời, Rachel đã cảm thấy những luồng nước rất mạnh đẩy từ dưới lên. Như đầu máy xe lửa khổng lồ giảm tốc độ rồi đổi hướng, khối băng lớn đã giảm hẳn tốc độ trong lòng nước, lúc này đang nổi dần lên ngay dưới chân họ. Cách mặt biển vài mét, tiếng ì oạp, ầm ì vọng lên. Khối băng khổng lồ đang trồi lên. Nó trồi lên rất nhanh, như lao lên từ bóng đêm. Rachel bị nâng bổng lên. Nước xáo động mạnh, mặt trên của khối băng đã chạm người cô. Rachel chới với, cố hết sức giữ thăng bằng, khối băng tròng trành trồi dần lên, đẩy Rachel lên, cùng cả ngàn ga-lông nước biển. Vừa trồi lên, khối băng vừa lắc lư, tròng trành, như thể đang tìm xem tâm trọng lực của nó ở điểm nào. Rachel loạng choạng đứng trên mặt băng rộng mênh mông, nước cao đến ngang bụng. Khi nước bắt đầu rút khỏi mặt băng, dòng chảy xiết cuốn phăng cô ra tận ngoài rìa. Trượt trong tư thế nằm sấp, cô thấy mép tảng băng đang đến tiến sát vào người. - Cố lên! Giọng nói của mẹ cô vang lên y như thuở nào, lúc cô vẫn còn bét đang thì thụp trong cái hồ đóng băng. Cố lên, đừng để bị chìm! Bị giật mạnh ngang thắt lưng, chút không khí cuối cùng còn lại trong hai lá phổi của Rachel cạn kiệt. Còn cách mép phiến băng vài mét, cô quẫy mạnh người và dừng lại được. Cách đó khoảng mười mét, Corky cũng vừa dừng lại như cô, thân thể nát nhừ. Mỗi người bị cuốn khỏi mặt băng theo một hướng khác nhau, và nhờ có lực đà của ông mà cô dừng lại được. Nước rút đi rất nhanh, và một bóng đen khác xuất hiện ngay gần Corky. Bò lồm cồm, tay bám chặt, sợi dây buộc vào thắt lưng Corky, miệng nôn thốc ra toàn nước biển. Michael Tolland. Luồng nước cuối cùng đã thoát xuống khỏi mặt phiến băng, Rachel kinh hãi nằm bất động, nghe những âm thanh của biển. Sau đó cảm thấy băng giá buốt đến tận cổ, cô nhổm người lên. Tảng băng khổng lồ vẫn đang lắc qua lắc lại như viên nước đá khổng lồ trong cốc. Đau đớn, cuồng loạn, cô bò về phía hai người kia. Trên cao, trên đỉnh phiến băng, Delta-Một dùng kính nhìn xuyên đêm để quan sát nước biển cuộn xoáy quanh tảng băng trôi mới nhất của Bắc Băng Dương. Không nhìn thấy người nào trong nước, nhưng anh không hề ngạc nhiên. Nước biển tối sẫm. Còn các nạn nhân của anh thì mặc quần áo và đội mũ màu đen. Căng mắt, anh cố nhìn rõ khối băng lớn đang nổi lềnh bềnh. Rất nhanh, nó đang trôi ra xa theo luồng hải lưu thềm lục địa. Đã định chuyển hướng quan sát xuống mặt biển, anh chợt trông thấy ba đốm màu đen trên mặt băng. Xác của họ đó sao? Delta-Một căng mắt nhìn. - Cậu có thấy gì không? - Delta-Hai hỏi. Delta-Một không nói gì, tay điều chỉnh kính phóng đại. Trong ánh sáng mờ ảo hắt lên từ mặt băng, anh kinh ngạc trông thấy ba người nằm bất động. Không thể biết họ còn sống hay đã chết. Và cũng không cần phải biết. Nếu còn sống thì vài giờ nữa họ sẽ chết, dù mặc trên người bộ quần áo vi khí hậu kia; cả ba đều bị ướt, trời lại sắp nổi giông bão, và họ đang trôi dạt ra vùng biển đáng sợ nhất trên trái đất. Không một ai có thể tìm thấy xác của họ. - Chỉ có vài bóng đen thôi. - Delta-Một quay người đáp. - Quay về căn cứ, nào! Chương 57 Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton đặt ly rượu Courvoisier trên bệ lò sưởi trong căn hộ của ông tại khu chung cư Westbrooke, vừa cho than vào lò vừa trầm ngâm suy nghĩ. Sáu người đàn ông cùng ở trong phòng với ông đều đang im lặng, chờ đợi Những câu chuyện phiếm đều đã kết thúc, giờ là lúc Thượng nghị sĩ phải tung ra khẩu hiệu quảng cáo cho bản thân mình. Họ biết thế. Ông cũng biết thế. Làm chính trị cũng giống như đi chào hàng. Cần phải gây dựng lòng tin. Cho họ thấy là mình hiểu vấn đề của họ. - Chắc các vị cũng biết, - ông quay về phía họ và nói, mấy tháng nay tôi đã gặp rất nhiều người trong tình cảnh giống như các vị. Ông mỉm cười, ngồi xuống cùng với họ. - Các vị là những người duy nhất mà tôi mời đến nhà riêng. Các vị đều là những người xuất chúng, vì thế tôi lấy làm vinh hạnh được làm quen. Sexton khoanh tay trước ngực, đưa mắt nhìn khắp phòng, nhìn thẳng vào mắt từng vị khách một. Sau đó, ông tập trung vào đối tượng đầu tiên - người đàn ông dáng bệ vệ đội mũ cao bồi. - Công ty Vũ trụ Houston, - Ông nói - tôi rất mừng vì ông đã đến. Ông già Texas đó càu nhàu: - Tôi ghét cái thành phố này. - Tôi không trách ông về điều đó. Thành phố này đã đối xử với ông một cách bất công. Ông già đội mũ đó chằm chằm nhìn Sexton nhưng không nói gì. - Cách đây 12 năm, - Sexton bắt đầu nói, - Ông đã đưa ra một đề nghị đối với Chính phủ. Ông muốn xây cho họ một sân bay vũ trụ với mức giá chỉ năm triệu đô la. Đúng thế. Tôi vẫn còn giữ bản kế hoạch chi tiết đây. - Ấy thế nhưng NASA đã thuyết phục được Chính phủ rằng sân sân bay vũ trụ của Hoa Kỳ phải là một dự án của NASA. - Đúng thế. Họ bắt tay xây dựng sân bay đó cách đây gần chục năm. - Một thập niên. Và không những sân bay vũ trụ đó chưa thể đi vào hoạt động toàn bộ, mà nó đã ngốn mất số tiền nhiều gấp 20 lần mức giá ông đưa ra. Là người dân đóng thuế, tôi phát sợ. Tiếng xì xào tán thưởng nổi lên trong phòng. Sexton lần lượt nhìn thẳng vào mắt từng vị khách. - Tôi cũng biết rằng, - ngài Thượng nghị sĩ nói tiếp. - một số công ty của các vị đây đã đưa ra giá năm mươi triệu đô la cho một lần phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo. Một số người gật đầu. - Ấy thế nhưng NASA đã nẫng tay trên của quý vị bằng cách chào mức giá có ba mươi tám triệu đô một lần phóng…, mặc dù giá thật của mỗi lần phóng lên tới 150 triệu! - Bằng cách đó họ đã ngăn cản chúng tôi tiến vào vũ trụ. - Một người lên tiếng. - Các công ty tư nhân không thể cạnh tranh nổi khi họ chấp nhận mức giá lỗ tới bốn trăm phần trăm, nhưng vẫn có thể tiếp tục kinh doanh. - Các vị cũng không cần phải cạnh tranh theo kiểu đó. Tất cả đều gật gù. Lúc này Sexton quay sang nhà kinh doanh dáng khắc khổ bên cạnh mình, ông đã đọc tài liệu về ông ta một cách rất say sưa. Giống đa số những doanh nghiệp đang tài trợ cho Sexton, nhà quân sự này vì ngán ngẩm mức lương ba cọc ba đồng và tệ quan liêu của Chính phủ nên đã từ bỏ sự nghiệp quân sự để kinh doanh trong lĩnh vực vũ trụ. - Công ty Kistler, - Sexton lắc đầu buồn bã và nói - công ty của các vị đã thiết kế và chế tạo những tên lửa có khả năng vận chuyến hàng hoá lên vũ trụ với giá chỉ hai ngàn đô la một pound, so với mức giá mười ngàn đô la của NASA. - Ông ngừng một lát để lời nói có thêm trọng lượng. - Ấy thế nhưng vẫn không tìm được khách hàng nào cả. Làm sao mà tôi có nổi khách hàng. - Ông ta đáp. - Tuần trước NASA vừa ăn chặn của tôi bằng cách chào giá với Motorola có tám trăm mười hai đô la để phóng một vệ tinh viễn thông. Trên thực tế Chính phủ đã làm vụ đó với mức lỗ lên tới chín trăm phần trăm! Sexton gật đầu. Những người đóng thuế đang phải nai lưng ra mà bao cấp cho một tổ chức có hiệu suất thấp bằng một phần mười các đối thủ cạnh tranh của nó. - Thật đau lòng. - Ông thấp giọng nói - rằng NASA đang cố sức kìm hãm sự cạnh tranh trong lĩnh vực vũ trụ. Họ hất cảng các công ty tư nhân ra bằng cách cung cấp dịch vụ với mức giá thấp hơn giá thị trường. - Đó chính là trò Wal-Mart trong vũ trụ, chứ còn gì nữa. - Người đàn ông Texas nói. Sự giống nhau đáng ghét, Sextơn thầm nghĩ. Mình phải nhớ 1ấy điều này. Wal-Mart từng khét tiếng về chiến thuật thâm nhập thị trường mới bằng cách bán dưới giá, và tiêu diệt hết các doanh nghiệp địa phương. - Tôi thấy quá mệt mỏi, - người đàn ông Texas lại nói tiếp - vì cứ phải trả hết tỉ này đến tỉ khác tiền thuế để Chính phủ có đủ tiền nẫng tay trên các khách hàng của tôi! - Tôi biết, - Sexton nói - và rất thông cảm với ông. - Chính vì không được nhận tài trợ nên Rotary Rocket đang chết dần. - Người đàn ông ăn mặc rất chỉnh tề, nói. - Luật cấm tài trợ chẳng qua là bộ luật giết người! - Tôi hoàn toàn tán thành. - Sexton đã từng vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng NASA cũng đã bảo vệ sự độc quyền của họ bằng cách vận động Chính phủ thông qua bộ luật cấm dùng các phương tiện vận tải vũ trụ cho mục đích quảng cáo. Bộ luật đó cấm các công ty tư nhân nhận tiền từ các nhà tài trợ cũng như các hợp đồng quảng cáo logo - giống như cách các tay đua xe chuyên nghiệp vẫn thường làm - các phương tiện vận tải trên vũ trụ chỉ được phép có chữ U.S.A, và tên công ty chế tạo. Ở một quốc gia mà doanh thu từ quảng cáo lên tới 185 tỉ đô la mỗi năm, các công ty vũ trụ tư nhân không thu nổi một xu từ lĩnh vực này. - Đó là hành động cướp bóc! - Một người lên tiếng. - Tôi dự định duy trì hoạt động của công ty cho đến tháng năm, khi chúng tôi có thể phóng thử mô hình tên lửa du lịch đầu tiên của cả nước. Và hi vọng nhận được rất nhiều tiền từ quảng cáo. Nike đã đề nghị tài trợ cho chứng tôi những bảy triệu đô la để hình chiếc giày của họ kèm theo khẩu hiệu "Hãy xốc tới! - được in trên vỏ quả tên lửa đó. Pepsi đưa ra số tiền nhiều gấp đôi như thế cho dòng chữ "Pepsi: sự lựa chọn của tương lai". Nhưng theo luật Liên bang, nếu in hình quảng cáo thì quả tên lửa đó bị cấm phóng lên! - Đúng thế! - Thượng nghị sĩ Sexton nói. - Và nếu đắc cử thì tôi sẽ tìm cách huỷ bỏ điều luật cấm tài trợ đó. Tôi xin hứa như vậy. Từng inch trên mặt đất đều được tận dụng để quảng cáo và vũ trụ cũng nên như thế. Lúc này Sexton đưa mắt nhìn thính giả của mình, nhìn sâu vào mắt từng người một, nói một cách trang trọng. - Tuy nhiên, phải nói rằng trở ngại chính trong công cuộc tư hữu hoá NASA không phải là các đạo luật mà chính là hình ảnh của nó trong lòng công chúng. Hầu hết dân Mỹ vẫn giữ trong lòng hình ảnh đầy thi vị và đẹp đẽ về chương trình vũ trụ của Hoa Kỳ. Họ vẫn tin rằng NASA là một bộ phận cần thiết của Chính phủ. - Chẳng qua là tại mấy bộ phim chết tiệt đó của Hollywood! - Một người nói. - Hollywood đã làm không biết bao nhiêu bộ phim kiểu NASA cứu nguy cho trái đất khi bị một sao Chổi tấn công. Họ tuyên truyền bằng cách ấy đấy! Những bộ phim về NASA được chiếu nhan nhản khắp nơi, Sexton biết, chẳng qua là vì lí do kinh tế. Sau thành công vang dội của bộ phim "Súng ngắn siêu hạng" do Tom Cruise thủ vai chính, có tác dụng quảng bá mạnh mẽ cho Hải quân Mỹ - NASA nhận thấy rằng Hollywood rất có tiềm năng trở thành bộ phận quan hệ công chúng đặc biệt hữu hiệu. Thế là họ bắt đầu cho phép các nhà làm phim sử dụng cơ sở vật chất của NASA mà không cần phải trả tiền - các bệ phóng, dàn thiết bị điều khiển, các cơ sở luyện tập. Vốn quen phải chi những khoản tiền khổng lồ để thuê địa điểm mỗi khi bấm máy bên ngoài trường quay, các nhà sản xuất phim chớp ngay lấy cơ hội để tiết kiệm cho ngân quỹ của mình hàng tỷ đô la, họ sản xuất những bộ phim hành động về NASA. Dĩ nhiên chỉ sau khi NASA thông qua kịch bản thì Hollywood mới được sử dụng địa điểm của họ mà không mất tiền. - Đấy là thủ đoạn nhồi sọ công chúng, - Một người khác làu bàu. - Những bộ phim đó chẳng là gì so với những tiểu xảo của NASA để lấy lòng dân chúng. Đưa một công dân nào đó lên vũ trụ ư? Hiện giờ họ định đưa một phi hành đoàn toàn là nữ lên quỹ đạo ư? Toàn những thủ đoạn tuyên truyền! Sexton thở dài, càng nói giọng ông càng trở nên khúc chiết. - Đúng vậy, không cần phải nhắc chắc các vị cũng nhớ một sự kiện xảy ra hồi cuối những năm tám mươi. Khi đó Bộ Giáo dục bị khủng hoảng ngân sách và quay sang buộc tội NASA là đã phung phí nhiều triệu đô la đáng ra phải được chi cho giáo dục. Thế là NASA bày trò làm ra vẻ quan tâm đến giáo dục. Họ đưa một cô giáo dạy phổ thông lên vũ trụ. - Sexton ngừng một lát. - Các vị còn nhớ Christa McAuliffe chứ? Căn phòng chìm trong yên lặng. - Thưa các vị. - Sexton nói, dừng bước bên lò sưởi. - Tôi tin là đã đến lúc người Mỹ hiểu ra sự thật, vì tương lai của toàn nước Mỹ. Đã đến lúc người Mỹ phải hiểu ra rằng NASA chẳng hề giúp chúng ta tiến vào vũ trụ, thực ra nó đang gây cản trở cho việc thăm dò vũ trụ. Vũ trụ cũng là một ngành kinh doanh như mọi ngành khác, và ngăn cản không cho các công ty tư nhân tham gia vào là có tội. Cứ nhìn ngành công nghiệp máy tính mà xem, đơn vị thời gian của những tiến bộ và những thay đổi là từng tuần một! Vì sao ư? Bởi vì chúng ta áp dụng cơ chế thị trường tự do ở đó: Hiệu suất làm việc và tầm nhìn xa trông rộng được đền đáp bằng lợi nhuận. Giả sử Chính phủ vẫn đang độc chiếm ngành này xem, chắc giờ chúng ta vẫn phải lóp ngóp trong tăm tối. Ngành vũ trụ của chúng ta đang đình trệ. Chúng ta nên chuyển giao công cuộc thăm dò vũ trụ sang cho thành phần kinh tế tư nhân, vì nó thuộc về họ. Rồi người Mỹ sẽ phải kinh ngạc khi chứng kiến sự tăng trưởng, khi thấy nhiều chỗ làm mới được tạo ra và những giấc mơ của họ trở thành hiện thực. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên để cơ chế thị trường tự do giúp người Mỹ vươn lên tầm cao mới trong vũ trụ. Nếu đắc cử, tôi sẽ nỗ lực hết sức nhằm khai thông mọi bế tắc, và mở rộng cửa thị trường vũ trụ. Sexton nâng cao ly rượu Cognac trong tay. - Thưa các vị, hôm nay các vị đã tới đây để xem tôi có xứng đáng với lòng tin của quý vị hay không. Hy vọng rằng những gì tôi vừa thể hiện đã gây dựng được lòng tin đó. Cần phải có các nhà đầu tư thì mới có các công ty; tương tự như thế, phải có các nhà đầu tư thì mới có chiếc ghế Tổng thống. Cũng giống như các cổ đông trông chờ cổ tức, các nhà đầu tư chính trị như các vị trong đợi cơ hội làm ăn. Thông điệp mà tối nay tôi muốn chuyển đến các vị là rất đơn giản: Hãy tài trợ cho tôi, tôi sẽ không quên các vị Không bao giờ. Chúng ta có những ước nguyện giống nhau và cùng chung một mục đích. Sexton cụng ly với cả nhóm. - Với sự giúp đỡ của các vị, tôi sẽ nhanh chóng trở thành chủ nhân Nhà Trắng… Còn các vị sẽ vươn tới bầu trời. Cách đó vài mét, Gabrielle Ashe sững sờ đứng trong bóng tối. Từ trong phòng vọng ra tiếng cụng ly lách cách cùng với tiếng lửa cháy lép bép trong lò. Chương 58 Hoảng hốt, chàng kỹ thuật viên trẻ của NASA lao như tên bắn trong bán sinh quyển. Vừa xảy ra sự kiện hãi hùng! Anh tìm thấy ông Giám đốc Ekstrom đứng một mình gần khu báo chí. - Báo cáo Giám đốc, - anh hổn hển nói - vừa có tai nạn! Ekstrom quay lại, ánh mắt xa xăm, như thể đang đắm chìm trong những âu lo nào đó. - Cậu nói gì? Tai nạn à? Ở đâu? - Ở hố trục vớt tảng thiên thạch. Một cái xác vừa nổi lên. Tiến sĩ Wailee Ming. Sắc mặt Ekstrom không hề thay đổi. - Tiến sĩ Ming à. Nhưng mà.. - Chúng tôi vớt được ông ấy lên, nhưng quá muộn. Ông ấy mất rồi. - Lạy Chúa, ông ấy ngã xuống đó được bao lâu rồi? - Chắc là khoảng một tiếng đồng hồ. Có lẽ ông ấy trượt chân xuống đó, chìm xuống tận dưới đáy, đến khi cơ thể đã trương lên thì mới nổi lên. Nước da đỏ au của Ekstrom trở thành đỏ tía. - Quỷ tặc! Còn ai biết chuyện này nữa? - Không ai cả. Mỗi hai chúng tôi thôi ạ. Vừa vớt ông ấy lên, chúng tôi nghĩ là nên báo cáo Giám đốc trước đã… - Các cậu làm thế là đúng. - Ekstrom thở hắt ra nặng nhọc. - Giấu kín ngay xác tiến sĩ Ming, không nói gì hết. Anh chàng kỹ thuận viên bối rối. - Nhưng, thưa Giám đốc, tôi… Ekstrom đặt bàn tay to bè lên vai chàng kỹ thuật viên: - Cậu nghe tôi nói này. Đây là một tai nạn đáng tiếc, chẳng ai mong muốn điều này. Dĩ nhiên là sẽ đến lúc tôi phải lo chuyện hậu sự cho ông ấy một cách tươm tất. Tuy nhiên, bây giờ chưa phải lúc. - Tức là bây giờ phải giấu kín cái xác ạ? Đôi mắt Bắc u lạnh lẽo của Ekstrom cụp xuống. - Cậu nghĩ mà xem. Nói cho mọi người biết cũng được thôi, nhưng làm thế thì được cái gì? Chỉ còn một giờ nữa là cuộc họp báo bắt đầu. Loan báo rằng có tai nạn chết người sẽ phủ bóng đen lên phát kiến của chúng ta và làm ảnh hưởng đến không khí chung. Tiến sĩ Ming đã bất cẩn; và tôi không định để NASA trả giá cho điều đó. Các nhà khoa học dân sự ở đây đã được chú ý quá nhiều. Tôi không có ý định để cho một sai lầm ngu ngốc của họ phủ bóng đen lên vinh quang chung của mọi người. Tai nạn của tiến sĩ Ming phải được giữ kín đến hết cuộc họp báo. Cậu có hiểu không? Chàng kỹ thuật viên gật đầu, mặt tái xám. - Tôi sẽ giấu kín xác ông ấy. Chương 59 Đi biển đã lâu, Michael Tolland hiểu rằng đại dương chẳng do dự, cũng chẳng tiếc thương khi kết liễu sinh mạng các nạn nhân của nó. Kiệt sức, nẳm bẹp trên phiến băng rộng, ông chỉ còn lờ mờ nhìn thấy phiến băng Milne đang dần lùi xa. Ông biết dòng hải lưu Bắc Cực chảy xiết bắt nguồn từ quần đảo Elizabeth chảy theo hình vòng cung quanh chỏm băng Bắc Cực rồi chảy đến sát bờ biển Bắc Nga. Điều đó không quan trọng, hành trình ấy phải mất vài tháng… Chỉ còn khoảng 30 phút nữa…, nhiều nhất là 45 phút. Ông biết nếu không có bộ quần áo đặc biệt này, cả ba người đã chết từ lâu. Ơn Chúa, những bộ quần áo liền quần có đệm gel Marl IX này đã giữ cho họ khỏi ướt - điều kiện tối cần thiết để tồn tại trong thời tiết lạnh giá này. Lớp đệm giữ nhiệt bao quanh thân thể họ không đủ giảm nhẹ sức va đập của những cú ngã, nó còn giữ lại cho họ chút hơi ấm ít ỏi còn sót lại. Chẳng mấy chốc nữa, thân nhiệt của họ sẽ giảm dần. Ban đầu chân tay sẽ có cảm giác tê cứng do máu rút về bảo vệ những cơ quan nội tạng quan trọng nhất. Tiếp đó sẽ là trạng thái mê sảng kèm theo ảo giác khi cả hệ tim mạch lẫn hai lá phổi đều giảm tốc, dẫn đến thiếu ô xy não. Sau đó, cơ thể sẽ bắt đầu nỗ lực cuối cùng nhằm duy trì chút thân nhiệt còn lại bằng cách chấm dứt mọi hoạt động trừ quả tim và buồng phổi, kết quả là trạng thái bất tỉnh. Cuối cùng, khu vực thần kinh trung ương điều tiết tim và phổi cũng sẽ ngừng hoạt động. Tolland trân trối nhìn Rachel, lòng thầm ước giá như ông có thể làm được điều gì đó để cứu cô. Cảm giác tê cứng khắp người Rachel Sexton không đau đớn như cô tưởng. Nó gần như một loại thuốc gây tê, morphine của thiên nhiên. Lúc ngã từ trên cao xuống, kính bảo hộ của cô bị văng mất, giờ đây, giá lạnh khiến hai mắt Rachel không hé ra nổi. Rachel trông thấy Corky và Tolland ở gần đó. Tolland đang nhìn cô ánh mắt đầy nuối tiếc. Một bên má của Corky bị dập nát, bê bết máu, và ông đang cử động, đầy đau đớn. Toàn thân Rachel run lên lập cập trong khi tâm trí cô bị xáo tung với những câu hỏi. Ai? Vì sao? Cảm giác nặng nề đang tăng dần trong cơ thể khlen tâm trí lại càng rối bời hơn. Mọi sự kiện trở nên thật khó hiểu. Dường như sức sống trong cô đang cạn dần, và cơ thể đang bị một thế lực nào đó khiến cho mụ mị. Cô gắng sức cưỡng lại. Lúc này, một cơn giận dữ đang tràn lấp tâm trí cô, và Rachel tận dụng nó để thoát khỏi cơn buồn ngủ. Chúng cố tình giết cả nhóm! Cô đưa mắt nhìn mặt biển và nhận thấy những kẻ đó đã làm được điều chúng muốn. Cả ba coi như đã chết Ngay lúc này, dù biết mình không còn cơ hội sống sót để khui ra toàn bộ sự thật về trò gian trá đang được dựng lên trên phiến băng Milne, cô đã lờ mờ đoán ra kẻ chủ mưu. Giám đốc Ekstrom là người được lợi nhiều nhất. Chính ông ta đã phái cả nhóm bọn họ ra ngoài phiến băng. Cũng chính ông ta lại có những mối quan hệ với cả Lầu Năm Góc và đội đặc nhiệm. Nhưng đem đặt tảng thiên thạch vào giữa phiến băng như thế thì Ekstrom được lợi lộc gì đây? Còn ai nữa cũng được hưởng lợi từ chuyện này? Rachel nghĩ tới Zach Herney, thầm băn khoăn không hiểu ông ta là kẻ đồng mưu hay chỉ bị gài bẫy. Tổng thống không hề biết gì hết. Ông ấy vô tội. Hiển nhiên là cả Tổng thống cũng bị NASA lừa. Chỉ còn chưa đầy một giờ đồng hồ nữa là Tổng thống sẽ công bố phát kiến của NASA. Và sẽ có cả những lời xác thực của các nhà khoa học dân sự được phát kèm theo. Bốn nhà khoa học đã chết. Giờ đây Rachel không còn làm gì được nữa để ngăn cuộc họp báo đó. Nhưng cô tự thề với mình sẽ không tha thứ cho bất cứ kẻ nào nhúng tay vào vụ việc bẩn thỉu này. Dồn hết sức lực, Rachel thu người ngồi dậy. Hai chân nặng như chì và mỗi khớp xương đều đau như xé khi chân tay co lại. Chậm chạp, Rachel quỳ gối thật thăng bằng trên mặt băng trơn. Đầu óc quay cuồng. Xung quanh là đại dương cuộn sóng. Nằm ngay gần đó, Tolland đang nhìn cô đầy dò hỏi. Có lẽ ông tưởng cô định cầu nguyện. Dĩ nhiên là không, nhưng cách này cũng cố thể mang lại cho họ cơ hội sống sót. Rachel quờ tay quanh thắt lưng lần tìm chiếc rìu nhỏ. Những ngón tay tê cứng chạm được vào cán rìu, cô lật ngược nó xuống như hình chữ T lộn ngược. Sau đó, với tất cả sức lực còn lại trong cơ thể, Rachel bổ cái rìu xuống mặt băng. Thịch. Rồi lần nữa. Thịch. Máu trong huyết quản cô hình như đã đặc quánh lại. Thịch. Ánh mắt Tolland đầy ngỡ ngàng. Rachel tiếp tục bổ rìu. Thịch. Tolland cố chống khuỷu tay nhỏm dậy. - Ra…chel? Rachel không trả lời. Cần phải tiết kiệm năng lượng. Thịch. Thịch. - Tôi nghĩ là…, - Tolland nói - ở xa thế này thì…, chắc SAA… không nghe được đâu… Rachel ngạc nhiên quay sang. Cô quên mất ông là chuyên gia hải dương học và có thể hiểu vì sao cô làm thế này. Anh nói đúng… nhưng tôi có gọi SAA đâu, cô tiếp tục bổ rìu. SAA (Suboceanic Acoustic Array) là tên tắt của Mạng ăng ten âm học ngầm dưới nước, di vật của thời kỳ chiến tranh lạnh, ngày nay được các nhà hải dương học sử dụng để nghe những tín hiệu của cá heo. Vì trong môi trường nước, âm thanh có thể lan xa đến hàng trăm dặm nên hệ thống năm mươi lăm chiếc loa đặt ngầm trong lòng đại dương của SAA thu được một lượng âm thanh đáng ngạc nhiên. Vùng biển Viễn Bắc này không nằm trong phạm vi của SAA, nhưng Rachel biết có những đôi tai khác đang từng giờ từng phút lắng nghe những âm thanh phát ra từ vùng thềm lục địa này - những thiết bị mà chỉ rất ít người được biết đến. Thịch… thịch… thịch. Thịch… thịch… thịch. Thịch… thịch… thịch. Rachel không hi vọng hành động này sẽ cứu mạng cho cô và hai nhà khoa học này, cảm giác tê cóng như kim châm đang lan toả khắp người. Cô tin họ chỉ còn sống được khoảng nửa giờ nữa, không thể hơn. Gặp được đội cứu hộ lúc này là điều không tưởng. Nhưng cô làm thế này không phải để được ứng cứu. Thịch… thịch… thịch. Thịch… thịch… thịch. Thịch… thịch… thịch. - Không kịp nữa đâu… - Tolland bảo cô. "Làm thế nay không phải vì chúng ta, cô thầm nghĩ, mà là vì tờ giấy trong túi áo của tôi". Cô nghĩ đến bức ảnh chụp cắt lớp trong túi áo bảo hộ của mình. Tôi phải chuyển bức ảnh này đến NRO, càng nhanh càng tốt. Dù đầu đã mụ đi, Rachel vẫn tin chắc thông điệp của cô sẽ được chuyển đến đích. Từ giữa thập niên 80, NRO đã lắp đặt một mạng lưới mới mạnh gấp 30 lần để thay thế SAA. Là hệ thống tai nghe ngầm dưới đại dương trị giá 12 tỉ đô la của NRO. Classic Wizard có thể nghe được âm thanh trên khắp địa cầu. Trong vòng vài giờ tới, nhận được một chuỗi âm thanh đều đặn lặp đi lặp lại chuyển về từ các tai nghe ngầm trong lòng Bắc Băng Dương, những siêu máy tính Cray của NRO và NASA đặt tại điểm tiếp nhận âm thanh Menwith Hill, ở Vương quốc Anh sẽ giải mã chúng thành thông điệp SOS, xác định vị trí phát ra âm thanh, rồi phát lệnh cho máy bay cứu hộ tại căn cứ không quân Thule đặt trên đảo Greenland cất cánh. Rồi chiếc máy bay sẽ phát hiện thấy ba người nằm co quắp trên tảng băng trôi. Cứng đờ. Đã chết. Một trong ba người đó là nhân viên cao cấp của NRO, và trong túi áo cô có một bức ảnh. Bức ảnh chụp cắt lớp. Di vật cuối cùng của Norah Mangor. Khi đội cứu hộ xem bức ảnh, bí mật về lỗ khoan bên dưới tảng thiên thạch sẽ bị hé lộ. Rachel không thể tưởng tượng tiếp những sự kiện tiếp theo, nhưng cô biết chắc chắn một điều - bí mật này sẽ không bị chôn vùi cùng với thi thể của họ. Chương 60 Mới trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, vị Tổng thống nào cũng dành thời gian vào xem gian nhà kho được canh giữ cẩn mật chất đầy những đồ đạc quý giá do các đời Tổng thống trước để lại: Bàn ghế, đồ bạc, đồ văn phòng phẩm, giường đệm, những món đó có từ thời Tơng thơng George Washington. Và vị Tổng thống nào cũng được quyền chọn bất cứ thứ gì họ ưa thích để sử dụng trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Đồ nội thất cố định duy nhất ở Nhà Trắng là chiếc giường ngủ trong phòng Lincoln. Buồn cười là ở chỗ chính Tổng thống Lincoln thì lại chưa từng nằm ngủ trên chiếc giường đó. Zach Herney đang ngồi trong phòng bầu dục, bên chiếc bàn do thần tượng của ông để lại - Tổng thống Harry Truman. Tuy có vẻ hơi hẹp so với những chiếc bàn hiện đại, nó chính là nơi người ta đã bí mật gài bọ nghe lén, và nó luôn nhắc cho Herney nhớ rằng ông sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những thiếu sót trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Ông coi trọng trách mà mình đang đảm nhận là một vinh dự, và thường xuyên khích lệ đội ngũ nhân viên của mình tận tâm tận lực với tất cả những nhiệm vụ được giao. - Thưa Tổng thống. - Một cô thư ký gọi lớn. - Đường dây của ngài đã thông rồi đấy ạ. Herney vẫy tay: - Cảm ơn cô. Ông với tay nhấc ống nghe. Dù rất ưa thích sự kín đáo vì muốn tự tay quay số, lúc này ông không thể làm việc đó. Hai nhân viên hoá trang đang lăng xăng chỉnh đốn lại đầu tóc, mặt mũi cho ông. Ngay trước bàn làm việc của ông lúc này là một đội ngũ nhân viên truyền hình đang lắp đặt thiết bị, thêm vào đó là mấy chuyên gia về quan hệ công chúng vừa chạy rối rít khắp phòng vừa sôi nổi bàn luận. Chưa đầy một giờ nữa… Herney nhấn nút chiếc máy cá nhân trước mặt. - Lawrence? Phải anh đấy không? - Tôi đây. - Giọng ông Giám đốc NASA nghe mệt mỏi và xa xăm. - Mọi thứ ổn cả chứ? - Sắp có bão, nhưng nhân viên của tôi khẳng định rằng liên lạc bằng vệ tinh sẽ không bị ảnh hưởng. Tốt cả. Chỉ còn chưa đầy một giờ nữa là sẽ hoàn tất mọi việc. - Tuyệt lắm. Hi vọng mọi người đều thấy phấn khởi. - Rất phấn khởi. Nhân viên của tôi đang vô cùng vui vẻ. Chúng tôi vừa cụng li xong. Herney cười lớn. - Hay lắm. Lawrence này, tôi muốn gọi điện trước giờ họp báo để nói lời cảm ơn anh. Tối nay sẽ là một buổi tối lịch sử. Ông Giám đốc ngập ngừng, do dự, khác hẳn cung cách thường ngày: - Chắc chắn là thế, thưa Tổng thống. Chúng ta đã phải đợi khá lâu rồi. Herney ngần ngừ. - Anh có vẻ hơi mệt thì phải. - Tôi cần ánh nắng mặt trời và một cái giường thực thụ. - Một giờ nữa thôi. Hãy cố cười tươi trước ống kính, hãy tận hưởng giây phút ấy, rồi tôi sẽ phái máy bay đưa anh về thủ đô. - Tôi mong đến lúc đó lắm rồi. - ông ta lại im lặng một lần nữa. Là một nhà thương thuyết sành sỏi, Herney biết cách lắng nghe những gì người khác không nói ra thành lời. Giọng nói của ông Giám đốc NASA thể hiện điều gì đó hơi khác lạ. - Anh có chắc là mọi việc đều ổn cả không? - Tôi chắc chứ. Anh đã xem đoạn phim tài liệu do Michael Tolland gửi về chưa? - Rồi. - Tổng thống đáp. - Ông ta làm tốt lắm. - Đúng thế! Anh cho gọi ông ấy đến là phải đấy. - Anh vẫn còn bực nình vì chuyện tôi gọi mấy nhà khoa học dân sự đó đến đấy à? - Lạy Chúa, điều này cũng đúng nốt. - Ông Giám đốc càu nhàu một cách hóm hỉnh, giọng lại mạnh mẽ như thường ngày. Herney thấy yên tâm hơn. Ekstrom vẫn ổn, ông thầm nghĩ. chắc chỉ hơi mệt mỏi thôi. - Thế nhé! Tôi sẽ gặp anh trên cầu truyền hình. Chúng ta sẽ cho cả nước một phen choáng váng. - Đúng thế. - Này, Lawrence! - Lúc này giọng ông trở nên trang nghiêm - Anh đã lập công rất lớn. Tôi sẽ không bao giờ quên. Bên ngoài bán sinh quyển, - vừa vật lộn với cơn gió dữ, Delta-Ba vừa xếp lại các dụng cụ của Norah Mangor lên chiếc xe trượt đã bị lật úp. Chất các thứ lên xong, anh phủ tấm vải bọc nhựa lên trên, sau đó để xác Norah lên trên cùng, buộc chặt lại. Anh đang chuẩn bị kéo chiếc xe đi thì đã thấy hai đồng đội kia trượt từ dưới chân dốc lên. Kế hoạch thay đổi. - Delta-Một hét lớn từ phía cuối gió - Ba người kia trượt ra khỏi phiến băng rồi. Delta-Ba không ngạc nhiên. Anh biết điều đó có nghĩa là gì. Kế hoạch của đội Delta định sắp đặt các xác chết để giả dạng một vụ tai nạn không còn khả thi nữa. Để lại một cái xác duy nhất sẽ khiến người ta đặt ra rất nhiều câu hỏi. - Bị cuốn đi à? - Anh hỏi. Delta-Một gật đầu: - Tôi sẽ thu thập lại những cây đèn phát sáng, còn hai anh hãy ném cái xe ấy đi. Trong khi Delta-Một cẩn thận dò ngược lại con đường của các nhà khoa học, nhặt nhạnh hết mọi chứng cứ về sự có mặt của họ, hai người kia đẩy chiếc xe trượt chất nặng về phía cuối sông băng. Sau khi vất vả vượt qua mấy ụ tuyết, họ cũng đến được bờ mép phiến băng Milne. Họ chỉ cần đẩy nhẹ, chiếc xe cùng với thi thể của Norah Mangor sẽ lập tức lặng lẽ lao qua mép vực, rơi thẳng xuống đại dương. Sạch sẽ, Delta-Ba thầm nghĩ. Trên đường quay về căn cứ, Delta-Ba hài lòng thấy gió katabatic đã xoá sạch vết giày trượt của họ trên mặt băng. Chương 61 Chiếc tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân Charlotte có mặt trên Biển Bắc đã được năm ngày nay. Sự có mặt của nó ở khu vực này được coi là tuyệt mật. Là một chiếc tàu ngầm thuộc Câu lạc bộ Los Angelesl, Charlotte được thiết kế để "nghe được hết nhưng không bị người khác nghe thấy". Tuốc bin máy của nó nặng bốn mươi hai tấn được đệm bằng lò xo để không một rung động nào bị truyền ra ngoài. Dù là chiếc tàu bí mật, thân con tàu này dài hơn bất kỳ một tàu ngầm hiện đại nào khác. Với chiều dài từ mũi đến đuôi là 120 mét, nếu được đặt trên sân vận động NFL, nó sẽ đè bẹp cả hai cầu gôn. Với chiều dài thân gấp bảy lần chiếc tàu ngầm đầu tiên của Hoa Kỳ, tàu Charlotte chiếm chỗ của 6.927 gallon nước khi chìm hẳn, và có thể tuần tiễu dưới biển với một vận tốc kinh ngạc - ba mươi lăm hải lý một giờ. Thông thường, con tàu chỉ lặn ở độ sâu ngay dưới dốc giảm nhiệt, độ sâu đặc trưng luôn làm nhiễu loạn các phản hồi siêu âm khiến cho các trên bờ không thể phát hiện được nó. Đủ chỗ trên boong cho thuỷ thủ đoàn gồm 148 người, với độ sâu tối đa là năm trăm mét, Charlotte là đỉnh cao, là niềm tự hào của Hải quân Hoa Kỳ. Hệ thống tạo khí oxy bằng phương pháp điện phân, hai lò phản ứng hạt nhân và những động cơ lắp đặt bên trong cho phép con tàu đi vòng quanh trái đất hai mươi mốt vòng liên tục mà không cần phải nổi lên. Chất thải của người ở trên tàu, cũng giống như ở những con tàu khác, được nén thành những khối vuông nặng sáu mươi kg rồi phóng ra biển. Những khối chất thải khổng lồ này vẫn được gọi một cách hài hước là "phân cá voi". Kỹ thuật viên đang ngồi trực bên bàn đo dao động trong Phòng siêu âm của con tàu là người giỏi nhất trên thế giới trong lĩnh vực này. Bộ não của anh có thể được coi là một cuốn từ điển sống về các loại âm thanh và sóng siêu âm. Anh có thể nhận biết được tiếng động tạo ra bởi những chân vịt tàu ngầm của Nga, bởi hàng trăm loài sinh vật biển, và định vị được những núi lửa ngầm dưới nước ở tận Nhật Bản. Tuy nhiên, lúc này anh đang tập trung chú ý đến một chuỗi âm thanh đều đều lặp đi lặp lại, dù rất dễ nhận ra, đây là những âm thanh lạ. - Cậu không tưởng tượng được tớ đang nghe thấy cái gì đâu. Anh chuyển tai nghe sang cho người thư ký đang viết nhật ký tàu. Người thư ký đeo tai nghe vào, và ngay lập tức nhận ra chuỗi âm thanh ấy. - Chúa ơi, rõ mồn một. Chúng ta làm gì bây giờ nhỉ? Anh chàng chuỷên viên siêu âm đã lập tức quay số gọi cho thuyền trưởng… Khi viên thuyền trưởng vào phòng siêu âm, kỹ thuật viên liền cắm giắc tai nghe vào một hệ thống loa phóng thanh nhỏ. Thuyền trưởng lắng nghe. Ngạc nhiên. Thịch… thịch… thịch. Chậm dần. Chậm dần. Những tiếng động yếu dần đi, mờ dần đi. Toạ độ bao nhiêu? - Viên thuyền trưởng hỏi. Anh chàng kỹ thuật viên hắng giọng: - Thưa thuyền trưởng, âm thanh này phát ra từ mặt nước, cách chúng ta ba dặm về mạn phải. Chương 62 Trong hành lang tối bên ngoài căn hộ của Thượng nghị sĩ Sexton, hai chân Gabrielle run lên, không phải vì phải đứng im quá lâu, mà vì thất vọng sau những gì vừa nghe được. Cuộc họp kín trong phòng vẫn còn tiếp tục, nhưng cô không muốn nghe thêm gì nữa. Sự thật đã quá hiển nhiên. Thượng nghị sĩ Sexton đang nhận hối lộ của các công ty vu trụ tư nhân. Hoá ra Marjorie Tench nói thật. Cảm giác kinh hãi vì bị phản bội xâm chiếm khắp cơ thể Gabrielle. Cô đã tin tưởng ông. Đã đấu tranh cho ông. Sao ông lại có thể hành động thế này cơ chứ? Cô đã chứng kiến ngài Thượng nghị sĩ nói dối nhiều lần về đời tư của ông, nhưng làm chính trị thì phải thế. Còn đây là vi phạm luật pháp. Vẫn còn chưa đắc cử mà ông ấy đã đem bán rẻ Nhà Trắng! Gabrielle biết cô không thể nào phò tá ngài Thượng nghị sĩ được nữa. Hứa hẹn về đạo luật tư hữu hoá NASA kiểu này là xem thường cả luật pháp lẫn chế độ dân chủ. Cho dù ngài Thượng nghị sĩ có thật sự cho rằng làm như thế là đúng đi nữa thì hành động này cũng có nghĩa là chặn trước ảnh hưởng của những cơ chế cân bằng quyền lực trong Chính phủ, là phớt lờ những lý lẽ có thể sẽ rất thoả đáng của Nghị viện, các cố vấn, cử tri và các nhà vận động hành lang. Đưa ra lời đảm bảo về đạo luật này đối với NASA, Sexton đã dọn đường cho vô số hành vi lợi dụng chức vụ - nhất là chuyện mua bán nội bộ, chà đạp lên lợi ích chung vì tư lợi cá nhân cho một số quan chức lắm tiền nhiều của. Ghê tởm, cô không biết nên xử trí thế nào. Điện thoại đổ chuông ngay sau lưng Gabrielle, phá tan sự yên lặng trong hành lang mờ tối. Giật mình, cô quay lại. Tiếng chuông phát ra từ máy điện thoại cầm tay nằm trong túi áo khoác của một vị khách. - Xin lỗi các vị - Chất giọng Texas cất lên. - Chuông điện thoại của tôi. Gabrielle nghe thấy tiếng ông ta sột soạt đứng dậy. Ông ta sắp ra, ngoài này! Quay phắt ra đằng sau, cô chạy ngược về phía cửa ra vào được nửa đường, cô rẽ trái, nấp kín vào phòng bếp, vừa kịp lúc người đàn ông Texas đó ra đến hành lang. Sợ cứng người, cô đứng im thin thít. Ông ta đi qua sát Gabrielle nhưng không để ý. Dù tim đang đập thình thịch, cô vẫn nghe tiếng ông ta sột soạt ở chỗ mắc treo quần áo, cuối cùng thì cũng bắt đầu trả lời. - Sao hả?… Lúc nào?… Thật à?… Chúng tôi sẽ bật lên. Cảm ơn nhé Ông ta tắt máy và quay vào trong phòng, vừa đi vừa nói lớn: - Này các vị, bật tivi lên đi. Zach Herney sắp tổ chức hóp báo khẩn cấp. Tám giờ tối nay. Trên tất cả các kênh. Có thể ông ta sắp tuyên chiến với Trung Quốc, mà cũng có thể là sân bay vũ trụ rớt xuống đại dương mất rồi. - Chúng ta cụng li vì buổi họp báo đó, nào! - Một người hô hào. Tất cả cùng cười lớn. Gabrielle thấy phòng bếp quay cuồng chao đảo quanh cô. Họp báo lúc tám giờ tối sao? Có vẻ như Tench không nói dối. Bà ta đã cho Gabriell suy nghĩ đến tám giờ tối về việc thú nhận có quan hệ với Thượng nghị sĩ. "Hãy tránh xa ông ta trước khi quá muộn". Bà ta đã bảo cô thế. Gabrielle tưởng đó là hạn chót để Nhà Trắng bắt đầu rỉ tin cho giới báo chí, nhưng giờ thì có lẽ họ muốn đích thân công bố tin này. Họp báo khẩn cấp? Càng nghĩ. Gabrielle càng thấy lạ. Herney định công khai mớ bòng bong này ư? Ông ta đích thân làm việc nay hay sao? Trong phòng, tivi đã được bật lên. Ầm ỹ. Giọng người phát thanh viên có vẻ rất phấn khích Nhà Trắng không hé lộ bất cứ chi hết nào về nội dung của buổi họp báo do Tổng thống chủ trì tối nay, và có rất nhiều tin đồn thổi. Một số nhà phân tích cho rằng trong thời gian gần đây Zach Herney thường xuyên vắng bóng trong chiến dịch tranh cử và rất có thể tối nay Tổng thống sẽ tuyên bố rút lui không tranh cử nhiệm kỳ hai nữa. Những tiếng reo vui đầy hi vọng vang lên trong phòng. Ngớ ngẩn. Gabrielle nghĩ thầm. Sau khi đã thu thập được chừng ấy thông tin về sự thối nát của Sexton, không thể có chuyện Nhà Trắng tuyên bố bỏ cuộc. Cuộc họp báo nay chắc chắn đề cập đến chuyện khác. Gabrielle thấy lòng nặng trĩu, tin rẳng mình đã biết trước nội dung đó là gì. Vội vã, cô kiểm tra đồng hồ. Không đầy một giờ nữa. Cô cần phải quyết định một việc. Và Gabrielle biết mình cần phải nói chuyện với ai. Kẹp chặt chiếc phong bì bên mạng sườn, cô lặng lẽ rời khỏi hành lang. Đứng bên cửa ra vào, anh chàng vệ sĩ có vẻ như trút được gánh nặng: - Tôi nghe có tiếng reo vui trong phòng. Chắc cô vừa mang đến tin tốt lành. Gabrielle cười gượng, tiến về phía thang máy. Ngoài đường phố, đêm xuống với cảm giác bứt rứt khác lạ. Vẫy taxi, Gabrielle cố nhắc nhở bản thân rằng cô biết rất rõ nơi cần phải đến. - Trường quay đài truyền hình ABC, - cô bảo người tài xế - càng nhanh càng tốt. Chương 63 Nằm nghiêng trên mặt băng, Michael Tolland gối đầu trên cánh tay đã tê dại và mất hẳn cảm giác. Dù hai bờ mi đã nặng trĩu, ông vẫn cố mở mắt ra. Nằm ở tư thế này, ông nhìn lần cuối cùng thế giới quanh nình - giờ đây chỉ còn là biển và băng đá - nhìn theo phương nằm nghiêng. Quang cảnh này có lẽ thật thích hợp với cả một ngày dài toàn những sự kiện dị thường. Một sự yên tĩnh lạ lùng bao trùm tảng băng trôi. Corky và Rachel đều đang nằm bất động, những tiếng thình thịch không cờn vang lên nữa. Càng xa tảng băng trôi mà họ đang nằm, gió càng nhẹ dần đi Tolland thấy cả cơ thể mình cũng đang dần trở nên tĩnh lặng hơn. Chiếc mũ bó chặt lấy đầu làm cho tiếng hít thở của ông bị phóng đại lên trong màng nhĩ. Những hơi thở đang chậm dần đi, nông dần đi. Cơ thể ông từ lâu đã mất khả năng chống chọi lại cảm giác tê cứng do máu rút khỏi những chỗ xa tim để thu về bảo vệ những cơ quan thiết yếu nhất - phản xạ cuối cùng của bản năng sinh tồn để tránh trạng thái hôn mê, giống như thuỷ thủ đoàn đang dần dần rút khỏi con tàu. Ông đã thua, ông biết thế. Thật kỳ lạ, chẳng còn chút cảm giác đau đớn nào nữa. Cơ thể ông đã qua giai đoạn đó rồi. Lúc này toàn thân ông như một quả bớng mới được bơm căng. Tê dại. Bồng bềnh. Một trong những cơ chế căn bản nhất của cơ thể - phản xạ nháy mắt - bắt đầu ngưng hoạt động, thị lực của ông giảm dần. Lượng hơi ấm chứa hơi nước luân chuyển trong các mạch máu nhỏ quanh đồng tử và giác mạc của ông đang nhanh chóng đông cứng lại. Tolland nhìn lại một lan nữa phiến băng Milne, lúc này dù còn là một khối mờ mờ ảo ảo trong ánh trăng sáng bạc. Linh hồn ông bắt đầu chấp nhận tư thế của kẻ chiến bại trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Ông đưa mắt nhìn những con sóng bạc. Gió vẫn rắt mạnh. Lúc này ảo ảnh bắt đầu hiện ra. Thật kỳ lạ, trong những khoảnh khắc cuối cùng trước khi chìm vào vô thức, ông không có ảo ảnh về sự cứu rỗi, về sự ấm áp và êm ái. Ảo ảnh cuối cùng trong đời ông thật đáng sợ. Một con thuỷ quái nhô lên ngay bên cạnh tảng băng, phun phì phì, làm mặt nước cuộn xoáy. Nó giống hệt một quái vật biển bí hiểm - trơn láng, đen sì, vỏ ngoài bằng sắt, bao quanh bởi vô vàn bọt nước. Tolland vận hết sức lực còn lại để chớp mắt. Ông nhìn rõ hơn được một chút. Con quái vật đang tiến lại gần, chồm lên tảng băng y như con cá sấu khổng lồ đang chồm lên con thuyền bé nhỏ. To khủng khiếp, nó chồm đến sát cạnh ông, da nó nhầy nhẫy nước, và sáng lấp loá. Tất cả những hình bóng mờ ảo ấy biến mất. Chỉ còn lại những tiếng động. Tiếng kim loại nghiến vào kim loại. Tiếng sắt nghiến vào băng. Gần, gần hơn. Kéo những xác người đi. Rachel… Tolland thấy mình bị lôi đi một cách thô bạo. Rồi tất cả chìm trong màn đêm. Chương 64 Gabrielle Ashe chạy thục mạng lên phòng sản xuất trên tầng ba của toà nhà Đài truyền hình ABC, ấy thế nhưng những người đang làm việc trong toà nhà này còn chạy nhanh hơn cô. Cường độ làm việc cao, hai mươi tư giờ mỗi ngày là đặc điểm của căn phòng này, nhưng lúc này, căn phòng thậm chí còn mang dáng vẻ của văn phòng thị trường chứng khoán vào giờ cao điểm. Những biên tập viên mặt mày căng thẳng đang ý ới gọi nhau, nhiều nhân viên tay cầm những tờ fax chạy qua chạy lại từ ô này sang ô khác để so sánh thông tin, vài nhân viên vừa hít những ống ngửi Snicker và Mountain Dew vừa thở hổn hển sau những cuốc chạy lăng xăng khắp căn phòng lớn. Gabrielle đến đây để gặp Yolanda Cole. Thường thì Yolanda ở trong khu văn phòng tường kính dành cho những nhà quản lý cần có sự yên tĩnh để suy nghĩ. Nhưng tối nay Yolanda ở trong phòng lớn, giữa cảnh vội vã nhốn nháo này. Trông thấy Gabrielle, chị thốt lên vui vẻ, cởi mở như mọi khi. - Chào Gab! - Yolanda mặc váy hoa, đeo cặp kính có gọng hình mu rùa. Như mọi khi, chị đeo vô số đồ trang sức sặc sỡ trên người vâ quần áo. Chị vừa tiến về phía Gabrielle vừa vẫy vẫy tay. - Ôm hôn nhau đã nào! Yolanda Cole là biên tập viên nội dung cho chương trình thời sự của Đài ABC đã được mười sáu năm. Do chị có dáng người béo lùn, nhiều tàn nhang, đầu hơi hói nên mọi người ở đây thường gọi đùa chị là "U già". Đằng sau vẻ ngoài nghiêm nghị và phong cách hài hước của chị là sự nhạy bén và kỹ năng khai thác tin siêu việt. Chị gặp Gabrielle trong buổi toạ đàm về phụ nữ và chính trị mà Gabrielle tới dự hồi mới lên thủ đô. Hai người đã nói về khả năng của Gabrielle, về những thách thức một phụ nữ sẽ phải đối mặt khi sống và làm việc ở Washington, và cuối cùng là về Elvis Presley – niềm đam mê mà hoá ra cả hai cùng chia sẻ. Yolanda đã che chở cho Gabrielle, giúp cô tạo dựng những mối quan hệ cần thiết. Cứ mỗi tháng một lần, Gabrielle lại ghé thăm Yolanda. Gabrielle ôm hôn Yolanda thật chặt. Sự nhiệt tình của chị ngay lập tức khiến cô thấy phấn chấn hơn. Yolanda lùi lại một bước và ngắm Gabrielle. - Trông em như già một trăm tuổi vậy, cô bé ạ. Có chuyện gì thế? Gabrielle hạ thấp giọng: - Em đang gặp chuyện chẳng lành, Yolanda ạ. - Câu này nghe hơi vô lý đấy. Ngài ứng cử viên của em đang thắng thế cơ mà. - Có chỗ nào để chị em mình nói chuyện riêng một chút được không? - Không đúng lúc rồi, em yêu ạ. Khoảng nửa tiếng nữa Tổng thống sẽ tổ chức một cuộc họp báo. Và bọn chị vẫn chưa có chút manh mối nào về nội dung cuộc họp. Chị phải chạy chương trình bình luận của nhà phân tích, lại đang phải làm mò đây này. - Em biết nội dung cuộc họp báo đó. Cặp kính của Yolanda trễ hẳn xuống sống mũi, trông đầy hoài nghi. - Gabrielle này, người đưa tin của em trong nội bộ Nhà Trắng cũng không biết gì về cuộc họp này cơ mà. Em bảo là Thượng nghị sĩ Sexton biết trước nội dung rồi à? - Không. Em bảo là cá nhân em có thông tin. Cho em xin năm phút thôi. Em sẽ nói cho chị biết. Yolanda đưa mắt nhìn chiếc phong bì màu đỏ của Nhà Trắng trong tay Gabrielle: - Cái phong bì này là của Nhà Trắng. Em lấy ở đâu ra thế? - Sau cuộc gặp riêng với Marjorie Tench chiều nay. Yolanda nhìn cô hồi lâu. - Nào, đi theo chị. Trong căn phòng tường kính của Yolanda. Gabrielle đã kể hết về đêm ân ái giữa cô và Thượng nghị sĩ Sexton, cái đêm mà Tench đã có những bức ảnh làm bằng chứng. Yolanda cười lớn, lắc đầu, nhiên là chị làm nghề báo ở Washington đã đủ lâu để không còn bị bất ngờ bởi bất cứ điều gì nữa. - Gab này, chị đã có linh cảm là em và ông Thượng nghị sĩ thể nào cũng quan hệ với nhau. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Ông ta có danh tiếng, con em lại xinh đẹp. Những bức ảnh này quả là tệ. Nhưng chẳng có gì đáng lo ngại đâu em ơi. - Không có gì đáng lo? Gabrielle giải thích rằng Tench có chứng cứ cho thấy Sexton nhận những khoản tiền hiến tặng bất hợp pháp từ các công ty vũ trụ, và cô vừa nghe lỏm được một cuộc họp bí mật của SFF cho thấy đó đúng là sự thật. Lại một lần nữa, vẻ mặt của Yolanda chẳng hề thay đổi mãi cho đến khi Gabrielle nói ra ý định của cô. Lúc này. Yolanda có vẻ lo lắng. - Gabrielle này, nếu em muốn công khai chuyện đã qua đêm với một Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và không muốn dính líu đến những lời nói dối trá của ông ấy thì đấy là chuyện của riêng em. Nhưng chị nói em nghe, đó là một quyết định tồi. Em phải suy nghĩ thật kỹ càng, thật chín chắn về những hậu quả của những hânh động ấy. - Chị chẳng hiểu gì cả. Em làm gì còn thời gian. - Chị hiểu hết. Em yêu này, dù cho thời gian vẫn đang trôi, có những điều em không được phép làm. Em không thể hạ bệ một Thượng nghị sĩ bằng vụ xì căng đan ái tình. Như thế là tự sát. Nghe chị đi, em bé, nếu em định hạ bệ một ứng cử viên Tổng thống thì trước tiên hãy lên xe và lái đi thật xa thủ đô Wasington. Người ta sẽ treo thưởng cho kẻ nào bắt được em. Người ta phải chi những khoản tiền lớn mới đôn được một ứng cử viên lên. Đây là vấn đề quyền lực và tiền bạc - thứ mà người ta sẵn sàng giết nhau để giành giật đấy! Lúc này, Gabrielle lặng im… - Theo chị, - Yolanda nói, - bà Tench chỉ hù doạ tí chút với hy vọng rằng em sẽ quá sợ hãi và làm điều gì đó ngu ngốc - chẳng hạn như rút lui hoặc thú nhận vụ việc này. - Yolanda chỉ chiếc phong bì màu đỏ trong tay Gabrielle. - Những bức ảnh chụp em cùng với Sexton sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu cả em lẫn ông ta đều không công nhận chúng. Nhà Trắng biết rằng nếu họ xì những bức ảnh này thì ông Sexton sẽ lập tức nói rằng đây chỉ là ảnh giả và phản đòn lại Tổng thống. - Em cũng đã nghĩ đến chuyện ấy, nhưng còn trò nhận hối lộ thì… - Này cô bé của chị, em hãy nghĩ mà xem. Nếu Nhà Trắng vẫn chưa công khai chuyện đó thì tức là họ sẽ không làm điều đó. Tổng thống tỏ ra khá kiên định về vấn để vận động tranh cử một cách tích cực. Chị đoán là ông ấy định chặn trước vụ tai tiếng về ngành công nghiệp vũ trụ. Ông ta bảo bà Tench lừa gạt em chút xíu, doạ cho em sợ đến nỗi phải thú nhận vụ tình ái, đây chỉ là một đòn đánh lén thôi. Gabrielle phân vân. Yolanda có lý, nhưng cô vẫn chưa hết băn khoăn. Cô đưa tay chỉ phòng sản xuất tin thời sự đang nhốn nháo: - Yolanda này, nhân viên của chị đang chuẩn bị tường thuật buổi họp báo của Tổng thống. Nếu không phải chuyện tình ái và hối lộ thì ông ấy sẽ nói về cái gì đây, Yolanda có vẻ ngạc nhiên: - Hượm đã nào, em cho rằng em và ông Sexton là nội dung của buổi họp này sao? - Hoặc là chuyện nhận hối lộ, hoặc là cả hai. Tench bảo là em được phép suy nghĩ đến tám giờ tối, chậm hơn thì đích thân Tổng thống sẽ công bố… Yolanda cười sặc sụa, cười rung cả căn phòng kính. - Ôi! Chị xin em! Em làm chị chết mất! Gabrielle chẳng có lòng dạ nào mà cười. - Chị bảo sao? - Gab, em nghe chị đi, - Yolanda cố nhịn cười - tin chị đi. Chị đã làm việc với Nhà Trắng mười sáu năm nay rồi. Không đời nào Zach Herney sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông chỉ để tuyên bố rằng ông ta nghi ngờ có chuyện nhận hối lộ hay chuyện có người lén lút ăn nằm với nhau. Loại thông tin như thế thì người ta chỉ rỉ tai cánh nhà báo thôi. Cướp thời lượng của tất cả các chương trình khác chỉ để kêu ca, phàn nàn về sex hay những nghi ngờ về tài chính mờ ám trong tranh cử sẽ càng làm cho ông ta mất điểm trong mắt mọi người. - Mờ ám à? - Gabrielle nhảy dựng lên. - Đem bán rẻ bản thân chỉ để lấy vài triệu đô la cho việc quảng bá tên tuổi của mình mà chỉ là chuyện mờ ám thôi sao? - Em có chắc chắn là ông ấy đang thực sự làm thế không? - Giọng nói của Yolanda lúc này trở nên nghiêm trang. - Em có tin chắc đến nỗi công bố trên tivi chuyện đó không? Em nghĩ mà xem. Thời đại này làm gì cũng phải có phường có hội, và tài chính là vấn đề rất phức tạp. Biết đâu cuộc gặp đó của ông Sexton là hợp pháp thì sao? - Ông ấy đang vi phạm pháp luật. - Gabrielle nói, chẳng phải thế hay sao? - Rất có thể đấy chỉ là luận điệu của Marjorie Tench mà thôi. Các ứng cử viên vẫn thường xuyên nhận những khoản hiến tặng kín đáo của các tập đoàn lớn. Chuyện đó có thể không đẹp đẽ gì, nhưng chưa chắc đã là phạm pháp. Thực ra hầu hết các điều luật đều đề cập đến chuyện chi tiêu như thế nào chứ không phải chuyện tiền từ đâu mà có. Gabrielle lưỡng lự, không còn dám chắc như trước nữa. - Gab này, chiều nay Nhà Trắng đã chơi em một vố đấy. Họ định chia rẽ em và vị ứng cử viên của em. Và cho đến lúc này thì em đã cắn câu rồi. Nếu cần có một người để mà tin tưởng thì có lẽ em nên chọn ông Sexton hơn là nhảy sang thuyền của Tổng thống để làm một người như Marjorie Tench. Điện thoại của Yolanda đổ chuông. Chị trả lời, gật gù, ghi ghi chép chép. - Hay lắm. Tôi sẽ đến đó ngay, cảm ơn nhé Yolanda gác máy, quay lại nhìn cô: - Gab này, có vẻ như em không làm sao cả, đứng như chị dự đoán. - Chuyện gì thế? Chị chưa có thông tin chính xác, nhưng ít ra cũng biết được rằng cuộc họp báo của Tổng thống sẽ không đề cập đến chuyện ầm ỹ về sex hay tài chính nào cả. Gabrielle chợt thấy tràn đầy hi vọng, và ước ao đó là sự thật. - Làm sao chị biết được? Có một người trong nội bộ Nhà Trắng vừa rỉ tin rằng nội dung cuộc họp là về NASA. Gabrielle ngồi thẳng dậy: - NASA à? Yolanda nháy mắt tinh nghịch: - Biết đâu đêm nay em lại may mắn. Chị đoán là do sức ép của Thượng nghị sĩ Sexton nên Nhà Trắng buộc phải bỏ dự án sân bay vũ trụ quốc tế đấy. Cho nên họ mới huy động tất cả các phương tiện truyền thông toàn cầu như thế chứ. Họp báo để thông báo huỷ bỏ dự án sân bay vũ trụ sao? Gabrielle không thể tin nổi. Yolanda đứng dậy. - Bà Tench nói chuyện với em chiều nay phải không? Rất có thể đó chỉ là đòn nhử để gây thêm khó khăn cho ông Sexton trước khi Tổng thống tiến hành họp báo để thông báo tin xấu nào đó. Không thể dùng một chuyện nhảm nhí kiểu như xì căng đang về sex để đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại của Tổng thống đâu. Dù sao thì chị cũng có rất nhiều việc. Bây giờ em hãy tự pha cho mình một ly cà phê, bật ti vi của chị lên, rồi ngồi đây, cùng mọi người ở đây đợi xem có chuyện gì. Còn hai mươi phút nữa là cuộc họp báo bắt đầu. Chị cam đoan với em là tối nay Tổng thống không đề cập đến vấn để mà em lo sợ đâu. Ông ấy muốn cả thế giới phải chú ý lắng nghe. Cho nên đó phải là một vấn đề vô cùng quan trọng. - Yolanda nháy mắt nhìn Gabrielle đầy khích lệ - Nào, đưa cho chị cái phong bì. - Gì ạ? Yolanda chìa tay ra. Những bức ảnh này sẽ được khoá kỹ trong ngăn tủ của chị cho đến khi mọi chuyện kết thúc. Chị muốn đảm bảo là em không làm điều gì ngu ngốc. Miễn cưỡng. Gabrielle đưa chiếc phơng bì cho Yolanda. Yolanda cất chiếc phong bì vào một ngăn kéo tủ, khoá lại cẩn thận rồi bỏ dùa khoá vào túi. - Rồi em sẽ cảm ơn chị, Gab ạ. Chị thế đấy Vừa đi ra, Yolanda vừa tinh nghịch lùa tay vào tóc Gabrielle. Ngồi yên nhé. Chị tin là sắp có tin tốt lành rồi đấy. Gabrielle ngữi một mình trong căn phòng kính, cố giữ cho tinh than phấn chấn như lúc vẫn còn có Yolanda ở đố. Tuy nhiên, nụ cười đầy mãn nguyện và xảo quyệt của Mal)one Tench cứ lởn vởn trong tâm trí cô. Không biết Tổng thống sắp công bố với cả thế giới chuyện gì, nhưng chắc chắn điều đó không có lợi cho Thượng nghị sĩ Sexton. Chương 65 Rachel Sexton cảm tưởng như cô đang bị người ta thiêu sống. Một trận mưa lửa! Cô cố mở mắt, nhưng chỉ nhìn thấy những cái bóng lờ mờ trong một vùng ánh sáng chói loà. Xung quanh cô mưa rơi xối xả. Những giọt mưa nóng bỏng. Rơi như quất xuống da thịt cô. Trong tư thế nằm nghiêng, cô cảm thấy từng luồng nước bỏng rát đang chảy bên dưới mình. Rachel thu mình, như đứa trẻ nắm trong bụng mẹ, cố tránh luồng chất lỏng bỏng rát đang xối xả tuôn xuống. Có mùi hoá chất. Có thể là chất Chroline. Cô cố bò ra chỗ khác, nhưng không thể. Những bàn tay rất khoẻ đang túm chặt lấy hai vai, đè cô xuống: - Thả tôi ra! Tôi bị bỏng mất! Theo bản năng, cô lại cố thoát ra, và lại một lần nữa bị giữ chặt. - Yên nào. - Một người đàn ông lên tiếng. Tiếng Anh. Giọng Mỹ, âm chuẩn. - Sẽ hết nhanh thôi mà. Cái gì thế? Cô băn khoăn. Cơn đau ư? Cuộc sống của tôi ư? Cô cố nhìn cho rõ. Nơi này quá sáng. Căn phòng rất nhỏ. Chật chội. Trần rất thấp. - Tôi bị bỏng! - Tiếng thét của Rachel nghe chỉ như thì thào. - Không sao đâu. - Người đó nói. - Nước này chỉ âm ấm thôi. Tin tôi đi! Rachel nhận thấy cô gần như không mặc gì, trên người chỉ còn lại bộ quần áo lót ướt sũng. Cô không thấy ngượng, trí não cô côn đang bận bịu với quá nhiều câu hỏi. Mọi sự kiện ùa về trong tâm trí. Phiến băng. Bức ảnh chụp cắt lớp. Cuộc tấn công. Họ là ai? Tôi đang ở đâu? Cô cổ ghép những sự kiện với nhau, nhưng đầu óc mụ mẫm. Trong tâm trí hỗn độn mụ mị chỉ có một ý nghĩ duy nhất Michael và Corky…, họ đâu cả rồi? Rachel cổ nhìn cho rõ, nhưng chỉ thấy được những người đang đứng bên cô. Tất câ bọn họ đều mặc quần áo lặn mầu xanh. Cô muốn nói, nhưng miệng không thốt nên lời. Cảm giác bỏng rát ở da giờ bị thế chỗ cho những cơn đau buốt chạy dọc suốt các cơ bắp, như những chẩn động địa tầng. - Hãy thả lỏng cơ thể. - Người đàn ông đang cúi xuống bên cô nói. - Phải để cho máu lưu thông trở lại trong hệ cơ của cô. - Anh ta nói y như thầy thuốc. - Cô hãy cố gắng cử động chân tay càng nhiều càng tốt. Những cơn đau chạy xuyên khắp cơ thể cổ như thể từng đường gân thớ thịt đang bị ai lấy búa nện. Cô nằm trong luồng nước chảy, ngực co thắt lại, không thở nổi. - Hãy cử động chân và tay đi. - Ông ta ra lệnh. - Đau cũng phải cố. Rachel cố. Mỗi lần cử động là một lần như có dao đâm vào từng khớp xương. Những tia nước lại một lần nữa chuyển thành nóng. Lại bị bỏng rát. Cơn đau như xé vẫn tiếp tục. Đúng lúc Rachel không thể chịu đựng hơn được nữa, có người tiêm cho cô một mũi. Cơn đau giảm đi nhanh chóng, cảm giác nhức nhối giảm dần. Những cơn co giật giảm dần. Rachel lại bắt đầu thở được. Một cảm giác khác lại chạy suốt cơ thể cô - cảm giác bị kim châm. Mọi nơi - như dao đâm - mạnh dần lên, mạnh dần lên. Hàng triệu mũi kim đang châm rất mạnh, châm ở bất cứ vùng nào trên cơ thể mà cô cử động. Rachel cố không cử động, nhưng những tia nước đau rát cứ tiếp tục xối thẳng vào cô. Những người đàn ông này vẫn giữ chặt hai cánh tay của cô, ép cô phải cử động. Chúa ơi! Đau quá! Quá yếu, cô không thể chống cự lại. Đau đớn và kiệt sức, nước mắt chảy tràn xuống hai má Rachel. Cô nhắm chặt hai mắt lại, không nhìn gì nữa. Rốt cuộc, cảm giác kứn châm cũng bắt đầu giảm dần. Cơn mưa cũng ngừng. Rachel mở mắt ra, và bắt đầu nhìn được rõ hơn. Lúc này cô mới nhìn thấy họ. Ngay gần cô, Corky và Tolland đang nẳm run rẩy, ướt sũng. Nhìn vẻ đau đớn trên nét mặt hai người. Rachel đoán họ cũng vừa trải qua những cảm giác y như mình. Đôi mắt nâu của Tolland trông đỏ ngầu và đờ đẫn. Nhìn thấy Rachel, ông cố nở một nụ cười, nhưng đôi môi tái xám chỉ hơi run run. Rachel cố ngồi dậy, nhìn quang cảnh lạ lùng xung quanh. Cả ba người, chân tay vẫn còn đang nm rẩy, chỉ mặc đồ lót, đang nằm trong một phòng tắm chật hẹp. Chương 66 Những cánh tay to khoẻ nhấc bổng cô lên. Những người xa lạ ấy lau khô người cho Rachel rồi ủ cô vào trong chăn. Cô được đặt lên chiếc giường y tế và được mát xa khắp hai cánh tay, hai cẳng chân, đến tận bàn chân. Một người tiêm một mũi nữa vào cánh tay cô. - Adrenaline đấy. - Một người nói. Thứ thuốc ấy lan toả khắp huyết mạch Rachel như dòng nhựa sống, đánh thức các bắp thịt. Dù khắp vùng bụng vẫn co thắt lại và vô cùng khó chịu, Rachel thấy máu bắt đầu chảy trở lại trong hai cánh tay và cẳng chân… Trở về từ thế giới bên kia… Cô căng mắt nhìn. Corky và Tolland đang nằm trên hai chiếc giường khác gần đó, run rẩy, cũng được được mát xa và tiêm thuốc. Không nghi ngờ gì nữa, những người đàn ông xa lạ này đã cứu mạng cô. Nhiều người trông ướt sũng chắc chắn vì đã tận tình giúp đỡ cho cô trong phòng tắm. Không cần biết họ là ai và làm thế nào mà cứu sống được cả ba người. Chúng ta còn sống. - Chúng tôi… đang ở đâu? - Rachel gắng sức nói, và chỉ chừng đó cũng đủ để đau cô đau như dần. Người đàn ông đang mát xa cho cô trả lời: - Các vị đang ở trong khoang y tế của tàu Los Angeles… - Trên tàu! - Một người khác nói to. Đột nhiên cảm thấy chiếc giường đang lắc lư, Rachel gắng ngồi dậy. Một người đỡ cô dậy, rồi quấn chăn quanh người cho cô Rachel dụi mắt và thấy một người sải bước vào phòng. Người mới vào này là người Mỹ gốc Phi đầy quyền lực. Đường bệ và quyền lực. Ông mặc bộ đồng phục bằng vải kaki. - Nghỉ. - Ông ra lệnh cho mọi người rồi tiến về phía Rachel, dừng lại bên giường, và đôi mắt đen mạnh mẽ nhìn cô chăm chú. - Harold Brown. - Giọng ông trầm ấm, đầy uy lực. - Thuyền trưởng tàu Charlotte. Còn cô là ai? Tàu Charlotte, Rachel thầm nghĩ. Cái tên nghe quen quen. - Sexton… - cô đáp. - tôi là Rachel Sexton. Ông ta có vẻ bối rối, tiến lại gần, nhìn cô kỹ hơn. - Tôi thật đáng trách, đúng là cô rồi. Rachel chẳng hiểu gì. Ông ta biết mình là ai. Rachel không thể nhận ra con người này, cô chăm chú quan sát khuôn mặt, rồi nhìn tấm phù hiệu trên ngực áo của ông. Rachel thấy biểu tượng con chim ó quắp cái mỏ neo, - xung quanh là dòng chữ "Hải quân Hoa Kỳ". Lúc này cô mới vỡ lẽ vì sao cái tên Charlotte lại quen tai đến thế. - Chào mừng cô đã lên tàu của chúng tôi, thưa cô Sexton. - Viên thuyền trưởng nói - Nhật ký hàng hải của tàu chúng tôi hôm nay sẽ có tên cô. Tôi biết cô. Nhưng các vị làm gì ở vùng bờ biển này thế? - Cô lắp bắp hỏi. Mặt ông ta hơi nghiêm lại: - Thưa cô Sextont thật ra thì tôi cũng đang muốn hỏi cô câu đó đấy. Lúc này Tolland cũng đã ngồi dậy, mấp máy môi, muốn nói. Rachel lắc đầu ra hiệu bảo ông đừng nói gì. Không phải lúc này. Không phải ở nơi này. Chắc chắn thứ đầu tiên mà hai nhà khoa học này muốn nhắc tới chính là tảng thiên thạch, nhưng họ không được phép nói chuyện đó trước mặt thuỷ thủ đoàn ở đây. Trong ngành tình báo, dù tình huống có cấp bách đến đâu thì Quyền tiếp cận thông tin vẫn là mối quan tâm số một, và tảng thiên thạch thuộc vào loại thông tin tối mật. - Tôi cần phải báo cáo với Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia William Pickering. - Cô bảo ông thuyền trưởng. - Nói chuyện riêng, ngay bây giờ. Vị thuyền trưởng nhướng mày, rõ ràng là ông không quen bị người khác ra lệnh, nhất là trên con tàu của mình. - Tôi có thông tin tối mật cần báo cáo với ông ấy. Thuyền trưởng chăm chú nhìn cô hồi lâu. - Hãy để cho thân nhiệt của cô ổn định lại đã, sau đó tôi sẽ nối liên lạc cho cô với Giám đốc NRO. - Việc gấp lắm, thưa thuyền trưởng: Tôi phải… - Rachel đột ngột ngừng lời. Cô vừa nhìn thấy chiếc đồng hồ treo trên nóc tủ thuốc. 19:51 tối. Rachel chớp chớp mắt: - Chiếc đồng hồ kia có chính xác không ạ? Cô đang ở trên tàu của tôi, thưa quý cô. Đồng hồ ở đây lúc nào cũng chính xác. Và đây là múi giờ đông chứ? 7:51. Giờ đông. Chúng ta đang ở ngoài vùng biển Norfolk. - Lạy Chúa! Rachel sững sờ. Mới có 7.51 thôi sao? Cảm tưởng như đã lâu lắm rồi kể từ lúc họ ra khỏi bán sinh quyển. Vẫn chưa đến tám giờ cơ à? Tổng thống vẫn chưa công bố về tảng thiên thạch! Vẫn có thể bảo ông ấy dừng lại! Cô lập tức tuột xuống khỏi giường, quấn chăn chặt quanh người. Hai chân Rachel run rẩy. Tôi cần phải nói chuyện với Tổng thống ngay bây giờ. Vị thuyền trưởng bối rối: - Cô vừa nhắc đến ai cơ? - Tổng thống Hoa Kỳ! - Tôi tưởng cô muốn gặp William Pickering? - Không còn thời gian nữa. Tôi phải nói chuyện với Tổng thống. Ông ta không nhúc nhích, với vóc người to lớn, ông đứng chặn ngay trước mặt Rachel. - Theo tôi biết thì Tổng thống sắp bắt đầu một cuộc họp báo rất quan trọng. Chắc ông ấy không nghe điện thoại vào lúc này đâu. Hai chân vẫn run rẩy yếu ớt, nhưng Rachel vẫn cố sức đứng thật thẳng, mắt nhìn xoáy vào viên thuyền trưởng: - Thưa thuyền trưởng vì ông không có quyền tiếp cận thông tin mật nên tôi không thể giải thích được. Nhưng Tổng thống sắp phạm phải một sai lầm lớn. Tôi có thông tin rất quan trọng và ông ấy cần được thông báo ngay. Nào, xin thuyền trưởng hãy tin tôi. Ông ta chằm chẳm nhìn cô thêm một hồi lâu nữa. Nhíu mày, rồi lại kiểm tra đồng hồ đeo tay. - Chín phút thôi à? Thế thì tôi không thể nối đường dây nội bộ cho cô với Nhà Trắng được. Chỉ có thể dùng điện thoại sóng vệ tinh thông thường thôi. Và như thế thì chúng ta sẽ phải đi xuống phòng ăng ten, mất vài… - Thế thì ta đi ngay thôi! Chương 67 Phòng tổng đài của Nhà Trắng nằm ở lầu một, chái nhà Đông. Các tổng đài viên luôn luôn túc trực ở đây. Tuy nhiên, lúc này chỉ có hai nhân viên đang làm việc. Người thứ ba vừa chạy sang phòng thông tin. Trên tay cô là một chiếc máy điện thoại không đây. Cô đã cố sức nối liên lạc với phòng bầu dục, nhưng Tổng thống đang bận chuẩn bị họp báo. Cô đã thử gọi vào máy cầm tay của các trợ lý Tổng thống, nhưng trước giờ phát sóng, tất cả các máy cầm tay đều phải tắt hết để khỏi làm ảnh hưởng đến tiến trình cuộc họp. Những lúc như thế này thì tốt nhất là cầm máy không dây chạy thẳng lên phòng của Tổng thống, nhất là trong trường hợp nhân viên cấp cao của NRO đã khẳng định rằng cô ấy có một thông tin khẩn mà Tổng thống cần phải được báo cáo trước khi lên hình. Người nhân viên tổng đài đang vừa đi vừa chạy. Vấn để là không biết cô có lên đó kịp hay không. Trong một phòng nhỏ thuộc khu y tế của tàu ngầm Charlotte, Rachel đang dí sát ống nghe vào tai và đợi Tổng thống nhấc máy. Tolland và Corky đều đang ngồi bên cô, vẫn chưa hết run rẩy. Corky bị khâu năm mũi, một bên má tím bầm. Cả ba người đều đã mặc những bộ quần áo giữ nhiệt bó sát người, bên ngoài là những bộ đồng phục hải quân dày dặn, chân đi những đôi tất len to, và cả giày hải quân nữa. Tay cầm cốc cà phê loãng. Rachel bắt đầu cảm thấy lại người đôi chút. - Sao lâu thế nhỉ? - Tolland sốt ruột. - Gần bảy giờ năm mươi sáu rồi. Rachel không thể tin nổi. Cô đã kết nối thành công với nhân viên tổng đài của Nhà Trắng, giải thích cho cô nhân viên ở đó rằng đây là một trường hợp hết sức khẩn cấp. Cô ta đã tỏ ra rất thông cảm, và bảo cô chờ máy. Lúc này chắc cuộc gọi của Rachel đang trở thành ưu tiên số một tại tổng đài, đợi nối máy với Tổng thống. Năm phút nữa thôi, cô thầm nghĩ, nhanh lên nào! Nhắm mắt lại, Rachel cố sắp xếp lại những suy nghĩ trong trí não. Mình đang ở trên tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân, cô tự bảo mình, thầm biết rằng thật may mắn biết bao cả ba mới được có mặt tại đây: Theo lời thuyền trưởng, tàu Charlotte đã đi tuần tiễu biển Bering suốt hai ngày trước đó, và họ nhận được những âm thanh rất lạ từ phiến băng Milne vọng đến - tiếng khoan máy, tiếng máy bay trực thăng, rất nhiều cuộc điện đàm được mã hoá. Con tàu đã được chỉ thị trực tiếp là phải nằm im để theo dõi. Cách đây một giơ, họ nghe thấy có tiếng nổ và đến để kiểm tra. Đúng lúc đó thì thấy có tín hiệu cấp cứu của Rachel. - Còn ba phút nữa? - Lúc này trông Tolland vô cùng sốt ruột, ông liên tục nhìn đồng hồ. Rachel cũng rất nôn nóng. Sao lâu vậy không biết? Sao Tổng thống không nghe điện? Nếu Zach Herney công bố những con số ông đang có trong tay thì… Rachel xua ý nghĩ ấy ra khỏi đầu và nắm chặt ống nghe. Nhấc máy lên đi nào! Chạy lên đến ngưỡng cửa phòng thông tin, cô nhân viên tổng đài thấy rất đông nhân viên đang tụ tập ở đó. Ai nấy đều đang sôi nổi bàn luận, tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng. Cách họ khoảng hai mươi mét, ở ngay lối vào, Tổng thống đang đứng đợi. Các nhân viên hoá trang vẫn còn đang sửa sang đầu tóc cho ông. - Cho tôi qua nào! - Cô vừa nói to vừa cố len qua đám đông. - Điện thoại của Tổng thống đây! Xin lỗi, cho tôi đi nhờ nào! Hai phút nữa bắt đầu truyền trực tiếp. - người phụ trách thiết bị phát sóng kêu to. Tay xiết chặt điện thoại, cô nhân viên tiếp tục rẽ đám đông để đến gần Tổng thống. - Điện thoại của Tổng thống đây! - Cô thở hổn hển. - Cho tôi đi cái nào! Một người cao lều nghều bước tới đứng chắn lối của cô. Marjorie Tench. Cố vấn cấp cao của Tổng thống nhìn cô nhăn nhó khó chịu: - Chuyện gì thế? - Khẩn cấp ạ! - Cô nói không ra hơi. - Điện thoại của Tổng thống ạ. Tench tỏ vẻ không bằng lòng: - Lúc này thì không được! - Cô Rachel Sexton gọi cho Tổng thống. Cô ấy nói là việc rất gấp ạ! Bà cố vấn nhăn nhó, mặt tối sầm lại, vừa ngạc nhiên vừa bực bội. Bà ta nhìn chiếc máy điện thoại. - Đây là đường dây thông thường. Có phải đường dây an ninh đâu. - Đúng thế ạ. Nhưng tại vì đường dây kia đang bận mất rồi. Đây là điện thoại sóng vệ tinh. Cô ấy nói là có thông tin cần báo cáo với Tổng thống ngay lập tức. Chín mươi giây nữa bắt đầu phát trực tiếp! Tench lạnh lùng nhìn cô nhân viên tổng đài, rồi chìa ra cánh tay dài thõng: - Đưa điện thoại cho tôi. Trống ngực cô nhân viên trẻ đẵp thình thình. - Cô Sexton muốn nói chuyện trực tiếp với Tổng thống. Cô ấy còn dặn tôi yêu cầu hoãn cuộc họp báo cho đến khi cô ấy báo cáo với Tổng thống xong thì mới được bắt đầu. Tôi tin chắc là… Lúc này Tench lại gần cô nhân viên, khẽ rít lên: - Cô nghe tôi cho thật rõ mà liệu việc nhé. Cô phải làm theo mệnh lệnh của tôi chứ không phải của con gái ứng cử viên đối lập! Tôi đảm bảo là Tổng thống sẽ được biết chuyện này ngay sau khi tôi tìm hiểu cặn kẽ mọi sự. Cô nhân viên tổng đài đưa mắt nhìn Tổng thống, lúc này đang bị các nhân viên kỹ thuật, các nhân viên hoá trang và mấy nhân viên thân cận vây kín xung quanh, hoàn tất những chi tiết cuối cùng trước khi ông bắt đầu phát biểu. Trên tàu Charlotte, đang bồn chồn đi đi lại lại trong căn phòng hẹp thì Rachel Sexton nghe thấy một tiếng bíp phát ra từ máy điện thoại. Có người cất lên một chất giọng rin rít: - Alô? - Tổng thống Herney đấy ạ? - Rachel buột miệng thốt lên. - Marjorie Tench đây, - đầu dây bên kia trả lời, - tôi là cố vấn cấp cao của Tổng thống. Dù cô là ai đi nữa thì cũng xin nhắc trước rằng gọi điện đến phá quấy Nhà Trắng là vi phạm đạo luật… - Lạy Chúa tôi! Đây không phải là trò phá quấy! Tôi là Rachel Sexton, là nhân viên của NRO đây mà… - Tôi biết cô Rachel Sexton, nhưng làm sao tôi biết được cô có phải là cô ấy hay không. Cô gọi đến đây bằng đường dây thông thường, và lại còn đòi chen ngang vào buổi truyền hình trực tiếp của Tổng thống. Dù có là ai đi chăng nữa thì đây cũng không phải là hành vi… - Bà nghe đây, - Rachel phát cáu - cách đây chưa đầy một giờ, tôi vừa thông báo vắn tắt cho nhân viên của bà về tảng thiên thạch. Bà ngồi ngay hàng đầu. Còn tôi nói với mọi người từ một màn hình đặt ngay trên bàn làm việc của Tổng thống! Bà còn hỏi gì nữa không? Bà ta im lặng một lúc. - Cô Sexton, thế này nghĩa là sao? - Nghĩa là bà phải bảo Tổng thống dừng ngay! Tất cả các chỉ số về tảng thiên thạch đó đều sai toét! Chúng tôi vừa mới phát hiện được rằng người ta đã khoan phiến băng từ dưới đáy và đưa ngược tảng thiên thạch lên vị trí đó. Tôi không biết ai làm việc đó! Và cũng không biết để làm gì! Nhưng mọi sự không như chúng tôi tưởng. Tổng thống sắp sửa công bố những dữ liệu hoàn toàn sai lệch, và tôi khuyên ông ấy… - Từ từ đã nào! - Tench hạ giọng. - Cô có ý thức được mình đang nói gì không đấy? - Có chứ! Tôi ngờ rằng Giám đốc NASA đã dựng lên một trò lừa cỡ bự, và Tổng thống sắp bị sa lầy vào giữa mớ bòng bong đó. Ít ra thì bà hãy bảo Tổng thống hoãn buổi truyền hình lại mười phút để tôi giải thích với ông ấy mọi sự ở đây. Có người đã cố tình sát hại tôi! Giọng của Tench trở nên lạnh như băng: - Cô Sexton, tôi xin cảnh báo cô thế này. Nếu cô định đổi ý và giúp đỡ cha cô trong chiến dịch tranh cử thì cô nên làm điều đó từ trước khi cô thông báo với các nhân viên Nhà Trắng về tảng thiên thạch kia. Cái gì? Bà ta có chịu nghe đâu. - Tôi rất phẫn nộ trước cách xử sự của cô. Cô định bóng gió rằng tảng thiên thạch đó là giả hay sao? Nhân viên an ninh gì mà lại dùng đường dây điện thoại thông thường để báo cáo tin tuyệt mật? Rõ ràng là cô muốn có người nghe lén được cuộc đàm thoại này. Vì chuyện này mà Norah Mangor đã bị giết! Tiến sĩ Ming cũng đã chết. Bà phải báo với Tổng thống là… - Thôi ngay đi! Tôi không biết cô đang định giở trò gì, nhưng xin nhắc cho cô nhớ - và cả bất kỳ người nào vô tình nghe thấy cuộc nói chuyện này - rằng Nhà Trắng có trong tay lời chứng thực của các chuyên gia hàng đầu của NASA, các nhà khoa học dân sự danh tiếng, và của cả chính cô nữa, cô Sexton ạ, rằng những dữ liệu về tảng thiên thạch là hoàn toàn chính xác. Nếu cô bất ngờ muốn phản thùng thì tôi có thể hiểu được thôi. Dù mục đích của cô có là gì đi nữa, thì từ phút này trở đi cô không còn là nhân viên Nhà Trắng nữa, còn nếu cô vẫn cố tình dùng những lời buộc tội vô căn cứ để bài xích phát kiến này là giả dối, thì tôi sẽ lôi cổ cô ra toà nhanh đến nỗi cô không kịp gói ghém chút hành lý nào để mang vào nhà đá đâu. Rachel mở miệng định nói, nhưng không thốt nổi thành lời. - Zach Herney đã tỏ ra rất rộng lượng với cô rồi đấy, - bà ta tiếp tục đốp chát - nói thẳng ra là tôi thấy hành động này sặc mùi quảng bá rẻ tiền của nhà Sexton. Cô phải dừng lại ngay, nếu không tôi sẽ viện đến pháp lý. Tôi thề đấy. Đường dây bị ngắt. Rachel vẫn còn đang kinh ngạc há hốc miệng thì thuyền trưởng đã gõ cửa. - Thưa cô Sexton - Ông ta ngó đầu vào và nói - chúng tôi vừa nhận được những tín hiệu không rõ nét lắm từ Đài Phát thanh quốc gia Canada. Tổng thống Zach Herney đã bắt đầu cuộc họp báo rồi. Chương 68 Đứng trên bục phát biểu trong phòng thông tin của Nhà Trắng, dưới ánh đèn trường quay sáng rực và ấm áp, Zach Herney biết cả thế giới đang chăm chú dõi theo ông. Đòn tấn công dồn dập của bộ phận báo chí Phủ Tổng thống đã tạo ra không biết bao nhiêu lời đồn thổi và phỏng đoán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những ai không nghe được bản tin này trên tivi, trên đài hay tải được tin này từ mạng internet xuống thì sẽ được nghe hàng xóm, người nhà, và đồng nghiệp kể cho nghe. Đến tám giờ tối, cả thế giới, trừ những ai sống trong các hang động, đều đang đoán già đoán non về nội dung cuộc họp báo của Tổng thống. Trong các quán bar, trong từng phòng ngủ trên khắp hành tinh, hàng triệu người đang hướng về màn hình tivi, chăm chú, băn khoăn. Chính trong những giờ phút như thế này - những lúc đối diện với cả thế giới - Herney cảm thấy sức nặng của chiếc ghế ông đang nắm giữ. Chỉ những ai chưa bao giờ trải qua cảm giác này mới có thể khẳng định rằng quyền lực là thứ không gây nghiện. Tuy nhiên, khi bắt đầu bài phát biểu của mình, ông hơi cảm thấy bất an. Vốn không phải là người biết sợ ánh đèn trường quay, nỗi e sợ đang len lỏi trong lòng khiến ông cảm thấy ngạc nhiên. Chẳng qua chỉ vì cử toạ lần này quá lớn, ông tự nhủ. Thế nhưng ông tự biết còn có một lý do nữa. Bản năng của ông ông vừa trông thấy một việc. Chỉ là chi tiết rất nhỏ, ấy thế nhưng… Ông tự bảo mình hãy quên đi. Chi tiết đó chẳng có nghĩa gì hết. Nhưng nó cứ hiện lên trong tâm trí ông. Tench. Cách đây mấy giây, lúc chuẩn bị bước lên bục phát biểu, ông thấy Tench đứng ở cửa ra vào, tay cầm máy điện thoại không dây. Lạ lùng. Lạ lùng hơn nữa là cô nhân viên tổng đài đang đứng nói gì đó với Tench, mặt tái nhợt vì sợ hãi. Herney không thể nghe được cuộc hội đàm trên điện thoại của Tench, nhưng ông đoán chắc đó là câu chuyện căng thẳng. Tench nói với vẻ tức tối mà Tổng thống gần như chưa bao giờ thấy - đặc biệt người nổi cáu lại là Tench. Ông đã ngập ngừng một giây, nhìn thẳng vào mắt Tench dò hỏi. Tench đưa ngón cái lên ra dấu hiệu khuyến khích. Herney chưa bao giờ thấy Tench giơ ngón cái lên làm hiệu với bất kỳ ai. Đó là chi tiết cuối cùng lọt vào trí não khi Herney đến giờ phải bước lên bục. Cùng với một số nhà khoa học hàng đầu của NASA, Giám đốc Lawrence Ekstrom đang ngồi chính giữa bên chiếc bàn hội nghị được kê trên tấm thảm màu xanh trải trong khu báo chí, trong bán sinh quyển của NASA trên hòn đảo Ellesmere. Trên màn hình lớn đặt ngay trước mặt họ, người ta đang truyền hình trực tiếp bài phát biểu của Tổng thống. Các nhân viên khác của NASA đang xúm xít quanh những màn hình khác, đang hồ hởi lắng nghe vị tổng tư lệnh phát biểu khai mạc buổi họp báo… - Xin chào… - Herney nói, vẻ không tự nhiên, khác hẳn lệ thường. - Chào đồng bào của tôi, chào những người bạn của tôi trên khắp thế giới… Ekstrom trân trân nhìn tảng đá cháy xém, to xù xì được đặt trang trọng trước mặt ông. Rồi ông quay sang nhìn một màn hình bên cạnh, thấy trong đó cảnh ông đang ngồi bên những cộng sự ăn mặc rất giản dị, sau lưng họ là lá quốc kỳ cỡ lớn và biếu tượng của NASA Hệ thống chiếu sáng được bố trí rất cẩn thận, tạo ấn tượng như họ đang ngồi trước một bức tranh vẽ theo trường phái tân cổ điển - mười hai vị tông đồ đang ngồi ăn bữa tối cuối cùng. Zach Herney đã biến cuộc họp báo này thành chương trình tuyên truyền nặng tính chính trị. Herney làm gì có cách nào khác đâu. Ekstrom chợt thấy mình giống như người lính tiên phong ngoài biên thuỳ, chuẩn bị xả thân vì Chúa. Khoảng năm phút nữa, Tổng thống sẽ giới thiệu Ekstrom và các cộng sự của ông. Rồi sau đó, bằng tín hiệu vệ tinh, NASA sẽ tham gia vào cầu truyền hình, công bố tin trọng đại cho cả thế giới được biết. Đầu tiên sẽ là phần giới thiệu sơ qua về trình tự dẫn đến phát kiến, ý nghĩa của nó đối với ngành thám hiểm vũ trụ, sau đó là vài lời chúc tụng. Tiếp đó, NASA và Tổng thống sẽ rút lui, nhường màn ảnh lại cho nhà khoa học danh tiếng Michael Tolland. Bộ phim tài liệu của ông sẽ kéo dài khoảng mười lăm phút. Cuối cùng, Ekstrom và Tổng thống sẽ chào tạm biệt, kèm theo những lời hứa sẽ cung cấp thêm thông tin vào những buổi họp báo tiếp theo của NASA… Ngồi đợi đến lượt mình lên hình, Ekstrom thấy vô cùng hổ thẹn. Ông đã biết từ trước rằng sẽ có cảm giác này. Ông không hề ngạc nhiên. Ông đã nói dối…, những lời giả dối thậm tệ. Tuy nhiên - lúc này, những lời giả dối ấy không còn là nỗi sầu muộn lớn nhất trong lòng ông. Còn có vấn đề khác trầm trọng hơn nhiều. Trong phòng sản xuất của hãng truyền hình ABC, Gabrielle Ashe đứng vai kề vai với những người cô không quen biết. Tất cả đều ngửa mặt nhìn lên dãy màn hình được treo trên trần nhà. Tiếng xì xào nổi lên khi buổi họp báo bắt đầu. Gabrielle nhắm chặt mắt, thầm cầu nguyện rằng khi mở mắt ra cô sẽ không trông thấy thân thể loã lồ của mình trên màn hình. Nhà riêng của Thượng nghị sĩ Sexton tràn ngập cảm giác phấn khích. Tất cả các vị khách của ông đều đã đứng cả dậy, mắt dán chặt vào màn hình tivi cỡ lớn trong phòng. Zach Herney đang phát biểu trước toàn thế giới, ấy thế mà màn chào hỏi của ông có vẻ rất lúng túng. Ngài Tổng thống có vẻ không tự tin, ông ta đang run, Sexton nghĩ thầm. Ông ta có bao giờ run đâu. - Nhìn kìa. - Một vị khách nói khẽ. - Chắc là tin xấu rồi. - Liệu có phải là vấn đề sân bay vũ trụ hay không đây? - Sexton tự hỏi. Herney nhìn thẳng vào ống kính máy quay và hít thật sâu: - Thưa các quý vị, nhiều ngày nay, tôi đã trăn trở về chuyện sẽ công bố tin này như thế nào… Dễ thôi mà. Thượng nghị sĩ Sexton thầm nhắc. Cứ nói ra sự thật. Herney dành vài phút để giãi bày rằng vì NASA bỗng nhiên trở thành vấn để nóng bỏng trong chiến dịch tranh cử này, ông muốn ngỏ lời xin lỗi vì phải công bố tin tức trọng đại này vào thời điểm không được thích hợp cho lắm. - Tôi chỉ ước giá mình được công bố điều này vào bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. - ông nói. - Sức ép về chính trị lúc này có thể khiến cho những người lãng mạn nhất cũng trở lên hoài nghi. Tuy nhiên, trên cương vị Tổng thống, tôi buộc phải chia sẻ với quý vị những thông tin mà tôi nhận được. - Ngài Tổng thống cười mỉm. - Có vẻ như sự huyền diệu của vũ trụ là cái gì đó không ăn nhập cho lắm với khái niệm về thời gian của loài người…, đặc biệt là đối với một vị Tổng thống. Mọi người trong nhà Thượng nghị sĩ Sexton đều đồng nhất thu mình lại. Cái gì? - Cách đây hai tuần, - Herney nói - máy quét cắt lớp địa cực của NASA trên quỹ đạo đã quét qua phiến băng Milne trên đảo Ellesmere, một địa điểm bên trên vĩ tuyến 88, nằm trên biển Bắc. Sexton và các vị khách của mình bối rối nhìn nhau. - Thiết bị này của NASA, - Herney nói tiếp - đã phát hiện được một tảng đá lớn có độ đậm đặc cao bị vùi sâu trong dòng sông băng, cách bề mặt hai trăm foot. - Lúc này Herney mỉm nụ cười đầu tiên, lấy lại sự tự tin. - Khi dữ liệu được truyền về, NASA ngay lập tức nghĩ đến khả năng họ tìm được một tảng thiên thạch. Một tảng thiên thạch à? - Sexton thốt lên. - Có gì ghê gớm đâu! - NASA đã phái một nhóm nhân viên đến phiến băng đó để lấy mẫu về. Đó chính là thời điểm NASA đã… - Tổng thống ngừng một lát - Thẳng thắn mà nói, họ vừa có một phát kiến khoa học tầm cỡ thế kỷ. Sexton tiến lại gần tivi, đầy vẻ ngờ vực. Không thể nào… Các vị khách của ông cũng bắt đầu cảm thấy bất an. - Thưa các quý vị - Herney tuyên bố - cách đây vài giờ đồng hồ, NASA vừa trục vớt lên từ lớp băng vĩnh cửu của Bắc Cực một tảng thiên thạch nặng tám tấn, bên trong nó là… - Ngài Tổng thống lại lỡ lời một lần nữa, khiến cho cả thế giới phải nhoài người về phía trước chờ đợi. - Đó là một tảng thiên thạch chưa hoá thạch của sự sống. Hàng chục mẫu hoá thạch. Đó là những bằng chứng không thể chối cãi về sự sống trong vũ trụ. Rất đúng lúc, hình ảnh lớn loé sáng lên sau lưng ngài Tổng thống - một hình phác hoạ tuyệt hảo mô phỏng một hoá thạch hình con bọ rất lớn giữa tảng đá cháy xém. Trong căn hộ riêng của Sexton, cả sáu nhà kinh doanh đều đứng bật lên, mắt mở to kinh hãi. Còn bản thân ông Thượng nghị sĩ thì đứng yên như trời trồng. - Thưa các quý vị, - Tổng thống lại nói tiếp - mẫu hoá thạch sau lưng tôi có niên đại 190 triệu năm. Nó nằm trong một mảnh vỡ của tảng thiên thạch có tên là Jungersol Fall, tảng thiên thạch này đã rơi xuống Bắc Băng Dương cách đây gần ba thế kỷ. Thiết bị chụp cắt lớp địa cực trái đất từ vệ tinh của NASA đã tìm thấy mảnh vỡ của nó bị chôn vùi trong lòng một phiến băng lớn. NASA, cùng với Chính phủ, trong suốt hai tuần qua đã thận trọng kiểm tra lại tất cả các dữ liệu để chứng minh cho phát kiến vĩ đại này trước khi công bố rộng rãi. Ngay sau đây, quí vị sẽ được nghe những lời phát biểu của rất nhiều nhà khoa học thuộc biên chế của NASA cũng như các nhà khoa học độc lập, sẽ có cả đoạn phim tài liệu ngắn do đích thân một nhà khoa học danh tiếng sản xuất, tôi tin chắc là quí vị sẽ nhận ra anh ấy ngay lập tức. Nhưng trước hết, tôi xin giới thiệu với quí vị, tại đầu cầu Bắc Cực, một người mà sự quyết đoán, tầm nhìn xa trông rộng, và những nỗ lực của anh ấy đã mang lại cho chúng ta giây phút lịch sử này. Tôi xin hân hạnh giới thiệu Lawrence Ekstrom, Giám đốc đương nhiệm của NASA. Tươi cười, Herney quay về phía màn hình. Hình ảnh tảng thiên thạch lập tức được thay bởi cảnh các nhà khoa học của NASA đang ngồi bên một chiếc bàn dài, ở chính giữa là vóc người to lớn của Lawrence Ekstrom. - Cảm ơn Tổng thống. - Ekstrom đứng lên, nhìn thẳng vào ống kính máy quay, vẻ mặt đầy mãn nguyện. - Tôi vô cùng tự hào được chia sẻ với quí vị giây phút vinh quang này - giây phút tuyệt vời nhất trong toàn bộ quá trình tồn tại của NASA. Ekstrom say sưa kể về NASA và phát kiến vĩ đại của họ. Với điệu bộ rất phô trương, đầy đắc thắng, ông giới thiệu đoạn phim tài liệu của nhà khoa học danh tiếng Michael Tolland, Thượng nghị sĩ Sexton xem phim, quì sụp xuống sát bên chiếc tivi, vò đầu bứt tai. Không thể nào! Chúa ơi! Không thể nào! Chương 69 Giận tím gan. Marjorie Tench rút lui khỏi phòng thông tin nhộn nhịp quay về phòng làm việc của mình ở chái nhà phía tây. Chẳng còn lòng dạ nào mà vui vẻ chúc tụng. Cú điện thoại của Rachel Sexton quả là vô cùng bất ngờ. Vô cùng thất vọng. Tench đóng sập cửa, sải bước đến bên bàn làm việc và gọi cho tổng đài của Nhà Trắng. - William Pickering. NRO. Châm một điếu thuốc, bà ta đi đi lại lại trong phòng, chờ nhân viên tổng đài nối máy với Pickering. Thông thường thì buổi tối ông ta ở nhà. Tuy nhiên, do Nhà Trắng công bố buổi họp báo một cách bất ngờ và dồn dập. Tench đoán rằng tối nay ông ta sẽ ở lại văn phòng, sẽ dán chặt mắt vào màn hình tivi, thầm băn khoăn không hiểu có chuyện gì trên đời mà Giám đốc NRO lại không được biết trước. Tench tự nguyền rủa bản thân vì không chịu làm theo linh cảm của mình. Khi Tổng thống nói rằng ông ấy muốn cử Rachel Sexton đến phiến băng Milne, Tench đã rất cảnh giác và cho rằng đó là nước cờ mạo hiểm không cần thiết. Nhưng Tổng thống đã ra sức thuyết phục rằng trong những tuần vừa qua, đội ngũ nhân viên của Nhà Trắng đã trở nên hoài nghi: Nếu để cho bất kỳ ai khác trong đội ngũ của họ công bố tin này, sẽ có những ngờ vực. Đúng như Herney đã hứa, sau khi nghe Rachel Sexton thông báo về phát kiến này, không một ai nghi ngờ, không một ai bàn ra tán vào, và toàn bộ nhân viên Nhà Trắng đã tỏ ra đồng tâm hiệp lực vì mục đích chung. Rất giá trị, Tench buộc phải thừa nhận điều đó. Ấy thế nhưng lúc này, Rachel Sexton đột ngột phản lại. Đồ quạ khoang lại còn gọi điện bằng đường dây không an toàn nữa chứ. Rõ ràng là cô ta quyết tâm phá cho được phát kiến này. Niềm an ủi duy nhất của Tench lúc này là Tổng thống đã ra lệnh ghi lại những lời nói lúc chiều của Rachel. Ơn Chúa. Ít ra thì Herney đã nghĩ đến chuyện giữ lại chút bằng chứng để làm vật bảo đảm. E rằng họ sẽ cần đến nó. Tuy nhiên, lúc này, bà cố vấn đang tìm cách hạn chế đổ máu bằng những con đường khác. Rachel Sexton là người có đầu óc và nếu cô ta thực sự đối đầu với Nhà Trắng và NASA, cô ta sẽ tìm cách lôi kéo đồng minh. Lựa chọn số một của cô ta chắc chắn sẽ là Wilham Pickering. Tench vốn đã biết thái độ của ông ta đối với NASA. Lúc này cần phải liên hệ với Pickering trước khi Rachel kịp hành động. - Thưa bà Tench. - Trong máy điện thoại, giọng nói rất đặc trưng của Pickering vang lên. - William Pickering đây. Vì sao mà tôm có vinh hạnh nhận được điện thoại của rồng thế này? Tench nghe rõ mồn một tiếng tivi trong máy - bộ phim tài liệu về NASA. Nghe giọng nói thì biết ông ta vẫn còn đang choáng váng về những gì vừa nghe thấy. - Tôi có thể xin ông một phút được không, thưa Giám đốc? - Tôi tưởng bà còn phải chúc tụng người này kẻ nọ. Quả là một đêm nhớ đời. Có vẻ như NASA và Tổng thống đã quay trở lại đường đua. Giọng nói của William thể hiện sự ngạc nhiên cao độ, và cả một chút chua chát. Chắc chắn là vì con người này vốn rất ghét được thông báo về mọi sự kiện trên đời vào cùng một thời điểm với đại chúng. - Tôi xin lỗi, - Tench nói lấy lòng, - Nhà Trắng và NASA không có điều kiện báo trước cho anh về việc này". - Chị cũng đã biết, - Pickering nói - NRO đã phát hiện những hoạt động của NASA ở Cực Bắc cách đây mấy tuần. Chúng tôi đã cho điều tra. Tench nhíu mày. Chỉ tổ mất thì giờ. Vâng, tôi biết. Nhưng mà… - NASA nói với chúng tôi rằng không có chuyện gì cả. Họ còn bảo rằng đó chỉ là một đợt tập dượt cho quen với những điều kiện thời tiết đặc trưng. Kiểm tra các trang thiết bị, đại loại thế. Pickering ngừng một lát. - Chúng tôi đã bị lừa. - Gọi là lừa thì hơi quá. - Tench nói. - Đó chỉ là đánh lạc hướng mà thôi. Vì tầm quan trọng của phát kiến này, tôi nghĩ anh cũng hiểu vì sao NASA phải tuyệt đối im lặng. - Chỉ làm thế với dân chúng thôi thì đúng hơn. Hờn dỗi không phải là tính cách của Pickering, nhưng tình huống này hơi khác thường một chút, Tench biết thế. - Tôi chỉ nói chuyện được với anh trong vòng một phút tôi, - Tench nói để tỏ rõ uy quyền của mình, - và tôi phải cảnh báo anh trước. - Cảnh báo tôi à? - Cơn giận dỗi của Pickering chuyển thành sự chế giễu. - Hay là Zach Herney mới quyết định bổ nhiệm Giám đốc mới cho NRO với quan điểm thân NASA hơn? - Dĩ nhiên là không. Tổng thống hiểu rằng những căng thẳng giữa anh và NASA chẳng qua là vì chuyện anh ninh quốc gia mà thôi và ông ấy vẫn hết sức cố gắng để dàn xếp cho êm đẹp. Tôi gọi thế này là vì nhân viên của anh. - Bà ta ngừng một lát. – Rachel Sexton. Tối nay cô ta đã liên lạc với anh chưa? - Chưa. Sáng nay tôi đã cử cô ấy sang Nhà Trắng theo yêu cầu của Tổng thống. Chắc các vị đã bắt cô ấy phải bận rộn liên tục đến giờ. Chưa thấy cô ấy quay về. Tench nhẹ người nhận thấy mình đã gọi cho Pickering trước. Bà ta rít thuốc rồi điểm tĩnh nói: - Tôi nghĩ là cô Sexton sẽ gọi cho anh ngay bây giờ đấy. - Thế thì tốt. Tôi đang đợi điện của cô ấy đây. Phải nói thật là từ khi Zach Herney công bố cuộc họp báo, tôi đã ngờ rằng các vị sẽ lợi dụng cô ấy để tuyên truyền. Tôi rất hài lòng thấy cô ấy không bị lôi kéo vào việc này. - Zach Herney là người tử tế. - Tench nói, - Tôi e là tử tế hơn cái cô Rachel Sexton đó nhiều. Đường dây im lặng một lúc lâu. - Tôi hi vọng vừa mới nghe nhầm. Tench thở dài nặng nhọc. - Không đâu, đáng tiếc là anh không nghe nhầm. Tôi không muốn nói những chuyện kiểu này trên điện thoại nhưng mà Rachel Sexton hình như đang rắp tâm bôi xấu NASA và phát kiến của họ. Không biết làm sao mà sau khi thông báo về tảng thiên thạch cho tập thể nhân viên ở Nhà Trắng xong, cô ta đột nhiên quay ngoắt một trăm tám mươi độ và bây giờ lại tung ra luận điệu khủng khiếp rằng phát kiến của NASA là một sự lừa dối và xảo trá. Pickering trở nên cảnh giác: - Cái gì cơ? - Phức tạp lắm. Dù không muốn nhưng tôi buộc phải nói lại với anh là hai phút trước khi buổi họp báo bắt đầu, cô Sexton đã gọi điện cho tôi và yêu cầu huỷ bỏ cuộc họp đó. - Lý do là gì? - Lý do ngớ ngẩn, phảì thừa nhận là thế. Cô ta nói rằng đã phát hiện thấy những sai sót lớn liên quan đến những dữ liệu về tảng thiên thạch. Sự im lặng kéo dài, đầy hoài nghi của Pickering làm cho Tench thấy không thoải mái chút nào. - Sai sót à? - Cuối cùng thì ông ta cũng lên tiếng… Rất lố bịch, thật đấy, sau khi NASA đã dành những hai tuần lễ để kiểm tra cẩn thận và… - Tôi tin là một người như Rachel Sexton sẽ không bao giờ yêu cầu Tổng thống ngừng buổi họp báo lại nếu cô ấy không có lí do nào đó rất chắc chắn. - Giọng Pickering có vẻ đầy băn khoăn. - Có thể là chị đã không chịu nghe cô ấy trình bày. Tôi xin anh! - Tench buột miệng, vừa nói vừa ho. - Anh đã xem buổi họp báo rồi đấy. Dữ liệu về tảng thiên thạch đã được không biết bao nhiêu nhà khoa học khẳng định đi khẳng định lại rồi. Kể cả các nhà khoa học dân sự. Chẳng lẽ anh không thấy khả nghi hay sao? Con gái của người duy nhất không được lợi lộc gì từ phát kiến mới này bỗng nhiên thay đổi hẳn thái độ. - Có vẻ khả nghi, chị Tench ạ, nhưng là vì tôi tình cờ biết rằng hai cha con Thượng nghị sĩ Sexton chẳng hề thân thiện với nhau chút nào. Điều mà tôi không thể hiểu nổi là sau bao nhiêu năm làm việc cho Tổng thống, tại sao cô Sexton đột nhiên lại thay đổi thái độ và muốn giúp sức cho cha mình đến thế. - Có thể là vì tham vọng chăng? Tôi làm sao mà biết được. Có thể là vì muốn được làm con gái của Tổng thống… - Tench bỏ ngỏ câu nói. Giọng của Pickering đột nhiên trở nên đanh thép: - Vớ vẩn, chị Tench ạ, lý do đó chẳng có gì thuyết phục hết. Bà trợ lý quắc mắt giận dữ. Nhưng đây là lẽ đường nhiên. Bà đang công kích một trong những nhân viên mẫn cán nhất của ông ta. Chắc chắn ông ta phải bảo vệ người của mình rồi. - Để chuyện này đấy. - Pickering tuyên bố. - Tôi muốn đích thân nói chuyện với cô ấy. - Tôi e là không thể được. - Tench đáp. - Cô ta không có mặt trong Nhà Trắng. - Thế thì ở đâu? - Sáng nay Tổng thống đã phái cô ấy lên phiến băng Milne để đích thân xem xét tảng thiên thạch. Giờ vẫn chưa về tới đây. Lúc này Pickering trở nên giận dữ. - Không một ai báo gì với tôi hết? - Tôi không có thì giờ lo chuyện ai đó cảm thấy tự ái vì bị động chạm đâu, ông Giám đốc ạ. Tôi gọi thế này là lịch sự lắm rồi đấy. Tôi cảnh báo anh là Rachel Sexton đang rắp tâm hành động chống lại những gì vừa được công bố tối nay. Cô ta sẽ phải tìm đồng tình. Nếu cô ta có gọi cho anh, thì anh cũng nên tỏ ra khôn ngoan mà nhớ rằng chiều nay cô ta đã khẳng định những dữ liệu đó trước toàn bộ nhân viên Nhà Trắng, từ một màn hình đặt ngay trên bàn của Tổng thống. Chúng tôi đã cho thu băng rồi. Nếu bây giờ, vì bất kỳ động cơ nào, Rachel Sexton có bất kỳ hành động nào bôi xấu danh dự của Zach Herney và NASA, tôi thề với anh là Nhà Trắng sẽ khiến cho cô ta không ngóc nổi đầu lên đâu. - Bà ta đợi giây lát, để những lời đó thật ngấm vào đầu Pickering. - Tôi mong rằng anh sẽ đáp lễ cú điện thoại lịch sự này của tôi bằng cách báo ngay cho tôi biết nếu cô ta gọi cho anh. Cô ta đã công kích Tổng thống một cách trực diện, và Nhà Trắng có ý định tạm giữ cô ta để thẩm vấn trước khi cô ta kịp có bất kỳ động thái nào khác. Tôi sẽ đợi điện thoại của anh, Giám đốc ạ. Chỉ có thể thôi. Chúc ngủ ngon. Marjorie Tench gác máy, biết chắc chưa bao giờ William Pickering bị ai nói vỗ vào mặt kiểu này. Ít nhất thì ông ta cũng biết rằng đây là chuyện hết sức nghiêm trọng. Trên tầng cao nhất của NRO, William Pickering đứng bên cửa sổ phòng làm việc, nhìn ra bầu trời đêm Virginia. Cú điện thoại của Marjorie Tench quả là rầy rà. Ông cắn môi, cố sắp xếp lại trong đâu những thông tin vừa nghe được. - Thưa Giám đốc. - Thư ký của ông khẽ gõ cửa và nói. - Có một cuộc điện thoại nữa ạ. - Tôi không nghe đâu. - Pickering lơ đễnh đáp. - Cô Rachel Sexton gọi về ạ. Ông ta xoay người lại. Tench thật chẳng khác nào thầy bói. - Thế thì nối máy cho cô ấy ngay đi. - Thưa Giám đốc, cuộc gọi này thực hiện bằng sóng mã hoá AV. Giám đốc có muốn vào phòng họp để nhận điện không ạ? - Gọi bằng sóng mã hoá AV à? Cô ấy gọi từ đâu về? Cô thư ký nói tên con tàu. Pickering trợn tròn mắt. Ngạc nhiên, ông hấp tấp băng xuống phòng họp để nhận điện. Cú điện này thì không thể không nhận. Chương 70 "Phòng chết" trên con tàu Charlotte - được thiết kế tương tự như mô hình của phòng thí nghiệm Bell - có tên gọi chính thức là phòng không tiếng vang. Không có một mặt phẳng song song thông thường nào, căn phòng đạt tiêu chuẩn sạch về âm học – 99,4 phần trăm âm thanh tạo ra trong phòng bị thẩm thấu hết. Do đặc điểm truyền âm của kim loại và nước, các cuộc hội đàm trong các tàu ngầm rất dễ bị nghe lén bằng các loa hút âm gần đó hoặc các micro nghe lén gắn ngoài vỏ tàu. Phòng chết là một căn phòng nhỏ bên trong tàu ngầm, có đặc điểm là không để lọt bất kỳ âm thanh nào ra ngoài. Mọi cuộc hội đàm bên trong cái hộp thẩm âm này đều tuyệt đối an toàn. Căn phòng trông giống như một cái "tủ quần áo xây chìm trong tường", và bề mặt của trần nhà, nền nhà, cũng như của tất cả các bức tường đều phủ đầy những cục bọt biển hình chóp nhô ra từ mọi hướng. Căn phòng này khiến Rachel nghĩ đến cái hang sâu dưới mặt nước, nơi mọi bề mặt đều phủ đầy măng đá. Có lẽ đặc điểm khó thích nghi nhất của căn phòng này là nó không có mặt sàn… Sàn của nó chỉ là lớp lưới mắt cáo bằng sắt mỏng chăng ngang, trông giống lưới đánh cá, khiến cho bất kỳ ai bước vào phòng cũng có cảm giác đang bị treo lơ lửng trên tường. Tấm lưới được phủ cao su khá êm. Nhìn xuống bên dưới lớp lưới, Rachel cảm tưởng như đang đi trên chiếc cầu treo vắt ngang qua một cảnh siêu thực gồm nhiều mảnh nhỏ ghép lại với nhau. Phía dưới, cách mặt lưới một mét, là một rừng những kim nhọn bằng bọt biển chọc thẳng lên trên, như thế muốn báo điềm xấu. Vừa bước vào trong phòng. Rachel đã cảm thấy bị mất phương hướng, mất hết sinh lực, như thể bao nhiêu sinh khí đã bị hút hết ra khỏi căn phòng này từ trước. Cảm tưởng như hai tai bị bịt bông. Chỉ nghe thấy mỗi hơi thở của chính mình vang lên từ trong đầu. Cô cất tiếng, và như thế vừa mới úp mặt vào một chiếc gối lớn để nói. Các bức tường lập tức triệt tiêu hết mọi rung động, chỉ những rung động vang lên bên trong trí não là còn giữ lại được. Lúc này ông thuyền trưởng đã ra khỏi phòng và khép chặt cánh cửa có đệm mút. Rachel, Corky và Tolland đang ngồi bên một cái bàn hình chữ U được đỡ bởi những trụ kim loại nhô lên từ bên dưới lớp lưới sàn. Trên bàn là mấy chiếc microphone hình cổ ngỗng, tai nghe, một màn hình video có gắn một chiếc camera hình mắt cá bên trên. Trông hơi giống một phòng hội nghị thu nhỏ của Liên hợp quốc. Là nhân viên ngành tình báo Hoa Kỳ - quốc gia đi đầu trên thế giới về sản xuất microphone laze, máy nghe lén dưới nước hình parabol, cũng như nhiều thiết bị thu thanh siêu nhạy khác - Rachel biết hầu như không ở đâu trên trái đất này người ta có thể giữ kín các cuộc hội thoại. Phòng chết hiển nhiên là một nơi an toàn. Những micro trên bàn cho phép người ta thoải mái nói chuyện mặt đối mặt với đầu dây bên kia, yên tâm rằng tất cả những xung động âm thanh đều bị các bức tường triệt tiêu hết. Tiếng nói của họ, sau khi được truyền qua micro, sẽ được mã hoá trước khi được tiếp tục truyền đi trong không trung… - Kiểm tra kỹ thuật. - Một giọng nói đột ngột vang lên trong tai nghe của họ, làm cả Rachelt Tolland, và Corky đều giật mình. - Cô có nghe được không, thưa cô Sexton? Rachel nhoài người về phía micro: - Nghe rõ, xin cảm ơn. Dù anh cô là ai đi nữa… - Tôi đã nối máy cho cô với Giám đốc Pickering. Ông ấy đã nhận được tín hiệu mã hoá. Tôi sắp rút lui. Ngay bây giờ cô sẽ nhận được tín hiệu. Đường dây im bặt. Có tiếng u u xa xa, sau đó là một loạt những tiếng bíp bíp và lách cách trong tai nghe. Màn hình trước mặt đột nhiên bật sáng, và Rachel nhìn thấy Giám đốc Pickering đang ngồi trong phòng hội nghị. Ông chỉ có một mình. Thấy Rachel, ông ngẩng ngay lên, nhìn thẳng vào mắt cô. Rachel cảm thấy nhẹ nhõm kỳ lạ khi được thấy ông. - Cô Sexton, - Ông nói, giọng lo lắng. - Có chuyện gì thế? - Chuyện tảng thiên thạch, thưa Giám đốc. - Rachel đáp. - Vấn đề rất trầm trọng. Chương 71 Trong phòng chết của con tàu Charlotte, Rachel Sexton giới thiệu Michael Tolland và Corky Marlinson với Pickering. Sau đó cô tường thuật lại tất cả các sự kiện đã diễn ra trong ngày. Giám đốc NRO ngồi bất động, nghe chăm chú. Rachel kể về những sinh vật phù du phát sáng trong hố băng, về hành trình ra khỏi bán sinh quyển của họ, về quá trình phát hiện cột băng nước biển bên dưới tảng thiên thạch, cuối cùng là trận tấn công của một lực lượng mà cô tin chắc là đội đặc nhiệm. William Pickering vốn có tiếng về khả năng lắng nghe những thông tin phức tạp một cách chăm chú và khách quan, ấy thế mà lần này ánh mắt của ông mỗi lúc một thêm băn khoán khi nghe những diễn tiến của câu chuyện. Rachel cảm nhận được thái độ hoài nghi, rồi đến sự phẫn nộ khi ông nghe cô kể về cái chết của Norah Mangor và tình huống thập tử nhất sinh của họ. Dù muốn buộc tội Giám đốc NASA ngay lập tức, cô hiểu Pickering sẽ không tin nếu không có chứng cớ rõ ràng. Nên cô chỉ vắn tắt và khách quan tường thuật lại các chi tiết. Rachel kể xong, Pickering vẫn ngồi bất động thêm vài giây nữa. - Cô Sexton này, - cuối cùng ông lên tiếng - và cả hai vị nữa. Ông lần lượt nhìn cả ba người. - Nếu những sự kiện đó là thực, tôi không có lý do gì để nghĩ rằng các vị nói dối cả. Cả ba người đã quá may mắn được cứu thoát. Họ yên lặng gật đầu. Tổng thống triệu tập bốn người khoa học dân sự, và hai trong số họ giờ đã không còn. Pickering thở dài phiền muộn, như thế không biết phải nói gì tiếp. Những sự kiện đó rõ ràng là chưa nói lên gì nhiều. - Liệu có khả năng cái lỗ khoan mà các vị nhìn thấy bên dưới tảng thiên thạch là hiện tượng tự nhiên không? Rachel lắc đầu. - Nó quá hoàn hảo. - Cô mở tấm ảnh chụp cắt lớp sũng nước ra rồi giơ lên trước camera. - Vô cùng hoàn hảo. Pickering nhìn kỹ tấm ảnh, gật gù đồng ý. - Đừng để mất tấm ảnh này nhé. - Tôi đã gọi cho Marjorie Tench và bảo bà ta cho hoãn cuộc họp báo lại, - Rachel nói - nhưng bà ta cương quyết không nghe. - Tôi biết. Bà ta vừa gọi đến đây. Rachel ngước nhìn lên, kinh ngạc. - Mariorie Tench đã gọi cho Giám đốc rồi cơ à? - Nhanh thật. Vừa xong. Bà ta có vẻ lo lắng. Bà ta sợ là cô định bày trò bôi nhọ Tổng thống và NASA. Có lẽ để giúp cho cha cô. Rachel đứng phắt dậy. Cô vẫy vẫy bức ảnh, chỉ hai nhà khoa học đang ngồi cạnh mình: - Chúng tôi suýt nữa bị giết chết! Trông cảnh này có giống trò ma giáo để bôi xấu ai không? Tại sao tôi lại phải… Pickering đưa tay lên ra hiệu: - Bình tĩnh. Bà Tench không nói cho tôi biết là cô còn cùng với hai nhân vật nữa. Rachel không nhớ nổi bà ta có cho cô cơ hội để nhắc đến Tolland và Corky hay không nữa. - Bà ta cũng không nói với tôi là cô có bằng chứng trong tay. Pickering nói tiếp. - Trước khi nói chuyện với cô thì tôi cũng đã nghi ngờ lời nói của bà ta rồi, và giờ tôi tin chắc chắn là bà ta đã sai. Tôi không hề nghi ngờ lời nói của cô. Vấn đề bây giờ là điều này có nghĩa là gì. Tất cả im lặng hồi lâu… William Pickering thường chẳng bao giờ tỏ ra bối rối, thế mà lúc này đang đăm chiêu lắc đầu. - Cứ giả sử là có người đã cố tình đặt tảng thiên thạch vào trong lòng phiến băng. Dẫn đến câu hỏi không thể tránh được - mục đích của họ là gì. Nếu NASA có một tảng thiên thạch chứa các mẫu hoá thạch thì tại sao họ lại phải quan tâm đến thế về địa điểm phát hiện ra nó? Có vẻ như Rachel nói, người ta đã đưa tảng đá vào trong lòng phiến băng để thiết bị PODS phát hiện được nó, và tảng thiên thạch có liên hệ với một hiện tượng được nhiều người biết đến. - Sự kiện Jungersol Fall. - Corky nói thêm vào. Nhưng giá trị của tảng thiên thạch này có liên quan gì đến địa điểm tìm ra nó đâu? - Pickering hỏi, trông như thể ông sắp phát điên đến nơi. - Chẳng phải các hoá thạch là phát kiến vĩ đại của mọi thời đại hay sao? Dù có liên quan đến hiện tượng sao băng hay không thì cũng có ảnh hưởng gì đâu? Tất cả cùng gật gù. Pickering do dự, trông rất buồn phiền. – Trừ phi.., dĩ nhiên là… Rachel thấy những ý nghĩ đang vụt qua cái nhìn của Giám đốc. Ông đã tìm ra lời giải thích đơn giản nhất cho hành động cố tình đặt tảng thiên thạch vào giữa lòng phiến băng, nhưng đó cũng chính là giả thuyết rầy rà nhất. - Trừ phi, - Pickering nói tiếp, - địa điểm được lựa chọn cẩn thận đến thế là để che giấu những dữ liệu giả mạo. - Ông thở dài, quay sang Corky - Thưa tiến sĩ Marlinson, liệu có khả năng tảng thiên thạch đó được làm giả không? - Làm giả? Thưa ngài Giám đốc! - Đúng thế. Đồ rởm. Do con người tạo ra. - Một tảng thiên thạch giả sao? - Corky cười gượng gạo. - Không thể nào! Tảng thiên thạch đó đã được các chuyên, gia kiểm tra kỹ. Cả tôi nữa. Chụp cắt lớp, chụp quang phổ, xác định niên đại bằng phương pháp rubidium stronium. Nó không giống với bất kỳ tảng đá nào trên trái đất này. Đó là một tảng thiên thạch thật. Bất kỳ nhà khoa học vũ trụ nào cũng sẽ khẳng định như thế. Pickering phân vân hồi lâu, tay mân mê cà vạt: - Thế nhưng xét đến những cái mà NASA đạt được nhờ phát kiến này, những biểu hiện muốn tiêu huỷ chứng cứ và việc các vị bị tấn công… Kết luận logic đầu tiên mà tôi có thể nghĩ tới đó là tảng thiên thạch giả mạo được làm khéo léo. - Không thể nào! - Corky lúc này đã phát cáu. - Tôi không hề có ý xúc phạm, thưa ngài Giám đốc, nhưng tảng thiên thạch này không thể giống một tác phẩm kỹ xảo như những bộ phim Hollywood, tạo ra chỉ để loè vài nhà nghiên cứu vũ trụ ngây thơ. Các tảng thiên thạch là những cấu trúc hoá học rất phức tạp với những kết cấu pha lê cùng những thành phần hoá học có một không hai! - Tôi không có ý cật vấn ngài, thưa tiến sĩ Marlinson. Tôi chỉ đang lập luận theo logic mà thôi. Nếu không thì tại sao có kẻ lại muốn sát hại ngài để giữ kín việc tảng đá đã được đưa vào trong phiến băng từ bên dưới? Tôi thấy rất nhiều khả năng việc đó có thể xảy ra trong trường hợp này. Chính xác là chi tiết nào khiến ngài tin rằng tảng đá nằm sâu trong băng đó chính là một tảng thiên thạch? - Chính xác à? - Giọng nói của Corky như đang rít lên. - Lớp vỏ ngoài bị nóng chảy, sự có mặt của các chondrul, và tỉ lệ chất nikel không giống với bất kỳ hòn đá nào trên trái đất. Nếu ngài muốn nói rằng có kẻ đã chế ra hòn đá này trong phòng thí nghiệm nào đó với mục đích lừa đảo thì xin thưa rằng phòng thí nghiệm đó chắc chắn phải có niên đại 190 triệu năm. - Corky lục túi áo và lôi ra mẫu đá trông giống chiếc đĩa CD. Ông ta giơ ra trước camera. - Có rất nhiều phương pháp hoá học cho phép xác định niên đại của những mẫu đá như thế này. Đặc biệt là phương pháp rubidium strodium thì không ai có thể giở trò lừa lọc được! Pickering có vẻ ngạc nhiên: - Ngài có một mẫu đá à? Corky nhún vai: - NASA có hàng chục mẫu thế này vứt vương vãi khắp nơi. Như thế tức là, Pickering lại nói, lúc này quay sang nhìn Rachel - rằng NASA phát hiện một tảng thiên thạch có chứa hoá thạch sinh vật sống, và để cho mọi người tự do mang các mẫu đá đi khắp nơi hay sao? - Vấn đề là ở chỗ, - Corky nói - mẫu đá trong tay tôi đích thực là của một tảng thiên thạch. - Ông ta giơ mẫu đá gần camera hơn nữa. - Ngài có thể đưa mẫu này cho bất kỳ nhà thạch học, nhà vũ trụ học, hay nhà địa chất học nào, họ sẽ tiến hành kiểm tra, và sẽ đều rút ra hai kết luận. Một là, nó có niên đại 190 triệu năm. Hai là, nó có thành phần hoá học khác với bất kỳ loại đá nào trên hành tinh của chúng ta. Pickering nhoài người về phía trước để nhìn thật kỹ mẫu đá. Dường như hơi kinh ngạc Rồi ông ta thở dài: - Tôi không phải là nhà khoa học. Tôi chỉ biết rằng nếu tảng thiên thạch đó là thật, mà có vẻ là thế thật thì tại sao NASA không đem nó ra giữa thanh thiên bạch nhật? Tại sao có người lại cố tình đặt nó vào trong lòng phiến băng rồi đi thuyết phục để mọi người tin vào tính xác thực của nó? Đúng lúc ấy, tại Nhà Trắng, một nhân viên anh ninh đang quay số văn phòng của Marjorie Tench. Ngay sau hồi chuông đầu tiên, bà trợ lý cấp cao nhấc máy ngay. - Tôi nghe. - Thưa bà Tench, - nhân viên an ninh nói - tôi đã tìm được thông tin bà đang cần. Cú điện thoại bằng đường dây thông thường mà Rachel Sexton gọi cho bà ban nãy. Chúng ta đã xác định được điểm gọi đi. - Nói đi. Bên mật vụ báo rằng tín hiệu được phát đi từ tàu ngầm Charlotte của Hải quân Hoa Kỳ ạ. - Cái gì? Họ không có được toạ độ, thưa bà, nhưng họ biết chắc tần số sóng vô tuyến của con tàu đó. - Ôi! Lạy Chúa tôi! - Tench dập mạnh ống nghe, không nói thêm lời nào. Chương 72 Trong căn phòng cách âm tuyệt đối trên tàu ngầm Charlotte Rachel bắt đầu thấy hơi buồn nôn. Trên màn hình, cặp mắt đầy băn khoăn của William Pickering hướng về phía Michael Tolland. - Sao yên lặng thế, anh Tolland? Tolland ngước nhìn lên, cử chỉ giống hệt một sinh viên bất ngờ bị thầy giáo gọi tên. - Thưa ngài? - Anh vừa sản xuất một đoạn phim tài liệu vô cùng thuyết phục. - Pickering nói. - Lúc này quan điểm của anh về tảng thiên thạch là thế nào? - Thưa ngài Giám đốc, - Tolland nói, vẻ không thoải mái - tôi cũng buộc phải đồng ý với tiến sĩ Marlinson. Tôi tin rằng những mẫu hoá thạch và tảng thiên thạch là thật. Tôi cũng khá thông thạo các phương pháp xác định niên đại, và tuổi của tảng đá ấy đã được khẳng định bởi nhiều phép thử khác nhau. Cả tỉ lệ nickel nữa. Những dữ liệu ấy không thể giả mạo được. Một điều chắc chắn là tảng đá đó đã hình thành cách đây một trăm chín mươi triệu năm, nó có tỉ lệ nickel khác với các loại đá trên trái đất, và những mẫu hoá thạch bên trong tảng đá cũng hình thành cách đây một trăm chín mươi triệu năm. Tôi nghĩ không thể có cách giải thích nào khác có lẽ NASA đã tìm thấy tảng thiên thạch thật. Lúc này Pickering ngồi trầm ngâm. Vẻ mặt ông đầy băn khoăn, một sắc thái mà Rachel chưa từng thấy có ở William Pickering. - Bây giờ ta làm gì, thưa Giám đốc? - Rachel hỏi. - Chắc chắn phải báo ngay cho Tổng thống biết rằng những dữ liệu này có vấn đề. Pickering nhíu mày. - Hy vọng là Tổng thống vẫn chưa biết gì cả. Rachel thấy lòng quặn thắt. Hàm ý của Pickering đã quá rõ. Tổng thống Herney có thể có dính líu. Rachel nghi ngờ điều này, nhưng phải thừa nhận rằng trong vụ này, cả Tổng thống và NASA đều được hưởng lợi. - Rủi thay. - Pickering nói. - Chỉ có mỗi bức ảnh chụp cắt lớp bằng sóng siêu âm cho thấy một trục đá nước mặn ở bên dưới tảng thiên thạch. Tất cả những dữ liệu khoa học khác đều cho thấy NASA đã có một phát kiến vô cùng ngoạn mục. - Ông ngừng một lát, vẻ trầm trọng. - Và còn chuyện nhóm các vị bị tấn công… - Ông ngước lên nhìn Rachel. - Cô nhắc đến đội đặc nhiệm phải không nhỉ? - Vâng, thưa Giám đốc. - Rachel một lần nữa kể lại cho ông nghe về loại đạn ngẫu tác. Càng lúc vẻ mặt Pickering càng khổ sở. Rachel biết sếp của cô đang điểm tên những nhân vật có quyền điều khiển đội đặc nhiệm. Dĩ nhiên Tổng thống có quyền đó. Cả Marjorie Tench nữa, trên cương vị cố vấn. Rất có thể cả Giám đốc NASA Lawrence Ekstrom, với những mối quan hệ của ông ta trong Lầu Năm Góc. Rachel xem xét rất nhiều khả năng, và nhận ra rằng thế lực đứng đằng sau vụ tấn công ấy có thể là bất kỳ kẻ nào có địa vị cao và những mối quan hệ cần thiết. - Tôi có thể gọi điện cho Tổng thống ngay bây giờ -Pickering nói - nhưng như thế là thiếu khôn ngoan, ít nhất đến khi chúng ta biết được kẻ nào dính líu vào vụ này. Nếu Nhà Trắng cũng có liên quan thì tôi ít có khả năng bảo vệ an toàn được cho cô. Thêm vào đó cũng chẳng biết phải nói gì với ông ấy. Nếu tảng thiên thạch là thật mà các vị đều cảm nhận thế, thì thông tin về khả năng nó được đưa từ dưới lên chẳng có ý nghĩa gì. Chắc chắn Tổng thống sẽ đặt dấu hỏi liệu những điều tôi nói có xác thực không? - Ông ngưng một lát như thế đang cân nhắc. - Sự thật có là thế nào chăng nữa, kẻ đó là ai chăng nữa, thì một số nhân vật rất quyền thế sẽ bị tổn thương, nếu tin này được công bố ra. Tôi cho rằng phải đưa các vị đến một địa điểm an toàn ngay lập tức trước khi chúng ta có bất kỳ động thái nào. - Đưa chúng tôi đến một địa điểm an toàn ư? - Rachel ngạc nhiên. - Thưa Giám đốc, tôi tưởng một tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân thế này đã là an toàn rồi? Ánh mắt Pickering đầy hoài nghi: - Sự có mặt của ba người trên con tàu ấy không giữ bí mật được lâu đâu. Tôi sẽ đưa các vị ra khỏi đó ngay lập tức. Thật thà mà nói, tôi sẽ an tâm hơn nhiều nếu lúc này các vị đang ngồi trong phòng làm việc của tôi. Chương 73 Nằm co quắp trên giường, Thượng nghị sĩ Sexton muốn trốn khỏi thực tại. Căn hộ tại khu Westbrooke của ông, mới cách đây một giờ còn rộn tiếng nói cười, còn tràn ngập tươi vui, còn đầy những người bạn mới, vậy mà giờ thật vắng lặng, tung toé mảnh ly vỡ, danh thiếp vương vãi khắp nơi, bởi các vị khách của ông đã lao ra khỏi căn phòng này theo đúng nghĩa đen của nó. Giờ đây, Sexton đơn độc nằm co bên chiếc tivi. Ông muốn tắt chiếc máy đi, nhưng lại không thể không nghe những lời bình luận đang được phát trên khắp các kênh. Trên đất Washington này, các bình luận viên dễ dàng bóc tách lớp vỏ khoa học và triết lý giả hiệu lỏng lẻo được sơn vẽ xung quanh sự kiện này để tiếp cận bản chất xấu xa của nó - chính trị. Các phát thanh viên cứ thay nhau nhắc đi nhắc lại sự thật quá hiển nhiên đó, và cứ xát muối mãi lên vết thương đang há miệng của Thượng nghị sĩ. - Mới vài giờ trước, Thượng nghị sĩ Sexton còn đang lên như diều. - Một nhà phân tích nói, - Giờ đây, phát kiến của NASA đã kéo ứng cử viên đối lập này xuống tận đất đen. Sexton nhăn mặt, với tay lấy chai rượu Courvoisier, rồi tu một ngụm. Ông biết đêm nay sẽ là đêm cô đơn nhất, lê thê nhất trong đời. Ông nguyền rủa Marjorie Tench đã gài bẫy ông. Ông nguyền rủa Gabrielle Ashe đã khơi ra để tài NASA. Ông khinh ghét Tổng thống vì đã quá may mắn. Và ông khinh ghét cả thế gian vì dám cười nhạo ông. Rõ ràng đây là đòn chí mạng đối với ngài Thượng nghị sĩ. Nhà bình luận đó lại nói tiếp. - Với phát kiến này. Tổng thống và NASA vừa có một thành tựu lẫy lừng. Những thông tin kiểu này sẽ mang lại cho Tổng thống thế và lực mới, bất kể Thượng nghị sĩ có thể hiện thái độ như thế nào đối với NASA. Đó là chưa kể chiều nay, Thượng nghị sĩ còn lớn tiếng tuyên bố sẽ giải thể NASA nếu cần có thể nói rằng buổi họp báo vừa rồi của Tổng thống là một đòn đúp, và Thượng nghị sĩ sẽ không thể gượng dậy nổi. Mình bị gài bẫy, Sexton tự nhủ. Lũ chó đó gài bẫy mình. Lúc này, nhà phân tích vừa nói vừa cười rất tươi: - Sau tất cả những điều tiếng gần đây, NASA đã lấy lại được lòng tin của người Mỹ. Ngoài đường phố lúc này đang tràn ngập tinh thần ái quốc và lòng tự hào dân tộc. Như một lẽ dĩ nhiên, dù vẫn yêu quý Zach Herney, dân chúng đã có lúc mất lòng tin vào Tổng thống. Phải thừa nhận rằng trong thời gian qua Tổng thống đã bị công kích khá nặng nề, nhưng rồi ông đã đứng dậy, ngẩng cao đầu và toả sáng. Sexton nhớ lại cuộc tranh luận lúc chiều trên kênh CNN và thấy lòng quặn thắt. Trong suốt những tháng vừa qua, sự trì trệ của NASA cứ dần dần trở nên trầm trọng hơn, rồi tình trạng đó không những đột ngột dừng phắt lại, mà còn trở thành một cái gông đeo cứng vào cổ ông. Lúc này, ông nào có khác gì một thằng đần. Nhà Trắng đã trơ tráo chơi ông một đòn đểu giả. Từ giờ phút này, ông đã bắt đầu thấy sợ những tranh biếm hoạ sẽ xuất hiện trên các trang báo sáng mai. Tên tuổi ông sẽ trở thành đề tài đàm tiếu của khắp bàn dân thiên hạ. Tất nhiên sẽ chẳng còn khoản tiền hiến tặng bí mật của quỹ SFF nữa. Mọi thứ đều đổi khác. Tất cả những vị khách lúc nãy có mặt trong căn phòng này đều đã chứng kiến những giấc mơ của họ tan thành mây khói. Cỗ xe tư hữu hoá ngành công nghiệp vũ trụ vừa đâm phải một bức tường đá. Nhấp ngụm Cognac nữa, Thượng nghị sĩ đứng dậy và đến bên bàn. Ông nhìn chiếc điện thoại đã, bị ngắt dây. Tự biết đó chẳng qua là một hình thức tự hành hạ bản thân tàn bạo, ông chậm chạp cắm dây vào, rồi bắt đầu đếm từng giây. - Một…, hai…Chuông reo. Ông để máy tự động trả lời. - Thưa Thượng nghị sĩ Sexton, tôi là Judy Oliver, đài CNN. Tôi muốn dành cho ngài một cơ hội để thể hiện phản ứng của ngài về phát kiến của NASA ngay tối nay. Xin ngài hãy gọi lại cho tôi. Máy ngắt. Sexton lại tiếp tục đếm. Một… Chuông lại đổ. Ông mặc kệ, để cho máy tự động trả lời một lần nữa. Lại là một nhà báo. Tay cầm chai rượu Courvoisier, Sexton tiến về phía cánh cửa dẫn ra ngoài ban công. Ông kéo cánh cửa trượt sang một bên và bước ra ngoài trời đêm mát rượi. Tì người vào ban công, ông trân trối nhìn khắp thành phố, nhìn đến tận mặt tiền sáng rực của Nhà Trắng phía xa. Những ánh đèn lung linh như đang cười giỡn với gió đêm. - Khốn nạn, ông thầm nghĩ. Bao thế kỷ nay loài người vẫn ra sức tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. Và rồi lại tìm thấy đúng vào năm mình tranh cử. Đấng tạo hoá thật chẳng lấy gì làm sáng suốt cả. Trong từng khung cửa sổ, ông đều nhìn thấy có tivi. Ông băn khoăn không hiểu tối nay Gabrielle Ashe đang ở đâu: Đây chính là lỗi của cô ta. Chính cô ta đã đưa tin cho ông về hết thất bại này đến thất bại khác của NASA. Ông giơ chai rượu lên, tợp một ngụm nữa. Gabrielle chết dẫm…, vì cô ta mà mình bây giờ ra nông nỗi này đây. Ở đầu kia của thành phố, giữa phòng sản xuất náo nhiệt của đài ABC, Gabrielle Ashe thấy toàn thân giá buốt. Buổi họp báo của Tổng thống đã kết thúc, để lại cô sững sờ trong hoang mang, bấn loạn. Cô đứng đó, chôn chân giữa phòng sản xuất, mắt dán chặt vào một màn hình tivi, mặc cho những huyên náo, tất bật vẫn tiếp tục diễn ra quanh mình. Những lời tuyên bố đầu tiên của Tổng thống đã khiến cho cả phòng sản xuất lặng phắc. Chỉ thoáng chốc sau, tất cả các phát thanh viên trong phòng bắt đầu tất bật vào việc. Họ là những người rất chuyên nghiệp. Họ không có thời gian cho tình cảm cá nhân. Khi nào xong việc họ mới có thì giờ cho thứ đó. Vào thời điểm này, cả thế giới muốn có thêm thông tin, và ABC cần phải thoả mãn nhu cầu đó. Sự kiện này hội đủ mọi yếu tố - khoa học, lịch sử, và kịch tính trên chính trường - và sẽ gây nhiều xúc động. Không nhân viên nào của ngành công nghiệp truyền thông lại có thể ngủ trong một đêm như thế này. - Gab? - Giọng Yolanda đầy cảm thông. - Để chị đưa em về phòng của chị trước khi có người kịp nhận ra em và hành hạ em bằng những câu hỏi về chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Sexton. Gabrielle để cho Yolanda dẫn cô qua cả một biển sương mù, đến căn phòng tường kính của chị. Yolanda bảo cô ngồi xuống, rồi đưa cho Gabrielle một ly nước. Chị cố mỉm cười: - Hãy nhìn tình hình bằng con mắt lạc quan, Gab ạ. Chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ thế là đi đời, nhưng em thì không sao hết. Ít ra là thế. - Vâng. Thật kinh khủng. Giọng Yolanda chuyển sang nghiêm trang: - Gabrielle này, chị biết em đang rất khổ sở. Ngài ứng cử viên của em vừa bị một đòn chí mạng. Nếu em muốn nghe, dù xin nói là ông ta không thể gượng dậy được đâu. Ít ra là không đủ thời gian để xoay chuyển tình thế trước khi sự đã rồi. Nhưng ít ra thì trên tivi không ai đả động gì đến tên em cả. Nghiêm túc mà nói nhé. Đó là tin tốt lành đấy. Bây giờ Herney chẳng cần đến một vụ scandal nào về sex làm gì nữa. Ông ta giờ đã quá gần chiếc ghế Tổng thống, nên không thể đụng đến vấn đề nhỏ mọn này nữa được đâu. Lời an ủi này chẳng có tác dụng gì mấy đối với Gabrielle. - Còn về việc bà Tench buộc tội ngài Thượng nghị sĩ nhận hối lộ thì… - Yolanda lắc đầu - chị không tin, em ạ. Phải thừa nhận là Herney tỏ ra kiên định về chuyện tranh cử một cách tích cực. Cũng phải thừa nhận là cuộc điều tra về hành động nhận hối lộ sẽ tác động xấu đến khí thế của cả nước: Điều chị băn khoăn là liệu Herney có yêu nước đến nỗi bỏ qua cơ hội nghiền nát đối thủ của nmnh hay không, nếu chỉ để bảo vệ tinh thần dân tộc? Chị đoán là bà Tench đưa ra chuyện này chỉ để hù doạ mà thôi. Bà ta nhử đòn, biết đâu em sợ quá mà mất khôn và biếu không cho Tổng thống một vụ scandal về tình dục: Và chính em cũng phải thừa nhận rằng đêm nay chính là thời điểm để đặt câu hỏi về đạo đức của Thượng nghị sĩ Sexton! Gabrielle gật đầu một cách yếu ớt. Thêm một vụ tai tiếng về sex nữa thì sự nghiệp của Thượng nghị sĩ quả là không gì cứu vãn nổi… Không bao giờ. - Em đã thắng bà ta. Marjorie Tench định lập lờ đánh lận con đen, nhưng em không cắn câu. Em chẳng làm sao cả. Còn có rất nhiều chiến dịch tranh cử khác. Gabrielle lại yếu ớt gật đầu, không biết nên tin tưởng vào cái gì nữa… - Em cũng phải thừa nhận là, - Yolanda nói tiếp - Nhà Trắng đã đánh bại Sexton một cách ngoạn mục - lừa cho ông ấy sa lầy vào đề tài NASA, lừa cho ông ấy phải nói trắng hết ra, rồi đặt tất cả các quân chủ bài trong tay vào cái bẫy giăng sẵn đó. - Hoàn toàn do lỗi của mình, Gabrielle thầm nghĩ. - Và lạy Chúa, bản tuyên bố mà chị em mình vừa xem xong quả là tuyệt hảo! Chưa kể đến tầm quan trọng của phát kiến này, chỉ riêng khâu sản xuất thôi cũng quá ngoạn mục. Truyền hình trực tiếp từ Bắc Cực này, đoạn phim tài liệu của Michael Tolland này! Chúa ơi, làm sao em cạnh tranh nổi với ông ta cơ chứ? Tối nay Zach Herney đã ghi điểm tuyệt đối. Phải có lý do thì ông ấy mới là Tổng thống của chúng ta chứ? Và sẽ ở vị trí ấy thêm bốn năm nữa… Chị phải quay lại làm việc đây, Gab. - Yolanda nói. - Em thích ngồi đây bao lâu cũng được. Hãy bình tĩnh lại. Yolanda quay ra cửa. - Em bé này, vài phút nữa chị sẽ quay lại đấy. Còn lại một mình. Gabrielle nhấp một ngụm nước, nhưng cảm thấy miệng đắng ngắt. Mọi thứ đều đáng ngắt. Hoàn toàn do lỗi của mlnh, cô thầm nghĩ. Gabrielle cố lấy lại sự thanh thản bằng cách nhớ lại tất cả những buổi họp báo sầu thảm của NASA trong những năm qua - dự án sân bay vũ trụ bị chậm tiến độ, dự án X-33 bị trì hoãn, những tàu thám hiểm sao Thuỷ bị thất bại, những lần thâm thủng ngân sách liên tiếp. Gabrielle băn khoăn tự hỏi liệu cô có thể hành động khác đi được hay không. Không thể, cô tự bảo mình. Mình đã hành động hoàn toàn đúng. Chỉ có điều những hành động ấy đã quật lại chính cô. Chương 74 Phi cơ trực thăng Ó Biển của Hải quân đang tham gia cuộc tập trận bí mật tại căn cứ không quân Thule đặt trên đảo Greenland. Nó đang bay ở tầm thấp, tránh tầm quét của radar, và ngược luồng gió mạnh đang thổi với tốc độ bảy mươi dặm một giờ giữa đại dương. Thi hành mệnh lệnh mới được giao, người phi công bay ngược gió, rồi lượn tròn tại toạ độ được định sẵn trên biển. Điểm hẹn là chỗ nào đây? - Người phi công số hai kêu to, vẻ lúng túng. Họ được lệnh điều một máy bay trực thăng và dây tời cứu hộ nên cả hai phi công phán đoán rằng họ sắp thực hiện nhiệm vụ tìm-kiếm-và-giải-cứu. - Cậu có chắc chắn là toạ độ này không đấy? Anh ta dùng đèn pha quét khắp vùng biển đang nổi sóng, nhưng chẳng nhìn thấy gì trừ… - Mẹ khỉ! - Người phi công kéo cần, chiếc máy bay nảy xóc, bay hẳn lên cao. Ngay sát mũi họ, một núi sắt sừng sũng hiện ra không một tín hiệu báo trước. Chiếc tàu ngầm khổng lồ vừa vứt bỏ đồ dùng và đang nhô dần lên giữa vô vàn bọt nước cuộn xoáy. Hai phi công nhìn nhau cười. - Chắc họ đấy. Theo đúng lệnh được giao, điệp vụ diễn ra trong im lặng tuyệt đối về sóng radio. Một cánh cửa đôi mở ra trên đỉnh cột buồm của con tàu, và một thuỷ thủ dùng đèn nháy để ra hiệu. Chiếc máy bay lượn xung quanh con tàu và thả xuống ba bộ móc kéo cứu hộ gồm những cái thòng lọng đệm cao su và những sợi cáp. Chưa đầy một phút sau, ba người được móc vào các móc kéo cứu hộ đã đung đưa bên dưới thân máy bay, rồi được kéo dần lên cao trong những luồng gió giật mạnh do cánh quạt của máy bay tạo ra. Rồi người phi công số hai kéo cả ba người vào trong máy bay hai người đàn ông, một người đàn bà. Xong xuôi, anh dùng đèn nháy ra hiệu "xong hết" với tàu ngầm. Trong vòng vài giây, con tàu to lớn biến mất khỏi mặt biển lộng gió, không để lại chút dấu vết, nào về sự xuất hiện của nó. Đưa ba vị khách lên máy bay an toàn xong, người phi công chúi mũi máy bay xuống, quay về hướng nam, tăng tốc để hoàn thành điệp vụ. Trời sắp nổi giông bão, và ba vị khách này cần được đưa về căn cứ không quân Thule thật an toàn để còn bay tiếp. Anh không biết họ sẽ bay về đâu. Chỉ biết rằng một nhân vật rất cao cấp đã trực tiếp ra lệnh, nhấn đi nhấn lại rẳng anh đang vận chuyển một "chuyến hàng" quan trọng. Chương 75 Cơn bão cuối cùng cũng nổi lên trên phiến băng Milne, phô trương sức huỷ diệt khủng khiếp của nó trước ngôi nhà bán sinh quyển của NASA, khiến ngôi nhà rung lên từng đợt như thể sắp bị giật tung khỏi mặt băng và kéo phăng ra ngoài biển. Dây trại bằng thép bị kéo căng như dây đàn, phát ra những tiếng ren rĩ thê lương. Máy phát điện đặt ngoài trời cũng ậm ạch, khiển đèn điện nháy liên tục, để doạ nhấn chìm cả ngôi nhà trong bóng đêm thăm thẳm. Lawrence Ekstrom, Giám đốc NASA sải bước trong bán sinh quyển, lòng thầm ước đêm nay ông có thể thoát khỏi nơi quỷ quái này, dĩ nhiên đó là điều không thể. Ông còn phải ở đây thêm một ngày nữa, để sáng mai tổ chức họp báo tại chỗ, và để giám sát việc đưa tảng thiên thạch về Washington. Lúc này ông chỉ ước gì được ngủ một giấc thật sự, những sự kiện ngoài dự kiến ngày hôm nay đã khiến sức lực ông cạn kiệt. Tuy nhiên, tâm trí ông lại quay về với Wailee Ming. Rachel Sexton, Corky Marlinson. Norah Mangor, và Michael Tolland. Vài nhân viên của NASA đã bắt đầu nhận thấy sự vắng bóng của các nhà khoa học dân sự này. Bình tĩnh nào, Ekstrom tự nhủ. Tất cả vẫn ở trong tầm kiểm soát mà. Ông hít thật sâu, tự nhắc nình rằng khắp nơi trên thế giới người ta đang ca ngợi NASA và trở nên háo hức với để tài vũ trụ. Chưa bao giờ để tài sự sống ngoài trái đất lại trở nên nóng hổi đến thế kể từ "sự kiện Roswell" nổi tiếng vào năm 1947. Người ta tin rằng một vật thể bay ngoài hành tinh đã gặp tai nạn tại Roswell, Mexico. Và ngày nay, địa điểm này vẫn đang là đất thiêng của hàng triệu người say sưa với đề tài UFO. Trong những năm tháng còn làm việc tại Lầu Năm Góc, Ekstrom biết rằng "sự kiện Roswell" chẳng qua là một tai nạn trong chiến dịch tuyệt mật Dự án Mogul. Một quả khinh khí cầu do thám thiết kế riêng cho việc nghe lén các cuộc thử hạt nhân của Nga lúc đó đang được bay thử. Mô hình mẫu đã chẳng may chệch khỏi đường bay và rơi xuống sa mạc New Mexico. Không may, một dân thường đã nhìn thấy đống đổ nát đó trước khi các nhân viên của Bộ Quốc phòng kịp đến nơi. William Brazel, ông chủ trại cừu ngờ nghệch đã bắt gặp cả một bãi những mảnh vụn gom những vật liệu siêu nhẹ tổng hợp khác hẳn với tất cả những gì ông ta đã tùng nhìn thấy trong đời. Ngay lập tức cảnh sát cũng nhận được thông báo. Báo chí đưa tin về vụ tai nạn kỳ lạ, và công chứng bắt đầu tò mò. Càng tò mò hơn saủ khi Bộ Quốc phòng phủ nhận bất cứ dính líu nào đến tai nạn đó, Cánh nhà báo bắt đầu mở cuộc điều tra, và Dự án Mogul có nguy cớ bị bại lộ. Đúng vào thời điểm thông tin nhạy cảm về khinh khí cầu do thám đó sắp bị phơi bày trên các trang báo, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Các phương tiện thông tin đại chúng bất ngờ đưa ra một kết luận hi hữu. Họ cho rằng những mảnh vỡ của loại vật liệu chưa có trên trái đất chắc chắn bắt nguồn từ trong vũ trụ - được chế tạo bởi những sinh vật có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển hơn hẳn loài người. Việc quân đội chối hết mọi dính líu đến sự kiện đó chỉ có thể bắt nguồn từ một lý do duy nhất - để che giấu những vụ tiếp xúc bí mật với người ngoài hành tinh! Dù chính họ cũng bị choáng trước cách suy dien đó, lực lượng không quân đã hồ hởi đón nhận nó như một thứ của trời cho. Họ lập tức túm chặt câu chuyện người ngoài hành tinh đó, và thậm chí còn thêm mắm thêm muối vào cho mùi mẫn. Nếu cả thế giới có nghĩ rằng người ngoài hành tinh thỉnh thoảng ghé thăm sa mạc New Mexico thì chẳng phương hại gì đến an ninh quốc gia, nhưng nếu để người Nga đánh hơi được Dự án Mogul thì chí nguy. Để thêu dệt thêm tình tiết cho câu chuyện người ngoài hành tinh, bộ phận an ninh đã phủ một bức màn bí ẩn lên "sự kiện Roswell" và bắt đầu sắp xếp các vụ "rò rỉ thông tin an ninh" - những lời xì xào về các cuộc tiếp xúc với người ngoài hành tinh, những con tàu của người vũ trụ, thậm chí cả "Nhà chứa máy bay số 18" bí ẩn tại căn cứ quân không quân Wright-Patterson ở Dayton, nơi Chính phủ cất giữ xác người ngoài hành tinh trong các thùng đá lớn. Cả thế giới tin câu chuyện bịa đặt đó, và Roswell trở thành cơn sốt khắp địa cầu. Từ đó trở đi, mỗi khi có người nào vô tình nhìn thấy chiếc máy bay đời mới nào đó của quân đội Mỹ, cánh tình báo chỉ cần cùng nhau giữ im lặng, thế là xong. Đó đâu phải là máy bay, đĩa bay của người ngoài hành tinh đấy chứ! Ekstrom rất ngạc nhiên thấy trò dối trá đơn giản đó vẫn còn hiệu lực đến tận ngày nay. Mỗi lần các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rằng có người vừa nhìn thấy một vật thể bay lạ là ông lại không thể nhịn được cười. Rất có khả năng kẻ may mắn đó vừa thoáng nhìn thấy loại máy bay tối tân của NRO - bảy mươi lăm chiếc máy bay do thám siêu tốc không trang bị vũ khí mang tên Global Hawk, hình thuôn, được điều khiển từ xa, trông chúng khác hẳn bất cứ loại máy bay nào khác hiện có. Ekstrom cũng thường không nhịn cười nổi khi nghĩ đến hàng triệu du khách mỗi năm vẫn hành hương đến sa mạc New Mexico, mang theo camera cá nhân để quay cảnh bầu trời xứ này. Thỉnh thoảng có người may mắn chộp được "bằng chứng cứng" về một UFO - những đốm sáng lao vụt qua bầu trời với tốc độ cao hơn bất kỳ thiết bị bay thông thường nào do con người chế tạo được. Tất nhiên, những người đó không thể biết rằng có một khoảng cách mười hai năm giữa những gì Chính phủ có thể chế tạo được và những gì công chúng được biết đến. Những người nhìn thấy UFO đó chẳng qua đã nhìn thấy một thế hệ máy bay mới nhất của Hoa Kỳ được chế tạo thử nghiệm tại Khu 51 - rất nhiều mô hình trong số đó là sản phẩm sáng tạo của NASA. Dĩ nhiên là giới tình báo không bao giờ đính chính sự hiểu lầm đó. Sẽ có lợi hơn nhiều nếu cả thế giới tin rằng lại có thêm một người nhìn thấy vật thể bay lạ, thay vì biết được những khả năng thật sự của không lực Hoa Kỳ. Nhưng từ giờ mọi thứ sẽ khác, Ekstrom thầm nghĩ. Vài giờ đồng hồ nữa thôi, huyền thoại về sự sống ngoài hành tinh sẽ trở thành một sự thật được khẳng định chắc chắn. Mãi mãi là thế. - Thưa Giám đốc. - Một kỹ thuật viên của NASA hối hả bước đến bên ông. - Giám đốc có một cuộc gọi khẩn trong buồng máy PSC. Ekstrom thở dài quay lại. Lại là chuyện gì nữa không biết? Ông tiến về phía đặt thiết bị liên lạc. Kỹ thuật viên hấp tấp bước theo. - Nhân viên phụ trách radar trong buồng liên lạc đang rất tò mò, thưa Giám đốc… - Hả? - Tâm trí Ekstrom vẫn đang ở tận đâu đâu. Một chiếc tàu ngầm rất lớn hiện có mặt ở đây. Sao Giám đốc không nói gì cho chúng tôi biết? Ekstrom ngước nhìn lên: - Cậu nói gì cơ? Chiếc tàu ngầm, thưaa Giám đốc. Ít ra thì Giám đốc cũng nên nói cho anh chàng phụ trách radar biết chứ. Có thêm tàu ngầm bảo vệ vùng thềm lục địa thì cũng tốt thôi, nhưng nhân viên radar của chúng ta không được báo trước để chuẩn bị tinh thần. Ekstrom dừng phắt lại: - Tàu ngầm nào? Lúc này cả kỹ thuật viên cũng dừng phắt lại, không ngờ Giám đốc lại ngạc nhiên đến thế. - Chẳng lẽ con tàu đó không tham gia vào điệp vụ của chúng ta hay sao? Không hề! Nó ở đâu? Anh chàng kỹ thuật viên nuốt khan: - Cách chúng ta khoảng ba dặm. Nó chỉ nổi lên trong vòng hai phút. Thân tàu khá to. Chắc là tàu lớn. Chúng tôi cứ tưởng Giám đốc yêu cầu bên Hải quân hỗ trợ an ninh cho chúng ta nhưng không thông báo cho chúng tôi. Ekstrom trợn tròn mắt: - Tôi có yêu cầu gì đâu! Giọng chàng trai bắt đầu run run: - Nếu thế thì tôi xin báo cáo với Giám đốc là một chiếc tàu ngầm vừa tiếp xúc một chiếc máy bay trực thăng ở vùng bờ biển ngay gần chúng ta. Có vẻ như là trao đổi nhân sự thì phải. Quả thực, chúng tôi hơi ngạc nhiên vì giữa điều kiện thời tiết này mà có người dám mạo hiểm trao đổi người kiểu đó. Ekstrom thấy thân thể như đông cứng lại. Không hiểu tàu ngầm làm cái quái gì ngay gần hòn đảo Ellesmere mà mình lại không biết nhỉ. - Các anh có biết sau khi trao đổi người thì chiếc máy bay bay theo hướng nào không? - Về căn cứ không quân Thule. Tôi đoán là để đổi máy bay và bay vào đất liền. Tiếp tục tiến về phòng thiết bị thông tin, Ekstrom không nói thêm gì nữa. Vào trong phòng, ông nghe thấy giọng nói the thé vang lên, quen thuộc. - Lại có vấn đề nữa đây. - Tench vừa ho sù sụ vừa nói. - Liên quan đến Rachel Sexton. Chương 76 Đến khi nghe có tiếng đập thình thình, Thượng nghị sĩ Sexton không nhớ nổi mình đã đứng nhìn trời được bao lâu. Nhận ra những tiếng đập đó không phải là tác dụng của rượu mạnh trong não bộ mà là tiếng đập cửa, ông liền vứt cái chai rỗng vào một góc phòng, tiến ra cửa. - Ai đấy? - Ông hỏi to, không chút thân thiện. Người vệ sĩ của Thượng nghị sĩ nói to tên một vị khách. Ngay lập tức Sexton đứng thẳng người, ông đâu có mời vị khách này đến nhà. Nhanh thật. Ước gì sáng maị ông mới phải gặp mặt ông ta cơ mà. Hít một hơi thật sâu, vuốt phẳng quần áo, Sexton mở cửa. Một khuôn mặt rất quen thuộc hiện ra - rắn rỏi, cương nghị, dù ông ta đã hơn bảy mươi tuổi. Mới sáng nay Sexton vừa gặp ông ta trong chiếc xe tải cỡ nhỏ tại bãi đỗ xe ngầm của một khách sạn cơ mà. Không lẽ bây giờ vẫn là buổi sáng? Sexton băn khoăn. Lạy Chúa, từ đó đến giờ mọi sự đã đổi khác quá nhanh. - Tôi vào được chứ? - Ông già tóc đen hỏi. Sexton đứng tránh sang một bên, nhường lối cho Chủ tịch Hiệp hội Vũ trụ bước vào. - Cuộc họp diễn ra suôn sẻ chứ? - Ông ta hỏi ngay khi Sexton chưa đóng xong cửa. Có suôn sẻ hay không ư? Sexton thầm băn khoăn không hiểu lão già này có sống trong hang động hay không. - Mọi thứ đều rất tuyệt cho đến khi Tổng thống xuất hiện trên tivi. Ông già gật đầu, vẻ không hài lòng. - Ừ, quả là thắng lợi không thể ngờ. Nó sẽ gây tổn thất lớn cho công cuộc của chúng ta. Gây tổn thất cho công cuộc thôi ư? Ông ta quả là lạc quan. Sau thắng lợi đêm nay của NASA thì lão sẽ chết trước khi Hiệp hội Vũ trụ đạt được mục tiêu tư hữu hoá của họ. - Suốt bao năm nay tôi đã tin là sẽ tìm được bằng chứng. - Ông già nói. - Tôi không thể biết sẽ vào lúc nào và bằng cách nào, nhưng sớm muộn gì thì chúng ta cũng sẽ được biết một cách chắc chắn. Sexton choáng váng. - Ông không thấy ngạc nhiên ư? Những số liệu toán học khẳng định rằng trong vũ trụ phải tồn tại các dạng sống khác nữa. - Ông ta đáp, tiến vào phòng riêng của Sexton. - Tôi không hề bất ngờ khi người ta phát hiện ra điều đó. Về mặt học thuật, tôi rất xúc động. Về mặt tâm linh, tôi rất kính sợ Chúa trời. Về mặt chính trị, tôi lo ngại sâu sắc: Thời điểm của phát kiến này quả là không thể tồi tệ hơn được. Sexton băn khoăn không hiểu ông ta đến nhà mình với mục đích gì. Chắc chắn không phải để chúc mừng rồi. - Như anh đã biết, - ông già nói - các công ty thành viên của SFF đã chi nhiều triệu đô la để mở ra và duy trì mặt trận đòi mở cửa ngành công nghiệp vũ trụ cho thành phần kinh tế tư nhân Mới đây, chúng tôi đã chi khá nhiều, cho chiến dịch bầu cử của anh. Sexton lập tức trở nên cảnh giác. - Tôi không can hệ gì tới sự kiện tối nay. Chính tôi cũng bị Nhà Trắng gài bẫy nên mới công khai công kích NASA! - Đúng thế. Tổng thống đã ra đòn rất hay. Tuy nhiên, chúng ta chưa phải đã mất hết. - Mắt ông ta ánh lên tia hi vọng kỳ lạ. Ông ta lẩm cẩm mất rồi, Sexton thầm nghĩ. Chẳng côn gì nữa. Tất cả các đài truyền hình lúc này đều đang bình luận về tổn thất đối với chiến dịch tranh cử của ông. Ông già vào trong phòng, ngồi xuổng giường, đôi mắt mệt mỏi nhìn thẳng vào Sexton: - Anh có còn nhớ trục trặc kỹ thưật mà lúc đầu NASA gặp phải với vệ tinh nhân tạo PODS không? Sexton chưa thể biết được câu chuyện của họ sẽ phát triển theo hướng nào. Vào lúc này thì điều đó còn có ý nghĩa khỉ gì nữa? PODS đã tìm được tảng thiên thạch chết dẫm chứa hoá thạch bên trong rồi còn gì! - Nếu anh vẫn chưa quên, - Ông ta nói tiếp - phần mềm trên vệ tinh đó lúc đầu không hoạt động được bình thường. Anh đã công kích lỗi đó trên các báo chí rất gay gắt. - Thì đúng là tôi phải làm thế còn gì nữa? - Sexton ngồi xuống đối diện ông già. - Đó là một thất bại nữa của NASA mà! Ông già gật đầu. - Tôi đồng ý. Nhưng ngay sau đó, NASA tổ chức cuộc họp báo công bố là đã khắc phục được sai sót đó, - họ đã sửa lại được phần mềm. Sexton không tận mắt chứng kiến cuộc họp báo đó, nhưng ông nghe kể lại rằng cuộc họp báo hôm đó rất ngắn ngủi, buồn tẻ, chẳng có thông tin gì đáng kể. Người phụ trách dự án PODS đã miêu tả hết sức tẻ nhạt phương pháp NASA khắc phục lỗi phần mềm của PODS và đưa hệ thống vào hoạt động một cách hiệu quả. - Tôi đã theo dõi PODS rất kỹ kể từ khi nó gặp sự cố - Ông già nói. Ông ta rút trong túi ra cuốn băng video và bước lại bên tivi của Sexton, cho băng vào đầu VCD. - Anh sẽ thấy có điều rất thú vị đấy! Cuốn băng bắt đầu được chiếu lên Cảnh phòng báo chí của NASA tại đại bản doanh của nó ở Washington. Một người đàn ông ăn mặc rất chải chuốt đang đứng nói trên bục. Tấm biển trước mặt ông ta có ghi: CHRIS HARPER, Giám đốc Dự án. Vệ tinh chụp cắt lớp Địa cực (PODS) Chris Harper người cao, quý phái, ăn nói với vẻ trịnh thượng của người Mỹ gốc u rất tự hào về nguồn gốc của mình. Giọng điệu của ông ta khá trau chuốt và có học thức. Ông ta đang công bố trước các nhà báo những tin tức xấu về PODS. Dù vệ tinh nhân tạo PODS đã được đưa vào quỹ đạo và đang hoạt động tốt, chúng tôi đã gặp phải trục trặc với những máy tính được gắn kèm theo vệ tinh. Đó là một lỗi về phần mềm mà tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cụ thể là máy lọc FIR hoạt động lỗi do chỉ số voxel không chính xác. Điều đó có nghĩa là phần mềm đặc biệt dành riêng cho PODS không hoạt động được. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục sự cố này. Đám đông thở dài, rõ ràng là đã quen nghe nói về những thất bại của NASA. - Sự cố đó có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả hoạt động của PODS? - Một phóng viên hỏi. Harper trả lời hết sức trơn tru. Và cũng đầy tự tin. - Hãy tưởng tượng anh có một đôi mắt hoàn hảo nhưng lại không có não bộ để xử lý thông tin. Thực chất thì vệ tinh PODS có thị lực 20/20, nhưng nổ không thể hiểu nổi những gì nó quan sát được. Nhiệm vụ của PODS là phát hiện những túi nước do băng tan trên hai vùng địa cực, nhưng nếu không có máy tính phân tích những dữ liệu do máy quét của nó truyền về, PODS sẽ chẳng thể phát hiện được những thứ chúng ta quan tâm. Lỗi này sẽ được khắc phục sau khi chúng tôi phóng tên lửa lên và tổ chức sửa chữa những máy tính được cài đặt trên vệ tinh đó. Tiếng xì xào thất vọng lan khắp căn phòng. Ông già quay sang Sexton: - Ông ta nói về tin xấu rất trôi chảy đúng không? - Ông ta là người của NASA. - Sexton lầm bầm. - Mà thất bại là hoạt động chính của NASA mà lại. Cuốn băng bỏ qua đoạn trắng, rồi chiếu cảnh một cuộc họp báo khác của NASA. - Đây là cuộc họp báo thứ hai, - Ông già thuyết minh, - Cách đây vài tuần, vào buổi đêm khuya. Rất ít người đến dự. Và lần này tiến sĩ Harper công bố tin tốt. Cảnh phòng hòp báo. Lần này Harper trông nhếch nhác và thiếu tự tin. - Tôi rất hân hạnh được công bố rằng, - Ông ta lên tiếng, vẻ rất gượng ép, NASA đã tìm được một giải pháp để khắc phục sự cố của vệ tinh PODS. - Sau đó ông ta giải thích nhát gừng về giải pháp ấy - thay đổi hướng đường truyền tín hiệu của vệ tinh để các máy tính đặt trên mặt đất xử lý thông tin thu được, thay vì các máy tính trên vệ tinh. Rất ấn tượng. Giải pháp này có vẻ rất khả thi và hiệu quả. Sau khi Harper trình bày xong, cả phòng họp báo rộn lên tiếng vỗ tay phấn khởi. - Như thế có nghĩa là bao lâu nữa thì chúng ta sẽ nhận được tín hiệu? - Một người lên tiếng. Harper gật đầu, mồ hôi đầm đìa: - Khoảng một vài tuần nữa. Tiếng vỗ tay vang lên to hơn nữa. Nhiều cánh tay giơ lên ra hiệu xin đặt câu hỏi… - Lúc này chúng tôi chưa thể nói gì hơn. - Herper nói, thu dọn giấy tờ trông như sắp phát ốm. - PODS đã trở lại bình thường và hoạt động suôn sẻ. Chúng ta sẽ nhanh chóng nhận được thông tin. Ông ta lao xuống khỏi bục gỗ theo đúng nghĩa đen của từ ấy. Sexton nhíu mày. Phải thừa nhận là có điều gì đó rất khác thường. Tại sao lúc báo tin xấu thì Harper đầy vẻ tự tin, còn khi công bố tin tốt thì lại khổ sở đến thế? Đáng ra phải ngược lại chứ. Ông không xem chương trình truyền hình trực tiếp buổi họp báo này, nhưng đã đọc đâu đó về biện pháp khắc phục lỗi phần mềm. Vào thời điểm đó, biện pháp khắc phục sự cố này của NASA có vẻ vô thưởng vô phạt, công chúng chẳng tỏ ra mặn mà gì lắm - PODS chẳng qua chỉ là một dự án thất bại của NASA và đã được gia cố bằng biện pháp chẳng lấy gì làm lý tưởng. Ông già quay sang nhìn Sexton: - NASA nói rằng hôm ấy tiến sĩ Harper không được khỏe. - Rồi ngừng một lúc - Tôi thì lại nghĩ Harper nói dối. Nói dối ư? Sexton trợn tròn mắt, tâm trí rối bời, ông không thể tìm được một lý do nào hợp logic để giải thích cho điều ấy. Tuy nhiên, trong đời mình, Sexton đã nói dối quá nhiều. Vì thế người khác nói dối thì ông nhận ra ngay. Phải thừa nhận rằng trông tiến sĩ Harper rất khả nghi. - Chắc anh chưa nhận ra. - Ông già nói. - Lời tuyên bố ngắn gọn vừa rồi của Chris Harper chính là cuộc họp báo quan trọng nhất trong toàn bộ lịch sử NASA. - Ngừng một lát. - Giải pháp sửa chữa lỗi phần mềm rất dễ thực hiện mà ông ta vừa miêu tả chính là điều kiện tiên quyết để PODS phát hiện ra tảng thiên thạch. Sexton bối rối. - Và ông nghĩ rằng Harper nói dối? Nhưng nếu Harper nói dối, và phần mềm của PODS thực ra vẫn chưa hoạt động được, thì làm thế quái nào mà NASA phát hiện được tảng thiên thạch? Ông già mỉm cười: - Chính xác. Chương 77 Phi đội bay "Repo" của quân đội Mỹ được sử dụng với mục đích chính là ngăn chặn các đường dây buôn lậu ma tuý, gồm hơn một chục máy bay lên thẳng, bao gồm cả ba chiếc máy bay G4 đã được sửa sang lại để chuyên chở các sĩ quan cao cấp. Cách đây nửa giờ, một trong ba chiếc G4 đó vừa rời khỏi đường băng tại căn cứ không quân Thule, giữa tiết trời giông bão, nhằm thẳng hướng nam, vượt qua không phận Canada để tiến về Washington. Trên máy bay, trong khoang đặc biệt có tám ghế ngồi, Rachel Sexton, Michael Tolland, Corky Marlinson tạo thành đội hình khá nhếch nhác với những bộ đồng phục và mũ được trang bị cho tàu ngầm Charlotte. Bất chấp tiếng gầm rú của loại động cơ Grumman, Corky Marlinson vẫn ngủ say sưa ở băng ghế sau: Tolland ngồi trên hàng ghế đầu, lơ đễnh nhìn ra ngoài của sổ, trông rất mệt mỏi. Rachel ngồi cạnh ông, biết chắc rằng cô sẽ không thể ngủ được, dù thần kinh đã dịu đi nhiều. Trong đầu cô, những bí ẩn về tảng thiên thạch vẫn không ngừng ám ảnh, cộng thêm cả cuộc nói chuyện vừa rồi trong phòng cách âm với Pickering. Trước khi ngắt máy, ông đã cho Rachel biết hai thông tin không mấy tốt đẹp. Thứ nhất Marjorie Tench tuyên bố rằng bà ta có trong tay cuốn băng video ghi lại cuộc toạ đàm giữa Rachel và các nhân viên Nhà Trắng. Bà ta đe doạ sẽ dùng cuốn băng làm bằng chứng nếu Rachel cố tình quật lại những gì cô đã nói về tảng thiên thạch. Điều này quả là đáng lo ngại. Rachel đã nhắc đi nhắc lại với Zach Herney rằng những lời nói của cô chỉ là trong nội bộ với nhau, hiển nhiên là ông ta đã phớt lờ điều kiện cô đưa ra. Tin xấu thứ hai liên quan đến cuộc tranh luận của cha cô trên đài CNN đầu giờ chiều nay. Marjorie Tench đã đích thân lên đài, dẫn dắt một cách xảo quyệt để cha cô nói trắng ra quan điểm chống NASA của ông. Đáng lo ngại hơn, Tench đã đưa đẩy để Thượng nghị sĩ tuyên bố rõ ràng rằng ông không tin có sự sống trong vũ trụ. Ăn mũ? Pickering kể rằng cha cô thề sẽ làm thế nếu NASA phát hiện được sự sống trong vũ trụ. Rachel thầm băn khoăn không hiểu bằng cách nào mà bà ta lại khiến cho cha cô cắn câu dễ dàng đến thế. Rõ ràng là Nhà Trắng đã giăng bẫy kĩ càng - họ đã bày sẵn thế cờ, dàn xếp từ trước, rồi đợi cho Sexton sa bẫy. Tổng thống và Marjorie Tench, hệt như hai đô vật trong đội đấu vật tiếp sức, đã góp sức cùng hạ sát đối thủ. Tổng thống không ra mặt công khai, Tench đã nhảy vào cuộc, mánh lới, xảo quyệt, giương bẫy sẵn sàng để Tổng thống giật dây. Tổng thống bảo Rachel rằng chính ông yêu cầu NASA trì hoãn việc công bố phát kiến của họ, mục đích là để xác minh lại các dữ liệu cho đảm bảo. Lúc này, Rachel nhận ra rằng trì hoãn như thế còn có một cái lợi nữa. Khoảng thời gian đó đủ để Nhà Trắng giương sẵn thòng lọng, đợi Sexton tự chui đầu vào, kết liễu bản thân. Rachel không thấy cha mình đáng thương, nhưng cô vẫn cảm thấy ở Zach Herney, đằng sau vẻ ngoài đôn hậu và khoáng đạt, là khí chất của một sát thủ tàn bạo. Không thể trở thành người đàn ông Số Một của thế giới mà không có chút bản năng săn mồi tối thiểu. Vấn đề bây giờ là liệu con cá mập lớn ấy đứng ngoài cuộc một cách vô tội - hay đã trực tiếp tham gia vào cuộc chơi. Rachel đứng, hai chân choãi rộng. Rồi cô đi đi lại lại dọc hành lang máy bay, bực bội, vì những mảnh thông tin trong tay không ăn khớp với nhau. Pickering, với những suy luận thuần tuý mang tính logic đã kết luận rằng tảng thiên thạch đó là giả. Nhưng Corky và Tolland, với những bằng chứng khoa học, lại một mực nói rằng tảng thiên thạch đó là thật. Rachel chỉ biết rằng cái mà cô nhìn thấy là tảng đá lớn có hoá thạch bên trong, lớp vỏ ngoài cháy xém, được kéo lên từ lòng băng. Lúc này, bước ngang qua chỗ Corky đang nằm, cô cúi xuống nhìn nhà vũ trụ học. Bị một trận nhừ tử trên phiến băng, ông đang dần hồi phục. Chỗ sưng ở má đang bắt đầu xẹp xuống, các mũi khâu cũng bắt đầu liền lại. Ngủ rất say, ngáy như sấm, những ngón tay mập ú của ông vẫn nắm chặt mẫu đá hình tròn - như thể đó là tấm bùa hộ mệnh. Rachel cúi xuống, nhẹ nhàng gỡ mẫu đá từ tay Corky. Cô giơ lên, quan sát những hoá thạch một lần nữa. Hãy gạt bỏ mọi giả thuyết, cô tự nhủ, cố sắp xếp những suy nghĩ trong đầu. Hãy bắt đầu lại từ đầu. Đó là phương pháp kinh điển của NRO. Sắp xếp lại chứng cứ từ các mảnh thông tin rời rạc - phương pháp bắt đầu từ con số không - biện pháp mà tất cả các chuyên viên phân tích đều áp dụng khi các dữ kiện không trùng khớp nhau. Sắp xếp lại các chứng cứ. Cô lại bước tới bước lui. Liệu tảng đá đó có chứabằng chứng về sự sống ngoài vũ trụ thật không? Các bằng chứng, cô biết, chỉ là những kết luận dựa trên một kim tự tháp những chi tiết thật, trên nền tảng những thông tin đã được thừa nhận căn cứ vào những chân lý đã được khẳng định. Hãy bỏ hết các giả thuyết. Quay lại điểm xuất phát. Ta có gì đây? Một tảng đá… Cô phân vân một lúc. Một tảng đá. Trong lòng có các sinh vật hoá thạch. Quay lại đầu cabin, cô ngồi xuống cạnh Michael Tolland. - Mike này, chúng ta thử một trò chơi nhé. Thôi không nhìn ra ngoài cửa sổ nữa! Tolland quay lại, xa vắng, rõ ràng là đang đắm mình trong suy tư. - Trò chơi à? Cô đưa cho ông mẫu đá. - Giả sử đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy mẫu đá này. Chưa ai nói gì với anh về nguồn gốc của nó. Anh sẽ có những nhận xét gì? Tolland thở dài chán nản. - Câu hỏi của cô thật là trùng lặp. Tôi vừa nảy ra ý nghĩ rất kỳ quặc. Sau lưng Rachel và Tolland, cách họ hàng trăm dặm, chiếc phi cơ có hình thù kỳ lạ đang bay qua đại dương vắng lặng. Trong máy bay, đội Delta ngồi lặng lẽ. Đã nhiều lần họ bị lôi ra khỏi doanh trại trong sự vội vã, nhưng chưa bao giờ như lần này. Chỉ huy của họ vô cùng bực tức. Trước đó. Delta-Một đã báo cáo với chỉ huy về những diễn biến không lường trước được trên phiến băng khiến cho họ không còn lựa chọn nào khác ngoài sử dụng vũ lực - hạ sát bốn thường dân, kể cả Rachel Sexton và Michael Tolland. Chỉ huy bị sốc. Dù vẫn là giải pháp bắt buộc nếu không còn cách nào khác, giết người không nằm trong dự định của chỉ huy. Một lúc sau, thái độ không bằng lòng đó chuyển thành cơn thịnh nộ ghê gớm khi ông ta biết rằng việc hạ sát đã không thành. - Các anh đã thất bại! - Chỉ huy gầm lên. Dù đã bị bộ phận mã hoá làm cho biến đổi nhiều, giọng nói vẫn thể hiện cơn thịnh nộ khủng khiếp. - Ba mục tiêu của các anh hiện vẫn còn sống! - Không thể nào! Delta-Một thầm nghĩ. - Nhưng mà chúng tôi đã trông thấy… - Họ đã bắt liên lạc với một tàu ngầm, và lúc này đang trên đường về Washington. Cái gì! Giọng nói của chỉ huy đầy chết chóc: - Nghe cho kỹ đây. Tôi sẽ ra lệnh mới. Lần này đừng làm hỏng việc. Chương 78 Tiễn khách ra cửa, Thượng nghị sĩ Sexton lại cảm thấy hi vọng loé lên trong tâm trí. Hoá ra người đứng đầu SFF đến đây không phải để trừng phạt ông, mà để khích lệ ông, và nhắc ông nhớ rằng cuộc đấu vẫn chưa đến hồi kết. Có thể có một khe hở trên lớp áo giáp sắt của NASA. Cuốn băng video về cuộc họp báo kỳ quặc của NASA đã khiến Sexton tin rằng ông già có lý: Giám đốc dự án PODS Chris Harper đã nói dối. Nhưng tại sao? Và nếu vẫn chưa thể khắc phục được lỗi của PODS, bằng cách nào mà NASA phát hiện được tảng thiên thạch? Ra đến cửa. Ông già nói: - Đôi khi, chỉ cần một chút kiên định là đủ để làm sáng tỏ mọi thứ. Biết đâu chúng ta lại tìm được cách để biến phát kiến này của NASA đập lại chính họ. Hãy lớn tiếng tỏ ra nghi ngờ. Ai mà biết chúng ta sẽ đạt được cái gì. - Đôi mắt mệt mỏi của ông già nhìn xoáy vào Sexton - Tôi chưa thế chết ngay được đâu Thượng nghị sĩ ạ. Và tôi tin anh cũng thế. - Dĩ nhiên rồi. - Sexton đáp, cố tỏ ra đầy quyết tâm. - Chúng ta đã đi quá xa rồi, quay lại sao được nữa. - Chris Harper nói dối về vệ tinh PODS đấy. - Ông ta nói, đặt chân vào thang máy. - Chúng ta phải tìm cho ra lý do vì sao. - Tôi sẽ tìm hiểu cành nhanh càng tốt. - Sexton đáp. Tôi đang có đúng người cần tìm. - Tốt lắm. Điều đó sẽ quyết định tương lai của anh đấy. Quay trở lại phòng riêng, bước chân Thượng nghị sĩ Sexton như nhẹ hẳn đi, đầu ông cũng minh mẫn hơn nhiều NASA nói dối về chuyện PODS. Vấn đề lúc này là làm thế nào để chứng minh được điều đó. Ngay lập tức, ông nghĩ đến Gabrielle Ashe. Dù đang ở nơi nào, lúc này cô ta chắc đang vô cùng khổ sở. Dĩ nhiên Gabrielle đã xem chương trình truyền hình trực tiếp, và lúc này có lẽ đang đứng ở bờ sông nào đó, sẵn sàng nhảy tùm xuống. Cô ta đã thuyết phục ông biến NASA thành vấn đề chính yếu trong cương lĩnh tranh cử, và hoá ra đó lại là sai lầm lớn nhất trong cả sự nghiệp của Thượng nghị sĩ Sexton. Cô ta mắc nợ mình. Ông thầm nghĩ. Và cô ta phải tự biết điều đó. Chắc chắn Gabrielle đã có được những bí mật về NASA, từ một nguồn tin tay trong nào đó. Cô ta có tay trong. Sexton thầm nghĩ. Suốt mấy tuần nay cô ta đã moi được khá nhiều tin. Và không chịu tiết lộ với ông những mối quan hệ bí mật của mình. Có thể lợi dụng mối quan hệ đó để khai thác tin về PODS. Cô ta có món nợ cần phải trả, và Sexton tin chắc cô ta sẽ làm tất cả để giành lại sự ưu ái của ông. Khi Sexton vào đến cửa, người vệ sĩ gật đầu chào: - Chào Thượng nghị sĩ. Tôi tin là đã xử sự đúng khi cho cô Gabrielle vào nhà lúc tối nay. Cô ấy nói là có chuyện gấp cần phải nói với ngài. Sexton dừng bước. - Cậu nói cái gì? - Cô Ashe ấy mà. Lúc tối cô ấy bảo có tin quan trọng cần báo ngay với ngài. Thế cho nên tôi mới để cô ấy vào. Sexton cứng người. Ông đưa mắt nhìn cửa phòng riêng của mình. Thằng cha này nói lăng nhăng gì thế nhỉ? Anh chàng vệ sĩ bắt đầu tỏ ra lo lắng: - Thưa Thượng nghị sĩ, không có chuyện gì chứ ạ? Ngài còn nhớ không ạ? Cô ấy đến lúc ngài đang họp dở. Cô ấy đã nói chuyện với ngài rồi phải không ạ? Chắc thế rồi. Cô ấy đã vào đó một lúc khá lâu mà. Sexton nhìn trân trân, mạch đập thình thình. Gã khờ này cho Gabrielle vào trong lúc mình đang dở cuộc họp sao? Cô ta có mặt ở đây nhưng không hề lên tiếng. Như thế tức là cô ta đã nghe lỏm được hết. Cố ghìm cơn tức tối, Sexton nuốt khan, mỉm cười với gã vệ sĩ: - À, đúng rồi! Xin lỗi, tôi mệt quá. Chúng tôi còn cụng ly nữa mà. Cô Ashe và tôi đã bàn chuyện một lúc. Anh cho cô ấy vào là đúng đấy. Anh chàng vệ sĩ thở ra nhẹ nhõm. - Lúc về cô ấy có bảo anh là sẽ đi đâu không? Anh ta lắc đầu: - Cô ấy có vẻ rất vội vã. - Thôi được. Cảm ơn anh. Sexton tức tối quay vào phòng. Mệnh lệnh của mình có gì khó hiểu đâu cơ chứ! Không cho ai vào hết! Như thế có nghĩa là Gabrielle đã ở đây rất lâu, sau đó lẻn ra ngoài, không nói một lời. Chắc chắn cô ta đã nghe những gì ông không muốn cho cô ta biết. Mà lại đúng vào đêm nay cơ chứ? Thượng nghị sĩ Sexton biết rằng ông không thể để mất niềm tin của Gabrielle được nữa - khi nghĩ rằng họ bị lừa, đàn bà sẽ trở nên ngu ngốc và rất muốn báo thù. Cần phải giữ chặt lấy cô ta. Nhất là trong đêm nay, ông cần cô ta. Chương 79 Trên tầng bốn, toà nhà Đài Truyền hình ABC. Gabrielle Ashe ngồi một nình trong văn phòng của Yolanda, lơ đễnh nhìn tấm thảm trải sàn đã sờn. Cô vốn luôn tự hào về trực giác cũng như khả năng đánh giá mọi người của nình. Giờ đây, lâu lắm rồi mới lại có lần thế này, cô cảm thấy mình đơn độc, không còn biết nên tin vào ai nữa. Tiếng chuông điện thoại cầm tay vang lên, Gabrielle thôi không nhìn tấm thảm trải sàn nữa. Miễn cưỡng, cô mở máy. - Gabrielle Ashe đây. - Gabrielle đấy à? Tôi đây. Ngay lập tức cô nhận ra âm sắc của Thượng nghị sĩ Sexton. Sau những gì vừa trải qua, ông có vẻ điềm tĩnh một cách kỳ lạ. - Quả là một đêm khó quên, - Ông nói - cô nghe tôi nói nhé. Chắc chắn cô đã xem buổi họp báo của Tổng thống trên truyền hình Lạy Chúa, chúng ta đã chọn nhầm quân bài. Tôi buồn lắm. Và chắc giờ này cô cũng đang tự trách cứ bản thân. Đừng làm thế. Ai mà ngờ mọi chuyện lại diễn biến theo kiểu này. Cô không có lỗi gì cả. Nhưng cô hãy nghe tôi nói này. Tôi nghĩ là chúng ta có cách xoay chuyển được tình thế đấy! Gabrielle đứng dậy, không dám tin những gì vừa nghe thấy. Không ngờ Thượng nghị sĩ lại bình tĩnh được đến thế. - Tối nay tôi vừa có một cuộc họp, - Sexton nói - với đại diện của các công ty vũ trụ tư nhân và… - Thế ạ? - Gabrielle thốt lên, kinh ngạc thấy Thượng nghị sĩ tự thú nhận điều này. - Tôi… tôi không biết… - Ừ chẳng có gì to tát lắm. Tôi muốn bảo cô tham gia, nhưng mấy tay đó tỏ ra quá nhạy cảm về việc giữ bí mật thông tin. Vì người trong bọn họ muốn hiến tiền cho chiến dịch của chúng ta. Họ không muốn người ngoài biết chuyện … Gabrielle hoàn toàn bị bất ngờ. - Nhưng mà… chẳng phải làm thế là bất hợp pháp sao? - Bất hợp pháp à? Không đời nào! Tất cả mọi khoản hiến tặng đều có trị giá dưới hai ngàn đô la. Toàn tép riu ấy mà. Số tiền của họ chẳng đáng là bao, nhưng dù sao tôi cũng muốn nghe họ giãi bày. Một hình thức quảng bá cho tương lai ấy mà. Tôi muốn giữ kín, thật ra là vì nghe có vẻ không được hay ho cho lắm. Nếu Nhà Trắng mà biết chuyện thì thế nào cũng có lời ong tiếng ve. Dù sao thì đó cũng không phải là vấn đề chính Tôi muốn kể với cô về cuộc gặp gỡ của tôi với người đứng đầu SFF cũng trong tối hôm nay… Dù Thượng nghi sĩ vẫn tiếp tục nói thao thao, Gabrielle có thể nghe được tiếng máu rần rật dồn lên mặt mình vì quá xấu hổ. Cô còn chưa kịp tỏ chút thái độ nào mà Thượng nghị sĩ đã tự kể hết về cuộc họp tối hôm nay. Hoàn toàn hợp pháp. Thế mà Gabrielle suýt nữa đã hành động nông nổi. May mà Yolanda đã can ngăn kịp thời. Suýt nữa thì cô phản bội ông! - Và tôi cũng đã nói với đại diện của SFF, - Thượng nghị sĩ nói tiếp - rằng cô có thể giúp chúng tôi thu thập thông tin về chuyện đó. Gabrielle lại chăm chú lắng nghe: - Vâng ạ. - Cái người vẫn cung cấp cho cô các thông tin nội bộ của NASA ấy, chắc cô vẫn giữ mối quan hệ đó đấy chứ? Marjorie Tench. Gabrielle co rúm người, không thể để ngài Thượng nghị sĩ biết rằng cô đã bị bà ta giật dây bấy lâu nay. - Dạ chắc là được ạ. - Gabrielle nói dối. - Tốt lắm. Tôi cần một số thông tin, ngay lập tức. Nghe ông nói, Gabrielle nhận ra cô đã đánh giá quá thấp Thượng nghị sĩ. Từ khi cô bắt đầu phò tá cho ông trong chiến dịch tranh cử, hình ảnh của ông trong mắt cô đã phần nào kém rực rỡ đi. Nhưng đêm nay, tâm trí cô lại bừng sáng vầng hào quang ấy. Vừa bị giáng một đòn chí mạng, vậy mà ông ấy đã lập tức tìm cách phản công. Và chính cô là người đã lôi ông xuống vũng bùn này, thế mà ông không một lời oán hận. Đã thế, ông lại còn cho cô cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. và cô sẽ chuộc lỗi. Bằng mọi giá. Chương 80 William Pickering đăm đắm nhìn những ánh đèn pha ô tô loang loáng trên đường cao tốc Leesburg. Mỗi khi đứng ở những nơi cao như thế này, ông lại nghĩ đến con gái mình. Quyền lực trong tay… thế mà mình không cứu được con bé. Diana, con gái của Pickering, đã chết trong tàu của Hải quân ở Biển Đỏ trong khi theo học một khoá huấn luyện. Chiếc tàu đang neo đậu tại một bến cảng thanh bình đầy nắng, một chiếc thuyền đánh cá do hai kẻ cực đoan điều khiển chậm rãi chèo ngang qua rồi bất thần đâm vào thành tàu, khiến con tàu nổ tung. Diana Pickering cùng mười ba thanh niên Mỹ đã chết trong ngày hôm ấy. William Pickering suy sụp. Nỗi đau đớn tột cùng dày vò ông mất mấy tuần. Khi biết cuộc tấn công đó được thực hiện bởi một nhóm khủng bố mà CIA đã theo dõi sít sao suốt mấy năm trời, cơn giận dữ của Pickering trở nên không thể kiểm chế nổi. Ông sang tận đại bản doanh của CIA để chất vấn. Câu trả lời thật khó mà chấp nhận. CIA đã lên kế hoạch ra tay đối với bọn chúng từ nhiều tháng trước nhưng họ vẫn đang đợi ảnh chụp từ vệ tinh để xác định được sào huyệt của chúng ở Afganistan. Vệ tinh Vortex trị giá 1,2 tỉ đô la của NRO đáng ra đã phải chụp được bức ảnh đó, nhưng nó đã nổ tung trên bệ phóng cùng với tên lửa của NASA. Vì tai nạn đó của NASA, cuộc tập kích của CIA bị hoãn lại, và Diana Pickering đã chết. Lý trí nói với Pickering rằng NASA không trực tiếp có trách nhiệm trong vụ này, nhưng tự đáy lòng nình, ông không thể tha thứ. Cuộc điều tra về vụ nổ đó cho thấy các kỹ sư chịu trách nhiệm tiếp nhiên liệu cho tên lửa phóng vệ tinh đã được chỉ thị phải dùng nhiên liệu loại hai để giảm chi phí. - Trong các chuyến bay không người lái. - Lawrence Ekstrom phân trần trong một cuộc họp báo - NASA cố gắng tối đa để giảm dù phí. Trong trường hợp này, phải thừa nhận rằng kết quả không được như mong đợi. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra. "Không được như mong đợi". Diana Pickering đã phải bỏ mạng. Vì vệ tinh do thám đó thuộc diện bí mật nên công chúng không bao giờ biết được rằng NASA đã phá hỏng một dự án của NRO trị giá tới 1,2 tỉ đô la; và thông qua đó, gián tiếp khiến bao người phải thiệt mạng. - Thưa Giám đốc. - Giọng cô thư ký của ông váng lên trong máy liên lạc nội bộ. - ở đường dây số một ạ. Bà Marjorie Tench. Pickering cố rũ bỏ tâm trạng sầu muộn và nhìn chiếc máy điện thoại trên bàn. Lại lần nữa ư? Đèn báo cuộc gọi đang nháy sáng lập loè, như muốn báo trước đầu dây bên kia đang vô cùng giận dữ và gấp gáp. Pickering nhíu mày, nhấc ống nghe lên. - Pickering đây. Tench rít lên điên dại: - Cô ta vừa nói gì với anh? - Cái gì cơ? - Rachel Sexton đã liên lạc với anh. Cô ta đã nói gì? Lạy Chúa, cô ta đang ở trong một chiếc tàu ngầm. Anh giải thích đi! Pickering biết ngay rằng không thể nói dối, Tench đã tự tìm thông tin. Ông ngạc nhiên vì bà ta đã biết về con tàu Charlotte, chắc chắn đã tận dụng hết mức mọi quyền lực trong tay để moi được tin đó. - Cô Sexton đã liên lạc với tôi, điều đó thì đúng. - Anh đã bố trí đưa cô ta đi chỗ khác. Sao không nói gì với tôi cả? - Tôi đã sắp xếp chuyện ấy. Đó là sự thật. - Còn hai giờ đồng hồ nữa thì Rachel Sexton, Michael Tolland và Corky Marlinson mới về đến căn cứ không quân Bolling. - Thế sao anh không chịu thông báo cho tôi? - Rachel Sexton đã đưa ra những lời buộc tội hết sức trầm trọng. - Về tính xác thực của tảng thiên thạch… Và về việc cô ta bị tấn công chứ gì? - Và một số chuyện nữa. - Cô ta nói dối một cách trắng trợn. - Chị có biết là có hai người làm chứng cho cô ấy không? Tench im lặng một lúc. - Tôi biết. Rất nghiêm trọng. Nhà Trắng rất quan ngại về những lời buộc tội đó. - Nhà Trắng à? Hay chỉ là cá nhân chị? Giọng bà ta đanh lại. - Như nhau cả thôi, Giám đốc ạ. Pickering chẳng thèm để ý. Ông chẳng lạ gì chuyện những chính khách lên giọng quát tháo và những nhân viên lên mặt cáo mượn oai hùm để moi cho được thông tin tình báo. Tuy nhiên không phải ai cũng phồng mang trợn mép dữ tợn như Marjorie Tench. - Tổng thống có biết chị gọi điện cho tôi không? - Thẳng thắn mà nói nhé, tôi bị sốc trước cách xử sự quá quắt của anh đấy. Bà có trả lời câu hỏi của tôi đâu. - Suy luận một cách logic thì ba người đó chẳng có lý do gì để nói dối hết. Tôi buộc phải suy luận tiếp rằng một là họ nói thật, hai là họ nhầm lẫn với thái độ trung thực. - Nhầm lẫn à? Về chuyện bị tấn công hay sao? Về những giả dối ở tảng thiên thạch mà cả NASA cũng chưa tận mắt nhìn thấy hay sao? Tôi xin anh! Rõ ràng đây là một mưu đồ chính trị. - Nếu quả thế thật, tôi cũng chưa nghĩ được ra những động cơ của họ đấy. Tench thở dài đánh sượt, hạ giọng. - Giám đốc này, có những thế lực liên quan đến chuyện này. Anh chưa thể biết được hết. Chúng ta sẽ nói chuyện ấy sau. Lúc này tôi cần biết cô Sexton và hai người kia đang ở đâu. Tôi phải giải quyết chuyện này hết sức triệt để trước khi cô ta tiếp tục gây chuyện. Họ đang ở đâu? - Điều này thì tôi không muốn nói ra. Khi nào họ đến nơi tôi sẽ báo chị sau. - Nhầm rồi. Khi họ về đến nơi tôi sẽ đích thân đến chào họ. Cùng với bao nhiêu nhân viên mật vụ? Pickering thầm băn khoăn. - Giả sử tôi cho chị biết thời gian và địa điểm, liệu tất cả sẽ cùng nói chuyện thân tình, hay chị định bố trí nhân viên vũ trang bắt giam họ luôn? - Những người này trực tiếp uy hiếp Tổng thống, Nhà Trắng có quyền bắt giam họ để thẩm vấn. Pickering biết bà ta nói đúng. Theo Điều 3056, Khoản 18, Luật Liên bang, mật vụ của Nhà Trắng được phép sử dụng súng cầm tay, vũ khí sát thương và bắt giữ không cần báo trước tất cả những đối tượng bị nghi là có ý định gây nguy hiểm cho Tổng thống. Mật vụ được toàn quyền hành động. Tuy nhiên, đa số những kẻ bị bắt giam theo diện này chỉ là vài kẻ vô hại đi quanh quẩn xung quanh Nhà Trắng và dăm ba đứa trẻ tinh nghịch gửi thư điện tử để hăm doạ… Pickering biết chắc mật vụ có cơ sở pháp lý để giam Rachel Sexton cùng hai người kia trong tầng hầm Nhà Trắng. Đó là nước cờ mạo hiểm, nhưng rõ ràng là Tench đã nhận thấy những hiểm hoạ to lớn đang rình rập. Vấn đề là nếu để cho bà ta cầm trịch thì động thái tiếp theo sẽ là gì. Pickering không cần biết. - Tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết, - Tench tuyên bố - để bảo vệ Tổng thống trước mọi cáo buộc vô căn cứ. Chỉ cần vài lời bóng gió ác ý là đủ để phủ bóng đen lên cả Nhà Trắng lẫn NASA. Rachel Sexton đã lạm dụng lòng tin của Tổng thống. Tôi không có ý định để Tổng thống phải trả giá cho điều đó. - Thế nếu tôi đề nghị tổ chức buổi tường trình chính thức cho cô Sexton thì sao? - Nếu thế thì anh trái lệnh Tổng thống và tạo thời cơ cho cô ta gây ra một vụ ầm ĩ trên chính trường. Tôi hỏi lại lần nữa. Anh đang đưa họ đi đâu? Pickering thở dài. Dù ông có nói cho Marjorie Tench biết hay không, bà ta cũng sẽ có cách để tìm ra. Vấn đề là liệu bà ta có thực sự muốn hay không. Nghe khẩu khí quyết liệt đến thế thì biết bà ta sẽ chẳng từ chuyện gì. Marjorie Tench đang lo sợ - Marjorie này. - Pickering nói rành rọt. - Có người đang nói dối. Tôi biết. Hoặc đó là Rachel Sexton cùng hai nhà, khoa học dân sự kia - hoặc đó là chị. Mà tôi thì tin rằng chỉ có chị thôi. Tench nổi đoá: - Làm sao anh dám… - Phản ứng gay gắt của chị không lung lạc được tôi đâu. Đừng làm thế. Chị nên tỏ ra khôn ngoan, tôi có bằng chứng về chuyện NASA và Nhà Trắng vừa bày trò gian dối. Tench im bặt. Pickering lặng im một lúc. - Giống như chị, tôi không muốn để xảy ra bất kỳ vụ tai tiếng chính trị nào. Nhưng có người đang nói dối. Những lời dối trá không tha thứ được. Nếu chị muốn nhận được sự giúp đỡ của tôi thì hãy bắt đầu bằng cách nói thật. Tench có vẻ đã bị thuyết phục, nhưng vẫn cảnh giác. - Nếu anh biết rõ đến thế thì tại sao vẫn chưa ra tay? - Tôi không muốn can dự vào chuyện chính trị. Tench làu bàu trong miệng, nghe như từ "mẹ kiếp". - Marjorie, chị có dám khẳng định với tôi rằng những gì Tổng thống vừa công bố tối nay là hoàn toàn chính xác hay không? Đầu dây bên kia im lặng hồi lâu. Pickering biết ông đã bắt thóp được bà cố vấn. - Chị nghe đây! Ông ta đều biết quả bom hẹn giờ sắp phát nổ đến nơi. Nhưng vẫn chưa quá muộn. Vẫn có thể thoả hiệp đôi chút. Tench tiếp tục im lặng một lúc nữa. Cuối cùng, bà ta thở dài. - Có lẽ chúng ta nên gặp nhau để nói chuyện. Sợ rồi, Pickering thầm nghĩ. Tôi muốn cho anh xem cái này. - Tench nói. - Tôi tin rằng sẽ sáng tỏ được nhiều chuyện. - Để tôi sang văn phòng của chị. - Đừng, - bà ta chặn ngay. - Muộn rồi. Anh mà sang đây thì có người sẽ dị nghị. Chuyện này chỉ hai chúng ta biết với nhau thôi. Pickering hiểu ra ngay. Tổng thống vẫn chưa biết gì. – Thế thì chị sang bên tôi vậy. - Ông nói. Tench có vẻ không tin tưởng. - Hãy chọn chỗ nào kín đáo một chút. Pickering không mong gì hơn. - Đài tưởng niệm FDR có vẻ được đấy. - Tench nói. - Giờ này chắc chẳng có ai. Pickering phân vân. Đài tưởng niệm FDR nằm giữa đài tưởng niệm Jefferson và đài tưởng niệm Lincoln là nơi rất an toàn. Sau đó hồi lâu, ông đồng ý. - Một giờ nữa nhé. - Tench nói. - Nhớ đến một mình. Ngay sau khi gác máy, Marjorie Tench lập tức điện cho Giám đốc NASA. Giọng riết róng, bà ta loan báo tin xấu. - Pickering có thể gây khó khăn cho chúng ta. Chương 81 Tràn đầy hi vọng, Gabrielle Ashe đứng bên bàn làm việc của Yolanda Cole tại phòng sản xuất của Đài Truyền hình ABC và quay số tổng đài. Những gì Thượng nghị sĩ vừa nói với cô, nếu chứng minh được sẽ gây chấn động lớn. NASA nói dối về PODS. Gabrielle có xem buổi họp báo đó, và đã cảm thấy có gì lạ lùng, nhưng sau đó đã quên ngay, cách đây vài tuần thì PODS chưa phải là vấn đề nóng hổi. Tuy nhiên, trong đêm nay, nó sẽ trở thành tâm điểm của mọi chú ý. Lúc này Thượng nghị sĩ cần có thông tin nội bộ về PODS, càng nhanh càng tốt. Và ông muốn nhờ "người đưa tin" của Gabrielle. Cô đã hứa với ông là sẽ làm ngay. Vấn đề là người đưa tin của cô lại chính là Marjorie Tench, và lúc này không thể nghĩ đến chuyện nhờ vả gì bà ta hết. Cho nên cô sẽ phải tìm thông tin bằng cách khác. - Dịch vụ tổng đài. - Giọng nói vang lên từ đầu dây bên kia. Gabrielle nói những thông tin cô cần. Và nhận được ba số điện thoại có tên sở hữu là Chris Harper ở Washington. Gabrielle quay thử cả ba số. Số đầu tiên là của một hãng luật. Số thứ hai không có người nghe máy. Và chuông đang đổ ở số điện thoại thứ ba. Một phụ nữ nghe máy. - Nhà Harper đây ạ. - Bà Harper có phải không ạ? Tôi hi vọng không làm bà thức giấc. - Ồ không! Ai mà ngủ được trong một đêm như đêm nay cơ chứ! - Giọng bà ta đầy phấn khích. Gabrielle nghe trong máy có tiếng tivi đang nói. Bình luận về tảng thiên thạch. - Cô gọi cho Chris có phải không? Mạch Gabrielle đập dồn: - Vâng, đúng ạ, thưa bà. - Tiếc quá, Chris không có nhà. Buổi họp báo kết thúc, ông ấy lao ngay đến cơ quan - Bà ta vừa nói vừa khúc khích cười. - Chắc chắn chẳng có ai làm việc vào giờ này cả. Chắc lại tiệc tùng thôi. Ông ấy cũng hoàn toàn bị bất ngờ khi nghe Tổng thống công bố. Cô biết đấy, ai mà chẳng thế. Điện thoại nhà tôi réo liên tục từ lúc ấy đến giờ. Tôi đoán là toàn bộ nhân viên của NASA đều đã có mặt ở đó rồi. - Ở khu liên hợp trên phố E phải không ạ? - Gabrielle hỏi, đoán rằng bà ta đang nhắc đến trụ sở của NASA. - Đúng thế cô ạ. - Cảm ơn bà. Tôi sẽ tìm ông nhà ở đó. Gabrielle gác máy, cô hối hả đi khắp phòng sản xuất để tìm Yolanda. Yolanda vừa hoàn thành khâu chuẩn bị để cho lên sóng chương rình bình luận của sáu nhân viên NASA về tảng thiên thạch. Thấy Gabrielle, chị mỉm cười: - Trông em khá hơn hẳn rồi đấy! Bắt đầu nhìn thấy Mặt trời rồi sao? - Em vừa mới nói chuyện với Thượng nghị sĩ. Cuộc gặp của ông ấy tối nay không phải như em tưởng. - Chị đã bảo là Tench xạo em mà lại. Thượng nghị sĩ phản ứng thế nào sau khi nghe công bố về tảng thiên thạch? - Tâm trạng của ông ấy khá hơn em tưởng nhiều. Yolanda tỏ vẻ ngạc nhiên: - Chị cứ tưởng ông ấy đang chuẩn bị lao đầu vào xe mà tự sát ấy chứ! - Ông ấy cho rằng có thể có kẽ hở trong dữ liệu của NASA. Yolana nhướng mày: - Ông ấy có xem hết toàn bộ buổi họp báo không? Còn phải nghe thêm bao nhiêu lời khẳng định và chứng thực nữa thì mới đủ cơ chứ? - Em sang trụ sở NASA để kiểm tra lại vài thông tin đây. Đôi chân mày tỉa tót cẩn thận của Yolanda nhướng hẳn lên, đầy vẻ đề phòng. - Cánh tay đắc lực của Thượng nghị sĩ Sexton mà lại đến trụ sở của NASA ngay lúc này hay sao? Em có biết mình đang làm gì không? Gabrielle kể lại cho Yolanda những nghi ngờ của Thượng nghị sĩ về khả năng Chris Harper nói dối về quá trình khắc phục sự cố phần mềm của vệ tinh PODS. Yolanda tỏ vẻ không tin. - Chính đài chị đã truyền hình trực tiếp buổi họp báo đó. Gab này, chị thừa nhận là hôm ấy trông ông ta rất khác thường. Nhưng NASA nói rằng ông ấy bị ốm mà. - Thượng nghị sĩ Sexton thì lại tin rằng ông ta nói dối. Một số người khác cũng thế. Những người rất có thể lực. - Nếu phần mềm của vệ tinh PODS chưa được khắc phục xong thì làm sao NASA phát hiện được tảng thiên thạch? Thượng nghị sĩ Sexton cũng đã suy luận hệt như thế, Gabrielle thầm nghĩ. - Em không biết, nhưng Thượng nghị sĩ yêu cầu em tìm câu trả lời. Yolanda lắc đầu: - Sexton đang đẩy em vào tổ kiến lửa đấy. Em đừng đi. Em có nợ ông ta cái gì đâu? - Em đã gây tổn thất lớn cho chiến dịch của ông ấy. - Vận rủi đã gây ra tổn thất đó đấy chứ! - Nhưng nếu suy luận của Thượng nghị sĩ là đúng, rằng Giám đốc Dự án PODS đã nói dối thì… - Em ơi, nếu ông Giám đốc Dự án đó lừa dối cả thế giới thì vì cớ gì mà ông ta lại đi thú nhận với em cơ chứ? Gabrielle đã lường trước chuyện đó và đã bắt đầu tính trước đường đi nước bước. - Nếu em tìm được cái gì thì em sẽ báo ngay với chị. Yolanda cười lớn, đầy hoài nghi: - Nếu em mà tìm được cái gì thì chị sẽ nuốt chửng mũ của chị cho em xem. Chương 82 Hãy gạt bỏ tất cả những gì mình đã biết về tảng thiên thạch. Vốn đang suy nghĩ rất lung bung về tảng thiên thạch, giờ nghe Rachel hỏi, Michael Tolland cảm thấy vô cùng bất an. Ông nhìn phiến đá mỏng trên tay. - Giả sử có người đưa cho ông miếng đá này và không nói bất cứ điều gì về nguồn gốc cũng như đặc tính của nó. Những phân tích của cá nhân ông sẽ là gì nào? Tolland biết, câu hỏi của Rachel chứa đựng rất nhiều hàm ý. Nhưng nếu để phân tích vấn đề một cách logic, thì câu hỏi đó quả là hợp lý. Nếu gạt bỏ hết những dữ liệu người ta đã chuyển cho ông khi ông vừa chân ướt chân ráo vào trong bán sinh quyển, Tolland phải thừa nhận rằng những phân tích của ông tỏ ra khá thiên kiến - tảng đá có hoá thạch ở bên trong là thiên thạch. Nếu người ta không nói gì với ông về tảng thiên thạch thì sao?, ông tự hỏi. Dù chưa thể đưa ra bất kỳ lời giải thích nào khác, Tolland vẫn tự ép mình phải dành thời gian để gạt sang một bên giả thuyết về "tảng thiên thạch". Càng suy nghĩ theo hướng ấy, ông càng cảm thấy băn khoăn. Tolland và Rachel, cùng với Corky, đang cùng nhau bàn luận. - Tức là… - Rachel nhắc lại, giọng căng thẳng - Mike, anh nói xem, nếu có người đưa cho anh mẩu đá hoá thạch này và chẳng giải thích gì hết, thì có thể anh đã kết luận rằng đây chỉ là đá trái đất mà thôi. - Dĩ nhiên. - Tolland trả lời. - Làm sao kết luận khác được? Khẳng định rằng đã tìm thấy một thiên thạch chưa hoá thạch động vật quả thực khác rất xa việc khẳng định rằng đã tìm thấy một tảng đá của trái đất có chứa mẫu hoá thạch. Năm nào các nhà khoa học chả phát hiện ra hàng chục loài sinh vật mới. - Những con chấy dài hơn nửa mét sao? - Corky lên tiếng, đầy hoài nghi. - Anh cho rằng con vật này có xuất xứ từ trái đất hay sao? - Có thể không phải là trong thời đại của chúng ta, - Tolland đáp, - không nhất thiết phải là một loài đang còn tồn tại. Đây là mẫu hoá thạch mà. Nó có niên đại những 170 triệu năm. Cùng thời gian với kỷ Jura, vô khối động vật hoá thạch thời tiền sử to lớn đến nỗi khi phát hiện hoá thạch của chúng, người ta phải giật mình - những loài bò sát biết bay, khủng long, cả chim nữa. - Tôi không hiểu gì nhiều về vật lý, Mike ạ, - Corky nói - nhưng lập luận của anh có lỗ hỗng rất lớn. Những động vật thời tiền sử mà anh vừa kể tên - khủng long, bò sát, chim - đều có xương bên trong. Cho nên chúng có khả năng phát triển thành những loài to lớn, bất chấp lực hút của trái đất. Nhưng hoá thạch này… - ông ta giơ cao mẩu đá. - Những động vật này có vỏ cứng ở bên ngoài. Thuộc bộ chân đốt. Loài bọ. Chính anh cũng đã nói rằng những con bọ to thế này chỉ có thể sống trong những môi trường có lực hút nhỏ. Nếu không, chính cái vỏ lớn này sẽ bị đổ sụm xuống vì trọng lượng của chính nó. - Chính xác. - Tolland nói. - Nếu loài này di chuyển trên mặt đất thì nó sẽ bị để bẹp bởi chính trọng lượng của nó. Corky bực bội nhướng mày. - Mike, trừ trường hợp có người tiền sử nào đó lập ra những trại gia súc phi trọng lượng… Tôi không thấy có cách gì giải thích cho sự tồn tại của một con bọ dài những hơn nửa mét trên Trái đất cả. Tolland mỉm cười một mình vì Corky lại có thể bỏ qua một chi tiết quan trọng đến thế. Thật ra thì còn có khả năng khác nữa. Ông quay sang người bạn thân của mình: - Corky này, tạm dừng nhìn lên một lúc đi, thử nhìn xuống mà xem. Ngay trên trái đất của chúng ta cũng có khối môi trường không trọng lực đấy chứ. Và chúng tồn tại suốt từ thời kỳ tiền sử đến ngày nay. Corky trợn tròn mắt: - Anh đang nói cái quái quỷ gì thế? Cả Rachel cũng thấy bất ngờ. Tolland đưa tay chỉ mặt biển lóng lánh ánh trăng bên dưới máy bay: - Đại dương. Rachel khẽ thốt lên: - Ừ nhỉ. - Nước là môi trường có trọng lực yếu. - Tolland giảng giải. - Trong môi trường nước, mọi thứ đều có trọng lượng nhỏ hơn. Vì thế trong đại dương có những dạng sống yếu ớt vô cùng, đến nỗi không thể tồn tại được trên cạn - sứa này, mực ống lớn này, lươn này… Corky đồng tình nhưng không sốt sắng lắm. - Đúng thế. Nhưng trong lòng đại dương thời tiền sử làm gì có những con bọ khổng lồ thế này? - Chắc chắn là có! Ngay cả ngày nay nữa ấy chứ. Người ta vẫn dùng làm thức ăn hàng ngày mà. Chúng còn là đặc sản của nhiều vùng ấy chứ. - Mike, làm quái gì có ai ăn những con bọ biển to thế! Tất cả mọi người vẫn ăn tôm hùm và cua đấy thôi. Corky tròn xoe mắt… - Loài giáp xác chiếm tỉ lệ rất lớn trong số các sinh vật biển. - Tolland giải thích. - Chúng là một hệ của loài chân khớp - chấy, cua, nhện, sâu bọ, châu chấu, bò cạp, tôm hùm - tất cả đều có họ với nhau. Chúng đều có khung xương ở bên ngoài và các phần phụ có đốt. Corky trông như sắp phát ốm. - Nhìn từ góc độ đó, chứng rất giống các loài bọ. - Tolland giải thích tiếp. Loài cua hình móng ngựa trông rất giống những con bò ba thuỳ khổng lồ. Và chân tôm hùm trông rất giống chân của bò cạp. Corky tái mét. - Ừ nhỉ. Tôi cũng mới ăn tôm hùm. Rachel cảm thấy vô cùng phấn khích. Tức là các loài chân đốt trên mặt đất có kích cỡ nhỏ bé là do tác động của trọng lực. Nhưng trong môi trường nước, trọng lượng cơ thể của chúng giảm đi, cho nên chúng trở lên to lớn hơn. - Chính xác. - Tolland nói. - Con cua lớn ở vùng Alaska có thể bị nhầm với con nhện khổng lồ nếu chúng ta chỉ có một phần hoá thạch. Sự phấn khích của Rachel dần chuyển sang thành trạng thái lo lắng. - Mike này, một lần nữa hãy gạt bỏ giả thiết rằng đây đích thị là tảng thiên thạch, hãy nói cho tôi nghe: Anh có cho rằng mẫu hoá thạch chúng ta nhìn thấy trên phiến băng Milne có thể có nguồn gốc từ dưới biển không? Biển trên trái đất ấy? Ánh mắt chăm chú của cô khiến cho Tolland cảm nhận rất rõ sức nặng của câu hỏi. - Về mặt lý thuyết thì có đấy. Dưới đáy biển cũng có những bộ phận có niên đại một trăm chín mươi triệu năm. Giống như những mẫu hoá thạch này. Và trên lý thuyết, đại dương cũng có thể bao gồm những dạng sống rất giống thế này. - Xin anh! - Corky nhạo báng. - Tôi không còn tin nổi vào tai mình nữa. Gạt sang một bên tính xác thực của tảng thiên thạch này à? Đó là một tảng thiên thạch, không thể chối cãi được. Thậm chí nếu đáy đại dương của trái đất cũng có niên đại y như thế đi nữa, thì lấy đâu ra lớp vỏ ngoài bị nung chảy đây? Lại còn hàm lượng nickel rất dị thường, cả các chondrules nữa chứ. Lập luận này rất thiếu cơ sở. Tolland biết Corky có lý. Tuy nhiên, nghĩ rằng những mẫu hoá thạch đó chẳng qua chỉ là một loài sinh vật biển làm cho nó mất thiêng đi nhiều. Lúc này, nó không còn mang dáng vẻ xa lạ nữa. - Mike này, - Rachel nói - thế tại sao các nhà khoa học của NASA không xem xét khả năng hoá thạch này là của những sinh vật biển? Thậm chí là biển trên một hành tinh khác? - Có hai lý do. Các mẫu hoá thạch ở biển - được lấy lên từ đáy đại dương - thường chứa nhiều loài sinh vật lẫn lộn. Bất kỳ loài nào sống trong đại dương rộng lớn đều chìm xuống dưới đáy sau khi chết. Như thế tức là đáy đại dương là nghĩa địa của tất cả các loài sống ở tất cả các độ sâu, các tầng áp suất và môi trường nhiệt khác nhau. Nhưng mẫu đá ở Milne thì rất sạch - chỉ có một loài. Nó giống với một mẫu tìm thấy trên sa mạc hơn. Một số những sinh vật cùng loài bị chôn vùi trong trận bão cát chẳng hạn. Rachel gật đầu. - Còn lý do thứ hai khiến anh nghĩ tới môi trường cạn thay vì đại dương? Tolland nhún vai. - Chỉ là bản năng thôi. Các nhà khoa học vẫn cho rằng nếu có sự sống trong vũ trụ thì chắc chắn có dạng giống sâu bọ. Và quả thật, khi quan sát vũ trụ, chúng ta thấy đất và đá nhiều hơn so với nước. Rachel lặng im. - Mặc dù… - Tolland nói thêm. Ông vẫn đang tiếp tục suy nghĩ. - Phải thừa nhận rằng ở đáy biển có những vùng rất sâu mà các nhà đại dương học coi là vùng chết. Chúng ta chưa thực sự hiểu hết những nơi đó, nhưng đó là những khu vực mà điều kiện về hải lưu và thức ăn không cho phép sự sống tồn tại. Chỉ một số ít những loài ăn xác thối dưới đáy biển thôi. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng những mẫu hoá thạch chỉ có một loài duy nhất không phải là không có. - Này, này… - Corky làu nhàu. - Thế còn lớp vỏ bị nóng chảy? Còn hàm lượng nickel? Còn các chrondrule? Giải thích thế nào về chúng? Tolland không nói gì. - Vấn đề hàm lượng nickel này, - Rachel nói với Corky - anh giải thích hộ tôi lần nữa đi. Hàm lượng nickel trong các loại đá của trái đất thường hoặc rất cao hoặc rất thấp, còn trong các tảng thiên thạch thì lại ở mức trung bình, đúng không? Corky gật đầu quả quyết: - Chính xác. Và hàm lượng nickel trong mẫu đá này rơi vào đúng giới hạn trung bình đó chứ? - Rất sát, đúng như thế. Rachel ngạc nhiên: - Gượm đã nào. Sát à? Thế nghĩa là sao? Corky như sắp nổi cáu. - Như tôi đã giải thích từ trước, tỉ lệ khoáng vật học trong các tảng thiên thạch không giống nhau. Mỗi khi các nhà khoa học tìm thấy những thiên thạch mới, chúng tôi lại phải cập nhật chuẩn mới về hàm lượng nickel của các thiên thạch. Rachel giơ cao mẫu đá, kinh ngạc. Tức là tảng thiên thạch này buộc anh phải đánh giá lại mẫu chuẩn về hàm lượng nickel? Nó không nằm trong khoảng trung bình được thừa nhận từ trước hay sao? - Chỉ một chút xíu. - Corky đốp chát. - Sao trước đó chẳng thấy ai nhắc đến chuyện này? - Cái đó không quan trọng. Vũ trụ học là ngành khoa học động, luôn luôn được cập nhật. - Trong khi tiến hành một phân tích vô cùng quan trọng ư? - Tôi nói thế này nhé, - Corky tức tối - Tôi đảm bảo với cô rằng tỉ lệ nickel trong tảng thiên thạch đó gần với các tảng thiên thạch hơn là các loại đá trái đất. Rachel quay sang Tolland: - Anh đã biết chuyện này chưa? Tolland miễn cưỡng gật đầu. - Lúc đó, mọi người coi nó là chuyện vặt. Tôi đã được thông báo rằng hàm lượng nickel trong tảng đá này cao hơn so với các tảng thiên thạch khác chút xíu. Nhưng các chuyên gia của NASA đều tỏ ra không quan tâm. - Trên cơ sở vững chắc? - Corky ngắt lời. - Bằng chứng về tỉ lệ khoáng chất ở đây không dẫn đến kết luận rằng tảng đá này có "nguồn gốc vũ trụ", nó chỉ cho phép kết luận rằng tảng đá này không giống đá trái đất. Rachel lắc đầu. - Xin lỗi anh, nhưng trong ngành của tôi, kiểu lập luận lỏng lẻo như thế có thể làm người khác bị chết oan. Thừa nhận rằng một tảng đá không giống đá trên trái đất chưa đủ để chứng minh rằng nó là một tảng thiên thạch. Như thế mới chỉ chứng minh được rằng nó khác với các loại đá trên trái đất mà chúng ta đã biết. - Như thế thì có gì khác nhau! - Chẳng khác nhau chút nào. - Rachel đáp. - Nếu anh đã nghiên cứu tất cả mọi loại đá trên trái đất. Corky im lặng giây lát. - Thôi được, - cuối cùng ông ta nói - nếu cô thấy có vấn đề thì chúng ta bỏ qua hàm lượng nickel. Chúng ta vẫn còn lớp vỏ bị nóng chảy và các chodrule. - Chắc chắn rồi. - Rachel nói, vẫn chưa hết nghi ngờ. - Hai trong ba bằng chứng, không tồi chút nào. Chương 83 Đại bản doanh của NASA là toà nhà kính khổng lồ hình tứ giác toạ lạc tại số 300 phố E, Wasington. Bên trong toà nhà là hệ thống dây cáp tải dữ liệu chằng chịt dài tới hai trăm dặm và vô số máy tính với trọng lượng lên tới hàng ngàn tấn. Đây là nơi làm việc của 1134 nhân viên dân sự, những người hàng ngày vẫn điều hành mười hai trụ sở của NASA trải khắp trên toàn nước Mỹ, những người tiêu tốn của Chính phủ mỗi năm mười lăm tỉ đôla. Dù đêm đã về khuya, Gabrielle không hề ngạc nhiên khi thấy phòng chờ của toà nhà đầy chặt người, những nhân viên của NASA trong tâm trạng rất hồ hởi, và những phóng viên báo chí cũng phấn khích không kém. Gabrielle hối hả tiến vào. Lối vào trông khá giống một viện bảo tàng với những mô hình tên lửa và vệ tinh nhân tạo cỡ lớn treo lủng lẳng trên đầu. Mấy toán phóng viên truyền hình đang tác nghiệp trong căn phòng rộng lớn lát đá hoa cương. Một số nhân viên của NASA vừa bị chặn lại để phỏng vấn. Gabrielle đưa mắt nhìn khắp lượt, nhưng không thấy người nào trông giống Giám đốc Dự án PODS Chris Harper. Một nửa số người trong sảnh đeo biển nhà báo, tất cả những người còn lại đeo thẻ ra vào của NASA. Gabrielle không có thẻ. Trông thấy cô gái đeo thẻ ra vào của NASA, Gabrielle lại gần. - Xin chào! Cô có biết Chris Harper ở đâu không? Cô gái chăm chú nhìn Gabrielle, như thể láng máng nhận ra cô, nhưng không chắc chắn lắm. - Tôi nhìn thấy tiến sĩ Harper được một lúc lâu rồi, mình như ông ấy lên gác rồi thì phải. Tôi có biết chị không nhỉ? - Chắc là không đâu. - Gabrielle đáp, quay mặt đi chỗ khác. - Làm thế nào để lên được tầng trên? - Chị có làm việc cho NASA không? - Không. - Thế thì chị không thể lên được đâu. - Thế à? Thế ở đây có máy điện thoại… - Này. - Cô ta nói, bất thần trở nên cáu kỉnh. - Tôi biết chị. Tôi đã trông thấy chị trên truyền hình, cùng với Thượng nghị sĩ Sexton. Làm sao chị dám vác mặt… Gabrielle đã kịp biến mất trong đám đông, không còn ở đó nữa. Nhưng vẫn nghe rõ mồn một cô ta đang oang oang loan báo cho những người xung quanh rằng cô đang ở đây… Khiếp thật. Mới cô hai giây, mình đã bị liệt vào danh sách truy nã. Trên tường có sơ đồ toà nhà. Cô nhìn bao quát một lượt khắp sơ đồ, tìm cái tên Chris Harper. Không thấy. Sơ đồ này không ghi tên người. Chỉ có các phòng ban. PODS? Cô tự hỏi, nhìn khắp sơ đồ lần nữa, hy vọng thấy dấu hiệu nào đó liên quan đến máy chụp cắt lớp địa cực trong quỹ đạo. Cũng không thấy. Cô bồn chồn nhìn lại đằng sau, sợ bị nhân viên của NASA phát hiện. Gabrielle vừa trông thấy trên tường một hàng chữ có vẻ hứa hẹn, tầng 4: TRUNG TM NGHIÊN CỨU TRÁI ĐẤT, GIAI ĐOẠN HAI Hệ thống quan sát trái đất (EOS) Vẫn cố gắng không để người khác nhận ra mình, Gabrielle đến bên thang máy được bố trí cạnh đài phun nước. Cô tìm nút bấm điều khiển thang máy, nhưng chỉ nhìn thấy mấy cái hốc để đưa thẻ vào. Chết tiệt. Thang máy ở đây chỉ dành cho nhân viên - phải có thẻ ra vào thì mới sử dụng được… Một toán thanh niên hăm hở đến bên thang máy, nói cười hoan hỉ. Họ đều đeo thẻ ra vào của NASA. Gabrielle ngay lập tức làm ra vẻ cúi xuống bên đài phun nước, mặt quay ra phía khác. Một anh chàng mặt đầy trứng cá đưa thẻ vào khe cửa thang máy, cánh cửa mở ngay lập tức. Anh ta vừa gật gù đầy hưng phấn vừa cười lớn. - Mấy anh chàng bên SETI chắc đang hoá điên! - Anh ta nói khi cả nhóm đã ở trong buồng thang máy. - Mấy cỗ máy ọc ạch của họ suốt hai mươi năm nay hoài công săm soi các giải thiên hà, trong khi bằng chứng về sự sống lại bị chôn vùi trong băng hà ngay trên trái đất suốt ngần ấy năm! Cửa thang máy khép lại, toán thanh niên biến mất. Gabrielle đứng thẳng dậy, quệt mồ hôi trên trán, không biết nên làm gì. Cô đưa mắt nhìn quanh, tìm máy điện thoại nội bộ. Không thấy. Cô nghĩ đến chuyện ăn cắp thẻ ra vào, nhưng ngay lập tức tự nhủ rằng như thế là dại dột. Gabrielle nhìn thấy cô gái ban nãy vừa tỏ ra bực bội với cô. Cô ta đang len qua đám đông, cùng với một nhân viên an ninh của NASA. Người đàn ông đầu hói, có ria, hối hả bước tới thang máy. Gabrielle lại cúi xuống bên đài phun nước. Ông ta không hề để ý xưng quanh. Gabrielle lặng lẽ nhìn ông ta tra thẻ vào khe cửa. Cửa thang máy lạỉ mở, ông ta bước vào. Nhanh lên. Gabrielle tự nhủ, quyết tâm chớp lấy cơ hội. Hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ… Cửa thang máy sắp khép lại, Gabrielle nhảy bổ vào, tay giữ cánh cửa. Hai cánh cửa lại mở rộng ra, cô bước vào, ánh mắt ngời sáng, đầy phấn chấn. - Anh đã bao giờ được chứng kiến sự kiện nào giống thế này chưa? Cô nhanh nhẩu nói, làm ông ta giật mình. - Lạy Chúa, quá tuyệt vời! - ông ta gật đầu nhìn cô lạ lẫm. - Mấy anh chàng bên SETI chắc sắp hoá điên! - Gabrielle nói. - Mấy cỗ máy ọc ạch của họ suốt hai mươi năm săm soi dải thiên hà, trong khi bằng chứng về sự sống thì nằm chơn vùi trong băng hà ngay trên Trái đất! Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên: - À… ừ… Đúng là… - Ông ta nhìn Gabrille, tỏ vẻ băn khoăn vì không thấy cô đeo thẻ. - Xin lỗi, cô là… - Cho tôi lên tầng 4. Tôi vội đến nỗi suýt quên cả áo lót! - Cô cười khanh khách, mắt liếc thật nhanh thẻ ra vào của ông ta: JAMES THEISEN, trưởng phòng tài vụ. - Cô có phải là nhân viên không? - Ông ta có vẻ không thoải mái. - Cô là…? Gabrielle giả bộ há hốc miệng. - Jim! Em thất vọng quá! Phụ nữ ghét nhất là bị quên tên đấy! Ông ta tái mặt, mất tự nhiên, bối rối gãi đầu: - Tôi xin lỗi. Quá phấn khích ấy mà, cô biết đấy. Quả thật trông cô quen lắm. Cô ở chương trình nào nhỉ? Chết tiệt. Gabrielle tự tin mỉm cười: - EOS. Ông ta chỉ tay vào con số bốn đang nhấp nháy sáng trên tường. - Dĩ nhiên rồi. Chính xác là dự án nào nhỉ? Tim Gabrielle đập thình thịch. Cô chỉ nghĩ được duy nhất một cái tên. - PODS. Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên. - Thế à? Tôi tưởng tôi đã biết hết nhân viên của tiến sĩ Harper rồi. Cô ngượng ngùng gật đầu. - Chris giấu tôi kỹ lắm. Chính tôi là nhân viên lập trình ngớ ngẩn đã nhầm chỉ số voxel khi viết phần mềm. Lần này ông ta há hốc miệng. - Hoá ra là cô à? Gabrielle nhăn nhó. - Tôi mất ngủ mấy tuần liền. - Nhưng tiến sĩ Harper đã nhận hết trách nhiệm cơ mà! - Tôi biết. Chris là người như thế. Vô cùng độ lượng. Nhưng mà buổi họp báo tối nay thì tuyệt vời. Tảng thiên thạch ấy mà. Tôi phát điên lên mất! Thang máy đừng lại ở tầng bốn. Gabrielle bước ra ngay. - Rất vui được gặp lại anh, Jim ạ! Cho tôi gửi lời hỏi thăm các chàng trai ở phòng tài vụ nhé! - Tất nhiên rồi. - Ông ta lắp bắp khi cửa thang máy khẻp lại. - Rất vui được gặp lại cô. Chương 84 Cũng như đa số những đời Tổng thống trước, mỗi đêm. Zach Herney chỉ được ngủ khoảng bốn đến năm giờ đồng hồ. Tuy nhiên, trong những tuần vừa qua, ông còn được ngủ ít hơn thế. Khi những hân hoan, hờ hởi của thắng lợi bắt đầu lãng dần xuống, ông nhận ra rằng đêm đã về khuya. Cùng một vài cộng sự thân thiết, ông vừa uống rượu sâm banh để mừng thắng lợi trong phòng Rooservelt. Các kênh truyền hình thay nhau phát đi phát lại những hình ảnh của buổi họp báo, trích đoạn bộ phim tài liệu của Tolland, và cả những lời xác nhận của các chuyên gia. Ngay lúc này, trên màn hình tivi là cảnh một phóng viên tay cầm micro đang đứng ngay trước Nhà Trắng. - Ngoài những tác động to lớn đối với toàn thể nhân loại, - cô ta nói là những tác động chính trị không thể chối cãi ngay tại Washington. - Tảng thiên thạch được tìm thấy đúng vào thờí điểm cực kỳ, thuận lợi cho ngài Tổng thống vốn đang phải hứng chịu những đòn công kích rất gay gắt. - Giọng cô ta chuyển sang trầm trọng - Và vào thời điểm chết người đối với Thượng nghị sĩ Sexton. - Ngay sau lời nhận định đó là trích đoạn cuộc đối thoại diễn ra đầu giờ chiều cùng ngày hôm nay: "Sau ba mươi lăm năm chờ đợi, - Sexton công bố - tôi tin là chúng ta không thể tìm thấy sự sống trong vũ trụ" "Thế nếu anh sai thì sao? - Marjorie Tench hỏi". Sexton sừng sộ: "Ồ, lạy Chúa, nếu thế thì tôi sẽ nuốt chửng mũ của tôi". Tất cả những người đang ngồi trong phòng Rooservelt cười phá lên. Xem lại thế mới thấy câu hỏi của Tench quả là ác hiểm, nhưng ngay lúc đó thì chưa ai để ý, giọng điệu và lời lẽ của Sexton vô cùng ngạo mạn, và thật đáng đờỉ ông ta. Tổng thống nhìn khắp căn phòng, tìm Tench. Ngay từ trước cuộc họp báo bà ta đã biến mất, và đến giờ vẫn không thấy tăm hơi. Lạ thật. Ông thầm nghĩ, đây cũng chính là thắng lợi của bà ta cơ mà. Bản phân tích tin được phát tiếp theo đó lại một lần nữa đề cập tới thắng lợi giòn giã của Tổng thống và sự trượt dốc thê thảm của Thượng nghị sĩ Sexton. Chỉ sau một ngày mà thời cuộc đổi thay ấy à? Tổng thống thầm nghĩ. Trên chính trường, cả thế giới có thể xoay vần chỉ trong vài tích tắc ấy chứ. Đến lúc bình minh lên, chính Tổng thống sẽ hiểu hết ý nghĩa của những lời ấy. Chương 85 Pickering có thể gây chuyện, Tench đã nói vậy. Quá đắm chìm trong chuỗi suy tư, Giám đốc Ekstrom không nhận thấy rằng cơn bão đang mạnh lên từng phút trên dòng sông băng. Những sợi dây néo bị kéo căng rền rĩ to hơn, và các nhân viên của NASA đang tán gẫu vì không ai ngủ được. Nhưng tâm trí của Ekstrom đang bận bịu với cơn bão khác - cơn giông tố chính trị đang hình thành ở Washington. Những giờ vừa rồi thật là lắm sự kiện, và ông đã một mình đường đầu. Nhưng lúc này, một vấn đề khác liên quan đến nhiều người hơn đã nảy sinh. Pickering có thể gây chuyện. Trên thế gian này, có lẽ không một bộ óc nào có thể sánh ngang tầm với ông, trừ Pickering. Bao năm nay ông ta đã giày vò NASA tìm mọi cách can thiệp vào các vấn đề nội bộ của NASA, vận động hành lang để giành quyền ưu tiên trong rất nhiều điệp vụ, và lớn tiếng công kích tất cả những thất bại của họ. Ông biết, Pickering căm ghét NASA từ rất lâu, trước vụ nổ tên lửa đẩy của NASA phá huỷ hoàn toàn vệ tinh SIGNT trị giá bạc tỉ của NRO, hay quyết định tuyển dụng nhân sự cấp cao của NASA. Thái độ không bằng lòng của Pickering đối với NASA là cả một câu chuyện dài tạo nên bởi những thất vọng và giận dữ. Tàu vũ trụ X33 của NASA đã hoạt động lâu hơn thời hạn định trước những năm năm, khiến cho hàng chục chương rình bảo dưỡng và phóng thiết bị mới của NRO bị huỷ bỏ hoặc hoãn lại. Mới đây cơn cáu giận của Pickering về tàu vũ trụ X-33, chuyển thành cơn thịnh nộ khủng khiếp khi ông ta phát hiện ra rằng NASA đã huỷ bỏ dự án ấy, gây thiệt hại khoảng 900 triệu đô la. Ekstrom về đến phòng làm việc của mình. Ông kéo rèm cửa, bước vào trong. Ông sắp phải cân nhắc vài quyết định. Ngày hôm nay, sau bước khởi đầu tốt đẹp, đang dần chuyển thành một cơn ác mộng. Ông cố đặt mình vào địa vị của Pickering để suy nghĩ. Ông ta sẽ hành động thế nào đây? Một người có đầu óc như Pickering chắc chắn phải nhận thức được tầm quan trọng của phát kiến này. Ông ta sẽ phải chấp nhận một số vấn đề vặt vãnh nảy sinh ngoài dự kiến ông ta phải thấy được những tác động ghê gớm của việc làm hỏng giây phút vinh quang này. Pickering sẽ làm gì sau khi thu thập được thông tin? Liệu ông ta có thẳng tay bắt NASA phải trả giá cho những thiếu sót ấy hay không? Ekstrom rên rỉ, điều này thì ông không còn nghi ngờ gì nữa. Rốt cuộc thì những khúc mắc của Pikering đối với NASA quả là vô cùng sâu sắc… Đó là những chua chát của cá nhân ông ta… Những khúc mắc sâu sắc hơn những vấn đề chính trị này nhiều. Chương 86 Rachel ngồi yên lặng, dõi nhìn ra ngoài cửa sổ của chiếc phi cơ G4 đang đưa cả nhóm về phương nam, ngang qua bờ vịnh St. Lawrence thuộc địa phận Canada. Cạnh cô, Tolland đang chuyện trò với Corky. Dù phần lớn các chỉ số cho thấy tảng thiên thạch là thật chi tiết mà Corky vừa thừa nhận, rằng hàm lượng nickel trong chất đá của nó nằm ngoài khoảng trung bình đã một lần nữa nhen lên trong tâm trí Rachel những nghi ngờ ban đầu. Bí mật khoan thủng phiến băng từ phía dưới để đưa tảng đá vào trong lòng băng là một âm mưu hoàn hảo. Dù sao thì những bằng chứng khoa học vẫn chỉ ra rằng đó đích thực là một tảng thiên thạch. Rachel thôi không nhìn ra ngoài nữa, cô cúi xuống nhìn mẫu đá đang cầm trên tay. Những chrondrule bé tí phản quang lóng lánh. Corky và Tolland đã thảo luận về những chrondrule bé nhỏ này hồi lâu, họ nhắc đến những thuật ngữ khoa học nằm ngoài phạm vi hiểu biết của cô - mức độ olivine cân bằng, chất nền siêu bền, những biến dạng đã tái đồng nhất. Nhưng kết luận thì rất rõ: Corky và Tolland đều thống nhất quan điểm cho rằng những chrondrule là bằng chứng chắc chắn chứng minh cho nguồn gốc vũ trụ của tảng đá. Dữ liệu đó thì không thể làm giả được. Xoay xoay mẫu đá mỏng trong lòng bàn tay, ngón tay của Rachel chạm vào lớp vỏ bị cháy xém. Lớp vỏ nóng chảy trông rất mới - chẳng có vẻ gì là đã được ba trăm tuổi cả - mặc dù Corky đã giải thích rằng trong suốt thời gian đó, tảng thiên thạch bị bao kín trong băng đá và không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào của bầu khí quyển. Có vẻ rất logic. Rachel đã thấy trên tivi những xác người bị chôn kín trong băng bốn ngàn năm mà nước da vẫn gần như hoàn hảo. Chăm chăm nhìn lớp vỏ bị nóng chảy, một ý nghĩ chợt loé lên trong trí não Rachel - một dữ liệu hiển nhiên đã bị bỏ sót. Cô tham tự hỏi không hiểu người ta đã cố ý làm vậy khi giải thích với cô về tảng đá, hay chỉ là một sơ suất vô tình. Cô đột ngột quay sang hỏi Corky: - Mọi người đã kiểm tra niên đại của lớp vỏ nóng chảy này chưa? Corky nhìn cô bối rối: - Cái gì? - Đã có ai kiểm tra niên đại của lớp vỏ bị cháy chưa? Chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng lớp vỏ này được tạo ra cùng thời điểm với sự kiện Junger Fall hay không? - Rất tiếc, - Corky trả lời, - cái đó thì không thể xác định được. Oxy đã mài mòn sạch dấu vết các chất đồng vị. Đấy là chưa kể đến tỉ lệ giảm chất đồng vị phóng xạ rất thấp đã không cho phép xác định bất kỳ vật gì với niên đại dưới năm trăm năm. Rachel ngẫm nghĩ trong giây lát, giờ thì cô đã hiểu vì sao không ai nhắc đến niên đại của lớp vỏ cháy xém. - Như thế có nghĩa là lớp vỏ này có thể bị nóng chảy từ thời Trung Cổ, hoặc mới tuần vừa rồi, đúng thế không? Tolland cười khà khà: - Có ai dám khẳng định là khoa học đã trả lời được mọi câu hỏi đâu! Rachel nói thành tiếng những suy nghĩ của mình: - Chỉ cần nung ở nhiệt độ cao là sẽ có một lớp vỏ bị nóng chảy. Về mặt kỹ thuật thì lớp vỏ này có thể xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong vòng nửa thế kỷ qua, bằng nhiều cách khác nhau. - Sai rồi. - Corky đáp. - Nung nóng bằng nhiều cách khác nhau ư? Không đâu. Chỉ bằng một cách mà thôi. Cọ xát vào bau khí quyển. - Không có cách nào khác à? Thế còn trong lò nung thì sao? - Lò nung? - Corky nói. - Chúng tôi đã dùng kính hiển vi điện tử để soi lớp vỏ bị nóng chảy này. Ngay cả lò nung sạch sẽ nhất hành tinh này cũng vẫn để lại cặn nhiên liệu trên mặt đá - phóng xạ hạt nhân hoá chất, nhiên liệu hoá thạch. Quên khả năng đó đi. Lại còn các sọc dọc do rơi qua tầng khí quyển nữa chứ. Trong lò nung thì sao có cái đó được? Corký lắc đầu: - Lớp vỏ nóng chảy này quá tinh khiết. Rachel nhìn sang Tolland. Nhà đại dương học gật đầu: - Tiếc là tôi có hiểu biết đôi chút về núi lửa, cả trên cạn lẫn dưới nước. Corky nói đúng đấy. Trong tro bụi của núi lửa có rất nhiều độc tố - dioxyt carbon, dioxit sunfur, sunfat hydro, acide chlohydric - tất cả những thứ đó sẽ hiện rõ mồn một trong kính hiển vi điện tử. Buộc phải thừa nhận rằng lớp vỏ nóng chảy này là kết quả của quá trình ma sát với bầu khí quyển tinh khiết. Rachel thở dài, lại đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. "Nóng chảy tinh khiết". Những ngôn từ ấy cứ bám chặt lấy tâm trí cô. Rachel lại quay sang Tolland. - Nóng chảy tinh khiết có nghĩa là sao? Ông nhún vai: - Đơn giản là khi soi bằng kính hiển vi điện tử. không phát hiện được dấu vết nào của nhiên liệu hoá thạch, nên người ta kết luận rằng nhiệt lượng tạo ra nóng chảy chỉ có thể là kết quả của năng lượng tạo ra do động lực chứ không phải do hoá chất hay các nguyên liệu hạt nhân. - Nếu không có vết tích của nhiên liệu thì người ta sẽ tìm thấy cái gì? Thành phần cụ thể của lớp vỏ nóng chảy này là gì? Corky lên tiếng: - Chúng tôi tìm thấy đúng những thứ đang chủ đích tìm. Những thành phần của bầu không khí tinh khiết. Ni tơ, oxy hydro… Không nhiên liệu hoá thạch, không sunfur, không acide núi lửa. Không có gì đặc biệt cả. Chỉ toàn những chất tạo ra trong quá trình tảng thiên thạch rơi trong bầu khí quyển mà thôi. Rachel ngả người trên ghế, cố tập trung suy nghĩ. Corky nhoài người về phía cô. - Xin cô đừng nói với tôi là cô đang nghĩ đến chuyện NASA đưa một tảng đá có hoá thạch lên trên trời bằng tên lửa đẩy, sau đó ném ùm xuống mặt đất với hi vọng là không một ai nhìn thấy quả cầu lửa rơi xuống, hay nghe thấy vụ nổ khủng khiếp, hay nhìn thấy cái hố khổng lồ mà nó tạo ra. Rachel chưa nghĩ xa đến thế, nhưng quả thật đó cũng là một khả năng. Tuy không thực tế, nhưng rất hấp dẫn. Thực ra, những ý nghĩ trong đầu cô gần mặt đất hơn nhiều. Tất cả những thanh phần tự nhiên của khí quyển. Nóng chảy tinh khiết. Những vằn sọc do rơi tự do trong bầu khí quyển. Một tia sáng le lói vừa tắt ngấm trong tâm trí Rachel. - Thành phần của khí quyển mà anh nhìn thấy ở tảng đá này, - cô nói - có trùng khớp hoàn toàn với tất cả những tảng thiên thạch khác hay không? Dường như Corky có ý thoái thác câu hỏi này: - Cô nói gì cơ? Nhận thấy thoáng phân vân của Corky, tim Rachel đập rộn lên. - Tỉ lệ đó không trùng khớp, đúng thế không? - Có thể giải thích chi tiết đó một cách khoa học. Mạch Rachel đập dồn: - Anh có tình cờ nhận thấy bất kỳ thành phần nào có tỉ lệ khác thường không? Tolland và Corky chột dạ nhìn nhau. - Có đấy, nhưng mà… - Corky nói. - Có phải tỉ lệ hydro bị ion hoá không? Nhà vũ trụ học trố mắt kinh ngạc: - Làm sao cô biết được điều đó? Ánh mắt của Tolland cũng đầy kinh ngạc. Rachel nhìn thẳng vào họ: - Thế tại sao không ai nói gì với tôi? - Vì có một cách giải thích hết sức khoa học cho chỉ tiết đó. - Corky dõng dạc. - Tôi đang nghe đây. - Rachel nói. - Tỉ lệ hydro bị ion hoá quả là có cao hơn. - Ông ta nói tiếp. - Bởi vì tảng thiên thạch này rơi xuyên qua vùng khí quyển của Cực Bắc. Và điều kiện từ trường đặc trưng của vùng này đã tạo ra tỉ lệ khí hydro bị ion hoá hơi cao hơn bình thường. Rachel nhíu mày: - Tiếc rằng tôi lại có một cách giải thích khác. Chương 87 Hành lang lầu bốn của NASA trông không ấn tượng như đại sảnh ở tầng một - dọc những bức tưởng đơn điệu là các cánh cửa vuông thành sắc cạnh trông buồn thảm. Hành lang không một bóng người. Những tấm biển chỉ hướng được đính trên tường. << LANSAT 7 TERRA >> << ACRIMSAT << JASON 1 AQUA >> PODS>> Gabrielle đi theo hướng tấm biển đề PODS. Sau vài lần rẽ ngang rẽ dọc, cô đứng trước hai cánh cửa sắt nặng nề. Trên cửa có tấm biển: MÁY CHỤP CẮT LỚP ĐỘ ĐẬM ĐẶC ĐỊA CỰC TRÊN QUỸ ĐẠO (PODS) Giám đốc Dự án, Chris Harper Cửa khoá, chỉ mở khi có thẻ ra vào và mã số PIN. Gabrielle áp tai vào cánh cửa thép. Hình như loáng thoáng có tiếng người bên trong. Tranh cãi. Cũng có thể không phải. Cô thầm cân nhắc liệu có nên đập cửa thật mạnh để gọi họ ra mở cửa hay không. Nhưng ý đồ của cô đối với tiến sĩ Harper đòi hỏi sự tinh tế hơn nhiều so với sách lược đập cửa này. Cô nhìn quanh tìm lối vào khác, nhưng không có. Chỉ thấy có một hốc tường ngay cạnh cửa ra vào. Cô bước vào, đưa mắt tìm chùm chìa khoá hay cái thẻ ra vào nào đó. Không thấy gì. Chỉ toàn những chổi và cây lau nhà. Gabrielle lại quay về bên cánh cửa, áp sát tai nghe ngóng. Lần này thì cô nghe rất rõ tiếng người bên trong. Mỗi lúc một to hơn. Cả tiếng bước chân nữa. Có người đang tra chìa vào ổ từ bên trong. Khi cánh cửa bật mở, Gabrielle không kịp quay lại nấp trong hốc tường. Cô nhảy vội sang một bên, áp sát người vào tường, sau cánh cửa. Một toán người bước ra, vừa đi vừa tranh luận ầm ỹ. Họ có vẻ bực bội. - Không hiểu Harper có vấn đề quái quỷ gì nữa. Đáng nhẽ ra ông ta phải sung sướng tột độ mới phải chứ. - Một đêm như đêm nay, - một người khác nói tiếp khi cả nhóm đi qua ngay sát Gabrielle - thế mà ông ấy lại muốn ở một mình! Khi nhóm người đi hết, những chiếc bản lề đệm hơi bắt đầu khép cánh cửa lại, để lộ ra Gabrielle đang đứng sát tường. Cô cố đứng im càng lâu càng tốt, cho đến khi chỉ còn vài inch nữa là cánh cửa đóng hẳn, lại. Cô nhảy bổ vào, tay chộp lấy mép cửa. Rồi Gabrielle lại tiếp tục đứng im thin thít, đợi cho bọn họ đi khuất hẳn cuối hành lang. Mải mê với đề tài bàn luận của mình, chẳng ai để ý thấy Gabrielle đang có mặt ở đó… Tim đập thình thình, Gabrielle kéo cánh cửa mở rộng ra và bước vào trong sảnh lớn mờ tối. Cô khẽ khàng đóng cửa lại. Đây là khu làm việc rộng rãi, khá giống phòng thí nghiệm vật lý trong trường đại học: máy tính, khu làm việc có vách quây, dụng cụ điện tử. Khi mắt đã quen với bóng tối, cô bắt đầu nhận ra những màn hình vi tính màu xanh sẫm đặt quanh phòng. Toàn bộ khu này đều tối, ngoại trừ một căn phòng ở phía cuối thấy có ánh sáng hắt ra từ dướỉ khe cửa. Gabrielle lặng lẽ tiến về phía đó. Cửa đóng, nhưng nhìn qua cửa sổ, cô thấy một người đang ngồi bên máy vi tính Gabrielle ngay lập tức nhận ra người đã phát biểu trong buổi họp báo của NASA. Tấm biển trên cánh cửa có ghi: Chris Harper Giám đốc Dự án, PODS Đã vào đến tận đây, vậy mà Gabrielle chợt cảm thấy sợ hãi, thầm lo không hiểu có tìm ra được sự thật hay không. Cô nhớ lại thái độ quả quyết của Thượng nghị sĩ khi ông nói rằng Chris Harper đã nói dối. "Tôi có thể lấy toàn bộ sự nghiệp ra để đành cược điều này", ông đã nói thế. Dĩ nhiên là còn nhiều người khác nữa cũng có cảm giác đó, những người giờ đang trông cậy vào cô để vạch trần được sự thật, hòng trừng phạt NASA để gỡ gạc lại phần nào sau những sự kiện kinh khủng tối nay. Sau khi, bị Tench và Tổng thống Herney hù doạ một cách hèn hạ lúc chiều, cô rất nóng lòng muốn lập công. Cô giơ tay lên định gõ cửa, rồi lại thôi. Những lời nói của Yolanda chợt vang lên trong, tâm trí. Nếu Chris Harper lừa phỉnh cả thế giới về PODS thì hà cớ gì ông ta lại thú nhận với em cơ chứ! Sự sợ hãi, Gabrielle tự nhủ, suýt nữa thì ngày hôm nay cô đã trở thành nạn nhân của nó. Cô đã có một kế hoạch. Bao gồm chiến thuật mà Thượng nghị sĩ thỉnh thoảng vẫn dùng đến để doạ dẫm đối phương. Sau một thời gian phò tá Thượng nghị sĩ, Gabrielle đã học được khá nhiều, tuy không phải tất cả những thứ cô tiếp thu được đều thánh thiện và tốt đẹp Nhưng tối nay cô cần tất cả những thứ đó. Nếu cô có thể ép Chris Harper thừa nhận đã nói dối - bất kể vì lý do gì - thì cô đã mở được một cánh cửa cho chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ. Chỉ chừng đó là đủ, bởi với tài biến báo của mình, Sexton có thể tự lèo lái chiến dịch tranh cử qua tất cả những chặng còn lại. Ý đồ của Gabrielle lúc này là sử dụng kế sách mà Sexton gọi là "bắn chỉ thiên" - một phương pháp thẩm vấn do những người La Mã phát minh ra để dụ cho những tên tội phạm bị tình nghi đang nói dối phải nhận tội. Một sách lược đơn giản đến không ngờ. Khẳng định thông tin cần đối tượng thú nhận… Sau đó buộc đối tượng vào những tội to hơn. Mục đích là để cho đối tượng có cơ hội chọn tội nhẹ hơn - chính là sự thật trong tình huống này. Để áp dụng phương sách này cần phải rất tự tin, mà đó chính là thứ lúc này hình như cô không có nổi. Hít một hơi thật sâu, cô duyệt lại lần nữa kịch bản trong đầu. Rồi mạnh bạo gõ cửa. - Tôi đã bảo là đang bận! - Harper nói vọng ra, ngữ điệu Ăng-lê rất quen thuộc… Cô lại gõ cửa. Mạnh hơn. - Tôi đã bảo là không muốn xuống đó mà lại! Lần này, Gabrielle đấm cửa thình thình. Chris Harper bước ra giật mạnh cánh cửa. - Đồ quỷ sứ, các anh… - Ông ta im bặt, ngạc nhiên trông thấy Gabrielle. - Tiến sĩ Harper. - Gabrielle lên tiếng, cố làm ra vẻ đầy tự tin. - Làm sao cô vào được tận đây? Mặt Gabrielle lạnh te: - Ông có biết tôi là ai không? - Sao không! Sếp của cô bêu riếu chúng tôi suốt mấy tháng nay còn gì? Làm sao cô vào được tận trong này? - Thượng nghị sĩ Sexton phái tôi đến đây. Ông ta đưa mắt nhìn phòng thí nghiệm vắng tanh sau lưng Gabrielle. - Ai dẫn cô lên đây? Cái đó ông không cần biết. Thượng nghị sĩ có rất nhiều mối quan hệ. - Trong toà nhà này? - Ông ta ngờ vực nhìn Gabrielle. - Ông đã xử sự không trung thực, tiến sĩ Harper ạ. Rất tiếc phải thông báo với ông là Thượng nghị sĩ đang kêu gọi thành lập một uỷ ban Thượng viện để điều tra những hành vi không trung thực của ông. Vẻ mặt ông ta thoáng chút sững sờ. - Cô đang nói về chuyện gì? - Giả bộ ngây ngô là một hành động xa xỉ hoàn toàn không thích hợp với những người có đầu óc như ông đâu, tiến sĩ ạ. Ông đang gặp rắc rối, và Thượng nghị sĩ phái tôi đến đây để thoả thuận với ông một điều. Tối nay chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ đã bị giáng một đòn chí tử. Ông ấy không còn gì để mất, và rất sẵn lòng kéo luôn ông xuống đất đen cùng một thể nếu cần. - Cô đang nói cái quái gì thế hả? Gabrielle hít thật sâu để lấy thêm can đảm. - Trong buổi họp báo về phần "mềm xử lý thông tin trên vệ tinh PODS", ông đã nói dối. Chúng tôi đều biết điều đó. Cho nên không cần bàn đến nữa. Harper chưa kịp nói câu gì. Gabrielle đã tiếp tục nói phủ đầu: - Ngay lúc này Thượng nghị sĩ có thể lôi chuyện ông nói dối ra, nhưng ông ấy không quan tâm đến điều đó. Ông ấy đang để tâm đến một sự kiện khác quan trọng hơn. Tôi tin rằng ông biết rõ tôi đang nói đến cái gì. - Không, tôi… - Lời đề nghị của Thượng nghị sĩ là thế này: ông ấy sẽ không đả động đến chuyện ông nói dối trong buổi họp báo nếu ông đồng ý công khai tên tuổi nhân vật chóp bu của NASA đang đồng loã với ông biển thủ công quỹ. Hai mắt Harper mở thao láo: - Cái gì? Tôi đâu có biển thủ công quỹ! - Tôi tin rằng ông là người ăn nói chín chắn, thưa tiến sĩ… Uỷ ban Thượng viện đã tiến hành thu thập tài liệu từ nhiều tháng nay rồi. Chẳng lẽ ông tin là có thể giữ kín được cơ à? Dám cả gan giả mạo chứng từ của dự án PODS, dùng thủ đoạn chi tiền sai mục đích để bỏ túi tư lợi? Nói dối và tham ô sẽ khiến ông phải vào nhà đá đấy, thưa tiến sĩ Harper. - Tôi đâu có làm chuyện đó! - Ông bảo là không nói dối về dự án PODS hay sao? - Không! Tôi khẳng định không hề biển thủ công quỹ? - Có nghĩa là ông thừa nhận có nói dối về PODS? Ông ta trợn tròn mắt, không nói nên lời. - Hãy bỏ qua chuyện ông nói dối. - Gabrielle nói tiếp, chuyển hướng cuộc đấu khẩu. - Thượng nghị sĩ Sexton không quan tâm đến chuyện ông nói dối trong cuộc họp báo đó. Chuyện đó quá thường. NASA đã tìm thấy tảng thiên thạch, bằng cách nào thì cũng thế cả thôi. Cái ông ấy đang chú tâm chính là chuyện biển thủ công quỹ. Ông ấy muốn hạ bệ một nhân vật chóp bu ở đây. Nếu ông chịu thú nhận kẻ đồng loã với ông thì ngài Thượng nghị sĩ sẽ lái cuộc điều tra để ông không bị động đến. Nếu ông không muốn sung sướng, không chịu nói cho chúng tôi biết tên của kẻ đồng loã đó, thì Thượng nghị sĩ sẽ chẳng nương tay, và sẽ ngay lập tức cho điều tra về những lời dối trá liên quan đến phần mềm xử lý thông tin của các ông. - Cô đừng có xạo? Chẳng có trò biển thủ nào hết! - Ông đúng là đồ dối trá trơ trẽn, tiến sĩ Harper ạ. Tôi đã đọc tất cả các tài liệu đó. Tên của ông lù lù trên mặt giấy. Không biết bao nhiêu lần. - Tôi thề là không hề biết gì về việc đó! Gabrielle thở dài, làm ra vẻ thất vọng. - Ông hãy thử đặt mình vào địa vị của tôi, tiến sĩ ạ. Trong tình thế này thì tôi chỉ có thể rút ra hai kết luận mâ thôi. Hoặc là ông đang nói dối tôi, y như đã nói dối trong cuộc họp báo đó. Hoặc là ông nói thật, và nhân vật chóp bu nào đó trong cơ quan này đang dựng ông lên làm bù nhìn để che tội cho bản thân. Câu nói ấy dường như khiến Harper tĩnh trí được đôi phần. Gabrielle giơ tay lên xem đồng hồ. - Thượng nghị sĩ chỉ dành cho cuộc thoả thuận này một giờ đồng hồ. Ông có cơ hội tự cứu mình bằng cách nói ra tên của nhân vật chóp bu NASA đang cùng ông biển thủ tiền thuế của dân Mỹ. Ngài Thượng nghị sĩ không quan tâm đến ông. Ông ấy muốn bắt được con cá to kia. Hiển nhiên là người thứ hai trong vụ này phải là người có vai vế ở NASA; và người đó không để tên mình chường ra trên mặt giấy, chỉ có tên ông xuất hiện như hình nhân thế mạng mà thôi. Harper lắc đầu: - Cô nói dối. - Ông có muốn đứng trước toà để nói ra điều đó không? - Sao không? Tôi sẽ phủ nhận mọi cáo buộc. - Sau khi đã thề chỉ nói sự thật à? - Gabrielle lên giọng đầy khinh bỉ. - Chắc ông cũng sẽ lớn tiếng nói rằng không hề nói sai sự thật về phần mềm của PODS đấy nhỉ? - Vừa nhìn thẳng vào mắt ông ta, Gabrielle vừa nghe thấy tim mình đập đến vỡ cả lồng ngực. - Ông hãy lựa chọn cho kỹ, tiến sĩ ạ. Nhà tù Hoa Kỳ không phải là chốn dễ chịu lắm đâu. Harper cũng nhìn thẳng vào mắt cô, còn Gabrielle thì cố tập trung tinh lực để khiến ông ta phải cụp mắt xuống. Trong một tích tắc Gabrielle tưởng như nhìn thấy ý định đầu hàng trong mắt ông ta. Nhưng khi Harper len tiếng, giọng ông ta sắc lạnh. điềm tĩnh. - Cô Ashe này! - ông ta dõng dạc, mắt quắc lên giận dữ - thôi cái trò bắt nọn ấy đi. Cả tôi lẫn cô đều biết rằng ở NASA chẳng có trò biển thủ công quỹ nằo hết. Kẻ duy nhất đang nói dối trong căn phòng này chính là cô đấy. Gabrielle thấy cơ thể như hoá đá. Ánh mắt sắc lạnh của ông ta chòng chọc nhìn thẳng vào cô. Mình bày trò xảo trá trước mặt một nhà khoa học về tên lửa. Thế này là đáng đời mày lắm Gabrielle ạ. Cô cố ngẩng cao đầu. - Tôi chỉ cần biết là, - cô làm bộ tỉnh bơ, không thèm đếm xỉa đến phản ứng của ông ta - tất cả những tài liệu mà tôi đã đọc đều cho thấy hành vi gian lận của ông và một nhân vật khác trong NASA. Và tôi chỉ biết là Thượng nghị sĩ phái tôi đến đây để đề nghị ông hãy khai ra kẻ đồng loã của mình để khỏi phải chịu tội một mình. Và bây giờ tôi sẽ về báo cáo với Thượng nghị sĩ là ông muốn một mình ra trước vành móng ngựa ông cứ việc nói vớỉ toà như vừa nội với tôi, rằng ông không biển thủ công quỹ, và cũng không nói dối về phần mềm của dự án PODS. - Cô nhếch mép cười hăm doạ. - Nhưng sau buổi họp báo chẳng ra đâu vào đâu cách đây hai tuần thì tôi rất nghi ngờ điều đó. - Gabrielle quay gót và sải bước ra khỏi phòng làm việc của Giám đốc Dự án PODS, thầm nghĩ chính ra cô mới là người phải vào nhà đá trước chứ không phải là ông ta. Gabrielle ngẩng cao đầu bước đi, thầm mong Harper gọi mình lại. Im lặng. Cô đẩy cánh cửa thép và bước ra sảnh ngoài mờ tối, ao ước giá thang máy ở đây không được cài đặt để vận hành bằng thẻ ra vào. Cô đã thua. Cô đã cố hết sức, nhưng Harper không mắc bẫy. Biết đâu ông ta nói thật trong buổi họp báo đó thì sao? Gabrielle thầm nghĩ. Tiếng cửa mở đánh sam vang khắp sảnh khi cánh cửa sắt sau lưng Gabrielle bị giật mạnh. - Cô Ashe này. - Harper gọi theo. - Tôi thề không biết gì về vụ biển thủ đó. Tôi là người trung thực! Tim Gabrielle đập rộn lên sung sướng, nhưng hai chân cô vẫn tiếp tục sải bước. Gabrielle làm bộ nhún vai và nói vọng lại: Trung thực nhưng tại sao ông lại nói dối trong buổi họp báo đó? Im lặng. Gabrielle tiếp tục tiến ra cửa. - Dừng lại đã! - Harper hét ầm lên. Ông ta chạy đuổi theo Gabrielle, mặt tái mét. Về vụ biển thủ công quỹ này, - Ông ta hạ giọng - tôi biết kẻ nào đã dựng chuyện cho tôi rồi. Gabrielle đứng lại, chưa dám tin hẳn vào tai mình. Cô làm ra vẻ thật tự nhiên, chậm rãi quay đầu lại. - Ông muốn tôi tin là có người dựng chuyện cho ông ư? Ông ta thở dài: - Tôi thề là không hề biết gì về vụ thụt két đó. Nhưng nếu có những chứng cứ chống lại tôi thì… - Nhiều lắm. Harper thở dài. - Nếu thế thì tất cả đều là trò vu khống. Chắc chắn là để làm tôi bị mất uy tín. Và chỉ một người có thể làm được điều đó. Harper nhìn sâu vào mắt Gabrielle: - Lawrence Ekstrom rất căm ghét tôi. Gabrielle hoàn toàn bất ngờ. - Giám đốc NASA ư? Harper gật đầu một cách nghiêm trang: - Chính ông ta đã ép tôi phải nói dối trong cuộc họp báo đó. Chương 88 Dù động cơ đẩy chạy bằng nhiên liệu metan của nó mới hoạt động hết nửa công suất cho phép mà chiếc phi cơ Aurora đã bay nhanh gấp ba lần tốc độ âm thanh - trên hai ngàn dặm một giờ. Tiếng nổ đều đều của những động cơ đẩy bằng sóng dao động khiến mọi người đều cảm thấy buồn ngủ. Bên dưới, cách họ khoảng 30 mét, bị tác động của luồng gió phản lực kéo dài như một cái đuôi công phía sau máy bay, mặt biển đang nổi sóng dữ dội. Đây chính là lý do tại sao loại máy bay SR-71 bị thay thế, Delta-Một thầm nghĩ. Aurora là loại máy bay bí mật mà trên nguyên tắc không ai được biết, nhưng trên thực tế thì mọi người đều đã biết cả. Kênh truyền hình Discovery thậm chí còn phát cả một chương trình về quá trình bay thử loại máy bay này ở Groom Lake, Nevada. Thông tin mật về loại máy bay này bị rò rỉ có thể đã bắt nguồn từ tiếng động cơ nổ vang trời của nó mà tận Los Angeles cũng nghe thấy, cũng có thể là do mấy anh chàng công nhân trên dàn khoan Northsea vô tình nhìn thấy nó, mà cũng có thể tại nhân viên của Tổng thống đã hớ hênh để tên nó trong bản quyết toán ngân sách của Lầu Năm Góc để công khai cho công chúng. Không ai biết được chính xác, nhưng chẳng hề gì. Công chúng đã biết: Quân đội Mỹ đã sở hữu một loại máy bay mới có tốc độ gấp sáu lần bình thường, đã chế tạo thành công chứ không còn trong giai đoạn thiết kế nữa. Và nó đã sẵn sàng tung cánh giữa trời xanh. Loại máy bay thân dẹt giống quả bóng chày này do hãng Lockheed chế tạo. Những vằn sọc sáng bóng như pha lê chạy bao quanh thân máy đồ sộ với bề dài gần 40 mét và bề ngang 20 mét. Tốc độ bay của nó được quy định bởi loại động cơ đẩy kiểu mới gọi là động cơ đẩy dạng sóng. Đốt khí hydro dạng lỏng đục, để lại một vệt khói dài rất dễ nhận thấy trên bầu trời, nên loại máy bay này thường chỉ được sử dụng vào ban đêm. Đêm nay, với lợi thế về tốc độ, đội Delta đang thực hiện một hành trình dài xuyên đại dương để về nhà. Họ cũng đang kết hợp bám đuổi mục tiêu. Mợi người đã bàn đến chuyện rượt đuổi để bắn hạ chiếc máy bay mà họ đã xác định được, nhưng chỉ huy lại sợ rằng các máy quét radar có thể phát hiện ra, và xác chiếc máy bay rơi sẽ dẫn đến cuộc điều tra quy mô. Tốt nhất là cứ để cho nó hạ cánh đã, chỉ huy đã quyết định như vậy. Một khi xác định được địa điểm hạ cánh của chiếc phi cơ đó, đội Delta sẽ ra tay. Lúc này, khi cả nhóm đang bay qua vùng biển Labrado buồn tẻ thiết bị Cryptalk trên tay Delta-Một nháy sáng báo hiệu có cuộc gọi đến. Anh trả lời máy. - Tình hình đã thay đổi. - Giọng nói đã qua thiết bị xử lý điện tử trong máy vang lên. - Các anh có thêm một mục tiêu nữa trên đất liền trước khi Rachel và hai nhà khoa học kia hạ cánh. Thêm một mục tiêu nữa. Delta-Một đã biết trước điều này. Kế hoạch đang bị bại lộ. Chỉ huy vừa phát hiện thêm một vết rò rỉ nữa trên thân tàu, và họ sẽ phải hàn kín vết rò càng nhanh càng tốt. Đáng ra con tàu không bị vết rò rỉ nào, Delta-Một tự nhắc mình, nếu cả đội đã diệt gọn mục tiêu trên phiến băng Milne. Anh biết quá rõ chính mình là người gây ra những rắc rối mới này. - Thêm một đối tượng thứ tư nữa vừa nhúng tay vào. - Chỉ huy thông báo. - Đó là ai? Chỉ huy chần chừ một lúc, rồi cũng nói ra tên người đó. Ba người lính sững sờ nhìn nhau. Họ biết rất rõ cái tên này. Thảo nào chỉ huy chần chừ không dám nói ngay! Delta-Một thầm nghĩ. Kế hoạch ban đầu cho điệp vụ này là "không sát thương", thế mà lúc này số lượng xác chết đang tăng lên nhanh chóng. Các bắp thịt trên người anh như co cứng lại khi nghe chỉ huy thông báo thời gian và địa điểm tiêu diệt mục tiêu. - Mức độ mạo hiểm đang tăng lên nhanh chóng. - Chỉ huy nói tiếp - Nghe cho kỹ. Tôi chỉ nói một lần thôi đấy. Chương 89 Trên bầu trời xứ Main, chiếc máy bay G4 vẫn đang tăng tốc tiến về Washington. Trên máy bay, Michael Tolland và Corky Marlinson chăm chú lắng nghe Rachel Sexton thuyết minh cho giả thuyết của cô về lý do khiến cho hàm lượng hydro trong lớp vỏ nóng chảy của tảng thiên thạch. - NASA có một cơ sở kiểm tra của riêng họ, mang tên trạm Plum Brook. - Rachel nói, chính cô cũng không dám tin là bản thân mình đang tiết lộ bí mật quốc gia. Cô chưa bao giờ tiết lộ bí mật cho những ai không có quyền tiếp cận thông tin. Nhưng trong tình huống này, Tolland và Corky có quyền được biết. - Plum Brook là nơi NASA tiến hành chạy thử tất cả các loại động cơ mà họ mới chế tạo được. Cách đây hai năm, chính tay tôi đã viết một tóm tắt tin nói về loại động cơ mà NASA đang cho chạy thử ở đó - hình như là một loại động cơ chu kỳ rộng thì phải. Corky nhìn cô nghi hoặc: - Động cơ chu kỳ rộng vẫn còn trong giai đoạn lý thuyết. Mới có trên giấy thôi. Chưa có ai chạy thử được thứ đó. Phải vài thập niên nữa. Rachel lắc đầu: - Xin lỗi anh, Corky, NASA quả thực đã có mô hình đó trong tay rồi. Họ đang trong giai đoạn thử nghiệm mà. - Cái gì? - Corky vẫn hoài nghi. - Loại động cơ đó chạy bằng khí oxy hydro hoá lỏng, mà khí đó lên đến vũ trụ thì đông đặc lại ngay, cho nên NASA có dùng được đâu! Họ đã thông báo là sẽ không chế tạo động cơ đó cho đến khi khắc phục được vấn đề nhiên liệu đông cứng cơ mà? - Họ đã khắc phục được rồi. Họ bỏ thành phần oxy đi, rồi đưa khí hydro vào một dạng hỗn hợp bùn - tức là một hỗn hợp nhiên liệu đông lạnh có chứa hydro ở tình trạng bán đông lạnh. Động cơ này cực mạnh, và cháy rất sạch. Và rất có thể được sử dụng nếu NASA cho phóng tàu vũ trụ lên sao Hoả. Corky vẫn chưa hết kinh ngạc: - Không thể nào! - Hoàn toàn là sự thật đấy. Tôi đã tóm tắt, tin cho Tổng thống mà. Và Giám đốc của tôi đã phải lao tâm khổ tứ vì NASA muốn công bố rộng rãi thành công vang dội đó của họ, còn Pickering thì muốn Nhà Trắng buộc NASA giữ bí mật về thế hệ động cơ này. - Tại sao? - Cái đó không quan trọng. - Rachel nói. Cô đã tiết lộ thông tin mật vì buộc phải làm thế, và không có ý định tiến xa hơn nữa. Sự thật là Pickering muốn giữ bí mật loại động cơ này là do hiện đang có mối quan ngại về an ninh quốc gia ngày càng gia tăng - Trung Quốc đang phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ với tốc độ nhanh chóng khôn lường. Gần đây Trung quốc còn cho xây dựng một sân bay vũ trụ "cho thuê" và ai bỏ giá thầu lớn thì sẽ mua được quyền sử dụng, mà hầu hết những nhà thầu đó chắc chắn sẽ là kẻ thù của Mỹ. Cho nên an ninh quốc gia của Mỹ đang bị uy hiếp. May mắn thay, NRO biết được rằng Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo động cơ nhiên liệu đẩy để sử dụng cho sân bay vũ trụ đó. Cho nên Pickering thấy không có lý do gì để đánh động cho Trung Quốc biết NASA đã có thứ họ đang ao ước. - Tức là, - Tolland nói, vẻ rất không thoải mái - cô nói rằng NASA đã có trong tay loại động cơ đẩy dùng khí hydro tinh khiết làm nhiên liệu à? Rachel gật đầu. - Tới không có con số chính xác, nhưng nhiệt độ khí thải của loại động cơ này cao hơn nhiệt độ của bất kỳ thứ gì con người từng tạo ra được trong lịch sử. Cho nên NASA đã phải nghiên cứu một loại ống xả bằng chất liệu đặc biệt. - Cô ngừng một lát - Để một tảng đá lớn đằng sau động cơ nổ đẩy kiểu này, tảng đá đó sẽ bị nóng chảy bởi khí thải ở nhiệt độ cực kỳ lớn phả ra từ động cơ thể là có một lớp vỏ nóng chảy. - Thế đấy! - Corky nói. - Cô lại quay về với giả thuyết tảng thiên thạch giả rồi. Tolland chợt trầm tư. - Ý tưởng đó rất đáng suy nghĩ đấy. Cũng tương tự như việc đặt tảng đá bên dưới bệ phóng tên lửa trong một lần phóng vệ tinh lên vũ trụ thôi mà. - Lạy Chúa tôi, - Corky ca cẩm, - Tôi đang bay cùng hai kẻ gàn dở không can nổi. - Corky này. - Tolland nói tiếp. - trên lý thuyết thì khi đặt tảng đá trước luồng khí thải của động cơ nóng như vậy cũng sẽ tạo ra các vằn dọc giống như khi tảng thiên thạch rơi tự do trong bầu khí quyển, đúng không nào? Bề ngoài sẽ giống nhau, cả vằn dọc lẫn những lớp bề mặt nóng chảy bị thổi tạt về phía sau. Corky làu bàu: - Chắc thế. - Và động cơ sử dụng khí hydro tinh khiết cũng sẽ không để lại cặn bã gì hết. Chỉ duy nhất khí hydro thôi. Hàm lượng hydro bị ion hoá trên lớp bề mặt nóng chảy sẽ cao hơn bình thường. Corky trợn trừng mắt: - Nghe này, nếu những động cơ đẩy đó là có thật và chạy bằng nguyên liệu hydro tinh khiết thật, thì điều đó là có thể. Nhưng những động đó còn lâu chúng ta mới có được! - Tại sao? - Tolland cật vấn. - Quy trình cũng khá đơn giản mà. Rachel gật đầu tán đồng: - Tất cả những gì ta cần là một tảng đá có hoá thạch niên đại 190 triệu năm. Đem nung nóng bằng động cơ đẩy Sau đó vùi vào trong băng hà. Thế là có thiên thạch ăn liền. - Có thể khách du lịch sẽ tin vào câu chuyện đó. - Corky phản đối - Nhưng không thể nói thế với các nhà khoa học của NASA được. Thế các chrondrule thì giải thích sao đây? Rachel cố nhớ lại xem Corky đã giải thích với cô về các chrondrule thế nào. - Anh đã nói rằng các chrondrule được hình thành do quá trình nung nóng và làm lạnh trong vũ trụ đúng không nào? Corky thở dài: - Chrondrule hình thành khi một tảng đá, có nhiệt độ rất thấp ngang với nhiệt độ môi trường trong vũ trụ, đột ngột bị nung lên đến nhiệt độ nóng chảy không toàn phần - 1550 độ C. Sau đó tảng đá nguội đi, cực kỳ nhanh, làm cho các túi đá nóng chảy đông cứng ngay lại thành các chrondrule. Tolland chằm chằm nhìn ông bạn: - Và tất cả quá trình đó không thể xảy ra trên mặt đất được sao? - Không thể. - Corky tuyên bố. - Môi trường nhiệt trên trái đất không cho phép điều đó xảy ra. Chúng ta đang nói tới nhiệt độ trong lò phản ứng hạt nhân và độ không tuyệt đối trong môi trường chân không. Những thái cực đó không có được trên hành tinh của chúng ta đâu. Rachel tỏ ra băn khoăn: - Ít ra là không có được trong tự nhiên. Corky quay sang cô: - Thế có nghĩa là sao? - Tại sao quá mình nung nóng và làm lạnh đó không thể xảy ra trong điều kiện nhân tạo trên trái đất được? - Rachel chất vấn. - Người ta có thể dùng động cơ nổ đẩy để nung nóng nó lên, rồi đặt vào thiết bị làm lạnh. Corky trợn mắt: - Các chrondrule nhân tạo sao? - Biết đâu đấy. - Một ý tưởng kỳ quặc. - Corky đáp liền, giằng mẫu đá trên tay Rachel. - Chắc cô đã quên mất chi tiết rằng những chrondrule này có niên đại 190 triệu năm. - Ông ta nhấn mạnh từng tiếng - Theo như tôi hiểu, thưa cô Sexton, cách đây 190 triệu năm không có người nào trên trái đất này điều khiển động cơ nổ đẩy và thiết bị làm lạnh nào hết. Dù gì đi nữa, Tolland thầm nghĩ, mỗi lúc chứng cứ một nhiều lên. Ông đã yên lặng khá lâu sau khi nghe Rachel nói về loại động cơ nổ đẩy dạng sóng. Giả thuyết của cô, dù vô cùng táo bạo, đã mở ra mọi cánh cửa, khiến cho ý nghĩ của ông chạy lan man theo mọi hướng. Nếu lớp vỏ bị nóng chảy có thể nhân tạo được, thì liệu còn gì khác nữa không? - Sao anh yên lặng thế? - Rachel hỏi ông. Tolland nhìn cô gái. Trong khoảnh khắc, dưới ánh đèn từ trần cabin phả xuống, ông chợt thấy trong mắt Rachel ánh lên cái nhìn hiển dịu của Celia. Ông lắc đầu, gạt ký ức ra khỏi tâm trí, rồi thở dài mệt mỏi. - À, tôi chỉ đang nghĩ… - Về tảng thiên thạch phải không? - Cô mỉm cười. -Còn chi tiết nào nữa đây? Anh đang cố nghĩ xem còn chi tiết nào bị bỏ sót không chứ gì? - Đại loại thế… - Thế anh có nghĩ ra cái gì không? - Chưa có gì đặc biệt. Nhưng tôi không được thoải mái lắm khi thấy nhiều chi tiết bị đổ đến như thế, đơn thuần chỉ vì chúng ta biết được lỗ khoan bên dưới tảng thiên thạch? - Tập hợp dữ liệu thu được dựa trên những yếu tố được mặc định trước luôn là thế. - Rachel nói. - Chỉ cần lật lại chi tiết đầu tiên, thế là tất cả lung lay. Vị trí của tảng thiên thạch là chi tiết đầu tiên của chúng ta.. Mình sẽ nói cho cô ấy biết. - Khi tôi đặt chân lên phiến băng Milne, ông Giám đốc đã nói rằng họ vừa tìm thấy một tảng thiên thạch nằm trong túi băng hoàn toàn kín. Tảng đá đó có độ đậm đặc cao hơn tất cả các loại đá khác trong vùng. Và tôi đã coi đó là bằng chứng về nguồn gốc vũ trụ của tảng đá. - Và chúng tôi nữa chứ. - Hàm lượng nickel trung bình, dù cũng là một căn cứ, nhưng vẫn chưa đủ để kết luận. - Hàm lượng đó rất gần mức trung bình mà. - Corky chêm vào, hoá ra ông ta vẫn lắng nghe tất cả. - Nhưng không hoàn toàn chính xác. Corky gật đầu đồng tình, nhưng khá miễn cưỡng: - Lại nữa, - Tolland nói - những con bọ vũ trụ chưa ai thấy bao giờ đó. Dù rất dị thường, có thể chỉ là một loài giáp xác tầm thường trong đại dương. Rachel gật đầu: - Và bây giờ đến lượt lớp vỏ bị nóng chảy… Tôi không muốn thừa nhận điều này chút nào, - Tolland quay sang nói với Corky - nhưng dường như những bằng chứng tiêu cực bắt đầu trở thành đa số mất rồi. - Không thể dựa vào linh cảm để làm khoa học được. - Corky nói - phải căn cứ vào các dữ liệu cụ thể chứ. Các chrondrule ở tảng đá này khẳng định nó chính là thiên thạch. Tôi thừa nhận là có rất nhiều chi tiết khiến chúng ta phải suy nghĩ, nhưng không thể bỏ qua các chrondrule. Những bằng chứng tích cực đều rất quan trọng, đã thế những bằng chứng chống lại tảng thiên thạch đều chỉ dựa trên suy diễn mà thôi. Rachel nhíu mày: - Thế thì ta phải kết luận thế nào đây? - Chẳng thế nào cả. - Corky nói. - Các chrondrule đã chứng tỏ chúng ta có trong tay tảng thiên thạch. Vấn đề chỉ là tạỉ sao nó lại được đưa vào trong lòng băng hà mà thôi. Dù rất muốn tin vào lập luận của bạn mình, Tolland vẫn cảm thấy có gì đó không ổn. - Anh có vẻ vẫn chưa tin hẳn. Mike ạ. - Corky nhận xét. Tolland bối rối nhìn Corky: - Tôi cũng chẳng biết nữa. Hai trong số ba dữ liệu không hề ít đâu. Chúng ta chỉ còn sử dụng được một trong ba dữ liệu quan trọng. Có lẽ chúng ta vẫn bỏ sót chi hết nào đó. Chương 90 Mình đi đời rồi, Chris Harper thầm nghĩ, lòng tê tái khi nghĩ đến cảnh tù đày. Thượng nghị sĩ Sexton đã biết rằng trình nói dối về phần mềm của PODS. Dẫn Gabrielle vào phòng làm việc của mình và đóng cửa lại, ông thấy căm ghét Giám đốc NASA. Đêm nay thì Harper đã biết những lời dối trá của ông Giám đốc có thể thậm tệ đến thế nào. Không chỉ ép ông nói dối về dự án PODS. Ông ta còn nguỵ tạo bằng chứng để sẵn sàng hãm hại ông trong trường hợp ông thay đổi thái độ và không muốn tiếp tục nói dối nữa. Bằng chứng về hành vi biển thủ công quỹ. Harper thầm nghĩ. Để doạ. Thật quỷ quyệt. Suy cho cùng thì sẽ chẳng một ai đem đặt lòng tin vào kẻ tha hoá muốn làm hỏng giây phút huy hoàng nhất trong lịch sử chương trình nghiên cứu vũ trụ của Hoa Kỳ. Vốn đã biết rằng Giám đốc dám làm mọi chuyện để bảo vệ NASA, ông vẫn cảm thấy choáng váng khi nghe Tổng thống tuyên bố về tảng thiên thạch có hoá thạch bên trong. Harper đi đi lại lại bên chiếc bàn lớn đặt mô hình thu nhỏ vệ tinh PODS - một vật hình lăng trụ với rất nhiều ăng ten và kính phản quang. Gabrielle ngồi xuống, chăm chú nhìn ông ta, chờ đợi. Cảm giác nôn nao trong dạ lại một lần nữa khiến Harper nhớ lại những gì ông ta cảm thấy trong suốt buổi họp báo ấy. Ông ta đã trình bày một cách rất không thuyết phục, và rất nhiều người đã thắc mắc với ông về điều đó. Thế là Harper buộc phải tiếp tục nói dối rằng hôm ấy ông bị ốm nặng. Cả cánh phóng viên lẫn các đồng nghiệp của ông đều tỏ ra không hài lòng, nhưng rồi đều nhanh chóng quên bẵng đi cuộc họp báo kỳ quặc đó. Giờ đây, lời dối trá đó quay lại ám ảnh tâm trí ông. Gabrielle Ashe tỏ ra nhã nhặn hơn: - Ngài Harper này, giờ Giám đốc đã trở thành đối thủ của ông rồi, nên ông cần phải có một đồng minh. Và Thượng nghị sĩ Sexton sẽ là người bạn duy nhất mà ông có được trong bối cảnh này. Chúng ta hãy bắt đầu với câu chuyện về phần mềm của PODS. Hãy cho tôi biết những diễn biến cụ thể. Harper thở dài. Ông biết đã đến lúc phải thú nhận sự thật. Đáng ra hôm ấy mình chẳng nên nói dối! - Công đoạn phóng vệ tinh PODS diễn ra suôn sẻ. - Ông bắt đầu. - Vệ tinh bay trên một quỹ đạo quanh vùng cực, đúng như dự định. Thật nhàm chán. Cái đó thì Gabrielle Ashe đã biết trước rồi. - Ông nói tiếp đi. - Sau đó vấn đề nảy sinh. Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu vùng băng hà vĩnh cửu để tìm các vị trí có độ đậm đặc khác thường. Và phần mềm phát hiện độ đậm đặc trên vệ tinh không hoạt động. - Rồi, cái đó tôi đã biết. Phầm mềm đó đáng ra phải có khả năng xem xét hàng ngàn hécta diện tích và phát hiện ra những khu vực có độ đậm đặc khác so với độ đậm đặc của băng tuyết. Trước hết là phải tìm được những khu vực mềm hơn bình thường - những bằng chứng của quá trình nóng lên toàn cầu - nhưng nếu phát hiện ra những đối tượng có độ đậm đặc khác thường thì nó cũng phải báo về. Đó cũng là một phần của kế hoạch. Mục đích chính là để PODS chụp cắt lớp Cực Bắc trong vòng vài tuần nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường để đánh giá mức độ ấm lên toàn cầu. - Nhưng vì phần mềm không hoạt động, - Gabrielle tiếp lời, cho nên PODS chẳng làm được gì. Đáng ra NASA đã có thể nghiên cứu kỹ từng xăng ti mét vuông vùng Cực Bắc để phát hiện các bất thường. Harper gật đầu, nhớ lại những cảm giác ghê sợ sau sai lầm ngớ ngẩn của mình. - Phải mất vài thập niên mới khắc phục được, tình hình lúc đó vô cùng xấu. Vì sai sót của tôi trong khâu lập trình, PODS trở thành hoàn toàn vô dụng. Đã thế lại đúng vào giai đoạn tranh cử và Thượng nghị sĩ Sexton đã công kích NASA. - Ông ta thở dài. - Sai sót của ông vô cùng tai hại đối với NASA và Tổng thống. - Đó là thời điểm vô vùng nhạy cảm. Giám đốc giận tím gan. Tôi đã cam kết với ông ấy sẽ khắc phục được sự cố trong lần phóng vệ tinh tiếp theo - chỉ đơn giản là vấn đề thay vài con chíp trong máy tính mà thôi. Nhưng quá muộn. Ông ta cho tôi nghỉ phép năm, nhưng thực ra là sa thải tôi. Đó là chuyện cách đây một tháng. Thế nhưng cách đây hai tuần, ông đã xuất hiện trên tivi và công bố rằng đã khắc phục xong sai sót đó. Harper đổ sụp xuống ghế. - Đó là lỗi lầm khủng khiếp. Hôm ấy, tôi đã nhận được cuộc gọi của Giám đốc. Ông ấy nói rằng có sự kiện quan trọng, vừa xảy ra, và có cách để chạy tội cho tôi. Tôi đã đến ngay văn phòng để gặp ông ấy. Và đã nhận được lệnh tổ chức họp báo để công bố rằng sẽ khắc phục xong sai sót trong phần mềm của PODS trong vòng vài tuần sau đó. Và ông ấy còn bảo sẽ giải thích sau - Và ông đã đồng ý? - Không. Tôi từ chối! Nhưng một giờ sau thì ông Giám đốc đã đến phòng làm việc của tôi, cùng với cố vấn của Tổng thống! - Cái gì? - Gabrielle bàng hoàng. Bà ta thật đáng sợ. Harper thầm nghĩ, gật đầu. Bà ta cùng ông Giám đốc bắt tôi ngồi xuống, và nói rằng vì tôi mà cả NASA và Tổng thống bị đẩy đến bên bờ vực thẳm. Tench nói với tôi rằng ngài Thượng nghị sĩ có ý định tư hữu hoá NASA nếu đắc cử. Và vì thế tôi mắc nợ cả NASA lẫn ngài Tổng thống: Sau đó bà ta giải thích mọi chuyện. Gabrielle nhoài hẳn người về phía trước: - Ông nói tiếp đi. - Bà ta giải thích rằng, do may mắn tình cờ. Nhà Trắng đã nghe lén được nguồn tin rằng một tảng thiên thạch đang bị vùi lấp trong lòng phiến băng Milne. Tảng thiên thạch lớn chưa từng thấy. Và tảng thiên thạch to lớn đến thế chắc chắn sẽ được coi là một phát kiến quan trọng của NASA. Gabrielle ngỡ ngàng. - Gượm đã nào, ông nói rằng người ta biết trước về sự có mặt của tảng thiên thạch trước khi PODS tìm thấy nó à? - Đúng thế PODS chẳng liên quan gì đến phát kiến này cả. Giám đốc đã biết trước về sự tồn tại của tảng thiên thạch. Ông ta chọ tôi biết toạ độ, và bảo tôi định vị PODS đúng vị trí đó để giả vờ là vệ tinh của chúng tôi đã tìm ra nó. - Ông nói đùa? - Tôi cũng đã phản ứng y như thế khi họ yêu cầu tôi tham gia vào âm mưu kia. Họ từ chối không chịu nói đã tìm thấy tảng thiên thạch đó bằng cách nào. Tench chỉ nhắc đi nhắc lại rằng điều đó không quan trọng, rằng đây là cơ hội để tôi khắc phục sai sót của mình. Nếu tôi giả vờ rằng chính PODS đã tìm ra tảng đá đó thì NASA sẽ công bố thông tin rộng rãi nhằm tuyên truyền về thắng lợi của NASA, để cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống có thể cất cánh. Gabrielle kinh hoàng. - Và dĩ nhiên nếu chưa tuyên bố đã khắc phục xong lỗi phần mềm của PODS thì không thể nói rằng chính nó đã tìm thấy tảng thiên thạch. Harper gật đầu. - Cho nên đó là buổi họp báo dối trá. Tôi bị ép phải làm thế. Cả bà Tench lẫn Giám đốc đều xử sự một cách nhẫn tâm. Họ nhấn mạnh rằng chính tôi đã kéo tất cả mọi người xuống tận bùn đen - Tổng thống đã chi ngân sách cho dự án PODS, NASA đã mất bao năm mới hoàn tất được nó, và giờ đây tôi đẩy tất cả những công sức ấy xuống bùn đen, chỉ vì một sai lằm ngớ ngẩn. - Thế là ông nhận lời giúp họ. - Tôi chẳng còn cách nào khác. Nếu không làm thế thì sự nghiệp của tôi chắc chắn sẽ chấm hết. Và sự thật là nếu tôi không làm hỏng phần mềm ấy thì PODS đã tìm thấy tảng thiên thạch đó rồi. Cho nên lúc đó những gì tôi nói cũng không có gì ghê gớm lắm. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng sau vài tháng nữa, khi tàu con thoi được phóng lên, sai sót đó sẽ được khắc phục. Vì thế tôi chỉ thông báo sự thật sớm hơn một chút mà thôi. Gabrielle gật gù: - Một lời nói dối vô hại để tận dụng cơ hội tảng thiên thạch. Nhắc đến chuyện này, Harper trông như sắp phát ốm. - Thế là tôi đã làm điều đó… theo chỉ đạo của Giám đốc. Đầu tiên, tôi tổ chức cuộc họp báo để công bố rằng đã có biện pháp khắc phục được sai sót phần mềm của PODS; đợi vài ngày sau, tôi điều khiển cho PODS nằm cố định đúng ở toạ độ có tảng thiên thạch; sau đó, theo đúng chỉ thị của ông ấy, tôi báo với Giám đốc Chương trình EOS là PODS vừa phát hiện được một vật thể có độ đậm đặc cao bất thường trên phiến băng Milne, cho ông ấy biết toạ độ chính xác, và nói thêm rằng độ đậm đặc này chỉ ra rằng rất có thể đó là một tảng thiên thạch. Trong tâm trạng phấn khích, NASA cử một toán đi khoan thăm dò để lấy mẫu đá Và đó chính là lúc sự việc trở nên ầm ỹ. Và mãi đến tối nay ông mới được biết rằng tảng thiên thạch chứa hoá thạch bên trong? - Ở đây chẳng ai biết một tí gì. Tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên. Bây giờ ai cũng bảo tôi chính là người hùng đã có công tìm ra tảng thiên thạch đó, và tôi chẳng còn biết nói gì nữa. Im lặng hồi lâu, đôi mắt đen cương nghị của Gabrielle nhìn thẳng vào ông tiến sĩ: - Nhưng thực ra PODS không tự phát hiện được tảng thiên thạch. Làm sao ông Giám đốc biết được là nó đang ở đó? - Đầu tiên là một người khác đã tìm thấy nó. - Người khác? Ai thế? Harper thở dài. - Nhà địa chất học người Canada tên là Charles Brophy - nhà nghiên cứu trên đảo Ellesmere. Trong khi đang nghiên cứu độ sâu trên phiến băng Milne. Ông ta đã tình cờ phát hiện được một vật rất giống thiên thạch. Ông ta thông báo tin đó bằng sóng radio, và NASA nghe lén được cuộc nói chuyện. Gabrielle trợn tròn mắt: - Thế người Canada không phản ứng gì khi NASA cướp công của họ à? - Không. - Harper đáp, giọng thê thảm. - Thật tiện cho NASA là ông ta đã chết rồi. Chương 91 Michael Tolland nhắm mắt lại, để tiếng nổ đều đều của động cơ máy bay dội vào màng nhĩ. Ông quyết định không nghĩ thêm bất kỳ điều gì nữa cho đến khi họ về đến Washington. Theo Corky, các chrondrule không thôi đã đủ để kết luận; tảng đá trên phiến băng Milne có thể là tảng thiên thạch thực sự. Rachel muốn có một kết luận chính xác trước khi máy bay tiếp đất, nhưng nỗ lực của trí não đã dẫn họ vào con đường cụt liên quan đến các chrondrule. Dù dữ liệu của nó rất đáng ngờ, tảng đá trông rất thật. Có thể nó là thiên thạch thật. Rachel đã bị những biến cố trên biển làm cho mệt mỏi. Thế nhưng sự dẻo dai của cô đã khiến Tollan phải kinh ngạc, lúc này cô đang chăm chú nhìn mẫu đá trên tay, muốn chứng minh một cách rõ ràng, dứt khoát về xuất xứ của nó, và muốn tìm ra đích xác kẻ đã ra lệnh tấn công bọn họ. Trong suốt hành trình, cô thường ngồi ngay cạnh ông. Dù ở trong những tình huống không hề dễ dàng, ông vẫn thích những giây phút được chuyện trò với cô. Rachel đã vào nhà vệ sinh được mấy phút, và Tollanđ ngạc nhiên thấy mình đang thấy thiếu vắng cô ông thầm hỏi mình đã bao lâu rồi chưa biết mong nhớ phụ nữ kể từ sau khi Celia mất đi. - Thưa ông Tolland. Tolland ngước nhìn lên… Người phi công từ khoang lái đang thò đầu vào trong cabin. - Nãy ông có dặn là khi nào máy bay vào đến vùng phủ sóng điện thoại thì báo ông biết. Bây giờ thì ông có thể gọi điện thoại được rồi đấy. - Cảm ơn anh. - Tolland bước ra lối đi. Trong buồng lái, Tolland bấm máy gọi cho thuỷ thủ đoàn của mình. Ông muốn báo cho họ biết mấy ngày nữa ông mới về đến nơi. Dĩ nhiên ông không có ý định nói cho họ nghe những sự kiện đang diễn ra. Chuông điện thoại đố nhiều hồi, và ông ngạc nhiên thấy hệ thống trả lời tự động SHINCOM 2100 trả lời máy. Câu trả lời được ghi sẵn không nghiêm túc và mô phạm như thường lệ, mà là giọng nói vui vẻ rủa một thành viên trong thuỷ thủ đoàn, một chàng trai suốt ngày pha trò hài hước. - Xin chào, đây là con tàu Goya. - Anh ta tuyên bố. - Rất tiếc là hiện giờ không còn ai trên tàu nữa, tất cả chúng tôi đã bị những con chấy rất lớn bắt cóc! Nói thật là chúng tôi vừa lên bờ để ăn mừng chiến công của Mike. Chúa ơi, chúng tôi thấy tự hào biết bao! Xin quý vị hãy để lại tên và số điện thoại. Ngày mai, khi đã bình tĩnh lại, chúng tôi sẽ gọi cho quý vị. Chào nhé! Chúng ta đi nào! Tolland phá lên cười, ngay lập tức ông thấy nhớ đội thuỷ thủ của mình. Dĩ nhiên là họ đã xem truyền hình buổi họp báo. Ông hài lòng thấy họ đã lên bờ, ông bị Tổng thống túm đi quá đột ngột, và ngồi không trên biển thì đến phát điên mất. Dù đoạn băng nói rằng tất cả đã lên bờ, ông đoán rằng chắc chắn họ phải để lại một người trông tàu, đặc biệt là ở vùng hải lưu mạnh như vùng biển họ đang bỏ neo. Tolland bấm số máy liên lạc nội bộ. Có một tiếng bíp. Lại một đoạn băng thu sẵn. Vẫn là giọng nói vui nhộn của anh chàng ban nãy. - Chào Mike, chương trình truyền hình thật tuyệt! Lúc anh nghe thông điệp này thì có lẽ chúng tôi đang tham dự bữa tiệc rất hoành tráng tại Nhà Trắng và đang tự hỏi không biết anh đang ở chỗ nào. Xin lỗi vì tất cả chúng tôi đã rời tàu, nhưng đêm nay mà không uống rượu mừng thì làm sao mà chịu nổi! Anh đừng lo, chúng tôi đã thả neo rất chắc và bật tất cả các bóng điện ngoài lan can tàu. Chúng tôi đều thầm mong cướp biển sẽ đến tấn công để cho đài NBC phải sắm cho anh một con tàu mới! Đùa đấy Mike ạ. Anh đừng lo. Xavia đã đồng ý ở lại trực trên chiến hào! Cô ấy nói là thà ở một mình còn hơn dự tiệc cùng với một lũ ngư phủ say mèm. Anh có tin nổi không? Tolland lại phá lên cười lần nữa, lòng nhẹ nhõm khi biết tàu có người trông. Xavia là người rất có trách nhiệm, và không bao giờ thích tiệc tùng đàn đúm. Cô là nhà hải dương học có tiếng là thẳng thắn đến mức cay độc. Đoạn băng thu sẵn lại tiếp tục: - Mike này, dù sao thì đêm nay cũng vô cùng đặc biệt. Nó sẽ khiến anh trở thành nhà khoa học đầy kiêu hãnh, đúng thế không nào? Ai cũng bàn tán rằng sự kiện này quá có lợi cho NASA. Họ đúng là chết đuối với được cọc, thật đấy! Và chúng ta cũng được lợi nhiều, còn hơn cả NASA ấy chứ! Đại dương kỳ thú sẽ có thêm hàng triệu khán giả sau đêm hôm nay. Anh trở thành người của công chúng thật rồi đấy. Xin chúc mừng! Anh tuyệt lắm! Có người xì xào nói chuyện, rồi đoạn băng lại tiếp tục: - À, suýt quên mất Xavia. Để anh khỏi quá huyênh hoang, cô ấy muốn cạo gáy anh đây này. Anh nghe nhé! Giọng nói chát chúa của Xavia vang lên trong máy: - Mike này, Xavia đây, anh chúa thật! Yada yada! Vì rất yêu quý anh nên tôi mới bằng lòng ở lại trực trên con tàu cổ lỗ sĩ sắp hỏng này đấy! Thật thà mà nói thì tôi chỉ mong được thoát khỏi mấy tay du đãng tự nhận là nhà khoa học này lấy một lúc. Ngoài việc bắt tôi đóng vai chó giữ nhà, thuỷ thủ đoàn còn giao cho tôi nhiệm vụ làm cho anh bớt tự cao tự đại đi một chút đấy. Sau một đêm như thế này thì việc đó quả là khó như đi lên trời, nhưng có điều này tôi vẫn phải nói thật - anh đã mắc một số sai lầm trong đoạn phim tài liệu vừa rồi. Thật đấy, anh còn nghe máy không đấy? Một sai sót hiếm hoi của Michael Tolland. Anh đừng lo, trên khắp hành tinh này chỉ có vài ba nhà thạch học thật sự có khả năng nhận ra điều đó thôi, và họ đều là những người khô khan kiệm lời cả. Giống tôi ấy mà! Anh vẫn nói về bọn tôi thế mà - lúc nào chẳng bới lông tìm vết! - Cô ta phá lên cười. - Không có gì trầm trọng cả, chỉ là sai sót rất nhỏ về thạch học thôi. Tôi phải nói ra để cho anh đỡ vui quá mà sinh bệnh ra. Thế nào cũng có vài người gọi điện cho anh về chi tiết đó, nên tôi phải báo cho anh biết trước để lúc đó đừng để lộ ra sự ngây ngô của anh, tuy chúng tôi đều biết anh vốn là kẻ ngẫn ngờ từ trước. - Cô ta lại cười lớn. - Tôi không phải là kiểu người ưa tiệc tùng nên đã đồng ý ở lại trực trên tàu. Anh cứ gọi tôi nhé. Tôi phải để máy trả lời tự động vì nhiều nhà báo gọi điện đến đây quá trời! Bất chấp sai sót đó, anh vẫn là vì tinh tú của đêm nay đấy. Dù sao thì tôi cũng sẽ giải thích tất cả khi nào anh về đến đây. Chào nhé. Đầu máy bên kia im bặt. Michael Tolland nhíu mày. Sai sót trong đoạn phim tài liệu ư? Trong buồng vệ sinh trên chiếc phi cơ G4, Rachel Sexton đang ngắm mình trong gương. Cô nhận thấy vẻ mặt mình xanh xao, yếu ớt hơn hẳn mọi khi. Những sự kiện khủng khiếp đêm nay đã lấy đi của cô biết bao sinh lực. Rachel thầm hỏi không biết đến bao giờ cô mới hết được cảm giác hãi hùng mỗi khi đến gần đại dương. Cởi mũ trùm đầu của thuỷ thủ đoàn tàu Charlotte ra, cô để mái tóc vàng xoà xuống hai vai. Trong khá hơn, cô tự nhủ, cảm thấy tự tin hơn đôi chút. Tự nhìn sâu vào mắt mình, Rachel nhận thấy ánh âu lo trong đó. Và đằng sau sự âu lo là quyết tâm sắt đá. Cô biết đó chính là món quà mẹ để lại cho mình. Không một ai có thể chỉ đạo con cái gì được làm và cài gì không được làm. Rachel cảm tưởng như mẹ cô đã biết trước sẽ có một đêm như thế này trong đời cô con gái cưng của bà. Có kẻ muốn giết con, mẹ ạ. Có kẻ muốn giết tất cả bọn con… Trí não Rachel, hệt như suốt những giờ khắc vừa quat lại điểm lại những cái tên. Lawrence Ekstrom… Marjorie Tench… Tổng thống Zach Herney. Tất cả đều có động cơ. Và, đáng sợ hơn, tất cả đều có phương tiện. Tổng thống không dính líu vào việc này. Rachel tự nhủ. Cô vẫn bám lấy tia hi vọng rằng ngài Tổng thống, người cô kính trọng hơn chính cha đẻ của mình, chỉ là người ngoài cuộc vô tội trong vụ án tảng thiên thạch này. Chúng con vẫn chưa biết được gì hơn mẹ ạ. Chưa biết đó là kẻ nào… và vì sao. Rachel muốn có những câu trả lời dứt khoát để báo cáo với William Pickering, nhưng tất cả những gì cô làm được cho đến giờ phút này chỉ là việc nêu ra các câu hỏi. Ra khỏi phòng vệ sinh, Rachel ngạc nhiên không trông thấy Michael Tolland đâu. Corky đang gà gật ngủ gần đó. Cô đang nhìn quanh thì thấy Mike từ buồng lái bước ra, tay vừa gác ống nghe điện thoại lên giá. Mắt ông mở lớn, vẻ rất băn khoăn. - Có chuyện gì vậy? Tolland kể cho cô nghe những gì ông nghe được trên điện thoại giọng nặng nề. Sai sót trong đoạn phim tài liệu sao? Rachel nghĩ có lẽ Tolland chỉ phản ứng thái quá mà thôi. - Chắc không có gì trầm trọng đâu, cô ấy không nói rõ luôn sai sót đó là gì à? - Là chi tiết nào đó liên quan đến thạch học. - Thành phần cấu tạo của tảng đá à? - Ừ, cô ấy nói những nhà thạch học có khả năng nhận ra sai sót đó chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Có vẻ như sai sót của tôi có liên quan đến hàm lượng thành phần hoá chất của tảng đá. Rachel hít thật sâu, lúc này thì cô đã hiểu. - Các chrondrule sao? Tôi không biết nữa, nhưng chắc có sự trùng lặp nào đó rồi. Rachel gật đầu. Các chrondrule là chứng cớ duy nhất còn đứng vững để khẳng định rằng tảng thiên thạch do NASA tìm được là thật. Corky đến bên họ, tay dụi mắt. - Có chuyện gì thế? rrolland thông báo lại tình hình cho ông ta. Corky quắc mắt, lắc đầu: - Không liên quan đến các chrondrule đâu. Mike ạ. Không thể nào. Tất cả các dữ liệu của anh là do NASA cung cẩp. Và do chính tôi chuyển cho anh. Không thể có sai sót được. - Thế thì tôi có thể phạm phải sai lầm gì khác về thạch học nào? - Ai mà biết được cơ chứ! Mà các nhà hải dương học thì biết gì về thạch học mà bàn! - Tôi không biết, nhưng giọng cô ấy có vẻ chắc chắn lắm. - Trong tình huống này. - Rachel nói - có lẽ chúng ta nên nói chuyện với cô ấy trước khi báo cáo với Pickering. Tolland nhún vai. - Tôi đã gọi cho cô ấy bốn lần cả thảy, nhưng toàn nghe máy trả lời tự động. Rất có thể cô ấy đang ở trong phòng thí nghiệm, và sẽ chẳng nghe thấy gì hết. Sớm nhất là sáng mai thì cô ấy mới trả lời. - Tolland ngừng lại, giơ tay lên xem đồng hồ. – Mặc dù… - Mặc dù sao? Tolland chăm chú nhìn Rachel: - Có thực sự cần thiết phải nói chuyện với cô ấy trước khi báo cáo với Giám đốc của cô không? - Nếu cô ấy định nói gì liên quan đến các chrondrule thì thực sự quan trọng đấy, Mike ạ. - Rachel nói. - Lúc này chúng ta có rất nhiều giả thuyết trái ngược nhau. Và William Fickering thì chỉ quen nghe những câu trả lời dứt khoát. Khi gặp mặt ông ấy, tôi muốn có những để đạt cụ thể và chi tiết để ông ấy quyết định hành động. - Thế thì chúng ta hãy dừng lại một chút. Rachel hỏi lại: - Trên tàu của anh à? - Tàu hiện ở ngoài khơi New Jersey, ngay trên đường về Washington. Chúng ta có thể nói chuyện với Xavia để xem cô ấy đã phát hiện ra điều gì. Corky vẫn còn cầm mẫu đá, và nếu Xavi muốn tiến hành kiểm tra địa chất học thì phòng thí nghiệm trên tàu cũng khá đủ dụng cụ. Chắc chắn chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ sau là chúng ta có kết quả. Rachel thấy mạch đập dồn, lo ngại. Ý nghĩ lại phải ở trên mặt biển một lần nữa khiển cô e ngại… Kết luận chính xác, cô tự nhủ, đầy hi vọng. Pickering chắc chắn đang mong được nghe điều đó. Chương 92 Delta-Một thấy mừng vì lại được đặt chân lên mặt đất. Dù mới bay với nửa tốc lực, chiếc phi cơ Aurora đã đưa họ đi một vòng quanh đại dương, về đến tận đây, trong vòng vỏn vẹn có hai giờ đồng hồ. Delta-Một và đồng đội của anh có thời gian bình tĩnh chuẩn bị cho điệp vụ tiếp theo. Giờ đây, trên đường băng quân sự kín đáo ở ngoại vi Washington, đội Delta đang đổi từ máy bay Aurora sang phương tiện khác - máy bay trực thăng OH-58D Kiowa Wamor. Lại một lần nữa, chỉ huy đã chuẩn bị sẵn những phương tiện tốt nhất, Delta-Một thầm nghĩ. Máy bay trực thăng Kiowa Wamor, lúc đầu được thiết kế làm máy bay trinh sát hạng nhẹ, đã được gia cố và cải tiến để trở thành dòng máy bay quân sự chuyên dụng mới nhất. Với khả năng cảm ứng hết sức nhạy bén với tia hồng ngoại, thiết bị định vị bằng laze của nó cho phép người sử dụng điều khiển những vũ khí tối tân siêu chính xác như tên lửa Stinger "không - đối – không" và hệ thống tên lửa AGM 1148 Hellfire. Thiết bị định vị số hoá tốc độ cao lắp trên máy bay cho phép ngắm bắn sáu mục tiêu cùng một lúc. Hầu như không địch thủ nào từng nhìn thấy Kiowa còn được sống sót để mà kể lại về nó cho người khác. Trèo lên thang máy bay và ngồi vào khoang lái, Delta-Một thấy trong tim dâng trào cảm giác lâng lâng của kẻ mạnh trong cuộc chiến. Anh đã ba lần tham gia tập trận trên loại phi cơ này. Dĩ nhiên, chưa bao giờ anh nhận lệnh tiêu diệt một nhân vật nào quan trọng như lần này. Phải thừa nhận rằng Kiowa đúng là thứ phương tiện vô cùng lợi hại đối với những nhiệm vụ như thế này. Động cơ Royce Allision của nó luôn hoạt động cùng lúc với hai bộ phận giảm thanh chứa chất lỏng dạng sệt, điều đó đồng nghĩa với việc đối phương sẽ không hề nghe thấy bất cứ tiếng động nào cho đến khi chiếc phi cơ đã ở ngay trên đầu. Và vì chiếc máy bay này có khả năng bay trong đêm tối mà không cần sử dụng bất cứ ngọn đèn nào, thân máy bay được sơn đen, số hiệu ở đuôi máy bay được sơn bằng loại sơn không phản quang, cho nên nó có đặc điểm của máy bay tàng hình, trừ phi đối phương có radar. Chiếc phi cơ màu đen lặng lẽ. Đã có rất nhiều tin đồn cũng như những bình luận về loại máy bay này. Một số người cho rằng nó là hiện thân của "thế hệ vũ khí tấn công vũ bão đại diện cho trật tự thế giới mới". Một số khác lại tin rằng đây là những tàu thăm dò vũ trụ của người ngoài hành tinh. Lại có những người tận mắt chứng kiến Kiowa bay trong trời đêm còn tin rằng họ vừa nhìn thấy đèn của những thiết bị bay vô cùng tối tân - một chiếc đĩa bay có thể bay theo phương thẳng đứng. Toàn những tin thất thiệt. Nhưng quân đội thích những lời đồn kiểu đó. Trong lần tập trận gần đây. Delta-Một đã bay trên chiếc Kiowa có trang bị loại vũ khí bí mật nhất của quân đội Mỹ - một thiết bị tạo ảnh giao thoa bằng laze cực kỳ hiện đại có tên S&M. Dù thoạt đầu gợi nhớ đến từ "ác dâm"1, hai chữ cái này lại có nghĩa là "khói và gương"2 - những ảnh giao thoa laze được "phóng lên" trên vùng trời của đối phương. Chiếc phi cơ Kiowa của anh đã "phóng" những ảnh giao thoa laze các phi cơ của Mỹ trên vùng trời có thiết bị phát hiện máy bay của đối phương. Thế là các tay súng phòng không của đối phương hoảng hốt bắn như vãi đạn vào con ma đang lượn lờ trên đầu họ. Đến khi đối phương đã hết đạn thì các phi cơ thật của Không lực Hoa Kỳ mới bắt đầu ra tay. Cùng hai đồng đội của anh cất cánh, Delta-Một vẫn thấy vang lên trong tâm trí mệnh lệnh của chỉ huy: "Các anh có một đối tượng nữa". Xét đến địa vị và quyền lực của người này, từ đối tượng quả là một cách nói tránh xuất sắc. Anh tự nhắc nhở mình rằng chất vấn không phải là nhiệm vụ của anh. Đội của anh đã nhận được lệnh, và họ sẽ thực thi mệnh lệnh đó theo đúng những "phương pháp đã được huấn luyện"- phải hết sức bất ngờ. Mình thật sự hy vọng chỉ huy đã đưa ra quyết định đúng đắn trong tình huống này. Sau khi chiếc trực thăng Kiowa rời khỏi đường băng, Delta-Một nhằm thẳng hướng nam. Anh đã vài lần nhìn thấy tượng đài FDR, nhưng đêm nay là lần đầu tiên anh sẽ nhìn thấy nó từ trên cao. Chương 93 - Người đầu tiên phát hiện ra tảng thiên thạch đó là nhà địa chất học người Canada sao? - Gabrielle Ashe chăm chú nhìn chuyên gia lập trình trẻ tuổi Chris Harper. - Và người Canada đó giờ chết rồi sao? Harper gật đầu xác nhận. - Ông đã biết điều này được bao lâu rồi? - Cô chất vấn. - Cách đây khoảng một hoặc hai tuần. Sau khi tôi đã nói dối trong cuộc họp báo đó, ông Giám đốc và bà Marjorie Tench cho rằng tôi sẽ không bao giờ quật lại chính mình, nên đã cho tôi biết tất cả. PODS không hề dính dáng gì đến quá trình phát hiện ra tảng thiên thạch! Gabrielle chưa biết thông tin này sẽ dẫn tiếp đến đâu, nhưng rõ ràng là sẽ rất tai tiếng. Tin xấu đối với Tench. Tin tốt lành đối với Thượng nghị sĩ. - Như tôi đã kể với cô, - tiến sĩ Harper nói tiếp, - tảng thiên thạch được phát hiện là do NASA đã thu được một làn sóng radio. Cô đã bao giờ nghe nói đến chương trình có tên là INSPIRE chưa? Thí nghiệm tương tác vật lý và sóng điện từ giữa tầng điện ly và vũ trụ của NASA. Gabrielle đã từng nghe nói đến chương trình đó, nhưng không hiểu lắm. - Về bản chất, - Harper nói tiếp - đó là một loại máy thu tín hiệu radio ở Cực Bắc dùng để nghe các âm thanh do trái đất phát ra - những đợt phun sóng plasma từ Cực Bắc, những đợt xung lớn từ sấm chớp trong các cơn bão đêm, những thứ đại loại như vậy. - Tôi hiểu rồi. Cách đây vài tuần, một máy thu INSPIRE đã nhận được một chuỗi tín hiệu phát đi từ đảo Ellesmere. Một nhà địa chất học đang phát đi tín hiệu cấp cứu ở tần số rất thấp. - Ông ta ngừng một lát. - Chuỗi tín hiệu đó có tần số thấp đến nỗi chỉ các thiết bị INSPIRE của NASA mới có thể nghe được mà thôi. Và mọi người đoán rằng ông ta phát đi tín hiệu từ rất xa. - Cái gì cơ? - Phát tín hiệu ở tần số thấp nhất để sóng đi được xa nhất có thể. - Hãy nhớ rằng ông ta ở giữa nơi hoang vắng, và sóng radio với tần số thông thường chắc chắn sẽ không thể đi được đủ xa để có người nghe thấy. - Thông điệp của ông ta là gì vậy? - Thông điệp rất ngắn gọn. Nhà khoa học đó nói rằng ông ta đang thăm dò địa chất trên phiến băng Milne; ông ta đã phát hiện được một vật thể có độ đậm đặc bất thường nằm sâu trong băng hà, và đoán rằng đó có thể là một tảng thiên thạch. Ông ta đang đo đạc tảng thiên thạch này thì gặp bão. Ông ta thông báo toạ độ, yêu cầu trợ giúp để thoát ra khỏi cơn bão, rồi tắt máy. NASA đã lệnh cho một máy bay cất cánh từ sân bay quân sự Thule đến cứu. Họ tìm kiếm suốt mấy giờ đồng hồ, rồi cuối cùng cũng phát hiện ra ông ấy đã bị chết trong một khe nứt cùng với xe trượt và con chó, cách toạ độ thông báo đến mấy dặm. Chắc là ông ấy đã tìm cách thoát khỏi cơn bão, nhưng không nhìn thấy đường, và đã lao xuống khe nứt. Gabrielle tư lự về những thông tin cô vừa được nghe, rồi cảm thấy ngạc nhiên. - Thế là đột nhiên NASA biết về một tảng thiên thạch, và không ai khác biết chuyện này? Chính xác. Mỉa mai thay, nếu phần mềm của PODS không bị trục trặc thì chúng tôi đã phát hiện được tảng thiên thạch đó trước ông ta một tuần. Sự trùng lặp ngẫu nhiên này khiến Gabrielle thắc mắc: - Một tảng thiên thạch bị chôn vùi suốt ba trăm năm, và rồi đột nhiên được phát hiện hai lần liền trong vòng một tuần? - Tôi biết: Thoạt nghe có vẻ khá kỳ quặc. Nhưng trong khoa học chuyện đó khá phổ biến. Lúc thì no dồn, lúc thì đói góp. Vấn đề là Giám đốc tin rằng không cách này thì cách khác, tảng thiên thạch đó sẽ được phát hiện - nếu tôi không mắc phải sai lầm đó. Ông ấy bảo tôi rằng, vì người Canada kia đã chết rồi, sẽ chẳng ai nghi ngờ gì nếu tôi lặng lẽ điều khiển cho PODS cố định ở toạ độ mà anh ta đã thông báo qua sớng radio. Sau đó, tôi chỉ việc giả vờ là đã phát hiện ra tảng thiên thạch, và cứu vãn thất bại đầy tai tiếng của mình. - Và ông đã làm đúng như thế? - Như tôi đã nói, không còn cách nào khác. Chính tôi đã phá hoại dự án mình phụ trách. - Ông ta ngừng một lát. - Nhưng hồi tối, lúc xem truyền hình buổi họp báo của Tổng thống tôi mới biết rằng bên trong tảng đá đó có hoá thạch… - Ông ngạc nhiên? - Tôi đã thật sự bối rối! - Theo ông thì Giám đốc có biết trước rằng trong tảng thiên thạch ấy có hoá thạch không? - Cái đó thì tôi chịu. Tảng đá ấy đã bị vùi lấp trong băng hà, nguyên vẹn, cho đến khi đội nhân viên của NASA đặt chân tới. Tôi đoán rằng NASA cũng chẳng biết gì đến tận lúc họ khoan thăm dò và lấy lên vài mẫu đá. Họ yêu cầu tôi nói dối về PODS, chắc tưởng rằng kích cỡ to lớn của tảng thiên thạch đó sẽ được coi là một thành công đáng kể. Rồi khi đến tận nơi, họ mới nhận ra phát kiến đó vĩ đại biết chừng nào. Gabrielle gần như ngạt thở vì phấn khích: - Thưa tiến sĩ Harper, ông có sẵn lòng đứng ra làm chứng rằng chính NASA và Nhà Trắng đã ép ông phải nói dối về phần mềm của PODS hay không? - Tôi cũng chưa biết. - Ông ta có vẻ lo sợ. - Tôi chưa thể thấy hết được những tác hại của hành động đó đối với NASA… và đối với phát kiến này. - Thưa tiến sỹ, cả hai chúng ta đều biết rằng tảng thiên thạch đó vẫn sẽ là một phát kiến tuyệt vời, bất kể nó được tìm ra bằng cách nào. Vấn đề ở đây là ông đã nói dối trước dân Mỹ. Họ có quyền được biết rằng không phải mọi chi tiết NASA Công bố về PODS đều là sự thật. - Tôi cũng chưa biết nữa. Tôi khinh bỉ ông Giám đốc, nhưng còn các đồng nghiệp của tôi…, họ đều là người tốt. - Chính vì thế họ có quyền được biết mình đang bị lừa dối. - Và đây sẽ là bằng chứng cho thấy tôi không biển thủ công quỹ chứ? - Ông có thể quên hẳn chuyện ấy đi. - Gabrielle nói, suýt nữa quên hẳn chi tiết ấy. - Tôi sẽ nói với Thượng nghị sỹ rằng ông không biết gì về vụ đó. Đó chỉ là những chứng cứ giả mạo do ông Giám đốc dựng lên để ép ông phải im lặng về PODS. - Thượng nghị sỹ có thể bảo vệ được tôi không? - Chắc chắn là được. Ông đâu có làm gì sai trái. Ông chỉ đơn thuần làm theo lệnh cấp trên. Bên cạnh đó, vì đã có thông tin về nhà địa lý người Canada, tôi tin rằng Thượng nghị sỹ sẽ chẳng cần đến những chứng cứ về biển thủ công quỹ. Chúng ta sẽ chỉ tập chung vào việc NASA đưa tin sai lệnh về PODS và tảng thiên thạch. Một khi Thượng nghị sỹ đã lên tiếng về nhà khoa học Canada kia, ông Giám đốc sẽ không dám mạo hiểm dùng biện pháp dối trá để huỷ hoại thanh danh của ông nữa đâu. Harper có vẻ vẫn lo ngại. Phân vân, ông ta ngồi lặng lẽ, vẻ mặt rầu rĩ. Gabrielle để mặc ông ta suy nghĩ. Từ nãy cô đã nhận ra sự trùng lặp tình cờ rất khó hiểu trong câu chuyện này. Cô không định nhắc đến điều đó, nhưng rõ ràng tiến sỹ Harper cần thêm một cú hích nữa. - Ông có chó không, thưa tiến sỹ? Ông ta ngước mắt lên: - Cô nói gì cơ? - Tôi thấy thật kỳ lạ. Ban nãy ông kể rằnơ sau khi nhà địa lý học người Canada kia phát tín hiệu thông báo toạ độ của tảng thiên thạch thì lũ chó kéo xe của ông ấy lao xuống khe nứt phải không? - Có bão. Cả người và chó bị lạc đường. Gabrielle nhún vai, tỏ ra hoài nghi. - Cũng có thể thế. Harper nhận thấy sự băn khoăn của cô, lý cô là sao? Tôi cũng không biết nữa, có quá nhiều sự trùng lặp ngẫu nhiên trong phát kiến này. Một nhà địa lý học người Canada thông báo toạ độ của tảng thiên thạch trên một tần sồ radio mà chỉ mỗi NASA nghe được. Và rồi lũ chó kéo xe của ông ấy lao xuống khe nứt. - Rachel ngừng một lát. – Hiển nhiên là cái chết của ông ấy đã dọn đường cho NASA giành được thành công rực rỡ. Mặt Harper biến sắc. - Cô cho rằng Giám đốc dám giết người vì tảng thiên thạch này ư? Trò chơi chính trị vĩ mô. Mẻ lướí kinh tế vĩ mô, Gabrielle thầm nghĩ, - Để tôi về báo cáo lại với Tổng thống, sau đó chúng ta sẽ liên lạc. Toà nhà này có cổng sau không nhỉ? Gabrielle Ashe chia tay tiến sỹ Chris Harper mặt xám ngoét, rồi xuống dọc cầu thang thoát hiểm để ra khỏi trụ sở NASA. Cô lên ngay chiếc taxi vừa đưa thêm mấy nhân vật nữa tới chúc mừng NASA. - Khu căn hộ cao cấp Westbrooke. - Cô nói với người tài xế. Thượng nghị sỹ Sexton chẳng bao lâu nữa sẽ thấy vô cùng vui sướng. Chương 94 Tự thấy ngạc nhiên về quyết định của mình, Rachel kéo điện thoại máy bay ra khỏi cửa khoang lái để người phi công khỏi nghe thấy Corky và Tolland đều đang chăm chú nhìn cô. Mặc dù Rachel và William Pickering, Giám đốc NRO đã thoả thuận là sẽ không liên lạc với nhau cho đến khi máy bay về đến sân bay quân sự Bolling ở ngoại vi Washington, Rachel tin chắc Pickering muốn được biết ngay thông tin mà cô đang có. Cô gọi số điện thoại cầm tay mà lúc nào ông cũng mang bên mình. Pickering nói rất vắn tắt khi trả lời máy: - Xin hãy nói thận trọng, đường dây này có thể bị nghe lén. Rachel hiểu. Giống điện thoại của tất cả các nhân viên NRO, máy cầm tay của Pickering luôn có tín hiệu báo trước khi có người gọi đến bằng đường dây không an toàn. Và bởi vì Rachel đang gọi bằng sóng radio, một trong những đường dây ít an toàn nhất, nên máy của ông đã báo ngay lập tức. Cuộc nói chuyện này sẽ phải thật chung chung. Không có tên người. Không có địa điểm… - Giọng nói của tôi chắc ông đã nhận ra. - Rachel chào hỏi ông theo đúng kiểu mà những nhân viên tình báo vẫn thường làm trong những tình huống như thế này. Cô tưởng khi thấy cô liều lĩnh liên lạc kiểu này thì ông sẽ không vui, nhưng trái lại, giọng điệu của Pickering tỏ ra rất tích cực. - Ừ, tôi cũng đàng định gọi cho cô đây. Chúng ta phải thay đổi kịch bản. Tôi e rằng khi hạ cánh cô sẽ phải đối mặt với một nhân vật thứ ba nữa. Rachel chợt cảm thấy lo lắng. Có kẻ đang nghe lén chúng ta đấy. Cô cảm nhận được nguy hiểm qua giọng nói của Pickering. Thay đổi kịch bản. Ông sẽ rất hài lòng khi biết rằng cô gọi ông cũng vì lý do đó, mặc dù vì một lý do khác hẳn. - Chúng tôi đã thảo luận với nhau về tính xác thực của đối tượng. - Rachel nói. - Và vừa tìm ra một cách để khẳng định chính xác. - Tốt lắm. Tình hình đã thay đổi đáng kể, và tôi cần những cơ sở vững chắc để đưa ra quyết sách. - Để có quyết định đó, chúng tôi sẽ phải dừng chân để vào một phòng thí nghiệm… - Đừng nêu địa điểm chính xác. Để đảm bảo an toàn cho chính cô. Rachel cũng không có ý định nói tên phòng thí nghiệm đó trên đường dây không an toàn này. - Giám đốc có thể lệnh cho máy bay hạ cánh xuống GAS-AC được không? Pickering im lặng giây lát. Rachel biết ông đang cố luận ra nghĩa của những chữ cái đó. GAS-AC là ký hiệu viết tắt mà các nhân viên NRO thường sử dụng thay cho Sân bay Cứu hộ Bờ biển Atlantic. Rachel hi vọng sếp luận được nghĩa đó. - Được rồi. - Cuối cùng ông lên tiếng. - Cái đó thì tôi sẽ thu xếp. Đó sẽ là đích cuối cùng của cô chứ? - Không ạ. Chúng tôi muốn tiếp tục di chuyển bằng máy bay trực thăng. - Sẽ có máy bay đợi sẵn. - Cảm ơn Giám đốc. - Từ bây giờ đến lúc có thêm thông tin chính xác, cô hãy nhớ phải thật thận trọng. Đừng nói thêm gì nữa. Những nghi ngờ của cô đã khiến những nhân vật quyền thế vô cùng lo lắng. Tench, Rachel nghĩ, cô thầm ước giá như báo được cho Tổng thống tin này ngay từ đầu. - Tôi đang lái xe, trên đường đến điểm hẹn với người mà chúng ta đang quan tâm. Bà ta muốn gặp riêng tôi ở nơi kín đáo. Sẽ biết thêm rất nhiều điều. Pickering đang lái xe đến điểm hẹn với Tench sao? Nếu bà ta nhất định không chịu nói trên điện thoại thì chắc hẳn thông tin đó phải vô cùng quan trọng… Pickering nói: - Không được thông báo toạ độ của cô cho bất kỳ ai. Và không liên lạc bằng sóng vô tuyến nữa. Rõ chưa? - Rõ, thưa Giám đốc. Hẹn gặp tại GAS-AC sau một giờ nữa. - Phương tiện sẽ đợi sẵn. Khi đã đến đích cuối cùng thì cô hãy gọi cho tôi bằng đường dây an toàn hơn. - Ông ngừng một lát. - Tôi nhắc lại thận trọng là cần thiết cho sự an toàn của cô. Tối nay cô đã có những kẻ thù mới đầy quyền lực. Phải thật thận trọng. Pickering tắt máy. Rachel quay sang Tolland và Corky, đầy âu lo. - Thay đổi địa điểm nữa à? - Tolland lên tiếng, ánh mắt đầy dò hỏi. Rachel gật đầu, miễn cưỡng trả lời: - Đúng thế. Đến tàu Goya. Corky thở dài, đưa mắt nhìn mẫu đá trong tay. - Tôi vẫn không thể tin rằng NASA có khả năng… - Corky bỏ lửng câu nói, mỗi lúc trông ông một mệt mỏi. Chúng ta sẽ biết nhay thôi mà, Rachel nghĩ. Cô mang máy điện thoại sang trả cho buồng lái: Nhìn những đám mây bàng bạc dưới ánh trăng như đang đuổi theo máy bay, cô linh cảm những gì phát hiện được ở phòng thí nghiệm trên tàu Goya sẽ không thể khiến họ vui lòng. Chương 95 Lái xe dọc đại lộ Leesburg Pike, William Pickering lại cảm thấy cô đơn trống trải. Đã gần hai giờ đêm, đường vắng tanh. Không biết bao lâu rồi mới lại có lúc ông tự lái xe lúc khuya khoắt thế này. Giọng nói chát chúa của Marjorie Tench lại vang lên trong trí não ông. Gặp nhau ở chân tượng đài FDR. Pickering nhớ lại lần gần đây nhất ông gặp trực tiếp Marjorie Tench - lần nào gặp bà ta là lần đó thấy khó chịu. Hôm ấy cách đây hai tháng. Tại Nhà Trắng. Bà ta ngồi đối diện ông, bên chiếc bàn gỗ sồi dài, cùng với đại diện của Hội đồng An ninh quốc gia, các tổng tư lệnh CIA, Tổng thống Herney, và Giám đốc NASA. - Thưa các vị. - Giám đốc CIA lên tiếng, hướng thẳng về Marjorie Tench. - Lại một lần nữa, tôi phải lên tiếng yêu cầu các vị tìm biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng về an ninh hiện nay của NASA. Tuyên bố này chẳng khiến bất kỳ ai trong căn phòng đó ngạc nhiên. Những sơ suất về bảo mật của NASA đã trở thành cái gai trong mắt giới an ninh từ bao lâu nay. Cách đó hai hôm, bọn tin tặc đã tải trộm được từ cơ sở dữ liệu của NASA hơn ba trăm bức ảnh chụp bề mặt trái đất có độ phân giải cao của vệ tinh nhân tạo. Trong số những bức ảnh bị tuồn ra chợ đen lần này có cả hình ảnh căn cứ huấn luyện quân sự bí mật của Hoa Kỳ ở Nam Phi. Và rất có thể các thế lực thù địch ở Trung Đông đã mua được chúng. - Dù không cố ý, - Giám đốc CIA tiếp tục nói, vẻ lo lắng. - NASA tiếp tục là một để doạ đối với an ninh quốc gia. Nói một cách đơn giản, cơ quan nghiên cứu vũ trụ của chúng ta không có các biện pháp bảo mật đủ mạnh để bảo vệ chính những phát kiến của họ. - Tôi cũng thấy là đã có những sai lầm đáng tiếc. - Tổng thống lên tiếng. - Những rò rỉ thông tin kiểu này rất nguy hiểm, và tôi thấy rất lo về điều đó. - Ông hướng về phía Giám đốc NASA, Lawrence Ekstrom đang lầm lì ngồi trong một, góc. - Tất cả chúng ta đều muốn có những biện pháp thích hợp để thắt chặt an ninh cho NASA. - Xin được mạn phép Tổng thống, - Giám đốc CIA lên tiếng, mọi biện pháp sẽ đều vô hiệu nếu NASA vẫn không có cơ quan chủ quản mới là Cộng đồng An ninh quốc gia. Lời nói của ông ta khiến mọi người trong phòng bắt đầu xì xào bàn tán. Ai cũng hiểu ông ta muốn nói lên điều gì. - Như các vị đã biết, - Giám đốc CIA nói tiếp, giọng sắc lạnh, - Tất cả những đơn vị sử dụng thông tin tình báo đều phải tưân thủ quy chế bảo mật nghiêm ngặt. Quân đội, CIA, NSA, NRO đều phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ về việc bảo mật những thông tin thu thập được cũng như những công nghệ tiên tiến có được. Trong khi đó NASA đang hàng ngày hàng giờ tạo ra những thành tựu về khoa học vũ trụ, chụp ảnh kỹ thuật bay, phầm mềm máy tính do thám và thông tin liên lạc. Xin hỏi các vị, tại sao cơ quan này lại được phép nằm ngoài sự quản lý của hệ thống an ninh quốc gia? Tổng thống thở dài nặng nề. Đề xuất này quá rõ ràng. Tái cơ cấu lại NASA để nó trở thành thành viên của Cộng đồng An ninh quốc gia. Mặc dù nhiều cơ quan khác đã bị tái cơ cấu theo kiểu này. Tổng thống không muốn để cho Lầu Năm Góc, NRO, CIA hay bất kỳ cơ quan an ninh nào khác quản lý NASA. Hội đồng An ninh Quốc gia đã bắt đầu bị chia rẽ về vấn đề này, một số tán đồng quan điểm vừa nêu. Trong những cuộc họp như thế này, Lawrence không bao giờ thấy thoải mái, và hôm nay cũng vậy. Ông nhìn Giám đốc NASA một cách khó chịu. - Tôi buộc phải nhắc lại với các vị rằng những phát minh của NASA không nhằm mục đích quân sự mà là vì khoa học thuần tuý. Nếu các vị thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia muốn bắt chúng tôi hướng kính viễn vọng về phía Trung Quốc thay vì quan sát bầu trời thì đó là việc riêng của các vị. Giám đốc CIA hình như đã giận sôi lên. Pickering nhận thấy vẻ bực bội của ông ta và lên tiếng. - Larry này, - Ông nói thật thận trọng - năm nào NASA cũng phải bò lên trước Quốc hội để xin tiền. Các anh chẳng bao giờ có đủ tiền để chi cho các dự án của mình, và cái giá phải trả là những dự án thất bại liên tiếp. Nếu NASA chịu sự quản lý của Cộng đồng An ninh quốc gia thì sẽ không còn cái cảnh phải ngửa tay xin tiền như thế nữa. Các anh sẽ được hưởng nguồn tài chính trong ngân sách bí mật, và dĩ nhiên là sẽ được nhiều tiền hơn. Cả hai bên đều được lợi. NASA sẽ có đủ tiền để chi cho các dự án, và Cộng đồng An ninh sẽ được ăn ngon ngủ yên vì không còn phải lo lắng về chuyện bảo mật các anh nữa. Ekstrom lắc đầu: - Về nguyên tắc, tôi không thể chấp nhận để xếp NASA vào chung một rọ với các cơ quan an ninh, chúng tôi chẳng liên quan gì đến lĩnh vực đó hết. Giám đốc CIA đứng phắt dậy, một hiện tượng hiếm hoi khi Tổng thống đang ngồi. Chẳng ai tỏ ý ngăn cản. Ông ta giận dữ quắc mắt nhìn Giám đốc NASA: - Anh nói là những công nghệ của các anh không liên quan gì đến an ninh quốc gia hả? Lạy Chúa tôi, liên quan nhiều lắm đấy Larry ạ. Chính thế mạnh về khoa học và kỹ thuật là yếu tố sống còn cho an ninh của đất nước này. Và dù muốn dù không, các anh đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển khoa học - kỹ thuật. Điều đáng buồn là mạng lưới an ninh của các anh thủng chi chít chẳng khác gì cái giần, và không biết bao nhiêu lần đã mắc sai lầm rồi! Căn phòng chìm trong yên lặng. Lần này đến lượt Giám đốc NASA đứng dậy, mắt long sòng sọc nhìn thẳng vào người vừa công kích mình. - Anh muốn đem nhốt kín hai mươi ngàn nhà khoa học của NASA vào các phòng thí nghiệm bí mật và bắt họ phải làm việc cho các anh à? Anh nên nhớ rằng nếu không vì niềm đam mê khoa học của họ thì chúng tôi đã không thể chế tạo được những kính viễn vọng cực mạnh để quan sát bầu trời. NASA tạo ra được những đột phá ngoạn mục chỉ vì một lý do duy nhất - các nhà khoa học của chúng tôi muốn khám phá vũ trụ. Họ là những người biết mơ mộng, và có niềm đam mê, luôn khát khao hiểu biết. Niềm đam mê và khát vọng chính là hai động lực thúc đẩy chúng tôi tiến bộ, chứ không phải những mối quan tâm về an ninh quốc gia. Pickering hắng giọng, rồi nhẹ nhàng nóil cố làm dịu bầu không khí đang gay gắt: - Larry này, tôi tin chắc là anh ấy không hề có ý bắt các nhà khoa học của anh chế tạo vệ tinh do thám đâu. Tôn chỉ của NASA sẽ không thay đổi gì hết. NASA vẫn sẽ hoạt động y như trước, chỉ khác là giờ các anh có nhiều tiền hơn và mức độ bảo mật cao hơn. - Lúc này Pickering quay sang nói với Tổng thống - Các biện pháp bảo mật đều tốn kém, tất cả những người có mặt ở đây đều biết rằng những rò rỉ thông tin của họ là do phải chịu cảnh giật gấu vá vai. NASA phải chi tiêu dè sẻn, bớt chút các khoản đáng phải chi cho công tác bảo mật, tham gia vào các dự án liên doanh với các quốc gia khác để bớt gánh nặng tài chính. Tôi đề nghị là NASA cứ việc đóng vai trò nghiên cứu khoa học thuần tuý của họ, nhưng với ngân sách lớn hơn và cẩn mật hơn. Một số thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia gật đầu tán thưởng. Tổng thống chậm rãi đứng dậy, nhìn thẳng vào William Pickering, rõ ràng không vừa lòng với những gì ông vừa nói. - Bill tôi xin hỏi anh một câu: NASA đang mơ ước đặt chân lên sao Hoả vào thập niên tới. Cộng đồng An ninh Quốc gia liệu có bằng lòng chia sẻ phần lớn ngân sách của họ cho việc đưa con người lên sao Hoả hay không? Sự kiện đó sẽ mang lại lợi ích gì cho an ninh quốc gia nào? - NASA sẽ được phép làm những gì họ muốn. - Được phép cái cơn tườu! - Herney gầm lên. Ai nấy đều trợn tròn mắt. Tổng thống Herney không mấy khi văng tục. - Có một điều tôi đã học được kể từ khi ngồi trên ghế Tổng thống. - Ông nói tiếp. - Kẻ nào có tiền thì kẻ đó có quyền. Tôi không đồng ý để NASA chịu sự quản lý của những cơ quan không có cùng tôn chỉ hoạt động với họ. Chẳng khó gì mà không tưởng tượng được NASA có được phép tiếp tục làm khoa học thuần tuý nữa không nếu hầu bao của họ lại nằm trong tay quân đội. Herney, đưa mắt nhìn một lượt khắp phòng, rồi chăm chăm nhìn William Pickering. - Bill này, - Herney thở dài - anh hơi thiển cận khi không muốn cho phép NASA tham gia vào các dự án liên doanh với các quốc gia khác. Ít nhất thì cũng có người đang cộng tác rất tích cực với Nga và Trung Quốc. Hoà bình trên thế giới này sẽ được kiến lập không phải chỉ bằng sức mạnh quân sự. Nó sẽ nở hoa bởi những con người một lòng chung sức với nhau bất kể những thiên kiến khác nhau của Chính phủ mỗi nước. Xin được khẳng định rằng những dự án liên doanh của NASA đóng góp cho hoà bình thế giới nhiều hơn những vệ tinh nhân tạo nhiều tỉ đô la đấy. Và nhờ có họ, chúng ta có quyền hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn nhiều. Pickering cảm thấy cơn giận dữ như đang ngấm vào từng chân tơ kẽ tóc của ông. Làm sao Tổng thống dám ăn nói kiểu đó với mình cơ chứ. Ý tưởng của Herney chỉ phù hợp với các phòng họp mà thôi, chứ ngoài đời thật, nó khiến bao người bị chết oan. - Bill này, - Marjorie Tench nói xen vào, như thể bà ta biết được rằng ông sắp nổi đoá đến nơi - chúng tôi biết anh đã mất một đứa con. Tất cả mọi người ở đây đều biết chuyện này động chạm đến những tình cảm rất riêng tư của anh. Pickering không nghe thlấy bất kỳ điều gì, trừ vẻ kẻ cả của bà ta. - Nhưng xin các vị nhớ cho rằng Nhà Trắng hiện đang giữ hàng đống tài liệu về những nhà đầu tư đang có tham vọng kinh đoanh trong vũ trụ. Tôi xin khẳng định rằng, bất chấp tất cả những sai sót của họ, NASA vẫn luôn là người bạn lớn của ngành an ninh. Còn các anh thì lúc nào cũng chỉ biết chăm chăm bắt lỗi người khác thôi. Tiếng động ầm ầm từ trên cao vọng xuống lôi Pickering về với thực tại. Sắp đến chỗ ông phải rẽ rồi. Gần đến lối rẽ vào thủ đô, ông thấy một con nai chết máu me đầm đìa nằm bên vệ đường như thể báo điểm gở. Ông chợt thấy hơi do dự, nhưng vẫn cứ đi tiếp. Ông sắp có cuộc hẹn. Chương 96 Đài tưởng niệm Franklin Delano Roosevelt là một trong những đài tưởng niệm lớn nhất trên toàn nước Mỹ. Với công viên, thác nước nhân tạo; bức tượng, những mảng tường uốn cong, đài tưởng niệm được chia thành bốn khu vực trưng bày ngoài trời, mỗi khu tượng trưng cho một nhiệm kỳ Tổng thống của FDR. Cách đài tưởng niệm một dặm, chiếc trực thăng Kiowa Wamor đang trườn tới, tất cả đèn trên máy bay đều bị tắt. Ở một thành phố vốn vẫn tự hào là nơi tập trung nhiều VIP và các phóng viên báo chí như thủ đô Washington, trực thăng trên trời nhiều như những bầy chim di trú đang bay về phương nam. Delta-Một biết rằng nếu họ tránh được khu "mái vòm" - vừng trời xung quanh Nhà Trắng được lực lượng phòng không bảo vệ - thì họ sẽ không bị chú ý. Dù sao thì họ cũng chẳng ở đây lâu. Chiếc phi cơ giảm dần tốc độ khi đến gần đài tưởng niệm FDR. Delta-Một cho máy bay lượn vòng tròn, kiểm tra lại vị trí của mình. Anh liếc sang bên trái, thấy Delta-Hai đang điều chỉnh kính viễn vọng nhìn trong bóng tối. Trên màn hình video, lối vào đài tưởng niệm hiện lên. Không một bóng người. Họ sẽ đợi một lát. Đây sẽ không phải là vụ ám sát lặng lẽ. Có những nhân vật không thể bị giết một cách lặng lẽ. Dù có sử dụng cách thức nào đi nữa, vẫn có những tác động ngược trở lại. Những cuộc điều tra. Những buổi thẩm vấn. Vì thế, cách nguỵ trang tốt nhất là gây ra nhiều tiếng động. Những tiếng nổ, lửa, và khói khiến người ta nghĩ đến bọn khủng bố quốc tế, những kẻ giết người công khai. Đặc biệt trong trường hợp mục tiêu là một nhân vật cấp cao. Delta-Một nhìn kỹ cảnh đài tưởng niệm um tùm cây cối trong đêm trên màn hình video. Cả khu đỗ xe lẫn lối vào đều vắng người. Nhanh thôi mà, anh thầm nghĩ. Điểm gặp gỡ này, dù ở giữa lòng thành phố, vào giờ này vắng vẻ bất ngờ. Delta-Một quay sang nhìn thiết bị điều khiển vũ khí của mình. Hệ thống Hellfire quả là loại vũ khí thích hợp với nhiệm vụ tối nay. Là loại tên lửa chống xe bọc thép, được dẫn đường bằng tia laze, Hellfire cho phép "bắn - rồi – quên". Đạn phóng ra sẽ nhằm thẳng tới một chùm tia laze chiếu ra từ đài quan sát trên mặt đất, trên máy bay, hay từ chính chiếc máy bay phóng tên lửa. Đêm nay quả tên lửa này sẽ được dẫn đường bằng bộ phận chiếu tia laze gắn ở đầu ăng ten máy bay. Sau khi máy bay Kaiowa chiếu một chùm laze thẳng vào mục tiêu, tên lửa Hellfire sẽ tự tìm đường. Vì loại tên lửa này có thể được phóng từ cả trên mặt đất lẫn trên máy bay, vết tích của nó ở đây không nhất thiết phải liên quan tới một máy bay. Thêm vào đó, loại tên lửa này trôi nổi khá nhiều ngoài chợ đen, nên người ta có thể đổ lỗi cho bọn khủng bố. - Xe mui kín. - Delta-Hai nói. Delta-Một liếc nhìn màn hình video. Một chiếc xe mui kín màu đen sang trọng đang tiến vào lối rẽ đúng vào giờ đã định. Đây là loại xe dùng chung của các cơ quan Chính phủ. Vào đến gần đài tưởng niệm, người lái xe tắt đèn pha. Chiếc xe lượn vài vòng rồi đỗ cạnh một lùm cây. Delta-Một quan sát trên màn hình trong khi đồng đội của anh hướng ống kính viễn vọng vào cửa bên của chiếc xe. Sau một tích tắc, khuôn mặt người lái xe chiếm trọn màn hình. Delta-Một thở gấp. - Mục tiêu được xác định. - Delta-Hai nói. Delta-Một nhìn màn hình lần nữa - vẻ mặt của nhân vật này hiện lên rõ mồn một trên màn hình. - anh chợt tưởng như mình là tay bắn tỉa đang chĩa nòng súng vào một thành viên của hoàng gia. Mục tiêu được xác định. Delta-Hai quay sang thiết bị điện tử đặt bên trái anh và kích hoạt máy chiếu tia laze. Anh ngắm bắn, và dưới mặt đất, cách họ hai ngàn foot, một chấm sáng rất nhỏ xuất hiện trên nóc xe mà người ngồi trong không hề hay biết. - Mục tiêu đã được chiếu laze. - Delta-Hai tuyên bố. Delta-Một hít một hơi thật sâu. Anh nhấn nút, khai hoả. Dưới thân máy bay, một tiếng xì mạnh vang lên ngay tức thì, tiếp theo đó là luồng sáng nhạt di chuyển rất nhanh xuống mặt đất. Một giây sau, chiếc xe tan thành từng mảnh trong muôn vàn lưỡi lửa. Mảnh kim loại méo mó văng khắp nơi. Lốp xe bắt lửa lăn vào lùm cây. - Nhiệm vụ đã hoàn tất., Delta-Một nói, cho máy bay rút khỏi hiện trường. - Gọi chỉ huy đi. Cách đó không đầy hai dặm, Tổng thống Zach Herney đang chuẩn bị đi ngủ. Kính của cửa sổ chống đạn Lexan cạnh giường ông dầy đến một inch. Herney không hề nghe thấy tiếng nổ. Chương 97 Sân bay của đội cứu hộ bờ biển Atlantic toạ lạc ở một nơi được canh gác cẩn mật bên trong Trạm không lưu Liên bang William J. Hughes đặt tại sân bay quốc tế thành phố Atlantic. Trạm này phụ trách toàn bộ khu vực thềm lục địa Atlantic từ Asbury Park đến tận Cape May. Rachel Sexton bừng tỉnh khi bánh máy bay kêu ken két trên đường băng trải nhựa nằm lọt giữa hai toà nhà lớn. Ngạc nhiên thấy mình đã ngủ thiếp đi, cô giơ tay xem đồng hồ. Hai giờ mười ba phút. Rachel tưởng như cô đã ngủ mê mệt không biết bao lâu. Ai đó đã quấn quanh người cô tấm chăn ấm áp, và bên cạnh cô, Michael Tolland cũng vừa tỉnh dậy. Ông nhìn cô, mỉm cười, vẻ mệt mỏi. Corky loạng choạng bước dọc lối đi, nhăn nhó khi nhìn thấy họ. - Khỉ thật, hai người vẫn còn ở đây à? Giá như đêm nay chỉ là một giấc mộng thì hay quá. Rachel hoàn toàn thông cảm với ông ta. Mình lại phải ra biển. Máy bay dừng hẳn, cùng hai nhà khoa học, Rachel bước xuống đường băng. Trời đầy mây, nhưng gió biển ấm áp thổi khá mạnh. So với Ellesmere thì New Jersey chẳng khác gì vùng nhiệt đới. - Đằng này! - Có người gọi to. Cả ba quay lại và thấy chiếc máy bay HH-65 Dolphin màu đỏ sẫm, loại máy bay chuyên dụng của đội cứu hộ trên biển, đang đợi sẵn. Một viên phi công nai nịt sẵn sàng, đứng cạnh đuôi máy bay, đang đưa tay vẫy. Tolland gật đầu nhìn Rachel vẻ thán phục: - Sếp của cô quả là chu đáo. Anh chưa biết ông ấy là người thế nào đâu, cô nghĩ. Corky ngồi sụp xuống: - Đi luôn à? Không được ăn uống gì sao? Người phi công chào hỏi niềm nở, sau đó giúp họ leo lên máy bay. Không cần hỏi tên tuổi của họ, anh ta cứ bô bô trò chuyện. Chắc hẳn Pickering đã nói rõ với đội cứu hộ rằng đây không phải là chuyến bay công khai. Tuy nhiên, bất chấp chỉ thị của ông, Rachel nhận thấy bí mật về danh tính của họ chỉ kéo dài được vài giây. Người phi công trợn tròn mắt, không giấu nổi vẻ kinh ngạc khi thấy Michael Tolland, ngôi sao truyền hình nổi tiếng. Thắt đai an toàn, ngồi xuống cạnh Tolland, Rachel bắt đầu cảm thấy căng thẳng. Loại động cơ Aerospatiale trên đầu họ bắt đầu rú lên, những cánh quạt Dolphin dài 39 foot bắt đầu quay tít. Động cơ tiếp tục gầm rú to hơn nữa, và chiếc máy bay rời đường băng, bay vào bầu trời đêm. Viên phi công thò đầu vào trong khoang và nói lớn; - Tôi được thông báo là các vị sẽ cho biết đích đến sau khi chúng ta cất cánh. Tolland cho anh ta biết toạ độ chính xác của một vị trí cách sân bay khoảng ba mươi dặm về hướng đông nam. Tàu của anh ấy ở cách bờ mười hai dặm, Rachel thầm nghĩ, rùng mình. Anh chàng phi công nhập toạ độ vào hệ thống định vị của máy bay. Sau đó anh ta điều chính một số nút bấm và cần gạt. Chiếc máy bay lao thẳng về hướng đông nam. Khi những đụn cát trên bờ biển New Jersey đã lùi về phía sau, Rachel quay mặt đi, không muốn nhìn đại dương tối sẫm trải rộng bên dừới máy bay. Dù rất lo lắng khi phải ra biển lần nữa, cô cố an ủi mình rằng bên cạnh cô là người suốt đời coi đại dương là bạn thân. Tolland ngồi sát cạnh cô trong khoang máy bay chật chội, vai và hông của hai người bị ép vào nhau. Nhưng chẳng ai tỏ vẻ muốn thay đổi tư thế. - Tôi biết là không nên nói ra, - đột nhiên viên phi công thốt lên, nhưng chắc chắn anh là Michael Tolland, chắc chắn thế, anh xuất hiện trên tivi suốt cả đêm! Tảng thiên thạch ấy mà! Không thể tin nổi! Chắc anh phải kinh ngạc lắm! Tolland kiên nhẫn gật đầu: - Đến nỗi không thốt nên lời. - Đoạn phim tài liệu thật tuyệt vời! Anh biết không, các đài truyền hình thay nhau phát lại. Đêm nay chẳng phi công nào muốn cất cánh ai cũng muốn ngồi nhà xem tivi, chúng tôi phải bốc thăm! Anh có tin nổi không! Bốc thăm! Và thế đấy! Nếu cánh phi công mà biết tôi đang chở ai thì… - Chúng tôi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của anh, Rachel xen ngang, - nhưng việc chúng tôi có mặt ở đây thì chỉ mình anh được biết thôi. Anh không được nói cho bất kỳ ai khác. - Dĩ nhiên rồi, thưa cô. Chỉ huy cũng đã nói thế. - Anh ta do dự một lát, rồi mắt lại sáng lên. - Này, có phải chúng ta đang bay tới con tàu Goya không? Tolland miễn cưỡng gật đầu. - Đúng thế. Chúa thật! - Anh ta thốt lên. - Xin lỗi anh nhé, nhưng tôi đã nhìn thấy con tàu ấy trong các chương trình của anh. Nó có hai thân song song, phải không nhỉ? Con quái vật kỳ dị! Tôi chưa bao giờ được đặt chân lên tàu ngầm. Không ngờ bây giờ lại được lên hẳn tàu của anh! Rachel không nói gì, càng xa bờ cô càng cảm thấy bất an. Tolland quay sang nhìn Rachel. - Không sao chứ? Cô ở trên bờ cũng được. Tôi bảo từ nãy rồi mà. Đáng ra mình nên ở lại trên bờ, Rachel nghĩ, lòng thầm biết cô không mặt mũi nào mà làm thế. - Không sao, cảm ơn anh. Tôi không sao. Tolland mỉm cười. - Tôi sẽ trông chừng cho cô. - Cảm ơn anh. - Rachel ngạc nhiên thấy giọng nói ấm áp của ông làm cô cảm thấy an tâm hơn hẳn. - Cô đã trông thấy con tàu Goya trên tivi rồi đúng không? Cô gật đầu. - Quả là… trông…, khá hấp dẫn. Tolland cười lớn: - Đúng thế. Hồi đầu nó là hình mẫu vô cùng hiện đại, nhưng vẻ ngoài của nó quả có hơi kì dị. - Chẳng giống một ai. - Rachel nói đùa, nghĩ đến hình dáng khác thường của con tàu. - Hiện nay đài NBC đang giục tôi chuyển sang sử dụng con tàu mới. Có lẽ… tôi cũng chẳng biết nữa, trông đẹp hơn, hào nhoáng hơn. Một hai năm nữa, họ sẽ bắt tôi phải chia tay Goya. - Giọng Tolland đầy tư lự. - Anh không thích có tàu mới ư? - Tôi chẳng biết nữa… Tàu Goya gắn bó với tôi bao kỉ niệm. Rachel cười mỉm: - Mẹ tôi thường nói rằng sớm muộn gì chúng ta cũng phải để quá khứ lại sau lưng. Ánh mắt hai người tình cờ gặp nhau. - Ừ, chắc phải như vậy thôi Tolland nói. Chương 98 - Khỉ thật. - Người lái xe tắc xi quay lại nói với Gabrielle. - Hình như đằng trước có tai nạn. Lại không đi được rồi. Chắc cũng lâu đấy. Gabrielle nhìn ra ngoài và thấy những chớp sáng từ đèn xe cấp cứu loé lên trong đêm tối. Mấy nhân viên cảnh sát đang đứng phía trước, chặn tất cả mọi xe cộ qua lại xung quanh khu đài tưởng niệm. - Chắc tai nạn phải khủng khiếp lắm. - Người lái xe nói, tay chỉ những lưỡi lửa vẫn đang bốc cao trong đài tưởng niệm FDR. Gabrielle nhìn những ngọn lửa đang cháy lem lém, nhíu mày. - Lại đúng vào lúc này cơ chứ. - Cô muốn báo ngay cho Thượng nghị sĩ thông tin vừa có được về PODS và nhà địa chất học Canada. Cô thầm băn khoăn không hiểu vụ ầm ỹ này có đủ để mang lại sinh khí cho chiến dịch bầu cử của Thượng nghị sĩ hay không. Có thể đối với những chính trị gia khác thì vẫn là chưa đi - cô thầm nghĩ, nhưng Sedgewick Sexton là người dựa trên khiếm khuyết và thất bại của kẻ khác để xây dựng cương lĩnh chính trị của mình. Dù Gabrielle chưa bao giờ thán phục cách Thượng nghị sĩ biến những khiếm khuyết về nhân cách của đối thủ thành những lợi thế chính trị của bản thân, nhưng phải thừa nhận rằng đó là cách thức lợi hại. Với miệng lưỡi sắc sảo, Sexton có thể làm cho hành vi thiếu trung thực này của NASA biến thành cả một vấn đề trầm trọng liên quan đến tư cách của người đứng đầu NASA và một cách gián tiếp, đến cả Tổng thống. Ngoài kia, lửa tiếp tục bốc cao thêm trong khu vực tưởng niệm FDR. Một số cây to đã bắt lửa, và lính cứu hoả đang ra sức phun nước. Người lái taxi ấn nút bật đàì, và đang dò sóng. Thở dài, Gabrielle ngả người trên ghế, cảm nhận sự mệt mỏi đang lan đến từng chân tơ kẽ tóc. Hồi mới đặt chân đến Washington, cô đã dự định sẽ làm chính trị cả đời, thậm chí cả trong Nhà Trắng. Ấy thế mà giây phút này, cô cảm tưởng như đã chán ngán tất cả - cuộc đấu trí với Marjorie Tench, những bức ảnh chụp cô và Thượng nghị sĩ ăn nằm với nhau, những lời dối trá của NASA… Phát thanh viên trên đài đang đưa tin về một vụ đánh bom và những suy đoán về khủng bố. Mình phải đi khỏi thành phố này thôi, cô nghĩ, lần đầu tiên kể từ giây phút đặt chân đến thủ đô của nước Mỹ. Chương 99 Chỉ huy rất hiếm khi thấy mệt mỏi, nhưng ngày hôm nay quả là nhiều thương vong. Không một chi tiết nào diễn ra đúng như dự định - quá trình khoan phiến băng để đưa tảng thiên thạch vào lòng băng hà, những khó khăn nảy sinh trong khâu bảo vệ bí mật, và bây giờ là số lượng nạn nhân tăng không ngừng. Đáng ra không một ai phải chết… trừ người Canada đó. Thật mỉa mai, chi tiết kỹ thuật khó thực hiện nhất hoá ra lại êm xuôi nhất. Việc đưa tảng đá vào giữa lòng phiến băng được hoàn tất từ trước đó vài tháng mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Sau khi mọi sự đã hoàn tất, chỉ cần đợi vệ tinh PODS được phóng lên quỹ đạo vệ tinh chụp cắt lớp độ đậm đặc Cực Bắc này có nhiệm vụ quản sát những khu vực rộng lớn ở vùng Cực Bắc, và không sớm thì muộn, phần mềm trên vệ tinh sẽ phát hiện ra tảng thiên thạch, và NASA sẽ được biếu không một phát kiến quan trọng. Nhưng phần mềm chết tiệt đó không hoạt động được. Khi chỉ huy được thông báo rằng phần mềm phát hiện những dị thường về độ đậm đặc của PODS bị lỗi và phải đợi đến sau kỳ bầu cử thì mới khắc phục xong, toàn bộ kế hoạch có nguy cơ bị phá sản. Không có PODS, tảng thiên thạch sẽ âm thầm nằm trong lòng băng tuyết. Thế là chỉ huy phải tìm cách báo cho người của NASA biết về tảng thiên thạch đó. Giải pháp được lựa chọn là giả danh nhà địa chất học người Canada để thông báo vị trí của tảng thiên thạch. Dĩ nhiên là phải giết nhà khoa học đó ngay lập tức rồi dàn cảnh một vụ tai nạn. Quăng nhà địa chất học vô tội từ trên trực thăng xuống mới chỉ là bước khởi đầu. Lúc này, sự thật có nguy cơ nhanh chóng bị bại lộ. Wailee Ming. Norah Mangor. Cả hai đều đã chết. Vụ sát hại dã man tại đài tưởng niệm FDR. Chẳng mấy chốc nữa sẽ đến lượt Rachel Sexton, Michael Tolland, và tiến sĩ Marlinson. Không còn cách nào khác, chỉ huy thầm nghĩ, cố dằn cảm giác hối hận đang dâng lên trong lòng. Nếu không thì cái giá phải trả sẽ còn lớn hơn nhiều… Chương 100 Khi chiếc máy bay Dolphin của đội cứu hộ bờ biển còn cách chiếc tàu Goya những hai dặm, Tolland đã gọi người phi công. - Máy bay của anh có trang bị thiết bị nhìn xuyên đêm NightSight không? Người phi công gật đầu: - Chúng tôi được trang bị đầy đủ! Tolland không mong gì hơn. NightSight là thiết bị chụp ảnh cảm ứng nhiệt của hãng Raytheon, cho phép xác định được những người còn sống sót sau khi đắm tàu trong đêm tối. Hơi ấm toả ra từ đầu của nạn nhân sẽ hiện lên như một chấm đỏ trên nền đại dương đen thẫm. - Bật lên đi. - Tolland bảo anh ta. Người phi công thắc mắc: - Anh muốn tìm người dưới biển sao? - Không, tôi muốn xem cái này. - Ở độ cao này thì chẳng nhìn thấy gì đâu, trừ phi dưới kia có một vệt dầu loang đang bốc cháy. - Anh cứ bật lên đã nào. - Tolland khăng khăng. Người phi công ném về phía Tolland ánh mắt khó chịu, rồi ấn mấy cái nút, điều chỉnh vài cái cần, chỉnh ống kính cảm ứng nhiệt lắp dưới bụng máy bay để nhìn bao quát vùng biển có đường kính ba dặm trước mặt họ. Màn hình LCD trên bảng điều khiển trước mặt anh ta sáng lên. Ảnh cảm ứng nhiệt được chuyển ngay. - Ái chà chà! - Máy bay hơi tròng trành mất mấy giây khi anh ta co người lại vì kinh ngạc, rồi bình tĩnh lại và ngồi thẳng dậy, chăm chú nhìn màn hình. Rachel và Corky nhoài hẳn người về phía màn hình, không kém phần ngạc nhiên. Trên nền đại dương đen thẫm là một vòng xoáy lớn màu đỏ sáng loè. Rachel bối rối quay sang Tolland: - Trông như một xoáy nước vậy. - Nó đấy. - Tolland đáp - một dòng hải lưu ấm chảy xoáy. - Đường kính của nó phải đến nửa dặm. Anh chàng phi công cứu hộ ồ lên kinh ngạc: - Dòng xoáy này lớn thật. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp xoáy nước ấm, nhưng chưa thấy cái xoáy nào rộng đến mức này. - Nó mới xuất hiện tuần trước, - Tolland giải thích - chắc chỉ vài hôm nữa là biến mất. - Cái gì tạo nên xoáy nước này? - Rachel hỏi, bối rối thấy một xoáy nước lớn đến thế giữa lòng đại dương. - Magma đấy. - Viên phi công nói. Rachel quay sang Tolland, giọng lo lắng: - Có núi lửa sao? - Không. - Tolland đáp. – Bờ biển phía đông không có núi lửa nào cả, mà thỉnh thoảng chỉ có những túi đá nhão xuất hiện dưới đáy biển, tạo ra những vùng nước nóng mà thôi. Vì những túi nước nóng đó, một gradien nhiệt độ đảo ngược xuất hiện - nước nóng ở dưới đáy trong khi nước mát lại ở bên trên. Do đó mà có những xoáy nước nóng lớn thế này. Chúng được gọi là các megaplume. Những xoáy nước này chỉ hoạt động trong khoảng một hai tuần rồi sẽ biến mất. Người phi công quan sát xoáy nước nóng đang chảy trên màn hình. - Trông xoáy nước này có vẻ còn mạnh lắm. - Anh ta ngừng lại một lát, kiểm tra lại toạ độ mà tàu ngầm của Tolland đang neo đậu, rồi quay lại, vẻ ngạc nhiên: - Anh Tolland này, hình như con tàu của anh đang thả neo rất gần trung tâm dòng xoáy này thì phải. Tolland gật đầu. - Gần trung tâm thì tốc độ dòng chảy có chậm hơn đôi chút. - Mười tám hải lí. Gần giống như thả neo trên một dòng sông chảy xiết. Những dây néo của chúng tôi đã bị kéo căng suốt cả tuần vừa rồi. - Lạy Chúa tôi. - Viên phi công nói. - Hải lưu có tốc độ mười tám hải lý! Ngã một cái là xong! - Anh ta phá lên cười. Rachel không cười nổi. - Mike này, không hề thấy anh nhắc gì đến túi đá nhão, megaplum hay dòng hải lưu nóng nào hết. Ông đặt tay lên đầu gối, cô động viên: - An toàn tuyệt đối, cứ tin ở tôi. Rachel nhíu mày: - Tức là các anh đang quay phim về megaplume này à? - Megaplume và sphyrna mokarranan. - Đúng đấy, tôi đã nghe thấy anh nói đến thứ đó! Tolland mỉm cười bẽn lẽn: - Sphyrna mokarranan rất thích nước ấm, và ngay lúc này, trải dài khắp một trăm dặm quanh đây, chúng đang tập trung vô cùng đông đúc. - Hay thật. - Rachel gật đầu, không chút thoải mái. - Và chúng thế nào? Lũ sphyrna mokarranan ấy? - Loài cá xấu xí nhất đại dương. - Giống cá bơn à? Tolland cười lớn: - Cá mập đầu búa. Rachel sợ cứng người: - Quanh tàu của anh có cá mập đầu búa à? Tolland nháy mắt: - Bình tĩnh nào, chúng không nguy hiểm đâu mà. - Nếu chúng không nguy hiểm thì anh đã chẳng phải nói vậy. Tolland cười ha hả: - Chắc cũng đại loại như thế. - Ông tinh nghịch gọi người phi công - Này, kể từ lần gần đây nhất mà các anh cứu được người nào bị cá mập đầu búa tấn công đến nay là bao lâu rồi? Anh ta nhún vai: - Phải đến mấy chục năm nay chưa có lấy một lần. Tolland quay sang Rachel: - Thấy chưa, mấy chục năm rồi. Lo gì! - Nhưng mà mới tháng trước, có mấy tay lặn tự do bị… - Này! - Rachel lên tiếng - Anh nói là mấy chục năm chưa cứu người nào cơ mà! - Đúng thế! - Anh ta đáp. - Cứu sống. Thường là chúng tôi đến quá muộn. Giống cá này tấn công nhanh lắm. Chương 101 Từ trên cao, họ thấy bóng dáng tàu Goya lung linh phía chân trời. Cách nửa dặm, Tolland nhận ra ngay những bóng đèn mà Xavia đã bật trên boong. Nhìn những ngọn đèn, ông chợt thấy mình giống lữ khách mệt mỏi vừa nhìn thấy mái nhà thân yêu hiện lên phía cuối đường. - Tôi tưởng chỉ có một người trực trên tàu cơ mà? - Rachel ngạc nhiên thấy nhiều đèn sáng đến vậy. - Chẳng lẽ những lúc ở nhà một mình thì cô không bật đèn sao? - Một bóng thôi, không phải toàn bộ căn nhà như thế kia. Tolland mỉm cười. Dù cố tỏ ra vui vẻ, Rachel không giấu nổi cảm giác bồn chồn lo lắng. Ông muốn đặt bàn tay vai cô gái để nói đôi lời an ủi, nhưng chẳng biết nói gì vào lúc này. - Đèn bật lên thế kia là để cho an toàn. Để làm ra vẻ vẫn có rất nhiều người trên tàu. Corky cười khùng khục: - Các anh sợ cướp biển à? - Không. Nguy cơ lớn nhất lại chính là những kể khờ không biết đường mà dùng radar. Cách tốt nhất để không bị đâm là để cho ai cũng phải thấy mình. Corky liếc nhìn con tàu chan hoà ánh sáng: - Nhìn thấy à? Trông như thể các anh sắp mở vũ hội hoá trang nhân dịp năm mới thì có. - Dĩ nhiên là tiền điện thì đã có đài NBC chi trả. Chiếc trực thăng của đội cứu hộ bờ biển nghiêng cánh và lượn vòng quanh con tàu. Người phi công bắt đầu cho máy bay tiếp cận sân bay trực thăng trên nóc tàu. Từ trên cao, Tolland thấy rõ những thanh giằng của con tàu đang phải chịu áp lực rất lớn của dòng hải lưu. Được thả neo từ phía mũi - con tàu Goya như đang đâm thẳng vào dòng nước xoáy, những dây xích để neo tàu bị kéo căng, như thể một quái vật biển đang kéo căng xiềng xích muốn vùng thoát ra ngoài… - Con tàu này đẹp gớm. - Người phi công vừa nói vừa cười. Tolland biết ngay anh ta đang nói mỉa. Tàu Goya trông rất xấu. Xấu không chịu nổi - theo cách nói của một biên tập viên truyền hình. Nó là một trong mười bảy chiếc tàu duy nhất hiệu SWATH, con tàu hai thân vùng ngấn nước hẹp này trông không đẹp mắt chút nào. Về cơ bản, con tàu là một khối kết cấu nằm ngang nổi bồng bềnh trên những thanh giằng rất lớn gắn với bốn xà lan. Nhìn từ xa, nó giống như giàn khoan loại thấp. Nhìn gần thì nó giống như cái xà lan lớn gắn trên những cây cột khổng lồ. Khu ở của thuỷ thủ đoàn, các phòng nghiên cứu cũng như khoang điều khiển được xếp thành dãy tít trên cao, khiến người ta liên tưởng đến đống hổ lốn những, nhà cửa, phòng cao ốc bị chất chồng trên cái bàn cà phê bé nhỏ. Dù trông không vừa mắt chút nào, con tàu Goya có ưu điểm là vùng ngấn nước rất hẹp, do đó ít tròng trành hơn. Mặt nền được treo rất thăng bằng cho phép họ dễ dàng quay phim và thao tác trong phòng thí nghiệm, và ít người bị say sóng hơn. Dù đài NBC đã đề nghị mua cho ông con tàu mới, Tolland vẫn từ chối. Dù rằng hiện nạy có những con tàu mới có độ ổn định cao hơn, nhưng Goya đã là nhà của ông từ hơn chục năm nay - trên chính con tàu này, ông đã chiến đấu với nỗi cô đơn trống trải sau khi Celia ra đi mãi mãi. Thỉnh thoảng vẫn có đêm ông như nghe thấy tiếng nàng trên boong tàu lộng gió. Chừng nào những tiếng gọi ấy không còn vang lên nữa thì ông sẽ chuyển sang tàu mới. Còn hiện tại thì chưa. Cuối cùng thì chiếc trực thăng cũng hạ cánh xuống boong tàu Goya. Rachel Sexton thở phào. Tin tốt là cô không còn bay qua đại dương nữa. Tin xấu là giờ đây, cô đang đứng trên mặt biển. Rachel cố giữ cho hai chân không run lên khi cô bước lên boong và nhìn quang cảnh xung quanh. Boong tàu chật chội kỳ lạ, đã thế chiếc máy bay lại choán hẳn phần đuôi tàu. Dõi mắt về phía mũi tàu, Rachel chăm chú quan sát cấu trúc xấu xí mất cân đối của con tàu. Tolland đứng sát bên cô. - Tôi biết, - ông nói to để át tiếng dòng nước ào ào bên dưới - Khi lên tivi, cái boong này có vẻ rộng hơn. Rachel gật đầu. - Và cũng có vẻ ít tròng trành hơn. - Đây là một trong những con tàu an toàn nhất. Thật đấy. Tolland đặt tay lên vai Rachel và dẫn cô đi dọc boong tàu. Ông không ngờ hơi ấm từ bàn tay mình lại có thể khiến Rachel an lòng đến vậy. Tuy nhiên, khi Rachel nhìn về phía đuôi tàu, cô thấy dòng hải lưu chảy xiết cuộn lên như thể con tàu đang chạy hết tốc lực. Chúng ta đang ở ngay trên một xoáy nước lớn, cô thầm nghĩ. Ở tận cùng phía đuôi tàu, Rachel nhận ra chiếc tàu lặn nhỏ Triton - được đặt tên theo thần biển của người Hy Lạp - trông chẳng giống vị thần biển bị nhốt trong lồng sắt chút nào. Ngay trên mũi con tàu nhỏ này là vòm chứa acide acrylic, khiến nó trông giống chiếc bể cá hơn là chiếc tàu ngầm. Rachel thầm nghĩ trên đời này không còn gì đáng sợ hơn ở một mình trong lòng biển sâu, sát cái vòm chứa đầy acide kiểu này. Nhưng theo lởi Tolland, khó chịu nhất lại là giai đoạn đầu, khi con tàu được thả xuống biển bằng cái tời gắn bên hông tàu Goya, treo lủng lẳng như quả lắc đồng hồ trên không trung, cách mặt biển ba mươi mét. - Xavia chắc đang ở trong phòng thí nghiệm. - Tolland nói, đi dọc boong tàu. - Lối này. Rachel và Corky bước theo Tolland. Còn viên phi công thì ngồi lại trên máy bay, được dặn dò kỹ lưỡng là không được dùng sóng vô tuyến để bên lạc với bất kỳ ai. - Hai người hãy xem nhé. - Tolland nói, dừng lại bên lan can ở đuôi tàu. Rachel miễn cưỡng tiến sát đến mép tàu. Lan can khá cao. Mặt nước bên dưới cách họ những ba mươi foot, thế mà Rachel vẫn cảm thấy vô cùng sợ hãi. Nhiệt độ ở đây tương đương với nước ấm trong bồn tắm. Tolland nói trong tiếng nước ào ào. Ông với tay bật công tắc gắn trên tay vịn. - Xem này. Một chùm sáng toả rộng chiếu xuyên qua vùng nước phía đuôi tàu. Cả Rachel và Corky đều thấy ngộp thở. Quanh con tàu là hàng chục hình dáng ma quái. Chỉ cách mặt nước vài foot, hàng đàn cá lớn đen xì, bóng nhẫy bơi song song ngược dòng hải lưu, những cái đầu hình búa không lẫn vào đâu được đang lắc qua lắc lại trong một nhịp điệu ma quái đặc trưng mà tổ tiên chúng từ thời tiền sử truyền lại. - Chúa ơi. - Corky lắp bắp. - Rất mừng được anh báo trước thế này, Mike ạ. Rachel đờ người. Cô muốn lùi xa mép tàu, nhưng chân không nhúc nhích nổi. Những gì vừa trông thấy đã khiến cô ngây dại. - Cảnh tượng hiếm có, đúng không? - Tolland nói. Ông lại đặt tay lên vai Rachel để trấn an. - Chúng sẽ vui đùa ở vùng nước ấm này vài tuần. Những con cá này thính mũi nhất đại dương - thuỳ khứu giác telencephalon của chúng cực kỳ nhạy bén. Chúng có thể ngửi được mùi máu cách xa một dặm. Corky tỏ ra hoài nghi: - Thuỳ khứu giác telencephalon cực nhạy à? - Anh không tin ư? - Tolland đến bên cái tủ bằng nhôm đặt gần đó. Loáng một cái, ông đã lôi ra một con cá nhỏ. – Tốt lắm. - Ông lấy con dao nhỏ và khía vài nhát trên mình con cá mềm oặt. Máu bắt đầu rỉ ra. - Mike này, lạy Chúa tôi. - Corky nói. - Ghê quá! Tolland ném con cá xuống biển. Ngay khi con cá rơi xuống mặt biển, gần chục con cá mập lập tức lao bổ đến, những chiếc răng trắng nhởn, sắc nhọn bổ phầm phập vào con cá bé nhỏ. Sau một tích tắc, con cá hoàn toàn biến mất. Kinh hãi, Rachel quay lại nhìn Tolland ông đã cầm trên tay một con cá nữa. Cùng loại. Cùng kích cỡ. - Lần này không có máu. - Tolland nói, rồi ném luôn con cá xuống biển mà không lấy dao cắt ra như lần trước nữa. Con cá rơi xuống nước, nhưng không có bất kỳ động tĩnh nào. Lũ cá mập đầu búa dường như không hề để ý. Con cá mồi bị dòng hải lưu chảy xiết cuốn đi, không gây ra bất kỳ xáo động nào. - Chúng chỉ tấn công khi ngửi thấy có mùi máu. - Tolland đứng dựa người vào lan can boong tàu và nói. Thực ra chúng ta có thể bơi ở khu vực này mà vẫn an toàn với điều kiện là trên người không có vết thương hở nào. Corky chỉ tay vào những mũi khâu trên mặt ông ta. Tolland nhíu mày: - Đúng thật, cậu thì không được bơi. Chương 102 Chiếc taxi của Gabrielle Ashe không thể nhúc nhích. Bị mắc kẹt trong đám tắc đường gần đài tưởng niệm FDR, Gabrielle đưa mắt nhìn quang cảnh hai bên đường, và chợt cảm thấy màn sương mờ siêu thực như đang ôm trùm lấy thành phố. Lúc này phát thanh viên trên đài đang thông báo rằng người vừa bị tai nạn có thể là một nhân vật cao cấp của Chính phủ. Lấy điện thoại cầm tay ra, cô gọi Thượng nghị sĩ. Chắc chắn giờ này ông đang băn khoăn tại sao cô lại biến mất lâu đến thế. Đường dây đang bận. Nhìn đồng hồ đo độ dài của chiếc taxi đang nhấp nháy, Gabrielle nhnl mày. Mấy chiếc xe xung quanh đang quay đầu để đi đường khác. Người lái xe quay đầu lại hỏi: - Cô có muốn đợi không? Lâu quá là đồng hồ sẽ tự nhảy đấy. - Thêm nhiều xe của cảnh sát đang kéo đến. - Không. Quay lại thôi. Người lái xe làu nhàu gì đó vẻ đồng tình rồi cho xe quay lại. Đi qua chỗ ngoặt, cô lại gọi cho Thượng nghị sĩ lần nữa. Máy vẫn bận. Vài phút sau, sau khi vòng vèo, chiếc xe đi qua phố C., Gabrielle nhìn thấy toà cao ốc văn phòng Phillip A. Heart lờ mờ phía trước. Cô định đến thẳng nhà riêng của Thượng nghị sĩ, nhưng nếu văn phòng của ông ở ngay gần đây thế này thì… - Dừng lại đi. - Cô bảo người lái xe. - Tôi xuống đây cũng được. - Cảm ơn anh. Xe dừng bánh. Thanh toán tiền xong, Gabrielle cho anh ta thêm mười đô la nữa. - Anh có thể đợi tôi mười phút được không? Người lái xe cầm tiền và nhìn đồng hồ đeo tay: - Đúng mười phút thôi nhé. Gabrielle hối hả bước đi. Năm phút nữa tôi quay ra ngay… Vào lúc khuya khoắt này, khu văn phòng lát đá hoa cương của Thượng nghị sĩ trông thật đìu hiu. Đi lướt qua dãy tượng đặt cạnh hành lang tầng ba, Gabrielle chợt có cảm giác căng thẳng. Những đôi mắt bằng đá như đang theo dõi từng cử động của cô. Đến cửa khu văn phòng mà Thượng nghị sĩ thuê riêng, cô tra thẻ ra vào vào khe để mở cửa. Hành lang mờ tối. Qua sảnh chờ rộng, cô tiến tới hành lang dẫn vào phòng thư ký. Cô vào trong, bật đèn lên, và bước thẳng tới bên chồng tài liệu trên bàn của mình. Gabrielle có cả cặp tài liệu về những chi phí của NASA cho dự án PODS cũng như những thông tin về chính dự án đó. Rất có thể Thượng nghị sĩ sẽ cần có ngay những tài liệu cần thiết về PODS sau khi nghe cô báo cáo về Harper. NASA nói dối về PODS. Gabrielle chưa kịp chạm tay vào cặp tài liệu thì điện thoại cầm tay của cô đổ chuông. - Thượng nghị sĩ phải không ạ? - Cô trả lời máy. - Không đâu, Gabrielle. Yolanda đây. - Người bạn thân thiết của cô lên tiếng. - Em vẫn còn ở trụ sở NASA đấy à? - Không. Em ở văn phòng. - Có tìm được gì ở NASA không? - Chị không thể tin nổi đâu. Gabrielle biết rằng cô nên nói chuyện với Thượng nghị sĩ trước rồi mới kể với Yolanda. Thượng nghị sĩ sẽ quyết định xử lý thông tin theo cách nào. - Em phải báo cáo với Sexton trước rồi mới kể với chị được. Em đang trên đường đến nhà riêng ông ấy. Yolanda im lặng một lúc. - Gab này, em còn nhớ những điều hồi nãy em nói với chị về chuyện tiền bạc giữa Sexton và SFF không? - Em đã bảo chị là em sai và… - Chị vừa được biết rằng hai phóng viên chuyên phụ trách mảng vũ trụ của đài chị đang điều tra về chuyện ấy đấy. Gabrielle ngạc nhiên: - Thế nghĩa là sao? - Chị không biết. Những họ đều là người tử tế, và đều tin rằng Sexton nhận tiền của SFF. Biết tin là chị gọi cho em ngay. Hồi tối chị có nói với em là chuyện đó không thể có thật. Những thông tin mà Marjorie Tench cung cấp có thể không chính xác. Nhưng những phóng viên của đài chị…, chị cũng chẳng biết thế nào, có lẽ em nên nói chuyện với họ rồi hãy đến gặp Thượng nghị sĩ. - Nếu họ tin là thế thật thì tại sao chưa cho phát tin lên sóng? Gabrielle không ngờ giọng điệu của cô lại đanh thép đến thế. - Họ chưa có bằng chứng cụ thể. Thượng nghị sĩ rất giỏi xoá dấu vết. - Chính khách nào mà chả thế. - Không có chuyện ấy đâu Yolanda ạ. Em khẳng định với chị là Thượng nghị sĩ chỉ nhận những khoản hiến tặng trong giới hạn cho phép. - Chị biết là ông ấy bảo em thế, Gab ạ. Chị không muốn khẳng định điều gì đúng, điều gì sai. Chị chỉ cảm thấy có trách nhiệm phải báo cho em biết vì chị đã khuyên em đừng tin lời nói của Marjorie Tench; và giờ đây chị vừa được biết rằng những người khác cũng có cùng quan điểm với bà ta. Thế thôi. - Hai phóng viên đó tên là gì? - Gabrielle chợt cảm thấy bực bội. - Chị không thể nói tên. Nhưng chị có thể dàn xếp một cuộc gặp Họ tử tế lắm. Và rất am hiểu luật… - Yolanda lưỡng lự giây lát - Em biết không, họ còn tin rằng Sexton đang khốn đốn vì tiền thậm chí đến mức phá sản. Trong văn phòng yên ắng, Gabrielle tưởng như nghe rõ mồn một giọng nói chát chúa của Yolanda. Sau khi Catherine mất, Thượng nghị sĩ đã tiêu tán phần lớn số tiền bà ấy để lại vào những khoản đầu tư thiếu khôn ngoan, vì hưởng thụ cá nhân, và đánh đổi cho mình chút thành công nhỏ mọn trước mắt. Cách đây khoảng sáu tháng, ông ta đã phá sản. - Hai phóng viên này chắc sẽ đồng ý nói chuyện với em đấy. - Yolanda nói. - Dĩ nhiên rồi! - Gabrielle thầm nghĩ. - Em sẽ gọi lại cho chị. - Hình như em không tin tưởng lắm. - Bao giờ em cũng tin chị. Em luôn tin ở chị. Cảm ơn chị. Gabrielle tắt máy. Người vệ sĩ đang gà gật trên chiếc ghế bành ngay cửa căn hộ của Thượng nghị sl Sexton tại khu Westbrooke, đột nhiên chuông điện thoại trong túi áo vang lên khiến anh ta giật mình tỉnh giấc. Ngồi bật dậy, anh ta dụi mắt rồi nghe máy. - Tôi nghe. - Owen à? Gabrielle đây.,. - Vệ sĩ của Sexton nhận ra giọng cô, là, xin chào. - Tôi có chuyện cần nói với Thượng nghị sĩ. Anh gõ cửa hộ tôi được không? Máy bàn của ông ấy bận suốt. - Đêm khuya lắm rồi. - Ông ấy vẫn thức đấy. Tôi biết mà. - Gabrielle tỏ ra rất nôn nóng. - Khẩn cấp lắm. - Lại chuyện khẩn nữa à? - Vẫn chuyện ban nãy. Bảo ông ấy trả lời máy tôi ngay. Có chuyện này tôi phải hỏi ông ấy. Anh chàng vệ sĩ thở dài đứng dậy. - Thôi được, thôi được. Tôi sẽ gõ cửa. - Anh ta sải bước về phía cửa phòng riêng của Sexton. - Hồi tối đã cho cô vào rồi thì giờ phải gọi cửa cho cô nốt vậy. Đã chót thì phải chét. - Anh ta miễn cưỡng giơ tay lên định gõ cửa. - Anh vừa bảo gì cơ? - Gabrielle hỏi. Anh chàng vệ sĩ rụt phắt tay lại. - Tôi bảo là lúc nãy Thượng nghị sĩ tỏ ra hài lòng vì tôi đã để cô vào. Ông ấy bảo tôi xử sự thế là đúng. Không có vấn đề gì cả. - Anh đã cho Thượng nghị sĩ biết à? - Ừ. Thế thì sao? - Không tôi tưởng… - Quả là ông ấy hơi bị bất ngờ. Phải mất vài giây ông ấy mới nhớ ra là cô cũng ở trong đó. Chắc bọn họ uống khá nhiều rượu. Im lặng một hồi lâu. - Thôi… thôi. Chẳng có gì đâu. Để lúc khác tôi hỏi Thượng nghị sĩ cũng được. Tôi gọi vào máy bàn xem thế nào đã. Biết đâu lại được. Nếu cần tôi sẽ gọi lại nhờ anh gõ cửa. Anh chàng vệ sĩ trợn tròn mắt. - Thế cũng được, cô Ashe ạ. - Cảm ơn Owen. Phiền anh quá. - Không có gì. - Anh ta tắt máy, lại nằm phịch xuống ghế rồi ngủ ngay. Một mình trong văn phòng, Gabrielle đứng chết lặng mất mấy giây rồi mới tắt được máy. Sexton đã biết mình vào trong căn hộ… nhưng không nói với mình một lời. Đêm nay, một đêm đầy biến động, trời trở nên u ám. Gabrielle nhớ lại cuộc nói chuyện điện thoại với ngài Thượng nghị sĩ lúc còn ở đài NBC ông ta làm ra vẻ không biết cô ở đó, ra vẻ tự nguyện kể hết cho cô nghe về cuộc gặp bí mật cũng như chuyện tiền bạc. Tưởng ông ta thật thà, cô đã tin ngay. Giờ đây, Gabrielle nhận ra rằng ngài ứng cử viên của mình không trung thực đến thế. Tiền chẳng đáng bao nhiêu, Sexton đã nói với cô như thế. Hoàn toàn hợp pháp… Đột nhiên, tất cả những điều Gabrielle nghi ngờ về Thượng nghị sĩ Sexton cùng đồng loạt quay trở lại. Dưới đường, người lái taxi đang bấm còi inh ỏi. Chương 103 Đài chỉ huy của tàu Goya là một căn phòng hình vuông, cao hơn boong chính hai tầng lầu. Từ đây, Rachel có thể quan sát khắp vùng biển tối sẫm xung quanh, một quang cảnh chẳng mấy hấp dẫn, tập trung vào công việc đang dở dang, cô không nhìn ra ngoài nữa. Sau khi để Tolland và Corky đi tìm Xavia, Rachel liên lạc với Pickering. Cô đã hứa với Giám đốc là đến nơi thì sẽ gọi ngay về, vả lại lúc này Rachel cũng nóng lòng muốn hỏi xem ông đã biết thêm được gì sau khi gặp Marjorie Tench. Hệ thống liên lạc SHINCOM 2100 của tàu Goya rất quen thuộc đối với Rachel. Cô biết những cuộc đàm thoại ngắn bằng hệ thống liên lạc số hoá này thường rất an toàn. Quay xong số máy cá nhân của Pickering, cô đợi, áp chặt ống nghe vào tai. Rachel tưởng Pickering sẽ nghe máy ngay sau hồi chuông đầu tiên. Nhưng chuông cứ đổ mãi. Sáu hồi. Bẩy hồi. Tám… Rachel đăm đăm nhìn mặt biển tối sẫm, không liên lạc được với chỉ huy, cô càng cảm thấy bất an trước biển. Chín hồi chuông. Mười hồi. Nghe máy đi sếp! Rachel đi đi lại lại, chờ đợi. Có chuyện gì thế nhỉ? Lúc nào Pickering chả mang máy theo người, ông còn dặn Rachel gọi lại cơ mà. Sau mười lăm hồi chuông. Rachel gác máy. Lo lắng bồn chồn, cô quay số một lần nữa. Bốn hồi. Năm hồi. Sếp đâu nhỉ. Cuối cùng thì cũng kết nối được. Rachel thấy nhẹ nhõm, nhưng chẳng được bao lâu. Không có ai trả lời máy. Hoàn toàn im lặng. - Alô. - Rachel lên tiếng. - Phải Giám đốc đó không? Có ba tiếng bíp vang lên. - Alô? - Rachel nói. Một loạt những tiếng bíp bíp vang lên ầm ĩ, nghe rất chói. Rachel phải đưa ống nghe ra xa tai. Những tiếng bíp đột nhiên chấm dứt. Sau đó là một loạt những tiếng lách cách, mỗi tiếng cách nhau nửa giây. Rachel hiểu ra. Rồi thấy sợ. - Chết tiệt! Quay về bêện bàn điều khiển, cô dập mạnh ống nghe, ngắt cuộc gọi. Rachel sợ hãi đứng chết sững mất mấy giây, thầm băn khoăn không biết ngắt cuộc gọi như thế có kịp thời không. Cách boong chỉ huy hai tầng lầu, phòng thí nghiệm của tàu Goya là một khu làm việc khá rộng được chia thành nhiều ngăn nhỏ, chứa đầy thiết bị điện tử - thiết bị quan sát đáy biển, thiết bị phân tích dòng hải lưu, các phòng kính, phòng làm lạnh mẫu vật, máy tính cá nhân, và hàng loạt khay nhựa đựng số liệu nghiên ứu và các phụ từng dự trữ. Khi Tolland và Corky bước vào, nhà địa lý học duy nhất trên tàu Goya – Xavia - đang ngồi trước tivi. Cô không quay đầu lại. - Các anh hết tiền mua bia rồi à? - Cô nói vọng ra, tưởng mấy thuỷ thủ của tàu vừa quay về. - Xavia đấy à? - Tolland lên tiếng, - Mike đây. Nuối vội miếng bánh mì kẹp đang ăn dở, Xavia quay phắt lại. - Mike à? - Cô lắp bắp, vô cùng kinh ngạc. Đứng dậy, cô tắt tivi và tiến lại gần hai người, miệng vẫn đang nhai. - Tôi cứ tưởng mấy anh chàng vừa đi nhậu nhẹt về. Anh làm gì ở đây thế? Xavia khá đậm người, da ngăm đen, giọng nói sắc lạnh và vẻ mặt hằm hằm khó chịu. Cô chỉ chiếc tivi đang phát lại đoạn phim tài liệu của Tolland. - Anh ở trên phiến băng không được lâu lắm nhỉ. Có chuyện rắc rối xảy ra. Tolland nghĩ thầm. - Xavia này, tôi đoán là cô biết Corky Marlinson. Xavia gật đầu: - Rất hân hạnh được gặp tiến sĩ. Corky thèm thuồng nhìn mẩu bánh mì mà Xavia đang ăn dở. - Trông ngon lành ghê. Xavia khó chịu liếc xéo nhà cổ sinh học. - Tôi đã nghe đoạn băng cô thu sẵn cho tôi trên điện thoại. - Tolland nói với Xavia. - Trong đoạn phim tài liệu của tôi có sai sót à? Cô hãy nói rõ hơn về điều đó. Nhà địa chất học trợn tròn mắt nhìn Tolland rồi phá lên cười sằng sặc. - Chỉ vì thế mà anh phải quay về đây ngay à? Mike ơi là Mike! Tôi đã bảo anh là chi tiết đó không có gì đáng kể cơ mà. NASA đã cung cấp cho anh những dữ liệu quá lạc hậu. Nhưng không có gì trầm trọng đâu. Chắc chỉ dăm ba nhà địa chất hoc hàng đầu nhận ra được sai sót đó thôi mà. Tolland gần như nín thở khi ông hỏi: - Có phải sai sót đó liên quan đến các chrondrule không? Xavia kinh ngạc đến tái mặt: - Chúa ơi! Đã có người gọi điện đến cho anh về chuyện đó rồi cơ à? Tolland ngồi sụp xuống. Các chrondrule. Ông hết nhìn nhà cổ sinh học rồi lại quay sang nhìn chuyên gia địa lý học: - lXavia này, hãy nói với tôi tất cả những gì cô biết về các chrondrule. Sai sót của tôi là thế nào? Xavia nhìn Tolland chăm chú, và cuối cùng cũng nhận ra dáng vẻ hết sức căng thẳng của ông. - Mike, thực ra chẳng có gì to tát cả. Dạo trước tôi đã đọc một báo cáo khoa học đăng trên tạp chí. Nhưng tại sao anh lại lo lắng đến mức thái quá như vậy nhỉ? Tolland thở dài. - Xavia này, câu chuyện này vô cùng lạ lùng, nhưng đêm nay cô càng biết ít càng tốt. Hãy nói với chúng tôi tất cả những gì cô biết về chrondrule, sau đó phân tích hộ tôi một mẫu đá. Dường như Xavia vẫn đang tò mò không biết có chuyện gì, nhưng không hỏi gì thêm. - Được, để tôi quay về phòng lấy bài báo đó cho anh xem. - Cô để miếng bánh đang ăn dở xuống ghế và nhanh nhẹn tiến ra cửa. Corky gọi với theo: - Này, cho tôi nốt nhá! Xavia dừng lại, không tin vào tai mình: - Ông muốn ăn nốt cái bánh của tôi à? - À, nếu cô không muốn ăn nữa thì… - Ông tự đi lấy bánh mới mà ăn! - Xavia bỏ đi. Tolland cười ha hả, chỉ cái tủ lạnh đặt trong góc phòng. - Ngăn dưới cùng bên trái, Corky. Cạnh túi để mực khô ấy. Trên boong tàu, Rachel đang hối hả sải bước từ lầu chỉ huy xuống đuôi tàu, chỗ chiếc trực thăng đang đậu. Đang gà gà gật gật, người phi công ngồi thẳng dậy khi cô đập thình thình lên cửa cabin. - Xong rồi cơ à? Anh ta hỏi. - Sao nhanh thế? Rachel lắc đầu, vẻ mặt vô cùng căng thẳng: - Anh làm ơn bật hết cả radar quét trên không và trên mặt biển lên. - Được ngay. Bán kính quan sát là mười dặm. - Làm ơn bật ngay lên hộ tôi. Người phi công vặn nút, gạt vài cái cần, và màn hình radar bật sáng. Ông kính quan sát bắt đầu quay chầm chậm. - Có thấy gì không? - Rachel hỏi ngay. Người phi công đợi đến khi ống kính đã quay kín một vòng. Chỉnh lại ống kính, rồi lại chờ. Không thấy gì hết. - Chỉ có vài con thuyền nhỏ đi lướt qua ở tít ngoài xa, nhưng đều đi ra hướng khác. Chẳng có gì hết. Cả mặt biển lẫn bầu trời đều trống không. Rachel Sexton thở phào, dù vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. - Tôi nhờ anh một việc. Nếu thấy bất kỳ cái gì tiến về phía chúng ta - thuyền, máy bay, bất kỳ cái gì - thì báo cho tôi ngay, được không? - Được! Mọi thứ vẫn ổn cả chứ? - Không có gì. Tôi chỉ muốn biết có ai đang tiếp cận chúng ta hay không thôi. Người phi công nhún vai: - Tôi sẽ quan sát, thưa cô. Nếu có tiếng bíp nào thì cô sẽ là người đầu tiên được biết. Rachel đi về phía phòng thí nghiệm, ruột gan như có lửa đốt. Đến nơi, cô thấy Tolland và Corky đang đứng trước một cái máy tính nhồm nhoàm nhai bánh mì. Đầy miệng bánh, Corky trông thấy cô là gọi liền: - Cô muốn ăn loại nào? Xa lát gà và cá, cá bologna, hay cá và trứng nào? Rachel chẳng nghe thấy gì. - Mike, mất bao lâu nữa thì chúng ta xong việc và rời khỏi nơi này được? Chương 104 Tolland đi đi lại lại trong phòng thí nghịêm, ông cùng với Corky và Rachel đang đợi Xavia quay lại. Thông tin mới về các chrondrule cũng như những gì Rachel vừa kể lại đều rất đáng lo ngại. Giám đốc không trả lời máy. Có người cố tình xác định toạ độ của tàu Goya. - Chúng ta hãy bình tĩnh. - ông nói. - Chúng ta vẫn an toàn. Người phi công cứu hộ vẫn đang quan sát bằng radar. Nếu có kẻ nào đến đây thì chúng ta sẽ được báo trước để chuẩn bị ứng phó. Rachel gật đầu tán thưởng, dù vẫn rất lo lắng. - Mike, cái gì đây? - Corky hỏi, tay chỉ một màn hình máy tính Sparc đầy những sinh vật lạ lùng đang chuyển động nhịp nhàng sống động Thiết bị chụp ảnh mặt đáy bằng sóng siêu âm đấy. Tolland trả lời. - Dùng để quan sát mặt cắt của dòng hải lưu bên dưới đáy tàu cũng như những thay đổi nhiệt độ của đáy biển. Rachel trợn tròn mắt: - Chúng ta đang thả neo ngay bên trên những thứ này sao? Tolland buộc phải thừa nhận rằng quang cảnh này quả là hơi đáng sợ. Trên mặt biển là màu xanh lục cuộn sóng, nhưng sâu dần xuống dưới đáy, nước biển chuyển sang màu đỏ cam thật đáng sợ do nhiệt độ tăng lên. Gần đáy biển là xoáy nước cuồn cuộn đỏ rực. - Đấy chính là một megaplume đấy. - Tolland giải thích. Corky lẩm bẩm: - Trông y như một núi lửa ngầm dưới đáy biển. Về bản chất thì chính là nó đấy. Thông thường thì càng sâu xuống đáy đại dương, áp suất càng tăng lên, nhiệt độ càng giảm xuống. Nhưng tại đây, những điều kiện đó bị đảo ngược. Nước dưới đáy nóng và nhẹ hơn, nên nó nổi lên trên bề mặt. Trong khi đó nước trên bề mặt thì lại mát và nặng hơn, nên chìm xuống dưới để lấp vào chỗ trống đó. Đôi khi có những hiến tượng y hệt như bão nhiệt đới, nhưng ở trong lòng đại dương. Đó là những xoáy nước lớn rất mạnh. - Cái bướu lớn sát đáy biển là gì thế? - Corky chỉ tay vào vùng đáy biển khá rơng lồi lên như nhà mái vòm, phập phồng như cái bong bóng lớn. Tâm của dòng nước xoáy nằm ngay bên trên nó. - Chỗ lồi lên đó là vòm nham thạch. - Tolland nói. - Nham thạch phun ra từ đáy đại dương. Corky gật gù: - Trong như cái hậu môn khổng lồ. - Đó cũng là một cách so sánh. - Nếu nó phun trào lên thì sao? Tolland nhíu mày, ông nhớ lại sự kiện magma phun trào nổi tiếng năm 1986 ở vùng biển Juan de Fuca Ridge. Hàng ngàn tấn magma ở nóng 12 ngàn độ C bỗng bị phun vọt lên tận mặt biển, và lập tức tạo ra một xoáy nước xiết khổng lồ. Các dòng hải lưu trên biển lập tức chảy mạnh do xoáy lan lên tận mặt biển với tốc độ chóng mặt. Tối nay Tolland không muốn kể cho Corky và Rachel nghe những gì xảy ra tiếp sau đó. - Các vòm magma ở vùng biển Atlantic thường không đột ngột phun mạnh lên. - Tolland nói. - Nước lạnh liên tục chảy qua miệng vòm làm nó nguội đi, và đá cứng lại, khiến cho magma bị nén chặt bên dưới lớp đá cứng. Cuối cùng cả magma cũng nguội đi nốt, và xoáy nước cũng biến mất. Các vòm magma thường không có gì nguy hiểm cả. Corky chỉ quyển tạp chí cũ nhàu nát ai đó để ngay gần chiếc máy tính bên cạnh họ: - Thế chẳng lẽ Tạp chí Khoa học Hoa Kỳ đăng chuyện khoa học viễn tưởng hay sao? Tolland trông thấy trang bìa. Ông nhíu mày, chắc ai đó đã lấy cuốn tạp chí này từ tủ sách trên tàu Goya. Số xuất bản tháng Hai năm 1999. Trên bìa trước là tranh vẽ một tàu chở dầu lớn bị lọt vào giữa xoáy nước khổng lồ. Dòng tít chạy ngang qua bức tranh: VÒM MAGMA - SÁT THỦ NGẦM DƯỚI ĐÁY ĐẠI DƯƠNG? Tolland cười lớn, rồi nói át đi: Tình huống này thì lại khác. Bài báo đó nói về những vòm magma ở những khu vực hay có động đất cơ. Đó là một giả thuyết rất được ưa chuộng vài năm trước về tam giác quỷ Bermuda, để giải thích cho sự biến mất của tàu bè. Về mặt kỹ thuật mà nói thì nếu có động đất dưới đáy đại dương, thì vòm magma này có thể phun ra rất nhiều nham thạch, và xoáy nước có thể lớn đến nỗi… anh cũng biết rồi đấy… - Không, chúng tôi không hề biết gì hết. - Corky nói. Tolland nhún vai: - Nó sẽ lan đến tận mặt biển. - Kinh quá, thật may là chúng ta đang ở trên tàu. Xavia quay lại, tay cầm mấy tờ giấy: - Các vị đang chiêm ngưỡng đáy đại dương đấy à? - Vâng, đúng thế! - Corky chua chát - Mike đang giải thích với chúng tôi rằng nếu cái vòm này phun trào thì chúng ta sẽ bị dòng nước xiết hút thẳng vào tâm xoáy nước khổng lồ,. - Dòng nước xiết thôi à? - Xavia lạnh lùng chỉnh lại. - Giống bị xả xuống một cái toa lét khổng lồ thì đúng hơn. Trên boong tàu Goya, viên phi công trên chiếc trực thăng cứu hộ đang chăm chú quan sát màn hình radar MES. Anh ta đã nhìn thấy ánh mắt sợ hãi của Rachel, và cũng đang thầm cảm thấy bất an. Rõ ràng là Rachel Sexton đã tỏ ra rất lo lắng khi yêu cầu anh bật máy quét radar lên để quan sát tất cả những vị khách không mời muốn tiếp cận tàu Goya. Cô ấy sợ ai thế không biết, anh ta băn khoăn. Trong phạm vi mười dặm kể từ vị trí của tàu Goya, không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cả trên biển lẫn trên trời. Cách họ tám dặm có một con tàu đang đánh cá. Thỉnh thoảng lại có một chiếc máy bay sượt qua rìa màn hình rời mất hút phía xa. Người phi công thở dài, đưa mắt nhìn mặt biển cuộn sóng xung quanh thân tàu. Thật kỳ quái, cứ như thế con tàu đang chạy hết tốc lực chứ không phải là đang bỏ neo nữa. Anh lại quay sang nhìn màn hình radar, đầy cảnh giác. Chương 105 Trên tàu Goya, Tolland vừa giới thiệu Xavia với Rachel. Nhà địa chất học trên con tàu càng lúc càng cảm thấy băn khoăn về những người đang đứng trong phòng thí nghiệm lúc này. Thêm vào đó, thái độ nôn nóng muốn kết thúc công việc thật nhanh để rời khỏi con tàu của Rachel càng khiến cô thấy không thoải mái. - Cứ từ từ, Xavia, - Tolland bảo cô. Chúng tôi cần phải biết mọi thứ. Xavia bắt đầu nói, giọng chắc nịch: - Trong đoạn phim tài liệu của mình, Mike, anh nói rằng những chrondrule chỉ có thể xuất xứ từ vũ trụ Tolland thấy tim thắt lại vì sợ hãi, chrondrule chỉ có thể bắt nguồn từ trong vũ trụ, NASA đã nói với mình như vậy mà. - Nhưng theo một trong những tài liệu này, Xavia giơ cao tập giấy trên tay - thì điều đó không hoàn toàn chính xác. Corky trợn tròn mắt. - Dĩ nhiên điều đó là chính xác! Xavia quắc mắt nhìn ông ta, tay vung vẩy mấy tập tài liệu. Năm ngoái, một nhà địa chất học trẻ tuổi ở Trường Đại học Drew đã sử dụng một loại người máy mới để tiến hành thăm dò vỏ trái đất ở vực ngầm Mariana, sau đó đưa lên được một khối đá mềm có những phần tử về thạch học cực kỳ khác thường. Nhìn bề ngoài thì rất giống các chrondrule. Anh ta đặt tên cho chúng là "những khoáng chất plagiocla thể vùi" - những túi kim loại cực nhỏ hiển nhiên là đã trở nên tái đồng đẳng khi phải chịu áp suất cực cao dưới đáy đại dương. Tiến sĩ Pollock rất kinh ngạc khi thấy những túi kim loại này trong đá đại dương, và ông đã đưa ra giả thuyết hoàn toàn mới để giải thích cho hiện tượng đó. Corky lẩm bẩm: - Dĩ nhiên là thế chứ còn gì! Xavia không thèm đếm xỉa đến nhà cổ sinh học. - Tiến sĩ Pullock khẳng định rằng loại đá đó được hình thành trong môi trường biển có áp suất cực lớn. Áp suất đó khiến những tảng đá có sẵn bị biến chất, cho phép một số kim loại khác nhau trong thành phần của nó chảy ra. Tolland trầm tư. Vực ngầm Mariana sâu tới mấy dặm, một trong những địa điểm mà hầu như chưa được giới khoa học để tâm nghiên ứu. Mới chỉ có một vài tàu thăm dò không người lái được thả xuống độ sâu đó, và chưa xuống đến đấy đã bị nát vụn. Áp suất nước trong vực ngầm đó cực lớn - ba mươi sáu ngàn pound trên một xăng ti mét vuông so với hai mươi tám pound trên mặt biển. Các nhà hải dương học vẫn còn hiểu biết rất ít về các thực chất khác nhau tồn tại ở độ sâu đó. - Tức là tiến sĩ Pullock cho rằng vực ngầm Mariana có thể tạo ra những tảng đá có các phần tử trông giống chrondrule à? - Lý thuyết này vẫn còn khá mơ hồ. - Xavia nói. - Thực ra người ta vẫn chưa chính thức công bố lý thuyết này. Tháng trước, do tình cờ tôi đã tìm được những ghi chép cá nhân của tiến sĩ Pullock khi đang tìm tài liệu về những tương tác của đá nóng chảy để chuẩn bị cho bộ phim mới của chúng ta về vòm nham thạch. Nếu không thì tôi cũng chẳng thể nào biết được. - Lý thuyết này chưa được công bố là vì nó quá ngớ ngẩn. - Corky nói. - Phải có nhiệt lượng thì mới có được các chrondrule. Không cách gì áp suất nước lại có thể làm biến đổi những cấu trúc nội tại của đá được. - Áp suất mới là yếu tố quan trọng nhất trong các biến đổi địa chất trên hành tinh chúng ta. - Xavia phản bác. - Ông đã bao giờ nghe nói tới đá biến chất chưa? Địa lý học nói đấy. Corky giận tím mặt. Tolland nhận thấy Xavia có lý. Dù nhiệt năng quả thực đóng vai trò nhất định trong sự hình thành của một số loại đá biến chất trên trái đất, đa số các loại đá biến chất được hình thành dưới tác động của áp suất. Các vỉa đá sâu trong lòng trái đất chịụ áp lực lớn đến nỗi chúng tương tác với nhau như những chất lỏng sệt chứ không phải như những loại đá cứng, trở nên đàn hồi và trải qua những thay đổi về hoá học. Tuy nhiên, giả thuyết của tiến sĩ Pullock mới chỉ là suy đoán mà thôi. - Xavia này, tôi chưa bao giờ nghe nói đến chuyện chỉ cần áp lực nước cũng đủ để làm thay đổi đặc tính hoá học của một tảng đá. Là nhà địa chất học, cô nghĩ thế nào? - Thực ra mà nói thì… - Xavia vừa nói vừa lật giở tập tài liệu - có vẻ như áp suất của nước không phải là yếu tố duy nhất. - Cô tìm thấy trang tài liệu liên quan và đọc từng chữ một. - Vỏ trái đất ở đáy vực ngầm Mariana, ngoài lực thuỷ tĩnh cực lớn, còn phải chịu sức ép của các lực kiến tạo của một khu vực đang lún dần. Dĩ nhiên rồi, Tolland thầm nghĩ. Vực ngầm Mariana, ngoài việc chịu áp lực của khối nước sâu chín dặm, còn là khu vực đang sụt lún nằm đúng trên vết đứt gãy của trái đất, nơi đĩa Pacific và đĩa Indian trôi theo hai hướng ngược nhau và đâm vào nhau. Nhiều lực ép kết hợp với nhau chắc chắn phải tạo ra áp suất rất lớn. Và bởi khu vực này rất xa xôi và nguy hiểm, nếu như các chrondrule thực sự được hình thành ở đó thì số người biết hiện tượng đó cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Xavia vẫn đang đọc tiếp. - Lực thuỷ tĩnh và lực kiến tạo kết hợp với nhau có thể biến vỏ trái đất ở khu vực đó chuyển sang trạng thái nửa lỏng, buộc các phần tử nhẹ hơn chảy ra biến thành các tinh thể trông giống chrondrule vốn được coi là chỉ có thể hình thành trong vũ trụ. Corky quắc mắt: - Không thể nào! Tolland đưa mắt nhìn ông ta: - Liệu có thể giải thích theo cách nào khác sự hiện diện của các chrondrule trong tảng đá mà tiến sĩ Pullock đã tìm được không? - Dễ thôi. - Corky đáp. - Pullock đã tìm thấy một tảng thiên thạch thật sự. Thiên thạch vẫn thường xuyên rơi xuống biển chứ. Pullock có thể không nghĩ đến điều đó vì sau thời gian dài, nước có thể ăn mòn mất lớp vỏ nóng chảy bên ngoài tảng đá đó. Và nhìn thoáng qua thì nó giống các loại đá thông thường khác. - Ông ta quay sang nói thêm với Xavia. - Tôi cho là gã đó không đủ thông minh và tỉnh táo để kiểm tra hàm lượng nickel đâu. - Thực ra ông ta đã làm điều đó. - Xavia bác bỏ, lại một lần nữa lật lật các trang tài liệu. - Pulllock đã viết thế này: "Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy hàm lượng nikel trong mẫu đá rơi vào tỉ lệ trung bình không thường gặp trong các loại đá mặt đất thông thường". Tolland và Rachel nhìn nhau, choáng váng. Xavia lại đọc tiếp: - Dù hàm lượng nickel không rơi đúng vào ngưỡng trung bình đặc trưng của thiên thạch, nhưng rất sát với tỉ lệ đó Rachel tỏ ra rất quan tâm: - Gần đến mức nào? Liệu có thể nhầm thiên thạch với đá thường dưới lòng đại dương được không? Xavia lắc đầu. - Tôi không chuyên về thạch học hoá học. Nhưng tôi biết là còn có nhiều khác biệt về hoá học giữa tảng đá của Pollock và thiên thạch thứ thiệt. - Là những khác biệt nào vậy? - Tolland hỏi ngay. Xavia chăm chú xem những bảng biểu in trong tập tài liệu. Theo tài liệu này thì bản thân thành phần của các chrondrule cũng khác biệt. Có vẻ như tỉ lệ titan, zirconium khác nhau. Tỉ lệ này trong mẫu đá của ông ta gần như bằng không. - Cô ngước nhìn lên. - Chỉ có hai phần triệu. - Hai phần triệu! - Corky thốt lên. - Các thiên thạch có tỉ lệ cao hơn thế hàng ngàn lần! - Chính xác. - Xavia thừa nhận. - Vì thế cho nên Pollock mới tin rằng tảng đá mà ông ấy lấy được lên không phải là một thiên thạch. Tolland nhoài sang hỏi Corky: - NASA có kiểm tra tỷ lệ titan, zirconium trong tảng đá ở phiến băng Milne không? - Dĩ nhiên… là không. - Ông ta lắp bắp. – Không ai làm thế làm gì. Chẳng khác nào đã nhìn rõ một cái xe hơi rồi lại còn đi lấy thước để đo lốp xe xem đấy có đúng là ô tô không! Tolland thở dài, quay lại hỏi Xavia: - Nếu đưa cho cô một mẫu đá thì cô có thể xác định được các chondrule của nó có bản chất thiên thạch hay chỉ là tảng đá đại dương của Pollock không? Xavia nhún vai: - Chắc là được. Độ phân giải của kính hiển vi điện tử chắc đủ để xác định được. Nhưng chuyện thế này nghĩa là sao? Tolland quay sang bảo Corky: - Đưa cho cô ấy đi. Corky miễn cưỡng lấy mẫu đá trong túi áo ra đưa cho Xavia. Cầm miếng đá mỏng. Xavia nhíu mày. Cô quan sát lớp vỏ bị nóng chảy và mẫu hoá thạch trong lòng mẫu đá. - Chúa ơi! - Cô thốt lên, tay giơ cao mẫu đá. - Chẳng phải mẫu này được lấy từ… - Đúng thế đấy. - Tolland thừa nhận. - Chẳng may là đúng như thế. Chương 106 Một mình trong văn phòng, Gabrielle Ashe đứng phân vân bên cửa sổ, không biết nên làm gì tiếp. Cách đây chưa đến một giờ đồng hồ, cô đã rời khỏi trụ sở NASA trong tâm trạng đầy háo hức muốn được báo ngay cho Thượng nghị sĩ biết về lời nói dối của Cris Harper, Giám đốc Dự án PODS. Giờ đây, tâm trạng ấy đã tan biến. Yolanda vừa cho cô biết rằng hai phóng viên độc lập của Đài Truyền hình ABC đang nghi ngờ rằng Sexton đã lén lút nhận tiền của SFF. Thêm vào đó, Gabrielle vừa được biết rằng Sexton thực ra đã biết chuyện cô nghe lén cuộc họp bí mật giữa ông ta và SFF tại nhà riêng, nhưng ông ta lại không hề hé răng nửa lời. Gabrielle thở dài. Xe taxi đã bỏ đi từ lâu. Chỉ cần vài phút là gọi được ngay xe khác, nhưng Gabrielle biết rằng ngay, lúc này cô có việc phải làm. Không lẽ mình định làm thế thật sao? Gabrielle nhíu mày, tự nhủ không còn cách nào khác. Cô chẳng còn biết nên tin vào ai nữa. Ra khỏi văn phòng của mình, Gabrielle bước ra hành lang để sang dãy phòng đối diện. Cuối hành lang là hai cánh cửa gỗ sồi chắc chắn, hai bên treo hai lá cờ, một bên là cờ Old Glory, đối diện với nó là cờ Delaware - phòng làm việc của Thượng nghị sĩ Sexton. Cánh cửa này, giống như ở hầu hết các phòng làm việc dành cho những Thượng nghị sĩ trong toà nhà này, có khung bằng thép, được trang bị ổ khoá thông thường kèm theo khoá điện tử mở bằng thẻ từ thêm vào đó là hệ thống báo động. Gabrielle biết rằng nếu cô có thể vào trong, dù chỉ trong vòng vài phút, tất cả sự thật sẽ được phơi bày. Chân vẫn bước lại gần hai cánh cửa nặng nề, nhưng Gabrielle không hề có ý định động đến hai cánh cửa kiên cố này. Cô có những dự định khác. Còn cách phòng làm việc của Sexton mười mét, Gabrielle rẽ sang phải, vào nhà vệ sinh nữ. Đèn tự động bật sáng, ánh sáng phản chiếu từ những bức tường trắng bóng, nhà vệ sinh nữ sáng trưng. Đợi đến khi mắt đã thích nghi với ánh sáng, Gabrielle ngắm mình trong gương. Như thường lệ, vẻ mặt của Gabrielle luôn khiến cô hài lòng. Những đường nét dịu dàng. Ngược với vẻ ngoài yếu ớt Gabrielle vốn là người rất dẻo dai. Việc này có thực sự đáng làm không? Gabrielle biết Sexton đang nóng lòng đợi cô về để có thông tin cụ thể về PODS. Thế nhưng cô vừa mới nhận ra rằng mình đang bị ngài Thượng nghị sĩ xỏ mũi. Gabrielle Ashe không bao giờ chấp nhận được điều đó. Đêm nay, Thượng nghị sĩ tỏ ra không trung thực. Cô cần biết sự thật. Chắc chắn câu trả lời sẽ có trong văn phòng của ngài Thượng nghị sĩ - liền tường với nhà vệ sinh. Năm phút là xong. - Gabrielle nói lên thành tiếng, hạ quyết tâm. Đến bên tủ đựng đồ thay thế trong góc nhà vệ sinh, Gabrielle lần tay lên bên trên khung cửa. Một cái chìa khoá lách cách rơi xuống nền nhà. Các nhân viên tạp vụ trong toà nhà Philip A. Hart đều ăn lương nhà nước, và mỗi khi công đoàn tổ chức đình công thì họ đều biến mất, có đợt đến mấy tuần liền. Cánh phụ nữ trong văn phòng của Sexton, quá mệt mỏi vì chuyện đó và không muốn bị thụ động, đã tự đánh thêm một chìa khoá dự trữ để đề phòng những trường hợp "khẩn cấp". Đêm nay là trường hợp khẩn cấp, Gabrielle tự nhủ. Cô mở tủ. Đằng sau cánh tủ là lỉnh kỉnh những dụng cụ chùi rửa, giẻ lau, giá đựng đồ, giấy vệ sinh. Tháng trước, trong lúc lục tìm giấy vệ sinh, Gabrielle đã tình cờ phát hiện ra. Vì không với được đến giá trên cùng, cô phải lấy cán chổi để chọc, cho một cuộn giấy rơi xuống. Nhỡ tay, cô làm rơi một mảng gỗ ép từ trên trần xuống. Trèo lên để gắn lại tấm gỗ, Gabrielle đột nhiên nghe thấy tiếng Thượng nghị sĩ Sexton đang nói chuyện. Rõ mồn một. Thượng nghị sĩ lúc đó đang độc thoại trong nhà tắm dành riêng cho ông. Những tấm gỗ ép tháo rời được là vật duy nhất ngăn cách phòng tắm ấy với cái tủ đựng đồ này. Lần này, Gabrielle mở tủ không phải để lấy giấy. Cô cởi giầy trèo lên giá, dỡ bỏ tấm gỗ ép dát trần, đu người lên. An ninh quốc gia mà hớ hênh thế này đây, cô nghĩ thầm. Gabrielle sắp vi phạm không biết bao nhiêu đạo luật, cả cấp bang lẫn cấp liên bang. Lách người qua khe hở trên trần, cô chui sang phòng tắm của Sexton, tì chân vào bồn rửa mặt, rồi tụt xuống nền. Nín thở, cô vào phòng làm việc của Sexton. Những tấm thảm phương Đông trên sàn thật dầy, thật ấm. Chương 107 Cách con tàu Goya ba mươi dặm, chiếc trực thăng chiến đấu Kiowa màu đen đang bay sát những cánh rừng thông ở miễn bắc Delaware. Delta-Một kiểm tra lại toạ độ mà họ vừa nhập vào hệ thống định vị. Dù thiết bị liên lạc vô tuyến ở trên tàu mà Rachel sử dụng cũng như điện thoại cầm tay của Pickering đều sử dụng chế độ mã hoá để chống bị nghe lén, nội dung của cuộc điện thoại không phải cái mà Đội Delta quan tâm khi họ bắt được cuộc gọi của Rachel từ ngoài biển. Mục tiêu của họ là dò tìm vị trí của đối tượng. Nhờ có hệ thống định vị toàn cầu và hệ thống máy tính trên mặt đất, việc xác định toạ độ của một cuộc điện đàm đã trở lên dễ dàng hơn nhiều so với việc nghe lén nội dung của những cuộc gọi ấy. Delta-Một luôn cảm thay thú vị về điều này. Hầu hết những người sử dụng điện thoại cầm tay đều không hề hay biết rằng mỗi khi họ bấm số để liên lạc với bất kỳ ai, Chính phủ có thể xác định vị trí của họ với sai số không đến mười foot, bất kể nơi nào trên trái đất - tiện ích này bị cấm quảng cáo. Đêm nay, đội Delta đã dò được tần số của một cú điện thoại gọi đến máy cầm tay của William Pickering, họ dễ dàng lần ra toạ độ của người gọi. Lúc này, họ chỉ còn cách con mồi chưa đầu hai mươi dặm. - Chuẩn bị chiến thuật hình cái ô. - Anh quay sang nói với Delta-Hai đang điều khiển hệ thống radar và vũ khí. - Rõ. Sẽ bắt đầu ở khoảng cách năm dặm. Năm dặm! Delta-Một nghĩ. Anh sẽ phải lái chiếc máy bay này vào trong tầm quan sát của hệ thống radar của đối phương rồi mới sử dụng được vũ khí. Anh đoán chắc rằng tàu Goya đang căng mắt quan sát khắp bầu trời và bởi vì nhiệm vụ của đội Delta là diệt gọn mục tiêu, không để cho họ có cơ hội kêu cứu bằng sóng vô tuyến điện, Delta-Một phải kín đáo tiếp cận mục tiêu. Cách mục tiêu mười lăm dặm, vẫn nằm ngoài tầm quan sát của hệ thống radar trên tàu Goya, Delta-Một bất ngờ lái chiếc máy bay Kiowa lệch sang hướng tây ba lăm độ. Anh cho máy bay lên đến độ cao ba ngàn foot - độ cao thường thấy ở các máy bay hạng nhẹ - và chuyển sang tốc độ một trăm mười hải lý. Trên con tàu Goya, thiết bị radar của trực thăng cứu hộ bờ biển kêu một tiếng bíp khi một vật thể bay xuất hiện trong bán kính mười dặm. Người phi công ngồi thẳng dậy, quan sát màn hình. Dường như đó là một chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ đang di chuyển về phía tây. Chắc bay đến Newark. Nếu chiếc máy bay cứ tiến thẳng theo hướng ấy, nó sẽ tiếp cận tàu Goya ở khoảng cách bốn dặm, nhưng rõ ràng chỉ là tình cờ. Tuy nhiên, người phi công vẫn rất cảnh giác, anh chăm chú quan sát những chấm đỏ lập loè bên phải màn hình, chiếc máy bay này di chuyển khá chậm. Giờ nó chỉ còn cách con tàu của họ bốn dặm về phía tây. Chiếc máy bay vẫn bay thẳng, khoảng cách từ máy bay đến con tàu bắt đầu tăng lên. 4,1 dặm. 4,2 dặm. Viên phi công thở phào nhẹ nhõm. Rồi một sự kiện kỳ lạ xảy ra. - Chiến thuật hình cái ô bắt đầu. - Delta-Hai lên tiếng. Anh đang ngồi trên chiếc ghế bên cánh trái máy bay, trước mặt là bảng điều khiển vũ khí. Tiếng ồn gây nhiễu điều biến và hàng rào xung điện đã được khởi động… Delta-Một ngay lập tức cho máy bay rẽ ngoặt sang phải, thẳng hướng con tàu Goya. Hệ thống radar trên tàu sẽ không thể nhận biết được thay đổi này. - Sóng radar gây nhiễu đã được khởi động! - Delta-Hai hô to. Delta-Một gật đầu. Chiến thuật gây nhiễu radar đã được một phi công người Anh đầy mưu trí nghĩ ra từ thời Thế chiến thứ Hai. Trong khi tiến hành không kích, anh ta đã cho thả những bó cỏ khô bọc giấy thiếc xuống vùng trời đối phương. Quân Đức nhìn thấy quá nhiều vật thể phản quang trên màn hình radar nên chẳng biết bắn vào cái gì. Kể từ đó đến nay, người ta liên tục cải tiến chiến thuật này. Hệ thống gây nhiễu radar "hình cái ô" được trang bị cho máy bay Kiowa là một trong những phương tiện tác chiến điện tử tối tân nhất. Bằng cách tung ra những sóng âm thanh có biên độ dao động lớn bao trùm đối tượng, máy bay Kiowa có thể vô hiệu hoá mắt, tai, cũng như giọng nói rủa đối tượng. Vừa rồi, chắc chắn toàn bộ màn hình radar trên tàu Goya đều bị nhiễu loạn. Khi thuỷ thủ đoàn muốn phát tín hiệu cấp cứu, họ sẽ hoàn toàn bất lực. Tất cả mọi phương tiện liên lạc trên tàu đều sử dụng sóng điện hoặc vi sóng - không có liên lạc hữu tuyến. Khi máy bay Kiowa đến gần hơn nữa, toàn bộ hệ thống liên lạc trên tàu Goya sẽ ngừng hoạt động; một bức tường bằng sóng âm vô hình do máy bay Kiowa phát ra sẽ có tác động như chiếc đèn pha khổng lồ, mọi sóng liên lạc đều bị vô hiệu hoá… Hoàn toàn đơn độc, Delta-Một nghĩ. Họ không thể tự vệ. Những người này đã may mắn thoát chết trên phiến băng Milne. Điều đó sẽ không lặp lại lần nữa. Rachel Sexton và Michael Tolland đã quyết định sai lầm. Đây sẽ là sai lầm cuối cùng trong đời họ. Trong Nhà Trắng, Zach Herney ngồi nguyên trên giường đờ đẫn, tay cầm điện thoại. - Ngay bây giờ à? Ekstrom cần nói chuyện với tôi ngay bây giờ à? - Herney liếc nhìn đồng hồ báo thức đặt cạnh giường. Ba giờ mười bảy phút sáng. - Đúng thế, thưa Tổng thống. - Nhân viên tổng đài của Nhà Trắng đáp. - Ông ấy nói là gấp lắm ạ. Chương 108 Corky và Xavia đang chăm chú nhìn vào kính hiển vi điện tử để xác định tỉ lệ zirconium trong các chrondrule, Rachel theo Tolland sang phòng thí nghiệm nhỏ bên cạnh. Ông khởi động máy tính trong phòng. Rõ ràng là nhà hải dương học nổi tiếng muốn kiểm tra thêm chi tiết nào đó. Trong khi đợi máy tính chuẩn bị làm việc, ông quay sang Rachel, ngập ngùng, như muốn nói điều gì, nhưng lại lặng im. - Có chuyện gì vậy? - Rachel hỏi. Cô thầm ngạc nhiên cảm nhận được sức hút lan toả từ cơ thể cường tráng của ông, ngay trong những giây phút gấp gáp như lúc này. ước gì Rachel có thể quên hết tất cả mọi sự, để được ở bên Mike - dù chỉ trong giây lát. - Tôi nợ em một lời xin lỗi. - óng nói, ánh mắt đầy vẻ nuối tiếc. - Vì sao? - Về con tàu… Về cá mập đầu búa. Tôi quá sung sướng được quay về tàu. Đôi khi tôi quên mất là có những người rất sợ hãi khi phải đối mặt với biển cả. Mặt giáp mặt Tolland, Rachel tưởng như mình trở lại thời còn là nữ sinh ngây thơ lần đầu hẹn hò với bạn trai. - Cảm ơn anh. Không sao đâu mà. Thật đấy. Dường như ông rất muốn được hôn cô. Rồi ông ngượng ngùng quay đi. - Tôi biết em rất nóng lòng được lên bờ ngay. Chúng ta vào việc nhé. - Vào việc thôi! - Rachel mỉm cười, nói khẽ. - Ừ! - Tolland ngồi vào trước máy tính. Rachel đứng sát sau lưng Tolland, tận hưởng sự yên tĩnh và ấm cúng của căn phòng nhỏ. Cô nhìn Tolland di chuyển con chuột qua một dãy file. - Chúng ta làm gì bây giờ? Mở cơ sở dữ liệu để tìm con chấy đại dương khổng lồ Biết đâu chúng ta lại tìm được hoá thạch nào đó giống như trong tảng thiên thạch của NASA - Ông kích chuột vào chương trình tìm kiếm và gõ mấy chữ in hoa: PROJECT DIVERSITAS… Vừa di con chuột dọc thanh công cụ, ông vừa giảng giải: - Diversitas là cơ sở dữ liệu liên tục được cập nhật về các loại sinh vật trong đại dương. Mỗi khi nhà hải dương học nào đó phát hiện được một loài mới, anh ta có thể báo cho các đồng nghiệp khác biệt bằng cách tải thông tin và ảnh của loài vật đó lên cơ sở dữ liệu trung tâm. Vì sau mỗi tuần lại có rất nhiều thông tin mới nên đây là cách duy nhất để khỏi bị lạc hậu. Rachel nhìn Tolland bấm nút trên thanh công cụ. - Và bây giờ chúng ta nối mạng intemet à? - Không. Ở biển rất khó nối mạng intemet. Chúng tôi lưu giữ tất cả các dữ liệu cần thiết trong một loạt ổ đĩa hình ở phòng bên. Mỗi khi cập cảng thì chúng tôi lại cập nhật thông tin từ máy chủ để nhận các dữ liệu mới. Đây là cách tiếp cận dữ liệu không cần đường truyền, và thông tin của chúng tôi không bao giờ bị lạc hậu quá một tháng. - Tolland vừa cười vừa gõ từ khoá vào ô tìm kiếm trên máy tính. - Chắc Rachel đã từng nghe nói tới phần mềm nghe nhạc mở tên là Napster? Rachel gật đầu. Diversita được coi là phiên bản dành cho các nhà hải dương học của Napster. Chúng tôi đặt cho nó biết hiệu là LOBSTER3 - Cơ sở dữ liệu vô cùng lập dị của các nhà hải dương học cô đơn. Rachel cười phá lên. Khiếu hài hước của Tolland đã đánh bạt được cảm giác lo lắng của cô trong những giờ phút căng thẳng như thế này. Rachel chợt nhận thấy cuộc sống của cô gần đây quá thiếu vắng tiếng cười. - Đây là cơ sở dữ liệu khổng lồ. - Tolland vừa nói vừa đánh những từ khoá cuối cùng vào ô tìm kiếm. - Hơn mười terabyte thông tin và hình ảnh. Nó chứa những thông tin không ai biết đến, và sẽ chẳng có ai buồn quan tâm đến. Đơn giản là các loài thuỷ sinh vật quá đa dạng. - Ông nhấn chuột vào nút "tìm kiếm". - Rồi, để xem đã có ai thấy hoá thạch nào gần giống với mẫu hoá thạch trong tảng đá của NASA không nào. Vài giây sau, màn hình chuyển, một danh sách có bốn mục hoá thạch hiện lên. Tolland lần lượt kích chuột vào từng mẫu hoá thạch và xem xét. Không mẫu hoá thạch nào có bất cứ nét nào tương đồng với con chấy hoá thạch khổng lồ trong tảng thiên thạch trên phiến băng Milne. Tolland nhíu mày. - Thử cách khác xem nào. - Ông xoá bỏ từ hoá thạch trong chuỗi từ khoá rồi nhấn vào nút "tìm kiếm". Chúng ta tìm các sinh vật đang sống vậy. Biết đâu mợt loài đang sống nào đó có những đặc điểm gần giống hoá thạch trong tảng đá của NASA. Màn hình lại chuyển lần nữa. Tolland lại nhíu mày. Lần này hàng trăm đề mục hiện lên trên màn hình. Ông ngồi im lặng giây lát, tay gãi gãi cái cằm lởm chởm râu. - Nhiều quá, phải giới hạn bớt lại xem. Rachel quan sát Tolland kích vào một thanh công cụ nằm dọc có tên là "môi trường sống". Số lượng đề mục để chọn quả là khổng lồ: Vùng thuỷ triều, đầm, phá, vùng có đá ngầm, núi ngầm trong lòng đại dương, vùng có mạch phun sulfur. Tolland di chuột xuống tít bên dưới và chọn dề mục NHỮNG KHE SU ÍT SỰ SỐNG, VỰC SU ĐẠI DƯƠNG. Rất sáng suốt, Rachel thầm nhận xét. Tolland đang giới hạn phạm vi tìm kiếm vào những khu vực mà họ cho rằng có thể hình thành các chrondrule. Màn hình chuyển. Lần này Tolland mỉm cười hài lòng. - Tốt lắm, chỉ còn ba đề mục. Rachel nhìn cái tên đầu tiên trên màn hình Limulus poly… lạ hoắc. Tolland nhấn chuột vào đó. Một bức ảnh hiện ra. Con vật này trông giống loài của móng ngựa khổng lồ nhưng không có đuôi. - Không phải. - Tolland nói, rồi quay về trang trước. Rachel nhìn cái tên thứ hai trên danh sách. Tômus Machêus Quỷhờnus. Thật khó hiểu. - Đây có phải là tên thật không? Tolland cười phá lên. - Không đâu. Đây là một loài mới và chưa được phân loại. Anh chàng nào phát hiện ra nó quả là có óc hài hước. Anh ta đề nghị cho con vật này cái tên chính thức là Tômus Machêus Quỷhờnus - Ông nhấn chuột vào đề mục, hiện ra hình ảnh một chú tôm xấu xí có râu và những cái ăng ten phát sáng. - Cái tên quả là thích hợp, - Tolland nhận xét - nhưng không giống con bọ vũ trụ mà chúng ta đang tìm. - Ông quay lại trang đầu. - Cơ hội cuối cùng của chúng ta là… - Ông kích chuột vào cái tên thứ ba, và trang tài liệu được mở ra. - Bathynomous giganteus… - Tolland đọc to cái tên của nó, khi từng dòng chữ lần lượt hiện lên. Một bức ảnh được tải xuống. Ảnh màu, chụp cận cảnh. Rachel nhảy dựng lên. - Lạy Chúa tôi! - Con vật như đang nhìn thẳng vào cô, khiến Rachel thấy ớn lạnh. Tolland hít một hơi thật dài: - Trời đất ơi, anh chàng này trông giống quá chừag. Rachel gật đầu, không thốt nên lời. Bathynomous giganteus. Giống y chang một con chấy biết bơi khổng lồ. Rất giống mẫu hoá thạch trong tảng thiên thạch của NASA. Có vài khác biệt không đáng kể - Tolland nói, ông di chuột qua một vài tiêu bản giải phẫu học và bảng số liệu. - Giống nhau kinh khủng, đặc biệt là nếu nghĩ rằng loài vật này đã tiến hoá qua một trăm chín mươi triệu năm. Giống lắm, Rachel thầm nghĩ, quá giống. Tolland đọc to những miêu tả hiện trên màn hình: - Được cho là một trong những loài cổ xưa nhất trong đại dương. Đây là một loài hiếm gặp và mới được xếp loại. Bathynomous giganteus là một loài đẳng tức ăn xác thối hiếm gặp ở đại đường. Có chiều dài tới hơn nửa mét, loài này có lớp vỏ kitin che phủ khắp đầu, ức, và bụng. Chúng có hai phần phụ, ăng ten, và mắt hỗn hợp giống các loài côn trùng trên mặt đất. Loài sinh vật đáy biển này không bị bất kỳ loài nào khác ăn thịt và sống ở những vùng có môi trường cằn cỗi mà cho đến gần đây chúng ta vẫn tưởng là không có sự sống. - Tolland ngước mắt lên. - Chi tiết này giải thích vì sao trong tảng đá đó không có bất kỳ mẫu hoá thạch nào khác! Rachel chăm chăm nhìn con bọ trên màn hình, vừa phấn chấn, vừa không biết nên hiểu tất cả mọi sự như thế nào cho phải. - Thử tưởng tượng xem. - Tolland hào hứng nói - Cách đây một trăm chín mươi triệu năm, một ổ Bathunomous bị chôn sâu trong một túi bùn dưới đáy đại dương. Và khi túi bùn ấy bị thạch hoá, những con bọ này trở thành hoá thạch! Trong suốt thời gian đó, đáy đại dương luôn luôn biến đổi do các đĩa kiến tạo di chuyển. Vì vậy, tảng đá này bị chuyển đến một vùng có áp suất cực lớn, và các chrondrule hình thành! - Những lời nói của Tolland mỗi lúc một gấp gáp. - Và nếu một phần của tảng đá ấy vỡ ra, - rồi trôi dạt đến một khe sâu không quá khó tiếp cận dưới đáy đại dương, nó sẽ được phát hiện! - Nhưng nếu NASA… - Rachel lắp bắp. - ý em là nếu đây là một sự lừa dối, NASA phải biết là sớm muộn gì cũng sẽ có người tình cờ phát hiện ra sự giống nhau giữa các hoá thạch và loài sinh vật đại dương này, đúng thế không nào? Y như cách chúng ta vừa tìm ra đấy. Tolland bắt đầu in bức ảnh chụp Bathynomous. - Chẳng biết nữa. Nếu có người vô tình phát hiện ra những điểm giống nhau giữa những mẫu hoá thạch và loài chấy biển này đi nữa thì đặc điểm sinh học của chúng cũng không hoàn toàn giống nhau. Điều đó càng có lợi cho NASA. Rachel chợt hiểu ra. - Thuyết tha sinh. Cuộc sống trên Trái đất bắt nguồn từ trong vũ trụ. - Chính xác. Những nét tương đồng giữa một sinh vật của trái đất vả một sinh vật từ vũ trụ sẽ mang ý nghĩa khoa học rất lớn. Loài chấy biển này sẽ càng có lợi cho NASA. - Trừ trường hợp người ta nghi ngờ về tính xác thực của tảng thiên thạch. Tolland gật đầu. - Một khi đặt vấn đề nghi ngờ về tảng thiên thạch thì mọi chi tiết sẽ sụp đổ hết. Loài chấy biển này sẽ không còn là phao cứu hộ của NASA nữa, nó sẽ thành một cái thòng lọng. Rachel đứng im trong khi bức ảnh của loài Bathunomous từ trong máy in từ từ chạy ra. Cô cố thuyết phục mình rằng đây chỉ là một sai sót trung thực của NASA mà thôi, nhưng thâm tâm cô vẫn quả quyết rằng không phải vậy. Những người mắc phải sai lầm một cách trung thực không bao giờ ra tay giết người. Đột nhiên nghe thấy giọng nói léo nhéo của Corky từ phòng thí nghiệm bên cạnh. - Không thể nào! Cả Tolland lẫn Rachel cùng lúc đều quay sang… - Đo lại cái tỉ lệ chết tiệt này lần nữa đi! Không thể có chuyện đó! Xavia hối hả bước ra khỏi phòng, tay cầm tờ giấy vừa rút ra từ máy in, mặt tái mét. - Mike này, tôi cũng không biết phải nói thế nào nữa… - Xavia lạc giọng: - Tỉ lệ titan, zirconium mà chúng tôi đo được ở mẫu đá này… - cô hắng giọng - chắc chắn là NASA đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Đây chỉ là tảng đá có xuất xứ từ đại dương thôi. Tolland và Rachel nhìn nhau, không ai nói được câu gì. Họ biết. Bao nhiêu hồ nghi, ngờ vực lúc này đều đã được chứng minh rõ ràng. Tolland gật đầu, ánh mắt buồn bã. - Vâng, cảm ơn cô, Xavia. - Nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. - Xavia nói. - Còn lớp vỏ bị cháy xém, còn vị trí của nó trong lòng băng hà… - Trên đường vào đất liền chúng tôi sẽ giải thích. - Tolland nói. Đi thôi Rachel nhanh chóng vơ lấy tất cả những gì có thể dùng làm bằng chứng. Những bằng chứng này vô cùng hiển nhiên: ảnh chụp cắt lớp vết khoan bên dưới phiến băng Milne, ảnh chụp một loài sinh vật biển rất giống hoá thạch trong tảng đá, bài báo về sự hình thành các chrondrule trong môi trường đại dương của tiến sĩ Pollock, và kết quả quan sát trên kính hiển vi điện tử cho thấy tỉ lệ ti tan, zirconium. Không thể có kết luận nào khác. Lừa dối… Tolland nhìn tập giấy trong tay Rachel và thở dài buồn bã - Lần này thì William Pickering có bằng chứng rồi. Rachel gật đầu, lại một lần nữa băn khoăn vì sao Giám đốc của cô không trả lời máy. Tolland nhấc máy điện thoại đặt trong phòng, chìa cho Rachel. - Hay thử gọi cho ông ấy lần nữa? - Thôi chúng ta lên đường ngay đi. Chúng ta gọi từ trên máy bay cũng được. Rachel đã quyết định sẽ bay thẳng về NRO nếu cô không thể gọi cho Giám đốc từ trên máy bay cứu hộ bờ biển. NRO chỉ cách họ có 180 dặm. Tolland đang định gác máy, bỗng dừng phắt lại. Ông nhíu mày, áp sát ống nghe vào tai, vẻ ngạc nhiên. - Kỳ quặc. Không thấy có tín hiệu gì cả. Anh nói cái gì cơ? - Rachel lo lắng, hỏi. Lạ thật. - Tolland nói. - Sóng liên lạc trực tiếp COMSAT có bao giờ bị mất thế này đâu. - Anh Tolland ơi! - Người phi công lao xong xộc vào phòng thí nghiệm, mặt tái xám. Có chuyện gì thế? - Rachel hỏi. - Có người đến đây à? - Chắc là thế. - Anh ta trả lời. Tôi chả hiểu gì cả. Đột nhiên toàn bộ hệ thống radar bị mất tín hiệu. Rachel nhét mớ giấy thật sâu vào trong áo khoác. - Lên máy bay! Chúng ta phải đi ngay. NGAY LẬP TỨC. Chương 109 Dò từng bước trong văn phòng tối sẫm của Thượng nghị sĩ Sexton, tim Gabrielle đập thình thịch. Căn phòng thật rộng rãi và sang trọng tường ốp gỗ, những bức tranh sơn dầu, những tấm thảm Ba Tư, những chiếc ghế bọc da, và chiếc bàn gỗ gụ bóng lộn. Nguồn sáng duy nhất trong căn phòng là những tia sáng màu tím sẫm toả ra từ màn hình máy tính của Sexton. Gabrielle đến bên bàn làm việc. Thượng nghị sĩ Sexton say sưa mô hình "văn phòng số hoá" đến mức điên khùng. Ông luôn tránh những chồng hồ sơ dày cộp, và ưa thích sự gọn gàng, tiện dụng của chiếc máy tính cá nhân. Trong chiếc máy tính này là vô vàn thông tin - biên bản các cuộc họp, những tài liệu đã được đưa vào máy quét, những bài phát biểu, những ghi chú cá nhân… Máy tính của Thượng nghị sĩ Sexton chính là mảnh đất thiêng của riêng ông, và vì thế lúc nào ông cũng khoá cửa văn phòng rất cẩn thận để bảo vệ chiếc máy tính này. Thậm chí ông còn từ chối sử dụng intemet vì sợ tin tặc đột nhập vào chiếc máy thiêng liêng của mình. Chỉ cần cách đây một năm thôi, Gabrielle sẽ nhất định không chịu tin rằng các chính trị gia lại ngu si đến mức lưu trữ tất cả những tài liệu có thể bị sử dụng để buộc tội họ, nhưng Washington đã dạy cô rất nhiều điều. Thông tin chính là quyền lực. Gabrielle đã rất kinh ngạc khi biết rằng tất cả những chính trị gia nhận tiền hiến tặng bất hợp pháp đều giữ lại những tài liệu làm bằng chứng cho các khoản tiền ấy - thư từ, hoá đơn ngân hàng, biên lai… - thảy đều được cất ở nơi kín đáo và an toàn. Chiến thuật chống tống tiền này có tên tục là "bảo hiểm kiểu anh em sinh đôi người Xiêm"; nó có tác dụng bảo vệ chính trị gia trước những người có ý nghĩ rằng những khoản tiền hiến tặng hào phóng của họ là vật bảo đảm cho những áp lực mà họ có quyền tạo ra đối với các chính trị gia. Nếu bị ép quá, chính trị gia chỉ cần lôi bằng chứng ra để cho đối tác biết rằng cả hai bên đều vi phạm luật pháp. Bằng chứng ấy sẽ khiến cho cả chính trị gia lẫn đối tác của mình bị dính chặt vào nhau từ ngang hông trở lên - như hai anh em sinh đôi dính nhau người Xiêm La nọ trong tiêu thuyết của Mark Twain. Gabrielle ngồi xuống bên bàn làm việc của ngài Thượng nghị sĩ. Cô nhìn chiếc máy, hít thật sâu. Nếu Thượng nghị sĩ nhận tiền của SFF, tất cả bằng chứng sẽ nằm hết trong chiếc máy tính này… Ảnh chờ trên máy tính của Thượng nghị sĩ là cảnh Nhà Trắng và mặt tiền của nó do một nhân viên vốn luôn lạc quan của ông thiết kế cho ông. Xung quanh bức ảnh là tấm biểu ngữ rất dài với dòng chữ: - Tổng thống Hoa Kỳ Sedgewick Sexton… Tổng thống Hoa Kỳ Sedgewick Sexton…, Tổng thống Hoa… Gabrielle chạm nhẹ tay vào con chuột, một hàng chữ hiện lên. HÃY NHẬP MẬT KHẨU: Gabrielle không hề thấy bất ngờ. Chẳng có gì khó khăn. Tuần trước, cô bước vào phòng đúng lúc Thượng nghị sĩ vừa ngồi xuống và đang nhập mật khẩu vào máy. Cô thấy ông bấm rất nhanh ba ký tự. - Thế mà cũng đòi là mật khẩu sao, thưa Thượng nghị sĩ? - Cô vừa bước vào vừa nói. Sexton ngước lên. - Gì cơ? - Thế mà ai cũng tưởng Thượng nghị sĩ rất quan tâm đến vấn đề bảo mật cơ đấy. - Cô mắng yêu. - Mật khẩu gì mà chỉ có mỗi ba ký tự. Các chuyên gia máy tính vẫn khuyến cáo mọi người phải dùng ít nhất sáu ký tự cơ. - Chuyên gia máy tính rặt một lũ trẻ ranh. Làm sao mấy anh chàng đó hiểu được rằng đã qua tuổi bốn mươi thì chẳng ai nhớ được sáu ký tự ngẫu nhiên cả. Cửa phòng này đã có hệ thống báo động rồi. Chẳng ai vào được đây. Gabrielle tươi cười đến bên ông: - Thế nhỡ có người lẻn vào lúc Thượng nghị sĩ đang ở nhà vệ sinh thì sao? - Phải mò tất cả các ký tự đã. - Ông cười lớn. - Tôi thường ở trong đó lâu, nhưng không lâu đến mức ấy đâu. - Cá một bữa tối ở nhà hàng Davide là em có thể lần ra mật khẩu của ông trong vòng mười giây. Sexton trở nên tò mò đầy thú vị: - Cô không đủ tiền trả cho nhà hàng Davide đâu, Gabrielle ạ. - Tức là ông sợ không dám cá chứ gì ạ? Sexton nhận lời gần như không giấu nổi vẻ thương hại đối yới Gabrielle. Mười giây à? - Ông thoát ra khỏi chương trình đang chạy và ra hiệu bảo Gabrielle ngồi xuống ghế. - Cô nên biết là mỗi khi đến Davide tôi chỉ gọi mỗi món saltimbocca thôi đấy. Và món ấy không rẻ chút nào đâu. Gabrielle ngồi xuống, nhún vai nói: - Ông sẽ phải tự trả tiền thôi mà NHẬP MẬT KHẨU: - Mười giây. - Sexton nhắc lại. Gabrielle không nhịn được cười. Cô chỉ cần không quá hai giây. Từ tận ngoài cửa đã thấy là ông gõ ba ký tự rất nhanh bằng ngón tay trỏ. Rõ ràng là cùng một nút ký tự. Chàng khôn ngoan chút nào, cô cũng đã thấy là tay ông hướng về phía bên trái bàn phím - có nghĩa là chỉ còn lại khoảng chín mười phím ký tự mà thôi. Và việc chọn ký tự cũng chẳng có gì khó khăn - Thượng nghị sĩ vốn rất ưa thích điệp âm Sexton trong cái tên của mình. Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton. Ông bao giờ đánh giá thấp một chính trị gia. Cô gõ ba chữ SSS, và màn hình chờ biến mất. Sexton há hốc miệng.. Đó là chuyện từ tuần trước. Lúc này Gabrielle lại đang ngồi trước máy tính, cô tin rằng Thượng nghị sĩ chưa có thời gian để thay mật khẩu khác. Cần gì phải thế? Ông ấy hoàn toàn tin tưởng ở mình cơ mà. Cô gõ ba chữ SSS MẬT KHẨU KHÔNG CHÍNH XÁC - TIẾP CẬN BỊ TỪ CHỐI Gabrielle sững sờ. Rõ ràng là cô đã đánh giá quá mức sự tin tưởng của Thượng nghị sĩ đối với mình. Chương 110 Hoàn toàn bất ngờ, họ bị tấn công. Từ phía tây nam con tàu, bóng ma đen trùi trũi đầy chết chóc của chiếc trực thăng hiện ra. Rachel không thể hiểu nổi nó là cái gì, và vì sao lại có mặt ở nơi này. Trong bóng tối bao trùm, một loạt đạn xả từ mũi máy bay xuống, lia khắp từ mũi tới tận đuôi tàu. Không kịp tìm chỗ trú ẩn ngay. Rachel bị một quả đạn sượt qua cánh tay. Cô ngã dúi xuống sàn gỗ, rồi co người, lết đến nấp sau chiếc tàu ngầm Triton có mái vòm bằng kính. Tiếng cánh quạt kêu rú lên inh tai khi chiếc máy bay trực thăng lao vụt qua thân tàu, sau đó đột ngột im hẳn đi khi nó lao ra biển để chuẩn bị lộn trở lại lần thứ hai. Run rẩy, nằm sau chiếc tàu ngầm mini, Rachel vừa ôm cánh tay vừa quay lại nhìn Tolland và Corky. Cả hai đã kịp nấp sau kho chứa đồ, giờ vừa mới đứng dậy, đang hoảng hốt quan sát bầu trời Rachel đứng dậy. Quang cảnh quanh cô giờ y như một bộ phim vừa bất ngờ chuyển sang chế độ chiếu chậm. Lom khom sau mái vòm trong suốt của chiếc tàu ngầm nhỏ, Rachel quan sát phương tiện thoát thân duy nhất của cả nhóm - chiếc trực thăng cứu hộ bờ biển. Xavia đã leo được lên đến cabin máy bay, và đang rối rít vẫy họ lên. Rachel thấy rõ viên phi công đang lom khom trong buồng lái, ấn nút, gạt cần, vặn núm. Cánh quạt máy bay bắt đầu quay…, chậm chưa từng thấy. Quá chậm. Nhanh lên! Rachel giờ đã đứng thẳng dậy và chuẩn bị chạy. Cô băn khoăn không biết mình có kịp băng qua boong tàu trước khi chiếc máy bay đen kia quay lại lần nữa không. Cô nghe tiếng chân của Tolland và Corky đang chạy về phía mình, về phía chiếc trực thăng đang đợi sẵn. Phải rồi. Nhanh lên! Roi cô trông thấy… Cách họ khoảng một trăm mét, từ trên trời cao, một chùm tia laze sáng đỏ nhỏ bằng cây bút chì xuất hiện giữa bóng đêm mịt mùng. Chùm tia ấy quét dọc thân tàu. Rồi tìm thấy mục tiêu nó dừng lại ở sườn chiếc máy bay phản lực cứu hộ bờ biển đang đợi họ. Chỉ trong hc tắc, Rachel hiểu ngay mình vừa nhìn thấy gì. Trong giây phút ấy, tất cả những gì đang diễn ra trên boong tàu Goya dường như hoà thành một mớ hỗn loạn những âm thanh và hình ảnh. Tolland và Corky đang cố sức lao thật nhanh về phía cô Xavia ra sức vẫy họ lên máy bay - chùm tia sáng màu đỏ rực xuyên thủng màn đêm. Quá muộn mất rồi. Rachel lao như tên bắn về phía hai người đàn ông đang ra sức chạy thật nhanh về phía chiếc phi cơ. Cô chặn đường họ, dang hai tay thật rộng để ngăn cả hai lại. Cả ba người lao vào nhau đánh sầm, cùng ngã nhào như một toa tàu vừa trệch khỏi đường ray, mằm chồng chất lên nhau. Phía xa, một luồng sáng trắng cực mạnh loé lên. Rachel kinh hãi rụng rời thấy luồng khí xả phụt ra theo đúng đường thắng mà chùm tia laze kia vừa vạch sẵn về phía chiếc máy bay đang đậu trên boong tàu. Khi quả tên lửa Hellfire lao đúng vào thùng chứa nhiên liệu của nó, chiếc trực thăng nổ tung thành từng mảnh, y như một món đồ chơi. Luồng hơi nóng và tiếng động tràn khắp boong tàu, vỏ đạn rơi như mưa. Chiếc máy bay ngùn ngụt lửa lắc lư trên cái đuôi đã vỡ tan tròng trành trong giây lát rồi nhào khỏi boong tàu rơi đánh ầm xuống biển, cả một đám mây lớn những hơi nước vụt bay lên. Rachel nhắm mắt lại, cảm thấy hụt hơi. Cô nghe rõ mồn một tiếng xèo xèo, ùng ục khi chiếc máy bay đang rừng rực lửa chìm xuống nước, rồi bị dòng hải lưu chảy xiết cuốn đi. Trong tất cả những hỗn độn ấy, cô nghe tiếng Michael Tolland đang la hét. Cánh tay rắn chắc của ông vừa túm lấy vai cô, kéo Rachel đứng dậy. Nhưng Rachel không thể cử động. Người phi công cứu hộ bờ biển và Xavia đã chết. Tiếp đến sẽ là chúng ta. Chương 111 Trên phiến băng Milne, trời đã yên, bán sinh quyển đã yên tĩnh trở lại Nhưng Giám đốc NASA, Lawrence Ekstrom, không có ý định lên giường đi ngủ. Ông đã đi đi lại lại trong căn nhà mái vòm suốt mấy giờ đồng hồ, rồi chăm chú nhìn lỗ thủng mà tảng đá để lại trên mặt băng, rồi lại vuốt về lớp vỏ cháy xém của tảng đá. Cuối cùng, ông đi đến quyết định. Giờ đây, ngồi trong phòng thông tin liên lạc PSC, ông đang nhìn thẳng vào cặp mắt ngái ngủ của Tổng thống Zach Herney. Vị Tổng thống Hoa Kỳ vẫn mặc nguyên quần áo ngủ và có vẻ chẳng lấy gì làm dễ chịu. Ekstrom biết, sau khi đã biết hết sự thật thì Tổng thống sẽ không thể cảm thấy dễ chịu một chút nào hết. Sau khi Ekstrom nói xong, Tổng thống tỏ vẻ khó chịu như thể ông đang nghĩ rằng mình quá buồn ngủ nên chưa hiểu đúng những lời vừa nghe thấy. - Gượm đã nào. - Herney nói. - Tôi vẫn chưa hiểu ra thế nào hết. Có phải anh vừa bảo là các anh tình cờ biết được toạ độ của tảng thiên thạch do bắt được tín hiệu cấp cứu bằng làn sóng điện - rồi sau đó giả vờ là PODS đã phát hiện ra nó à? Ekstrom không nói gì, im lặng trong bóng tối, ông cố không để cho cơn ác mộng này nhấn chìm bản thân mình. Rõ ràng là Tổng thống không thích sự im lặng đó chút nào. - Trước Chúa, Larry, anh hãy nói với tôi rằng tất cả những điều này đều không phải là sự thật! Ekstrom thấy miệng đắng ngắt. - Tảng thiên thạch đã được tìm thấy thưa Tổng thống. Đó mới là điều quan trọng nhất. - Tôi đã bảo anh hãy nói với tôi rằng tất cả không phải là sự thật cơ mà! Hai tai Ekstrom như ù đi. Mình cần phải cho Tổng thống biết tất cả, ông tự nhủ. Khó khăn một chút nhưng rồi mọi cái sẽ qua thôi mà. - Thưa Tổng thống, thất bại của dự án PODS đã khiến uy tín của Tổng thống bị sa sút nghiêm trọng. Khi bắt được lời kêu cứu bằừng sóng radio có nhắc đến tảng thiên thạch trong lòng băng hà, chứng tôi cho rằng đây là cơ hội để giúp Tổng thống giành lại điểm. Herney choáng váng: - Bằng cách giả mạo thành công của PODS ư? PODS sẽ nhanh chóng được khắc phục và sẽ hoạt động tốt, nhưng không kịp cho cuộc bầu cử lần này. Tổng thống đang mất điểm từng ngày, và Sexton thì không ngớt chỉ trích NASA, cho nên.. - Anh mất trí hẳn rồi, Larry? - Cơ hội sờ sờ ngay trước mắt, thưa Tổng thống. Và tôi đã quyết định chớp lấy nó. Chúng tôi bắt được làn sóng điện do một nhà khoa học Canada phát đi sau khi phát hiện ra tảng thiên thạch. Ông ấy đã chết vì gặp bão. Không một người nào khác biệt gì về tảng thiên thạch đó. Mà PODS thì lại đang bay trong quỹ đạo. NASA đang cần một chiến thắng, chúng tôi lại sẵn có toạ độ trong tay. - Tại sao lúc này anh lại nói với tôi tất cả những thứ đó? - Tôi cho rằng anh nên biết sự thật. - Anh có biết Sexton sẽ làm những gì khi phát hiện ra điều này không? Ekstrom không muốn nghĩ đến khả năng đó. - Ôngta sẽ lu loa với cả thế giới là Tổng thống và NASA đã lừa dối dân Mỹ. Mà anh cũng thừa biết là ông ta đúng chứ không sai đâu. Tổng thống không nói dối, chỉ là tôi thôi. Tôi sẽ nhận tất cả về mình… - Larry, anh quên mất một điều quan trọng! Tôi quyết tiến hành tranh cử một cách trung thực và tích cực! Chả ra cái gì cả! Tối qua thật sạch sẽ. Vẻ vang. Thế mà bây giờ anh cho tôi biết là tôi vừa nói dối cả thế giới! - Chỉ một chi tiết nhỏ thôi, thưa Tổng thống. - Vẫn là nói dối cả thôi! Larry ạ. - Herney nóng nảy nói. Ekstrom cảm thấy căn phòng chợt ngột ngạt và tù tứng vô cùng. Còn rất nhiều điều ông muốn báo cáo với Tổng thống, nhưng có lẽ phải đợi đến sáng mai. - Xin lỗi đã đánh thức Tổng thống dậy. Tôi chỉ nghĩ là nên nói hết sự thật với anh. Ở phía bên kia thành phố, Sedgewich Sexton nhấp một tợp rượu cô nhắc nữa và cáu kỉnh đi đi lại lại trong phòng. Gabrielle đi đâu rồi không biết! Chương 112 Trong văn phòng của Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton, Gabrielle Ashe đang ngồi trong bóng tối, chán nản nhìn chiếc máy tính trước mặt. MẬT KHẨU KHÔNG ĐÚNG - TIẾP CẬN BỊ TỪ CHỐI Cô đã thử một số chùm ký tự khác nhau, nhưng lần nào cũng không được. Sau khi lục khắp văn phòng để tìm một ngăn kéo nào đó mà Thượng nghị sĩ bỏ quên không khoá, hay bất kỳ một manh mối nào để dò tìm, Gabrielle đành bỏ cuộc. Đang chuẩn bị ra về thì Gabrielle chợt trông thấy một cái gì đó lấp lánh trên lịch bàn của Thượng nghị sĩ. Có người đã dùng bút bóng màu xanh, đỏ, vàng để đánh dấu ngày bầu cử Tổng thống. Dĩ nhiên Thượng nghị sĩ không bao giờ làm thế. Gabrielle với lấy quyển lịch. Những chữ cái POTUS được viết bằng mực bóng đè lên con số của ngày hôm ấy! Chắc chắn cô thư ký luôn lạc quan của Sexton đã viết những chữ này. Bên mật vụ vẫn thường dùng chữ viết tắt POTUS để chỉ Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Vào ngày bầu cử, nếu mọi sự diễn ra suôn sẻ, Sexton sẽ trở thành POTUS mới… Gabrielle để lại cuốn lịch vào chỗ cũ và đứng lên, định ra về. Cô đột ngột dừng lại, liếc nhìn màn hình máy tính. NHẬP MẬT KHẨU: Cô lại nhìn cuốn lịch. POTUS. Gabrielle chợt tràn đầy hi vọng. Rất có thể Sexton dùng POTUS làm mật khẩu. Đơn giản, lạc quan, và liên quan đến cá nhân. Cô gõ những ký tự ấy. POTUS Nín thở, Gabrielle ấn nút enter. Một tiếng bíp vang lên. MẬT KHẨU KHÔNG ĐÚNG - TIẾP CẬN BỊ TỪ CHỐI Gabrielle ngồi sụp xuống ghế, quyết định bỏ cuộc. Cô quay lại nhà tắm để trèo ra khỏi văn phòng. Nhưng vừa đi được vài bước thì điện thoại cầm tay của cô đổ chuông. Đang trong tâm trạng căng thẳng, Gabrielle giật nảy mình. Cô dừng phắt lại ngước lên chiếc đồng hồ Jordain lớn treo trên tường để xem giờ, tay rút điện thoại trong túi ra. Gần bốn giờ sáng. Giờ này chắc chắn chỉ có một người gọi cho cô mà thôi - Sexton. Chắc chắn Thượng nghị sĩ đang băn khoăn không hiểu cô biến đi đâu lâu như vậy. Có nên trả lời máy không nhỉ? Nếu trả lời máy thì Gabrielle sẽ phải nói dối. Nhưng nếu không trả lời thì chắc chắn Sexton sẽ nghi ngờ. Cô nhận cuộc gọi: - A lô? - Gabrielle đấy à? - Sexton tỏ ra rất sốt ruột. - Sao lâu thế? - Em bị mắc kẹt ở đài tưởng niệm FDR. - Gabrielle trả lời. - Và bây giờ đang.. Rõ ràng là cô không ở trong taxi. - Không ạ. - Cô đáp, - Tiện thế em đã ghé qua văn phòng để lấy thêm một số tài liệu về NASA có liên quan đến dự án PODS. Nhưng vẫn chưa tìm được. - Nhanh nhanh lên. Tôi muốn tổ chức họp báo ngay đầu giờ sáng, và phải có con số cụ thể. - Em đến ngay đây ạ. Đường dây đột ngột im lặng. - Cô đang ở trong văn phòng à? Hình như Sexton đột ngột thấy khó hiểu. - Vâng ạ. Mười phút nữa em sẽ lên đường ngay ạ. Đường dây lại im lặng một lúc. - Tốt lắm. Lát nữa gặp lại nhé. Gabrielle tắt máy, sơ suất không để ý thấy những tiếng tích tắc ba hồi một rất đặc trưng đang đều đều phát ra từ chiếc đồng hồ treo tường Jordain ngay trước mặt. Chương 113 Mãi đến khi kéo cô vào nấp phía sau chiếc tàu ngầm mini Triton và nhìn thấy vệt máu trên cánh tay Rachel thì Tolland mới biết cô đã bị thương. Nhìn ánh mắt thất thần của Rachel, ông đoán ngay rằng cô chưa hề cảm thấy đau. Đặt cô yên ổn sau chiếc tàu, ông quay sang tìm Corky. Nhà vũ trụ học đang hối hả chạy băng qua boong tàu, mắt dại đi vì sợ hãi. Phải tìm chỗ ẩn nấp. Tolland nghĩ. Bận bịu lo đối phó với những diễn biến quá nhanh, ông chẳng còn thời gian để cảm thấy sợ hãi. Theo bản năng, Tolland đưa mắt nhìn những bậc thang dẫn lên cao. Cầu thang trơ trọi chạy thẳng lên đài quan sát bằng kính trong suốt quá trống trảỉ. Đi lên đó thì chẳng khác nào tự sát. Chỉ còn lại một hướng đi duy nhất. Ngay lập tức, ông quay sang nhìn chiếc tàu ngầm mini Triton, thầm hi vọng biết đâu nó có thể đưa cả ba người xuống dưới nước, thoát khỏi làn đạn từ chiếc máy bay đen sì chết chóc kia. Ngớ ngẩn. Tàu Triton chỉ đủ chỗ cho một người, và phải mất mười phút thì máy tời mới thả được con tàu đó xuống mặt đại dương. Ngoài ra, nếu ắc quy và máy nén không được sạc đủ điện thì con tàu cũng sẽ chết dí trong lòng đại dương mà thôi. Chúng quay lại rồi! - Corky lạc giọng vì sợ hãi, đưa tay chỉ lên trời. Không kịp ngẩng lên nhìn, Tolland chỉ tay vào vách ngăn gần đó một lối đi bằng nhôm thoai thoải dẫn xuống những boong bên dưới. Corky chẳng đợi giục đến lần thứ hai, ông ta khom người chạy băng qua chỗ boong tàu trống trơn, rồi lao vụt xuống lối đi đó. Tolland ôm chặt Rachel, kéo cô chạy theo. Cả hai vừa kịp chạy khuất thì chiếc máy bay quay lại, vãi đạn như mưa xuống boong tàu bằng gỗ. Tolland dắt Rachel chạy theo lối đi dốc bằng lưới nhôm, xuống tít boong bên dưới. Xuống đến nơi, ông chợt thấy toàn thân Rachel co cứng lại. Tưởng cô lại bị trúng một viên đạn nữa, ông quay sang nhìn. Trông vẻ mặt Rachel, ông biết ngay không phải là đạn. Nhìn theo ánh mắt đầy kinh hãi của cô đang hướng xuống dưới chân họ, Tolland chợt hiểu ra. Rachel đứng như trời trồng, hai cẳng chân như hoá đá. Cô sợ hãi, trân trân nhìn cảnh tượng hãi hùng dưới chân mình. Vì được cấu tạo theo trường phái SWATH, tàu Goya không có hầm tàu, mà được chống đỡ bằng bốn mảng bè lớn giằng vào nhau. Đi hết lối đi dốc, họ vừa đặt chân vào lối đi rất hẹp dẫn qua một khe hở rất lớn, dưới chân họ, cách ba mươi foot, là mặt biển hung dữ. Nước vỗ ầm ầm vào những cái bè lớn, tạo nên tiếng ầm ầm đinh tai nhức óc. Đã thế, một ngọn đèn pha vẫn bật sáng, rọi những tia sáng màu xanh nhạt xuống vùng nước bên dưới. Rachel khiếp đảm thấy sáu bảy bóng đen ma quái. Những con cá mập đầu búa. Những cái thân đen sì, bóng nhẫy đang quẫy qua quẫy lại, lũ cá bơi tại chỗ, ngược dòng nước xiết. Cô nghe thấy tiếng Tolland. - Rachel, không sao đâu mà. Nhìn thẳng về phía trước đi. Có anh đây rồi. - Từ phía sau, ông dịu dàng kéo bàn tay Rachel đang xiết chặt lan can. Đến lúc này Rachel mới nhìn thấy dòng máu đang chảy dọc cánh tay của mình và rơi từng giọt tõm xuống mặt biển. Cô đưa mắt nhìn theo hướng đó. Dù không nhìn thấy gì, Rachel biết rằng ngay khi giọt máu chạm đến mặt nước, cả lũ cá mập hung dữ kia sẽ ngoác những hàm răng sắc nhọn của chúng và lao bổ vào. Thuỳ khứu giác telencephalon cực nhạy… Đánh hơi được mùi máu từ càch xa một dặm. - Em hãy nhìn thẳng về phía trước. - Tolland nhắc lại, giọng nói thật ấm áp và mạnh mẽ. - Tôi ở ngay sau em đây rồi. Ông xiết chặt lấy Rachel, đẩy cô về phía trước. Cô không nhìn xuống cảnh tượng kinh khủng dưới chân, cô tiến bước. Cánh quạt của chiếc trực thăng đang rít lên ầm am ngay trên đầu họ. Lảo đảo, lắc lư như người say, Corky đã chạy trước họ một quãng khá xa. Tolland gọi ông ta: - Chạy xuống hết thanh giằng đi, Corky! - Chạy xuống dưới! Lúc này thì Rachel đã hiểu họ đang chạy đi đâu. Trước mặt họ là mấy cầu thang ngoặt hình chữ chi khác cũng dẫn xuống dưới. Ở ngang tầm với mặt nước là một cái boong khá hẹp nối thêm vào đuôi tàu Goya. Mấy cầu tàu nhỏ nhô ra từ boong hẹp đó tạo thành một bến tàu mini. Có một tấm biển lớn: KHU VỰC LẶN Thợ lặn có thể bất ngờ nổi lên không báo trước. Thận trọng khi lái thuyền. Rachel hi vọng Tolland không có ý định chọn vùng nước này làm nơi trú ẩn, nhưng ngay lập tức lại lo lắng đến cháy lòng khi thấy ông dừng lại rồi mở kho chứa đồ có lưới sắt bao quanh. Bên trong chứa toàn những bộ đo lặn, ống thở, chân vịt, áo bảo hộ, và xiên đâm cá. Rachel chưa kịp nói câu gì thì ông đã chộp lấy một cây súng bắn pháo sáng. - Đi nào. Cả ba lại đi tiếp. Chạy rất nhanh, Corky đã đi đến tận chỗ ngoặt và bắt đầu bước xuống một cái cầu thang. - Tôi thấy rồi! - ông ta sung sướng hét lên, át cả tiếng nước đang chảy ầm ầm. Thấy cái gì? Rachel tự hỏi, nhìn Corky đang chạy băng băng. Cô chỉ nhìn thấy có mặt đại dương đầy những cá mập đang trải rộng dưới chân họ. Tolland tiếp tục hối thúc cô tiến về phía trước. Và đột nhiên, Rachel hiểu ra vì sao Corky sung sướng đến thế. Ở tít cuối bến tàu là chiếc thuyền máy được neo gọn gàng. Corky chạy ngay về phía đó. Rachel trợn tròn mắt. Dùng xuồng máy để chạy trốn máy bay trực thăng hay sao? Trên đó có cái máy bán dẫn, - Tolland nói, - Nếu chiếc xuồng máy này có thể đưa chúng ta thoát khỏi vùng nhiễu sóng của máy bay thì… Rachel không nghe được hết những lời còn lại. Những gì vừa bất thần đập vào mắt đã khiến máu cô ngừng chảy trong huyết quản. - Quá muộn rồi. - Cô thét lên, tay run run chỉ lên cao. Thế là hết… Ngước nhìn lên, Tolland ngay lập tức biết là không còn kịp nữa. Từ đầu bên kia của con tàu, chiếc máy bay đen trũi đã quay lại, sà xuống rất thấp y như một quái vật đang nhòm vào miệng hang. Ông tưởng nó định bay xuyên qua khoảng không giữa hai tầng boong để đâm vào bọn họ, nhưng không, nó lượn vòng và bắt đầu ngắm bắn. Tolland nhìn theo hướng những cái nòng súng đang chĩa tới. Không. Đang lúi húi bên chiếc xuồng máy để tháo dây neo, Corky ngước nhìn lên đúng lúc một tia chớp sáng loè phụt ra từ khẩu súng máy bên dưới thân máy bay. Corky bị trúng đạn loạng choạng. Ông ta vẫn lao như điên ra mép tàu, bò xuống xuồng, rồi nằm rạp xuống để tránh đạn, máu bê bết từ ngang ống chân phải trở xuống. Vẫn nằm sát xuống lòng xuồng, Corky giơ tay lên, quờ quạng rồi tìm được chìa khoá. Động cơ Mecury 250 mã lực của chiếc thuyền rú lên ầm ỹ. Chỉ sau đó một tích tắc, một chùm tia laze xuất hiện từ mũi chiếc máy bay đang lượn lờ, nhằm thẳng vào chiếc thuyền. Theo phản xạ bản năng, Tolland đưa thứ vũ khí duy nhất trong tay lên ngắm bắn. Tolland kéo cò, một luồng sáng chói loà từ nòng súng phụt ra, lao thẳng đến chiếc trực thăng trên đầu. Nhưng Tolland biết ông hành động quá muộn. Đúng vào lúc quả đạn phảo sáng chạm vào cửa chắn gió của máy bay, một quả tên lửa cũng lao vụt ra từ dưới bụng nó. Cũng đúng lúc quả tên lửa rời khỏi bệ phóng, chiếc máy bay rẽ ngoặt sang một bên, rồi bay thốc lên cao để tránh viên đạn đang lao tới. - Cẩn thận! - Tolland hét to, dắt Rachel xuống cầu thang sắt. Quả tên lửa bị trệch hướng, không trúng vào Corky, mà bay dọc theo thân tàu Goya, rồi lao xuống thanh giằng lớn bên dưới, cách Rachel và Tolland ba mươi foot. Một tiếng nổ khủng khiếp. Lửa và nước văng tung toé. Những mảnh kim loại nham nhở vặn xoắn bay loạn xạ rồi rơi loảng xoảng xuống cầu thang ngay trước mặt họ. Có tiếng sắt nghiến vào nhau kêu ken két đinh tai, con tàu tròng trành một hồi, rồi giữ yên ở thế cân bằng mới, hơi nghiêng về một bên. Khi khói đã tan bớt. Tolland mới thấy một trong bốn thanh giằng lớn của con tàu đã bị hư hại nặng. Dòng hải lưu hung dữ chảy tràn qua chiếc thuyền phao, tấm phao sắt khổng lồ của con tàu Goya cổ thể bị gãy tan bất kỳ lúc nào. Cầu thang xoắn bằng sắt dẫn xuống tầng dưới đang lung lay chao đảo dữ dội. - Đi nào! - Tolland hét lớn. - Chúng ta phải xuống dưới đó! Nhưng không kịp nữa rồi. Có tiếng răng rắc nứt gẫy, rồi chiếc cầu thang sắt rời ra và rơi ùm xuống biển. Trên cao, Delta-Một vật lộn với những cần và nút điều khiển của chiếc máy bay. Bị đạn pháo sáng làm loá mắt, anh đã cho máy bay lao thốc lên, khiến quả tên lửa bay lệch hướng. Vừa lầm rầm nguyền rủa, anh vừa cho máy bay sà xuống sát mũi tàu để thực thi nốt nhiệm vụ. Tiêu diệt toàn bộ hành khách. Lệnh của chỉ huy rất rõ ràng. - Chết tiệt! Nhìn kia! - Từ ghế sau, Delta-Hai hét lên. - Thuyền máy kìa! Quay phắt lại, Delta-Một nhìn thấy chiếc thuyền máy bị trúng đạn lỗ chỗ vừa rời khỏi con tàu Goya và lao vút vào bóng đêm. Anh phải quyết định ngay. Chương 114 Hai bàn tay bê bết máu, Corky vẫn xiết chặt bánh lái của chiếc thuyền máy Crestliner Phantom 2100 đang lao vun vút trên mặt biển. Ông tăng ga hết cỡ, chạy với tốc độ tối đa. Chợt cảm thấy đau nhói, Corky cúi xuống nhìn, và nhận thấy máu đang tuôn xối xả từ cẳng chân bên phải. Nhà vũ trụ học ngay lập tức thấy sa sẩm mặt mày. Tì người vào bánh lái, ông quay lại nhìn con tàu Goya, mong thấy chiếc máy bay đuổi theo mình. Nhận thấy không thể đợi được Tolland và Rachel đã bị mắc kẹt ở boong trên, ông buộc phải quyết định thật nhanh. Chia để trị. Corky tính toán rằng nếu ông có thể lừa cho chiếc máy bay tách xa khỏi con tàu thì Rachel và Tolland sẽ có cơ hội dùng làn sóng điện để kêu cứu. Oái oăm thay, chiếc trực thăng vẫn đang sà xuống sát bên cạnh con tàu, như thể lũ sát nhân vẫn còn đang do dự. Lũ chó ma kia! Đuổi tao đi! Nhưng chiếc phi cơ không đuổi theo ông. Thay vào đó, nó lượn trước mũi tàu, rồi hạ cánh xuống boong. Không. - Corky sững sờ, thế là ông đã bỏ mặc Tolland và Rachel trong lúc khó khăn nhất rồi! Biết rằng người duy nhất có khả năng gọi cứu viện lúc này chính là mình, Corky đưa tay sờ soạng tìm núm điều khiển. Lần thấy chiếc đài phát thanh, ông bật nút điện. Chẳng thấy gì cả. Không có đèn báo. Không có tín hiệu. Ông vặn núm cho âm lượng lên hết cỡ. Vẫn không thấy gì. Thôi mà! Tạm thời buông bánh lái ra, ông cúi xuống nhìn cho rõ, và không dám tin vào mắt mình. Bảng điều khiển đã bị đạn bắn tơi tả, cần dò sóng bị gãy rời ra. Dây điện đứt lung tung. Corky trợn tròn mắt, thật không thể tưởng tượng nổi. Thật hoạ vô đơn chí… Run rẩy. Corky cố đứng thẳng dậy, tự hỏi liệu còn có tình huống nào trên đời tồi tệ hơn thế này không. Rồi khi quay lại nhìn con tàu Goya lần thứ hai, ông lập tức nhận được câu trả lời. Hai người lính vũ trang đầy đủ vừa nhảy từ trên máy bay xuống boong tàu. Sau đó chiếc máy bay lại cất cánh, và tăng tốc nhằm thẳng con thuyền của Corky. Corky ngồi sụp xuống. Chia để trị. Rõ ràng là chỉ có ông mới sáng suốt nghĩ đến chiến thuật khôn ngoan này. Băng qua boong tàu, đến bên lối đi dọc lót lưới sắt, Delta-Ba nghe văng vẳng tiếng phụ nữ la hét ở bên dưới. Anh quay lại ra hiệu với Delta-Hai rằng mình sẽ xuống dưới đó. Đồng đội của anh gật đầu, ở lại để khống chế boong trên. Hai người sẽ dừng thiết bị CrypTalk để liên lạc với nhau; thiết bị gây nhiễu của Kiowa đường nhiên phải chừa lại một tần số cho chính nó. Tay xiết chặt khẩu súng máy nòng hếch, Delta-Ba lặng lẽ tiến đến lối đi xuống boong dưới. Với sự thận trọng của một sát thủ chuyên nghiệp, anh lần từng bước một xuống, súng luôn trong tư thế sẵn sàng. Do tầm nhìn rất hạn chế nên Delta Ba phải khom người xuống để quan sát. Bắt đầu nghe rõ những tiếng la hét. Anh tiếp tục xuống sâu hơn. Xuống được nửa cầu thang, anh bắt đầu nhìn thấy những lối đi chằng chịt đan vào nhau ở tầng boong bên dưới. Tiếng la thét giờ đã to hơn hẳn. Anh đã trông thấy cô ta. Đứng ngay chỗ những lối đi chằng chịt kia giao nhau, Rachel Sexton đang cúi xuống bên tay vịn, tuyệt vọng gào to: - Michael Tolland… Hay Tolland bị ngã xuống đó rồi? Chắc do chấn động của vụ nổ. Nếu thế thì nhiệm vụ của Delta-Ba quả là dễ dàng. Anh chỉ cần tiến thêm vài bậc thang nữa để lấy điểm ngắm bắn. Bắn một con cá trong chậu. Anh chỉ hơi băn khoăn chút xíu vì Rachel đang đứng cạnh tủ chứa đồ, có nghĩa là cô ta có thể có vũ khí - xiên đâm cá, hoặc súng bắn cá sấu - dù cả hai thứ đó đều không thể đọ với súng máy của anh. Tin vào thế áp đảo của mình, Delta-Ba hạ súng xuống, bước thêm một bậc cầu thang nữa. Lần này thì Rachel Sexton đã nằm trong tầm ngắm. Anh giương súng lên. Thêm một bậc nữa. Có cái gì động đậy dưới chân anh. Thấy Michael Tolland đang cầm một thanh nhôm dài và thọc mạnh vào chân mình, anh chỉ bị bất ngờ chứ không hề sợ hãi. Dù bị mắc mưu, Delta-Ba chỉ cảm thấy buồn cười trước những nỗ lực vô ích đến mức hài hước của đối tượng. Nhưng rồi thanh nhôm tưởng như vô hại kia bất chợt đâm thẳng lên gót chân anh. Bàn chân phải của anh nổ tung, cảm giác bỏng rát, nhói buốt khủng khiếp chạy khắp thân thể. Anh bị mất thăng bằng, ngã nhào và lăn lông lốc xuống cầu thang. Khẩu súng máy rơi xuống bậc cầu thang sắt, rồi nảy lên, và văng xuống biển. Đau đớn, anh co người. Ôm lấy bàn chân phải, nhưng bàn chân không còn nữa. Tolland ngay lập tức có mặt bên kẻ vừa định tấn công mình, tay vẫn xiết chặt cây gậy nhôm - thiết bị đặc dựng dài năm foot để khống chế cá mập. Cây gậy nhôm đặc biệt này được gắn thiết bị cảm ứng áp suất ở đầu, kèm theo một băng đạn mười hai viên - vũ khí tự vệ của thợ lặn khi bị cá mập tấn công. Tolland đã ngay lập tức nạp băng đạn khác vào vũ khí của mình, và giờ đang chĩa thẳng cái đầu gậy vẫn còn nóng bỏng vào yết hầu đối phương. Anh ta nằm bất động trên sàn, khuôn mặt đầy vẻ kinh ngạc, đau đớn và tức tối. Rachel chạy lại. Đáng ra cô đã lấy được khẩu súng máy, nhưng chẳng may nó đã bị văng xuống nước mất rồi. Thiết bị bộ đàm đeo ở thắt lưng anh ta bắt đầu kêu sột soạt. Một giọng nói như của máy tính vang lên: - Delta-Ba đấy à? Lên đi! Tôi vừa nghe thấy tiếng súng. Anh ta không trả lời. Máy bộ đàm lại kêu tít tít lần nữa: - Delta Ba, trả lời đi, anh có cần tôi yểm trợ không? Gần như ngay lập tức, một giọng nói khác vang lên trong máy. Vẫn là giọng nói qua máy tính xử lý, nhưng nghe rõ tiếng động cơ máy bay đang nổ ầm ầm: - Delta-Một đây. Tôi đang đuổi theo chiếc thuyền máy. Delta-Ba, hãy trả lời đi. Anh xuống boong dưới à? Có cần yểm trợ không? Tolland dí khẫu súng bắn cá mập vào sát cổ họng anh ta. - Bảo gã phi công kia đừng đuổi theo chiếc thuyền nữa. Nếu nó giết bạn tao thì mày sẽ phải chết. Nhăn nhó vì đau, người lính đưa thiết bị bộ đàm lên môi. Tay bấm nút để trả lời máy, anh ta vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt Tolland: - Delta-Ba đây. Tôi vẫn ổn. Hãy tiêu diệt chiếc thuyền. Chương 115 Gabrielle Ashe đã quay trở lại phòng tắm trong khu văn phòng của Sexton và đang chuẩn bị trèo ra ngoài. Cuộc gọi của ngài Thượng nghị sĩ đã khiến cô rất lo lắng. Rõ ràng là ông ta đã tỏ ra nghi ngờ khi cô nói rằng đang ở trong văn phòng dành cho thư ký - như thế đã đoán ra là cô đang nói dối. Dù sao thì cô cũng không mở được máy tính cá nhân của ông ta, và giờ vẫn chưa biết nên làm gì tiếp. Sexton đang đợi. Trèo lên đến bồn rửa mặt, đang chuẩn bị đu người lên tran để ra ngoài thì cô nghe có cái gì rơi leng keng xuống sàn nhà. Quay lại, Gabrielle bực bội thấy mình vừa đá phải hai cái móc cài tay áo mà Sexton vẫn để trên thành bệ. Phải để mọi thứ y như cũ. Gabrielle lại trèo xuống, nhặt hai cái móc cài và để lên thành bệ y như cũ. Đang quay người định trèo lên lại thì Gabrielle dừng lại, nhìn những cái móc cài một lần nữa. Nếu là những lúc khác thì chắc chắn cô đã chẳng để ý đến nó, nhưng đêm nay những chữ viết lồng này đặc biệt thu hút sự chú ý của Gabrielle. Giống như nhiều biểu tượng chữ viết lồng khác của ông Thượng nghị sĩ háo danh, đây lại là hai chữ Sexton viết lồng xoắn xuýt lấy nhau. SS. Gabrielle nhớ lại mật khẩu máy tính đầu tiên của ông ta: SSS. Cô nghĩ đến những chữ viết bằng mực phản quang trên quyển lịch… POTUS và hình ảnh chờ có cảnh Nhà Trắng và những tấm biếu ngữ đầy lạc quan chạy khắp xung quanh màn hình. Tổng thống Hoa Kỳ Sedgewick Sexton… Tổng thống Hoa Kỳ Sedgewick Sexton… Tổng thống Hoa Kỳ… Gabrielle băn khoăn ngẫm nghĩ. Chẳng lẽ ông ta quả thật chủ quan đến thế sao? Biết rằng chỉ cần vài tích tắc là tìm ra sự thật, Gabrielle quay trở lại văn phòng, ngồi xuống ghế và gõ bảy chữ cái vào ô mật khẩu. POTUSSS Màn hình chờ lập tức biến mất. Gabrielle sững sờ, không thể tin nổi. Đừng bao giờ đành giá thấp một chính trị gia. Chương 116 Corky Marlinson không giữ chặt bánh lái của chiếc thuyền máy Crestliner Phantom nữa. Ông nghĩ rằng dù có giữ bánh lái hay không thì chiếc thuyền này sẽ chạy theo một đường thẳng. Theo hướng nguy hiểm nhất… Ngồi phía đuôi con thuyền đang bị đại dương đẩy lên dằn xuống dữ dội, ông đang xem xét vết thương ở chân. Một viên đạn đã bay đúng vào phía trước xương trụ, may không phải là xương đùi. Không thấy có vết thương hở nào ở mặt sau chân phải, có nghĩa là viên đạn vẫn ở bên trong. Ông lục tìm khắp xung quanh, tìm kiếm một ít bông băng để cầm máu, nhưng chẳng thấy gì - chỉ có chân vịt, ống thở, và mấy cái áo phao cứu sinh. Không có dụng cụ sơ cứu. Luống cuống, Corky tìm thấy cái ngăn kéo bên trong có giẻ rách, băng dính. dầu nhờn, và một số dụng cụ sửa chữa khác. Nhìn cẳng chân đầy máu của mình. Corky tự hỏi không biết còn bao lâu nữa thì ông sẽ thoát ra khỏi vùng có nhiều cá mập. Chắc còn xa lắm. Delta Một cho chiếc Kiowa bay là là sát mặt biển để tìm chiếc thuyền Crestliner đang chạy trốn. Đoán rằng chiếc thuyền sẽ tìm cách vào đất liền và tránh con tàu Goya càng xa càng tốt, anh cho máy bay lao thẳng theo hướng lúc nãy chiếc thuyền đã xuất phát. Lẽ ra mình phải rượt chiếc thuyền đó rồi mới phải. Thường thì chỉ cần dùng máy quét radar là tìm thấy ngay những mục tiêu kiểu này, nhưng thiết bị gây nhiễu bằng sóng âm địa nhiệt của chiếc máy bay này có tác động trong bán kính những mấy dặm, nên cả radar của anh cũng không hoạt động được. Phải đợi đến khi tiêu diệt xong tất cả các đối tượng thì mới được tắt thiết bị gây nhiễu. Đêm nay, không một ai trên con tàu Goya được đàm thoại với người ngoài. Bí mật về tảng thiên thạch sẽ bị chôn vùi. Tại đây. Chính vào lúc này. Delta Một may mắn có một thiết bị khác để thay thế hệ thống radar. Anh có thễ dễ dàng phát hiện được tín hiệu nhiệt phát ra từ chiếc thuyền, ngay cả trong vùng có dòng hải lưu nóng như thế này. Anh bật máy quét. Nhiệt độ nước ở vùng biển này lên đến 95 độ F, nhưng may thay, nhiệt độ của chiếc thuyền có động cơ 250 mã lực đang chạy hết tốc độ còn cao hơn thế gấp mấy lần. Corky Marlinson thấy chân tay mình bắt đầu tê cứng. Không biết làm gì hơn, ông đã dùng giẻ để lau sạch máu ở ống chân rồi lấy băng dính quấn chặt xung quanh. Khi cuộn băng dính hết sạch thì toàn bộ ống chân của ông, từ đầu gối đến tận mắt cá, đã được bọc trong lớp vỏ nhựa màu bạc. Đã cầm được máu, nhưng hai tay và quần áo của ông thì vẫn bê bết toàn máu là máu. Ngồi yên trên thuyền, Corky lấy làm lạ tại sao chiếc máy bay vẫn chưa tìm được nình. Ông quay lại đằng sau, nhìn thật kỹ, tìm những ngọn đèn trên tàu Goya và bóng chiếc máy bay đang bám đuổi sau lưng. Lạ thật. Chẳng thấy gì cả. Toàn bộ bóng đèn trên tàu Goya đều đã tắt ngấm, không lẽ ông đã đi được xa đến thễ. Corky chợt thấy tràn trề hi vọng. Biết đâu vì trời tối nên bọn chúng không tìm được ông. Biết đâu ông về được đến đất liền! Bất ngờ, Corky nhận thấy đường rẽ nước ở sau đuôi cơn thuyền này rất khác thường. Nước rẽ thành một đường cong nhẹ đều đặn từ sau đuôi thuyền, như thể nó đang đi theo đường vòng cung chứ không phải đường thẳng. Bối rối, ông đưa mắt nhìn theo rẽ nước sau đuôi thuyền đang tạo thành một đường tròn rất lớn trên mặt biển: Gần như ngay tức khắc, Corky trông thấy nó. Con tàu Goya sừng sững hiện ra bên mạn trái, cách ông không đến nửa dặm. Kinh hãi, Corky nhận ra sai lầm chết người của mình. Vì bánh lái bị bỏ không, chiếc thuyền máy đã tự động đi xuôi theo dòng hải lưu chảy xiết - xoáy nước lớn bao quanh vòm nham thạch. Mình đang đi theo một đường tròn lớn! Ông đã tự đá bóng vào lưới nhà. Nhận ra mình vẫn luẩn quẩn trong khu vực có nhiều cá mập, ông hãi hùng nhớ lại những lời của Tolland. Thuỳ khứu giác telencephalon cực kỳ thính nhạy… Giống cá mập đầu búa có thể nhận được mùi máu từ cách xa một dặm. Corky lo lắng nhìn cẳng chân quấn băng và hai bàn tay bê bết máu của mình. Chẳng bao lâu nữa chiếc trực thăng sẽ tìm thấy chiếc thuyền này. Cởi bỏ bộ quan áo dính đầy máu, Corky bò về phía đuôi thuyền. Tin chắc rằng không một con cá mập nào có thế bơi nhanh bằng chiếc thuyền máy của nình, ông vớt nước bắn lên từ đường rẽ nước sau đuôi con thuyền, cẩn thận rửa thật sạch máu dính ở hai bàn tay cũng như trên khắp cơ thể. Từng giọt máu một… Rửa xong, ông đứng thẳng dậy, biết rằng giờ chỉ còn một động tác nữa là xong. Ông nghe nói các loài động vật dùng nước tiểu để đánh dấu lãnh thổ của chúng, và chất acide uric chính là chất bài tiết nặng mùi nhất trên cơ thể con người. Có tác dụng mạnh hơn máu. Corky thầm hi vọng. Vừa lầm bầm ao ước giá như vừa được uống vài vại bia hồi tối, ông gác chân phải lên bảng điều khiển và cố đái vào lớp băng dính quấn xung quanh. Ra đi nào! Corky kiên nhẫn chờ đợi. Thật không gì khổ bằng phải cố mà đái vào người trong khi bị máy bay đuổi theo sát nút. Mãi rồi nó cũng phải ra. Corky đái ướt đẫm lớp băng quấn quanh ống chân. Ông tận dụng nhũng giọt cuối cùng còn sót lại trong bàng quang để thấm ướt miếng giẻ rồi chà xát khắp người. Quả là dễ chịu. Từ" trên trời đêm, một chùm tia laze xuất hiện, chiếu chếch xuống chiếc thuyền máy, trông như lưỡi thép sắc lạnh của cái máy chém khổng lồ. Chiếc máy bay xuất hiện chếch từ một bên. Rõ ràng là viên phi công cũng bị ngạc nhiên khi thấy Corky lộn trở lại bên con tàu Goya. Mặc xong bộ quần áo phao bảo hộ, Corky nhanh nhẹn di chuyển xuống đuôi thuyền. Một đốm sáng đỏ rực xuất hiện trên chiếc thuyền vấy máu, chỉ cách chân ông khoảng mười xăng ti mét. Đã đến lúc. Trên boong tàu Goya, Tolland không nhìn thấy chiếc thuyền máy Crestliner Phantom 2100 bị một ánh chớp sáng loà nuốt chửng, rồi khói lửa cuộn lên ngùn ngụt. Nhưng ông nghe thấy tiếng nổ. Chương 117 Thông thường, vào giờ này thì chái Tây của Nhà Trắng thường rất tĩnh mịch, nhưng thái độ vội vã của Tổng thống cùng với bộ quần áo ngủ và đôi dép lê ở chân ông đã khiến cho các trợ lý và nhân viên đang trực phiên thấy lo lắng và bật dậy khỏi những chiếc giường gấp đặt ngay cạnh bàn làm việc và những phòng ngủ nhỏ bố trí rải rác tại đây. - Thưa Tổng thống, không thấy bà ấy đâu cả. - Một trợ lý trẻ vừa nói vừa hối hả theo Herney vào phòng bầu dục. Anh ta đã tìm kiếm khắp nơi. - Cả điện thoại cầm tay lẫn máy nhắn tin, bà Tench đều không nghe ạ. Tổng thống cáu gắt: - Thế anh đã sang tìm ở… - Bà ấy đã rời khỏi Nhà Trắng rồi ạ. - Một trợ lý khác vừa bước vào phòng đã nhanh nhảu báo cáo. - Bà ấy ra khỏi cổng cách đây một giờ. Chắc là đi sang bên trụ sở NRO rồi. Nhân viên tổng đài cho biết tối qua bà ấy đã điện đàm với Pickering. - William Pickering à? - Tổng thống ngỡ ngàng. Tench và Pickering chưa bao giờ chịu quan hệ với nhau. - Cậu đã gọi cho ông ấy chưa? - Cả ông ấy cũng không trả lời máy ạ. Nhân viên tổng đài của NRO cũng không gọi được ông ấy. Họ nói là máy của ông ấy thậm chí còn không đổ chuông. Như thể là ông ấy đã biến mất khỏi trái đất. Herney tròn mắt nhìn hai người trợ lý của mình một hồi lâu, rồi đến bên quầy rượu và tự rót cho mình một ly Bourbon. Ông vừa mới đưa ly rượu lên môi thì một nhân viên mật vụ xuất hiện. - Tôi rất không muốn đánh thức Tổng thống, nhưng vừa có vụ đặt bom gần đài tưởng niệm FDR. - Cái gì? - Suýt nữa Herney làm rơi cái ly. - Cách đây một giờ. - Anh ta nói giọng rầu rĩ. - Và bên FBI đã nhận dạng được nạn nhân… Chương 118 Cảm giác nhức nhối dội lên từ chân của Delta-Ba. Anh tưởng như mình đang trôi nổi, bông bềnh trong vô thức. Hay đây chính là cái chết? Anh gắng gượng cử động chân tay, nhưng không được, đến cả hít thở cũng thấy khó khăn. Hai mắt anh chỉ nhìn được những đốm đen trắng lờ mờ. Rồi tỉnh táo hơn lên, anh nhớ lại tiếng nổ trên mặt đại dương, vẻ giận dữ điên cuồng trong ánh mắt của Michael Tolland khi ông ta đứng đó, tay chĩa cây gậy bắn cá mập vào cổ họng anh. Chắc Tolland đã giết mình… Nhưng rồi cơn đau như xé ở chân nhắc Delta-Ba rằng anh vẫn còn sống. Và tất cả những sự kiện lần lượt hiện về trong tâm trí. Nghe tiếng nổ trên đại dương khi chiếc thuyền máy Crestliner bị trúng tên lửa, Tolland đã gào lên đau đớn và căm hận vì mất người bạn quý. Rồi ông ta, quay sang anh, mắt quắc lên giận dữ, lưng khom xuống, như thế định ngay lập tức đâm mạnh vào yết hầu của anh; nhưng hình như đúng lúc ấy lương tâm của ông ta đã lên tiếng can ngăn. Thế là Tolland quẳng cây gậy sang một bên, mắt long lên, rồi thúc mạnh mũi ủng vào bàn chân vừa bị bắn nát của anh. Chi tiết cuối cùng mà Delta-Ba còn nhớ được là anh đau đớn đến nỗi nôn hết mật xanh mật vàng, tối tăm mặt mũi và ngất đi. Lúc này anh đã hồi tỉnh lại, nhưng không thể nhớ nổi mình đã bị bất tỉnh bao nhiêu lâu. Hai khuỷu tay anh bị trói giật ra đằng sau, nút dây trói xiết chặt khủng khiếp, chắc chỉ có thuỷ thủ chuyên nghiệp mới xiết chặt được đến thế. Hai cẳng chân anh cũng bị bẻ giật về phía sau, và bị buộc vào cùng với hai cổ tay, khiến cho thân người bị bẻ cong về phía sau một cách hết sức kỳ quái. Anh cố hét to lên, nhưng không âm thanh nào thoát ra khỏi cổ họng. Miệng anh đã bị nút chặt. Delta-Ba không thể tin rằng sự thể lại đến nông nỗi này. Chợt thấy có làn gió ấm áp thổi nhẹ và những ngọn đèn sáng chói, anh nhận ra mình đang ở trên boong chính của tàu Goya. Anh vặn vẹo, nhìn quanh, hi vọng thấy đồng đội đến cứu mình, nhưng chỉ thấy một hình ảnh hãi hùng - hình ảnh méo mó và ngoặt ngoẹo của chính anh, phản chiếu trên mặt kính Plexiglas của chiếc tàu lặn mini. Chiếc tàu lặn đang lơ lửng trước mặt, và Delta-Ba thấy mình đang nằm ngay trên ngưỡng cửa giật trên boong tàu, thật nguy hiểm. Và không kém phần đáng sợ là một câu hỏi vừa hiện lên trong óc. Mình ở trên boong…, còn Delta-Hai ở đâu? Delta-Hai mỗi lúc một thêm lo lắng. Dù đồng đội của anh đã trả lời là không có gì bất ổn, nhưng tiếng súng phát một anh vừa nghe thấy rõ ràng không phải ra từ súng máy. Rõ ràng là Rachel Sexton và Tolland vừa bắn. Delta-Hai đến sát bên lối lên xuống mà đồng đội của anh lúc nãy bước xuống, và trông thấy máu. Súng lên đạn sẵn, anh xuống cầu thang, lần theo vết máu dọc một hành lang hẹp dẫn đến mũi tàu. Đến đây, vết máu anh đến cầu thang thứ hai dẫn xuống boong chính. Không thấy ai. Càng lo lắng hơn, Delta-Hai tiếp tục lần theo vết máu dọc theo boong, đến tận đuôi tàu, gặp lại chính cầu thang đầu tiên mà anh đặt chân xuống. Cô chuyện gì thế nhỉ? Vết máu dường như tạo thành một vòng tròn lớn. Thận trọng, vừa chĩa súng tứ phía vừa nhích từng tí một, Delta Hai tiến đến khu đặt các phòng thí nghiệm. Vệt máu kéo dài mãi đến tận boong sau. Cẩn thận đi vòng rộng ra để tránh góc ngoặt, mắt anh vẫn nhìn theo vết máu. Rồi anh trông thấy. Lạy Chúa lòng lành! Delta-Ba đang nằm đó - bị trói chặt, bịt miệng - ngay trước chiếc tàu lặn mini của tàu Goya. Từ xa anh đã thấy một bên chân của Delta-Ba không còn nữa. Sợ bị gài bẫy, Delta-Hai giương súng sẵn sàng, thận trọng tiến lên. Delta-Ba đang vùng vẫy và cố nói với anh điều gì đó. Trong cái rủi có cái may, có lẽ do chân bị trói quặt ra đằng sau mà Delta-Ba còn sống được đến lúc này, máu chảy ra từ vết thương có vẻ đã giảm nhiều. Đến gần chiếc tàu lặn cỡ nhỏ, tầm nhìn bao quát phía sau của Delta-Hai không thể tốt hơn, vòm kính của buồng lái phản chiếu toàn bộ boong tàu. Mãi đến lúc đã đứng sát người đồng đội không may mắn của mình, Delta-Hai mới nhận ra ánh mắt đầy hàm ý của Delta-Ba, nhưng đã quá muộn. Bỗng đâu tia chớp màu bạc bất thần loé lên. Một trong những cánh tay máy của chiếc tàu lặn Triton chợt tung ra và túm chặt đùi trái của Delta-Hai. Anh cố giãy ra, nhưng cánh tay máy càng xiết chặt thêm, chặt đến nỗi xương bị gãy. Delta-Hai thét lên đau đớn. Anh trừng mắt nhìn vào trong cabin tàu lặn. Đằng sau những đường nét của boong tàu phản chiếu trên mặt kính là khuôn mặt xanh xao, người đó ngỗi thu mình gọn lỏn ở góc khuất trong con tàu Triton. Michael Tolland đang ở trong tàu lặn, bên bàn điều khiển. Quá ngu, Delta-Hai rít lên, nén đau để giương súng máy lên. Anh nhằm thẳng vào ngực trái của ông ta, ngay sau lớp kính, chỉ cách anh không quá ba foot. Anh kéo cò, đạn nổ ầm ầm. Tức tối vì bị mắc bẫy, Delta-Hai giữ chặt cò súng cho đến khi không còn một viên đạn. Thở hắt ra, anh quẳng súng xuống đất, rồi chằm chằm nhìn mái vòm bằng kính bị thủng lỗ chỗ. - Chết đi con! - Vừa gằn giọng rít lên, Delta-Hai vừa cố gỡ chân khỏi cánh tay máy. Những cái móc thép nghiến sâu thêm, làm da thịt rách toác ra. - Chết tiệt! - Anh quờ tay lần tìm máy bộ đàm đeo ở thắt lưng. Nhưng vừa cầm được chiếc máy thì bị một cánh tay máy nữa bật ra và xiết chặt cổ tay. Máy bộ đàm CrypTalk rơi xuống boong tàu. Đúng lúc ấy một bóng ma hiện ra ở cửa sổ kính ngay bên cạnh anh. Khuôn mặt nhợt nhạt ban nãy đang ngó qua mép kính còn nguyên vẹn và nhìn anh chòng chọc. Choáng váng. Delta-Hai nhìn lại vòm kính của chiếc tàu lặn, hoá ra không một quả đạn nào xuyên nổi qua lớp kính dày của mái vòm trước mặt. Mặt ngoài mái vòm chi chít những vết đạn. Sau giây lát, một cánh cửa mở ra trên nóc mái vòm kính, Michael Tolland nhô đau lên. Ông ta vẫn còn run, nhưng không hề hấn gì. Xuống đến mặt boong, ông chăm chú nhìn cửa sổ tàu ngầm thủng lỗ chỗ. - Những mười ngàn pound một inch đấy. - Tolland lên tiếng. - Đáng ra anh bạn nên dừng loại súng lớn hơn. Đứng trong phòng thí nghiệm của cơn tàu, Rachel biết cô không còn nhiều thời gian. Cô vừa nghe tiếng súng nổ, và thầm khẩn cầu cho mọi sự diễn ra đúng như dự kiến của Tolland. Bây giờ cô không cần biết ai là kẻ đứng sau tất cả những chuyện này - Giám đốc NASA, Marjorie Tench, hay đích thân Tổng thống - chi tiết đó không còn quan trọng nữa. Kẻ đó sẽ không thể phủi tay sau tất cả những gì đã gây ra. Dù kẻ đó có là ai thì sự thật vẫn phải bị phanh phui. Vết thương trên cánh tay Rachel đã hết chảy máu, và một lượng lớn hoóc-môn adrenaline đang thấm đẫm từng tế bào của cô, khiến cho phản xạ nhạy bén hơn, đồng thời cảm giác đau cũng bớt đi nhiều. Tìm được giấy và bút, Rachel đã nén đau viết một bức điện hai dòng. Những ngôn từ trên giấy không được hùng hồn cho lắm, nhưng lúc này đâu phải là lúc trau chuốt câu chữ. Cô để tờ giấy ấy vào cùng một xấp với những bằng chứng khác - bức ảnh chụp cắt lớp phiến băng Milne, ảnh loài sinh vật biển Bathynomous Giganteus, bản sao những bài báo về các chrondrule hình thành trong lòng đại dương, bản in kết quả soi mẫu đá trên kính hiển vi. Tảng thiên thạch đó hoàn toàn là giả mạo, và những tài liệu này sẽ chứng minh điều ấy. Rachel xếp tất cả những giấy tờ đó vào máy fax. Do không thuộc lòng nhiều số fax, cô không có nhiều chọn lựa, nhưng Rachel đã quyết định ai sẽ là người nhận được những thông tin này. Nín thở cô cẩn thận bấm số của người nhận. Vừa nhấn vào nút "gửi". Rachel vừa thầm mong mình đã chọn lựa một cách sáng suốt. Một tiếng bíp vang lên từ chiếc máy fax. LỖI: KHÔNG CÓ TÍN HIỆU ĐƯỜNG TRUYỀN Không có gì bất ngờ. Hệ thống liên lạc của con tàu vẫn bị nhiều. Cô kiên nhẫn quan sát chiếc máy hoạt động, hi vọng nó được cài đặt cùng một cơ chế với chiếc máy cô vẫn thường dùng ở nhà riêng. Nhanh lên nào! Năm phút sau, lại có một tiếng bíp nữa. ĐANG KẾT NỐI LẠI… Tuyệt lắm! Chiếc máy đang tự động quay lại số mà Rachel vừa bấm. LỖI: KHÔNG CÓ TÍN HIỆU ĐƯỜNG TRUYỀN ĐANG KẾT NỐI LẠI… Để cho chiếc máy tiếp tục tự động đợi tín hiệu đường truyền, Rachel lao ra ngoài boong tàu, vừa kịp lúc chiếc trục thăng sầm sập quay lại. Chương 119 Cách con tàu Goya một trăm sáu mươi dặm, Gabrielle Ashe đang tròn mắt nhìn màn hình máy tính cá nhân của Thượng nghị sĩ Sexton, kinh ngạc đến sững sờ. Tất cả những nghi vấn của cô đều đúng sự thật. Nhưng cô không thể ngờ lại đúng đến mức này. Gabrielle đang xem hàng chục tờ séc ngân hàng mà Thượng nghị sĩ đã quét vào máy tính - đều từ các công ty vũ trụ tư nhân gửi vào tài khoản của Sexton tại đảo Cayman. Tờ có mệnh giá nhỏ nhất cũng trị giá tới mười lăm ngàn đô la. Có mấy khoản lên tới nửa triệu đô. Chỉ là những khoản chẳng đáng kể, nguyên văn lời ông ta là thế. Tất cả những khoản hiến tặng của họ đều duới mức hai ngàn đô la. Hiển nhiên là ông ta đã nói dối từ bao lâu nay. Những bằng chứng về hoạt động gây quỹ tranh cử bất hợp pháp không thể tha thứ đang hiện ra sờ sờ trước mắt Gabrielle. Trái tim cô nhói lên, đau vì bị lừa dối, đau vì thất vọng. Ông ta nói dối! Gabrielle thấy mình thật ngu ngốc, thật nhơ nhuốc. Cô như muốn phát điên. Ngồi chết sững trong bóng tối, Gabrielle chẳng biết nên thế nào. Chương 120 Chiếc trực thăng Kiowa đang lượn trước mũi con tàu Goya, Delta-Một đang cúi gập người xuống để nhìn, mắt anh đang chứng kiến một tình thế không thể tưởng tượng nổi. Michael Tolland đang đứng trên boong tàu, cạnh chiếc tàu lặn cỡ nhỏ. Delta-Hai đang bị treo lủng lẳng trên hai cánh tay máy của chiếc tàu lặn - như thế vừa bị một chú côn trùng khổng lồ bắt làm tù binh - và đang bất lực giãy giữa trong hai cánh tay thép khổng lồ. Lạy Chúa lòng lành! Cái gì thế không biết? Rachel Sexton cũng vừa chạy lên boong, đang đứng ngay cạnh một người bị trới giật cánh khuỷu ngay bên chiếc tàu lặn. Chắc chắn đấy là Delta-Ba. Như thế muốn thách thức họ, Rachel đang chĩa súng máy lên trời, loại súng máy đặc biệt chỉ đội Delta mới được trang bị. Delta-Một thực sự choáng váng, anh không thể hiểu nổi làm sao mà lại thảm hại đến thế. Sai sót của đội Delta trên phiến băng Milne quả là hi hữu, nhưng còn có thể lý giải được. Nhưng sự kiện này thì quả là không tưởng… Chỉ nguyên thế thôi cũng đã sượng mặt lắm rồi, thế mà đêm nay trên máy bay của Delta-Một còn có một nhân vật vô cùng quang trọng. Sự hiện diện của ông trong một điệp vụ kiểu này gần như là ngoại lệ, nỗi nhục này quả là không lời nào tả xiết. Đó chính là chỉ huy. Sau phi vụ ám sát tại chân đài tưởng niệm FDR, chỉ huy yêu cầu anh cho máy bay đáp xuống công viên vắng vẻ gần Nhà Trắng. Delta-Một được lệnh tiếp đất tại gò nhỏ khuất trong lùm cây. Chỉ huy đã đợi trước ở chỗ tối, và lập tức sải bước lên máy bay. Chỉ sau vài giây, chiếc máy bay lại tiếp tục lao đi làm nhiệm vụ. Dù rất hiếm khi chỉ huy trực tiếp có mặt trong khi đội của anh thi hành nhiệm vụ, Delta-Một không thể phản đối. Do quá thất vọng sau những gì đội Delta đã làm trên phiến băng Milne, và sợ rằng những sơ suất tương tự có thể dẫn tới những nghi ngờ không cần thiết chỉ huy đã tức thời quyết định là sẽ trực tiếp đôn đốc họ. Giờ đây, chỉ huy đang tận mắt chứng kiến một thất bại ê chề vô tiền khoáng hậu trong lịch sử đội Delta. Phải kết thúc chuyện này. Ngay lập tức. Từ trên chiếc trực thăng Kiowa, chỉ huy nhìn xuống boong tàu Goya và cũng không thể hiểu nổi. Mọi thứ đều không theo đúng kế hoạch - những nghi ngờ về tảng thiên thạch, cuộc hành quyết bất thành của đội Delta trên phiến băng Milne, rồi vụ ám sát bất đắc dĩ tại đài tưởng rùệm FDR. - Thưa chỉ huy, - mắt vẫn đang nhìn xuống con tàu, Delta-Một lắp bắp, giọng bẽ bàng - tôi không thể tưởng tượng nổi.. Cả tôi cũng thế đây, chỉ huy nghĩ thầm. Rõ ràng là họ đã đánh giá quá thấp đối thủ của mình. Chỉ huy cúi xuống nhìn Rachel Sexton. Tay cầm máy điện đàm, cô gái đang nhìn thẳng vào tấm kính phản quang ở cửa sổ máy bay. Khi những lời nói của cô vang lên từ giàn thiết bị âm thanh trên máy bay Kiowa, chỉ huy tưởng rằng cô sẽ yêu cầu tắt hệ thống gây nhiễu để Tolland gọi người đến cứu. Nhưng không, những gì cô nói đáng sợ hơn thế. - Các người đến muộn mất rồi. - Rachel khẳng định. - Ngoài chúng tôi ra, một người khác đã biết chuyện này. Những từ ngữ ấy như lấp đầy khoang máy bay mất một lúc. Khả năng tuyên bố đó là thật đã khiến chỉ huy lưỡng lự, dù thoạt đau nó có vẻ chẳng ăn nhập gì với tình huống của họ. Muốn đảm bảo thành công cho kế hoạch, họ cần phải tiêu diệt hết những ai biết sự thật; và sau khi đã giết chừng ấy mạng người, chỉ huy cần phải đảm bảo một cách chắc chắn là những hành động của họ không uổng phí. Thêm một người nữa biết… Rachel Sexton vốn là người nghiêm ngặt tuân thủ những quy định bảo mật thông tin, nên chỉ huy không tin là cô đã chia sẻ những thông tin thu lượm được với bất kỳ ai không liên quan trực tiếp đến vụ này. Những lời nói của Rachel lại lần nữa vang lên trong máy bộ đàm: - Lùi lại thì tôi sẽ bảo đảm mạng sống cho người của các anh. Cố tình tiếp cận thêm nữa thì họ sẽ chết. Dù thế nào thì sự thật cũng sẽ bị phơi bày. Đừng giết người nữa. Lùi lại đi. - Cô nói dối. - Biết rằng máy tính sẽ làm biến đối chất giọng thật của mình, chỉ huy cất tiếng. - Cô chưa kịp báo với ai hết. - Anh thật sự tin là thế sao? - Rachel đáp ngay. - Vì không thể liên lạc được với William Pickering nên tôi đã báo tin cho một người khác để phòng trường hợp bất trắc. Chỉ huy nhíu mày. Quả là đáng gờm. - Bọn chúng không tin thì phải. - Rachel nói với Tolland. Anh chàng đang bị cánh tay máy treo lơ lửng cười khẩy trong đau đớn. - Khẩu súng đó hết đạn rồi, và chiếc phi cơ này sẽ cho cả hai người xuống địa ngục ngay lập tức cho mà xem. Các người chẳng thể sống nổi đâu. Tốt nhất là thả bọn ta ra. "Chết tiệt," Rachel thầm nghĩ, băn khoăn không biết nên làm gì tiếp, rồi cô quay sang anh chàng đang bị trói giật cánh khuỷu và nhét giẻ vào mồm đang nằm trên boong. Mất nhiều máu, trông anh ta có vẻ đã rất yếu. Rachel cúi xuống, nhìn vào đôi mắt dữ dằn của người lính đó. - Tôi sẽ lấy cái giẻ trong mồm anh ra. Anh hãy nói vào máy bộ đảm bảo họ cho máy bay lùi lại. Hiểu chưa? Anh ta gật đầu vẻ khuất phục. Nhưng miếng giẻ vừa được lấy ra thì anh ta đã lập tức phun đầy mặt Rachel những máu hoà lẫn với nước dãi trong miệng. - Đồ chó! - Anh ta hổn hen nói. - Không đời nào tao làm thế. Họ sẽ giết chết mày như giết súc vật, và tao sẽ thưởng thức cảnh đó. Rachel chùi máu và nước dãi trên mặt, Tolland kéo cô lại phía sau, giúp cô đứng vững, rồi cầm lấy khẩu súng máy trên tay cô. Hình như ông đã quyết. Tolland bước đến bên bàn điều khiển gần đó, tay cầm cần gạt, mắt không rời gã đội viên Delta đang nằm trên boong. - Mày tự đếm đến hai đi, - Ông nói - Rồi trắng mắt ra mà nhìn. Tolland gạt cần, vẻ mặt giận dữ và sắt đá. Một cánh cửa giật lớn ở boong bên dưới mở toang. Anh chàng đội viên Delta hú lên đầy kinh hãi, rồi biến mất. Ngã nhào xuống lỗ cửa rộng đó, rồi rơi tõm xuống mặt nước cách đó mười mét. Nước toé lên đỏ lòm, anh ta bị lũ cá mập xé xác ngay tắp lự. Giận run lên, chỉ huy nhìn xuống dòng hải lưu chảy xiết. Nước biển ngầu lên màu máu. Mấy con cá mập đang tranh nhau rỉa một cánh tay của Delta-Ba. Lạy Chúa tôi. Chỉ huy nhìn lên boong tàu. Delta-Hai vẫn bị treo lủng lẳng trên cánh tay máy, và lúc này con tàu ngầm mini Triton đang lơ lửng ngay trên cánh cửa giật đã mở sẵn. Delta-Hai đang chới với. Tolland chỉ cần gạt cần một lần nữa là anh ta sẽ hết đời. - Được rồi. - Ông nói vào máy bộ đàm. - Dừng lại, dừng lại đã! Từ mặt boong, Rachel ngước nhìn lên. Dù đang ở tít trên cao, chỉ huy vẫn cảm nhận được lòng quyết tâm đang ngời lên trong mắt cô gái. Rachel đưa máy bộ đàm lên sát miệng. - Các người vẫn chưa tin à? - Cô nói. - Hãy gọi đến tổng đài của NRO, xin số của Jim Samiljan ở Ban Quan hệ công chúng. Tối nay anh ấy trực, và tôi đã cho anh ấy biết toàn bộ sự thật về tảng thiên thạch. Anh ấy sẽ xác thực điều đó. Lại còn tên tuổi đàng hoàng nữa cơ à? Có vẻ không thật lắm. Rachel Sexton không phải là người khờ khạo, nhưng chỉ cần vài giây là chỉ huy sẽ biết ngay sự thật. Dù chỉ huy nghĩ rằng không có ai tên là Jim Samiljan làm việc cho NRO, nhưng tổ chức này quá lớn. Biết đâu Rachel nói thật. Trước khi xuống tay, chỉ huy cần phải biết rõ sự thật. Delta-Một quay sang chỉ huy. - Chúng ta tắt thiết bị gây nhiễu sóng để chỉ huy gọi về kiểm tra nhé? Chỉ huy cúi nhìn xuống tàu, cả Rachel lẫn Tolland đều đang ở trên boong. Nếu họ sử dụng điện thoại di động hoặc máy phát vô tuyến thì Delta-Một sẽ lập tức kích hoạt bộ phận gây nhiễu sóng. Không thể có rủi ro. - Tắt sóng nhiễu đi. - Chỉ huy nói, thò tay vào túi lấy điện thoại di động. - Tôi muốn biết chắc chắn rằng Rachel nói dối. Sau đó chúng ta sẽ tìm cách cửu Delta-Hai và kết thúc điệp vụ này. Tại Fairfax, nhân viên tổng đài ở Sở chỉ huy của NRO tỏ ra cáu kỉnh. - Tôi đã bảo anh rồi, tôi không tìm thấy cái tên Jim Samiljan nào cả. Đầu dây bên kia vẫn cứ khăng khăng: - Chị tìm tất cả những cách viết khác nhau chưa? Chị đã kiểm tra tất cả các ban chưa? Dù đã kiểm tra hết lượt, cô nhân viên tổng đài vẫn rà lại lần nữa. Vài giây sau, câu trả lời: - Không ban nào có ai tên là Jim Samiljan cả. Tôi đã kiểm tra tất cả các cách đánh vần khác nhau. Thật kỳ quặc, đầu dây bên kia tỏ ra rất hài lòng. - Có nghĩa là NRO không có nhân viên nào tên là Jim Samil… Đột nhiên, có người kêu lên, đầu dây bên kia náo động. Người gọi đến chửi rủa ầm ĩ rồi bất thần ngắt cuộc gọi. Trong khoang máy bay trực thăng Kiowa, Delta-Một giận dữ kêu lên, tay gạt vội cần điều khiển để kích hoạt hệ thống gây nhiễu sóng. Nhưng đã quá muộn. Giữa vô số nút bấm và đồng hô đo trên bàn điều khiển, máy đo NED cho thấy một cuộc gọi trên tần số SATCOM vừa được thực hiện từ tàu Goya. Bằng cách nào nhỉ? Hai người kia vẫn đứng nguyên trên boong cơ mà? Cuộc gọi từ tàu Goya tự kết thúc một tích tắc trước khi Delta-Một kịp gạt cần điều khiển xuống. Trong phòng thí nghiệm của tàu Goya, một tiếng bíp vang lên từ máy fax. ĐÃ TÌM ĐƯỢC KÊNH LIÊN LẠC… FAX ĐÃ ĐƯỢC GỬI ĐI. Chương 121 Nếu không giết người thì sẽ bị người giết. Rachel nhận thấy trong bản thân mình một phẩm chất bao lâu nay vẫn tiềm ẩn: Bản năng sinh tồn - khả năng chịu đựng dẻo dai trong tình huống hiểm nghèo. - Bản fax vừa gửi đi có nội dung gì thế? - Câu hỏi vang lên trong máy bộ đàm. Như vậy là máy fax hoạt động đúng như dự kiến, Rachel thấy nhẹ cả người. - Các người hãy đi khỏi đây! - Cô ra lệnh, mắt nhìn thẳng lên chiếc trực thăng đang lượn trên đầu. - Thế là hết. Bí mật của các người đã bị lộ tẩy. Rachel điểm qua tất cả những tài liệu được gửi đi. Gần chục trang tài liệu và hình ảnh. Những bằng chứng không thể chối cãi về tảng thiên thạch giả mạo. - Nếu hại chúng tôi thì các người sẽ càng gặp nhiều rắc rối hơn. Im lặng hồi lâu: - Cô gửi bản fax đó cho ai? Rachel chẳng dại gì trả lởi câu hỏi đó. Cô và Tolland phải kéo dài thời gian một cách tối đa. Cả hai đang đứng ngay gần cửa sập trên boong tàu, tạo thành một đường thẳng với tàu lặn Triton. Nếu những kẻ trên máy bay bắn vào họ thì tên lính đang bị treo lủng lẳng trên cánh tay máy kia sẽ trở thành bia đỡ đạn. William Pickering. Kẻ đó phỏng đoán, có vẻ đầy hi vọng. - Cô đã gửi cho William Pickering. Sai rồi. Rachel thầm nghĩ. Quả thật cô đã nghĩ ngay đến William Pickering, nhưng lại sợ những kẻ đang truy sát mình đã ra tay với ông trước - nếu đã làm thế thật thì chúng sẽ quyết giết cô bằng được. Trong lúc tuyệt vọng. Rachel đã gửi tài liệu đến số máy duy nhất mà cô thuộc. Văn phòng của cha cô… Sau khi mẹ cô qua đời, cha của Rachel đã liên tục dùng máy fax để giải quyết tất cả những vấn đề bất động sản có liên quan đến con gái thay vì trực tiếp tìm gặp Rachel, và số máy của ông đã tạo thành một vết hằn trong tâm trí của cô. Rachel đã tự nhủ lòng sẽ không bao giờ chịu ngửa tay cầu xin ông ta bất kỳ điều gì, nhưng đêm nay, Thượng nghị sĩ Sexton có đủ hai yếu tố quan trọng nhất những động cơ chính trị mạnh mẽ để công bố những tài liệu này không chút chậm trễ, và đủ thế lực để gọi điện đến Nhà Trắng nhằm yêu cầu bọn họ lệnh cho đội Delta ngừng lại ngay. Giờ này chắc chắn cha của Rachel không có mặt trong văn phòng, nhưng văn phòng của ông những lúc thế này luôn cửa đóng then cài cẩn mật, và những tài liệu giá trị sẽ được lưu trữ trong két có khoá hẹn giờ. Giả sử những kẻ đang truy sát cô biết rõ đích đến của bản fax này thì chúng cũng không cách gì lọt qua hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt của toà nhà Phillip A. Heart của Chính phủ mà không gây ra cảnh náo loạn ầm ỹ. - Cô đã gửi bản fax đó cho ai? - Câu hỏi lại một lần nữa vang lên trong máy bộ đàm. - Cô vừa đặt người đó vào vòng nguy hiểm. Rachel biết cần phải ăn nói một cách đàng hoàng rắn rỏi, dù trong lòng vô cùng sợ hãi. Cô đưa tay chỉ người lính Delta đang bị treo lủng lẳng trên cánh tay máy. Máu từ đùi anh ta vẫn tiếp tục nhỏ giọt xuống mặt nước cách đó mười mét. - Người duy nhất bị nguy hiểm lúc này chính là anh ta. Cô nói vào máy bộ đàm. - Quá muộn rồi. Các người cút đi. Tài liệu đã được gửi đi. Các người thua rồi. Cút mau, nếu không kẻ kia sẽ phải chết. Kẻ đang đối thoại với Rachel trên máy bộ đàm phản công: - Cô Sexton, cô chưa hiểu hết tầm quan trọng của… - Hiểu hết à? - Rachel ngay lập tức đốp lại. - Tôi hiểu là các người đã sát hại những người vô tội! Tôi hiểu rằng các người đã dối trá về tảng thiên thạch? Tôi hiểu rằng các người sẽ không thể ém nhẹm chuyện này! Dù các người có giết hết cả nhóm chứng tôi thì cũng không thay đổi được tình hình đâu! Im lặng hồi lâu, rồi giọng nói ấy lại vang lên. - Thôi được, tôi sẽ xuống. Rachel thấy toàn thân co cứng lại. Xuống ư? - Tôi không mang theo vũ khí. - Giọng nói ấy lại vang lên lần nữa - Các vị đừng xử sự hấp tấp. Chúng ta cần phải nói chuyện một cách thẳng thắn. Rachel chưa kịp phản ứng thì chiếc trực thăng đã đáp xuống boong tàu Goya. Cửa máy bay mở ra, và có người bước xuống. Người đó mặc chiếc áo khoác màu đen giản dị và đeo cà vạt. Trong thoáng chốc, Rachel tưởng mình bị mất trí. Cô đang trông thấy William Pickering. Đứng trên boong tàu, William Pickering nhìn Rachel đầy tiếc nuối. Ông không thể nào lường trước được cơ sự này. Chân bước lại gần cô gái, ông có thể cảm thấy rõ ràng phức hợp những cảm giác trái ngược trong lòng Rachel. Kinh ngạc, bị phản bội, sững sờ, giận dữ. Cũng dễ hiểu, ông thầm nghĩ. Có quá nhiều chuyện cô ấy đâu có biết. Bỗng Pickering nhớ đến con gái mình. Không hiểu trước khi chết, Diana đã cảm thấy thế nào. Cả con bé và Rachel đều là nạn nhân của một cuộc chiến, cuộc chiến mà Pickering đã tự thề với lòng mình là sẽ không chịu chùn bước. Nhưng đôi khi cái giá phải trả thật là thảm khốc. - Rachel. - Pickering lên tiếng. - Chúng ta có thể giải quyết chuyện này một cách ổn thoả. Có một số điều tôi cần phải giải thích với cô. Rachel đẳy vẻ kinh hãi, dường như thậm chí còn thấy buồn nôn. Tolland chĩa thẳng nòng súng máy vào giữa ngực Pickering, mặt ông cũng đầy vẻ ngỡ ngàng. - Lùi lại! - Tolland thét lớn. Còn cách họ năm mét thì Pickering dừng lại và nhìn thẳng vào mắt Rachel. - Cha cô đang nhận tiền hối lộ, Rachel ạ. Tiền của các công ty vũ trụ tư nhân, ông ấy có ý định giải thể NASA và cho phép các công ty tư nhân nhảy vào kinh doanh vũ trụ. Vì an ninh quốc gia nên tôi phải chặn tay ông ấy lại. Sắc mặt Rachel đầy vẻ kinh hoàng. Pickering thở dài. - Bất chấp những sai lầm của nó, NASA phải là một cơ quan của Chính phủ. Chắc chắn là cô ấy hiểu hết những nguy cơ ấy. Tư hữu hoá có nghĩa là tạo điều kiện để nguồn chất xám siêu việt của NASA chảy sang các công ty tư nhân. Sẽ không còn các bí mật quốc gia nữa. Quân đội cũng không còn cơ hội tiếp nhận những tiến bộ khoá học nữa. Để tìm kiếm siêu lợi nhuận, các công ty tư nhân sẽ bán những sáng chế của NASA cho bất kỳ nhà thầu nào trả giá cao! Giọng Rachel run rẩy: - Ông lấy danh nghĩa an ninh quốc gia để giả mạo tảng thiên thạch đó ư? - Câu chuyện đã diễn biến khác hẳn dự kiến. - Pickering phân trần. - Tôi chỉ lên kế hoạch cứu nguy cho một cơ quan nhà nước. - Giết người không hề là một phần của phác thảo kế hoạch. Pickering biết, giống như tất cả những mưu đồ tình báo khác, kế hoạch về tảng thiên thạch này chính là kết quả của sự sợ hãi. Cách đây bảy năm, trong khi đang triển khai hệ thống tai nghe ngầm dưới nước của NRO tại những vùng biển thật sâu để không kẻ phá hoại nào có thể xuống được đến đó, Pickering đã cho sử dụng công nghệ mới của NASA để chế tạo một tàu ngầm siêu bền có khả năng đưa người xuống tận những vùng biển cực sâu - kể cả khu vực đáy biển Mariana Trench. Con tàu hai người lái này được chế tạo bằng loại gốm siêu bền mới. Còn bản thiết kế chi tiết thì được đánh cắp từ máy tính của kỹ sư người Califomia tên là Graham Hawkes - một thiên tài chế tạo tàu ngầm luôn mang trong tim giấc mơ về con tàu có khả năng lặn rất sâu mà anh ta tự đặt tên là Deep Flight II. Hawkes không thể tìm được nguồn tài trợ để xây dựng nguyên mẫu cho thiết kế của mình. Nhưng Pickering thì có nguồn tài chính không bao giờ cạn. Sau khi đã có con tàu trong tay, Pickering cử một đội xuống đáy biển để lắp đặt những tai nghe mới tại khu vực đáy biển Mariana Trench, ở những độ sâu không ai dám nghĩ tới. Tuy nhiên, trong khi khoan, họ đã tìm thấy một cấu trúc địa chất mà chưa nhà khoa học nào biết tới, bên trong cấu trúc ấy là những chrondrule và các mẫu hoá thạch của một loài vật không tên. Và bởi NRO cần phải giữ bí mật về chiếc tàu ngầm loại mới này, họ không thể chia sẻ những gì phát hiện được với bất kỳ ai. Mãi đến gần đây, do có quá nhiều mối lo ngại, đội ngũ cố vấn khoa học của NRO mới quyết định sử dụng những kiến thức về thiên thạch thu thập được ở Mariana Trench để trợ giúp cho NASA. Biến một tảng đá lấy từ đáy biển lên thành một tảng thiên thạch hoá ra lại vô cùng đơn giản. Dùng động cơ đốt hydro ECE, họ tạo ra lớp vỏ ngoài cháy xém y như thật. Sau đó, họ cho một tàu ngầm cỡ nhỏ lặn xuống dưới phiến băng Milne và chôn tảng đá ngược từ dưới lên. Công việc hoàn tất, tảng đá nằm im trong lòng băng hà như thể nó đã nằm đó từ mấy thế kỷ nay. Rủi thay, những phi vụ bí mật kiểu này rất hay bị phanh phui và đi đến thất bại chỉ vì vài tiểu tiết. Ngày hôm qua, toàn bộ âm mưu của họ đã đổ vỡ chỉ vì một dúm những sinh vật biển phù du… Ngồi trên máy bay, Delta-Một lặng lẽ quan sát màn kịch đang diễn ra. Dù Tolland và Rachel có vẻ như đang hoàn toàn không chế tình hình, anh suýt nữa không nhịn được cười trước sự ngây thơ của bọn họ. Khẩu súng máy trong tay Tolland hoàn toàn vô tác dụng, từ tít xa anh đã thấy ngay là cò súng đã bị đẩy tít về phía sau, có nghĩa là không còn một viên đạn nào trong nòng súng cả. Delta-Một nhìn người đồng đội của mình đang giãy giữa trong gọng kìm sắt của chiếc tàu ngầm mini, anh biết giờ là lúc không thể chậm trễ được nữa. Cả hai đối tượng trên boong đều đã tập trung chú ý vào William Pickering, giờ là lúc Delta-Một hành động. Vẫn để động cơ nổ đều, anh mở cánh cửa phụ bên hông máy bay, tụt xuống. Tay cầm súng máy, anh tiến về phía mũi tàu. Trước khi máy bay hạ cánh, Pickering đã ra những mệnh lệnh rất rõ ràng, và lần này Delta-Một quyết không làm hỏng việc. Chỉ trong vòng vài phút, anh biết rõ thế, câu chuyện này sẽ kết thúc. Chương 122 Vẫn mặc nguyên bộ đồ ngủ, Zach Herney đang ngồi bên bàn làm việc, trong phòng bầu dục, đầu ong ong. Ông vừa được thông báo về một rắc rối mới. Marjorie Tench đã chết. Các trợ lý của Herney nói rằng họ có thông tin cho thấy Tench đã lái xe đến đài tưởng niệm FDR để gặp riêng William Pickering. Giờ đây, khi cả Pickering cũng mất tích, mọi người đang lo rằng cả ông ta cũng đã bị sát hại. Gần đây, Tổng thống đã có những bất đồng đáng kể đối với Pickering. Cách đây mấy tháng, ông được biết Pickering đã mượn danh ông để làm một số chuyện phi pháp với lí do là để bảo vệ cho uy tín của Tổng thống đang tạm thời bị uy hiếp. Sử dụng phương tiện và nhân lực của NRO, Pickering đã bí mật thu thập khá nhiều thông tin về sự đồi bại của Thượng nghị sĩ Sexton, đủ để đánh đắm chiến dịch tranh cử của ông ta - những bức ảnh chụp ông Thượng nghị sĩ đang giao hoan với trợ lý thân tín Gabrielle Ashe, những con số và tài liệu chứng minh Sexton đã nhận tiền hối lộ của các công ty vũ trụ tư nhân. Pickering đã nặc đanh gửi tất cả những tài liệu đó đến cho Tench và cho rằng Nhà Trắng sẽ sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Nhưng ngay khi nhìn thấy những tài liệu ấy, Tổng thống đã cấm tuyệt đối không cho Tench được động đến chúng. Những vụ bê bối tình ái và nhận tiền hối lộ chẳng khác nào căn bệnh ung thư của thành phố Washington này, và đem công khai thêm một vụ nữa chỉ càng làm người dân mất lòng tin vào Chính phủ mà thôi… Sự hoài nghi sẽ huỷ hoại đất nước này. Dù biết rằng mình có thể đánh bại đối thủ, nhưng Herney từ chối làm điều đó, vì cái giá phải trả sẽ là thanh danh hoen ố của Thượng nghị viện Hoa Kỳ. Không dùng các biện pháp tiêu cực, Herney sẽ chiến thắng Sexton bằng các phương cách khác. Tức tối khi thấy Nhà Trắng không sử dụng những tài liệu mình công bố, Pickering đã tự tay xì thông tin cho cánh báo chí rằng Sexton đã ăn nằm với Gabrielle Ashe. Rủi thay, Sexton đã khẳng định sự vô tội của ông ta một cách thuyết phục và đầy công phẫn đến nỗi chính Tổng thống đã phải lên tiếng xin lỗi. Rốt cuộc thì William Pickering chỉ gây thêm thua thiệt. Và Herney đã nói thẳng với Pickering rằng nếu còn tiếp tục can thiệp thô bạo kiểu đó nữa thì ông ta sẽ bị truy tố. Khôi hài là ở chỗ William Pickering chẳng yêu mến gì Tổng thống Herney. Những nỗ lực của Giám đốc NRO chẳng qua là để cứu nguy cho NASA. Trong số hai con quỷ thì Herney có vẻ ít hung dữ hơn. Chẳng lẽ có kẻ đã sát hại Pickering rồi sao? Herney không thể tin nổi. - Thưa Tổng thống. - Một trợ lý lên tiếng. - Theo lệnh của Tổng thống, tôi đã liên lạc với Lawrence Ekstrom và thông báo với ông ấy chuyện của Marjorie Tench. - Cảm ơn anh. - Ông ấy muốn nói chuyện với Tổng thống. Herney vẫn còn rất giận Ekstrom vì đã nói dối về PODS. - Bảo ông ta là sáng mai tôi mới có thời gian. - Ông Ekstrom muốn nói chuyện với Tổng thống ngay bây giờ ạ? - Người trợ lý có vẻ miễn cưỡng. - Trông ông ấy rất lo lắng! - Ông ta lo lắng sao? - Herney không thể kìm chế nổi cơn giận dữ. Vừa sải bước đến bên máy điện thoại, ông vừa băn khoăn không hiểu ông ta còn có điều gì muốn nói nữa đây. Chương 123 Trên boong tàu Goya, Rachel thấy đầu óc quay cuồng. Màn sương mờ bí hiểm bao quanh sự kiện đang dần được vén lên. Sự thật quá bất ngờ khiến Rachel cảm thấy chới với và phẫn nộ. Nhìn con người xa lạ trước mặt, cô thấy căm ghét giọng nói của ông ta. - Chúng ta cần phải tạo dựng lại hình ảnh cho NASA. Pickering nói tiếp - Sự xói mòn lòng tin và cắt giảm ngân sách đã gây ra rất nhiều hậu quả nguy hiểm. - Pickering ngừng lời một lúc đôi mắt mầu xám nhìn như thể muốn thôi miên Rachel. - NASA cần có một thắng lợi, rất cần. Và phải có người tạo nên thắng lợi đó cho họ. Cần phải hành động, Pickering thầm nghĩ. Tảng thiên thạch thực ra là một nước đi tuyệt vọng. Pickering và nhiều người khác đã cố cứu NASA bằng cách vận động hành lang để sáp nhập cơ quan này vào chung một cộng đồng an ninh với họ để nó có thể được hưởng một nguồn ngân sách dồi dào hơn, tuy nhiên Nhà Trắng hết lần này đến lần khác từ chối với lý do rằng họ có ý đồ can thiệp vào các hoạt động nghiên cứu khoa học thuần tuý. Những lý tưởng thiển cận. Khi những luận điệu chống NASA của Sexton ngày càng chiếm được sự đồng cảm của công luận Pickering và những nhà quân sự khác biệt rằng họ không còn nhiều thời gian nữa. Tất cả đều đồng tình rằng đánh vào trí tưởng tượng của công chúng cũng như Nghị viện là cách duy nhất còn lại để giải quyết vấn đề. Để duy trì sự tồn tại của nó, trình nghiên cứu vũ trụ quốc gia cần có một luồng sinh khí mới vĩ đại - một cái gì đó để gợi cho công chúng nhớ lại những năm tháng huy hoàng thời con tàu Apollo. Và Herney cũng cần có sự trợ giúp, để có thể đánh bại được Thượng nghị sĩ Sexton. Mình đã cố hết sức để giúp ông ấy, Pickering tự nhủ khi nhớ đến tất cả những tài liệu ông đã giao cho Marjorie Tench. Thật đáng tiếc Zach Herney đã không cho phép bà ta sử dụng những bằng cớ đó. Không còn cách nào khác, Pickering đành phải dùng đến biện pháp mạnh. - Rachel này - Pickering nói - những thông tin mà cô vừa fax đi, quả thật rất nguy hiểm. Cô phải hiểu điều đó. Nếu những thông tin này lộ ra ngoài, cả NASA lẫn Tổng thống sẽ bị coi là những kẻ đồng loã. Người ta sẽ phản ứng rất dữ dội. Tổng thống và NASA không biết gì hết, Rachel ạ. Họ vô tội. Chính họ cũng tin rằng tảng thiên thạch đó là thật. Pickering không hề có ý định để Herney hay Ekstrom biết sự thật về kế hoạch này. Họ quá lý tưởng, và chắc chắn sẽ không chấp nhận hành động dối trá này, dù rất có lợi cho NASA và thắng lợi của Tổng thống. Tội lỗi duy nhất của Giám đốc NASA Ekstrom chỉ là thuyết phục Giám đốc Dự án PODS nói dối về phần mềm bị lỗi của họ. Chắc chắn ông ta sẽ rất lấy làm ân hận khi thấy tảng thiên thạch này bị săm soi kỹ đến thế. Phẫn nộ trước đường hướng tranh cử tích cực của Tổng thống, Marjorie Tench đã hiệp lực với Lawrence Ekstrom trong vụ lừa dối về phần mềm của PODS. Hi vọng của họ là sự kiện này sẽ giúp Tổng thống giành lại vị thế trước những đòn tấn công liên tiếp của Sexton. Nếu Tench chịu sử dụng những bức ảnh và những tài liệu về tài chính mà mình cung cấp thì những chuyện này đâu có xảy ra! Cái chết của Tench, dù quả là vô cùng đang tiếc, đã được quyết định ngay khi Rachel gọi điện cho bà ta để thông báo về những dữ liệu không chính xác. Pickering biết rằng bà ta sẽ cho điều tra đến cùng để tìm cho được mục đích thật sự của Rachel, và ông không thể để cuộc điều tra đó diễn ra. Nực cười là ở chỗ bà ta càng có ích cho Tổng thống sau cái chết ấy. Chết đi như thế, bà ta sẽ khiến cho nhiều người vì thương cảm mà bỏ phiếu cho Tổng thống, và cũng sẽ khiến cho công chúng nghi ngờ, rằng chính Thượng nghị sĩ Sexton đã chơi xấu sau khi bị bà ta đẩy vào tình thế quá nhục nhã trên kênh CNN. Rachel vẫn không thay đổi thái độ, cô nhìn thẳng vào mắt Giám đốc của mình. - Cô hãy hiểu rằng nếu những tin này lọt ra ngoài, cô sẽ làm hại Tổng thống vô tội và một tổ chức cũng vô tội như thế. Và cô cũng sẽ góp phần đẩy một phần tử rất nguy hiểm vào chiếc ghế Tổng thống. Hãy cho tôi biết cô đã fax tài liệu cho ai? Sắc mặt Rachel chợt thay đổi khi ông ta nói đến đó - vẻ mặt của người đang kinh hoàng và đau đớn khi nhận ra sai lầm nghiêm trọng của bản thân mình. *** Sau khi đi qua mũi tàu và sang đến mạn phải, Delta Một lúc này đang đứng trong phòng thí nghiệm. Lúc máy bay mới đến, anh thấy Rachel từ đây bước ra. Màn hình máy tính trong phòng đang hiển thị những hình ảnh khiến người ta khó có thể an lòng - một xoáy nước sâu đầy màu sắc sặc sỡ đang hoạt động dữ đội đâu đó bên dưới còn tàu Goya. Thêm một lý do nữa để biến khỏi nơi này, anh thầm nghĩ, thẳng tiến tới mục tiêu của mình… Trên cái bục nhỏ, ở sát mảng tường đối diện, anh nhìn thấy máy fax. Trên khay máy có một xấp giấy, đúng như Pickering đã dự đoán Delta Một cầm lấy xấp giấy ở trên cùng là những chữ viết tay của Rachel. Chỉ có hai dòng. Anh đọc lướt. Trúng vấn đề ghê, anh thầm nghĩ. Xem lướt qua tập tài liệu, anh vừa ngạc nhiên vừa thán phục những gì liên quan đến tảng thiên thạch giả mà Tolland và Rachel đã phanh phui ra được. Đọc những trang giấy này, không ai còn có thể mảy may nghi ngờ. Không cần ấn nút "quay lại số" - Delta Một cũng thấy ngay bản fax vừa rồi được gửi tới đâu. Số fax mới nhất vẫn còn hiện nguyên xi trên màn hình LCD. Một số máy ở thủ đô Washington. Anh thận trọng ghi lại số máy đó, cầm toàn bộ xấp tài liệu, rồi ra khỏi phòng thí nghiệm. Tolland chĩa súng máy vào giữa ngực William Pickering, hai bàn tay nhớp nháp mồ hôi xiết chặt lấy khẩu súng. Giám đốc NRO vẫn tiếp tục thuyết phục Rachel cho ông ta biết cô vừa gửi thông tin cho ai, và Tolland bắt đầu cảm thấy bất an. Rõ ràng là ông ta đang lấy cớ để kéo dài thơi gian. Để làm gì? - Nhà Trắng và NASA hoàn toàn vô tội. - Pickering nhắc lại. - Hãy hợp tác với tôi. Đừng để những sai lầm của cá nhân tôi huỷ hoại nốt chút danh tiếng ít ỏi còn lại của NASA. Nếu tin này lọt ra ngoài thì cả thế giới sẽ cho rằng NASA là kẻ chủ mưu. Chúng ta cần phải thoả hiệp một chút. Tổ quốc cần tảng thiên thạch đó. Lúc này vẫn còn chưa muộn. Hãy cho tôi biết cô đã fax thông tin cho ai. - Để ông lại giết thêm một người nữa à? - Rachel nói. - Ông khiến tôi thấy buồn nôn. Thái độ bất khuất của Rachel khiến Tolland kinh ngạc. Cô khinh bỉ cha mình, nhưng không hề có ý định đặt ông ta vào bất kỳ tình huống nguy hiểm nào. Thật đáng tiếc, động thái này của Rachel không mang lại hiệu quả mong muốn. Giả sử ngài Thượng nghị sĩ có mặt tại văn phòng, đọc bản fax, sau đó gọi điện cho Tổng thống để khẳng định rằng tảng thiên thạch chỉ là giả mạo và yêu cầu ông ta lệnh cho đội đặc nhiệm dừng tay ngay lập tức thì Nhà Trắng cũng không thể hiểu nổi Sexton đang ở đâu và đang nói về cái gì. - Tôi chỉ nhắc lại một lần này nữa thôi. - Pickering nói, mắt nhìn Rachel đay hăm doạ. - Tình thế lúc này vô cùng phức tạp và cô không thể hiểu hết được. Cô đã phạm phải sai lầm trầm trọng khi fax những thông tin ấy. Cô vừa đặt cả quốc gia trong vòng nguy hiểm. Mục đích duy nhất của William Pickering chỉ là kéo dài thời gian, lúc này Tolland đã hiểu ra. Có một kẻ đang từ mạn phải lừ lừ tiến lại. Trông thấy tên lính đó cầm trên tay xấp tài liệu và khẩu súng máy, ông chợt thấy sợ. Phản ứng tức thì và quyết liệt của Tolland khiến chính bản thân ông phải ngỡ ngàng. Vẫn giữ chặt khẩu súng, ông quay về phía tên lính, và xiết cò. Chỉ có một tiếng cách vang lên. - Tôi đã tìm được số máy đó. - Delta-Một nói, đưa xấp tài liệu cho Pickering. - Và ông Tolland hết đạn rồi. Chương 124 Sedgewick Sexton lao ngay đến toà văn phòng Thượng viện Philip A. Hart. Không hiểu bằng cách nào mà Gabrielle đã vào được văn phòng của ông. Khi nói chuyện với cô ta trên điện thoại. Ông nghe rõ mồn một tiếng tích tắc nhịp ba rất đặc trưng của đồng hồ treo tường Jordain. Chắc chắn là sau khi nghe lỏm cuộc họp bí mật của ông với SFF, cô ta đã nghi ngờ và đến đây lục lọi tìm bằng chứng. Làm thế quái nào mà cô ta vào trong được nhỉ. Sexton lấy làm mừng, ông mới đổi mật khẩu máy tính. Đặt chân đến cửa văn phòng. Sexton gõ mật khẩu, tắt chuông báo động. Ông lục túi tìm chìa khoá, tra chìa vào ổ, mở toang cửa, lao thẳng vào trong, định bắt quả tang Gabrielle ở trong phòng. Nhưng văn phòng chẳng có một ai, tối mò mò, nguồn sáng duy nhất là đèn tín hiệu màn hình máy tính. Ông bật đèn lên, mắt sục sạo khắp nơi. Mọi thứ vẫn y nguyên Trừ tiếng tích tắc nhịp ba phát ra từ đồng hồ treo tường, căn phòng hoàn toàn im lặng. Cô ta ở chỗ quái nào nhỉ? Có tiếng sột soạt trong nhà tắm, ông đâm bổ vào bật đèn lên. Không có ai. Ông kiểm tra đằng sau cánh cửa. Không có gì. Bối rối, Sexton ngắm mình trong gương, băn khoăn không hiểu có phải tại đêm nay ông đã uống quá nhiều rượu hay không. Mình đã nghe thấy mà. Thẫn thờ, bối rối, Sexton quay trở ra văn phòng. - Gabrielle! - ông gọi to. Ông bước ra ngoài hành lang, sang văn phòng của thư ký. Chẳng thấy đâu. Phòng năy cũng tối om. Có tiếng ai xả nước trong nhà vệ sinh nữ, Sexton quay phắt lại, sải bước về plúa ấy. Ông đến nơi đúng lúc Gabrielle vừa bước ra và đang hơ tay cho khô. Nhìn thấy Sexton, cô nhảy dựng lên. - Chúa ơi! Giật cả mình! - Gabrielle có vẻ hoảng hốt thực sự - Ông làm gì ở đây thế? - Cô nói rằng đến văn phòng để tìm tài liệu về NASA. - Ông lên tiếng. - Tài liệu đâu? - Em không tìm được. Em phải lục lọi khắp cho nên mới lâu thế. Sexton nhìn thẳng vào mắt cô gái. - Cô vào văn phòng của tôi phải không? Máy fax đã cứu mạng mình, Gabrielle thầm nghĩ. Vài phút trước, cô vẫn còn ngồi trước máy tính của Sexton, xoay xở tìm cách in bằng chứng về những khoản tài chính bất hợp pháp. Những tệp tin đó được bảo vệ bằng phương pháp gì đó, cô không thể gõ lệnh in vào máy. Nếu không có chuông máy fax bất thần vang lên để kéo Gabrielle về với thực tại thì chắc lúc này cô vẫn ngồi nguyên ở đó. Gabrielle cho rằng hồi chuông ấy chính là điểm báo. Không kịp xem nội dung bản fax, cô tắt máy tính, xếp lại mọi thứ như cũ, rút ra ngoài bằng con đường lúc nãy cô đã đột nhập vào. Chưa trèo qua hẳn tường phòng tắm, Gabrielle nghe tiếng Sexton lao vào văn phòng. Lúc này, khi Sexton đang đứng chặn trước mặt cô, mắt gườm gườm, Gabrielle có cảm giác rằng ông ta đang nhìn xoáy vào sâu trong mắt cô để kiểm tra xem cô có gian dối hay không. Sedgewick Sexton cực kỳ mẫn cảm với những lời nói dối. Khi nào Gabrielle nói dối là ông ta biết ngay. - Thượng nghị sĩ đã uống quá nhiều rượu. - Gabrielle vừa nói vừa quay mặt đi. Làm thế nào mà ông ta biết là mình vào trong văn phòng nhỉ? Sexton túm lấy vai Gabrielle và xoay cô gái về phía mình. - Cô có vào trong văn phòng của tôi không? Gabrielle thấy sợ. Rõ ràng là Sexton đã uống rất nhiều. Ông ta xiết vai cô rất mạnh. - Trong văn phòng của ông sao? - Cô hỏi, gượng cười phá lên. - Bằng cách nào? Để làm gì? Tôi nghe thấy tiếng tích tắc nhịp ba của đồng hồ treo tường Jordain lúc nói chuyện điện thoại với cô cơ mà. Gabrielle chột dạ. Đồng hồ treo tường sao? Cô không hề để ý đến điều đó. - Ông không thấy điều đó là rất lố bịch à? Ngày nào tôi chả ngồi trong văn phòng suốt. Tôi phải biết đồng hồ của tôi kêu thế nào chứ. Gabrielle cảm thấy rằng nên giải quyết chuyện này một cách chóng vánh. Tấn công chính là cách phòng thủ tốt nhất, Yolanda vẫn luôn nói vậy. Tay chống nạnh, cô hùng hổ quay phắt về phía ông ta. Đứng sát trước mặt Sexton, nhìn thẳng vào mắt ông ta, phẫn nộ: - Thượng nghị sĩ cho phép tôi nói thẳng. Bây giờ là bốn giờ sáng, ông say rượu, ông nghe có tiếng tích tắc trên điện thoại, thế là ông lao thẳng đến đấy chứ gì? - Cô sừng sộ chỉ cánh cửa văn phòng của ông ta ở cuối hành lang. - Ông định buộc tội tôi qua mặt hệ thống báo động của Liên bang, mở hai ổ khoá, đột nhập vào văn phòng của ông, rồi lại ngu si đến mức trả lời cuộc gọi của ông trong khi đang tiến hành việc làm tày đình đó, tiếp đó lại bật hệ thống báo động lên rồi đi ra ngoài, và cuối cùng lại còn bình tĩnh vào nhà vệ sinh và quay ra tay không. Tôi nói có đúng không, hả? Sexton trợn trờn mắt ngỡ ngàng. - Phải có lý do thì người ta mới bảo nhau không nên uống rượu một mình chứ. - Gabrielle nói tiếp. - Ông có muốn nói tiếp chuyện NASA nữa hay không đây? Sexton quay về văn phòng của mình, đờ đẫn. Ông tiến thẳng tới quầy bar, rót một ly Pepsi. Rõ ràng là ông không hề cảm thấy say. Chẳng lẽ ông lại nhầm? Trên bức tường đối diện, chiếc đồng hồ Jordain vẫn đều đều phát ra tiếng tích tắc nhịp ba như muốn trêu ngươi. Uống một hơi cạn ly Pepsi, Sexton rót thêm ly nữa cho mình và một ly cho Gabrielle… - Có uống không, Gabrielle? - Ông hỏi. Gabrielle không vào trong phòng. Cô vẫn đang đứng ở ngưỡng cửa, chân di di mũi giầy. - Thôi nào, vì Chúa, vào đi. Nói xem, cô đã tìm được thông tin gì về NASA? - Tôi nghĩ rằng đêm nay thế là đã quá đủ. - Gabrielle tỏ thái độ xa cách. - Để mai chúng ta nói cũng được. Sexton chẳng còn lòng dạ nào mà chờ đợi. Ông cần thông tin ngay lập tức, và không có ý định tỏ ra quy luỵ. Ông thở dài mệt mỏi. Hãy tỏ ra tin tưởng ở cô ta. Đây là vấn đề lòng tin. - Tôi thật là điên. - Ông nói. - Cho tôi xin lỗi. Ngày hôm nay quả là khủng khiếp. Tôi cũng chẳng hiểu nổi mình đang nghĩ gì. Gabrielle vẫn không nhúc nhích.. Sexton bước lại bên bàn làm việc, đặt ly Pepsi của Gabrielle lên khay nước. Ông ra hiệu bảo Gabrielle đến ngồi vào chiếc ghế bọc da của mình - chiếc ghế quyền lực. - Ngồi xuống đã nào. Uống một chút đã. Tôi phải đi vã chút nước lên mặt. - Ông đi về phía phòng tắm. Gabrielle vẫn đứng nguyên ở cửa. - Hình như có người fax tài liệu đến. - Sexton nói vọng ra từ nhà tắm. Phải thể hiện rằng mình tin tưởng cô ta. - Cô xem hộ tôi cái. Sexton đóng cửa lại, đợi cho nước lạnh chảy đầy bồn rửa mặt. Ông vã nước lên mặt, lên đầu nhưng không hề thấy khá hơn. Chưa bao giờ ông rơi vào tình thế này - biết chắc rằng mình đúng, thế mà hoá ra lại không đúng. Sexton luôn tin vào bản năng và bản năng mách bảo rằng Gabrielle Ashe đã đột nhập vào văn phòng của ông. Nhưng bằng cách nào? Không thể nào. Sexton đành hạ quyết tâm bỏ qua chuyện này để tập trung vào vấn đề trước mắt: NASA. Lúc này ông cần Gabrielle. Giờ không phải lúc tạo khoảng cách với cô ta. Cần phải biết những thông tin cô ta đang có. Quên bản năng đi. Mình đã lầm. Lau khô mặt, Sexton ngửa đầu ra sau rồi hít một hơi thật dài. Hãy thư giãn, ông ta tự bảo bản thân. Đừng tỏ ra quá quắt. Nhắm mắt, thở sâu thêm lần nữa, ông cảm thấy tỉnh táo hơn. Ra khỏi phòng tắm, Sexton thở phào nhận thấy Gabrielle đã vào trong văn phòng. Tốt lắm, ông nghĩ thầm. Giờ thì có thể bắt đầu làm việc. Gabrielle đang đứng bên máy fax, đọc lướt những tài liệu vừa được gửi tới. Tuy nhiên, khi nhìn thấy vẻ mặt của Gabrielle, Sexton bối rối. Nỗi sợ hãi và sự ngỡ ngàng hằn rõ trên nét mặt cô gái. - Cái gì thế? - Sexton nói, chân bước lại phía Gabrielle. Thư ký riêng của ông loạng choạng, như thể sắp ngã đến nơi. - Tảng thiên thạch… - Gabrielle nghẹn ngào, giọng nói yếu ớt. bàn tay nm rẩy đưa trước mặt Sexton xấp tài liệu. - Và con gái của ông… Chị ấy đang gặp nguy hiểm… Ngỡ ngàng, Sexton tiến lại, cầm lấy tệp tài liệu từ tay Gabrielle. Trên cùng là một trang viết tay. Ông nhận ra ngay nét chữ này. Ngôn từ vô cùng đơn giản, nhưng nội dung thì quả là một cú sốc lớn. Tảng thiên thạch là giả. Đây là bằng chứng. NASA, Nhà Trắng đang tìm cách giết con. Cứu! RS. Rất hiếm khi Thượng nghị sĩ lâm vào tình trạng không hiểu nổi những gì đang đọc, nhưng khi đọc những dòng chữ này của Rachel ông không hiểu nổi. Tảng thiên thạch là giả sao? NASA và Nhà Trắng đang tìm cách giết cơn bé ư? Đầu óc rối bời, Sexton bắt đầu xem lướt những trang còn lại. Đầu tiên là một bức ảnh số hoá bên trên có dòng chữ "máy chụp cắt lớp trái đất (GPR)" có vẻ như đây là bức ảnh chụp cắt lớp một phiến băng bằng sóng âm. Sexton nhìn thấy hố trục vớt tảng thiên thạch mà trên tivi đã nhắc tới. Ông nhìn thấy hình đáng của một người chìm trong hố nước sâu đó. Rồi ông nhìn thấy một chi tiết khác đường nét của một cái lỗ thứ hai ngay bên dưới vị trí của tảng thiên thạch - dường như tảng đá này đã được đưa ngược lên từ dưới đáy phiến băng. Quái quỉ gì thế này? Lật sang trang tiếp theo, Sexton trông thấy ảnh chụp một loài sinh vật biển có tên là Bathynomous Giganteus. Ông kinh ngạc đến sững sờ. Đây chính là loài sinh vật hoá thạch trong tảng thiên thạch! Lật trang tiếp theo. Ông thấy một biểu đồ có các chỉ số chất hydro ion hoá của lớp vỏ bị cháy xém của tảng thiên thạch. Có một hàng chữ viết tay vội vã ở bên dưới: Đốt bằng nhiên liệu hydro? Động cơ chu kỳ mở rộng của NASA? Sexton không dám tin vào mắt mình. Ông lật sang trang cuối cùng, thấy căn phòng bắt đầu chao đảo - ảnh một tảng đá có chứa những bong bóng kim loại trông giống y hệt như những bong bóng trong tảng thiên thạch. Kinh ngạc hơn, cạnh bức ảnh là dòng chữ cho thấy tảng đá này là sản phẩm của núi lửa ngầm dưới đại dương. Đá lấy từ đại dương lên sao? Sexton phân vân. Nhưng NASA khẳng định rằng các chrondrule chỉ hình thành trong vũ trụ cơ mà! Sexton đặt xấp tài liệu lên mặt bàn và ngồi sụp xuống ghế. Chỉ sau mười lăm giây, ông đã kịp ghép nối những gì vừa đọc thành một bức tranh lớn. Ý nghĩa của những trang tài liệu này đã quá rõ ràng. Thậm chi những kẻ đần độn cũng có thể thấy được những ảnh chụp này nói lên điều gì. Tảng thiên thạch của NASA là giả. Trong suốt đời mình, Sexton chưa trải qua ngày nào lắm thăng trầm đến vậy. Ngày hôm nay, cảm giác tuyệt vọng rồi lại khấp khởi hy vọng đã hoán đổi nhau không biết bao nhiêu lần. Những dự định của Sexton chợt trở lên quá bé nhỏ, vô nghĩa so với ảnh hưởng của những trang tài liệu này. Nếu đem công bố những thông tin này, chắc chắn chiếc ghế Tổng thống sẽ thuộc về mình! Trong giây phút tràn trề mãn nguyện, Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton quên hẳn lời cầu cứu của con gái, quên rằng Rachel đang trong cơn hoạn nạn. - Rachel đang gặp nguy hiểm. - Gabrielle nhắc. Chị ấy viết rằng NASA và Nhà Trắng đang tìm cách… Máy fax của Sexton bỗng đổ chuông lần nữa. Gabrielle quay lại nhìn Sexton cũng nhìn chăm chú. Không biết Rachel định gửi thêm gì cho ông? Thêm bằng chứng nữa ư? Có nhiều nữa không nhỉ? Thế nay đã là nhiều lắm rồi! Khi may fax trả lời cuộc gọi, không có trang tài liệu nào được gửi tới. Không nhận được dữ liệu, chiếc máy chuyển sang chế độ tự động trả lời. "Xin chào!" - Những lời nói được ghi âm sẵn cúa Sexton được bật lên - "Đây là văn phòng của Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton. Nếu quí vị muốn gửi fax, xin cứ tự nhiên. Nếu không, xin quí vị hãy để lại lời nhắn". Sexton chưa kịp nhấc ông nghe lên thì chiếc máy đã phát ra một tiếng bíp. - Thượng nghị sĩ Sexton đấy à? - Một giọng đàn ông lạnh lùng cất lên. - Tôi là William Pickering, Giám đốc NRO. Có lẽ lúc này ông không có mặt trong văn phòng, nhưng tình thế vô cùng cấp bách nên tôi phải nói luôn - Ông ta dừng lại giây lát, dường như đợi xem có ai nhấc máy không. Gabrielle với tay định nhấc ống nghe lên. Sexton giật phắt tay cô lại, gạt mạnh ra. Gabrielle sững sờ. - Nhưng đó là chỉ dẫn của… - Thượng nghị sĩ, - Pickering nói tiếp, dường như tỏ ra nhẹ, nhõm vì không thấy ai nghe máy - e rằng thông tin mà tôi báo cho ông không được dễ chịu cho lắm. Tôi vừa nhận được tin là cô Rachel con gái ông đang ở trong tình thế vô cùng hiểm nghèo. Ngay lúc này đây tôi đã phái một biệt đội đi giải cứu cho cô ấy. Hiện giờ thì chưa thể nói gì nhiều trên điện thoại, nhưng tôi đã được báo cáo rằng cô ấy đã fax cho ông tài liệu gì đó liên quan đến tảng thiên thạch của NASA. Bản thân tôi cũng chưa được đọc những tài liệu đó và không biết nội dung nó là gì, nhưng những kẻ đang giam giữ con gái ông nói rằng nếu những tài liệu đó bị công khai thì chúng sẽ giết Rachel ngay tức khắc. Xin lỗi Thượng nghị sĩ vì những lời lẽ không được tế nhị này, nhưng tôi phải trình bày sự thể một cách rõ ràng. Mạng sống của con gái ông đang bị để doạ. Nếu quả thực cô ấy có fax cho ông tài liệu nào thì cũng đừng cho ai xem. Lúc này thì chưa được. Mạng sống của con gái ông đang phụ thuộc vào nó. Ông hãy ở yên tại văn phòng. Tôi sẽ tới đó ngay. - Ông ta ngừng một lát. - Thưa Thượng nghị sĩ, nếu may mắn thì chúng tôi sẽ giải quyết xong vụ việc này trong đêm nay. Trong trường hợp ông đến văn phòng mà chưa thấy tôi thì cứ ở yên đó và đừng gọi điện cho ai hết. Tôi đang dốc hết khả năng để bảo vệ mạng sống cho cơn gái ông. Pickering dập máy. Gabrielle run lẩy bẩy. - Rachel bị giữ làm con tin sao? Sexton cảm nhận rõ ràng rằng dù đang rất thất vọng về ông. Gabrielle vẫn đầy thương cảm khi biết một phụ nữ xinh đẹp đang bị lâm vào vòng nguy hiểm. Lạ lùng là ở chỗ chính bản thân ông lại không hề có chút xíu cảm giác nào đạì loại như thế. Toàn thân ông lúc này đang lâng lâng như một đứa bé vừa nhận được quà Giáng sinh và không hề có ý định để món quà quý báu đó tuột khỏi tay. Pickering yêu cầu mình im lặng về chuyện này sao? Sexton đứng yên lặng giây lát, cố hiểu cho thật thấu đáo những gì vừa nghe thấy. Nhưng trong đầu ông, trong một góc khuất lạnh lùng đầy tham vọng, cỗ máy bắt đầu hoạt động - cỗ máy điện toán chính trị trong ông đang chạy thử tất cả mọi tình huống và đánh giá mọi kết cục có khả nang xảy đến. Ông đưa mắt nhìn xấp tài liệu trên tay và bắt đầu cảm nhận được sức nặng của những thông tin đang có. Tảng thiên thạch này của NASA đã nghiến nát giấc mộng Tổng thống của ông. Nhưng đó chỉ là trò lừa gạt, một thứ giả mạo. Giờ là lúc những kẻ dựng lên chuyện này phải trả giá. Chính tảng thiên thạch mà những kẻ đối đầu với ông dựng lên để hại ông sẽ khiến ông trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết. Và con gái ông đã biễn điều đó thành hiện thực. Dĩ nhiên là chỉ có một kết cục duy nhất hợp lý, ông biết thế. Một nhà lãnh đạo thực thụ không thể hình động theo bất kỳ cách nào khác. Giấc mơ chói lọi về sự hồi sinh của mình khiến cho Thượng nghị sĩ sung sướng đến mụ mị đầu óc. Đang ở trong văn phòng mà ông cảm thấy như đang ở giữa biển sương mù. Đến bên máy photocopy. Ông bật máy lên, chuẩn bị sao chụp những tài liệu Rachel vừa gửi về. - Thượng nghị sĩ định làm gì thế? - Gabrielle hoảng hốt. - Chúng không giết Rachel đâu. - Sexton tuyên bố. Giả sử trong trường hợp mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ thì kẻ thù của ông sẽ khiến ông càng mạnh hơn. Đằng nào thì ông cũng thắng. Rủi ro này là hoàn toàn chấp nhận được. - Những bản photocopy này là để cho ai? - Gabrielle căn vặn. - William Pickering đã dặn là không được cho ai biết cơ mà! Vẫn đứng bên máy photocopy, Sexton quay sang nhìn Gabrielle. Đột nhiên ông thấy cô thư ký của mình trở nên xấu xí khủng khiếp. Trong khoảnh khắc ấy, Thượng nghị sĩ Sexton trở lên hoàn toàn xa cách. Hoàn toàn biệt lập. Ông đang có trong tay tất cả những gì ông cần để biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Giờ đây, không gì có thể cản bước ông được nữa. Những cáo buộc nhận hối lộ, những lời xì xào về chuyện tình ái, tất cả đều vô nghĩa. - Về đi. - Gabrielle. Tôi không cần cô nữa đâu. Chương 125 Thế là hết! Rachel tham nghĩ… Cô và Tolland ngồi sát vào nhau, mắt chăm chú nhìn nòng súng máy của Delta-Một đang chĩa thẳng vào họ. Thật không may, lúc này Pickering đã biết được địa chỉ mà Rachel fax thông tin tới: - Văn phòng Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton… Rachel nghĩ rằng có lẽ cha cô thậm chí sẽ chẳng bao giờ nhận được những thông tin mà Pickering vừa nhắn vào trong máy văn phòng của ông. Rất có thể là sáng sớm mai Pickering sẽ về đến văn phòng của Thượng nghị sĩ Sexton trước khi bất kỳ người nào kịp đặt chân tới đó. Nếu đến trước, ông ta sẽ thu hết những tài liệu được gửi tới, xoá tin nhắn lưu trong máy, và không cần phải sát hại Thượng nghị sĩ nữa. Có lẽ William Pickering là một trong số ít người ở Washington có khả năng vào trong toà văn phòng nghị viện một cách êm thấm và suôn sẻ. Xưa nay Rachel vẫn luôn bị ngạc nhiên khi thấy chỉ cần nhân danh "an ninh quốc gia" là người ta có thể làm mọi chuyện. Dĩ nhiên nếu làm thế vẫn không xong thì Pickering chỉ cần cho máy bay áp sát vào cửa sổ văn phòng và phóng một quả tên lửa Hellfire vào là xong, Radiel thầm nghĩ. Nhưng thâm tâm cô mách bảo rằng ông ta sẽ không phải viện đến hạ sách đó. Ngồi sát bên Tolland, Rachel ngạc nhiên thấy ông đang dịu dàng xiết chặt tay cô. Những ngón tay ông đan vào tay cô, dịu dàng, mạnh mẽl và thân thuộc đến mức tưởng như họ đã từng làm thế rất nhiều lần trong đời. Ước gì lúc này Rachel được nằm trong vòng tay Mike, được tránh xa những tiếng gầm gào đầy đe doạ của dòng nước xoáy dưới chân họ. Sẽ chẳng bao giờ. Rachel hiểu, chuyện ấy là không thể. Michael Tolland thấy mình đúng là kẻ tìm thấy hi vọng sống đúng vào lúc bị điệu đến giá treo cỗ. Số phận thật trớ trêu. Bao năm sau cái chết của Celia, Tolland đã phải trải qua những đêm dài đau đớn và cô quạnh, đến nỗi nhiều lúc ông nghĩ tới cái chết để trốn chạy tất cả. Tuy nhiên, ông đã không làm điều đó, và tự nhủ rằng ông có thể sống một mình. Hôm nay, lần đầu tiên sau bao năm đằng đẵng, ông bắt đầu hiểu ra những điều mà bạn bè vẫn thường nói với ông. Mike, cậu không cần phải sống một mình mãi, cậu sẽ lại tìm thấy tình yêu. Xiết tay Rachel thật chặt, ông cảm thấy số phận mình thật trở trêu. Định mệnh thật độc ác. Tolland thấy những bức tường vô hình bao kín trái tìm ông từ bao lâu đang rơi rụng lả tả. Trong thoáng chốc, trên boong tàu Goya này, Tolland lại thấy hồn ma của Celia hiện về như nàng đã từng hiện về biết bao lần trong quá khứ. Giọng nói của nàng như hoà lẫn vào tiếng đại dương… nhắc lại những lời cuối cùng nàng đã nói với ông trước khi ra đi mãi mãi. "Anh sẽ tiếp tục sống. - Nàng thì thầm. - Hãy hứa với em là anh sẽ tìm cho mình một tình yêu khác". "Anh sẽ không bao giờ yêu bất kỳ người nào khác. - Tolland trả lời nàng. Celia mỉm cười, đầy trí tuệ: "Rồi anh sẽ học cách làm điều đó". Giờ đây, trên boong tàu Goya, Tolland biết ông đã học được điều đó. Một nguồn xúc cảm dạt dào trong trái tim ông. Hạnh phúc. Và cùng với nó là ý chí sống mãnh liệt. Pickering cảm thấy khó tập trung một cách khác thường khi tiến lại gần hai tù nhân của mình. Ông dừng lại trước mặt Rachel, thầm ngạc nhiên thấy giây phút này không khó khăn như ông vẫn tưởng. - Đôi khi vì tình huống bắt buộc nên chúng ta phải làm những điều mình không hề muốn. Ánh mắt Rachel nhìn xoáy vào ông, không khoan nhượng: - Chính ông đa tạo ra tình huống này. - Có chiến tranh là có tổn thất. - Pickering nói, giọng tự tin hơn. Hãy thử hỏi Diana Pickering, hay bất cứ ai đã ngã xuống cho dân tộc nay mà xem. - Điều này cô phải hiểu chứ, Rachel. - Ông nhìn thẳng vào mắt Rachel - Iactura paucourm serva multos.(1) Nhìn vẻ mặt của Rachel, ông biết cô gái hiểu câu nói đó - đây là điều mà những nhân viên an ninh vẫn thường nói. Hi sinh một vài người để cứu rất nhiều người. Ánh mắt Rachel nhìn Pickering đầy ghê tởm: - Lúc này tôi và Michael thuộc về cái một vài ấy của ông có phải không? Pickering suy tính. Nhưng không còn cách nào khác. Ông quay lại bảo Delta-Một: - Giải cứu đồng đội của anh rồi kết thúc phi vụ này nhanh đi. Delta-Một gật đầu… Pickering nhìn Rachel một lần cuối rồi sải bước lại bên lan can gần cầu thang dẫn xuống boong dưới, quay mặt nhìn ra biển. Ông không muốn tận mắt chứng kiến cảnh này. Xiết chặt báng súng, liếc nhìn đồng đội của mình, Delta-Một cảm thấy mình thật quyền uy. Việc còn lại bây giờ chỉ là đóng cánh cửa lật dưới chân Delta-Hai, thả cậu ta ra khỏi cánh tay sắt, rồi khử Rachel Sexton và Michael Tolland. Rủi thay, Delta-Một đã nhận ra sự rối rắm ở bảng điều khiển gần cánh cửa giật - một loạt cần gạt và núm vặn chắc chắn để điều khiển cánh cửa giật, môtơ tời, và hàng loạt chức năng khác nữa. Anh không có ý định giật nhầm cần và thả con tàu lặn xuống biển, để doạ mạng sống của bạn mình. Loại trừ tất cả mọi bất trắc. Không cần phải hấp tấp. Anh sẽ buộc Tolland phải làm điều đó. Và để đảm bảo rằng ông ta sẽ không giở bất cứ thủ đoạn nào, Delta-Một sẽ dùng biện pháp bảo đảm mà đội lính đặc nhiệm vẫn gọi đùa là "vật ký quỹ biết thở". Chia rẽ đối tượng và bắt chúng chống lại nhau. Delta-Một quay nòng súng sang chĩa thắng vào mặt Rachel, mũi súng chỉ cách trán cô có vài inch. Rachel nhắm nghiền mắt lại, và Delta-Một nhận thấy Tolland giận dữ xiết chặt nắm đấm. - Cô Sexton, đứng lên. - Delta-Một nói… Rachel làm theo. Gì sát súng vào lưng Rachel, Delta-Một bắt cô đến bên những bậc thang bằng nhôm dẫn lên nóc con tàu lặn Triton. Trèo lên đứng trên nóc tàu. Rachel không hiểu, sợ hãi. - Lên mau. - Delta-Một nói. Trèo lên những bậc thang bằng nhôm sau lưng con tàu Triton, Rachel tưởng mình đang trong cơn ác mộng. Lên đến đỉnh, thì cô dừng lại, không muốn bước qua khe hở sâu để sang nóc tàu Triton. - Bước sang nóc tàu lặn. - Người lính đặc nhiệm nói. Anh ta quay về phía Tolland và gì mũi súng vào đầu ông. Ngay trước mặt Rachel, tên lính đặc nhiệm bị treo lủng lẳng nhìn Rachel chòng chọc, quằn quại đau đớn, nôn nóng muốn được giải thoát. Rachel nhìn họng súng chĩa vào đầu Tolland. Trèo lên nóc tàu. Cô không còn lựa chọn nào khác. Rachel bước sang bệ máy, khoảng hẹp bằng phẳng sau mái vòm của tàu Triton, chẳng khác gì vừa bước qua vực thẳm sâu hun hút giữa hẻm núi. Chiếc tàu lặn mini treo lủng lẳng ngay bên trên cánh cửa giật như quả dọi khổng lồ Dù dây tời đã bị khoá chặt, con tàu nặng chín tấn vẫn lắc lư khi Rachel đặt chân lên, và khi Rachel lấy thăng bằng, con tàu lại một lần nữa dao động vài milimét. - Được rồi, đi. - Người lính đặc nhiệm quát bảo Tolland – Đến bảng điều khiển và đóng cửa giật lại. Bị chĩa súng thẳng vào đầu, Tolland buộc phải bước tới chỗ bảng điều khiển, Delta-Một theo sát gót ông, Rachel bước chậm rãi và cô thấy mắt Tolland nhìn cô chăm chú như muốn nói điều gì đó. Ông nhìn thẳng vào Rachel, rồi nhìn xuống cánh cửa vòm đã mở sẵn trên nóc tàu Triton. Rachel liếc xuống. Cánh cửa khum khum hình mái vòm nặng nề đã mở sẵn, cô có thể nhìn xuyên vào trong buồng lái dành cho một người của con tàu. Mike muốn bảo mình vào trong đó sao? Sợ mình hiểu nhầm ý của ông, Rachel ngước nhìn lên lần nữa. Ông đã ở gần bảng điều khiển lắm rồi. Tolland vẫn đang nhìn cô chăm chú. Ánh mắt lúc này càng khẩn thiết hơn. Ông mấp máy môi nói thầm: Nhảy xuống đi! Nhanh lên! Thoáng thấy hành động của Rachel. Delta-Một lập tức quay phắt lại và nã đạn đúng lúc Rachel vừa kịp nhảy vào trong con tàu. Đạn va vào cửa tàu rồi nảy bật trở lại, lửa đạn loé sáng loè; cửa tầu đóng sập lại. Ngay khi thấy họng súng không còn chạm vào lưng nữa, Tonand hành động ngay. Ông nhảy sang bên trái, tránh xa cánh cửa giật, rồi lăn người đúng lúc chân chạm mặt boong, cùng lúc ấy Delta-Một quay sang Tolland xả đạn không thương tiếc. Tolland đã kịp nấp vào sau trục dây tời - một cái trục lớn gắn mô tơ, quấn quanh nó là hàng ngàn mét dây cáp bằng thép nối với mỏ neo, đạn găm vào mặt boong ngay sau lưng ông, lửa loé lên chíu chíu. Tolland đã có một kế hoạch trong đầu và phải hành động thật nhanh. Trong khi người lính đặc nhiệm lao thẳng về phía ông, Toaand vươn cả hai tay lên, với lấy khoá neo, kéo mạnh xuống. Ngay lập tức, cuộn dây neo bắt đầu quay, nhả cáp ra, tàu Goya tròng trành giữa dòng hải lưu chảy xiết. Chuyển động bất ngờ của con tàu khiến tất cả mọi người cũng như mọi vật trên boong nghiêng ngả. Do con tàu tiếp tục bị dòng hải lưu đẩy đi, cuộn dây neo mỗi ìúc một quay nhanh hơn, nhả nhiều cáp hơn. Nhanh lên chút nữa nào, bé yêu. Tolland thầm giục con tàu của mình. Delta-Một lúc này đã lấy lại thăng bằng, tiến lại chỗ Tolland. Đợi cho con tàu thôi không lắc lư nữa, Tolland cố hết sức gạt khoá neo lên, khoá chặt cuộn dây tời. Sợi cáp bất thần bị kìm chặt lại, làm cho con tàu giật mạnh. Tất cả mọi thứ trên boong đều bị xô dạt. Người lính đặc nhiệm ngã khuỳu xuống ngay cạnh Tolland. Pickering bị hất ra khỏi lan can thành boong. Chiếc tàu lặn Triton được treo bằng dây cáp cũng lắc lư dữ dội. Từ bên dưới thân tàu, tiếng thép gãy vang lên nhức óc, con tàu rung lắc dữ dội, một thanh giằng gãy rời ra. Mũi tàu Goya bắt đầu sụp xuống vì sức nặng của chính nó. Cả con tàu lớn chao đảo, nghiêng hẳn về một bên, y như chiếc bàn lớn vừa bị gãy mất một chân. Từ bên dưới vọng lên những âm thanh chói tai lọng óc - tiếng những thanh thép lớn bị vặn xoắn, tiếng thép nghiến vào nhau, tiếng sóng đập ầm ầm. Mặt tái mét, ngồi trong khoang lái của tàu Triton, Rachel cố giữ thăng bằng khi cố máy nặng chín tấn lắc qua lắc lại bên trên cánh cửa giật lúc này cũng nghiêng hẳn về một bên. Nhìn qua đáy tàu bằng kính, cô thấy biển cả đang nổi cơn cuồng nộ. Ngước nhìn lên, Rachel lia mắt khắp boong tàu để tìm Tolland, cô sững sờ chứng kiến cảnh tượng đang bày ra trước mắt. Cách tàu Triton chỉ một mét, bị kẹp chặt trong cánh tay máy, anh chàng đội viên Delta đang rú lên vì đau đớn, anh ta cũng bị hất qua hất lại như con rối bị gắn chặt vào cần điều khiển. William Pickering bị hất trượt đi một đoạn dài trên boong cho đến khi ông ta túm được cái cọc. Ở bên cần khoá neo, Tolland cũng đang bám thật chặt vào sợi dây cáp để khỏi bị văng xuống biển. Khi thấy người lính đặc nhiệm cầm súng máy cạnh Tolland đã lấy lại được thăng bằng, cô gào thật to: - Mike, cẩn thận! Nhưng Delta-Một không hề để ý đến Tolland. Người lính này đang há hốc miệng vì kinh hãi, mắt đờ đẫn nhìn chiếc trực thăng. Rachel quay lại, nhìn về phía đó. Chiếc máy bay chiến đấu Kiowa, vẫn đang nổ máy, bắt đầu chầm chậm trượt về phía mũi tàu. Những thanh trượt kim loại rất dài gắn dưới thân máy bay lúc này chẳng khác gì những thanh trượt tuyết trên dốc tuyết trơn nhẵn. Đến lúc này Rachel mới nhận ra rằng cỗ máy khổng lồ đó đang lao thẳng tới tàu lặn Triton. Leo ngược lên qua mặt boong dốc nghiêng, Delta-Một trèo lên khoang lái. Anh không định để cho phương tiện thoát thân duy nhất của họ lao xuống biển. Anh vồ lấy bảng điều khiển của máy bay và kéo vội cần gạt. Cất cánh đi nào! Động cơ rú ầm lên, cánh quạt bắt đầu quay, tạo lực phản lại để nâng chiếc máy bay nặng lên không trung. Lên đi! Chết tiệt thật! Chiếc máy bay vẫn trượt thẳng về phía tàu Triton và Delta-Hai đang bị treo lơ lửng trên cánh tay máy. Vì mũi máy bay chúc xuống, nên cánh quạt nó cũng bị nghiêng. Vậy là khi chiếc máy bay rời boong tàu, nó lao thẳng về phía trước thay vì lên cao rồi tăng tốc lao thẳng vào tàu Triton chẳng khác gì một cái cưa máy có tốc độ cực lớn. Lên đi nào! Delta-Một kéo mạnh cần gạt, thầm ước có thể thả ngay tức thì nửa tấn đầu đạn Hellfire khỏi khoang máy bay. Cánh quạt sượt sát qua đầu Delta-Hai và mái vòm của tàu Triton, nhưng vận tốc của chiếc trực thăng quá lớn. Và nó không thể tránh được dây cáp treo tàu Triton. Khi những cánh quạt thép dày và cứng của chiếc Kiowa quệt vào sợi tời bằng thép chịu trọng tải mười lăm tấn của chiếc tàu lặn mini, đêm đen dậy lên tiếng thép nghiến vào nhau nghe lộng óc. Những âm thanh chát chúa khiến người ta nghĩ tới những trận huyết chiến thời Trung cổ. Ngồi trong cabin máy bay, Delta-Một thấy cánh quạt máy bay nghiến vào sợi tời thép y như cái cưa máy cực lớn đang nghiến phải sợi xích sắt. Lửa toé ra sáng loè, và cánh quạt máy bay rách tan tành. Delta-Một thấy máy bay rơi xuống, thanh đế của nó va mạnh vào boong tàu. Anh vẫn cố sức kéo mạnh cần gạt, nhưng máy bay không thể cất cánh lên được nữa. Chiếc máy bay đồ sộ nảy lên hai lần, rồi trượt dọc boong tàu dốc đứng, trượt về phía tay vịn bằng sắt ở mũi tàu. Trong một tích tắc. Delta-Một tưởng tay vịn sắt kia sẽ giữ chiếc máy bay lại. Rồi anh nghe thấy tiếng răng rắc. Chiếc máy bay to lớn nặng nề nghiêng lệch hẳn đi trên mép boong, rồi lộn nhào xuống biển. Trong tàu Triton, Rachel Sexton ngồi sững sờ, toàn thân bị ép chặt vào thành ghế. Chiếc tàu mini bị chao đảo dữ dội khi cánh quạt máy bay quệt vào dây cáp, nhưng cô đã giữ được thăng bằng. Dù phần thân tàu không bị va vào cánh quạt, Rachel biết rằng sợi dây cáp đã bị phá huỷ trầm trọng. Trong giây phút này, ý nghĩ duy nhất xuất hiện trong tâm trí cô là phải thoát ra ngoài ngay lập tức. Người lính đặc nhiệm bị kẹp trong cánh tay máy đang trân trối nhìn cô ánh mắt đờ dại, máu chảy ròng ròng, thân thể đầy vết bỏng do những mảnh kim loại nóng văng vào. Rachel thấy William Pickering vẫn đứng trên boong, tay bấu chặt vào cọc sắt. Michael đâu nhỉ. Rachel không thấy ông đâu cả. Nhưng nỗi sợ hãi này chỉ kéo dài có một tích tắc rồi ngay lập tức bị thay thế bằng nỗi kinh hoàng khác. Trên đầu Rachel, sợi cáp bị cứa nát của con tàu phát ra những tiếng răng rắc khi những sợi thép nhỏ vốn được bện chặt vào nhau bắt đầu rời ra. Rồi một tiếng rắc lớn vang lên, sợi cáp đứt rời ra. Có một tích tắc không trọng lượng, thân thể Rachel như bồng bềnh trong khoang lái khi chiếc tàu lặn rơi xuống. Boong tàu biến mất nhanh chóng, những cầu thang hẹp bên hông tàu Goya sượt qua trước mắt cô. Người lính bị khoá chặt trong cánh tay máy đờ người vì sợ hãi, anh ta chằm chằm nhìn Rachel khi con tàu tiếp tục lao thẳng xuống đại dương. Thời gian như ngừng lại. Khi chiếc tàu lặn nhỏ đập mạnh xuống mặt nước dưới gầm tàu Goyal nó nẩy bật lên rất mạnh, khiến cho Rachel bị ấn chặt xuống ghế. Xương sống của cô như bị chùn lại khi mặt nước nhanh chóng trùm lên nóc chiếc tàu lặn cỡ nhỏ Rachel như ngộp thở khi con tàu giảm dần tốc độ rồi từ từ nổi lên mặt nước, bập bềnh như cái nút chai. Lũ cá mập tức thì lao xốc vào. Ngồi sau lớp kính bao quanh khoang lái. Rachel chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt. Delta-Hai thấy những cái đầu hình búa của lũ cá lao vào anh với sức mạnh của những hung thần. Một cái kẹp lớn sắc như dao khợp vào cánh tay anh, cắt vào đến tận xương, khoá cứng anh lại. Cảm giác đau đớn tột cùng xuyên suốt cơ thể khi con vật hung dữ lắc mạnh đầu, xé toạc cánh tay anh; xé rời ra khỏi cơ thể. Những con cá khác ùa vào. Vô vàn mũi dao nhọn đâm vào khắp hai cẳng chân. Thân mình. Cổ. Khi lũ cá đói xé toạc những phần thân thể anh và lôi đi, Delta-Hai không còn sức để thét lên, dù đau đớn đến tột độ. Hình ảnh cuối cùng lọt vào mắt anh là một cái mồm lớn hình lưỡi hái, nghiêng về một bên, hai hàng răng nhọn hoắt lởm chởm trùm qua mặt anh. Chỉ còn lại tăm tối… Bên trong tàu Triton, tiếng những cái đau cứng va thùm thụp vào kính cuối cùng cũng không còn. Rachel mở mắt. Người lính ấy đã hoàn toàn biến mất. Những đợt sóng đỏ lòm vẫn đang tấp vào còn tàu trong suốt. Rã rời, Rachel co người trên chiếc ghế, hai đầu gối thu trước ngực. Hình như con tàu đang di chuyển. Nó bị dòng hải lưu chảy xiết đẩy đi lúc lúc lại va vào thành boong dưới của tàu Goya. Rachel còn cảm nhận được một hướng nữa trong sự chuyển động này. Xuống dưới. Bên ngoài, tiếng nước òng ọc chảy vào khoang đồ dùng vang lên rất rõ. Mặt nước đang dần dần nhích lên bên ngoài lớp kính bảo vệ bao kín lấy Rachel. Mình đang chìm! Luồng cảm giác kinh hoàng xuyên suốt toàn thân Rachel, cô đứng bật dậy. Với tay lên, cô túm lấy giàn khung thép trên đầu. Nếu ra được ngoài nóc tàu, Rachel sẽ kịp nhảy lên boong dưới cùng của tàu Goya. Boong này giờ chỉ cách cô vài chục xăng ti mét. Mình phải ra ngoài! Trên khung nóc có những hàng chữ và mũi tên rõ ràng chỉ cách mở nắp tàu. Rachel thu hết sức mình. Nắp tàu không nhúc nhích. Cô thử lại lần nữa. Không thấy dấu hiệu gì. Trục cửa đã bị kẹt cứng. Cong oằn hẳn xuống. Cảm giác sợ hãi dâng lên trong lòng, y như mặt biển đang dần dâng lên bên ngoài con tàu, Rachel thử đẩy mạnh lần cuối cùng. Nắp tàu không nhúc nhích. Tàu Triton đã chìm thêm vài inch nữa; nó xô vào thành tàu Goya lần cuối cùng trước khi chìm xuống dưới đáy con tàu méo mó tả tơi. Chìm xuống vùng biển sâu thăm thẳm. Chương 126 - Đừng làm thế. - Thấy Sexton đã photocopy xong xấp tài liệu, Gabrielle lại tiếp tục nài nỉ. - Thượng nghị sĩ đang hại chính con gái mình đấy! Sexton tảng lờ như không nghe thấy gì, ông mang mười xấp tài liệu vừa photocopy lại bên bàn làm việc. Xấp nào cũng có những trang tài liệu mà Rachel gửi về, cả trang giấy viết tay với nội đung rằng tảng thiên thạch là giả và Nhà Trắng hoặc NASA đang tìm cách sát hại cô. Cuộc họp báo tai tiếng nhất trong lịch sử, Sexton thầm nghĩ, bắt đầu xếp những xấp tài liệu vào mười chiếc phong bì lanh màu trắng. Trên mỗi phong bì đều có tên, địa chỉ văn phòng cũng như con dấu Thượng nghị sĩ của ông. Vụ tai tiếng chính trị của thế kỷ, Sexton thầm nghĩ, và mình sẽ là người đưa sự việc ra ánh sáng! Gabrielle vẫn tiếp tục cầu xin cho sự an toàn của Rachel, nhưng Sexton không nghe thấy gì hết. Tay xếp tập phong bì, tâm trí vị Thượng nghị sĩ này đã lui vào trong một thế giới riêng nào đó sâu kín xa xăm. Sự nghiệp chính trị nào cũng bao gồm những giây phút có tính quyết định. Đây là thời điểm của chính mình. Trong lời nhắn ghi trên máy, William Pickering đã nói rằng nếu công khai những thông tin này thì mạng sống của Rachel sẽ bị đe doạ. Không may cho Rachel, ngài Thượng nghị sĩ biết rõ rằng một khi ông đã công bố những tài liệu này, bất kỳ hành động liều lĩnh nào của Nhà Trắng hay NASA sẽ chỉ làm cho thắng lợi chính trị của ông trở nên vang dội hơn mà thôi, vang dội đến mức chưa từng có trên chính trường Hoa Kỳ. Trong cuộc sống đôi khi phải đưa ra những quyết định khó khăn, ông thầm nghĩ. Và những người biết đưa ra những quyết định như thế sẽ là người chiến thắng. Gabrielle Ashe đã từng thấy ánh mắt này của Sexton một lần. Tham vọng mù quáng. Cô thấy sợ. Và Gabrielle đã nhận ra. Rõ ràng là Sexton đã chủ định phó mặc mạng sống của con gái mình để trở thành người đầu tiên công bố trò lừa đảo này của NASA. - Chẳng lẽ Thượng nghị sĩ không thấy là ông đã nắm chắc phần thắng rồi hay sao? - Gabrielle hỏi. - Zach Herney và NASA không cách gì gượng dậy được sau vụ bê bối này. Bất kế ai là người công bố tin này! Bất kể khi nào nó được công bố! Hãy đợi đến khi biết chắc Rachel được an toàn đã. Đợi đến khi ông nói chuyện rõ ràng với Pickering đã chứ! Nhưng Sexton không còn nghe nữa, ông ta mở ngăn kéo, lôi ra một tờ giấy nền có những con dấu bằng sáp mạ kền một mặt có keo khắc nổi tên mình. Gabrielle biết Thượng nghị sĩ thường dùng những con dấu này cho những lời mời chính thức, nhưng hiển nhiên là ông ta muốn màu đỏ của con dấu trên nền phong bì trắng sẽ tạo ấn tượng về một kịch bản chính trị mùi mẫn. Gỡ những con dấu sáp từ tờ giấy nến ra, ông ta lần lượt gắn những con dấu lên từng chiếc phong bì. Lúc này, tim Gabrielle lồng lên vì phẫn nộ. Cô nghĩ đến những tờ séc bất hợp pháp được quét ảnh số hoá lưu trong máy tính của ông ta. Nếu Gabrielle nói hở ra thì lập tức ông ta sẽ xoá sạch. - Ông đừng làm thế, - cô nói - nếu không tôi sẽ công bố mối quan hệ giữa hai chúng ta. Sexton cười phá lên, tay vẫn không ngừng gắn những con dấu lên phong bì. - Thật thế à? Và cô nghĩ rằng thiên hạ sẽ tin à? Một cộng sự máu mê quyền lực khước từ một chỗ làm trong chính quyền mới của tôi và tìm cách báo thù à? Tôi đã từng một lần phủ nhận sự dính líu đó, và cả thế giới đã tin. Tôi sẽ phủ nhận một lần nữa. - Nhà Trắng có ảnh đấy. - Gabrielle tuyên bố. Sexton không thèm ngẩng lên. - Họ không có ảnh. Mà nếu có đi chăng nữa thì cũng hoàn toàn vô nghĩa. - Ông ta gắn con dấu cuối cùng. - Tôi đã có lá bùa hộ mệnh. Những phong bì này sẽ vô hiệu hoá bất kỳ đòn tấn công nào nhằm vào tôi. Gabrielle biết ông ta nói đúng. Nhìn Sexton ngắm nghía công trình của mình, cô cảm thấy thật bất lực. Trên bàn lúc này là mười phong bì lanh màu trắng, trên mỗi phong bì đều đề tên, địa chỉ và gắn một con dấu sáp đỏ chói khắc lồng những chữ cái đầu tên của ông ta. Trông như những lá thư của Hoàng gia. Và chắc chắn nhiều người đã từng được phong vương vì những vấn đề còn lâu mới quan trọng đến thế này. Sexton cầm xấp phong bì và chuẩn bị ra khỏi phòng. Gabrielle đứng lên chặn đường. - Thượng nghị sĩ đang làm một việc sai lầm. Việc này có thể hoãn lại được mà. Sexton nhìn xoáy vào Gabrielle: - Này, chính tôi đã gây dựng cho cô, và giờ tôi trả cô về với con số không. - Những giấy tờ Rachel fax về sẽ mang lại cho Thượng nghị sĩ chiếc ghế Tổng thống. Ông mắc nợ chị ấy. - Tôi đã cho nợ rất nhiều thứ khác. - Nhỡ có chuyện gì xảy đến với chị ấy thì sao! - Thì chắc chắn tôi sẽ giành được nhiều lá phiếu vì thông cảm. Gabrielle không thể ngờ những ý nghĩ ấy có thể xuất hiện trong đầu ông ta, càng không thể tin ông ta dám nói thẳng ra như thế. Kinh tởm, cô với điện thoại: - Tôi sẽ điện cho Nhà.. Sexton quay phắt lại và tát mạnh vào mặt Gabrielle. Gabrielle loạng choạng cảm thấy môi bị rách toạc. Cô lấy lại thăng bằng, bám lấy mép bàn, kinh ngạc nhìn người đàn ông mà cô đã từng ngưỡng mộ… Sexton hằn học nhìn cô hồi lâu. - Nếu cô tin là có thể cản bước được tôi nói cho mà biết, tôi sẽ khiến cô phải ân hận suốt quãng đời còn lại. Ông ta đứng đó, kẹp xấp phong bì trong tay, mắt vằn lên tức tối. Đến lúc Gabrielle ra khỏi toà cao ốc, ra ngoài trời đêm giá lạnh, môi cô vẫn tiếp tục chảy máu. Cô vẫy một chiếc taxi và lên xe. Lần đầu tiên từ ngày đặt chân đến Washington, Gabrielle đổ sụp xuống, khóc nức nở. Chương 127 Tầu Triton đang chìm… Loạng choạng trên boong tàu nghiêng dốc, từ sau cuộn dây tời, Tolland nhìn về chỗ trước đó tàu lặn Triton vẫn được treo lủng lẳng bằng dây cáp. Rồi quay về phía mũi tàu, ông nhìn khắp mặt biển bên dưới. Tàu Triton đang từ dưới nước trôi dần lên. Thở phào thấy chiếc tàu nhỏ vẫn còn nguyên vẹn. Ông nhìn cửa tàu, mong được thấy Rachel mở cửa bước ra, nguyên vẹn và an toàn. Nhưng nắp tàu vẫn đóng im ỉm. Tolland băn khoăn, hay Rachel đã bị văng ra ngoài khi con tàu nhỏ bị lắc mạnh và rơi xuống nước? Dù ở tít trên cao, Tolland vẫn thấy ngay rằng tàu Triton đang ở rất thấp dưới mặt nước, thấp hơn nhiều so với ngấn nước thông thường của con tàu nhỏ này. Nó đang chìm! Tolland không thể hiểu lí do là gì, nhưng lúc này cái đó không hề quan trọng chút nâo. Mình phải đưa Rachel ra ngoài! Ngay bây giờ! Tolland vừa quay người định chạy ra mép boong thì một làn mưa đạn bay chíu chít quanh ông, bắn trúng vào cuộn dây tời bằng thép, lửa toé đỏ rực. Ông vội quỳ thụp xuống. Khỉ thật! Ông nhìn xuống phía đuôi tàu, và thấy Pickering đang đứng đó, súng chĩa thẳng về phía ông như người làm vườn đang cầm kéo hạ cành. Delta-Một đã quẳng súng để trèo lên chiếc phi cơ định mệnh, giờ thì Pickering đã nhặt khẩu súng lên. Lúc này ông ta đang đứng ở vị trí rất thuận lợi. Bị kẹt sau cuộn dây tời, Tolland cúi xuống nhìn con tàu nhỏ đang chìm dần. Cố lên nào, Rachel! Ra đi nào! Ông đợi nắp tàu mở ra. Nhưng vẫn không thấy gì. Quay lại nhìn quanh boong tàu Goya, Tolland ước lượng khoảng cách từ chỗ ông đang đứng đến lan can ở mép boong. Khoảng bảy mét. Không có vật che chắn thì khoảng cách đó là quá lớn. Tolland hít một hơi thật sâu và hạ quyết tâm. Ông xé toạc áo sơ mi và quăng sang bên phải chỗ mặt boong trống trải. Trong khi Pickering nã đạn vào tấm áo vốn đã rách tơi tả, Tolland lao sang bên trái, dọc theo dốc nghiêng của boong tàu, đến bên lan can ông nhảy thật mạnh qua lan can, nhảy khỏi boong tàu. Lăng mạnh người trong không trung, ông nghe tiếng đạn réo khắp xung quanh, và biết rằng chỉ cần một vết xây xước nhẹ cũng đủ để ông trở thành mồi ngon của lũ cá mập đầu búa ngay khi chạm mặt nước. Rachel Sexton cảm thấy mình giống như một con thú hoang bị sa bẫy. Hết lần này đến lần khác, cô ra sức mở nắp tầu, nhưng vô hiệu. Rachel nghe rõ tiếng nước ùng ục tràn vào một khoang nào đó bên dưới đáy tàu, và cảm nhận rõ ràng là trọng lượng của con tàu đang tăng dần lên. Làn nước đen thẫm đang từ từ dâng lên bên ngoài lớp vỏ tàu trong suốt, như tấm màn đen đang được kéo dần từ dưới lên… Nhìn xuyên qua lớp vỏ tàu bằng kính, Rachel thấy biển mênh mông đen thẳm chẳng khác nào lăng mộ. Khoảng đen sẫm vô cùng ấy như muốn nuốt chửng cả cô lẫn con tàu vào lòng nó. Cô lại túm lấy núm vặn cánh cửa và cố sức quay, nhưng cái núm vẫn không hề nhúc nhích. Hai lá phổi của Rachel lúc này đã bắt đầu thấy đau, không khí trong khoang lái thật nặng mùi, lượng khí CO2 quá lớn khiến hai lỗ mũi cô cay xè. Mình sắp bị chết chìm trong đơn độc. Rachel nhìn mọi cần gạt và núm điều khiển của con tàu, nhưng tất cả các bảng chỉ dẫn đều đen ngòm. Không có điện. Cô bị mắc kẹt trong một hầm mộ bằng thép, và đang chìm dần xuống đáy biển. Tiếng nước chảy ùng ục mỗi lúc một nhanh và mạnh hơn, chỉ còn chưa đến nửa mét nữa là con tàu sẽ chìm hẳn xuống nước. Xa xa, từ bên kia khoảng tối vô tận của mặt nước hiện ra một dải sáng màu đỏ ối. Bình minh đang lên. Rachel sợ, rất có thể đây sẽ là những tia sáng cuối cùng cô được trông thấy. Nhắm chặt mắt để khỏi phải thấy kết cục không tránh khỏi, Rachel chợt thấy những ác mộng ngày nào ùa về, tràn lấp toàn bộ trí não. Ngã nhào qua lớp băng đang tan. Chừn xuống nước sâu. Ngạt thở. Không thể nổi lên được. Chìm dần xuống. Tiếng mẹ gọi thảng thốt: "Rachel! Rachel!" Tiếng đập thình thình vào nắp tàu kéo Rachel khỏi cơn mơ. Cô mở mắt. - Rachel! - Tiếng gọi nghe nghèn nghẹt. Một khuôn mặt ma quái hiện ra bên ngoài thân tàu, trong tư thế lộn ngược mái tóc đen bị nước đẩy rối tung. Phải nhìn thật kỹ Rachel mới nhận ra. Michael! Tolland trồi lên mặt nước, thở phào nhẹ nhõm thấy Rachel vẫn còn cử động. Rachel còn sống! Tolland sải tay thật mạnh, bơi vòng ra khoang máy của con tàu ở đằng sau cabin. Dòng nước chảy xiết nóng rát như muốn kéo ông xuống. Tolland tìm điểm tựa, khom người xuống để tránh đạn của Pickering vẫn đang tiếp tục nã xuống, và nắm thật chắc khoá vít khung nắp tàu. Thân tàu Triton vẫn chưa bị chìm hẳn xuống nước, và Tolland biết nếu muốn cứu sống Rachel thì phải thật khẩn trương. Nóc tàu chỉ còn cách mặt nước có mười inch, và khoảng cách ấy đang rút xuống rất nhanh. Mở nắp con tàu sau khi nó đã chìm hẳn xuống có nghĩa là một luồng nước cực mạnh sẽ chảy tràn vào trong thân tàu, khoá chặt Rachel trong đó, và con tàu sẽ nhanh chóng chìm xuống tận đáy biển. Hoặc là ngay lúc này, hoặc là không bao giờ. Ông hít hơi thật mạnh, xiết chặt bánh răng điều khiển nóc tàu, xoay ngược chiều kim đồng hồ. Không nhúc nhích. Ông thử lại lần nữa, dồn toàn bộ sức mạnh cơ thể vào những ngón tay. Một lần nữa, nóc tàu không chịu nhúc nhích. Ông nghe tiếng Rachel đang nói, bên kia lớp kính dày, đằng sau cánh cửa hình vòng cung: - Em thử rồi! - Cô hét to. - Không mở được! Nước bắt đầu dâng lên đến mép cửa trên nóc tàu Triton. - Cùng xoay nào! - ông hét to bảo Rachel. - Em vặn xuôi chiều kim đồng hồ! Ông biết chiều vặn núm đã được chỉ dẫn rõ ràng trên thành tàu. - Nào! Tolland tì người vào thùng đồ để có điểm tựa, lấy hết sức vặn thật mạnh. Bên trong tàu, Rachel cũng đang làm y như thế. Núm điều khiển xoay được khoảng một xăng ti mét rồi bị chết cứng. Lúc này Tolland mới hiểu ra. Bờ mép của cánh cửa cong không còn được phẳng và đều như trước nữa. Giống như cái nắp chai đã bị đè chặt xuống và vặn hết cỡ, nó đã bị kẹt. Dù lớp đệm bằng cao su vẫn nguyên vẹn, mép sắt của nó đã bị bẻ cong, có nghĩa là cách duy nhất để mở cánh cửa này là dùng mỏ hàn. Nóc tàu giờ đã chìm xuống dưới mặt nước, và Tolland chợt thấy sợ hãi đến tột cùng. Rachel Sexton sẽ không thể ra khỏi con tàu nhỏ này. Bên dưới, cách con tàu gần một ngàn mét, chiếc máy bay Kiowa bẹp dúm dó đang chìm rất nhanh, nó đã trở thành tù binh của cả trọng lực lẫn sức hút của xoáy nước nóng khổng lồ dưới đáy biển. Trong khoang lái, xác Delta-Một lúc này đã hoàn toàn biến dạng bởi áp lực nước. Chiếc máy bay lao thẳng xuống, những đầu đạn Hellfire vẫn nguyên trên hai cánh, và vòm nham thạch nóng đỏ rực đang đợi sẵn dưới đáy biển. Dưới lớp tro dày ba mét là một vùng nham thạch đang sôi sùng sục ở một ngàn độ, một núi lửa mới sắp hình thành. Chương 128 Tolland đứng trên khoang máy của con tàu Triton đang dùm dần, nước đã dâng lên đến ngang gối, và ông vắt óc tìm cách đưa Rachel ra ngoài. Không được để cho nó chìm! Ông quay sang nhìn tàu Goya, nghĩ đến chuyện móc con tàu nhỏ này vào dây tời để giữ cho tàu Triton không chìm xuống quá sâu. Không thể. Cuộn dây tời cách xa những năm mươi mét, và Pickering vẫn đang đứng trên cao, ở một điểm nhìn bao quát, y như một hoàng đế La Mã đang oai vệ ngồi bên chiếc ống nhòm Coloseum vấy máu. Nghĩ đi! Tolland tự ra lệnh cho bản thân. Tại sao nó lại chìm? Cơ chế phao của chiếc tàu ngầm này vô cùng đơn giản: Những bể đồ dằn được bơm đầy hoặc nước hoặc không khí để điều khiển con tàu di chuyển hướng lên trên hoặc xuống dưới. Dĩ nhiên là nước đang vào trong các bể dằn. Nhưng sao lại thế được? Mọi bể dằn đều được lắp hai van - một ở trên và một ở dưới. Van bên dưới, là "van lụt", luôn mở, trong khi van bên trên - van khí có thể mở ra hoặc đóng vào để cho phép nước chảy vào trong bể. Hay là van khí đã bị mở vì lí do nào đó? Tolland không thể nghĩ ra nổi. Ông nằm xoài trên sàn khoang máy, tay lần tìm những lỗ van trên bể dằn. Van khí vẫn đóng. Nhưng trong khi lần tìm những cái van, Tolland còn phát hiện ra một điều nữa. Các lỗ đạn! Khỉ thật! Khi Rachel nhảy xuống tàu, con tàu này đã bị trúng đạn rất nhiều. Tolland lập tức lặn xuống và bơi dưới đáy con tàu, tay lần khắp mặt dưới của bể dằn quan trọng nhất - bể âm. Người Anh gọi nó là "tàu cao tốc chạy xuống". Người Đức gọi nó là "đi giày đế chì". Cả hai cái tên đều phản ánh đúng chức năng của nó. Khi đầy nước, bể âm kéo con tàu xuống dưới. Lấy tay sờ bên thành bể, Tolland tìm thấy hơn chục vết đạn. Nước đang chảy vào trong. Dù Tolland có muốn hay không thì chiếc tàu ngầm nhỏ này cũng sắp chìm đến nơi… Nóc tàu lúc này đã cách mặt nước một mét. Bơi vòng qua mặt trước tàu Tolland áp sát mặt vào lớp vỏ kính để nhìn vào bên trong. Rachel đang ra sức đập ầm ầm vào lớp vỏ kính và hét to điều gì đó. Nỗi sợ hãi trong giọng nói của cô càng khiến Tolland cảm thấy bất lực. Trong chốc lát, ông lại thấy mình trong bệnh viện lạnh lẽo, thấy người phụ nữ ông yêu sắp chết mà không biết làm gì để cứu. Bơi bơi trước con tàu, Tolland tự nhủ rằng ông sẽ không thể chịu đựng điều này thêm một lần nữa. Anh là người sống sót, Celia đã nói thế, nhưng Tolland không muốn sống một mình… thêm một lần nữa. Phổi đau rát vì hết dưỡng khí, nhưng ông vẫn ở lại bên con tàu Mỗi lần Rachel đập mạnh vào kính, Tolland thấy bọt khí nổi lên, và con tàu lại chìm sâu xuống thêm một chút. Rachel đang nói với ông rằng nước lọt vào qua khe cửa sổ… Cửa sổ quan sát bị rỉ nước sao? Thật khó tin. Hai lá phổi sắp nổ tung đến nơi, Tolland phải nổi lên. Vừa trồi lên vừa lấy tay sờ khắp gờ cửa sổ, ông phát hiện được một đoạn gioăng cao su đã bị trật ra. Hoá ra một đoạn gioăng bên ngoài đã bị dập nát khi con tàu rơi xuống. Vì thế cho nên khoang lái mới chìm. Lại thêm một tin xấu. Lên đến mặt nước, Tolland hít ba hơi thật dài, cố suy nghĩ cho thật mạch lạc. Nước vào trong khoang lái sẽ chỉ khiến cho con tàu chìm nhanh hơn. Con tàu giờ đã cách mặt nước một mét rưỡi, và phải rướn thì chân Tolland mới chạm được nóc tàu. Rachel vẫn đang đập mạnh vào thành tàu một cách tuyệt vọng. Tolland chỉ nghĩ ra được một giải pháp duy nhất. Nếu ông lặn xuống chỗ khoang máy của tàu Triton và tìm được ống khí áp cao thì có thể dùng nó để bơm đẩy khoang âm. Dù bơm khí vào khoang dằn thủng là một việc làm vô ích, nhưng điều đó sẽ giúp cho con tàu nổi ở gần mặt nước thêm một phút nữa trước khi nó lại tiếp tục chìm xuống sâu hơn. Sau đó thì sao? Không nghĩ ra cách nào khác, Tolland chuẩn bị lặn xuống. Hít một hơi thật dài, ông cố kéo cho hai lá phổi giãn nở ra hết cỡ, giãn đễn phát đau. Thêm dung tích cho buồng phổi. Thêm khí oxy. Lặn được lâu hơn. Nhưng khi hai buồng phổi giãn ra, ép vào mạng sườn, một ý tưởng lạ lùng xuất hiện. Nếu ông tăng áp suất bên trong khoang lái thì sao nhỉ? Cửa quan sát đã có một đoạn gioăng bị trật ra. Nếu tăng được áp suất trong buồng lái, ông có thể khiến cho khoang lái tách khỏi con tàu và cứu Rachel thoát ra. Ông thở ra, dừng lại trên mặt nước thêm giây lát, xem xét tính khả thi của ý tưởng này. Chẳng phải làm thế là rất logic sao? Suy cho cùng thì tàu ngầm bao giờ cũng được thiết kế để chịu sức ép chỉ từ một phía. Chúng phải chịu được sức ép rất lớn từ bên ngoài, chứ không phải từ bên trong. Thêm vào đó, để giảm thiếu số đồ phụ tùng dự trữ phải mang theo trên tàu Goya, tất cả các van trên tàu Triton đều cùng một loại. Có thể tháo van ở ống khí cao áp ra rồi lắp vào bộ phận điều khí cấp cứu bên phải thành tàu! Tăng áp suất như thế sẽ làm cho cơ thể Rachel vô cùng đau đớn, nhưng cũng có thể mở ra một con đường sống. Tolland hít hơi thật sâu và lặn xuống. Lúc này con tàu đã cách mặt nước gần hai mét rưỡi, và dòng hải lưu cùng với bóng tối khiến ông phải vất vả mới xác định được phương hướng, tìm được bể khí áp cao. Tolland nhanh chóng lắp vòi khí sang chỗ khác để chuẩn bị bơm khí vào khoang lái. Chạm tay vào miệng van, ông thấy một hàng chữ viết bằng sơn phản quang, và biết việc làm này nguy hiểm đến mức nào. CHÚ Ý: KHÍ NÉN - 3000 PSI. Ba ngàn pound trên một inch vuông, Tolland suy tính. Hi vọng rằng áp suất sẽ khiến cho cửa quan sát bị bung ra trước khi Rachel bị dập nát phổi. Tolland nối vòi rồng dập lửa vào khoang lái của chiếc tàu ngầm với hi vọng rằng khoang lái sẽ nhanh chóng bị bật tung ta. Ông chụp lấy khoá van, hạ quyết tâm. Lơ lửng trong nước, ở đằng sau khoang lái của tàu Triton, Tolland vặn khoá, mở van. Ngay lập tức cái vòi căng phồng lên, Tolland nghe tiếng khí tràn vào trong khoang lái với tốc độ cực cao. Bên trong tàu Traton, Rachel chợt cảm thấy một cơn đau buốt nhới thọc mạnh khắp toàn thân. Cô hé môi, nhưng tiếng thét đau đớn chưa kịp bật ra thì không khí đã xộc mạnh vào, ép mạnh đến mức tưởng là hai lá phổi sắp nổ tung ra. Hai mắt như bị ấn sau mãi vào tận hộp sọ. Những tiếng ùng ùng vang rền trong tai, Rachel tưởng như sắp ngất lịm đi. Theo bản năng, cô nhắm nghiền mắt lại, lấy hai tay bịt chặt lỗ tai. Cảm giác đau đớn vẫn tiếp tục tăng thêm. Rachel nghe tiếng đập thình thình ngay trước mặt. Cô dùng hết ý chí, hé hai mi mắt chỉ đủ để trông thấy bóng ma của Tolland trong nước biển tối sẫm. Mặt ông áp sát vào lớp vỏ tàu bằng kính. Tolland đang ra hiệu bảo cô làm gì đó. Cái gì nhỉ? Phải thật căng mắt Rachel mới nhìn thấy Tolland trong bóng đêm đen kịt. Bị sức ép quá lớn, đồng tử của cô dường như đã biến dạng. Tuy thế, cô vẫn biết con tàu nhỏ đã chìm sâu xuống dưới quầng sáng phát ra từ tàu Goya. Khắp xung quanh lúc này chỉ còn một màu đen thăm thẳm. Tolland bám vào vỏ tàu Triton, tiếp tục đập mạnh vào kính. Long ngực đau tức vì thiếu dưỡng khí. Ông biết một vài giây nữa thôi, ông sẽ phải nổi lên để lay hơi. Đẩy mạnh vỏ kính đi! - ông ra lệnh cho Rachel bằng ánh mắt. Tiếng bong bóng khí xì ra qua khe hở nghe rất rõ. Lớp gioăng đệm đã bị bục ra ở một điểm nào đó. Tolland lần lần khắp mép cửa sổ quan sát tìm một chỗ vênh lên để chêm ngón tay vào. Không thấy gì hết. Phổi hết sạch dưỡng khí, tầm nhìn đã hẹp hẳn lại, ông đập mạnh vỏ kính con tàu thêm một lần cuối cùng. Lúc này đã không còn trông thấy Rachel được nữa. Tối đen như mực. Tận dụng chút dưỡng khí cuối cùng còn lại trong phổi, ông hét to: Rachel… phá… vỏ… kính… đi! Những lời nói ấy không phát thành tiếng, chỉ là những bọt khí nổi lên. Chương 129 Trong khoang lái tàu Triton, đầu Rachel dường như đang bị xiết chặt bằng những chiếc kẹp nhục hình thời Trung cổ oằn oại bên chiếc ghế duy nhất trong cabin, cô cảm nhận cái chết đã rất gần kề. Trước mắt cô là khung cửa sổ quan sát trơ trọi. Tối đen. Không còn tiếng đập vào kính nữa… Tolland không còn đó nữa. Ông đã bỏ mặc cô. Tiếng không khí tiếp tục phun phì phì trên đầu làm cho Rachel nhớ đến những cơn gió katabatic trên phiến băng Milne. Nước trên sàn khoang lái giờ đã ngập đến gối. Hãy cho tôi ra ngoài! Muôn vàn ý tưởng và hồi ức bắt đầu bủa vây tâm trí như hàng ngàn tia sáng màu tím sẫm. Trong bóng đêm thăm thẳm, con tàu bắt đầu nghiêng đi, Rachel mất thăng bằng. Lộn nhào khỏi chiếc ghế, cô ngã dúi về đằng trước, va mạnh vào cửa sổ vòm bằng kính. Vai đau ê ẩm. Rachel ngã sụp xuống bên cạnh cửa sổ, và ngay lúc đó cảm thấy một sự khác biệt bất ngờ - áp suất đột nhiên giảm đáng kể. Những tiếng ùng ùng trong màng nhĩ giảm đi nhanh chóng. Rachel còn nghe thấy tiếng không khí đang xì mạnh ra ngoài. Phải mất một tích tắc cô mới hiểu được những gì vừa diễn ra. Khi ngã văng vào cửa sổ, sức nặng của Rachel làm cho tấm kính vốn đã bị hư hại lỏng ra để không khí bên trong thoát bớt ra ngoài. Rõ ràng là cái vòm kính này không đến nỗi quá kiên cố! Rachel chợt hiểu ra vì sao Tolland cho tăng áp suất không khí trong khoang. Mike muốn đẩy bung cánh cửa này ra! Trên đầu cô, vòi khí áp cao vẫn tiếp tục phun phì phì. Nằm trên sàn, Rachel thấy áp suất lại bắt đầu tăng trở lại, lần này cô hân hoan đón nhận nó, dù áp suất cao khiến cô như sắp ngất đi. Lồm cồm ngồi dậy, Rachel cố duỗi dài người, căng sức đẩy thật mạnh vào lớp vỏ kính. Lần này không nghe thấy tiếng nước ồng ộc. Tấm kính không lay chuyển. Cô lại một lần nữa lăng mạnh người vào tấm kính lớn. Không tác dụng. Vết toạc ở vai nhức buốt, Rachel cúi xuống nhìn. Máu đã khô lại. Rachel chuẩn bị lăng người lần nữa, nhưng không kịp. Con tàu ngầm tả tơi bất thần xoay nghiêng về phía trước. Buồng máy nặng đã xoay xuống bên dưới khoang lái và các bế dằn, tàu Triton bắt đầu lặn thụt lùi. Rachel bị ngã ngửa trên sàn khoang lái. Nằm trong nước ngập lõm bõm, Rachel nhìn lên cửa quan sát lúc này đã ở thẳng trên đầu, nước vẫn tiếp tục rỉ vào trong, trông hệt như giếng trời trên mái của ngôi nhà nào đó. Bên ngoài chẳng có gì ngoài bóng đêm… và hàng ngàn tấn nước đang ép xuống. Rachel cố hết sức ngồi dậy, thân xác rã rời, kiệt quệ. Lại một lần nữa, tâm trí cô sống lại hồi ức về làn nước băng giá ngày nào. - Cố lên, Rachel! Mẹ đang cố túm lấy tay Rachel để kéo lên. Nắm lấy tay mẹ! Rachel nhắm nghiền mắt. Mình đang bị chìm. Hai chiếc giày trượt nặng như chì, kéo cô xuống. Trên mặt băng, mẹ đang nằm xoài ra để phân tán trọng lượng, chìa tay ra. - Đạp đi, Rachel! Chân đạp mạnh vào! Rachel cố sức quẫy chân thật mạnh. Người nhô lên được một chút xíu. Một tia hi vọng. Mẹ túm chặt tay Rachel. - Thế! - Mẹ thét to. - Giúp mẹ kéo con lên! Đạp mạnh vào! Vừa được mẹ túm tay kéo lên, Rachel vừa thu hết sức lực co chân đạp thật mạnh. Vừa đủ, mẹ kéo Rachel lên khỏi cơn hiểm nghèo. Mẹ kéo cô cơn gái ướt sũng nước thêm một đoạn nữa, rồi mới sụp xuống, khóc oà… Giờ đây, trong khoang tàu ướt sũng và nóng nực, Rachel mở mắt nhìn vực thẳm bóng đêm chung quanh. Tiếng mẹ thì thầm từ trong mộ, vang vọng vào tận khoang tàu kín bưng. - Đạp thật mạnh đi con. Rachel ngước nhìn vòm kính trên đầu. Thu toàn bộ chút sinh lực cuối cùng, cô trèo lên chiếc ghế lúc này đã nẳm ngang hẳn ra y như ghế nha khoa. Nẳm ngửa, Rachel thu hai gối lại thật sát, hướng thẳng bàn chân về phía trước, và đạp thật mạnh. Miệng thét lớn tuyệt vọng nhưng dũng mãnh, Rachel sục chân thật mạnh vào tấm kính cong. Cảm giác đau buốt chạy dọc ống chân, xuyên lên tận óc. Đột nhiên thấy sấm nổ bên tai, áp suất tức thì giảm hẳn đồng thời với một tiếng rầm rất lớn. Đoạn gioăng bên trái vừa long ra, tấm kính bung ra như cánh cửa chuồng gia súc bị gãy bản lề. Một luồng nước xộc vào cực mạnh ấn chặt Rachel vào lưng ghế. Nước biển ập vào khắp trong khoang, chảy ùa dưới lưng, nhấc cô ra khỏi ghế. Rachel bị tung lên lộn xuống như một chiếc bít tất trong máy giặt. Cô quờ tay tìm chỗ bấu, nhưng bị lẳng trượt đi. Nước tràn vào lấp kín khoang lái, và con tàu nhỏ bắt đầu chìm thẳng xuống đáy biển. Rachel bị hất ngược lên nóc khoang, bị xoay đảo. Vô số bọt khí khí ùng ục xung quanh, xoay vần, kéo cô sang trái rồi lên trên. Mép kính vỡ sắc lẻm sượt qua hông. Lập tức Rachel được giải thoát… Vừa ra đến vùng nước đen đặc bóng đêm, hai buồng phổi đã thấy đau rát vì thiếu không khí. Phải ngồi lên mặt nước! Rachel nhìn quanh tìm ánh sáng, nhưng chẳng thấy gì. Hướng nào cũng hệt như nhau. Đen kịt. Không trọng lượng. Không biết đâu là trên, đâu là dưới. Trong khoảnh khắc kinh hoàng đó, Rachel không biết phải bơi về hướng nào. Cách Rachel hàng ngàn mét, sát đáy biển, chiếc trực thăng Kiowa nát nhừ đang lừ lừ chìm xuống do sức kéo của trọng lực. Mười lăm quả tên lửa chống tăng hạng nặng Hellfire AGM-114 vẫn nguyên trên bệ phóng, vỏ máy bay đã bị bẻ khum lại thành hình nón, và ngòi nổ của những quả tên lửa hơi thụt vào trong, đầy chết chóc. Ở cách đáy biển ba mươi mét, cột magma phun trào hút mạnh máy bay Kiowa xuống, rồi kéo thẳng chiếc phi cơ đầy chết chóc vào giữa cái chóp đỏ rực của vòm nham thạch nóng. Như một loạt que diêm lần lượt đánh lửa do va mạnh vào thành hộp quẹt, chuỗi tên lửa Hellfire nổ tung, tạo thành một lỗ thủng toang hoác ngay giữa miệng vòm dung nham nóng đỏ. Nổi lên lấy hơi xong, Tolland lặn xuống độ sâu ba mét và đang căng mắt tìm hình bóng Rachel trong bóng đêm đặc quánh thì những tên lửa Hellfire nổ tung. Luồng sáng trắng xoáy cuộn lên trên, soi sáng cả một vùng rộng lớn, một cảnh tượng kinh hoàng mà Tolland sẽ nhớ đến hết đời. Bên dưới, cách ông ba mét, Rachel đang lập lờ như một con rối cũ nát nhàu nhò. Tít bên dưới, tàu Triton đang chìm xuống rất nhanh, miệng vòm mở toang. Lũ cá mập đều đang quay đầu bỏ chạy, chúng đã cảm nhận được con quái vật dưới đáy đại dương vừa vùng đứt tung xiềng xích. Tâm trạng phấn khởi trong lòng Tolland khi thấy Rachel thoát được ra ngoài liền tắt lịm ngay bởi ông hiểu ra những hệ quả tiếp theo của biến cố này. Ghi nhớ vị trí của Rachel sau khi luồng sáng đã tắt, Tolland lặn sâu xuống, vươn tay túm chặt lấy cô. Cách họ hàng ngàn mét, lớp vỏ dày bao phủ vòm dung nham vỡ vụn ra, núi lửa ngầm trong nước lập tức phun trào, phụt luồng nham thạch một ngàn hai trăm độ C vào lòng biển. Luồng magma nóng lập tức làm bốc hơi toàn bộ lượng nước bao quanh nó, tạo thành luồng khí phụt mạnh lên mặt biển theo phương thẳng đứng, đúng tâm miệng núi lửa. Bị chi phối bởi cơ chế động học hệt như những cơn lốc xoáy ở vùng nhiệt đới, luồng năng lượng phụt mạnh lên trên cân bằng với vòng nước xoáy nghịch hướng xuống dưới bao quanh nó, chuyển năng lượng theo hướng ngược lại. Di chuyển theo hình xoắn ốc quanh cột khí đang phụt mạnh lên, luồng hải lưu mạnh lên nhanh chóng, giật, xoáy. Cột khí vọt lên tạo thành một vùng chân không rộng lớn hút hàng ngàn ga-lông nước xuống dưới, tiếp xúc với cột nham thạch nóng rẫy. Xuống đến nơi, đến lượt luồng nước này hoá hơi và cần có chỗ để thoát ra, vì thế hơi nóng tiếp tục khiến cho luồng khí phụt lên trên lớn thêm lên, kéo thêm nhiều nước nữa xuống dưới đáy. Càng nhiều nước bị hút xuống tiếp xúc với cột nham thạch, xoáy nước càng rộng ra và mạnh thêm, cứ mỗi tích tắc trôi qua, đỉnh của nó lại càng tiến sát lên mặt biển. Một lỗ đen trong lòng đại dương vừa chào đời. Rachel thấy mình giống như một đứa bé nằm trong bựng mẹ. Đêm đen ẩm và ướt bao kín lấy cô. Trí não mụ đi vì sức nóng tác động vào từng lỗ chân lông. Thở. Rachel vật lộn kìm nén phản xạ, tự nhiên ấy. Luồng sáng vừa loé lên chắc chắn là từ trên mặt biển, nhưng sao thấy xa xăm quá. ảo ảnh đấy. Ngoi lên mặt nước nào. Một cách yếu ớt, Rachel bơi về hướng phát ra ánh sáng. Cô thấy ánh sáng rực rỡ hơn… Một vùng đỏ kỳ lạ ở tít xa. Ánh bình minh chăng? Cô sải tay mạnh thêm… Một bàn tay túm lấy cổ chân Rachel. Suýt nữa thì Rachel kêu thét lên, hắt nốt chút dưỡng khí cuối cùng ra khỏi buồng phổi. Bàn tay ấy kéo, rồi xoay Rachel về hướng ngược lại hai bàn tay thân thuộc ôm chặt lấy Rachel - Michael Tolland - ông kéo Rachel theo hướng ngược lại. Trí não cô cho rằng ông kéo cô xuống dưới. Nhưng con tim khẳng định rằng Michael biết rõ ông đang làm gì. Chân đạp mạnh đi con, lại tiếng mẹ thì thầm. Rachel cố sức đạp thật mạnh. Chương 130 Dù cả hai người đã lên được đến mặt nước, Tolland nghĩ rằng họ không thể sống sót. Vòm magma đã phun trào. Ngay khoảnh khắc xoáy nước khổng lồ kia lan đến mặt nước, trận cuồng thuỷ bạo tàn sẽ kéo tất thảy mọi thứ xuống tận dưới đáy. Lạ thay, - mặt nước không còn là bình minh yên ả mấy giây trước đó nữa. Ầm ỹ kinh khủng. Gió quất như thể một trận bão vừa nổi lên trong những giây phút ngắn ngủi, ông lặn xuống dưới. Tolland gần như lả đi vì thiếu oxy. Ông cố kéo Rachel, nhưng cô đang bị kéo tuột khỏi tay ông. Dòng thuỷ triều! Tolland cố xiết chặt hai tay, nhưng Rachel càng bị kéo đi mạnh hơn. Bất thần, ông tuột tay, và Rachel bị kéo phăng mất - lên phía trên… Choáng váng, Tolland thấy Rachel bị kéo lên khỏi mặt nước. Trên cao, chiếc trực thăng cánh quạt nghiêng đang kéo Rachel lên. Trước đó 20 phút, đội cứu hộ đã nhận được tin báo về vụ nổ ngoài biển. Do mới bị mất liên lạc với chiếc máy bay Dolphin đang làm nhiệm vụ ngoài biển, họ nghĩ đến tai nạn. Nhập toạ độ mới nhất của chiếc trực thăng Dolphin vào hệ thống lái tự động, họ thầm cầu nguyện. Từ cách xa nửa dặm, họ đã nhìn thấy con tàu Goya sáng trưng đang chao đảo trên dòng hải lưu chảy xiết. Ngay gần con tàu là người đàn ông đang ra sức vẫy tay. Họ kéo ông ta lên. Toàn thân người này trần như nhộng, trừ một cẳng chân quấn đầy băng dính nhựa. Kiệt sức. Tolland ngước lên nhìn chiếc trực thăng cánh quạt nghiêng đang gầm rú trên đầu. Cánh quạt máy bay thốc xuống những đợt gió vô cùng mạnh. Rachel được kéo tít lên cao, rồi được rất nhiều cánh tay đỡ vào trong khoang. Đang vui mừng thấy Rachel được cứu thoát, Tolland chợt trông thấy một khuôn mặt quen thuộc ngay cạnh cửa máy bay. Corky? Tim ông đập rộn. Anh vẫn còn sống đấy à?. Ngay lập tức, dây tời được thả xuống, và nó chạm mặt biển cách ông khoảng ba mét. Tolland muốn bơi đến đó, nhưng đã bắt đầu cảm nhận thấy sức hút của xoáy nước. Nước như đang ôm chặt lấy ông, không chịu nhả ra. Xoáy nước kéo ông xuống. Tolland ngồi lên, nhưng toàn thân rã rời. Anh là người sống sót, ông nghe thấy có người động viên mình. Tolland quẫy chân thật mạnh, ngồi lên đến mặt nước, cố nhoài sang, nhưng vẫn chưa chạm được sợi dây. Xoáy nước lại kéo ông xuống. Ngước lên, giữa gió thốc, giữa tiếng ồn, ông bắt gặp ánh mắt của Rachel. Cô đang nhìn xuống, như muốn dùng nhãn lực để kéo ông lên. Lấy hết sức, Tolland bơi bốn sải và với được sợi đây. Với chút sức lực cuối cùng, ông chui đầu, luồn hai tay vào trong lưới móc rồi ngã vật xuống. Ngay lập tức mặt biển lùi xuống phía dưới. Tolland cúi xuống và nhìn thấy xoáy nước vừa hiện ra. Xoáy nước khủng khiếp quanh núi lửa ngầm cuối cùng đã lan lên đến mặt biển. Đứng chết sững trên boong tàu Goya, William Pickering trân trân nhìn cảnh tượng đang bày ra trước mắt. Ngay bên phải mũi tàu, một vùng trũng như lòng chảo vừa xuất hiện trên mặt biển. Xoáy nước rộng hàng trăm mét, và đang nở rộng ra nhanh chóng. Khắp nơi dậy lên những tiếng ầm ào vọng lên từ sâu thẳm đại dương. Nhìn hố nước trũng lòng chảo đang tiến lại phía mình như một con quỷ đói đang ngoác sẵn mõm sẵn sàng nhận vật hiến tế, Pickering thấy đầu óc hoàn toàn tê liệt. Chắc mình đang mơ, ông ta nghĩ. Bất thần, một tiếng nổ lớn làm kính cửa sổ của còn tàu Goya vỡ loảng xoảng, rồi một luồng hơi nóng phụt lên từ chính giữa xoáy nước. Tiếp đến là những tiếng gầm réo dữ dội, rồi một cột nước phun thẳng lên bầu trời tối sẫm. Ngay lập tức, xoáy nước mạnh hẳn lên, bán kính của nó rộng hẳn ra, và tâm xoáy nhanh chóng di chuyển về phía con tàu mà William đang đứng. Mũi tàu Goya chao đảo rồi hướng thẳng vào giữa cái hang lớn đang hoác miệng trên mặt biển kia. Pickering mất thăng bằng, quỵ xuống. Ông trân trối nhìn xuống vực thẳm khổng lồ vừa hình thành trên mặt biển, như thể một đứa bé đang đứng trước Chúa. Những suy nghĩ cuối cùng của Pickering đều hướng về con gái Diana. Hi vọng rằng trước khi chết con bé không phải trải qua cảm giác kinh hoàng như ông lúc này. Những chấn động do cột hơi nóng bốc lên từ núi lửa ngầm đẩy chiếc máy bay phản lực Osprey dạt sang một bên. Rachel và Tolland xiết chặt tay nhau trong khi các phi công giúp chiếc phi cơ lấy lại thăng bằng rồi sà xuống thật thấp bên tàu Goya. Họ thấy Pickering - tín đồ Quaker mộ đạo - mặc áo khoác đen, đeo cà vạt đen, đang quỳ trên boong chính. Đuôi tàu lắc mạnh rời xoay hẳn về phía mắt xoáy nước, dây néo bị đứt. Tàu Goya trôi lùi về phía tâm xoáy, mũi tàu gần như dựng hẳn lên, rồi bị hút thẳng xuống miệng vực sâu hoắm ở chính giữa dòng xoáy khủng khiếp ấy. Vào khoảnh khắc tàu Goya bị nuốt chửng giữa lòng đại dương, những bóng đèn điện trên tàu còn vẫn sáng rực. Chương 131 Bình minh trên thành phố Washington thật trong trẻo và thoáng đãng. Gió nhẹ thổi thốc những chiếc lá khô trên mặt đất, tạo thành một vòng xoáy nhỏ vàng rộm gần tượng đài Washington. Thường thì tượng đài lớn nhất thế giới này lặng lẽ soi bóng xuống mặt hồ Refleding, nhưng sáng nay rất nhiều nhà báo đang đã tự tập ở nơi này, họ đang nôn nóng đứng dưới chân tượng đài, chờ đợi. Bước ra từ chiếc xe Limousine, tự cảm thấy bóng mình trải ra lồng lộng, Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton sải bước về phía đám nhà báo dưới chân tượng đài. Ông đã mời đến đây đại diện của mười tờ báo lớn nhất toàn quốc và hứa hẹn với họ về một vụ tai tiếng tầm cỡ thế kỷ… Để hấp dẫn bầy kền kền thì mùi xác thối quả là nhất hạng! - Sexton nghĩ thầm… Trong tay Sexton là xấp phong bì bằng vải lanh trắng có đóng con dấu nổi khắc ba chữ S lồng vào nhau hết sức tao nhã. Nếu thông tin là quyền lực thì hôm nay ông đang có trong, tay một quả tên lửa màng đầu đạn hạt nhân. Chân sải bước về bục diễn thuyết, Sexton cảm thấy chuếnh choáng trong hơi men danh vọng. Ông hài lòng nhận thấy bục diễn thuyết của mình hôm nay đã có sẵn hai "hàng rào danh dự" - hai tấm vách ngăn trông như những tấm rèm màu xanh lính thuỷ ở hai cánh bên của bục diễn thuyết - một giải pháp mà Ronald Reagan đưa ra để tránh làm loãng sự chú ý của cử toạ khi ông ta phát biểu. Sexton lên bục từ bên phải, ông bước ra từ phía sau tấm vách ngăn, hệt như diễn viên bước ra từ sau cánh gà. Cánh nhà báo nhanh chóng ngồi xuống những hàng ghế ngay sát bục diễn thuyết. Phía đông, Mặt trời đang nhô lên từ mái vòm Capitol, chiếu những tia sáng rực rỡ xuống vai Sexton, hệt như những ha sáng từ thiên đàng rọi xuống… Quả là một ngày lý tưởng để trở thành người quyền thế nhất hành tinh. - Xin chào quý vị. - Sexton đặt xấp phong bì lên bục và nói. - Tôi sẽ trình bày một cách hết sức ngắn gọn và từ tốn. Thật thà mà nói thì những thông tin tôi sắp chia sẻ với quý vị quả là rất đáng lo ngại. Bên trong những phong bì này là bằng chứng về vụ lừa dối ở cấp cao nhất trong Chính phủ. Tôi rất buồn phiền phải kể cho các vị biết rằng cách đây nửa giờ Tổng thống đã gọi cho tôi để cầu xin, thế đấy, xin tôi đừng công khai những bằng chứng này. - Ông lắc đầu ra vẻ kinh khiếp. - Nhưng tôi là người tôn trọng sự thật. Bất kể sự thật đó đau xót đến chừng nào. Sexton ngừng một lát, giơ xấp phong bì lên, kích dộng đám nhà báo. Mắt họ đánh sang trái rồi sang phải, nhìn như muốn nuốt chửng xấp phong bì, chẳng khác gì lũ chó đói đang rỏ nước rãi trước miếng ngon chúng chưa bao giờ được nếm thử. Cách đây nửa giờ, Tổng thống đã gọi cho Sexton để giải thích mọi chuyện. Từ một chiếc phi cơ nào đó, an toàn, Rachel đã trao đổi với Tổng thống. Thật kinh ngạc, hoá ta cả Nhà Trắng lẫn NASA đều vô tội và vô can, thất bại này chính thuộc về William Pickering. Cũng chẳng khác gì nhau, Sexton thầm nghĩ. Zach Herney sẽ lụn bại trong chớp mắt. Sexton ước gì ông bỗng hoá thành một chú ruồi bé xíu và bay vào trong Nhà Trắng để được thấy vẻ mặt của Tổng thống khi ông ta biết rằng thông tin đã bị công khai. Sexton đã thoả thuận gặp ông ta tại Nhà Trắng đúng vào giờ này để thảo luận cách thức thông báo tin này với công chúng. Rất có thể lúc này Zach Herney đang đứng trước một tivi nào đó, kinh ngạc đến sững sờ thấy rằng Nhà Trắng không còn khả năng thay đổi định mệnh được nữa. - Thưa các bạn. - Sexton nhìn thẳng vào mắt cử toạ và lên tiếng. - Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều, cũng đã từng nghĩ đến chuyện thuận theo ý Tổng thống và giữ bí mật những thông tin tôi đang có, nhưng tôi không thế lừa dối lương tâm mình. Sexton thở dài, ngửa cổ lên một chút, ra vẻ mệt mỏi vì trách nhiệm nặng nề trước lịch sử. - Sự thật là sự thật. Tôi không hề có ý định áp đặt chính kiến của cá nhân tôi đối với các vị. Tôi sẽ chuyển những dữ liệu này đến tay các vị một cách mộc mạc và không thiên kiến. Sexton nghe thấy tiếng cánh quạt máy bay trực thăng phành phạch từ xa vọng lại. Ông băn khoăn, biết đâu vì quá lo sợ nên Tổng thống lại đích thân đến tận đây để cản trở cuợc họp báo này Nếu thế thì chẳng khác nào đem kem đến phết lên bánh gatô hộ mình, Sexton đắc chí nghĩ thầm. Lúc đó vẻ mặt ăn năn hối lỗi của ông ta sẽ như thế nào nhỉ? - Tôi chẳng sung sướng gì khi phải làm thế này. - Sexton nói tiếp, cảm thấy mình đã chọn được thời điểm hoàn hảo nhất cho sự kiện này - Nhưng nghĩa vụ của tôi là phải cho nhân dân Mỹ biết rằng họ đã bị lừa dối. Chiếc phi cơ ầm ầm đến sát trên đầu rồi hạ cánh xuống khoảng đất trống bên phải bục diễn thuyết. Sexton liếc nhìn sang, và ngạc nhiên thấy không phải máy bay của Tổng thống mà chỉ là loại trực thăng cánh quạt nghiêng Osprey… Trên thân máy bay có hàng chữ ĐỘI CỨU HỘ BỜ BIÊN HOA KỲ. Bối rối, ông chăm chú nhìn cửa khoang lái mở ra và một phụ nữ bước xuống. Người này mặc chiếc áo khoác màu da cam của Đội Cứu hộ Bờ biển và có vẻ rũ rượi như vừa trải qua một trận chiến. Cô ta tiến về phía cánh nhà báo. Mất một lúc Sexton mới bất thần nhận ra. Là Rachel sao? Miệng ông ta há hốc. Con bé làm cái quái gì ở đây kia chứ? Đám đông bắt đầu xì xào bàn tán. Gắn lên mặt nụ cười rộng ngoác, Sexton quay lại nhìn đám nhà báo và giơ ngón tay lên làm hiệu xin lỗi. - Xin các vị thứ lỗi cho giây lát. Tôi rất lấy làm tiếc. - Ông lại làm bộ thở dài. - Gia đình là trên hết. Mấy nhà báo phá lên cười. Thấy con gái đang phăm phăm tiến lại, Sexton tính rằng cuộc hội ngộ cha con này nên kín đáo một chút. Phiền thay, lúc này thì thật khó mà kín đáo cho được. Sexton nhìn ngay sang tấm vách ngăn bên tay phải. Vẫn mỉm cười một cách điềm tĩnh, Sexton giơ tay vẫy con gái và bước khỏi bục diễn thuyết. Ông khéo léo chọn hướng đi để cho Rachel buộc phải đi vòng ra sau vách ngăn thì mới có thể giáp mặt ông. Hai cha con gặp nhau ngay sau vách ngăn, khuất khỏi tai mắt của cánh nhà báo. - Con yêu! -Ông mỉm cười, giang rộng tay khi Rachel tiến lại. Cha ngạc nhiên quá! Rachel bước lên và vả vào giữa mặt Sexton. Khuất sau tấm vách ngăn, chỉ có hai cha con với nhau. Rachel trừng mắt nhìn cha mình một cách đầy khinh bỉ. Bị tát như trời giáng. Ông chỉ cố kiềm chế bản thân, không phản ứng ngay. Nụ cười giả dối tan biến, thay vào đó là ánh mắt đầy giận dữ. Sexton giằn giọng: - Con không đến đây thì hơn đấy. Rachel nhận thấy ánh giận dữ điên cuồng trong mắt cha, nhưng lần đầu tiên trong đời cô không cảm thấy sợ hãi. - Con đã cầu cứu bố, còn bố thì bán đứng con gái của chính mình! Suýt nữa thì con mất mạng! - Con khoẻ mạnh sờ sờ ra đấy thôi. - Sexton nói, vẻ thất vọng. - NASA vô tội! " Rachel nói. - Tổng thống đã nói với bố rồi kia mà! Bố đang làm gì ở đây thế? Hành trình về Washington của cô trên chiếc phi cơ của Đội Cứu hộ Bờ biển Osprey đã bị cắt ngang bởi vô số cuộc điện đàm giữa cô với Nhà Trắng, với cha cô, cả với Gabrielle Ashe nữa. - Bố đã hứa với Zach Herney là sẽ vào Nhà Trắng cơ mà! - Đúng thế! - Sexton cười khẩy, - Sau ngày bầu cử. Rachel tưởng phát ốm khi nghĩ rằng người đàn ông này chính là cha đẻ của mình. - Những gì bố sắp làm là vô cùng điên khùng. - Thế à? - Sexton cười hô hố. Ông ta quay lại và chỉ tay về bục diễn thuyết đằng sau tấm vách ngăn. Trên bục, một xấp phong bì màu trắng được xếp ngay ngắn. - Những chiếc phong bì kia chứa những thông tin do chính con đã gửi về. Chlnh con. Rachel ạ. Tay con đã vấy máu của Tổng thống rồi đó. - Con gửi cho bố những thông tin đó vì lúc ấy con tưởng NASA và Tổng thống có tội. Lúc đó con cần sự trợ giúp của bố! - Căn cứ vào những tài liệu đó thì chắc chắn là NASA có tội chứ còn gì nữa! - Nhưng không phải thế! Họ xứng đáng có được cơ hội tự thú nhận sai lầm của mình. Thắng lợi đã thuộc về bố rồi. Zach Herney đã hết thời? Bố biết thế còn gì! Hãy để cho ông ấy giữ lại một chút thể diện. Sexton rên lên. - Thật quá khờ khạo. Đây không chỉ là chuyện thắng cử, Rachel ạ. Đây là vấn đề quyền lực, là chuyện chiến thắng tuyệt đối những hành động vĩ đại, tiêu diệt đối thủ, và kiểm soát các thế lực ở Washington để có thể làm những gì mình muốn. - Và cái giá phải trả là gì? - Con đừng có lên mặt đạo đức thế. Bố chỉ công bố các chứng cứ mà thôi. Mọi người có quyền tự kết luận xem ai có tội, ai không. - Bố thừa biết mọi người sẽ nghĩ thế nào. Sexton nhún vai. - Mà cũng đã hết thời của NASA rồi. Thượng nghị sĩ Sexton biết cánh nhà báo đang ngồi sốt ruột lắm rồi, và ông không định đứng đây cả buổi sáng để nghe con gái thuyết giáo. Vinh quang đang đợi ông. - Thôi nhé! - ông nói. - Các nhà báo đang đợi bố. - Con gái duy nhất của bố đang cầu xin đấy. - Rachel nài nỉ. - Bố đừng làm thế. Bố hãy nghĩ mà xem. Còn có cách khác hay hơn kia mà? - Bố không thấy thế. Có tiếng lạo xạo vang lên trong hệ thống loa ở phía sau, Sexton quay lại và trông thấy một nữ nhà báo đến muộn giờ đang lom khom bên bục diễn thuyết, xoay xở đặt máy ghi âm của mình vào cạnh những chiếc máy khác đã được sắp xếp sẵn. Sao những kẻ đần độn này không thể đến đúng giờ được cơ chứ! Sexton cáu kỉnh. Luống cuống, nhà báo kia vừa làm đổ cả chồng phong bì của ông xuống đất. Chết tiệt! Sexton quay lại, thầm nguyền rủa cô con gái đã làm ông bị xao lãng. Ông quay về đến bục diễn thuyết khi nhà báo kia đang lúi húi nhặt những chiếc phong bì nằm ngổn ngang trên mặt đất. Sexton không trông rõ mặt cô ta, nhưng rõ ràng đây là người của bên truyền hình - áo khoác vải cashemere dài chấm gót, khăn choàng vai cùng màu, mũ bê rê đội lệch có gắn phù hiệu của đài ABC. Đồ đần, Sexton nghĩ thầm. - Đưa cho tôi. - Sexton đưa tay ra và giật lấy xấp phong bì. Cô ta nhặt chiếc phong bì cuối cùng rồi giao cả xấp lại cho Sexton, vẫn không ngẩng mặt lên. Tôi xin lỗi… - Cô ta lắp bắp, vẻ bối rối. Cúi rạp xuống vì ngượng, cô ta len vào giữa đám đông. Sexton nhanh tay đếm lại xấp phong bì. Mười. Tốt lắm. Hôm nay ông sẽ không để bất cứ kẻ nào cuỗm mất đòn sấm sét trong tay. Xếp lại chồng phong bì cho ngay ngắn, ông chỉnh lại micro rồi mỉm cười hài hước nhìn đám đông. - Có lẽ tôi nên chuyển cho các vị những phong bì này trước khi có người bị thương vì chúng! Tất cả cười phá lên, lộ rõ vẻ háo hức. Sexton cảm thấy Rachel vẫn còn ở đây, ngay đằng sau tấm vách ngăn, bên cạnh sân khấu. - Đừng làm thế. - Rachel vẫn tiếp tục nài nỉ. - Rồi bố sẽ hối tiếc cho mà xem. Sexton tảng lờ. - Bố hãy tin con. - Rachel lớn giọng. - Đây là một hành động sai lầm. Sexton nhấc xấp phong bì lên; vuốt thẳng các mép. - Bố ơi. - Giọng Rachel lúc này đầy khẩn thiết. - Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để bố chọn con đường đúng đắn đấy. - Đúng cái gì cơ chứ. - Sexton lấy tay bịt micro lại và làm ra vẻ đang hắng giọng. Ông kín đáo liếc nhìn sang Rachel. - Đúng là mẹ nào con nấy, nhỏ nhen và hão huyền. Đàn bà làm sao hiểu được thế nào là quyền lực cơ chứ? Quay lại nhìn đám nhà báo đang chen chúc nhốn nháo, Sexton quên hẳn con gái mình. Ngẩng cao đầu, ông đi vòng quanh bục diễn thuyết và đưa phong bì cho những cánh tay chìa sẵn chờ đợi. Ông thấy xấp phong bì nhanh chóng được phân phát. Ông nghe tiếng lớp xi gắn bị bẻ gẫy, tiếng vải phong bì bị xé nát như lũ trẻ con đang háo hức mở quà Giáng sinh. Cả đám đông đột nhiên ồ lên. Trong tích tắc, tất cả lặng phắc, Sexton cảm nhận rõ ràng sự nghiệp của mình đang ở giây phút bước ngoặt. Tảng thiên thạch là giả mạo. Và mình chính là người khui ra vụ việc. Sexton biết phải mất một lúc thì các nhà báo mới hiểu hết ý nghĩa của những tài liệu họ đang cầm trong tay: ảnh chụp cắt lớp lỗ khoan bên dưới tảng thiên thạch trong lòng phiến băng, một loài động vật biển rất giống những mẫu hoá thạch của NASA, bằng chứng về những chrondrule được hình thành trên trái đất. Những chứng cứ này sẽ đưa đến những kết luận đầy choáng váng. - Thưa Thượng nghị sĩ. - Một phóng viên lắp bắp, mặt lộ rõ vẻ ngỡ ngàng. - Những cái này là thật chứ ạ? Sexton thở dài vẻ sầu não. - Đúng thế. Tôi e rằng tất cả đều là sự thật. Những tiếng xì xào bàn tán gỉờ bắt đầu lan khắp đám đông. - Tôi dành cho quý vị một chút thời gian để xem qua những trang đó, - Sexton nói. - Sau đó tôi sẽ trả lời các câu hỏi của quý vị và cố gắng giải thích cặn kẽ về những tài liệu các vị đang cầm trong tay. - Thưa Thượng nghị sĩ. - Một nhà báo khác lên tiếng, vẻ quá choáng váng. Những hình ảnh này là thật chứ ạ?… Không bị chỉnh sửa gì chứ ạ? - Một trăm phầm trăm. - Sexton đáp, giọng chắc nịch. - Nếu không thì tôi đã không cung cấp cho các vị những chứng cứ này. Đám đông càng tỏ ra phân vân, và hình như có ai vừa cười phá lên, khác hẳn những phản ứng mà ông trông đợi. Sexton bắt đầu sợ rằng các nhà báo không đủ hiểu biết để nắm được nội dung của những trang tài liệu này. - Dạ, thưa Thượng nghị sĩ. - Một người lên tiếng, vẻ mặt khoái trá một cách kỳ quái. - Xin ngài hãy khẳng định một cách chính thức rằng những bức ảnh này là thật. Sexton bắt đầu phát cáu. - Thưa các bạn, tôi xin khẳng định lần cuối cùng những bằng chứng này là thật một trăm phần trăm. Nếu có người chứng minh được điều ngược lại thì tôi sẽ nuốt chửng cái mũ của tôi! Sexton đợi những tiếng cười, nhưng chẳng nghe thấy gì hết. Im lặng chết chóc. Những cái nhìn ngỡ ngàng. Tay phóng viên vừa lên tiếng tiến lại phía Sexton, vừa đi vừa lật qua lật lại những tờ giấy trên tay. - Thượng nghị sĩ nói đúng, những bức ảnh này quả là vô cùng tai tiếng. - Anh ta ngừng lời, gai đầu gãi tai. - Điều chúng tôi đang băn khoăn là tại sao lúc này ngài lại cho chúng tôi xem những bức ảnh này, trong khi trước đây ngài đã lớn tiếng bác bỏ toàn bộ sự việc. Sexton không hiểu anh ta đang nói về cái gì. Người phóng viên đưa cho ông ta xấp ảnh. Sexton nhìn tập giấy, và trong chốc lát đầu óc ông như mê đi. Ông không nói được nên lời. Ông đang thấy những bức ảnh lạ hoắc. Ảnh đen trắng. Hai người. Hoàn toàn loã thể. Tay chân xoắn xuýt vào nhau. Lúc đầu ông không hiểu. Rồi ông vỡ lẽ. Sét đánh ngang mày. Kinh hoàng, Sexton ngẩng lên nhìn đám nhà báo. Họ đang cười. Một số đã bấm máy gọi về trụ sở của họ. Có người vỗ vai Sexton. Mụ mẫm, ông quay lại nhìn. Rachal đang đứng đó. - Con đã hết lời khuyên can. - Cô nói. - Chúng tôi đã cho ông cơ hội. - Một phụ nữ đứng cạnh Rachel lên tiếng. Cô ta chính là nhà báo mặc áo khoác cashmere và đội mũ bê rê nỉ - người ban nãy đã làm rơi xấp phong bì. Trông thấy mặt cô ta, máu trong huyết quản Sexton lập tức đông quánh lại. Đôi mắt xám nhạt của Gabrielle đang rọi thẳng vào tận tâm can của Sexton. Cô cúi xuống và mở khuy áo khoác, để lộ ra một tập phong bì trắng ngay ngắn kẹp ở cánh tay. Chương 132 Trong phòng bầu dục, chỉ có một luồng sáng dịu nhẹ duy nhất toả ra từ ngọn đèn bàn chân đồng trên bàn làm việc của Herney. Đầu ngẩng cao, Gabrielle Ashe đang đứng trước mặt Tổng thống. Bên ngoài cánh cửa sổ sau lưng ông, ánh hoàng hôn đang trải dài trên thảm cỏ phía tây của Nhà Trắng… - Tôi được thông báo rằng cô quyết định sẽ ra đi. - Herney lên tiếng, vẻ thất vọng. Gabrielle gật đầu. Rất tử tế, Tổng thống đã hứa sẽ bảo đảm cho Gabrielle một nơi an toàn ngay trong Nhà Trắng để tránh cánh nhà báo, tuy nhiên Gabrielle không muốn tránh bão ngay tại mắt bão. Cô muốn đi càng xa càng tốt. Ít nhất là trong thời gian trước mắt. Tử sau bàn làm việc của mình, Herney chăm chú nhìn cô gái trẻ Gabrielle, hành động của cô sáng nay thật là… - Ông ấp úng, hình như không thể nói nên lời. Ánh mắt của ông thật chân thành và giản dị, khác hẳn cặp mắt sâu bí hiểm một thời đã hút cô tới bên Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton. Ngay giữa trung tâm quyền lực này, Gabrielle vẫn cảm nhận hết sức rõ ràng sự nhân hậu, nhân cách và danh dự trong ánh mắt của Tổng thống, ánh mắt mà cô sẽ không dễ gì quên được. - Hành động đó cũng là vì lợi ích của chính tôi mà. - Gabrielle đáp lời Herney gật đầu. - Dù sao thì tôi cũng rất biết ơn cô. - Ông đứng dậy, ra hiệu bảo cô gái đi theo mình ra đại sảnh. - Thực ra tôi đã hi vọng rằng cô sẽ ở lại đây một thời gian, và hi vọng rằng sẽ có dịp bố trí cô vào bộ phận gây quỹ tranh cử của tôi. Gabrielle quay sang, hoài nghi nhìn Tổng thống: - Chặn đứng thâm thủng và khởi đầu tái thiết sao, thưa Tổng thống? Ông cười. - Cũng đại loại như vậy. Chắc Tổng thống cũng đồng ý với tôi rằng lúc này thì tôi sẽ là gánh nặng cho Tổng thống thay vì một cộng tác viên hiệu quả. Herney nhún vai: - Sau vài tháng là tất cả sẽ chìm vào quên lãng. Rất nhiều người đã phải trải qua những hoàn cảnh tương tự như cô lúc này, nhưng rồi vẫn trở thành những người vĩ đại. - Ông nháy mắt tinh nghịch: - Một số thậm chí còn trở thành Tổng thống Hoa Kỳ nữa cơ đấy. Gabrielle biết đó là sự thật. Mới thôi việc có vài giờ mà cô đã phải từ chối hai đề nghị cộng tác - của Yolanda Cole ở đài ABC và của tạp chí St. Martin (với những ưu đãi đặc biệt, nếu cô đồng ý xuất bản cuốn tự thuật về bản thân - thật nhầy nhụa). Không, tôi xin kiếu. Chân bước theo Tổng thống dọc hành lang, tâm trí Gabrielle quay về với những bức ảnh của mình giờ này chắc đã được phát trên hầu hết những kênh truyền hình lớn nhỏ. Nếu không thế thì đất nước này sẽ phải chịu những tổn thất vô cùng khủng khiếp, cô tự nhủ, khủng khiếp hơn thế nhiều lần. Sau khi đến trụ sở Đài Truyền hình ABC để lấy lại tập ảnh và mượn thẻ nhà báo của Yolanda Cole, Gabrielle đã một lần nữa lẻn vào văn phòng của Sexton để lấy những chiếc phong bì lanh màu trắng và in tất cả những bằng chứng về hành vi ăn đút lót của ông ta. Sau cuộc chạm trán ở đài tưởng niệm Washington, Gabrielle đã giơ những bằng chứng ấy sát vào khuôn mặt lúc bấy giờ đã thất thần của ngài Thượng nghị sĩ rồi tuyên bố yêu sách: Hãy để cho Tổng thống có cơ hội thú nhận sai lầm của bản thân ông ấy, nếu không tất cả những bằng chứng này sẽ tiếp tục bị đem công bố. Thượng nghị sĩ Sexton chỉ nhìn thoáng tập tài liệu trên tay Gabrielle rồi lầm lũi chui vào trong chiếc Limusine của mình và đi thẳng. Từ lúc ấy đến giờ không ai trông thấy ông ta ở đâu nữa… Lúc này, họ đã đến cửa sau của phòng thông tin, và Gabrielle nghe thấy tiếng ồn ào của cánh báo chí đang nôn nóng chờ đợi ở bên trong. Lần thứ hai trong vòng hai mươi tư giờ đồng ho, cả thế giới lại nóng lòng nghe thông điệp Liên bang thứ hai của Tổng thống. - Tổng thống sẽ nói với họ như thế nào? - Gabrielle hỏi. Herney thở dài, vẻ mặt yẫn rất điểm tĩnh. - Suốt bao năm qua, tôi đã học đi học lại một bài học lớn… - Ông đặt tay lên vai Gabrielle, cười mỉm - Không gì có thể thay thế được sự thật. Gabrielle chợt thấy dạt dào cảm giác tự hào khi nhìn Tổng thống sải bước vào phòng. Zach Herney sắp phải thừa nhận sai lầm lớn nhất trong đời, và kỳ lạ thay, chưa lúc nào cô thấy Tổng thống vĩ đại hơn lúc này. Chưong 133 Rachel tỉnh giấc, căn phòng tối mịt. Đồng hồ treo tường chỉ mười giờ mười bốn phút đêm. Không. Phải giường của cô. Rachel nằm im không nhúc nhích, băn khoăn không hiểu mình đang ở chỗ nào. Rồi mọi sự kiện dần dần hiện lên trong đầu… Vòm magma ngầm dưới nước… Buổi sáng nay ở đài tưởng niệm Washington… Tổng thống mời cả nhóm ở lại trong Nhà Trắng. Mình đang ở trong Nhà Trắng, Rachel nhận ra. Mình đã ngủ suốt cả ngày. Theo lệnh của Tổng thống, chiếc trực thăng của Đội Cứu hộ Bờ biển đã chở Micheal Tolland, Corky Marlison và Rachel Sexton từ đài tưởng niệm Wasinhton về thẳng Nhà Trắng. Họ được chiêu đãi một bữa hết sức thịnh soạn, được các bác sĩ khám cẩn thận, và được chọn bất cứ phòng nào mà họ thích trong số mười bẩy phòng ngủ của Nhà Trắng để phục hồi sức khoẻ. Họ đã nhận lời. Rachel không tin nổi rằng mình đã ngủ suốt từ lúc ấy đến giờ. Cô mở tivi, kinh ngạc thấy Tổng thống Herney đã kết thúc cuộc họp báo. Cả hai nhà khoa học và Rachel đã tỏ ý muốn xuất hiện cùng Tổng thống khi ông công bố trước toàn thế giới sự thật đáng buồn về tảng thiên thạch. Đây là lỗi chung của tất cả chúng ta. Nhưng Herney nhất mực đòi nhận hết trách nhiệm về mình. - Thật đáng buồn, - bình luận viên chính trị đang xuất hiện trên màn hình nói, - rốt cuộc thì NASA không hề phát hiện được bằng chứng về sự sống trên vũ trụ. Đây là lần thứ hai trong vòng một thập niên NASA có những kết luận sai lầm về những tảng thiên thạch mang dấu hiệu về sự sống ngoài trái đất. Tuy nhiên, lần này thì một số nhà khoa học tiếng tăm đã phải chịu trận cùng với họ. - Thường thì, - một nhà phân tích khác tiếp lời - có thể khẳng định rằng một vụ lừa gạt tai tiếng thế này sẽ huỷ hoại toàn bộ sự nghiệp của Tổng thống… Tuy nhiên, xem xét những sự kiện vừa diễn ra sáng nay tại đài tưởng niệm Washington, phải nói là cơ hội tái đắc cử Tổng thống của Zach Herney lúc này đang lớn hơn bao giờ hết. Nhà phân tích kia gật đầu đồng tình: - Tóm lại là không có sự sống trong vũ trụ, nhưng cũng chẳng còn sức sống trong chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Sedgewick Sexton. Lí do là lúc này, khi những thông tin tiếp tục được đưa ra về vấn đề gây quỹ bất hợp pháp của ông Thượng nghị sĩ… Tiếng gõ cửa thu hút sự chú ý của Rachel. Michael, cô hi vọng. Rachel nhanh chóng tắt tivi rồi ra mở cửa phòng. Cô chưa nhìn thấy ông suốt từ sau bữa sáng. Đặt chân vào đến Nhà Trắng, cô chỉ có một khát khao duy nhất - được ngủ trong vòng tay của Michael. Cô biết chắc ông cũng cùng chung khát khao ấy, nhưng Corky đã xía vào. Ông ta nằm chung giường với Michael và thao thao bất tuyệt kể đi kể lại chuyện ông ta đã tự đái vào chân mình. Cuối cùng, vì quá mệt mỏi. - Michael và Rachel đành bỏ cuộc. Mỗi người về một phòng ngủ riêng. Giờ đây, vừa bước tới cánh cửa, Rachel vừa tranh thủ liếc mắt vào gương, và thấy mình ăn mặc quả là kỳ dị. Trong ngăn tủ chỉ có duy nhất một chiếc áo len bó hiệu Pen State. Chiếc áo dài đến gối trở thành áo ngủ của Rachel. Tiếng gõ cửa lại vang lên. Rachel mở cửa, thất vọng thấy chỉ là một nữ nhân viên mật vụ của Nhà Trắng. Cân đối và xinh xắn, cô gái mặc chiếc áo cộc đồng phục màu xanh nước biển. - Thưa cô Sexton, quý ông ở phòng Lincoln nghe tiếng cô mở tivi. Ông ấy nhờ tôi nói với cô là nếu cô thức dậy rồi thì… - Cô gái nhướng mày, ngừng lời, rõ ràng là đêm nay chẳng có vị khác nào tổ chức chiêu đãi ở tầng trên cùng của Nhà Trắng cả… Rachel đỏ mặt, da nóng ran. - Cảm ơn cô. Cô nhân viên mật vụ dẫn Rachel đi dọc theo hành lang được trang trí cực kỳ đẹp mắt, đến bên cánh cửa gỗ giản dị. - Đây là phòng ngủ Lincoln. - Cô gái nói. - Tôi có nhiệm vụ phải đứng canh ở ngoài cửa. Chúc chị ngủ ngon, cẩn thận có ma đấy. Rachel gật đầu. Những huyền thoại về ma trong phòng Lincoln thì ai cũng biết. Người ta kể lại rằng Winston Churchil đã trông thấy bóng ma của Lincoln trong phòng này, và vô số người khác nữa, bao gồm Eleanor Rooservelt, Amy Carter, diễn viên Richard Dreyfuss, và không biết bao nhiêu người quản lý cũng như nhân viên phục vụ. Người ta còn kể rằng cơn chó yêu của Tổng thống Reagan đã sủa hàng tiếng đồng hồ trước cửa căn phòng này. Nghĩ đến hồn ma của những nhân vật lịch sử ấy, Rachel chợt nhận ra căn phòng này linh thiêng biết chừng nào. Đột nhiên cô cảm thấy ngượng ngùng - mặc chiếc áo lùng thùng, chân không, cô chẳng khác gì một nữ sinh năm thứ nhất đại học đang định lẻn vào phòng ngủ của bạn trai. - Có ngại không nhỉ? - Cô thì thào hỏi nữ nhân viên mật vụ. - Đây là phòng ngủ Lincoln cơ mà. Cô nhân viên trẻ nháy mắt tinh nghịch: - Phương châm của chúng em ở tầng này là: Không hỏi gì, và cũng không nói gì cả. Rachel mỉm cười. - Cảm ơn em. Bị kích thích bởi những gì chờ đợi mình sau cánh cửa, Rachel đưa tay định xoay quả đấm. Rachel! Từ tít cuối hành lang, một giọng nói khê khê vang lên đầy hăm hở. Cả Rachel lẫn cô nhân viên mật vụ đều quay lại. Corky Marlinson đang lạch cạch chống nạng tiến lại, lúc này chân ông ta đã được băng bó tử tế - Tôi cũng bị mất ngủ mới hay chứ! Rachel ngồi sụp xuống, có lẽ cuộc hẹn hò bí mật của bọn họ lại sắp tan thành mây khói một lần nữa. Corky đưa mắt nhìn cô nhân viên mật vụ trẻ trung xinh xắn, rồi cười thật tươi: - Tôi rất thích ngắm những cô gái đẹp mặc đồng phục! Cô nhân viên kéo áo khoác ngoài sang một bên, để lộ ra khẩu súng giắt bên mạng sườn. Corky lùi ngay lại. - Đã ngắm sẵn mục tiêu rồi cơ đấy! - Ông ta quay sang hỏi Rachel - Mike cũng thức dậy rồi à? Cô có vào không? - Corky có vẻ rất háo hức muốn được nhập bọn. Rachel rên rỉ: - Corky này, thực ra thì.. - Thưa tiến sĩ Marlinson. - Cô nhân viên mật vụ xen vào, tay rút từ túi áo ra một mẩu giấy. - Theo những chỉ dẫn đã được ghi sẵn trong này, thì ông Tolland lệnh cho tôi phải hộ tống ông xuống nhà bếp, yêu cầu đầu bếp nấu cho ông bất cứ món gì ông muốn, và nhờ ông giải thích thật chi tiết làm thế nào mà ông đã tự bảo vệ được bản thân trước cả đàn cá mập bằng cách… - cô nhân viên trẻ ngừng một lát, làm bộ nhíu mày rồi đọc tiếp - … bằng cách tự tè vào chân mình. Rõ ràng là cô gái vừa đọc lên những lời thần diệu. Corky quẳng ngay cái nạng gỗ xuống đất và quàng tay lên vai cô gái: - Bé yêu, thế thì chúng ta xuống nhà bếp nào. Không nghi ngờ gì nữa, Corky cảm thấy vô cùng sung sướng khi được cô nhân viên mật vụ trẻ dìu đi. - Vấn đề cốt yếu chính là nước giải, - Rachel nghe thấy ông ta đang lớn tiếng giải thích - bởi vì những thuỳ khứu giác của chúng có thể đánh hơi thấy mọi thứ! Vào trong. Rachel nhận thấy phòng Lincoln rất tối. Cô ngạc nhiên thấy giường trống không và nguyên xi chưa ai đụng đến. Chẳng thấy Michael Tolland đâu cả. Một cây đèn dầu cổ đang toả sáng gần chiếc giường, và trong ánh sáng dịu nhẹ của nó, Rachel phải căng mắt mới nhìn thấy tấm thảm Brussel…, chiếc giường bằng gỗ hồng có chạm trổ nổi tiếng… chân dung Marry Todd - phu nhân của Tổng thống Lincoln… và cả chiếc bàn nơi Lincoln đã từng ký Sắc lệnh Giải phóng nô lệ. Đóng cánh cửa sau lưng lại, Rachel thấy bàn chân trần của mình đang dẫm lên trên mặt sàn lạnh. Michael đâu nhỉ? Một ô cửa sổ để ngỏ, tấm rèm lụa trắng đang lay động. Rachel bước tới đóng cửa sổ lại, và những tiếng thì thầm kỳ quái vang lên từ sau tủ cốc chén… Ma…rrr…ry… Rachel quay lại. Ma…rrr…ry…? - Tiếng thì thầm ấy lại vang lên lần nữa. – Có phải cô đấy không? hả Mary Todd Liiiiincoln? Rachel đóng nhanh hai cánh cửa sổ và đến bên tủ đựng cốc chén. Dù biết rõ là không có ma, tim cô vẫn đập thình thịch. "Mike, em biết đấy là anh mà! - Khôooong… - Giọng nói ấy vẫn tiếp tục. Không phải Mike đâu, tôi là Aaaabe. Rachel đứng chống nạnh: - Thật thế sao, hả ngài Abe trung thực? Có tiếng cười khe khẽ. - Abe hơi trung thực một tí,… tôi đây. Lúc này thì cả Rachel cũng cười phá lên. - Cô phải sợợợợ chứ. Phải rất sợ mới đúng chứ! - Tôi không sợ đâu. - Làm ơn sợ chút xíu đi nào… - Giọng nói ấy rên rỉ. Đặc điểm tâm lý của loài người là cảm giác sợ hãi và khoái cảm tình dục có liên hệ trực tiếp với nhau đấy. Rachel cười phá lên. - Đây là ý tưởng của anh để khơi mào đấy à? - Hãy tha lỗi cho tôiiiii… - Giọng nói ấy lại vang lên lần nữa. Đã lâuuuu lắm rồi tôi chưa gần gũi bất cứ phụ nữ nào. - Rõ ràng là thế. - Rachel vừa nói vừa mở tủ đựng cốc chén. Michael Tolland đứng trước mặt cô, đôi môi đỏ cười thật tươi. Ông mặc bộ pijama lụa màu xanh lính thuỷ thật quyến rũ. Trên ngực áo lại còn có cả phù hiệu của Tổng thống nữa. - Quần áo của Tổng thống à? Tolland nhún vai. Tôi tìm thấy trong ngăn kéo tủ. Và em cũng chẳng tìm được gì ngoài chiếc áo len này. - Đáng ra em nên chọn phòng ngủ Lincoln. - Đáng ra anh phải có lời mời chứ! - Anh nghe nói tấm thảm trải sàn này tồi lắm, vải lông ngựa cổ đấy. Tolland nháy mắt tinh nghịch, đưa tay chỉ hộp quà xin xắn trên mặt bàn khảm đá cẩm thạch. - Cái này sẽ đền bù cho sự bất tiện đó. Rachel cảm động: - Dành cho em ư? - Tôi đã nhờ một trợ lý của Tổng thống tìm mua cho em đấy. Vừa mang về đến đây. Em đừng lắc nhé. Rachel cẩn thận mở lớp giấy bọc, nhấc ra một vật nằng nặng. Đó là một hình cầu bằng pha lê, bên trong có hai con cá sần sùi xấu xí màu cam đang bơi lội. Rachel nhìn chăm chú, thất vọng, không hiểu. - Anh đùa phải không Mike? - Helostoma temmincki đấy. - Ông tuyên bố đầy tự hào. - Anh mua cá vàng để tặng em sao? - Loài cá hôn của Trung Hoa cực kỳ hiếm gặp đấy. Vô cùng lãng mạn. - Cá chẳng có gì lãng mạn cả. Mike ạ. - Em thử nói điều đó cho mấy chú cá này nghe xem nào? Chúng sẽ hôn nhau hàng giờ liền cho mà xem. - Lại là một mánh nữa của anh để mào đầu đấy à? - Anh không được lãng mạn lắm. Thôi thì em cho anh điểm thái độ và nỗ lực vậy. - Từ sau trở đi, Mike, nhớ là cá chẳng bao giờ trở thành màn dạo đầu lãng mạn cả. Phải dùng hoa. Tolland chìa ngay ra bó hoa lili trắng từ nãy vẫn giấu sau lưng. - Anh định đi tìm hồng đỏ, - Ông phân trần, - nhưng suýt nữa thì ăn phải mấy phát đạn của cảnh vệ vì định đột nhập vào vườn hồng. Tolland kéo Rachel vào lòng, hít hít mái tóc thơm tho của cô, ông thấy những vết chai sần trong tim sau bao năm cô đơn lập tức mềm dịu lại. Michael hơn nồng nàn, và thân thể nóng ấm của Rachel cũng quấn chặt lấy ông. Bó lili trắng bị buông rơi, Tolland thấy tất cả những bức tường vô hình bao kín trái tim ông từ bao lâu đang tan chảy hết. Bóng ma đã biến mất. Rachel đang đẩy ông từng bước một về phía chiếc giường, nàng thì thầm vào tai ông: - Anh thật sự nghĩ rằng loài cá cũng biết sống đắm say à? - Thật chứ. - Ông vừa đáp vừa hôn Rachel nồng nàn. - Em hãy thử xem nghi lễ tình yêu của loài sứa mà xem. Lãng mạn và say đắm vô cùng. Rachel ấn Tolland nằm ngửa xuống chiếc giường trải đệm vải lông ngựa, thân thể mảnh mai của nàng ép chặt lên người ông. - Và loài cá ngựa… - Tolland nói, ông như tan chảy dưới bàn tay của Rachel đang vuốt về bên ngoài lớp áo pijama lụa. - Lũ cá ngựa…, còn có điệu nhảy tỏ tình tuyệt mĩ vô song. - Nói chuyện cá thế đủ rồi. - Rachel thì thầm, cởi cúc áo pijama của Mike. - Nói em nghe anh biết gì về những nghi thức tình yêu của loài linh trưởng nào. Tolland thở dài. - E rằng loài linh trưởng thì anh lại không hiểu biết lắm. Rachel ném áo len xuống sàn. - Không sao, nhà khoa học tự nhiên ạ. Chắc anh sẽ học nhanh thôi mà. Trên bầu trời Nam Cực, chiếc máy bay vận tải của NASA đang nghiêng hẳn cánh sang một bên. Trên máy bay, Giám đốc Lawrence Ekstrom nhìn lại lần cuối tảng đá khổng lồ bị cháy xém trong khoang hàng. Hãy về với biển, ông thầm nghĩ, nơi chú mày đã được hình thành. Theo lệnh của Ekstrom, người phi công mở cửa khoang hàng thả tảng đá xuống. Hai người chăm chú nhìn tảng đá lớn rơi xuống từ sau thân máy bay, tạo thành một hình cung trên bầu trời chan hoà ánh nắng rồi biến mất dưới cột bọt nước tung lên trắng xoá. Tảng đá khổng lồ chìm rất nhanh. Dưới nước, ở độ sâu một trăm mét, ánh sáng rất yếu, chỉ đủ để tảng đá xù xì hiện lên mờ mờ. Chìm thêm hai trăm mét nữa, tảng đá xuống đến vùng đêm đen vĩnh cửu. Nó tiếp tục rơi xuống rất nhanh. Xuống sâu hơn nữa. Tảng đá cứ tiếp tục chìm sâu xuống trong suốt mười hai phút. Thế rồi, y như một tảng thiên thạch đâm vào nửa tối của Mặt trăng, tảng đá đâm sầm xuống đáy biển đầy bùn, khiến cho bùn bị khuấy tung lên. Giây lát sau, khi bùn đã bắt đầu lắng dần, một trong vô vàn loài sinh vật biển bơi đến để thám thính vật thể lạ kỳ quặc mới xuất hiện. Nó thấy chẳng có gì đáng chú ý, nên bỏ đi ngay. MỤC LỤC Mở đầu Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chưong 133 1 Sadomasochsim (tiếng Anh) - ác dâm (N.D). 2 Smoke - khói; Mirror - gương (N.D) 3 LOBSTER - Lonely Oceanic Biologist Sharing Totally Eccentric Research.